Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, February 20, 2022

KÝ ỨC MỘT THỜI: ĐỘNG ĐỀN- BÌNH TUY - Nguyễn Thị Thu Sương

 


KÝ ỨC MỘT THỜI 

ĐỘNG ĐỀN- BÌNH TUY

Nguyễn thị Thu Sương


         Năm 1974, Động Đền nơi ba mạ tôi sống, là một dãy nhà tạm bợ cho những người dân Quảng Trị di cư vào đây. Mái nhà và chung quanh tường lợp bằng lá buông. Thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, tôi thấy thương dân Quảng Trị mình và thương gia đình tôi, phải sống tạm bợ như thế này trong gần một năm trước khi được chính phủ chia đất và có nhà riêng của mình.

          Từ Cam Bình, cả nhà đi bộ leo dốc trên con đường đất đỏ, đi khoảng hai cây số đến vườn của tôi. Chính phủ chia đều mỗi hộ gia đình là một ngàn mét vuông đất để làm lô gia cư cất nhà và vườn. Chia thêm một ngàn mét vuông làm rẫy canh tác. Ở đó, ba mạ tôi đã xây xong một căn nhà nhỏ. Nhà lợp bằng Fibro ciment được chính phủ cấp. Chung quanh nhà ốp lợp bằng lá buông, loại lá phổ biến ở vùng này. Căn nhà nhỏ cũng đủ cho một bàn học đặt tại phòng ngoài thay cho phòng khách. Bên trong đặt được ba gường ngủ cho cả gia đình gồm hai người lớn và năm chị em chúng tôi. Phía sau là nhà bếp và nhà tắm. Còn khu vệ sinh thì nằm phía sau khu vườn. Vườn rộng cả ngàn mét vuông, ai cứ tự tiện xách theo cái cuốc hay vào nhà vệ sinh thì tùy chọn.

          Sau khi chuẩn bị tương đối ổn, gia đình tôi dọn về Sơn Mỹ, nơi ở mới của gia đình. Ba tôi trồng chung quanh nhà những bụi sả to, để phòng ngừa không cho rắn vào nhà. Người ta nói rắn rất sợ mùi sả. Thế mà sau hai tháng, bụi sả phát triển tốt, em trai tôi phát hiện một con rắn lục nằm khoanh tròn trong đó. Cả nhà tôi cười vang!

         Trước sân nhà, ba tôi trồng một đám bông vạn thọ lớn, bông vạn thọ nở vàng rực cả một khoảng sân. Hai bên lối đi vào nhà, ba trồng rất nhiều hoa mười giờ. Sáng sáng hoa hé nở vào khoảng mười giờ hoa tím, đỏ rở rộ khắp lối đi rất đẹp. Bên hông nhà, ba tôi chừa lại một cây thị rừng rất to và cao. Vì cây thị cao quá mà không có cách nào để leo lên. Tôi chỉ ngước mắt nhìn lên và mong “thị ơi! rớt bị bà già!”. Nhìn những con sóc nhảy nhót trên cành thị, tôi nghĩ khả năng trái thị còn không nhiều. Sáng ra, vài trái thị rớt xuống đất, tôi nhặt lên bỏ trên bàn học để ngửi mùi thơm của nó.

       Hàng rào trước cổng nhà, có loại dây leo có trái rất lạ, hỏi ra tôi mới biết đó là đậu rồng. Đậu rồng có thể hái vào luộc và xào lên ăn rất ngon. Loại cây này ở đây mọc hoang rất nhiều, tự nó mọc lên chứ chẳng ai trồng cả. Đây là vùng đất mới khai hoang, những mùa đầu đất còn tốt, cây trái rất được mùa. Ba mạ tôi đi dạy học nên cũng không trồng nhiều cây trái trong vườn. Nhà chỉ trồng khoai, sắn, khoai tía, đậu xanh, đậu phụng và bắp đủ ăn mà thôi.

         Nhà tôi ở trên một ngọn đồi khá cao. Tối đến nhìn ra phía biển, tôi thấy biển có hàng ngàn ánh đèn lấp lánh như một thành phố đang hoạt động náo nhiệt ngoài kia. Ba tôi giải thích đó là thuyền thúng đánh bắt mực ban đêm của ngư dân. Hình ảnh thật đẹp và vui mắt. Trong không gian tĩnh mịch của vùng quê không có ánh đèn điện, những ánh đèn đằng xa kia làm tôi thấy ấm lòng và vui lên. Chúng tôi vào vùng khẩn hoang lập ấp này, coi như xa rời ánh điện. Các thiết bị điện tử như quạt máy, bếp điện và bàn ủi điện coi như “thất nghiệp” đóng gói cất kỹ. Tối tối chúng tôi học bằng đèn măng-sông (gas mantle), cũng tạm ổn. Nhưng thiếu các tiện nghi khác cũng cảm thấy rất khó chịu. Ngày trước tôi chỉ cắm điện vào là ủi nhanh một bộ áo dài. Nhưng bây giờ tôi phải quạt than đỏ bỏ vào cái bàn ủi con gà. Rồi đợi nó nóng mới ủi được, ủi một bộ đồ mất nhiều thời gian và công sức.

        Nước uống cũng là một vấn đề khó khăn. Nhà tôi ở trên đồi cao, mạch nước dò rất khó, cả xóm chỉ có một giếng bơm nước của UNICEF tài trợ. Mọi người phải canh giờ nhau mới có nước. Ba tôi thuê một xe bò bỏ một thùng phi to trên đó chứa nước chở về nhà. Cả nhà tôi dùng bốn thùng phi chứa nước để ăn uống và dùng sinh hoạt.

          Trên đây là cảm nghĩ của cô bé mười sáu tuổi trở về nhà, về Động Đền của những năm cuối 1974.

         Sau 30/4/1975, Động Đền khó khăn và cuộc sống của dân Quảng Trị ở đây lầm than và khốn khổ hơn. Người dân không có nhiều phương hướng làm ăn sinh sống. Kẻ trở về quê nhà Quảng Trị, còn người ở lại bắt đầu làm rẫy, phát quang để trồng trọt.

         Gia đình tôi ở lại vùng đất Động Đền này, mẹ tôi tiếp tục đi dạy học. Riêng ba tôi là quân nhân biệt phái nên chính quyền mới không cho dạy học. Ba tôi cũng không quen lao động, những ngày đầu gặp nhiều khó khăn. Những gia đình khác bắt tay vào rừng khai phá lô đất mà chính phủ trước đây cấp làm rẫy. Người ta tiến hành cặt cây, phát rẫy để trồng trọt. Nhà tôi chiêu yếu, các em còn nhỏ nên chưa bắt tay vào làm. Một hôm được tin, bộ đội đã đi vào rẫy của nhà tôi gỡ một trái mình đã gài trước 1975. Thật hú hồn, nếu nhà tôi siêng năng đi làm sớm, chắc có tai nạn thương tâm xãy ra!.

          Phá rừng, không có nhiều cây để giữ những cơn mưa rừng và nước cuốn trôi những đất màu mỡ. Đất trở nên bạc màu, mùa màng không thu hoạch được bao nhiêu. Có một số gia đình ở Động Đền bắt đầu di cư vào Miền Tây. Nhưng dân đồng bằng không thể thích nghi dễ dàng với miền sông nước. Họ thất bại không thể sống ở vùng sâu vùng xa của Miền Tây. Dân di cư Quảng Trị lại tiếp tục ra đi tìm miền đất sống. Sau này họ nhận thấy vùng Miền Đông Nam bộ có thể lập nghiệp được. Ở vùng Miền Đông Nam bộ, đất tốt, người ít, mọi người tham gia vào các nông trường cao su. Họ nhận thêm đất để trồng cây và canh tác. Có một số gia đình di cư lên vùng đất mới Tánh Linh, Đức Linh. Ở đó, có ruộng nước, dân mình có thể canh tác trồng lúa.  Cuộc sống người dân di cư Quảng trị dần dần ổn định hơn.

        Sau 1975, nhiên liệu để chạy máy bơm nước từ giếng lên không còn. Nắp giếng được mở ra, mọi người múc tay nước từ giếng lên. Giếng sâu ba mươi mét, múc một gầu nước từ giếng lên chỉ còn gần nửa gàu, dọc đường va chạm nó đổ gần hơn nửa. Múc gần nửa tiếng mới đầy thùng nước. Đó là ngày thường, còn ngày khô hạn thì khỏi nói, sắp hàng múc nước mệt mỏi vô cùng. Tôi phải tập gánh nước, trước đây bơm từng thùng phi thuê xe chở về nhà, nay tất cả đã khác. Đầu tiên, tôi gánh một góc thùng, vai đau quá. Tối về vai tôi đau không chịu nổi. Nhưng hôm sau, tôi vẫn phải cố gắng để tập gánh. Dần dần vai tôi quen rồi, nâng dần lên một nửa thùng, rồi hai phần thùng, cuối cùng là cả thùng. Phải mất gần hai tháng tôi mới gánh thành thục đôi nước và có thể trở vai nhẹ nhàng.

          Chính quyền mới kêu gọi mọi tầng lớp trong xã hội tham gia các đoàn thể. Thanh niên nam nữ thì tham gia Hội Thanh niên. Thiếu niên trẻ con vào Đội Thiếu niên. Nông dân vô Hội nông dân. Người già vào Hội phụ lão. Trong một tuần có khi kêu họp đến hai ba lần.

         Lúc chưa đi học, tôi tham gia Hội Thanh niên. Có chị ở cạnh nhà, hồi trước ở quê có vào du kích nên chị thuộc nhiều bài hát cách mạng. Các anh chị thì đem các bài hát thời đấu tranh sinh viên ra hát. Trong thôn có anh tham gia Đoàn Văn công tập cho nhóm nữ một bài múa Cách mạng. Các em trai tôi vào Đội thiếu niên, chơi trò chơi và hát múa bài “Cùng nhau múa chung quanh vòng”. Kết quả em trai bị một thằng nhóc trong xóm lây ghẻ ngứa. Rồi nó về lây cho những đứa em khác. Tôi không biết thằng nhóc đó bị ai lây ghẻ. Nếu truy lùng có lẻ F0 là các chú bộ đội trong rừng lây ra cho dân, cũng bằng bài múa đó. Vì bị lây ghẻ, kèm với điều kiện xà bông thời đó khá hiếm nên cả Động Đền hồi đó bị ghẻ ngứa rất nhiều. Tôi nhờ đi học xa nhà nên thoát khỏi bị bịnh dịch này.

         Tình hình nước uống ở Sơn Mỹ càng lúc càng khan hiếm, sau này nhà tôi quyết định về Cam Bình sống. Nơi ấy thấp hơn, nước dễ có hơn, nhưng đổi lại nguồn nước không trong sạch như trên cao này.

          Nhà tôi bỏ lại khu vườn và đất rẫy của mình ra đi. Về Cam Bình, gia đình tôi mua miếng đất một ngàn mét vuông có một căn nhà gỗ rộng, đẹp hơn hẳn căn nhà cũ. Ngoài ra, có một ngàn mét vuông đất rẫy để canh tác. Cuộc sống thoải mái hơn, nhưng đối với mẹ tôi thì tài sản dần dần đội nón ra đi. Lương giáo viên không được bao nhiêu, tiêu chuẩn mười ba kí gạo. Nhưng thực tế chỉ nhận ba hoặc bốn kí, còn lại kèm theo khoai sắn. Ba tôi vào hợp tác xã nông nghiệp của thôn. Thôn không có ruộng, đa số là đất rẫy, chỉ chủ yếu trồng khoai sắn. Ba tôi trước đây là giáo viên, việc làm nông không quen, nên năng suất cũng không cao, ít công điểm . Khi chia phần theo công điểm, nhận về chẳng được bao nhiêu. Với số lương thực ít ỏi đó làm sao đủ ăn cho cả nhà. Hồi đó tôi và các em đang học ở trường cấp III Hàm Tân. Vì thế, mẹ tôi phải bán dần tài sản chắt chịu, số tài sản vơi dần đi.

           Thời kỳ ấy, nhà nước có chính sách ‘tự cung tự cấp”. Nơi nào sản xuất sản phẩm gì, tiêu thụ sản phẩm ấy, còn công việc phân phối do nhà nước phụ trách.  Ở Bình Tuy đánh bắt hải sản nổi tiếng cả nước, các hải sản như cá, tôm, mực rất nhiều. Vùng này sản xuất nhiều khoai, sắn, bắp nhưng gạo thì rất ít, vì thế giá gạo rất cao. Nhà nước cấm giao lưu mua bán giữa các vùng. Các dân buôn Bình Tuy mang cá tươi và mực khô vào Sài Gòn bán bị công an kinh tế bắt tại các trạm kiểm soát. Ngược lại, dân buôn Sài Gòn mang gạo từ Miền Tây ra bán cho Bình Tuy cũng bị bắt tại trạm gác Liên Tỉnh. Nhà tôi có bữa nấu cháo loãng gạo cho cả nhà, nhưng có thể ăn với ba đến bốn ký cá nục hoặc cá bạc má luộc chấm nước mắm. Có lúc ăn cá kho với một rổ khoai luộc hoặc một nồi bắp tươi trừ cơm là chuyện bình thường.

           Ba năm sau, không thể kéo dài mãi tình trạng này, nhà tôi mua một miếng đất ẩm gần đó. Đó là một khu vườn người ta đã trồng tương đối đầy đủ các cây lâu năm: ổi, dừa, xoài, mảng cầu và chuối. Vườn có một thửa đất trồng lúa sau nhà. Mảnh vườn này thấp, nên quanh năm đất ẩm, không cần tưới nước. Cây cối mọc sum sê, các mảnh đất nơi khác khô cằn nên nhiều loại rắn tập trung sinh sống ở đây. Nhà tôi sống chung với lũ rắn!. Trên nóc nhà thỉnh thoảng có vài ba con rắn uốn lượn, gường trước khi ngủ phải đập đề phòng có rắn ở trong. Tôi đi học ở Sài Gòn về không biết, sáng ra hí hửng định leo lên cây hái ổi. Nghe tiếng gì thổi phù phù, nhìn lên hai con rắn hổ đang phóng cái lưỡi dữ dằn của nó về phía tôi. Mất hồn, tôi chạy vào nhà nói với em gái tôi. Em gái tôi nói: "Chị muốn hái ổi, phải cầm một cây gậy, gõ vào gốc cây cho rắn bò đi chị mới leo lên được.” Ở nhà tôi tất cả làm gì cũng phải báo động trước. Muốn hạ quày chuối xuống, phải đưa cây chọc vào buồng chuối rắn lục trên buồng chuối bò ra, mới cắt chuối được. Nói chung, lúc nào cũng có cái cây đi kèm theo. Lúc đầu, tôi thấy thật khủng khiếp, nhưng rồi quen dần, tôi nhận thấy cần phải chung sống hòa bình với lũ rắn. Ta không đụng nó thì nó vẫn để ta bình an không chuyện gì xãy ra. Có một chiều hè, cả nhà ra mương bên hông vườn tát cá. Thấy có bóng dáng con lươn chạy ra, cha con chận tới, chận lui, mới phát hiện ra con rắn không phải con lươn! Cả nhà hết cả hồn, may không bị rắn cắn rồi!

           Nhà tôi nuôi hai con chó để giữ vườn, nhưng vẫn bị cảnh hái trộm cây trái trong vườn do những đứa trẻ nghịch ngợm. Nhờ có khu vườn ẩm, nhà có thể nuôi heo nái, vì có sẳn rau lang quanh năm. Em gái tôi có thể bán các trái cây trong vườn như ổi, xoài, mảng cầu, rau lang để tăng thêm thu nhập. Nghỉ hè, tôi thường về nhà nuôi heo phụ mẹ. Khi các em trai lớn lên đi vào Sài Gòn học đại học. Em gái ra Phan Rang học Cao đẳng sư phạm, chỉ còn ba mạ, nhà trở nên vắng vẻ. Nhà tôi bán mảnh vườn và ra gần đường cái ở. Ba mạ tôi lại lập vườn mới, trồng dừa và cây điều, buôn bán thêm để kiếm sống. Nhà tôi tiếp tục sống ở đây thêm nhiều năm nữa.

           Công cuộc tàn phá rừng để làm rẫy, đốt than ngày càng tàn khốc hơn, làm kiệt quệ rừng. Hết rừng, không có cây để giữ những cơn mưa xối xả trên dòng suối. Nó tạo ra xói lỡ hư hại đường sá, mưa cuốn cát từ trên dốc đổ dồn về Cam Bình. Con đường từ Sơn Mỹ đến Cam Bình, chỉ còn lại một rãnh sâu chạy dọc hai bên đường, xe đò không thể chạy được. Con đường từ Cam Bình đển ngả tư Quân Cảnh đầy cát trắng. Không thể chạy xe lam như thường lệ, chỉ còn có xe bò hoạt động được. Các con bò tội nghiệp kéo xe hàng đi từng bước nặng nhọc qua con đường đầy cát trắng. Dân thường và đám học trò chúng tôi chỉ có đi bộ mà thôi. Phải gần mười năm sau, chính quyền mới làm lại con đường để xe cộ lưu thông được như bình thường.

            Các em tôi lần lượt tốt nghiệp đại học ra trường. Tôi chuyển công tác từ Nha Trang về Sài Gòn. Sau khi tôi lấy chồng, có hộ khẩu ở Sài Gòn, tôi mới có thể thu xếp đưa ba mạ về Sài Gòn .

           Năm 1989, ba mạ tôi giã từ Động Đền về Sài Gòn sinh sống. Kết thúc gần mười bảy năm sống ở đây với biết bao vui buồn và vất vả. Vùng đất này cũng đã cưu mang cho dân Quảng Trị trong những ngày khốn khó. Người dân Quảng Trị được ví như người dân Do Thái, di cư khắp nước Việt Nam. Việc di cư lần này chắc là lần cuối, hy vọng sẽ định cư lâu dài nơi ở mới này. Gia đình tôi đã sống ở Sài Gòn hơn ba mươi năm, một thời gian khá dài. Sống ở đây ta chỉ cần cố gắng chăm chỉ, không sợ bị phân biệt đối xử. Không ai quan tâm anh từ đâu đến, vùng miền nào. Sài Gòn là nơi đất lành chim đậu.

Ngày 21/4/2020

Nguyễn Thị Thu Sương

READ MORE - KÝ ỨC MỘT THỜI: ĐỘNG ĐỀN- BÌNH TUY - Nguyễn Thị Thu Sương

KÝ ỨC QUÊ NHÀ - Tùy bút - Lê Sinh

Nhà thơ Huy Uyên (Lê Sinh)

 

KÝ ỨC QUÊ NHÀ 

Tùy bút

Lê Sinh

 

 1- Ở giữa làng là xóm chợ, bên cạnh đường quốc lộ vắt ngang, mùa đông về trên những chòm hoa sầu đông đứng lặng lẻ.. Chiếc cầu sắt bắc qua sông như nhón chân đứng nhìn một chiếc cầu xi-măng bên dưới đã gảy nhịp từ thời Pháp thuộc. Con sông Ô Khê hiền hòa chia hai thôn, nước êm đềm chảy qua đôi bờ yên ả. Những bờ tre làng rợp bóng soi mình trên mặt nước trong xanh.

 Ký ức trong tôi với những tháng ngày hai buổi đi về, lòng cứ nhớ mãi về những mùa đông làng xóm chìm ngập một màu trắng xóa vì cơn lụt. Những chiếc thuyền xuôi ngược giữa “đại dương” nước mênh mông, nước bạc màu đến bất ngờ, nước tuôn vào sân, vào nhà rộn vang những tiếng bì bõm khi lội trong nước, làng trên xóm dưới gọi nhau í ới, mùa xuân đã đến ngoài hiên và nước vẫn ngập đầy vườn. 

 Đâu dó tiếng nghé ọ trên cánh đồng vàng mùa bội thu, tiếng hò đối đáp rộn ràng trong mùa gặt, tiếng kẻo kịt của những chiếc đòn gánh nhún nhảy trên những đôi vai người nông phu. Những bát nước chè xanh bốc khói bày ra trên sân với đêm đập lúa, những ông già rung rinh chòm râu bạc khề khà nhấp chén rượu đầu mùa.

 Đêm treo lơ lửng ngọn trăng trên đầu, trăng bàng bạc khiến không gian càng tỉnh lặng, trăng soi sáng vườn khoai đang bắt đầu lên ngọn, vườn chè xanh biếc dưới ánh trăng dịu hiền, những bờ tre trở mình rên kèn kẹt, thoảng dưới ánh trăng là tiếng hò giả gạo khoan hụi dìu dặt rộn niềm vui ngày mùa. Làm sao nói hết cái lâng lâng giữa đêm trăng qua làng! quá mường tượng, kỳ ảo.

 (Con đường đó tôi và em từng dìu bước nhau đi biết bao lần, con đường của kỹ niệm ngàn đời ẩn nấp trong tim đứa con trai thời mới lớn. Lời thề xa xăm: Mai sau nếu có xa nhau cũng không quên con xóm cũ dòng sông xưa với chiếc cầu đi về hai xóm. Thế rồi em đã ra đi, đi biền biệt với một khung trời đầy kỹ niệm cháy bỏng trong tôi, lời thề hẹn đó đã vội vàng chôn ở nơi con dốc đầu làng khi hai đứa cầm tay từ biệt và đã ở lại đó vĩnh viễn. Tôi cũng ra đi ôm theo mối tình đầu đau đớn, đứng ngắm nhìn quá khứ chưa một lần trọn vẹn, hỏi em giờ này còn nhớ gì không, quê hương hai tiếng nặng lòng cho đến lúc nhắm mắt, quê hương với những sớm mai, những chiều về tay trong tay kể nhau nghe những chuyện vui buồn, những ước mơ thời trẻ dại. Lần đầu gặp em e ấp dưới chiếc nón lá, áo dài màu tím với nụ cười long lanh dưới nắng chiều, hoàng hôn rãi cùng khắp xóm làng, em đã mang đến cho tôi cái ngày mà cuộc đời bắt đầu biết vui buồn chờ đợi.) 

Chiến tranh đã đày ải làng quê với ngày đêm đì đùng tiếng súng, chiến tranh đã cướp đi tháng năm bình lặng, yên ả. Trai tráng lên đường để lại những cánh đồng trơ gốc rạ, trâu bò không người cày lơ lửng bước trong đêm.

 Con đường qua làng nhiều lần bị cắt chia bởi đạn bom và chiếc cầu cũng không tránh khỏi nỗi đau số phận, đã sụm xuống giữa dòng, lỡ nhịp đôi bờ hai thôn. Những tiếng khóc và những chiếc quan tài mang dấu hiệu binh lửa cứ trở về đốt cháy thân xác quê hương, những mái  tranh ngập chìm khói lửa, chiến tranh đi qua bỏ lại xóm làng xơ xác gảy đổ, giáo đường trơ nóc, đình chùa ngã nghiêng.

 

 Những trảng cát bây giờ đã lấp đầy những ngôi mộ nằm san sát, những hàng Bạch đàn mọc thẳng tắp thay thế tre làng bị thiêu cháy, lớp lớp người đi không trở về, có người xác thân còn nằm lại đâu đó. Biệt ly và chia rời ngày một lớn dần thêm, xóm nhỏ bổng tiêu điều sau những cơn mưa bom bão đạn.

 Rồi người cũng quay về khi hòa bình trở lại. Trên bờ đê những trai tráng trong làng vai vác cày theo sau đàn trâu chậm rải bước, đồng quê lại rộn ràng tiếng cười tiếng nói sau mùa binh lửa, những cụ già lại khề khà chén rượu bên bầy con cháu vui đùa ngoài sân. Con đường về xóm dưới bây giờ đã được bắc qua sông một chiếc cầu chắc chắn thay chiếc cầu tre đã gảy nhịp từ lâu rồi, ngày tôi đưa em qua chiếc cầu này với bao rộn ràng của con tim mới lớn, em bảo giá mà hai ta suốt đời đưa đón đi về, thế rồi em bỏ đi mà không bao giờ quay lại.

 Sông xưa vẫn nước chảy hiền hòa, nuôi nấng đồng ruộng quanh năm, tre làng vẫn kẻo kẹt rung rinh trước gió, tre che mát cho đời người nông phu quanh năm lam lũ, trong vườn đã sum suê, rập rờn từng nụ hoa cà, hoa bí mang lại cho người niềm vui bình dị, những mùa đông đến sớm, bà con được ấm lòng với những củ khoai luộc hay những trái bắp ngô nướng thơm giòn, niềm vui ấm áp nhân đôi với tiếng hít hà phả ra những làn sương trắng trên đường đến trường. Thầy cô, bạn bè  đã trôi đi khắp bốn phương trời, mỗi người một đoạn đời riêng rẻ, có mấy ai quay về đúng trước mái trường xưa để ngậm ngùi với những tàn phá của ngày xưa cũ?

 Ở đầu làng là ga xép quanh năm phơi mình dưới trảng cát trắng xóa, nằm chờ những chuyến tàu qua hiếm khi dừng lại. vẽ đìu hiu trùm lên vài người khách lẻ lên xuống từ đầu hạ đến cuối đông, một mình đi, một mình về thui thủi, lòng lại nghẹn khuất với những hồi còi tàu kéo lên giữa không gian xám xịt . Tiếng còi như ứ nghẹn ở trong tim, ôi những tiếng còi tàu buồn bã trườn qua làng sao nghe đến não nuột. Ngày tôi tiễn em đi sân ga chỉ có hai người, tay trong tay bịn rịn nói lời chia biệt, hẹn hò, em nước mắt lưng tròng ngã lên vai tôi, chiếc khăn tay em thêu tên hai đứa lồng vào nhau nghẹn ngào đưa tay vẫy khi tôi làm người ở lại, con tàu bỏ đi mang theo em làm cho tôi thêm quạnh hiu tiếc nhớ. Ngày đó đã qua mất rồi .

 Cô đơn xưa hình như trở lại quanh đây, nơi đó tít mờ ánh sương mai, nơi lung linh nắng chiều rọi soi ngày đầu tôi gặp em, nụ cười rạng rỡ tỏa sáng quanh em, làm sao tôi nói hết nổi bồi hồi xao xuyến với một buổi chiều đầy kỹ niệm

 Em còn đó với hiện thân của một bóng hình miên viễn quanh tôi, vẫn dịu dàng với hai bàn tay vẫy, vẫn đong đưa từng nhịp bước, từng tiếng thở dài về một mối tình đến sớm đầy tràn niềm hạnh phúc nhưng cũng rất đỗi mong manh của thời trẻ dại.

 Ngày tôi đưa em qua chiếc cầu chông chênh, không lối nhỏ về nhà, em chợt im lặng níu giữ một mối tình vừa mới hái, hạnh phúc bàng bạc, sương khói, ngày em đi qua nhà tôi, bước chân không hề có tiếng động, dấu kín một mối tình. Em trong tôi cuộc tình đầu chứa chất bao đắng cay khốn khó.

 Tôi một mình biết bao lần quay lại nơi xưa tìm kiếm mối tình đầu dù trải qua những tháng năm dâu bể, ngược xuôi, em về một phương trời xa xăm nào đó để lại trong tôi ánh mắt nụ cười, điều đó đã theo tôi suốt đoạn đời còn lại, đã mang trong tôi dấu ấn đậm đà, hỏi em có còn nghĩ lại, hỏi em có còn nhớ về ảnh hình của thời xưa cũ, giấu trong tim hết cả thời mới lớn?

 Em đi rồi làng xóm bổng chìm khuất trong nổi buồn lặng lẻ, không gian u trầm trong sầu vạn cổ, những ước mộng ban đầu, đắng cay theo bóng hình em. Có thể trong tôi vẫn mãi giữ những kỹ niệm buồn, có thể trong em vẫn ẩn chứa hình dáng quê hương, nơi đó được đặt tên là nơi trú ngụ của tình yêu.

 Có chăng mong một lần quay lại, trở về bên sông cũ, xóm nghèo xưa để nhớ để nghĩ về cuộc tình tan vỡ, đau đớn cho đến lúc bạc mái đầu có còn để gọi nhau là cố nhân không ?

 Ở giữa làng là xóm Chợ nơi em ngày hai buổi sáng chiều quang gánh, vẫn khuôn mặt đỏng đãnh, nụ cười chúm chím, em đã để lại trong tôi nỗi u hoài của những nụ hôn xa, của con tim liên hồi đập mỗi lần đón đợi người thương, em còn lại trong tôi những đêm trăng hò hẹn, những đêm lễ hội, lòng hồi hộp dưới ánh trăng cổ tích, tay cầm tay lãng đãng đợi chờ .Thế rồi em đi, xóm làng xưa vẫn bên biền cuối bãi, con sông xưa vẫn đổ từ triền núi ra biển cả.

  Ngày đó ai mơ một ngày về.

 

2- Lần lửa hẹn mãi lòng một lần quay về với Bến Đá, nơi quê nhà xưa đã một thời tắm mát bên dòng sông Ô-Khê xanh biếc hiền hòa, nơi những người thân hai mùa mưa nắng dầm mình trên đồng chiêm cày ải, nơi tiếng chim bìm bịp kêu chiều theo con nước, nơi tuổi thơ tôi vốn sinh ra trong một gia đình khó khan, lam lũ…

  Ngày tháng rồi cũng đi qua, nhiều lần tôi đã về ngồi lại bên sông, bên chiếc cầu tre gảy nhịp nhìn dòng nước chảy, nhìn bóng chiều tà đậu dài hai bên bờ ngẫm nghĩ đến đời mình cho đến khi chiều tối. Tôi vốn sinh ra nơi quê nghèo, nơi đây ngày xưa ăm ắp những tiếng hò ngọt lịm, gạo trắng trăng thanh, thế nhưng sau chiến cuộc mọi chuyện đã đổi thay không còn nữa, biết đến bao giờ, đợi đến bao giờ cho quê nhà thay da đổi thịt.

 Quê ơi cứ hẹn một lần về.

Tôi mất cha từ năm lên một, mẹ tôi ở vậy tảo tần sớm hôm nuôi tôi khôn lớn. Những đêm, những ngày quanh quẩn sau lũy tre làng với con đường quê hai bữa đến trường, ngoài những buổi học tôi thường phụ mẹ tôi bắt ốc mò cua, mót khoai mót lúa. Cuộc sống cơ cực ở thôn làng đã rèn luyện cho tôi nên người từ thuở đó. Đến năm mười hai tuổi mỗi ngày tôi phải đi bộ năm bảy cây số ra phố quận Hải Lăng để theo học Trung học. Hình ảnh ghi đậm trong tim tôi là ngày tôi dự thi vào trường, cảnh  bác Sáu tôi đứng bồi hồi chờ trước cửa trường Nam tiểu học, trưa bụng đói bác đưa cho tôi ổ mì"xíu" mà lần đầu trong đời tôi được ăn, cái hương vị tuyệt vời mãi đi theo tôi cả chiều dài năm tháng, cái mùi cay bùi đó không làm sao tôi quên được. Chiều trời đổ mưa tôi gói mình trong tấm ni-lông màu nước mắm băng qua đường gặp bác, hai mắt của bác nhìn tôi ứa lệ, bác tôi nhẹ nhàng cởi tấm ni-lông rồi lặng lẻ mặc cho tôi chiếc áo mưa hiệu Blair màu khói hương, đó cũng là lần đầu tiên trong đời một đứa trẻ quê được khoác lên mình một chiếc áo mưa tươm tất. Tôi nuốt nước mắt vào lòng mừng vui khôn tả và lặng thinh nắm lấy tay bác đi bộ về chỗ trọ lòng đầy bồi hồi xúc động. Kỳ đó tôi đổ Trung học.

 Tôi không thể nào quên những năm tháng đi học xa nhà, những ngày hè oi bức, nhễ nhại mồ hôi trên con đường cái quan rãi nhựa bốc khói, những sớm mai, chiều đông rét lạnh căm căm tôi bó mình trong chiếc áo tơi do tôi chằm từ lá nón, lầm lũi bước với bụng đói lép kẹp.

Để có cơm ăn tôi đi làm Precepteur suốt ba năm học trường Nguyễn Hoàng, với một bà mẹ quê quanh năm ruộng lúa nương khoai thì làm sao kham nổi cho con ăn học xa nhà, nên đôi lúc cũng đành phó thác tôi cho trời cho đất. Những ngày đầu bỡ ngỡ với lớp với trường tôi xoay quanh với nghề gia sư ở nhà sách Tao Đàn, đêm kèm ba đứa nhỏ đang học Tiểu học, cho đến năm Đệ nhị (lớp 11) thì chuyển lên kèm cho một gia đình ở xóm chài, cái xóm chài ven sông Thạch Hãn cứ theo mãi tôi đến bây giờ, những con đò nằm sát bên nhau nơi bến đổ...và rong rêu dập duềnh theo từng đợt sóng lô xô, những bữa cơm có lúc nghèn nghẹn không nuốt nỗi khi trong cơm có lẫn mùi dầu hỏa (dầu lửa).

 

 Chủ nhà tôi dạy kèm vốn chẳng khá giả gì nên tôi cũng chẳng phiền lòng về chuyện ăn uống hay trú ngụ, nữa niên khóa sau tôi phải ghi tên ăn cơm Xã hội (miễn phí) và thuê một cái giường để ngũ và học hàng ngày.

Tôi học ban C nên được xếp học ở dãy nhà dọc phía trái của trường, nơi có cái cổng phụ rất dễ cho những lần chúng tôi cúp cua lang thang ngoài phố. Tôi vốn không có một bạn gái nào để vắt vai cho một mối tình, có lẽ vì nghèo, vì gia cảnh khó khăn…, lúc này đối với tôi đám nữ sinh như đang ở một thế giới xa vời, khó lòng tôi với tới. Cứ mỗi chiều cuối tuần tôi háo hức về lại quê nhà, bên mâm cơm nghèo cùng mẹ tôi với những trái cà, đọt bí, hương vị của đất trời  tõa một mùi thơm dìu dịu, hình như để bù lại cho những ngày ở tỉnh lị thiếu đói mẹ tôi lại chạy vạy lo cho từng bát cơm có trứng, có cá.

 

 Ở trường tôi được  thầy cô  để ý quan tâm đến hoàn cảnh của mình như cô Thanh, thầy Gary Carkin, thầy Diên, thầy Nguyễn Đăng Ngọc. Về việc học hành, hình như chỉ có môn Việt văn và Anh văn là tôi chăm chút còn các môn khác tôi lại lơ đểnh, nhất là môn Vạn vật, vì thế mà năm thi Tú tài tôi bị thiếu điểm của cô Toàn, thật nghiệt ngã.

 Hồi này tôi bắt đầu có thơ trên các báo Sài Gòn, Tết đó tôi viết bài thơ buồn:

                Nói với lớp học

    Dĩ vãng đó xin người đem dấu kín

    Kỹ niệm buồn đứa con nhỏ hoang mê

    Đến với người bằng tháng ngày đông tím

    Bằng hạ buồn bằng thu chết ngất ngư .

 

    Tôi chong mắt nhìn đời mình ở đó

    Lớp học buồn khuôn mặt lạ trầm ngâm

    Ghế bàn trơ im lìm lên nước gỗ

    Buồn lưng đầy theo từng tháng từng năm .

    ....

    Người về đó xem xóm làng tôi gục chết

    Bầy trâu nghèo lơ lửng bước trong đêm

    Ruộng cằn khô bên từng khoang mạ cháy

    Người bỏ đi nhung nhớ cả trăm miền .

 

    Xin dung tha một đời tôi vô phước

    Sớm xa người về trong cảnh nát tan ....

 

 Thời gian cứ mãi trôi đi, đi mãi cho đến một ngày tôi cũng bỏ trường mà đi sau những năm tháng sống cực nhọc, gian khó. Có ai biết đến một đứa con Nguyễn Hoàng trong bổng chốc thấy mình cô đơn quá đổi giữa một quê hương đầy súng đạn, xác xơ, không có đường về cho ngày mai, lại những lần ra đứng thơ thẩn bên sông Thạch Hãn, nhìn bên kia ẩn hiện ngôi chùa Sắc Tứ thong thả gióng từng hồi chuông, những hàng cây liêu xiêu, dòng nước lững lờ…

Những tháng ngày khó khăn lại diễn ra với cảnh thiếu thốn: ăn nhờ ở đậu, tôi không có một bộ đồng phục tươm tất, (quần xanh áo trắng)  để đi đến trường mà thay vào đó là những bộ đồ cũ xì. Thầy cô hàng ngày chẳng lạ gì tôi, một đứa học trò nghèo khó. Lần tôi nhớ nhất là lần cô giáo Thanh dạy Pháp văn (sinh ngữ phụ) gọi tôi lên trả bài nhưng tôi không biết một cái gì cả, cô bảo tôi ở lại sau giờ học, sau khi tôi trình bày về hoàn cảnh khó khăn nên nhiều khi xao nhãng chuyện học. Cô thông cảm và bảo ban tôi như một người chị với đứa em, đã nhiều lần cô tìm cách giúp đỡ tôi. Thế hệ Nguyễn Hoàng dường như ai cũng biết cô Thanh, những cảm thông của cô đã chắp cánh cho tôi sau này bay lên với cuộc đời vốn không hề bằng phẳng.

 Những đứa con xưa của Nguyễn Hoàng có lẻ đã đơm hoa kết trái trên vạn nẻo đường, tiếp nối mãi về một thân tình ấm áp, mãi cầm tay nhau cho dù tuổi đời đã sửa soạn về chiều. May thay vẫn còn lại những trái tim người đầy nhân ái và đậm đà thủy chung tình bạn, tình thầy trò.

 (Đoạn viết này xin được gởi đến cô Thanh để nhớ đến một đứa học trò đã từng khốn khó) .

3-

      Khi xuôi từ Nam ra, qua khỏi cầu Mĩ-chánh, ngã ba con lộ “Không Vui” là quê làng tôi. Hơn bốn mươi năm trước trường Trung học Hải Lăng nằm sát bên con đường đó đối mặt với huyện lị Hải Lăng với hàng kẻm gai chằng chịt. Năm một ngàn chín trăm sáu mốt, trường được xây trên bãi cát mọc đầy xương rồng lẩn hoa mua, sim dại. hàng dương dập dìu trước gió, trống trường điểm từng hồi. Tuổi thơ bồng bềnh trôi về một ngôi trường bé nhỏ nép mình trong thời buổi chiến tranh loạn lạc.

 Tôi trở về đây, chốn xưa đã thành một khu mới, giữa ngã ba đi về khi xưa không tìm đâu ra dấu vết của ngôi trường cũ. Ngày đó thời bé nhỏ, ngày hai buổi đi về cùng bè bạn thầy cô chung vui trường lớp, xẻ chia đau thương mất mát một thời súng đạn, Trong nổi đau chung của Hải Lăng từ cuộc chiến trong đó có ngôi trường mẹ Hải Lăng.

 Ngày ấy làm sao nói hết những chiều thu hạ đến xuân đông ở phố nhỏ Diên Sanh lạnh buồn, ở  giữa ngã ba đường quốc lộ băng ngang là những mái ngói của một thị trấn đìu hiu. Ở dưới gốc đa già là bến xe nhỏ hằng ngày đi về tỉnh lị, bên cạnh đó là ngôi đình làng trầm lặng với những cây bàng lớn hơn vòng hai người ôm. Những buổi lên lớp mai nắng xiên, chiều cát gió, một tiếng trống, một tiếng còi tàu cũng không làm giảm đi nét cô quạnh cho con phố trầm buồn. Ở nơi đó có những Lộc, Hoa của Mai Đàn, Tục, Tiếp của Trung Đơn đã đi qua và đã nằm xuống, một thế hệ buồn !

 Ngôi trường tôi bị san phẳng sau một mùa hè khói lửa và vĩnh viễn bị mất đi ở cái huyện lị nghèo này. Những cánh chim bay không mỏi mãi nhớ về trường xưa, ở đó tôi vẫn nhớ về từng hồi chuông nhà thờ đổ trong những mùa giáng sinh từ nhà thờ cha Minh, tiếng chuông ngân nga tít mãi tận đồi cát bên kia, đã mất đi những bóng hình xưa cũ, còn chăng chỉ còn lại những đám mây trôi bàng bạc mỗi chiều. Cảnh cũ muôn năm đi vào cổ tích của nhớ nhung hoài niệm.

 

Em một mình bên giòng sông quê
ngập lòng mùa về tháng chạp
qua rồi tháng năm được mất
tình đi nào có quay về.
 
Ô Giang đầu bến hoa sim nở
tím mãi tim ai đợi chờ,
thôi lời nguyền buổi đó
mây đã xa, cây đời tương tư.
 
Sông xao chi mà chẻ hai giòng
võ vàng mấy bờ thương nhớ,
dăm sầu ai đi cách trỡ
xa nhau hỏi em có buồn.

 Phai trôi màu chiều xa vắng
chiều đi nắng tím hoa mua,
suối chao mấy giòng nhịp sóng 
còn lại tình trao người về
bên khe quê hoài hiu quạnh.
 
Một mình em với sông quê
đợi tới khi chiều nắng tắt,
người ơi nào có quay về
em giận ai
mà lòng đau muối xát.
 
Ngờ tình dặm chiều cay đắng
đợi chờ sông quê ngày nao
chở ai về
dỗ lòng theo sớm mưa chiều nắng.
 
Bên người xa cả trời trống vắng
nụ hôn xưa nay quá bẽ bàng,
quên trôi theo từng ngày tháng
dặm sầu ai đã theo mang.

                                                Lê Sinh


READ MORE - KÝ ỨC QUÊ NHÀ - Tùy bút - Lê Sinh

MẤY LỜI TRĂNG TRỐI ĐẦU XUÂN - Thơ Phạm Ngọc Thái

 

Nhà thơ Phạm Ngọc Thái


MẤY LỜI TRĂNG TRỐI ĐẦU XUÂN

 

 

 - Viết trong những ngày cấp cứu ở viên E,

                                    trước khi lên bàn mổ

 (Bài thơ này tôi không kịp XB thành sách,

                     xin gửi đời giữ lại hộ cho tôi.)                                        

 

 

Rồi mai ngày nhân thế ngợi ca ta

Có biết thi nhân đang khổ nạn giữa sơn hà

Chỉ muốn kết thúc cõi người cho chóng vánh

Ôi, Số phận một thi hào!

Chết cũng khó lắm thay?

 

Ta muốn gọi trăm lần, tên đứa con yêu đã mất (1)

Để lại giữa đời người cha cô độc

Bệnh tật dày vò.

Hỡi thượng đế linh thiêng!

Mau cho tôi về chốn bồng-tiên.

 

Sự nghiệp xong rồi, ta đi không nuối tiếc

Bỗng lại phân vân về ý nghĩa cuộc đời này?

Chỉ dành cho tham vọng ngút trời mây

Nay đã hoàn thành.

Khổ quá! Đúng, sai không biết nữa?

 

Sao không sống hiện sinh, làm giàu như bao nhiêu kẻ khác?

Để hưởng kiếp này phè phỡn, rồi đi...

Ừ, thì vượt lên trên thời đại - Đã được gì ???

Mai dẫu vinh quang, nào sống đâu mà biết.

 

Hậu thế ơi! Kiếp đại thi nhân nhưng cơ cực

Nguyễn Du còn khóc gọi trăm năm (2)

Dù tên Người hôm nay sáng láng tựa trăng rằm...

Mai tôi về - Sẽ đến thăm Người, bà Hồ Xuân Hương,

Các cố nhân cùng ông Hàn Mặc Tử

 

Nợ đời đã trả xong. Lậy Đức Quan Âm

                                    và Như Lai Phật tổ!

Thánh anh linh giải thoát kiếp sống cho tôi

Tôi đi vui. Càng nhanh đi càng sung sướng cuộc đời

Chỉ còn cuốn tiểu thuyết viết xong rồi.

Hẹn ra mắt thu đông - Sẽ bái biệt loài người, tôi nhắm mắt.

 

Mấy lời trối trăng. Kết thúc đời thi nhân, vào kiếp khác

Nếu mai người lập miếu cho tôi,

Xin đặt trong khu vườn đền Quán Thánh ở thủ đô.

 

                   Phạm Ngọc Thái

                   Mồng 5 tết năm Nhâm Dần

                        (tức ngày 5.2.2022)

         - Trong những ngày cấp cứu ở viện E Hà Nội

........          

 

(1) Con trai tôi Phạm Ngọc Bảo đột tử, mất năm 27

 tuổi.

(2) Cụ Nguyễn Du đã than:

              Bất tri tam bách dư niên hậu

              Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

   (Nghĩa là: Hơn 300 năm sau, nhân thế liệu ai người

 sẽ khóc Nguyễn Du? )


READ MORE - MẤY LỜI TRĂNG TRỐI ĐẦU XUÂN - Thơ Phạm Ngọc Thái

GIÊNG HAI - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

 

Nhà thơ Nguyễn Đại Duẫn

GIÊNG HAI


Giêng hai của mẹ

Là bát canh cua đồng nấu với rau lang

Giấu dưới đáy nồi cơm ít hơn khoai sắn

Là tấm áo khê nồng giọt mồ hôi chát mặn

Là bát cơm úp phần con sau buổi tan trường

Mẹ góp nhặt từ yêu thương

Thành từng đồng học phí

Mẹ giấu giêng hai vào nụ cười

Sợ con đổi ý

Bỏ học

San bớt giêng hai


Giêng hai của mẹ

Là bàn tay mốc meo lượm từng gộc củi

Mẹ nhen hồng bếp lửa

Con ê a ngồi nhặt từng con chữ

Nhen lên niềm ước vọng tương lai

Con lớn lên từ củ sắn củ khoai

Từ giọt mồ hôi 

trong chiếc gàu  múc lên 

bằng những niềm tin của mẹ…


Cho con dâng lên bàn thờ mẹ một bát giêng hai

Hương gạo thơm quyện mùi mưa nắng

Nồi cơm đầy tựa hồ mây trắng

Con ngậm ngùi

Ký ức giêng hai



Nguyễn Đại Duẫn

Hội viên Hội VHNT Trường Sơn


READ MORE - GIÊNG HAI - Thơ Nguyễn Đại Duẫn