Theo con đường 9 từ thành phố Đông Hà đi lên phía Tây, vượt đèo Rào Quán, đỉnh Trường Sơn ở Khe Sanh là đến Lao Bảo. Nơi đây năm 1622 Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lập Dinh trấn Ai Lao (sau này đổi thành Bảo Trấn Lao) để canh phòng cướp bóc nơi biên thuỳ. Thời điểm đó chỉ toàn là người thượng chiếm đa số, miền xuôi xem đây là một vùng thiêng nước độc, là vùng đất lam sơn chướng khí.
Nhà tù Lao Bảo nơi không giam nổi khát vọng tự do.
Chúng tôi về đây vào một sáng lãng bãng sương khói, từ con đường mang tên một chí sỷ cách mạng đất Quảng Trị - Lê Thế Tiết, bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị, người từng bị giam cầm ở chính nhà Lao này, con đường giờ đây đã được đỗ nhựa thênh thang, những cột đèn vừa mới dựng lên phục vụ dân sinh đứng bên đường như kính cẩn chào đón khách. Từ đường quan đi qua một bãi cỏ xanh mượt là cổng nhà tù, bên phải cổng là bia tưởng niệm nhà cách mạng Hồ Bá Kiện, người con xứ Nghệ đã hi sinh khi tổ chức vượt ngục ở nhà tù Lao Bảo...
Năm 1908 thực dân Pháp chính thức mở đường 9, nâng cấp Bảo Trấn Lao thành nhà tù đế quốc, nơi lưu đày những người yêu nước trên quê hương Quảng Trị và và vùng Trung bộ. Nhà tù nằm bên dòng sông Sepôn, nữa dòng sông bên kia là nước Lào, các dãy nhà lao được nằm khuất dưới những tán cây vông đồng xanh ngắt, vẽ thơ mộng là thế và khắc nghiệt là thế!
Tờ Đông Pháp thời báo số 755 (11.8.1928) có bài về Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn Nôn (Côn Đảo) của Phan Khôi trong đó ông cắt nghĩa hai chữ ‘bị' và ‘được', Hai ông Bửu Đình và Hồ Đắc Hiến ở Lao Bảo được dời vô Côn Nôn chứ không phải bị dời vô Côn Nôn. Bởi vì đày đi Lao Bảo là nơi gần hơn song không có ngày về, còn Côn Nôn là nơi xa hơn nhưng còn có ngày về.
Với khí hậu khắc nghiệt, nạn muỗi rừng, lũ quét cùng với chế độ nhà tù hà khắc như: tra tấn dã man, lao dịch nặng nề; ăn uống tồi tệ, đau ốm không có thuốc men đã hành hạ thể xác con người đến chết dần, chết mòn Tuy nhiên, bất chấp gông cùm, xiềng xích và sự tàn bạo của bọn cai ngục, biến nhà tù thành trường học cách mạng, tôi luyện ý, các thế hệ tù nhân ở đây đã liên tục đấu tranh, nhiều tấm gương hy sinh hết sức oanh liệt khiến kẻ thù khiếp sợ, buộc chúng phải lùi bước, nới lỏng chế độ tù đày.
Gần 40 năm tồn tại, nhà tù Lao Bảo đã giam cầm hàng ngàn chiến sĩ Cộng sản và yêu nước. Trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng chủ chốt, tiêu biểu như: Nguyễn Chí Thanh, Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực, Lê Thế Hiếu, Hồ Bá Kiện, Tố Hữu, Lê Chưởng...
Nơi đây hiện nay đã được xếp hạng di tích Quốc gia theo Quyết định số 154/BVHTT, ngày 25/01/1991 và đã trở thành biểu tượng của ý chí quật cường, khát vọng tự do của người nhân dân. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị quy hoạch dự án đầu tư tôn tạo di tích lịch sử nhà tù Lao Bảo có tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Tương lai đây là một địa điểm du lịch tâm linh của khách thập phương khi đến Lao Bảo mua sắm.
Từ rừng hoang đến phố !
Năm 1975, Quảng Trị được giải phóng 3 năm, khói lửa bom đạn vẫn còn cháy ở đâu đó, người dân huyện Triệu Phong đã theo tiếng gọi của Đảng khai hoang lập ấp. Con đường 9 ngày nào hoang vu đã phủ những ngôi nhà tranh, những nương sắn được mọc lên để giúp dân cầm cự với những ngày đói kém, lương thực được Nhà nước cấp phát vài tháng để hỗ trợ canh tác cũng hết dần. Người dân miền xuôi cũng như người Thượng (dân tộc Pako, Vân Kiều) cũng vào rừng đào củ, kiếm lá về ăn. Trong những ngày khó khăn đó người Kinh và người Thượng đã thể hiện tình cảm như trong câu ca dao: ‘Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn'.
Tưởng những khó khăn ban đầu không thể vượt qua, nhưng với phẩm chất cần cù, chịu khó của những người con của ‘gió Lào cát trắng' đã đi qua lúc trận sốt rét, lũ quét và đói kém biến nơi đây thành một màu xanh của cà phê, hồ tiêu...
Như một phép màu được đánh đổi bằng mồ hôi, như một chút xúc cảm hay lời ‘tiên tri' của nhà thơ Ngô Kha gần 40 năm trước trong những ngày còn khói lửa:
« vì ta phải thấy
và nhất định thấy
ngày kia
một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo
một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây »
Với vị trí đắc địa nằm trên tuyến đường 9, bên kia là cửa khẩu Đensavan của Lào, các nhà hoạch định kinh tế của Việt Nam đã nhận thấy cái tiềm năng trở thành ‘đô thị' vàng của Lao Bảo. Năm 1998 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ra Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ban hành Quy chế "Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo". Tiếp đó, ngày 12/1/2005, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ra Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo và Khu TM Lao Bảo được đổi tên thành Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo với những ưu đãi đặc biệt về cơ chế cũng như chính sách nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực.
Giờ đây, ngoài việc phát triển những rẫy cà phê, tiêu, chuối Lao Bảo đã chuyển mình mang bộ áo mới của ngành dịch vụ và thương mại.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2000-2007, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo đạt 27,5%; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo năm 2007 đạt 1.003 tỷ đồng (tăng gấp 7 lần so với năm 1997); giá trị sản xuất CN-TTCN tăng bình quân 32,5%/năm; dịch vụ tăng bình quân 28,3%/năm; nông-lâm-thủy sản tăng bình quân 14,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ và CN-TTCN trong cơ cấu giá trị sản xuất; tỷ trọng thương mại-dịch vụ từ mức tăng ổn định là 46,5 % trong năm 1999-2005 đã tăng lên mức 56,7% năm 2007.
Trong tương lai Lao Bảo sẽ trở thành thành phố nằm trong hệ thống thành phố động lực cấp I theo Quyết định 24/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi đứng giữa lòng phố xá của một thị trấn sầm uất nơi biên ải mà nhớ về những ngày tháng cách đây gần 20 năm, khi tôi đặt chân đến đất Lao Bảo. Từ rừng hoang đến phố là một thay đổi kỳ diệu, sự kỳ diệu đó là kết quả của mồ hôi và nước mắt của người dân Lao Bảo!
Thị trấn của ô tô và siêu thị
Có người đã từng gán cho Lao Bảo là một thương hiệu rất kiêu và rất ‘nóng': Lao Bảo thành phố của rượu. Điều đó cũng đúng, vì hàng năm Lao Bảo nhập về một lượng rượu rất lớn để tung đi các địa phương khác như lời của Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói khi làm việc tại đây: Lao Bảo nhập rượu về làm gì mà nhiều thế, đưa về để tắm à? Tuy nhiên đó cũng là một cách phê phán nhẹ nhàng để dành riêng cho Lao Bảo. Còn Nhà thơ Phương Xích Lô thì:
Thị xã của em dùng toàn đồ ngoại.
Đến gió thôi cũng xài tới ... gió Lào
Theo tôi, ngoài cái thương hiệu ấy Lao Bảo là thị trấn của ô tô và siêu thị!
Một người bạn từ Đà Nẵng ra đây ‘hứng gió Lào' đã trầm trồ ngạc nhiên về cái thị trấn ...chơi sang của mình, anh ta ngạc nhiên bởi những chiếc xe đắt tiền loại sang và càng ngạc nhiên hơn khi các xe này mang biển kiểm soát: 74 LB..., màu vàng hoặc biển số Lào mà người Việt lái....
Theo chính sách ưu đãi của khu này: Tất cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn được quyền mua 1 đến 2 chiếc ô tô miễn thuế tuỳ theo vốn đầu tư đăng ký của mình. Điều này có nghĩa các ‘đại gia' mua ô tô ở khu Lao Bảo sẽ được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT (2 loại thuế này cũng được trên 80%) và đăng ký biển kiểm soát 74 LB. Ngoài ra, chính sách ưu đãi ô tô của khu kinh tế cửa khẩu Đensavan (Lào) đã khiến cho xe ô tô ở Lào ...rẻ như bèo, người dân Lào nhà nhà có ô tô dù dân họ nghèo, nhà dột vách xiêu! Dân Lao Bảo đã biết nhờ người Lào đứng tên giấy tờ để mua xe ô tô mang biển kiểm soát Lào về đăng ký lưu hành tại khu Lao Bảo.
Ngoài Trung Tâm thương mại Lao Bảo, nơi tập trung gần 200 gian hàng của các hộ kinh doanh tiểu thương, khu Lao Bảo còn có thêm các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng miễn thuế...Với chính sách ưu đãi về thuế, Lao Bảo đã trở thành thiên đường mua sắm. Từ hàng ngoại cho đến hàng Việt chất lượng cao, từ hàng Tàu cho đến hàng Thái Lan, các nước trong khối EU. Tuy nhiên, hiệu ứng ‘siêu thị hoá, trung tâm thương mại hoá' ở Lao Bảo quá dàn trải trong khi chưa có chính sách thu hút khách sẽ làm cho khu này...thừa siêu thị, thiếu khách.
Nếu so sánh tỷ lệ ô tô, siêu thị trên người dân có lẻ khu Lao Bảo đứng đầu Quảng Trị và miền Trung!
Nguyễn Khiêm
Bài do tác giả gởi tặng.