Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, November 3, 2017

GÃ GÀN - Truyện ngắn nhân ngày 20/11 của Lê Hứa Huyền Trân



GÃ GÀN
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân

               
                Có bao giờ bạn nghe về một gã gàn mà làm một thầy giáo chưa? Hẳn là chưa nhỉ? Vậy có bao giờ bạn nghe về một gã gàn mà muốn được làm thầy giáo chưa? Chuyện đó hẳn là chuyện thường rồi, và có lẽ bởi vì tôi quen một người như hắn nên trong tâm trí tôi lúc ấy mọi gã thầy trên đời này hẳn đều gàn dở, vì ngay cả một kẻ gàn như gã mà được làm thầy thì ai mà làm thầy chẳng được?               
 Gã là thằng bạn chí thân của tôi kể từ ngày hai đứa tôi còn đỏ hỏn, rồi cái mối quan hệ thân sinh cũng thân thiết với nhau thì cứ phải nói tôi với gã thân thiết chí chóe suốt cả ngày. Gã có giấc mơ sư phạm từ hồi còn nhỏ, chẳng lí tưởng cao xa như mang lại lớp học cho trẻ em nghèo khó hay vâng lời cha mẹ đi đúng con đường…, chỉ đơn giản là gã muốn được làm thầy, muốn được “dạy đời" thiên hạ. Nghe thì có vẻ gã có vẻ xấu, nhưng kì thực cũng bởi một phần tính gã vốn thẳng, mà ở cái xã hội như giờ, chẳng còn những hiệp sĩ như trong mấy phim kiếm hiệp mà má gã hay coi đi cứu nguy độ thế nên gã muốn thay người lớn sau này trừng trị những kẻ ức hiếp người khác mà thôi. Được cái, gã khác người, khác ở chỗ hễ gã muốn làm gì là gã sẽ làm cho kì được, và một khi gã hạ quyết tâm thì đừng nói là tốn bao nhiêu năm, và gặp phải thất bại như thế nào gã cũng sẽ không bỏ cuộc giữa chừng. Xét cho cùng một người như gã, cũng giỏi, cũng có chí hướng, nếu làm thầy ở một trường làng thì cũng không có gì là quá.                
Cái “tích gàn” của gã bắt nguồn từ cái lối suy nghĩ của gã. Tôi nhớ ngày hai đứa còn nhỏ, hay để dành tiền ăn sáng để đi ra đầu làng thuê mấy cuốn truyện tranh từ cái tiệm sách mới mở rồi lăn vô ụ rơm mà đọc, gã đã hay nói những câu dở người. Đang đọc truyện thế nào gã lại hỏi:
-Nếu được làm một vị thần mày thích làm thần nào?
-Tao á? Thần lửa, oai phong lẫm lẫm, không thì thần sấm cũng được, tao sẽ cho phóng sét xuống hết lũ thằng Di dám đánh tao hôm bữa.
-Thế á? Tao lại muốn làm tử thần.
-Kinh! Mày thích “đoạt mạng” người ta thế á?
-Không, vì tao thấy ông ấy là một vị thần tội nghiệp. Chẳng đau khổ nào hơn nhìn cảnh chia ly, mà cảnh đó lại do chính tay mình làm.
Thế đấy, một thằng nhóc mới tám tuổi đầu lại đi “cám cảnh” truyện tranh về một thế giới giả định nào đó mà một con người tự tạo ra. Lớn lên một chút gã lại có cái sở thích dở người hơn: gã thích đóng cảnh một người nghèo. Nhà gã không giàu nhưng cũng đủ sống, đủ tiền trang trải cho cả mấy anh chị gã lên phố học. Ngày đó ở quê tôi mà được lên phố học nghĩa là nhà đó dư dả lắm rồi. Thế nhưng những năm cuối cấp hai gã lại học đòi đi làm thêm, tí tuổi đầu, gã đã theo bác Ni xóm trên đi chở gạch, khuân bê như người phu thứ thiệt, hí hửng dắt tôi đi ăn kem vì vài đồng lương còm cõi thậm chí không bằng tiền tiêu vặt mà mẹ gã cho.
-Mẹ mày mà biết là nọc mày ra đánh chết. Ăn sung mặc sướng không chịu tự nhiên đi phu.
-Tự nhiên hôm qua tao đọc được cuốn sách kia, tao thấy ông tác giả sao trải nghiệm hay thật, muốn viết được như vậy hẳn cũng trải nghiệm dữ lắm. Nên tao đi làm thử.    
Chỉ đơn giản là gã muốn thử cái cảm giác như người ta mà thôi. Đọc một cuốn sách thay vì khâm phục tác giả có thể tưởng tượng ra nội dung gã lại muốn trải nghiệm cái cảm giác đó hơn. Rồi gã học sư phạm thật, tốt nghiệp và được làm một thầy giáo làng thật. Sinh viên sư phạm thì ra làm thầy giáo, cái đó chẳng có gì đáng nói, nhưng ở cái làng mà một “ông giáo” mang tiếng gàn đi dạy thì mấy ai mà đi học. Tốt nghiệp trường trên phố với tấm bằng giỏi hẳn hoi, gã được giữ lại trường, nhưng gã lại từ chối rồi về cái xóm nhỏ mà gã lớn lên để xin việc. Mấy ai được bằng giỏi mà về lại chốn quê nên cái trường làng vỏn vẹn ba bốn lớp nhận được đơn của gã mừng húm, vội phân công dạy mấy lớp liền. Có điều với cái lối suy nghĩ khác người từ nhỏ của gã thì xóm này ai cũng thấu nên dẫu dân quê vốn không kén chọn cũng bắt đầu học đòi những nhà trên phố đi lựa thầy. Ban đầu người ta kiến nghị đổi thầy, trường thiếu người phải giải thích dữ lắm, sau, không đổi được họ cho con nghỉ hết để ra điều kiện. Gã lại bắt đầu như một ông thầy mất việc. Tôi cám cảnh:
Mày giỏi nhưng ai biết được đâu, thôi quay lại trường cho rồi. Làm ở trường đại học vừa oách mà vừa xứng tài, có tương lai hơn mấy cái trường này.
Nói thế đâu được, mục đích ngày xưa tao đi học chỉ để về đây dạy, chưa làm được thì tao không muốn bỏ.
Nói thế mà gã không bỏ thật, gã đi từng nhà vận động học. Nhà nào đưa ra lí do bận việc đồng áng người ta làm không xuể thì gã xắn tay vào làm phụ, nhà nào lấy lí do thiếu tiền không có tiền học thì gã lại làm đơn xin trường miễn giảm… thậm chí có nhà chê bai học thức của gã, gã chỉ cười:
-Hồi nhỏ thì cháu gàn thật nhưng nay thì không chắc đâu ạ, hay bác cứ để con bác học hai ba hôm, nếu nó quyết định nghỉ thì cháu không cản.  Ý thế mà chẳng ai bỏ được gã một khi đã được gã dạy. Dần dần cái xóm nhỏ, nghe gã vận động dữ quá cũng cho vài đứa đi học lại, rồi tiếng nọ đồn tiếng kia, bảo gã dạy được lắm, lại nhiệt tình chứ không cà rù như mấy thầy cô dạy buồn ngủ, mấy đứa nhỏ lại ham đi học cho bằng bạn bằng bè thế là vòi ba mẹ cho đi học lại. Thế là trường chẳng mấy chốc mà lại kín người, cái hay của thôn quê là thế: cứ một đồn mười là chỉ một tiếng tốt cũng lan đi xa. Mà tôi công nhận gã cũng nhiệt tình và biết lắng nghe học sinh nên nhiều học sinh hay tâm sự với gã, nói một lần là gã nhớ. Như có cô bé bữa trước khóc tu tu trên lớp vì mẹ bệnh, hôm sau đi học đã nghe gã hỏi thăm: "Thế mẹ em thế nào rồi? Đỡ chưa?” làm cô bé thấy mình được quan tâm đứng giữa sân khóc òa. Hay như mấy đứa con trai vốn quậy đánh nhau ù té, trầy lên trầy xuống. Lũ nhóc vốn vô tâm cứ để vết thương thành thẹo, gã lại đi tìm mua được hộp dầu bắt đè đầu ra xức:
-Này mấy anh nhóc, chẳng phải có thẹo là chiến tích lẫy lừng đâu nhé. Bây giờ thì mấy anh hãnh diện, rồi sau này mà lớn lên, muốn mấy cô theo mà mấy cô thấy mấy anh toàn thẹo thọ thì có mà chạy đằng trời.
Bông đùa là thế nhưng mấy anh nhóc lại nghe theo thật. Rồi chuyện gia đình học sinh như thế nào, gã đều lắng nghe và nhớ để nếu trong khả năng có thể gã có thể giúp đỡ. Giống như hồi nhỏ, khi cái gàn của gã là cứ thích sống trong hoàn cảnh của người ta, thì nay, có lẽ vì hiểu được hoàn cảnh ấy nên gã càng nhiệt tình.           
Cách dạy học của gã cũng như vậy, đâu dễ gì được bằng giỏi rồi được giữ lại trường, gã dạy học sinh không phải bằng cách tiếp nhận của một người ở lứa tuổi của gã mà ở vị thế của chúng, để có thể dạy chúng cách tiếp thu tốt nhất. Cách dạy đó đôi khi rất mệt với gã vì giống như phải “thâm nhập” vào đầu óc của chúng nhưng lại giúp biết chúng nghĩ gì và cảm nhận gì. Xét cho cùng, với một thầy giáo dạy văn như gã, đó vẫn là cách tốt nhất. Và với phần lớn những người học văn bây giờ, khi tất cả văn chương đều chỉ theo khuôn mẫu thiếu tính sáng tạo thì việc khơi gợi trí óc học sinh là điều cần thiết.           
Rồi tôi bắt đầu bận rộn với cuộc sống riêng, đi công tác biền biệt ít về làng, không còn theo dõi gã gàn năm đó của tôi sống như thế nào nữa, cho tới ngày chắc cũng độ chừng mấy năm sau tôi về lại thăm quê, tôi lại gặp gã. Gã vẫn thế có điều trên mũi bắt đầu sắm thêm cặp kính cận dày cộp trí thức. Sau lưng gã có đeo theo một đứa nhỏ trong khi gã cứ như một gã tài tử đang ngồi ghế đẩu đọc kính giữa sân.
-Chào thầy giáo, mới không gặp mấy năm mà khác quắt nhỉ? Ra dáng giáo viên hơn rồi đấy!
Gã nhìn thấy tôi mừng rỡ, rồi nhẹ nhàng kéo tay đứa nhỏ ra, hớt hải chạy lại:
-Gớm, mày đi đâu mấy năm biền biệt giờ lại về? Khổ, ra dáng gì cho cam, đọc sách miết nó cận mày ạ
-Ủa thằng cu nào thế? Con mày à? Cưới hồi nào? Chẳng thấy thiệp!
-Nào phải, đứa học sinh. Trường mới mở thêm lớp, nó cứ hay sang chơi.
Tôi đứng tần ngần. Đây có phải cái gã gàn suốt ngày huyên thuyên những điều khó hiểu đấy không,  nay nó đã làm thầy và được nhà trường tin tưởng giao cho nhiều lớp hơn. Thậm chí nhìn cái cách mà học sinh ôm lấy hắn, nhìn cái cách hắn ân cần với chúng tự nhiên thấy vai trò của một người thầy mà theo như cái cách gã gàn ấy hiểu thấy ấm áp vô cùng. Đương ngồi buổi trà với gã đột nhiên gã bật dậy:
-Thôi chết, cơm trưa, mày ở lại ăn với tao nhé?
Bỗng từ đâu có tiếng với tới:
-Thầy, thầy! Lại nhà em nhé, bố em có phần thầy mớ rau lang sáng mới đào.
Gã bật cười “ơi” một tiếng rõ to rồi kéo tay tôi:
-Cứ quên mãi, lơ đãng lắm. May được phụ huynh thương rồi thi thoảng cho mớ rau, con cá. Ở quê mà, tình làng nghĩa xóm.
Có vẻ gã gàn của tôi không chỉ được học sinh thương mà còn được bậc cha mẹ tin tưởng. Thực không biết gã đã làm như thế nào nhưng đột nhiên tôi lại thấy tự hào về gã. Nghĩ gì tự nhiên tôi quay ra trêu gã:
-Thế có ai gọi mày là thấy giáo gàn không?
Cả hai đưa bật cười. 

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
READ MORE - GÃ GÀN - Truyện ngắn nhân ngày 20/11 của Lê Hứa Huyền Trân

LA THỤY: TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện.


Bút hiệu :  LA THUỴ            
Tên thật :   Đoàn Minh Phú
Nghề nghiệp: Dạy học (vừa nghỉ hưu)
Hội viên Hội VHNT Bình Thuận.
Tác phẩm đã in Thơ Đời Ngân Vọng – NXB Văn Học 2014
Những tác phẩm đã in chung:
Tác Giả Thơ Việt Nam Đương Đại – NXB Thanh niên 2009 – Hoàng Hương Trang chủ biên
Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập II) –NXB Văn Nghệ 2009 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập III) –NXB Văn Nghệ 2010 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
Thơ Hay Ba Miền – NXB Văn Học 2008 do BBT Thơ Hay Ba Miền chủ biên
In chung trong nhiều tuyển tập thơ khác

LA THỤY: TÁC PHẨM TÁC GIẢ
      M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện.

Nói tới Quảng Trị là nói tới cái sự Kim Kiếm Điêu Linh vô cùng vĩ đại và gian khổ, sau cái Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 thì bà con ngoài Miềng ai còn sống sót thì lặng lẽ ra đi, kẻ tạm cư ở Sơn Chà "bãi biển Mỹ Khê trong Đà Nẵng" kế đến năm 1973 thì theo đoàn khai hoang lập ấp ở Hàm Tân Bình Tuy [ Phan Thiết Bình Thuận bây giờ ], người thì đi lên Di Linh Lâm Đồng Bảo Lộc, kẻ thì đi thẳng tới Phước Hải, Phước Tuy Bà Rịa , rồi Biên Hòa Đồng Nai, sau 1975  thì đi lên cả Buôn Mê Thuột, Gia Lai, Kon Tum, người thì đi Kinh Tế Mới Cà Tum, Đồng Ban, tỉnh Tây Ninh, y chang thơ của nhà thơ Vĩ Đại Hạc Thành Hoa :

          Năm ngón chân phía trước
          không ngón nào phía sau ?
          sao có người xuôi ngược
          suốt một đời lao đao ?

Ở chốn quê hương mới Lagi Hàm Tân này, có hai người là đồng môn đồng khoai (cùng trường), "đồng hương đồng khói (cùng làng) với người viết bài này là Trần Minh Tạc cùng lớp, năm đệ ngũ niên khóa 1956-1957 tốt nghiệp ngành Sư Phạm Giáo Hòn, còn nhà thơ La Thụy thì sau 1975 tốt nghiệp thành Giáo Viên, bây giờ sống gọi là Thầy Giáo, mơi mốt thác thành Ma Giáo... Phan Thiết "Bình Thuận" tên cũ của đế quốc Champa là Panduranga thành lũy cuối cùng của dân tộc Chăm, nơi mà quy tụ tất cả các thân vương quý tộc của 4 dòng họ vua Ung Ma Trà Chế để chơi ván bài chót với người bạn kết nghĩa láng giềng là Đại Việt, ôi Lịch Sử cũng chả nên phê phán mà làm cái gì ?  Cũng chỉ bắt chước nhà Nho Ngô Thời Nhiệm than lên rằng thì là :
"gặp thời thế, thế thời, phải thế ? "
Và thơ của nhà thơ Đương Đại La Thụy viết cái gì ?

            Lâng lâng tình đang lên khơi
            Hồ xừ xang lòng chơi vơi canh dài
                                             (Hồ Cầm)

            Chồn chân dừng bước bên cầu
            lặng nhìn nước chảy nuối màu tóc xưa
            cánh buồm lộng gió ước mơ
            băng qua sông biển cập bờ nơi nao?
                                    (Tự cảm cuối năm)

            Nghiêng chiều rót mãi thơ buồn rụng
            dốc nắng lắng hoài mộng đẹp qua
            chếnh choáng mạch sầu càng ứ đọng
            hoàng hôn bảng lảng chạnh lòng ta.
                                            (Chạnh lòng)

Nói theo nhà văn Duyên Anh, nhà văn thuộc vào loại "Tiền Đương Đại" thì những câu thơ của nhà thơ La Thụy được liệt vào loại Thơ Tuyệt Cú Mèo, câu thơ nào cũng hay câu thơ nào cũng tuyệt, chữ cũng mới mẻ và tài tình, trau chuốt nữa. Ngoài Miềng tức Châu Ô cận lục (Phủ Hải Lăng), Doanh Quảng Trị là một trong Ngũ Quảng thời vua Gia Long, bây giờ là Quảng Trị, văn tài võ tướng cũng khá nhiều, anh hùng hào kiệt cũng lắm lắm, người viết chỉ biết chút đỉnh về bộ môn Văn Chương Nghệ Thuật, những bộ môn khác không dám lạm bàn tới, thời tiền chiến thì có Nhà Thơ Nhà Giáo Phan Văn Dật người Đạo Đầu, nơi đây còn có Nhạc Sĩ Nguyễn Hữu Ba, hai danh tài của  Quảng Trị, sau năm 1954 thì có nhà thơ Vân Sơn Phan Mỹ Trúc gọi thi sĩ Phan văn Dật là chú, và nhà thơ Phan Phụng Thạch gọi thi sĩ Phan văn Dật là bác, đến gần năm 1960 thì có các anh như Tuệ Chương Hoàng Long Hải, anh Lê Đình Cương chú (tức nhà thơ Linh Diệu), anh Lê Đình Học cháu tức nhà biên khảo Khúc A Đình, rồi Thạch Nhân Trần Đình Bé, Vàng Hà Nội Đặng Sĩ Tịnh, Triều Sao Dại Nguyễn Hoàng Đoan cũng đã trở thành những nhà thơ Tiền Đương Đại (có nghĩa là đã về bên kia thế giới mà sáng tác thơ văn) còn người viết bài Tác Phẩm Tác Giả này và nhà thơ Lừng danh số một Sương Biên Thuỳ [Tức Lê Mai Lĩnh Lê Văn Chính] cũng đang trên con đường "đang sống chuyển qua từ trần" chưa biết ra đi ngày nào ? Hiện đang ngồi trên Niết Ghế, mơi mốt thác rồi thì leo lên Niết Bàn "tức bàn thờ mà ngồi".

            vọng âm tiếng khóc sơ khai
            mênh mang tro bụi cõi người hoá thân
                                                      (Thụy du)
            xa xăm nhòa ánh trăng rằm
            niềm đau đan phủ bụi lầm xác thân
                                  (Rong ruổi trời say)

Kẻ viết là người cùng lớp với Phan Phụng Thạch, Đoàn Minh, người trước là thầy của La Thụy, người sau là chú ruột của nhà thơ La Thụy (tức Đoàn Minh Phú). Năm nay kẻ viết bài này cũng đã 76 tuổi rồi ? Chắc nay mai cũng phiêu diêu miền cực lạc, về làm thơ Xướng họa với Thạch Nhân, Phan Phụng Thạch, Đặng Sĩ Tịnh, xin có lời ngợi ca La Thụy "hậu sinh khả úy " gắng lên các bạn, vừa làm thơ vừa ngâm thơ, sao mà người ngoài xứ Miềng nhiều tài đến như thế ? 
 Bài viết mang tính cách cục bộ kỷ niệm giữa cá nhân với nhau, không có tính cách khách quan văn học văn hiếc gì cả ? Mọi sự khen chê hoàn toàn do cảm tính địa phương chủ quan.

                               M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện


SAU ĐÂY LÀ PHẦN TRÍCH DẪN THƠ LA THỤY:

HỒ CẦM
Vang đêm thanh hồ cầm ngân
Trăng ngà giăng tơ cung trầm buông lơi
Lâng lâng tình đang lên khơi
Hồ, xừ, xang… lòng chơi vơi canh dài.
Mơ hồ hồn xưa liêu trai
Mồ thu hoang vu chừ ai u hoài
Vương mang chi, đàn ngân dài
Lưu dư hương… ồ trang đài về đâu!
Tương tư sao, đàn dâng sầu
Say men nồng hay say màu thời gian
Vời chân mây, nhòa non ngàn
Bâng khuâng heo may, mơ màng hơi thu.
Ai phiêu diêu trong sương mù
Người muôn năm… từ thâm u quay về.
Trần gian kia còn si mê?
Hồ cầm cao cung, thương hề niềm xưa
Rơi rưng rưng từng âm thừa
Sao trời lung linh đường tơ chìm dần.
  
THÙY HIÊN

Chiều tàn sương lung linh
Vườn hồng mơ chim xanh
Thùy Hiên, em trong vườn
Bừng lòng bao là thương.

Môi hồng gieo buồn vương
Mơ hồ chờ anh hôn
Lâng lâng và chơi vơi
Yêu em không còn lời.

Hồn chiều in lên mi
Thuyền tình xuôi mây đi
Ồ nàng hay sao trời
Thiên hà hay trùng khơi?

Hồn anh dâng bâng khuâng
Đàn lòng sao ngân vang
Cung trầm rung miên man
Lời trên môi thì thầm.

Lời chiều muôn năm xưa
Òa tràn trăm sông thơ
Mênh mang tà huy bay
Thùy Hiên vàng trăng gầy.

NGÀY CÁ THÁNG TƯ

Anh rất yêu em
Mong rằng biển cứ xanh
Và CÁ mãi cứ tươi
Trong tháng TƯ ngày MỒNG MỘT
Để chúng ta được nói dối ngọt ngào.

Không ai phải hờn ghen giận dỗi
Dù là chồng em hay vợ anh – cũng thế
Dù thật sự
Có những phút ngoại vợ ngoại chồng
Mà hình như ai cũng có
Ngay nhà thơ Thuận Hữu
Chắc cũng đắn đo
Khi viết ra điều đó!

Anh lại nói to cùng hoàng hôn
Anh yêu em hơn nữa kia nhé!
Dù gió có chuyển lời tình tự
Hay mây mang lời giận dỗi
Dù mưa nắng thất thường
Như tính tình em
Yêu giận ghen hờn
Đổi thay từng buổi.

Anh xót lòng vì hôm nay
"Em buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận
Sao chẳng là nước biển"*
Như thơ Nguyên Sa anh thuộc.

May rằng CÁ không ươn
Vì ngày MỒNG MỘT tháng TƯ
Không đòi lỗi chuộc
Khi mọi người đua nhau nói dối.
*Thơ Nguyên Sa

TỰ CẢM CUỐI NĂM

 Dặm trường rong ruổi ngựa phi           
Thời gian vút cánh xuân thì hụt hao
Chồn chân dừng bước bên cầu
 Lặng nhìn nước chảy nuối màu tóc xưa
 Cánh buồm lộng gió ước mơ
 Băng qua sông biển cập bờ nơi nao ?
 Vọng âm sóng vỗ dạt dào
 Bên chiều đông tận nắng đào dần phai
 Hoa tóc sương muối đang cài
 Tàn niên tự cảm thoảng bay tiếng lòng 

THỤY DU

Ta,
Gã mù huơ gậy đồi hoang
Sờ soạng từng dấu chân.
Soãi bước
Thụy du nhẹ nâng gót
Giữa thẳm đen chừng đang lóe chớp
Cánh chim hồn chấp chới
Tiềm thức mịt mù sóng bủa
Vọng về trong hư ảo
Rờn rợn tiếng hú hoang sơ
Khắc khoải uất u của vượn người xưa cũ.

Hồn thiêng sơn dã gọi bình nguyên
Vạn năm thẳm đọng triền miên mộng dài
Vọng âm tiếng khóc sơ khai
Mênh mang tro bụi cõi người hóa thân.
Hồng hoang - Đương đại
Vượn với Người
Hồn liệng chung chiêng.

RONG RUỔI TRỜI SAY

Sầu dâng phủ giấc muộn phiền
Hồn hoang nghẽn lối tìm quên trăng vàng
Sáng ra mình mãi lang thang
U uất mấy nhịp cơ hàn ai hay.
Chừ đây tay vẫn trắng tay
Phú sao tưởng mộng ăn mày vu vơ
Ngửa tay nếm chút dại khờ
Dìu nhau bạn hữu vài giờ lất lây.
Thanh bần hằn vết chua cay 
Ô hay trôi mất chân mây mộng đời
Mạch sầu hiu hắt làn môi
Đẫm thơm men rượu, dệt lời thơ bay.
Thả hồn rong ruổi trời say
Nghênh ngang gõ nhịp hao gầy tháng năm
Xa xăm nhòa ánh trăng rằm
Niềm đau đan phủ bụi lầm xác thân. 
Chừ cho trái đất xoay vần
Trong ta tuôn chảy vô ngần bơ vơ.
                                     1988
(Cùng Hoàng Hữu Bản nối vần trong cơn say)

TRANH TỐ NỮ

Người đứng đó vai gầy tóc liễu rủ
Môi bồng bềnh chao cánh võng nghiêng lơi
Mắt thẳm đọng sóng hồ thu nhẹ vỗ
Chớm u hoài mộng tỏa vút ngàn khơi.

Thân đọng gió lung linh ngàn phấn bướm
Dưới sương mờ diễm ảo nét mi lay
Xiêm áo mỏng ủ men tình thắm đượm
Tiếng hồ cầm huyền hoặc dáng liêu trai.

Ta níu mộng để lòng hoài phơi mở
Thoáng ơ thờ, tình vẫn mãi đong đưa
Trăng xế bóng, thời gian đành hẹn lỡ
Cung tơ trầm đồng vọng nuối âm thừa.

CUỐI NĂM ÂM LỊCH
(Cảm đề thơ Đá Ngây Ngô)

Xuân về lâng lâng nào nhờ gió chở
Đáy cốc vênh hay rượu ngấm ngã nghiêng
Thèm trái cấm lòng vướng bận nghiệp duyên
Loan phụng múa tình ai đang khép mở.

Mắt xanh trắng tri âm còn níu mộng
Bến xuân ơi lưu luyến cõi trời xưa
Sương khói phủ bâng khuâng xuân không mùa
Thầm nguyện ước cho nguồn yêu mở rộng.

Ngọn nến ấy lung linh trời ảo diệu
Hương xưa nào thoang thoảng ủ tình mơ
Để ngây ngất tình tràn thơm men rượu
Hào sảng cười đồng vọng đá ngây ngô.
                  
 CHẠNH LÒNG

Hoàng hôn bảng lảng chạnh lòng ta
Chung rượu đầy vơi đượm bóng tà
Tráng khí ngày nao dường úa lạnh
Hùng tâm thuở ấy chợt trôi xa.
Nghiêng chiều rót mãi: thơ buồn rụng
Dốc nắng hứng hoài: mộng đẹp qua
Chếnh choáng mạch sầu càng ứ đọng
Hoàng hôn bảng lảng chạnh lòng ta.

                                     LA THỤY

READ MORE - LA THỤY: TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện.

ĐÃ VÌ ANH - Thơ Trương Thị Thanh Tâm



Đã Vì Anh
             
Hãy trả cho tôi những giọt nước mắt
Đã vì anh mà rơi xuống không nguôi
Đã vì anh mà không tiếc điều gì
Đã vì anh và rất sợ phân ly!

Đã vì anh mà đêm ngày không ngủ
Đã vì anh chiếc gối đẫm như sương
Đêm trăn trở gọi anh qua tiếng nấc
Tình yêu nào cố giữ để không buông!

Nếu không gặp tôi sợ mình nuối tiếc
Một tình cờ, hay vay nợ trả nhau?
Ta đã có... Dựa vào mà yêu dấu
Đừng rời xa, dù bất chợt ngủ vùi!

            Trương Thị Thanh Tâm

                         Mỹ Tho
READ MORE - ĐÃ VÌ ANH - Thơ Trương Thị Thanh Tâm

NGÀY BÁO HIẾU (Kỳ 1) - truyện ngắn Phan Minh Châu

  
                           
Tác gỉa Phan Minh Châu
          
                     
     Ông Tư vốn là một thương gia nổi tiếng và là người giàu nhất trong vùng.Thời trai trẻ ông làm đủ thứ nghề và kinh doanh đủ kiểu. Ông làm đâu thắng đó, ít bao giờ thất bại. Năm mươi năm tích có, ông đã có một gia tài khổng lồ, nhà cửa thì mấy mươi cái, xe hơi đôi ba chục chiếc, ruộng lúa thì cò bay thẳng cánh, cuộc sống trong gia đình sung túc và thừa mứa. Ông quyết định về hưu, nghĩa là không làm nữa, ông nghĩ rằng ở tuổi này ông hưởng thụ là được rồi. Ông có tất cả mười người con, trai gái đầy đủ, đứa nào cũng đã có gia đình nhưng không biết làm ăn, tất cả đều một tay ông nuôi nấng.Vợ ông qua đời cũng đã mấy năm nay, ông cảm thấy buồn và muốn đi chu du đây đó, ông khát khao muốn tìm về những người bạn cũ, những người cùng một thời khố rách áo ôm, ông quyết định tập trung con cái lại và chia gia tài cho tụi nó.
    Sáng hôm nay trùng vào ngày chủ nhật, ai cũng rãnh rang, dâu con và cả rể, ông kêu bọn chúng lại và nói rõ tâm nguyện của mình. Đứa nào đứa nấy đều phấn khởi ra mặt, nhìn những bộ mặt hau háu chờ chia tài sản của bọn nó ông bỗng tủi thân và đâm ghét cái đám con vô tích sự của mình. Ông chưa có một ngày hạnh phúc, mọi việc trong nhà đều có người phục dịch, những lúc ông bịnh hoạn ốm đau đều phải nhờ người giúp việc. Trong những lúc ông mang trọng bịnh, mấy đứa con của ông chỉ lướt qua đôi chút và hỏi han qua loa cho có chuyện. Đôi lúc ông   tủi thân, muốn bán mớ gia tài kếch sù và tìm đến một nơi thật xa để sống một cuộc dời ẩn dật, nhưng vì thương con, nước mắt bao giờ cũng chảy xuống, ông không bỏ bọn chúng được, phận làm cha làm mẹ nhắc nhở ông phải làm tròn trách nhiệm với con cái. Sau khi đám con ông đã tập trung đầy đủ, ông quyết định chia đều số tài sản cho bọn chúng và không giữ lại thứ gì. Phân chia xong, ông kêu thằng con trai trưởng đến dặn dò đôi điều rồi quyết định ra đi, nhưng trước khi đi, ông muốn ở với thằng con trai lớn một thời gian để chuẩn bị một số công việc cho bạn bè và bà con, chòm xóm. Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã gần một năm, ông cảm thấy mình đã già thật sự, ở không thì cũng buồn, tiền bạc thì ông đã giao hết cho bọn nó. Tính đến nay ông đã ngót nghét gần bảy mươi rồi. Ông lấy vợ năm mười bảy tuổi,vợ ông là một người đàn bà hiền thục, đảm đang, sống với bà ấy đã để lại nơi ông nhiều cảm thương và tình yêu sâu sắc. Đôi lúc ông muốn bước đi thêm bước nữa nhưng lại sợ gặp phải người đàn bà không ra gì, nên thôi.Trong thời gian gần đây, ông để ý thấy hình như vợ chồng thằng con trai lớn không màng đến ông nữa, mỗi buổi sáng ông đói thắt ruột mà có thấy đứa nào hỏi han đâu, mỗi bữa cơm chúng dọn cho ông chút đỉnh, nhìn mâm cơm nguội lạnh với chút đồ ăn thừa bọn chúng mới ăn xong, ông đâm ra ngao ngán. Ông buồn chán, những giọt nước mắt bỗng nhiên chảy ra và tràn xuống hai gò má khô khốc, ông bật khóc thật sự. Nhìn lại ngôi nhà lần cuối, cố gom lại bao kỷ niệm nơi căn nhà cũ, nơi ông đã xây dựng gần năm mươi năm và bây giờ để lại cho thằng con trai lớn, ông quyết định ra đi, đi đâu thì ông chưa biết được, nhưng phải đi, không thể cứ ở mãi nơi này để chịu sự khinh khi và ruồng rẫy của vợ chồng thằng con trai lớn. Ông gom quần áo và một số tư trang cần thiết, không có tiền, ông đâm ra lúng túng thật sự.
-Cha đi đâu đó? Thằng con ông mới đi đâu về ghé tạt vào phòng ông.
-Chắc cha phải qua con Ba thăm nó ít hôm, ở bên này ba nhớ mấy đứa nó quá.
-Ừ thì ba đi đi, con thấy được đó. Ba qua cô Ba chơi thời gian rồi đến chú Tư, lâu quá không thấy ba qua, mấy người trách đó. Nghe giọng điệu của thằng con trai lớn, ông cũng đủ hiểu cái bản tính tham lam và bủn xỉn của nó rồi. Nó cứ nghĩ ông đui, ông mù không thấy được cái dã tâm của nó, chưa nói đến con vợ nó, một con nhỏ đanh đá và ngu si, suốt ngày chỉ biết dúi đầu vào mấy sòng tứ sắc, đỏ đen.
-Con cho ba ít tiền...
-Đây xuống chỗ cô Ba cũng gần mà, ba chịu khó đi bộ, tiền nong mà làm gì, mà dạo này tiền bạc trong nhà cũng cạn, con phải bán bớt mấy sào ruộng nhưng chưa thấy ai mua. Thôi ba chịu khó vậy.
Ông cảm thấy đăng đắng trong cổ họng, đúng là thằng trời đánh, thánh đâm, cho nó bao nhiêu cái nhà và mấy mấy trăm mẫu ruộng, giờ chỉ hỏi nó ít tiền mà nó tráo trở như vậy. Ông cảm thấy chân tay rã rời và tưng tức trong lồng ngực, ông phải thoát ra khỏi ngôi nhà này càng sớm càng tốt, đồ quỉ tha, ma bắt, đồ vong ân bội nghĩa, đồ thằng con trời đánh, thằng con bất hiếu. Ông cứ lảm nhảm trong miệng nỗi uất ức kiềm chế bấy lâu nay lại bộc phát dữ dội. Nghẹn ngào và tức tưởi, ông sắp đổ gập xuống sàn nhà, nhưng ông cố gượng, ông phải sống, ông không thể chết được, ông phải sống để thấy quả báo nhỡn tiền, để thấy trời tru đất diệt thằng con mất dạy và bất hiếu.
-Thôi cha đi. Ông quay lại tìm mấy đứa cháu nội, nhưng nhà vắng hoe, ông bước khập khiểng ra cửa. Ngoài trời vẫn đang mưa lâm thâm. Bây giờ đang là đầu mùa đông, những cơn mưa dai dẵng suốt ngày, suốt đêm. Ông bỗng thấy lạnh, bỗng thèm khát một bữa cơm ngon, một gia đình thân mật và một giấc ngủ thật ấm cúng. Ông loạng choạng bước ra cửa. Ngoài trời mưa đang bắt đầu nặng hạt, những tia chớp giáng xuống giữa màn đêm sâu thẳm. Ông lầm lũi bước, những bước chân nặng nề và khó nhọc. Ông quay lại nhìn ngôi nhà lần cuối rồi khệnh khạng bước đi trong cái tối tăm tăm mù mịt. Ngoài trười mưa mỗi lúc mỗi lớn hơn.Trong tiếng sấm điên cuồng và ánh chớp liên tục của màn đêm xám xịt, ông bỗng đổ xuống và bất động.
   -Cô Ba ơi cô Ba. Ra mà coi ông già cô sao nè, tôi thấy ổng nằm gục ở trước xóm, có lẽ đói và lạnh, cô đưa ông già vào giường và đốt lò than sưởi ấm cho ổng đi. Cô nấu cho ổng chút cháo thịt, có lẽ ổng đói và lạnh.
  -Thôi được rồi, mấy người ra đi, để đó cho tui, Ổng khùng hay sao mà mưa gió thế này lại mò tới đây cho được. Có đứa nào đó không? Lôi giùm ổng vào trong góc nhà, lấy cho ổng cái mền rách hôm trước bỏ sau xó nhà, coi còn cơm nguội không? Lấy cho ổng một bát, bỏ ổng chút ít đồ ăn còn để dành cho chó.
   Đó là một người đàn bà bụ bẫm, đỏ da thăm thịt, mặt mày lòe loẹt son phấn, khoác trên mình chiếc váy ngắn ngũn trông rất di hợm. Chiếc váy hơ hớ lộ ra cái bắp đùi trắng nuốt. Đó là cô Ba, đứa con gái ra đời trong những năm tháng ông nhọc nhằn, gian khổ và cam go nhất. Ông cũng suýt phá sản mấy lần vì những trận bão ở khơi xa trong những chuyến hàng ngược Nam, xuôi Bắc. Nhưng hồi đó mọi tình cảm yêu thương ông dành trọn cho đứa con gái ruột rà của mình, chỉ cần xa một ngày ông lại nhớ. Mỗi chuyến đi làm ăn xa về lúc nào ông cũng mua quà cho đứa con gái mà có lẽ ông yêu thương nhất. Ông thiêm thiếp không biết bao lâu rồi chợt tỉnh, bụng đói và khát, ông thèm một bát cháo nóng và một chỗ nằm kín gió. Ông cảm thấy lạnh và bỗng ho khù khụ, tay ôm ngực ông phều phào trong cổ.
 -Nước, cho xin chén nước.
 -Lấy nước cho ổng đi, thấy mà phát mệt, chuyên đi báo đời con cái.
Ông ngước mặt nhìn lên thì không ai xa lạ, đó là đứa con gái mà một thời ông yêu thương đích thực. Nó có khuôn mặt hao hao giống mẹ, chỉ khác cái giọng nói. Mẹ nó hiền thục bao nhiêu thì nó chanh chua, đanh đá bấy nhiêu. Ông cảm thấy đói, cơn đói quằn quại. Hôm qua giờ ông chưa có hột cơm trong bụng, nhưng nhìn bát cơm hẩm hiu và nguội lạnh đang nằm dưới đất thì trong lòng ông bỗng nỗi giận thực sự. Trước mặt ông không phải là hình ảnh đứa con gái ông yêu thương ngày nào mà đó là con đàn bà thối tha dị hợm, ông gượng đứng lên và tìm túi quần áo
 -Quần áo ông để ngoài sân đó, ăn đi, ăn xong rồi thì đi đâu thì đi, đừng lết đến nhà tui nữa. Thấy phát ghét. Ông cố gắng kim hãm nỗi căm phẫn cực độ, đúng là loài rắn độc, đồ thứ con trời đánh. Chụp vội túi quần áo và quơ đôi dép xẹp, ông vùng dậy thật nhanh và quay ra cửa. Ông chay thật nhanh và không quay lại, phía sau lưng ông tiếng chó sủa ầm ỉ cọng với giọng cười thé thé như man dại của con rắn độc, đứa con gái đốn mạt nhất mà ông không ngờ tới. Ông quyết định thật nhanh sẽ không ghé những đứa con còn lại làm gì nữa. Đối với bọn nó, ông đã thừa hiểu dã tâm của từng đứa. Bọn nó chỉ biết có tiền, còn lại dù ông là cha đẻ của bọn nó thì chúng cũng chẳng coi ông ra gì. Ông quyết định đến nhà bạn ông, thằng bạn nối khố đã lâu rồi không gặp. Nó ở cách xa ông gần trăm cây số, ông nhớ lờ mờ nó hành nghề thuốc bắc. Mấy năm trước ông có ghé nhà nó chơi. Ông bạn già có mời ông khi nào rãnh rỗi ghé ổng ở chơi dăm ba tháng. Ông bạn thuốc bắc còn nói với ông rằng không phải ngại ngùng gì cả, bạn bè được gặp nhau và hàn huyên tâm sự thì vui lắm rồi. Nghĩ đến đó ông cảm thấy phấn chấn hơn phần nào. Đến đó may ra ông có thể kiếm được việc làm tử tế và có được bữa cơm đàng hoàng hơn.
  Phải mất hơn một ngày ròng rã ông mới đến nơi.  Ông phải bán đi chiếc nhẫn cưới mà lúc nào ông cũng khư khư bên mình, ông không dám đeo nó trong tay vì sợ những đôi mắt cú vọ của đám con khốn nạn. Nhà bạn ông nằm giữa lòng thành phố. Đó là một tiệm thuốc bắc tương đối lớn. Nhìn tấm bảng hiệu AN SINH ĐƯỜNG to đùng được mắt ngay ngắn trên tầng ba tòa nhà ông cảm thấy yên tâm hơn. Đúng là đây rồi, ông thở phào nhẹ nhỏm và đưa tay gõ cửa.

( Hết phần một)

                        Phan Minh Châu

   
READ MORE - NGÀY BÁO HIẾU (Kỳ 1) - truyện ngắn Phan Minh Châu