Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 1, 2018

THANH XUÂN 1 - 2 - 3 - Thơ Tình Lục Bát 2018 - Lê Kim Thượng

Tác giả Lê Kim Thượng
        
Lê Kim Thượng       
Thơ Tình Lục Bát  2018                 

THANH XUÂN     1 - 2 -  3

1.   

Em sang từ độ xế trưa
Chờ trăng sáng tỏ... anh đưa em về...
Cõi Tình... hoa mộng, trầm mê
Đôi chân dạo bước bốn bề phù vân
Xao lòng khúc nhạc suối ngân
Cung thương, điệu nhớ xa gần, tỉnh say...

2.     

Tím chiều, tóc gió tung bay
Xuân xanh dáng liễu, cho ngày mộng mơ
Hôn lên đôi má non tơ
Hương trinh ngây ngất, dại khờ mê si
Tình nồng thơm mắt, thơm mi
Vườn yêu vui bước Xuân thì hồn nhiên
Lời yêu ngọt dịu bên hiên
Gió đưa sợi tóc bay nghiêng môi cười
Đỏ hồng đôi má hổ ngươi
Tóc nhung thả nửa lưng người liêu trai
Tay đùa cong sợi tóc mai
Nắng rơi da trắng, trang đài đắm say
Tôi - Em... ôm trọn vòng tay
Lạy Trời mãi nắng... cho ngày đừng qua
Vuốt ve dáng ngọc kiêu sa
Vàng mơ áo lụa, nõn nà giai nhân
Gần em... hơi thở thanh xuân
Ngọt hương con gái, bâng khuâng hoặc huyền
Cầu Trời tình mãi vẹn nguyên
Ông Tơ - Bà Nguyệt xe duyên đá vàng...

3.   

Tôi em dang dở đò giang
Bên sông dừng bước, đôi đàng biệt ly
Giọt buồn lắng đọng sầu bi
Bến xưa ghi dấu tình si thề bồi
Người xa, bến vắng lâu rồi
Một người ôm bóng đơn côi lừng khừng
Thà rằng chẳng gặp thì đừng
Để sâu thương nhớ... nửa chừng buông rơi
Em đi xa cách phương trời
Gửi thư, thư lạc... gửi lời, vô duyên
Trăng tà, bóng xế đổ nghiêng
Niềm vui đi mất, muộn phiền bủa vây
Hương tình quanh quẩn đâu đây
Còn thơm chăn gối, ngất ngây chiếu giường...
Tơ tình ngày cũ còn vương
Mỗi người mỗi xứ... mà thương nhau hoài
Sao Hôm chờ đợi Sao Mai
Cô đơn Góa phụ... đêm dài năm canh
Ước gì “Gương vỡ lại lành...”
Để cho “ Loan - Phụng hòa minh...” trăng rằm
Nối tình “Hạnh phúc trăm năm...”
“Châu về Hợp Phố... Sắt - Cầm hợp hoan...”
                               Nha Trang, tháng 03. 2018
                                   KIM  THƯỢNG


READ MORE - THANH XUÂN 1 - 2 - 3 - Thơ Tình Lục Bát 2018 - Lê Kim Thượng

CHÙM THƠ XUÂN - Trường Hải Lê Văn Đông

Tác giả Trường Hải Lê Văn Đông
              
    
               XUÂN

              Xuân tươi trẻ muôn đời Xuân yêu mến,
              Lộc non tơ búp nụ đậu trên cành.
              Dẫu biết thế vẫn ngỡ ngàng Xuân đến,
              Màu tinh khôi như mỗi sáng bình minh.
              Xuân tuần hoàn sau đông dài lạnh giá,
              Gương mặt hồng đào sưởi ấm nhân gian.
              Sáng Xuân nay lòng ta vui khôn tả,
              Đón Xuân về như gặp lại người thân.

                     
                  

               XUÂN VỀ

               Đông đã tàn rồi cái rét vợi đi
               Xuân  bước nhẹ màn trời giăng mưa bụi
               Ngọn gió Xuân sáng bừng tờ lịch mới
               Nhựa chuyền cành tí tách giọt Xuân vui.


              
                MÙA XUÂN
                                                                     
                Trời Xuân lấp lánh nắng vàng
                Gió Xuân se lạnh mơ màng ngất ngây.
                Xuân sang gõ cửa cầm tay
                Gương Xuân tươi trẻ đong đầy niềm vui.
                Ta cùng say với đất trời,
                Mùa Xuân trong ánh mắt ngời yêu thương.

                Trường Hải Lê Văn Đông
READ MORE - CHÙM THƠ XUÂN - Trường Hải Lê Văn Đông

TÌNH XUÂN - Thơ La Thụy


     

      TÌNH XUÂN
      (Tặng Phạm Tường Đại)
  
      Bướm vàng điểm phấn má hồng nhung
      Thánh thót cung đàn gọi cõi không
      Xôn xao nhựa chuyển run cành lá
      Phơi phới tình xuân phả nhạc lòng.

     Thấm đẫm sắc trời ngây ngất biếc
     Thời gian chao cánh dậy mầm thơ
     Thu tàn đông tạ quay tròn đất
     Mây nước hồi sinh rạo rực mùa.

     Gió khẽ vương hương hồn cây cỏ
     Oanh yến hòa ca ấm điệu vần
     Ờ thiên kỷ hết ta còn đó
     Vật đổi sao dời xuân vẫn xuân               

                                    La Thuỵ

READ MORE - TÌNH XUÂN - Thơ La Thụy

CÒN ĐƯỢC CHÚT TÌNH, KHÔNG ĐỀ - Thơ Tịnh Đàm



    Nhà thơ Tịnh Đàm


CÒN ĐƯỢC CHÚT TÌNH

Ngõ hồn tôi
Mãi trâm tư
Bao nhiêu ước vọng
Đã như... sương mù !
Lặng nghe
Đời khát lời ru
Bông hoa nào
Rụng
Nẻo phù vân... xưa ?
Sầu đong
Biết mấy cho vừa
Một tôi
Tung tẩy...
Nắng mưa phận mình !
Cũng may
Còn được chút tình
Về thương lại
Kiếp nhân sinh...
Vơi đầy.


KHÔNG ĐỀ

Vây quanh đời
Những hư hao !
Một tôi
Ngồi lại
Với khao khát mình !
Lòng đau
Sao vẫn lặng thinh
Mắt nhìn
Về phía bình minh...
Đợi gì !?!

TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP.HCM)

READ MORE - CÒN ĐƯỢC CHÚT TÌNH, KHÔNG ĐỀ - Thơ Tịnh Đàm

CHÚ THÍCH HAY KHÔNG CHÚ THÍCH? - Phạm Đức Nhì

   
             Tác giả Phạm Đức Nhì

  

CHÚ THÍCH HAY KHÔNG CHÚ THÍCH?

Từ Một Giai Thoại Sửa Thơ

Vương An Thạch trong lúc du học ở đảo Hải Nam đã làm một bài thơ trong đó có hai câu rất lạ:

Minh 
Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng 
Khuyển ngọa hoa tâm

Dịch nghĩa:

Trăng sáng hót đầu núi
Chó vàng nằm (trong) lòng hoa
Thi hào Tô Ðông Pha 
tình cờ đọc được, thấy “sai” (trăng sáng làm sao hót trên đầu núi và chó vàng làm sao nằm trong lòng hoa được) nên đã sửa lại hai chữ cuối cho đúng nghĩa hơn.

Minh nguyệt sơn đầu 
chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa 
âm
Dịch nghĩa:

Trăng sáng rọi đầu núi
Chó vàng nằm (dưới) bóng hoa 

Chuyện sửa thơ đến tai Vương An Thạch 
(lúc ấy đang là Tể Tướng) nên họ Vương đã bổ nhiệm Tô thi hào một chức quan ở Hải Nam. Sau đó Tô Ðông Pha mới khám phá ra ở địa phương này có loại chim tên là Minh Nguyệt, hay hót trên đầu núi, và có một loại sâu tên là Hoàng Khuyển, chỉ thích nằm trong lòng hoa! Và người kể chuyện kết luận “Lúc ấy Tô Ðông Pha mới biết là mình xớn xác, bồng bột và thấy được cái thâm trầm của Vương An Thạch.

Theo tôi, việc Tô Đông Pha sửa thơ không có gì là “xớn xác, bồng bột” hết. Người đọc thơ, bình thơ – trong thế giới thơ rộng lớn - không thể biết và không có bổn phận phải biết những chi tiết, sự việc chỉ có, chỉ xảy ra ở một địa phương nhỏ bé. Chính thi sĩ - để hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ - phải chú thích để người đọc biết, hiểu những chi tiết, sự việc có tính chất địa phương ấy. Lỗi và trách nhiệm ở đây nằm trên hai vai Vương An Thạch chứ không phải Tô Đông Pha. (1)


Đến “Sao Em Không Chú Thích?”

Việc viết lời bình cho bài thơ Con Về Ngõ Nhỏ lúc đầu cũng gặp chút trở ngại.  Bài thơ ngôn ngữ bình dị, trong sáng, hình tượng đẹp, nên thơ, tâm tình nhẹ nhàng, rất dễ cảm, dễ thương. Nhưng 2 câu cuối thì tối nghĩa, khó hiểu.

CON VỀ NGÕ NHỎ

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong

còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương

mơ màng khói bếp còn vương                       
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu

Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!

(Ngọc Mai)

Mới đầu tôi nghĩ:

Ánh trăng non chiếu xuống giàn trầu sáng lung linh như mặt nước khiến tác giả có cảm tưởng ‘trăng non khóc đẫm lá trầu’”. Nhưng câu cuối “kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng” thì đúng là “lạc quẻ”, đã bị tác giả chặt đứt lìa dòng chảy của tứ thơ. Hơn nữa, tác giả về thăm nhà vào lúc “Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều” thì làm gì có trăng non để cho mẹ chải đầu?

Tôi nhắn tin hỏi thì Ngọc Mai trả lời:

Em ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.”

Tôi lầu bầu trong miệng:

“Ối Giời ôi! Câu ví riêng tư như vậy mà không chú thích thì bố ai biết được!”

Thế là nghe được lời giải thích câu ví von ấy – làm đoạn kết và bài thơ hay hẳn lên - tôi hài lòng về chức năng truyền thông của bài thơ và viết lời bình. Sau đó tôi nhắn tin cho Ngọc Mai:

Bài viết đã xong. Gởi cho anh lời chú thích.

Cù cưa một hồi lâu chị mới trả lời:

Dạ, theo em thì không cần đâu ạ.

Tôi bực mình nhưng vẫn nhẹ nhàng:

Nếu không chú thích thì người đọc sẽ không hiểu hoặc hiểu lầm; nếu thế anh sẽ bỏ bài viết của anh.

NM: Trời!

Tiếp theo là cuộc nhắn tin qua lại khá dài và “gay cấn”.

Tôi đưa ra tối hậu thư:

Mỗi người một ý thì đường ai nấy đi. Cứ coi như anh chưa viết, chưa biết bài thơ.

Cuối cùng chị đồng ý gởi cho tôi lời chú thích và nhờ thế bài viết “Con Về Ngõ Nhỏ” Bài Thơ Mới Quen ra đời.




Trường hợp của Vương An Thạch thì vì lúc đó quan san cách trở, thông tin chỉ lưu chuyển trong phạm vi hạn hẹp nên không nói làm gì. Nhưng ngay ở thời điểm hiện tại, không riêng Ngọc Mai mà khá nhiều thi sĩ khác, có khi vô tình nhưng thường là cố ý, không chú thích những ý nghĩ, ví von rất riêng tư để con đường đến bến đỗ của tứ thơ có thêm cái “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”. Hoặc qua thủ pháp Show, Don’t Tell các ngài chặt bớt quá nhiều cầu khiến khoảng cách từ ý này tới ý kia xa quá, sức liên tưởng của độc giả không thể nhảy qua được. Họ nghĩ làm thế bài thơ sẽ sang hơn, hấp dẫn hơn. Điều đó đúng một phần. Cố gắng tự mình tìm ra và hiểu được ý tác giả khiến công việc đọc thơ lý thú hơn. Đó là một thực tế. Nhưng coi chừng “già néo đứt dây”. Nếu độc giả không “bắt” được tứ thơ vì chức năng truyền thông của bài thơ sơ sót, khiếm khuyết, bài thơ bị đánh giá là thất bại.

Tại Em Không Chú Thích Nên Anh “Nghe Gió Kiếm Bình Thơ”

Cũng vì đọc bài thơ không có phần chú thích nên ông Nguyễn Xuân Dương khi viết lời bình cho bài thơ Con Về Ngõ Nhỏ - mặc dù viết sau bài của tôi hơn 2 tháng - đã có đoạn bình 2 câu cuối như sau:

Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!”

Đến đây thì nhà thơ đã hoàn toàn chìm trong vô thức. Hay đúng hơn nhà thơ đã nhìn thấy mẹ mình hiện hữu khi nhìn thấy giàn trầu của mẹ. Mẹ không còn nữa, giàn trầu giờ cũng côi cút cô liêu đến nỗi trăng non thương quá giàn trầu của mẹ rồi khóc. Lệ trăng đã ướt đầm lá trầu của mẹ và mẹ đã hiện về dưới ánh trăng khuya. Trăng thương lá trầu mà khóc. Còn mẹ thương trăng mẹ lại chải đầu cho trăng. Những thi ảnh ở đây phi lí hư ảo đến tận cùng và có một ma lực siêu phàm ám ảnh tim ta ám ảnh đời ta. Thử hỏi có gì nhân nghĩa hơn thế khi thiên nhiên và con người nơi đây cứ hòa quyện cứ đùm bọc chở che nhau trong vòng tay nhân ái dịu dàng? 
Nguyễn Xuân Dương (2)

Tôi có cảm tưởng mình đang xem phim Võ Sĩ Mù Nghe Gió Kiếm. Võ Sĩ không thấy đường nên nhờ vào đôi tai thính của mình để theo dõi chuyển động của đối thủ. Đến khi đối thủ biết được yếu điểm của Võ Sĩ Mù nên ngừng chuyển động thì đôi tai thính của ông trở thành vô dụng và đã ra chiêu bất hợp lý đến độ ngờ nghệch, trông thật đáng tội nghiệp. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Dương có hơi khác. Không có đối thủ nên ông cứ một mình say sưa, quay cuồng theo những hình ảnh có được từ sự liên tưởng quái đản không gốc rễ của mình. Độc giả hiểu chuyện đọc đoạn bình thơ của ông chỉ còn biết le lưỡi, lắc đầu bái phục.

Có phần chú thích, 2 câu cuối của bài thơ bỗng thay da đổi thịt, tươi đẹp hẳn lên. Trăng non chính là cô bé Ngọc Mai ngày xưa lúc còn thơ dại hay khóc giỗi hờn. Mẹ đã khuất núi từ lâu mà vẫn tưởng tượng mẹ đang đứng dưới giàn trầu chải đầu cho mình như ngày xưa còn bé. Vâng, đó chỉ là mơ, là mộng. Nhưng mộng ở đây đã có một sợi dây vô hình nối với thực – phi lý mà hữu lý trong nghệ thuật. Trong bài bình thơ tôi mới chỉ cho rằng “Hai câu kết vừa đẹp, vừa nên thơ, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc”. Thật ra nếu nói “Hai câu thơ ấy thật tuyệt” cũng không có gì quá đáng.

Còn nếu không có phần chú thích, trăng non chỉ là trăng non thì vừa không phù hợp với cảnh vật thực tế như đã nói ở phần trên – “Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều” thì làm gì có trăng non được - lại vừa không có chỗ ở vùng “thực” để buộc sợi dây nối với vùng “mộng”. Không có sợi dây nối mộng với thực thì mộng vừa phi lý so với thực tế lại vừa tách biệt khỏi tứ thơ, xa rời cuộc sống, thiếu tính nghệ thuật; loại mộng đó không có chỗ đứng trong thơ.

Trường hợp Ngọc Mai, trong khung cảnh thân tình của Facebook, độc giả như tôi còn có thể qua hộp nhắn tin “hỏi nhỏ” tác giả, chứ ở những chỗ khác mà gặp bài thơ có tứ thơ tối mù như thế thì – vì vấn đề mặt mũi, sĩ diện của cả người viết và người đọc – thái đội ngoảnh mặt làm ngơ là tốt nhất.

Không mở được “cánh cửa bến đỗ của tứ thơ” cho độc giả bước vào là lỗi của tác giả. Tô Đông Pha vì không biết chim Minh Nguyệt và sâu Hoàng Khuyển nên đã sửa bài thơ sai ý Vương An Thạch, nhưng ông bám sát tứ thơ và bài thơ “phó phẩm” vẫn hợp lý và đầy tính nghệ thuật. Còn ông Nguyễn Xuân Dương, không “bắt” được sự ví von riêng tư của Ngọc Mai, đã không chịu ngoảnh mặt làm ngơ mà lại còn rời bỏ tấm bản đồ của tứ thơ để thả hồn xuôi ngược lung tung nên đã tự mua sự vất vả cho mình. Không những thế ông còn đi xa hơn - múa bút chia sẻ cảm nhận về chuyến đi “không định hướng” ấy với những người yêu thơ khác – nên độc giả có dịp được xem một đoạn phim hài lý thú.


Kết Luận

Xin mượn đoạn kết của bài Hé Mở Cánh Cửa Bến Đỗ Của Tứ Thơ để nhấn mạnh điều này một lần nữa.

Làm thơ, tâm trạng là của mình, chỉ cần biết đến mình. Nhưng bày tỏ tâm trạng để người đọc hiểu mình, (có thể) đồng cảm với mình thi sĩ phải hé mở cánh cửa đến bến đỗ của tứ thơ. Đó là chức năng truyền thông của thơ. Không có nó bài thơ sẽ chết. (3)

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:

1/ Lời Bình Ngắn (Tập 1), Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
2/ FB Ngọc Mai 08/08/2017
3/ Hé Mở Cánh Cửa Bến Đỗ Của Tứ Thơ, Phạm Đức Nhì,phamnhibinhtho.blogspot.com

READ MORE - CHÚ THÍCH HAY KHÔNG CHÚ THÍCH? - Phạm Đức Nhì