Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 6, 2011

LÊ BÁ LƯ - SÓC BOM BO NGÀY NAY


Đường vào sóc Bom Bo

Từ lâu, tôi ao ước một lần về thăm Bom Bo. Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” bao lần như đã thôi thúc tôi về vùng đất Tây Nguyên này, nơi đã làm nên những huyền thoại trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, với những tiếng hò khoan cùng nhịp đệm chày tay giả gạo nuôi quân, dưới ánh đuốc lồ ô bập bùng trong đêm khuya giữa khu rừng vắng của đồng bào dân tộc.

Toàn cảnh Bom Bo

Từ thị xã Đồng Xoài, đi ô tô ngược theo Quốc lộ 14 về hướng bắc khoảng 60 km, đến ngã 3 Minh Hưng rẻ trái vào con đường liên xã, đi thêm khoảng 7 km, “lên đèo xuống dốc”, băng qua các nương rẫy, những vườn điều, cao su xanh tươi, chúng tôi đã đến địa phận của xã Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Khác với những hình ảnh trong trí tưởng tượng của mình: một buôn làng đồng bào dân tộc, với những ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc và rẫy ngô, rẫy lúa hiền hòa…, sóc Bom Bo hiện ra trước mắt chúng tôi bây giờ đã là một khu đô thị mới sung túc, với các công trình hạ tầng khá hiện đại.

Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh địa bàn, Phó chủ tịch xã Lê Văn Thi đã giới thiệu với chúng tôi những thành tựu sau hơn 10 năm đổi mới của vùng đất này. “Điện, đường, trường, trạm”- nỗi ước mơ bao đời nay của dân làng Bom Bo đã thành hiện thực; không những đầy đủ mà còn được xây dựng kiên cố, chính quy. Gần 90% nhà dân đã có điện thắp sáng, trừ một số hộ đồng bào ở xa trong các nương rẫy.


Một góc Bom Bo
Các lộ giao thông chính trong khu vực đều tráng nhựa; hệ thống trường học từ mẫu giáo đến cấp 3 được xây kiên cố; trong đó ngôi trường mẫu giáo bán trú Vành Khuyên được xây hoành tráng, quy mô, đạt chuẩn quốc gia. Trạm Y tế Quân- Dân y giống như một bệnh viện nhỏ. Trụ sở UBND xã cũng như các trạm bưu điện, chi nhánh ngân hàng, nhà văn hóa, sân vận động… đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Khu chợ tập trung khá lớn, nhộn nhịp kẻ bán người mua. Các nhà máy xay xát lúa, mì, chế biến hạt điều; các dịch vụ sửa chữa điện tử, máy móc, nông cụ đã mọc lên nhiều. Toàn xã có 5 nhà nghỉ cho khách lưu trú. Tiệm tạp hóa, quán ăn, quán cà phê, tiệm internet, uốn tóc, cho thuê đồ cưới…cũng không thiếu ở Bom Bo.










Nhà Văn hóa Bom Bo và một số hiện vật trưng bày

Ấn tượng nhất là Nhà văn hóa Bom Bo khá đồ sộ, có khoảng sân rộng đúc bê tông, nằm trên một khu đồi cao, với những đường nét kiến trúc đặc thù của vùng Tây nguyên, nơi lưu giữ những hình ảnh, vật dụng sinh hoạt truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội của địa phương. Đứng ở Nhà Văn hóa, chúng ta có thể nhìn toàn cảnh xã Bom Bo.

Nằm trên vùng đất đỏ bazan màu mở, sau 36 năm giải phóng, đời sống người dân kể cả người Kinh và đồng bào dân tộc đều đã khá lên. Đi vào các khóm, ấp, không còn thấy một ngôi nhà sàn nào. Các vườn điều, cà phê, tiêu, cao su xanh bạt ngàn. Nhìn những đàn dê, đàn heo “tộc”, gà, ngỗng… chạy rong trong các khu vườn; những cụm hoa khoe sắc trên nhiều lối đi…, tôi thấy cuộc sống người dân Bo Bo thật thanh bình, yên vui trên khuôn mặt của nhiều người dân.


Chợ và khu thương mại

"An toàn thực phẩm để hội nhập quốc tế!"...
Đêm về, Bom Bo sáng bừng ánh điện. Tiếng hò “cắc cùm cum…gạo giả chày tay” và “ đuốc lồ ô bập bùng trong ánh lửa…” chỉ còn trong ký ức xa xưa…
Bí thư đảng ủy xã Bom Bo Trương Quang Khoa, một con người nhiệt tình và hiếu khách. Mặc dù đến không báo trước, Bí thư Khoa cũng đã dành cho chúng tôi buổi làm việc rất trách nhiệm và thú vị.
Từ trái qua: Phó Chủ tịch xã Lê Văn Thi, Bí thư xã Trương Quang Khoa và tác giả



Trẻ em dân tộc STiêng và tác giả

Ông Khoa cho biết, Bom Bo là vùng căn cứ kháng chiến cũ, có 14 đồng bào dân tộc sinh sống, như Stiêng, Tày, Nùng, Dao…. Trong kháng chiến, Bom Bo có tên gọi là “căn cứ nửa lon”, bởi hoàn cảnh lúc bấy giờ khó khăn, mỗi cán bộ, chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được dùng nửa lon gạo ăn để đánh giặc.

Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ

Những năm đầu sau giải phóng Bom Bo vẫn còn rất khó khăn do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan; trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn.

Năm 2000, Bom Bo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời được Chính phủ công nhận là một trong những xã đặc biệt khó khăn và có những chính sách ưu tiên hỗ trợ. Bom Bo đã được trung ương và tỉnh Bình Phước đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo nền tảng phát triển kinh tế xã hội. Với các chương trình, dự án quy mô được triển khai, như: Dự án di dân tự do, Dự án CBRIP (nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó vốn nhà nước đầu tư 95% và nhân dân 5%), Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình điện khí hóa nông thôn, Chương trình xóa đói giảm nghèo; Chương trình 134, 135 và nhiều Chương trình, Dự án khác được triển khai, đã làm thay đổi hẳn bộ mặt sóc Bom Bo. Từ một vùng đất kháng chiến, xa xôi hẻo lánh, nghèo khổ, như “cô Tấm bước ra từ trong quả thị” trong chuyện cổ tích, Bom Bo đã vươn mình trở thành một vùng kinh tế mới trù mật; một khu thị tứ sung túc, văn minh giữa núi rừng Tây nguyên hùng vĩ.


Bom Bo bây giờ đã có hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại…Giao thông thuận lợi, liên lạc viễn thông thông suốt. Các hoạt động y tế, giáo dục đạt những thành tựu đáng kể. Trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ, phụ nữ có thai được chăm sóc y tế thường xuyên; bệnh sốt rét đã bị đẩy lùi…Xã Bom Bo đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về chống mù chữ- phổ cập giáo dục tiểu học. 97,7% người dân Bom Bo trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận biết chữ… Những tập quán lạc hậu mất dần, nếp sống văn minh của người dân không ngừng được nâng cao. Phần đông đồng bào người Kinh cũng như đồng bào các dân tộc đều đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao và ngăn ngừa dịch bệnh trên địa bàn.

Điều- cây công nghiệp chiếm 70% diện tích Bom Bo

Với diện tích 11.200 ha và số dân hiện nay gần 13.000 người, trong đó có gần 40% là đồng bào các dân tộc. Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, từ môt vùng đất được coi là khó khăn nhất nước, Bom Bo đã không ngừng phát triển vươn lên; trở thành một trung tâm giao dịch thương mại- dịch vụ khu vực.

Trước năm 2000, thu nhập bình quân đầu người ở đây khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/năm, đến nay đã lên đến 14 triệu đống. Bom Bo không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn khoảng 3%.

Trãng cỏ Bù Lạch- một điểm du lịch của huyện Bù Đăng

Cùng với tập trung xây dựng phát triển kinh tế xã hội, đảng ủy và chính quyền Bom Bo đã làm tốt công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội địa bàn. Đặc biệt là củng cố và tăng cường tình đoàn kết, yêu thương, đùm bọc giữa các đồng bào dân tộc anh em, cùng nhau hợp sức xây dựng Bom Bo ngày càng thanh bình, thịnh vượng./.
Lê Bá Lư (TTXVN)
READ MORE - LÊ BÁ LƯ - SÓC BOM BO NGÀY NAY