Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 11, 2024

KÝ ỨC LA VÂN (1) - Khê Giang

 

Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Châu Đức

KÝ ỨC LA VÂN (1)

Khê Giang 

 

La Vân cuối thập niên 70 của thế kỷ trước là một ấp của xã Ngãi Giao, “thủ phủ” này cùng với những ấp như Vinh Thanh, Đường Cùng, Kim Long, Quảng Thành, Xà Bang, Láng Lớn, Cù Bị… tạo nên một xã có diện tích lớn nhất huyện Châu Thành (Đồng Nai) thời bấy giờ.

Nguyên thủy La Vân không hề thuộc về Ngãi Giao mặc dù là hai địa bàn giáp ranh. Theo “Địa bạ triều Nguyễn” được lập vào năm 1846 “ Phần tỉnh Biên Hòa”  thì Ngãi giao thuộc Tổng Long cơ trong khi thôn La Vân lại thuộc tổng An Trạch. (Tổng Long Cơ bao gồm 03 xã và 04 thôn: xã Ngãi Giao, Bình Ba, Thới Giao cùng các thôn: Bình Dã, Điền Dã, Tịnh Ba và Khánh Hội; Tổng An Trạch có 02 xã và 06 thôn: xã Bàng La, Hách Dịch cùng các thôn: Câu Bị, Câu Khánh, Khánh Bình, La Vân, La Sơn và Phước Chí). Phải đến năm 1917 khi An Trạch và Long cơ hợp nhất lúc này La Vân và Ngãi Giao mới cùng thuộc tổng Cơ Trạch

 

 

Thị Trấn Ngãi Giao. Ảnh từ baobariavungtau.com.vn

1. Những sắc màu cư dân

Dân cư La vân ngoài người bản địa Châu Ro còn lại hầu hết là dân ngụ cư, họ đến từ rất nhiều vùng miền qua những đợt di dân. Một số cư dân từ nhiều vùng miền đến làm đồn điền cao su từ thời Contra, như gia đình ông Cai Giang từ miền Bắc, ông Đội Hoành có gốc gác từ làng Phú Nông, Phong Điền, Thừa Thiên, ông Võ Viên đến từ Làng Đâu kênh và ông Sáu Liên đến từ làng Đại Lộc cả hai đều thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị…

Sau đó là phong trào Dinh điền vào khoảng năm 1961. Trong dòng chảy di cư này có gia đình ông Câu gốc gác từ làng Văn Quỹ, Hải Lăng, Quảng Trị. Nhiều gia đình có gốc gác từ Quảng Nam cũng di dân theo chương trình này, ban đầu họ đến định cư tại Ba Mẫu, nhưng chỉ sau vài năm do thiếu an toàn vì chiến sự, họ lại được đưa về La Vân…trong số này có gia đình ông cả Tru, ông Toại, bà Kê, bà Thanh, bà Sáu Dậu ở xóm Chợ cũ (quanh đình La Vân)

Ngoài những cư dân vào từ miền Trung số gia đình trong tỉnh từ Hòa Long, Long Phước đã đến La Vân khai khẩn lập nghiệp như gia đình ông bà Sáu Cứng, anh em ông Tư Cam.…gia đình bà Năm Kim Hoa từ Long Điền lên La vân bán hàng sành sứ chum vại. Một số có gốc gác từ Tây Ninh cũng tìm về đây tìm kế sinh nhai như gia đình ông Tư Mua, ông Ba Tràng, ông Năm Bằng, ông Tư Dung, Bảy Phương…Đơn lẻ một một số gia đình di dân từ Trà Vinh lên như ông Tư Hưng có gốc gác là người Khơ me, bà Hai Thương ở Sài Gòn,

Một số cư dân gốc Cam Lộ Quảng Trị di dân vào Hàm Tân vào năm 1972, đầu những năm 1980 cũng đã chọn La Vân là vùng đất sinh kế, trong số này có gia đình ông Ngôn, ông Đàm, ông Phụng…

Đợt di cư đến La Vân hùng hậu và quy mô nhất có lẽ là giai đoạn chuyển tiếp từ những năm cuối của thập niên 70 đến những năm đầu của thập niên 80, trong số này hơn 70% là người Quảng Trị đa số là từ Hải Lăng, có làng đi đến cả hàng chục gia đình như làng Câu Hoan, làng Diên Sanh, Trường Sanh, Văn Trị, Văn Quỹ, Trà Trì, Trà Lộc, Mỹ Chánh… Cư dân Thừa Thiên chiếm khoảng hơn 10%, đông nhất là làng Mỹ Xuyên, Mỹ Lợi…, phần còn lại là những địa phương khác.

Làng quê xã Cù Bị, huyện Châu Đức.
Ảnh từ baobariavungtau.com.vn

 

2. Bức tranh nông thôn

La Vân vào thời điểm này như một bức tranh với hai gam màu chủ đạo là xanh và đỏ. Màu xanh bạt ngàn của rừng cao su, và những vuông rừng còn sót lại,  màu đỏ là màu đất Bazan bao trùm lên nhà của, đường sá, nương rẫy vườn tược.

Vào mùa mưa những con đường đỏ trơn trợt lầy lội mang đất đỏ bò vào tận nhà, hai phương tiện phù hợp nhất khi lưu thông vào nương rẫy là ngồi trên thùng xe bò hoặc cuốc bộ bằng chân trần. Giày, bốt là hàng quá xa xỉ còn dép thì không thể xử dụng được vì chỉ cần nhấp vài bước là khối lượng đôi dép đã tăng gấp đôi (do đất bám dính), không sớm đứt quai thì cũng chẳng nhấc chân lên nỗi! đoạn đường nào ngập ngụa, sụt lún phải đi vòng men qua vườn tược người dân.

Những lúc đi công chuyện, đi chợ trong ấp cứ vài chục mét phải dừng lại để xỉa đất ra khỏi dép, nhiều người vẫn thường xuyên dự trữ vài cọng kẻm trong túi để phòng ngừa đứt dép giữa đường. Tất cả xe đạp muốn lưu thông đều phải thực hiện chế độ không “quần áo”: Không chắn bánh, không chắn xích, không phanh…Ngay cả nền nhà, dăm bữa nửa tháng phải dùng cuốc để san phẳng những u nần, mô đất đã vón kết thành u cục qua thời gian.

Mùa nắng, từng cơn gió miệt mài thốc bụi đỏ tràn ngập mọi nơi, khi một chiếc xe máy chạy qua là không thấy người đi trước mình cho dù chỉ là một khoảng cách nhỏ. Nhà cửa, bàn ghế, cây cối… tất cả đều đỏ quạch, để giảm sự nhọc nhằn trong việc giặt giũ ít ai may áo quần màu sáng, dù biết đó là những sắc màu nền nã thanh lịch.

La Vân sau chiến tranh ngoài con đường nhựa độc đạo mang tên tỉnh Lộ 2 sau này là Quốc lộ 56 chạy xuyên qua thôn, nối hai vùng Bà Rịa - Long Khánh và một con đường nối hông của con tỉnh lộ này trườn vào đến Xuân Sơn, tất cả còn lại chỉ là những con đường đất bazan đỏ quạch len lỏi qua những vườn cao su, hay những khu rừng um tùm rậm rạp. Gọi là đường nhựa nhưng thật sự chúng đã trở thành con đường da beo khi trên mình mang quá nhiều thương tích, những ổ trâu ổ voi bị lở lói do bom đạn nay giờ tiếp tục oằn mình dưới sự ngấu nghiến hàng ngày của những cổ xe bò bánh sắt ngày đêm ì ạch nối đuôi nhau trên dòng sinh kế.

 

3. Cuộc bươn chải mưu sinh

Đình chợ La Vân được xây dựng từ năm 1967 nằm lọt thỏm cách con lộ khoảng dăm chục mét, chợ chỉ nhóm vào buổi sáng. Do chật hẹp nên hàng quán bày bán bò ra tận mép đường, dẫu trống huơ trống hoác nhưng đây là nơi ngã lưng của những gia đình mới đến khi chưa có được một mảnh đất để cắm dùi. Cộng đồng tạm cư này thỉnh thoảng lại bị giải tỏa và phải vạ vật qua đêm trong các trường học khi có những đoàn hát về đây lưu diễn, có rất nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh trôi nỗi đến đây, quen mặt nhất là đoàn Tinh Hoa nơi anh em nghệ sỹ Minh Tiến, Phượng Hằng…cùng với những thành viên gia đình cùng hợp lực biểu diễn.

Cách đình chợ vài chục mét về phía đối diện là con đường chính của người La Vân đi rẫy vào rừng…Để vào được nơi trồng trọt khai thác này mọi người phải vượt qua cầu Ông Ép, gọi là cầu nhưng nơi đây chẳng thấy cầu đâu ngoài một cây cổ thụ bật gốc vắt ngang qua hai bờ về phía hạ lưu còn lại chỉ là con đường đá và đất. Khi những cơn mưa sầm sập đổ xuống người và mọi phương tiện qua đây đều phải bó gối ngồi chờ nước rút, rất may cái mưa đặc trưng vùng này hiếm khi kéo dài quá một giờ.

Đây là đoạn đường khá tấp nập, sáng sớm khi đám gà rừng còn te te gáy bên hai bờ suối Lúp hàng đoàn người gồng gánh tay rựa tay vác xẹc lai đi rẩy, tùy mùa hàng đoàn xe bò leng keng nối đuôi nhau chở gỗ, chở bắp ì ạch băng qua đoạn đường nhọc nhằn này… Vào mùa mưa, mỗi ngày có vài chục chiếc xe bò mắc lầy, việc điều một chiếc xe bò băng qua đoạn suối chỉ vài chục mét này có khi phải mất cả buổi nếu gặp lúc bò trở chứng hay thiếu sự cứu viện của những “chiến binh bò” khác…

Dân La Vân đa phần quần cư ở phía đông lộ, phía tây là vườn cao su của ông Hồng Lan kéo dài từ nhà ông Cai Phong đến tận Cây Dầu, mặt hậu khu vườn loang dài đến tận suối Lúp. Xen lẫn giữa khu rừng cao su Hồng Lan là những vườn cây nhỏ trồng mít, sầu riêng… những khu vườn này sau khi được đông đảo người dân đến định cư đã trở thành địa danh mới của La Vân như Xóm Mít, xóm Sầu Riêng…

Ngã ba La Vân lúc này có một ngôi chợ khá đặc biệt thường tấp nập vào mỗi sáng sớm, đó là chợ xe và chợ người. Chợ xe của người Bình Giã và chợ người là dân nhập cư La Vân. Hai chợ này hoạt động dạng như hoán đổi vị trí nhu cầu cho nhau, người La Vân thuê xe bò để chở nông sản sau thu hoạch và người Bình Giã thuê nhân công của La Vân để làm nương rẫy. Chợ xe là những chiếc xe bò đôi hay bò éc nối nhau nép mình bên vệ đường, xếp hàng từ trước nhà ông Năm Ngân cho đến hông nhà bà Bảy Phương. Chợ người nhóm họp phía đối diện chợ xe dưới gốc bông gòn cổ thụ của quán Bà Ngơ, một ngôi quán kiêm nhiều chức năng: quán ăn, quán nước, bán trái cây, hàng tạp hóa, nơi vá ruột xe hơi, thậm chí có cả một bưu điện chợ trời nơi đặt hòm thư mở, nhận thư từ muôn nơi chuyển đến.

(Còn tiếp.) 






Khê Giang - Lê Văn Huấn

READ MORE - KÝ ỨC LA VÂN (1) - Khê Giang

Video Clip: ĐƯỜNG LÊN THÁC TÀ PUỒNG -Quảng Trị 365 - Facebook

 

READ MORE - Video Clip: ĐƯỜNG LÊN THÁC TÀ PUỒNG -Quảng Trị 365 - Facebook