Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 2, 2015

CÓ MỘT MÙA TỰU TRƯỜNG - Nguyễn Đức Tùng


Tác giả Nguyễn Đức Tùng


CÓ MỘT MÙA TỰU TRƯỜNG
Nguyễn Đức Tùng

Tháng chín. Khi chúng tôi chuyển về một thị trấn nhỏ phía bắc Alberta, theo chương trình bảo trợ của nhà thờ Mennonite, mùa tựu trường đã tới.

Trường học cách chung cư chúng tôi nhiều khu phố, nhưng có thể đi bộ. Mọi người, trẻ và già, đều phải đi học. Những người bạn bản xứ giúp chúng tôi lúc bỡ ngỡ, mang tặng quần áo, bàn ghế, sách vở. Nhà thờ cung cấp bữa ăn tối miễn phí, nấu sẵn, nhưng không có ngân sách cho bữa ăn trưa và sáng.

Cùng với tháng chín là tiếng động cuối cùng của mùa hè, tiếng cười nói trên  hành lang, tiếng bước chân lạo xạo trên đường lát đá cũ, tiếng lách cách của túi xách, ba lô, tiếng chuông vào lớp, tiếng động của tương lai và của ký ức dội về từ thế giới bỏ lại. Đối với nhiều người, học hành chỉ là kỷ niệm đẹp, nhưng đối với kẻ cắp sách tới trường, dù nhỏ hay lớn, tâm trạng phức tạp hơn, hứng khởi xen với lo âu, căng thẳng. Những ngày đầu của bạn mới, thầy mới, mùi mực, mùi giấy, mùi phấn, mùi của các kỳ thi, bảng điểm, nụ cười, cái nhìn nghiêm khắc. Những khả năng dẫn tới chuyện tốt lành hay hỏng bét. Gánh nặng gia đình quê cũ, gánh nặng bài vở, tiền bạc, mặc cảm.

Những người mới đến có thể làm nhiều việc kiếm tiền như lau rửa xe hơi, đổ xăng ở trạm xăng, rửa chén. Thị trấn có mười tiệm ăn, chừng ấy quán cà phê, năm tiệm fastfood, vài trạm xăng, một bưu điện, thư viện mở cửa thứ hai đến thứ bảy, vài quán bars. Các gia đình phần lớn đều có đạo, nhà thờ Mennonite, Anh giáo, nhà thờ các trưởng lão, với những người có nguồn gốc từ Đức, Ba Lan, Ukraine, hiền lành. Hàng xóm giúp đỡ nhau, các bà nội trợ dừng lại bên hàng rào trò chuyện. Nhà thờ mở cửa trong ngày chủ nhật, thứ ba, thứ năm, những nhóm học thánh kinh, đám cưới, tang lễ, những buổi hòa nhạc Giáng sinh, các lễ cầu nguyện, những vỏ bia lăn lóc ở xóm người lao động, trước cửa các tiệm Tàu. Đường phố vắng vẻ vào cuối tuần, yên tĩnh, an toàn. Có sự cô độc nhưng không buồn chán, có tật nghiện rượu và nạn tự tử của thổ dân nhưng hầu hết dừng lại trong vài khu phố. Những ngày nghỉ chúng tôi tụ tập trong phòng thể thao của nhà trường coi bóng rổ, ngoài công viên coi bóng chày. Những người mới đến ngồi chen chúc với những đứa trẻ tóc vàng hoe, những người đàn bà Mennonite mặc váy đồng phục đen, đội mũ rộng vành, cùng nhau cười đùa la hét trước các màn đấu bóng, khi hoàng hôn xuống, sao xanh lấp lánh trên nền trời.

Trời mát, núi lẩn vào sấm chớp, sau đồng cỏ bảng lảng khói, trải nhiều dặm, những bó cỏ lớn lăn đi, cuộn tròn, chất thành đống cho ngựa ăn. Mùi của đá bốc hơi nắng, cỏ, dâu, đậu, bắp, bò, ngựa, mùi băng giá sẽ tới. Mùa đi săn cũng tới với blueberries chín mọng. Chúng tôi đi từng đoàn xuống vùng quê, đàn ông leo cây hái trái, những người thợ săn bản xứ vào núi săn moose, phụ nữ cúi gập người bên những chùm dâu, cho chúng vào đầy các bao tải. Sau ngày tựu trường, nắng nhạt đi, gió thổi ào ào, sương che khuất ngôi nhà trơ trọi giữa đồng.

Sau lưng chung cư, cánh rừng bao bọc bởi những bãi cỏ thả ngựa và gia súc, chạy dài hút mắt trổ đầy cúc và lilacs. Dưới những lùm cây, bạn có thể nhìn thấy những cửa hang của chồn và cáo, của chuột chũi. Gần một bụi rậm, một chiều đi học về, tôi gặp một con chồn hoang lông đỏ, đuôi cong, mặt dữ, mũi nhọn hoắt. Tôi chưa bao giờ gặp một con vật nào ghê gớm thế, nhỏ bằng nắm tay, mạnh mẽ, lanh lẹ, bộ lông hung đẹp mịn như tơ, tia nhìn sắc xuyên mắt đối phương. Nó đứng sững, im, không bỏ chạy. Cả hai bất động. Tôi không biết sự sợ hãi, sự giận dữ, hay lòng yêu mến đã làm chúng tôi sững lại. Tôi nhìn nó, nó nhìn tôi, không chớp mắt. Rồi nó biến mất, bất ngờ như khi mới đến, đồng tử co lại. Vào giây phút ấy, tôi biết tôi đã bắt gặp sự hoang dã, bắt gặp cái khác, sự thích thú, nỗi sợ hãi trước tương lai, lòng yêu cái đẹp, cảm giác về kẻ thù, bạn hữu mà chúng ta thế nào cũng gặp trên đời. Tôi cảm thấy tình yêu đối với một đất nước không phải là đất mẹ.

Thế còn bữa ăn sáng và trưa? Trong chúng tôi có người không ăn sáng, nhưng khi bạn còn trẻ, bạn thấy đói lắm, muốn nhét nhiều thứ vào bụng. Thế thì bạn phải tự lo liệu lấy. Những người bạn bản xứ mang vào lớp đủ thứ: xúp nấu kiểu Ba Lan, thịt cừu hầm Tây Ban Nha, đầy váng mỡ, spaghetti của Ý, và cơm, một loại ngũ cốc kinh khủng, hạt to bằng trái cóc, để nguội ba ngày, nhai mỏi cả răng. Buổi sáng, và đôi khi trưa, hầu hết chúng tôi đói, không phải vì không đủ thức ăn, mà vì không biết ăn. Thực phẩm thừa, hè nhau tuồn vào bao rác, lẳng lặng giấu biến. Buổi tối nhiều đứa ăn bù lại, đâm tức bụng, không ngủ được. Sau ba giờ chiều, hết học, rủ nhau đi làm thêm: phụ nữ vào tiệm giặt ủi, con trai vào hiệu rửa xe, tiệm Mc Donald, đào giun đất, đi hái đào, strawberries, mulberries, cranberries, blueberries, tùy tháng. Nhiều khi công việc đồng áng sử dụng cả bọn trẻ mười ba, mười bốn tuổi, vì vậy chúng tôi giấu nhẹm chuyện ấy, sau giờ học trốn trong bụi rậm sau nhà trường, chờ xe tải đến chở vù đi.

Không biết cách nào để nói cho những đứa học cùng lớp biết chúng tôi không ăn được thức ăn chúng mang tới. Áo quần nhà thờ cấp phát rộng thùng thình. Tôi đi học với đôi ủng trắng to tướng, sở di trú Canada phát khi đến phi trường. Nhiều đứa trẻ thích đi chân trần, vì không quen giày dép. May chưa phải mùa đông, trời không lạnh. Chẳng ai để tâm chuyện áo quần, thức ăn, trang điểm, những đứa trẻ và thanh niên mới lớn, lem luốc từ trại tạm cư, sống trong niềm vui bất tận của tự do, sẽ nhớ năm tháng đầu tiên của họ về một điều gì khác.

Tôi muốn nhớ mãi mùi cỏ dại khi băng qua nghĩa trang, tâm trí đầy màu sắc của đào và lê, nhìn những cuộn khói bốc lên từ đống lửa người thợ săn, sự bồi hồi nhẫn nại của cảm giác cứu chuộc, sự thăng bằng giữa công việc thường ngày vụn vặt và sự thơ mộng, chúng bao phủ tôi, dẫn tôi đi. Tôi muốn ghi nhớ cặp mắt đen của con chồn hoang hôm ấy, tôi muốn đi tìm ý nghĩa của ngày khởi đầu như khi bạn cho tay vào hộp thư trước nhà một kẻ đi xa, đựng đầy thư lẫn lá vụn.

Có một điều gì khó diễn tả trong vòng tay người bạn bản xứ chào đón chúng tôi, những người trong nhà thờ, thiện nguyện viên, học sinh, thầy giáo. Nơi ở của chúng tôi chất đầy những thùng đựng quần áo, mới và cũ, những thùng đựng sách vở, mới và cũ, mang tới liền liền, và khi chúng được mở ra, cái nào cũng tươi tắn thơm tho. Khi vào những lớp học cuối bậc trung học, chúng tôi đứa nhỏ nhất mới mười lăm mười sáu, kẻ lớn nhất râu tóc đã bạc; có những nhân vật trong lớp không bao giờ tôi quên. Một người thanh niên ngoài ba mươi tuổi, anh K., bị bọn cướp biển dùng mái chèo đánh vào mặt và chân tay nhiều lần, tra khảo để tìm vàng, vỡ xương mắt cá chân trái.  Anh đi không vững, đôi khi phải dùng cái gậy, nhưng vì đã quen, nên di chuyển cũng mau lẹ chẳng kém chúng tôi. Chướng mắt, cô Lorie, cô giáo dạy tiếng Anh, dẫn anh đi gặp bác sĩ và tự bỏ tiền túi mua cho anh một cái nạng gỗ chắc chắn. Từ đó nó không bao giờ rời khỏi tay anh.

Cái nạng gỗ ấy đã đi theo anh, vài năm sau, lúc anh chậm chạp bước xuống giữa hai hàng ghế đầy người ngồi, một tay dẫn người phụ nữ choàng khăn voan trắng, trong ngân vang tiếng đàn dương cầm của nhà thờ, giữa hoa hồng, huệ, và dưới bóng những chùm confetti bay rợp phòng.

Nguyễn Đức Tùng


READ MORE - CÓ MỘT MÙA TỰU TRƯỜNG - Nguyễn Đức Tùng

NGÀY EM VỀ - Hai bài thơ của Phạm Phan Hòa


Tác giả Phạm Phan Hòa


NGÀY EM VỀ
           
Gửi em TM - NTB
                                      
Về mà ôm trọn dòng sông                                      
Lại về xóa nỗi khát mong đời người                                       
Em về chở nắng hồng tươi                                      
Tô làn môi nhạt nụ cưởi héo lâu                                      
Từng đêm chín mọng cơn sầu                                      
Em về trao lại tình đầu cho anh                                       
Ngày mãi đẹp lá lên xanh                                      
Anh ơi em sẽ dỗ dành giấc mơ                                      
Tình trần... chỉ đẹp và thơ                                      
Em về thôi hết bến bờ cách ngăn.
                                                                         
PPH

                                                   
MAI EM VỀ
                                            
Gửi em TM- NTB 
                                          
Mai có về em hãy                                          
Đi chân nhỏ guốc hồng                                          
Đường vui ta chạy nhảy                                           
Dìu em đến dòng sông                                          
Mai có về em hãy                                          
Về theo bướm - đường chim                                          
Với ân tình ta sẩy                                           
Với mõi mòn con tim                                          
Mai có về em hãy                                          
Mang theo những con đường                                           
Duy Tân hay Hoàng Diệu                                           
Áo học trò vương vương                                           
Mai có về em nhớ                                           
Kề sát lại bên ta                                           
Hồng hồng ôi đôi má                                           
Để rồi xa - thật xa                                                                    
                                                             
Phạm Phan Hòa
                                                                     

(Quảng Nam)
READ MORE - NGÀY EM VỀ - Hai bài thơ của Phạm Phan Hòa

Thơ: Vũ Trọng Tâm - GIÁO ĐƯỜNG CHIỀU CHỦ NHẬT

          
Ảnh:  Bảo Lâm

       GIÁO ĐƯỜNG CHIỀU CHỦ NHẬT          

Sao em để nắng hanh vàng
Rơi trên ngực áo, ngỡ ngàng mắt nai
Một mình xuống phố chiều phai
Gío đùa tà áo, tóc dài suối tơ

Sao em để rớt hồn thơ
Trên trang giấy, đẫm lệ chờ gối đêm
Mưa về có lạnh không em?
Vòng tay khép lại dịu êm tóc thề

Quên đi ngày tháng tinh mê
Bể dâu trốn ngủ, trên vai muộn phiền
Thu vàng để lá chao nghiêng
Nhấp nhô con sóng, đảo điên bến sầu

Sao em để tiếng kinh cầu
Ngủ quên hư ảo, nhuộm màu khói sương
Chiều nay bên góc giáo đường
Áo em màu nhạt, nỗi buồn vấn vương

Nhà thờ vang vọng hồi chuông
Giáo đường chủ nhật, người thương đâu rồi !

              Vũ Trọng Tâm               
(Gò Công)



READ MORE - Thơ: Vũ Trọng Tâm - GIÁO ĐƯỜNG CHIỀU CHỦ NHẬT

MEN TÌNH - thơ Huy Cận Đông Hà


Ảnh: Mai Lĩnh



MEN TÌNH

Nỗi nhớ người theo ta ngày trống vắng
Để đêm về thổn thức trái tim côi
Mắt ai buồn vương giọt mặn trên môi
Tình vừa chớm đã đi vào dĩ vãng

Ngắt đóa hồng ta âm thầm quên lãng
Khúc vong tình tựa nhát cứa trong tim
Ký ức xưa giờ hoang phế im lìm
Tình vàng võ cây trơ cành lặng lẽ

Người đi khuất dòng sông đời khô nẻ
Cạn đáy tình sao biết bến đục trong
Lời yêu thương ngọt lịm thuở chung dòng
Ta xin giữ làm men tình người nhé...


Huy Cận Đông Hà
READ MORE - MEN TÌNH - thơ Huy Cận Đông Hà

QUÊ EM, SÔNG NƯỚC ANH VỀ - thơ Tuyền Linh

Tác giả Tuyền Linh


QUÊ EM, SÔNG NƯỚC ANH VỀ

Quê em mãi tận Vĩnh Long
Một vùng kênh rạch mẹ nằm ấp yêu
Tuổi thơ bìm bịp kêu chiều
Bồng bềnh tuổi dại theo triều nước dâng

Bồn bồn, điên điển, rau bông
Nở trong máu thịt tuổi hồng nuôi em
Từ sông nước, em lớn lên
Nên chi kênh rạch chảy quanh phận đời

Con còng, con ốc tiếp hơi
Bát canh so đũa láng ngời thịt da
Vũng Liêm mái lá dừa nhà
Che em có chỗ chui ra chui vào

Thế mà anh lắm tự hào
Làm cậu rễ xứ cù lao Thanh Bình
Tình anh con nước dâng lên
Yêu em như thể yêu Bình Phụng thiêng

Lạy ơn Trời Phật trao duyên
Anh về núp bóng Vũng Liêm cuối đời
Ấp Phong Thới ắp tiếng cười
Tô cháo rau đắng chứng lời đôi ta

Ngày mai, tháng mốt, năm qua
Vũng Liêm, Phong Thới là nhà là quê
Trên cao có ánh trăng thề
Dưới thấp sông nước bao che bước đời

Cá tôm rau lá nơi nơi
Nuôi ta sống đủ một đời đạm thanh
Chỉ cần có em có anh
Là có tất cả …Trời dành cho ta !

Tuyền Linh
     2015


READ MORE - QUÊ EM, SÔNG NƯỚC ANH VỀ - thơ Tuyền Linh

Thơ: Trương Thị Thanh Tâm - CHO NGƯỜI TÌNH LỠ - NGUYỆT CẦM TRONG ĐÊM

            
Tác giả Trương Thị Thanh Tâm



         CHO NGƯỜI TÌNH LỠ          

Anh đi thật rồi hả anh ?
Tình ta giờ đã như tranh trên tường
Nhìn anh dòng lệ nhỏ tuôn
Bao nhiêu năm mối tơ vương sớm chiều

Đêm về lòng thấy quạnh hiu
Anh đi để lại trăm chiều ngổn ngang
Ngờ đâu duyên sớm lỡ làng
Chút duyên gởi lại ... hẹn nguyền kiếp sau

Còn đây trăm nhớ ngàn đau
Thiên đường anh tới, bến nào cho em
Một mình gối chiếc thâu đêm
Tháng năm nỗi nhớ, muộn phiền giấc xưa

Dư hương ngày cũ cũng vừa
Để đêm mộng thấy anh về bên em
Con đường tình sử chưa quên
Giàn tigôn ấy ,nắng thêm sắc hồng

Men tình dậy sóng biển Đông
Cuộc vui chưa trọn bến sông lỡ rồi
Anh về bên ấy xa xôi
Đời em như chiếc thuyền trôi giữa dòng

Còn đâu nữa để chờ mong
Anh đi khuất dấu, bụi hồng mù khơi !
          

               NGUYỆT CẦM TRONG ĐÊM            

Đêm khuya vọng tiếng nguyệt cầm
Đàn ai réo rắt, âm thanh tuyệt vời
Những ngày anh ở bên tôi
Cùng nhau đối ẩm rượu vơi giao tình

Nhớ ngày xưa chuyện chúng mình
Bài thơ ru ngủ, cột tình duyên nhau
Tiếng đàn thánh thoát mưa ngâu
Tâm tư khắc khoải nỗi sầu miên man

Trăng nghiêng bóng ngã xế tàn
Còn đâu đây vọng khúc đàn trầm tư
Lời thơ hoà điệu như ru
Dư âm len nhẹ, nỗi sầu vào tim

Lời ai dịu ngọt môi mềm
Nguyệt cầm gợi nhớ lời thầm trong đêm!

            
Trương Thị Thanh Tâm

(Mỹ Tho)
READ MORE - Thơ: Trương Thị Thanh Tâm - CHO NGƯỜI TÌNH LỠ - NGUYỆT CẦM TRONG ĐÊM

ĐÁ RƠI LỆ - chùm thơ 3 bài của Hồng Duyên


Tác giả Hồng Duyên


ĐÁ RƠI LỆ

Hoàng hôn gánh đá lên đồi
Mặt hồ gợn sóng
Đá ngồi tương tư
Lắng nghe tiếng gió hát ru
Đá buồn không nói
Thiên thu
Lặng thầm

Trách người biến đá trăm năm
Chỉ biết lăn lóc
Rồi nằm nghỉ ngơi
Xưa kia đá cũng biết cười
Vì đâu nên nổi?
Đá tôi một mình

Ngày xưa đá cũng rất xinh
Mày cong
Môi đỏ
Gợi tình thế nhân
Xuân đi qua ngõ một lần
Chạm tay gởi trọn khối băng
Lạnh lùng

Đá rơi lệ
Ghét tình chung
Một mình
Trơ trọi
Não nùng cũng cam

HD



BIỂN BUỒN

Biển ru mình trong tiếng nấc hằng đêm
Từng con sóng chập chờn theo giấc ngủ
Lăn tăn
Gợn
Cùng tranh nhau làm chủ
Có đôi khi tạo vầng  vũ so tài

Trăng buồn
Rơi xuống
Mắt biển cay cay
Đêm phiền muộn!
Cuốn xoay theo dòng nước
Nghe hơi mặn
Lăn dài
Hàng mi ướt
Gía như mà có thần dược
Bớt đau

Ấm áp...
Về đâu?
Hỡi?!
Biển khát khao!
Kéo chăn
Buốt lạnh
Nhạt màu môi mộng
Hết giông bão
Lòng biển nào ngưng động
Khắc khoải
Năm canh
Lẻ bóng ân tình

Đau đáu
Buồn
Mắt biển tắt bình minh
Than ngắn
Thở dài
Tiếc
Tình rong rêu

Hồng Duyên


MEN RƯỢU TÌNH

Mời em!
Đã rót
Rót cho đầy
Men rượu nồng nàn
Chớ phải cay
Nhấp chén xuân tình quay chất ngất
Ta cùng em cút bắt đêm này

Mời em!
Ly rượu đã đong đầy
Chếch choáng cung tình
Chuốc đến say
Bóng nguyệt đầu non treo lủng lẳng
Mình em mấy bóng
Qủa là hay

Mời em!
Mình cạn suốt đêm nay
Nghiêng  ngã
Tình ơi
Đến sáng ngày
Hãy uống
Nào em
Mình cạn nhé
Hai đứa quay tròn nốt  nhạc say

Em ơi!
Đừng sợ chút men cay
Bỏ lại phía  sau khoảng lặng dài
E  ấp bờ môi em khép  kín
Ta dìu  nỗi nhớ
Tựa vào vai

Hồng Duyên
Cà Mau


READ MORE - ĐÁ RƠI LỆ - chùm thơ 3 bài của Hồng Duyên

KHÁT NẮNG - truyện ngắn Phan Nam


Tác giả Phan Nam



KHÁT NẮNG

 Với vẻ mặt cực nhọc bà đi ra đồng. Những hào quang trên trời vẫn sang sảng chiếu xuống mặt bà. Một người phụ nữ trung niên, nước da ngăm đen, gầy gò, chắc chắn nghèo hèn và hơn thế nữa. Uống vội miếng nước chè xanh bà lao xuống đồng. Được vài con ốc, con cua. Bà lại tranh thủ hái một ít rau dớn. Ở nhà, nước mắm, vị tinh, dầu phộng đã hết sạch, lu gạo cũng không còn. Những đứa con thơ dại đang chờ bà ở nhà. Văng vẳng trong tai bà là những lời khinh miệt. Hẳn thế. Cái nắng giờ ngọ. Gay gắt. Cháy thịt cháy da. Bữa trưa của bà thế là đủ. Một làn gió mát rượi thổi vào lòng bà, vào sâu trong tâm khảm. Bà khẽ mỉm cười. Không gì hơn thế vào lúc này, bà nghĩ thế...

 Vừa bước về nhà bà trông thấy một đoàn người lạ mặt. Một người đàn ông, vẻ lịch sự cất tiếng:

- Khu đất bà đang ở đang nằm trong quy hoạch khu du lịch của tỉnh. Chúng tôi đến đây để thông báo bà nhanh chóng bàn giao mặt bằng trong ba tháng tới.

- Các ông nói thật sao. Thật là không thể tin nổi.
                     
Bàn tay run run, mắt mờ đi, tim đập rất mạnh. Những đứa con nheo nhóc trong nhà đang tròn xoe mắt. Bà chưa kịp làm gì cả, khi người ta nhận một tin vui quá đột ngột thì họ sẽ không biết làm gì. Như những người mua vé sổ số kiến thiết thường nói: “Mua ủng hộ cho mấy bà vậy thôi chứ chỉ mong trời cho trúng thì trúng ít ít thôi. Trúng nhiều rất dễ phá vỡ phần con phần người”. “Hùng, ra rót nước mời mấy chú con”. Sau vài phút “chết” lặng, bà chỉ  kịp nói như vậy. Hiện lên trước mắt bà bây giờ là một căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi ở thành phố. Bà đã mơ giấc mơ này lâu lắm rồi. Những đứa con bà sẽ đi học ở những ngôi trường lớn. Rồi chúng sẽ được học đại học. Bà sẽ rời khỏi mảnh đất khỉ ho cò gáy  này. Sẽ không còn những giọt nắng gay gắt trút xuống đầu, những làn gió Lào khắc nghiệt, những trưa hè bỏng rát dưới mái nhà tôn đã dần mục nát… Sẽ không còn cảnh chịu đựng những lời to tiếng mắng nhiếc của chồng về cơm, áo, gạo, tiền. Sẽ không còn cảnh “rượu vào lời ra” của ông chồng mà mà bà chịu đựng bấy lâu nay.

 Sáng hôm sau, trong lúc cơn mơ vẫn còn đang hiện về, bà ra đồng. Phải tranh thủ thu hoạch hết số lúa này, nhà bà khoảng hai sào, cho tám miệng ăn. Những cơn đói giáp hạt triền miên đè nặng trên đôi vai gầy gò của bà.

- Đất vườn nhà bà vào loại nhiều nhất trong xóm, phen này chắc đổi đời rồi nhỉ.
                     
Liên, một người hàng xóm, vào loại khá giả nhất trong xóm, chia vui với bà. Bà im lặng. Đất trời cũng im lặng. Sự im lặng đến đáng sợ. Nắng đã bắt đầu gay gắt. Những người thường xuyên phải tắm nắng như bà có sợ gì. Làn da cháy đen vì  nắng. Mồ hôi rơi dưới nắng cũng không thể đếm hết. Ở vùng đất thường xuyên phải hứng nắng hứng gió này thì cũng không có gì là lạ.

 Các con ơi, nhanh lên, chúng ta đi thôi. Cuối cùng thì ngày này cũng đến. Cuối cùng thì bà cũng sở hữu một số tiền mà cả đời này bà cũng không dám mơ đến. Ngay cả khi bà đi bán vé số dạo ngoài thành phố. Và ngày nào bà cũng để lại một vé, nhưng ngay cả giải tám cũng không vô. Những con người nông dân nghèo đang lao động trong vô vọng của cái nghèo. Vì đâu? Vì họ chỉ lo cho cái bụng đang đói, họ phải chạy đôn chạy đáo để giải quyết những việc trước mắt, không có gì là lâu dài. Vạt nắng cuối trời dọi thẳng vào mặt bà, bà sẽ không còn hứng chịu nữa, chốn phồn hoa đô hội đang chờ bà. Nhà cao cửa rộng. Nắng đang tạm biệt bà, cái nắng tháng ba đầy mồ hôi và nước mắt.

 Rất lâu sau đó, bà quay trở lại miền quê của ngày xưa. Mái nhà dột nát đã không còn thay vào đó là một khu du lịch sinh thái đậm chất hồn quê bên con suối lớn, nơi mà bà từng mò cua bắt ốc, nay đã thay đổi nhiều. Nắng tắt. Bà quặn thắt ruột đau. Ông Trời đang trêu đùa bà. Bà đã mất tất cả. Không còn gì, chồng con, nhà cửa, gia đình… Tất cả đã bay theo những cơn nhậu nhẹt triền miên của chồng bà, những trận bóng thâu đêm suốt sáng. Sự thay đổi của những thứ ở trên trời rơi xuống. Ngã quỵ xuống đường. Bà thèm được trở về gian bếp đầy lửa cháy lúc bà nấu ăn trưa cho con. Thèm những cơn gió Lào rã rời tâm can. Thèm nắng. Đã không còn…                                   
                                                                                                            PHAN NAM


READ MORE - KHÁT NẮNG - truyện ngắn Phan Nam