Tác giả Hoàng Đằng
ĐI MỸ
Tết Bính Thân năm nay (2016), mụ Hồng lại về thăm quê.
Mụ tuổi Canh Ngọ, sinh năm 1930, U 90 rồi. Sức khỏe không còn tốt, nhưng so với các mụ cùng trang lứa sót lại ít ỏi trong làng, mụ vẫn có vẻ chắc chắn, minh mẫn.
Mụ ở nhà thằng con trai mụ, tuổi đã 70. Mụ quanh quẩn trong nhà cùng cháu chắt, không đi thăm ai được.
Mụ qua Mỹ định cư từ năm 1990. Lúc đó, nghe tin mụ đi Mỹ, nhiều người thắc mắc, giọng khinh bỉ:
- Hòa bình đã lập lại; đất nước đã thống nhất; nhân dân ta đã giành thắng lợi rồi. Răng o Hồng lại chạy theo đế quốc hè, điên chi mà điên dữ rứa hè?
Khi mới qua, mụ Hồng còn trẻ, còn khỏe; mụ xin được việc làm – nhặt, chọn rau - ở một quầy rau quả trong một siêu thị; mụ nhịn ăn nhịn tiêu, dành dụm tiền dần.
Năm 2000, mụ về thăm quê lần đầu, mụ đem về một số tiền kha khá, chia ra phần cúng làng, phần cúng chùa, phần cúng họ và phần phân phát cho bà con nội ngoại để uống trà hay ăn quà “gọi là” .
Làng xóm phấn khởi, những người thân thuộc hãnh diện có mụ là người bà con đang ở hải ngoại.
Giờ họ mới hiểu ra mụ Hồng đi để có cơ hội giúp đỡ làng xóm, bà con. Thật vậy, người Việt càng xa quê bao nhiêu càng tưởng nghĩ đến làng xóm, thân thuộc bấy nhiêu dù điều kiện họ có chỉ ở mức tương đối; khác với những người ở quê, dù giàu đến “nứt đố nổ vách”, đa số chỉ nghĩ đến bản thân mình, vợ con mình.
Dân làng này mà hình như dân cả nước, sau 1975, phần đông đói kém, thiếu thốn. Đến khi Nhà Nước có chính sách mở cửa, gia đình nào có con em đi ra nước ngoài gởi quà về, khá giả lên rõ nét, mừng lắm! Những gia đình ấy bắt đầu có “giá” trong cộng đồng: con cháu của họ chọn chồng, lựa vợ dễ hơn; ra làng ra họ, tiếng nói của họ có “trọng lượng” hơn. Danh xưng hai tiếng “Việt kiều” dành con cháu họ ra đời và được lắm người thèm khát.
Lần về này, mụ già rồi, không còn đi làm, hằng tháng chỉ lãnh trợ cấp người già; mụ không dư tiền để đem về. Rứa mà về tay không đâu có đành bụng, mụ mua một ít lọ dầu màu xanh “Phong Du Tinh”; ai tới thăm thì mụ phát một lọ xem như quà. Một vài người nhận quà, trên đường về, vừa đi vừa khoe:
- Dầu ni tốt lắm đây, nhức mỏi mô trên cơ thể, bôi vô đó một chút, xoa bóp; khoảng một giờ sau, nhức mỏi hết liền; bà con ơi! Mụ Hồng về thăm quê nơi a tề, bà con ai cần dầu thoa bóp tới mụ cho, nhanh lên kẻo hết!
Cách nhà con trai mụ Hồng ba nhà là nhà hai bà già cô đơn - em con dì với mụ; hai bà này tuổi xấp xỉ 80; bà em nghe tin mụ về, rủ bà chị cùng tới thăm để tỏ tình chị em, bà chị buột miệng:
- Dì mi có thăm thì đi, còn tui không đi mô! Chị ấy từ bên Mỹ về, có tới thăm mình thì thăm, còn mình tội chi mà tới thăm trước, thiên hạ và dâu con chị tưởng mình đến xin tiền; nhục lắm!
Bà em đi một mình; mụ Hồng gặp bà này, mừng ôi là mừng, ôm chầm lấy, rối rít hỏi thăm:
- Hai dì già yếu rồi, đời sống thế nào? Khó khăn lắm không?
Trong chiến tranh vừa qua, hai chị em này bị dồn dập tai họa, chồng mất rồi con mất; bây giờ, hai chị em ở chung với nhau để tối lửa tắt đèn, trở trời hơi gió có nhau. Khổ! Chồng, con của họ đi lính Cộng Hòa – “phe thua cuộc”; hiện tại, họ chỉ sống nhờ vào khoản trợ cấp xã hội ít ỏi của Nhà Nước dành cho những người thuộc diện neo đơn; thiếu thốn trăm bề.
Khi bà ấy chào ra về, mụ Hồng lấy từ ví ra hai triệu, phân bua, dặn dò :
- Tui bựa ni không có tiền, nhưng nghĩ rằng dù sao vẫn đỡ hơn hai dì. Hai dì cầm đi mỗi người một triệu, mua chi ăn một miếng bồi dưỡng thân già.
Bà chị ở nhà nhận một triệu đồng do mụ Hồng cho từ tay bà em giao, mừng chảy nước mắt.
Thế mà hồi nãy, khi bà em rủ đi, câu trả lời có vẻ bất cần, ra vẻ “ta đây” : “ … Tui không đi mô! … Chị ấy từ bên Mỹ về, có tới thăm mình thì thăm, còn mình tội chi mà tới thăm trước!” Đúng là tự ái và tự ti không đúng chỗ. Khổ nỗi! cái tính ấy ở dân mình rất chi là phổ biến; lắm điều bụng ưng ngất rồi, bề ngoài vẫn giả bộ không thèm, không muốn; nhiều người đến nhà bạn, được mời ăn cơm, miệng từ chối lia lịa nhưng nước miếng nuốt ừng ực. Không biết khi mô cái thói giả dối ấy mới bỏ được!
*
Chuyện đi Mỹ định cư của mụ Hồng là chuyện chẳng ai ngờ.
Năm 1946, bé Hồng 16 tuổi, xinh gái lắm; mỗi lần nói cười, hai lúm đồng tiền ẩn hiện trên đôi má như hình của hai chấm hỏi, khêu gợi, hấp dẫn người nhìn.
Cách một cánh đồng rộng khoảng hơn cây số, ở làng bên, có một cậu thanh niên 20 tuổi, con nhà khá giả, được gia đình gởi vào tận trong Huế học ban Thành Chung. Cứ mỗi kỳ nghỉ hè, cậu thanh niên về làng, phụ giúp cha mẹ trong việc đồng áng.
Ở vùng quê này, mỗi năm, nông dân chỉ làm một vụ lúa cấy – cấy tháng 11 Âm lịch và gặt tháng 3 Âm lịch, còn một vụ phải làm lúa vãi – vãi tháng 5 Âm lịch và gặt tháng 10 Âm lịch. Họ làm ruộng mà nguồn nước tưới chỉ cậy vào trời.
Làm lúa vãi phải qua khâu đập đất cày cho tơi vụn. Đồng hai làng liền kề, ruộng nhà cậu thanh niên này và ruộng nhà bé Hồng, trời xui đất khiến, lại gần nhau.
Hôm ấy, cậu thanh niên đập đất tấm bên này, bé Hồng đập đất tấm bên kia. Thấy bé Hồng dễ thương, cậu thanh niên nhìn qua, cười; bé Hồng nhìn lại, cười.
Đem lòng say đắm, cậu thanh niên hối thúc cha mẹ đi hỏi bé Hồng làm vợ. Cha mẹ nghe vậy, mừng lắm; thời buổi loạn lạc chiến tranh của những năm giữa thập kỷ 1940, nghe con trai muốn lấy vợ, cha mẹ nào cũng mừng; bom đạn khắp nơi, tai họa biết ập vào ai, lúc nào; con sớm có vợ để hy vọng có chút cháu nối dõi tông đường phòng trường hợp rủi ro.
Cha mẹ cậu thanh niên ngỏ ý, cha mẹ bé Hồng đồng ý ngay. Con gái vào làm dâu trong một gia đình lễ giáo, tương đối no đủ; con gái lấy được chồng có học; còn muốn chi nữa mà không nhận lời; biết sau này bé Hồng còn có gặp được trường hợp như thế này không. Chỉ có điều hơi lo là bé Hồng quá thơ dại.
Gia đình hai bên thỏa thuận để bé Hồng, sau khi cưới, được ở lại cùng gia đình cha mẹ đẻ trong một thời gian và cậu thanh niên có thể ở rể hoặc cứ hàng tối qua nhà cha mẹ vợ, ngủ với vợ.
Do tính con nít, trong việc ân ái, bé Hồng sợ lắm. Ngay đêm tân hôn, khi anh chồng mới nghiêng lưng trên giường, bé Hồng co rúm người lại như con tôm luộc. Anh chồng áp môi vào má, bé Hồng xòe hai bàn tay ôm phủ kín mặt; anh chồng đưa tay qua sờ, bé Hồng vung văng, ngồi dậy, trụt xuống khỏi giường; anh chồng đưa chân qua gác, bé Hồng đẩy mạnh chân chồng ra xa. Anh chồng lại đang ngủ nhà vợ, mỗi động tác chỉ làm nhẹ nhàng thôi; mạnh bạo lắm, chiếc giường sẽ lung lay, phát ra tiếng kêu ọt ẹt, “dị” lắm! Dù vậy, anh chồng vẫn kiên trì, hy vọng với thời gian sẽ chinh phục được bé Hồng.
Đã mấy đêm qua rồi, bé Hồng vẫn không thay đổi, không mềm lòng.
Đêm hôm ấy, nằm đã hai ba giờ mà không “mần mạn” được chi, anh chồng suy quanh nghĩ quẩn rồi đi đến kết luận e khó khăn này cả đời cũng không vượt qua. Anh kéo quần lên, nhẹ nhàng ra khỏi giường, bước rón rén đến hé cánh cửa sập bên hè. Trăng hạ tuần tháng 6 Âm lịch đã lên cao, anh lòn ra sân, tìm đường về lại nhà mình bên làng kia. Mấy con chó hàng xóm thấy bóng người trong đêm khuya, sủa rền vang.
Cha mẹ bé Hồng từ đầu hôm đến giờ không ngủ, đêm nào cũng thế, họ rình xem vợ chồng con gái mình có “ăn làm” được gì không, và nếu “ăn làm” được thì con gái mình còn quá non người có chịu được không, can chi không. Nghe tiếng động hé cửa, sau đó thấy bóng người đi ra, ông bà thức dậy, bật diêm thắp dĩa dầu phụng; trong ánh sáng lờ mờ, ông bà lần bước vào phòng con gái, thấy nó nằm một mình, cuốn mình gần thành một vòng tròn, ông lên tiếng hỏi:
- Thằng a mô rồi?
- Dạ, anh giận con, dậy đi ra ngoài rồi.
Bé Hồng sụt sịt trả lời.
Mẹ bé Hồng kêu van, giọng phải ức chế vì sợ làng xóm nghe tiếng rồi thêu dệt ra chuyện này chuyện nọ mất hay:
- Con dậy mau lên, chạy tìm mà gọi nó lui về, con ơi, con ơi! Thời buổi giặc giã, nó chạy ra ngoài giờ này, lỡ có lực lượng bên nào phục kích, tường nó là địch, bắn chết nó thì răng, con ơi! Mạ mất rể, con mất chồng, rồi còn biết ăn răng nói răng với bên gia đình, họ tộc nó. Mạ sống răng nổi với người ta, con ơi!
Bé Hồng ngồi dậy, tóc bù xù, vọt ra khỏi giường, giật cửa, phóng ra khỏi nhà, nương theo tiếng chó sủa, chạy như lao. Giữa đồng trống, đất khô cứng trơ gốc rạ mục, trăng mát dịu tỏa ánh vằng vặc, một bóng người đang đi nhanh về phía làng bên kia. Bé Hồng cách xa đó khoảng vài trăm mét, xòe hai bàn tay, lắp vào miệng thành hình cái loa, hướng về phía bóng người, miệng kêu van, nước mắt ràn rụa :
- Anh ơi! Em xin lỗi anh, trở vào với em đi, anh ơi! Vô đây, anh ơi! Anh muốn chi em chiều nấy, bọ mạ đang mắng em đây, anh ơi! Anh không nghe em thì em chỉ có nước chết thôi, anh ơi! Thương em với, anh ơi!
Bé Hồng kêu van nhiều lần, càng về sau giọng càng khản. Đêm khuya tĩnh lặng, bóng anh chồng đi chậm dần rồi dừng lại. Bỗng nhiên, bóng hai người chạy như mũi tên lao ngược về phía nhau, vồ vập ôm lấy nhau giữa cánh đồng vắng. Mấy con chim chiền chiện đang núp ngủ trong những gốc rạ, nghe tiếng động, bay lên, chao mình vừa liệng vừa hót ríu rít.
Vợ chồng bé Hồng sánh bước, dìu tay nhau về nhà; gió Nam Lào thổi mạnh từng luồng, hất tung bồng bềnh mái tóc bé Hồng, trông nó như một tiên nữ đang nhảy múa trên cung trăng.
Vợ chồng sống với nhau êm ấm, tràn trề hạnh phúc. Khốn nạn thay! Giặc Pháp trở lại tái chiếm nước ta; chiến tranh Việt – Pháp bùng lên; anh chồng lên đường vào Vệ Quốc Quân; bé Hồng ở nhà sinh con trai đầu lòng. Đêm đêm, bên chiếc nôi con nằm, bé Hồng buông ra những lời hát não nuột khiến ai nghe cũng chảy nước mắt:
“Ai có nghe tiếng hát hành quân xa,
Mà không nhớ thương người vợ hiền;
Chồng ra lính biên cương;
Ngồi may áo cho con, còn nhớ …” (1).
“ … Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao?
Xưa nay chiến địa nhường bao!
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu …”(2)
Bỗng một hôm, tin dữ về làng, chồng bé Hồng đã tử trận. Tội nghiệp! Thế là cha chưa một lần thấy mặt con.
Đau thương phủ lên đầu xanh tuổi trẻ, bé Hồng nương tựa vào cha mẹ đẻ cùng cha mẹ chồng nuôi con khôn lớn.
Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước. Hòa bình tạm thời được lập lại.
Chưa được bao lâu, cuộc chiến giải phóng miền Nam lại nổ ra.
Lần này, bom đạn dữ dội hơn; các làng quê mất an ninh; đêm này, nghe tin người này chết vì bị ám sát, đêm sau, nghe tin người kia chết vì trúng lựu đạn gài bẫy.
Con xong bậc tiểu học; để con có điều kiện tiếp tục việc học hành và để bảo toàn “cái đáu” của dòng giống nhà chồng, mụ Hồng đưa con lên phố, thuê đất dựng lều ở, mụ đi làm thuê làm mướn nuôi con.
Năm 1968, con mụ tốt nghiệp trung học, có bằng Tú Tài, vào quân đội Cộng Hòa, làm sĩ quan; lúc ấy mụ 39 tuổi, quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam đông, mụ xin vào làm sở Mỹ, công việc thường xuyên, thu nhập đều đặn hơn.
Doanh trại quân đội Mỹ không xa nhà mấy, cứ sáng đi chiều về, mụ được sắp xếp dọn phòng trong một săm (chambre) lính Mỹ. Làm việc trong im mát, lại có bồi dưỡng bơ sữa, mụ trẻ lại như gái dưới 30 tuổi. Ông thôn trưởng góa vợ mới mấy tháng ve mụ, có lẽ vì say đắm nhan sắc; còn mụ cũng ưa ông vì tối về, mụ cảm thấy trống vắng, lẻ loi quá; hơn nữa, ông là người có quyền thế trong làng, mụ muốn dựa hơi ông để khỏi bị phân biệt dân ngụ cư với dân chánh quán. Ông người cao to, sức khỏe tràn trề, ham muốn sắc dục còn mạnh lắm; tối nào, ông cũng đến nhà mụ, nằm ngửa nằm nghiêng trên cái sập kê sát giường mụ ngủ; khuya lại về. Lúc đầu, mụ e thẹn, nhìn ông sượng sùng nguýt, nói nhỏ:
- Ông về đi, kẻo làng xóm họ cười nơi tề!
“Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”; họ sống với nhau như vợ chồng; chẳng biết lý do gì, họ không tổ chức cưới hỏi; người ngoài đoán già đoán non: có lẽ mấy đứa con riêng của ông không đồng ý, ông sợ nó quậy, mắt mặt! Thấy vậy, dân làng hát trêu:
“O kia ơi! Ai “lấy” đừng cho,
Để ông thôn trưởng “lấy” ông lo việc làng …”
Con trai mụ thì khác, tỏ ra rộng lượng; từ đơn vị đóng nơi xa xôi, nghe tin, nó gởi thư về, động viên, chúc mừng mụ “có đôi có đũa”, cuộc sống hết cô đơn.
Mụ từng nhiều lần muốn tái giá, nhưng chỉ sợ con phản đối; giờ biết con đồng tình, mụ vui vẻ hẳn lên, gặp ai cũng chào hỏi, hớn hở chuyện trò.
Thường ngày, mụ dọn phòng, không khi nào thấy có lính Mỹ nào vào ra.
Hôm ấy, mụ đang cúi người, cuốn tấm drap; một chú lính Mỹ đột ngột đi vào, nó chồm người úp vào người mụ, mụ rùng mình, hét to, ngẩng mặt lên, chú lính Mỹ nhăn răng cười hè hè; nó còn trẻ lắm, mặt non choẹt, chắc chỉ ngang tuổi con mụ; mụ tưởng nó ba lơn, làm động tác trìu mến, theo kiểu con lâu ngày mới thấy mẹ, biểu tỏ niềm vui mừng. Nào ngờ, mụ cảm nhận nó cà xoay theo đường vòng tròn trên mông mụ. Thằng này muốn làm chuyện bậy bạ rồi đây; mụ gượng dậy xô nó ra; thân xác nó nặng quá, lực xô của mụ không đủ hất nó lên; nó ôm ghì mụ, vật mụ ra giữa giường. Mụ nhủ thầm:
- Thôi để hắn muốn mần chi thì mần ngoẻn cho rồi, thế nào xong chuyện nó cũng cho tiền, cho đồ đem về; phòng kín đáo như ri chẳng ai biết mô mà lo, mà sợ!
Cách đó khoảng một tuần, mụ hành kinh, con người mụ đang sốt nhẹ, mặt mụ cứ đỏ lên vô cớ; có dịp nghĩ đến “chuyện ấy”, mụ thèm chi lạ!
Rồi bụng mụ to dần lên. Mụ có thai; làng xóm mừng cho ông thôn trưởng và mụ sắp có “bé”. Nhiều người rối rít bàn tán:
- Rứa mới được, lấy nhau thì phải có con, có con thì còn có nghĩa để sống với nhau lâu dài; ông thôn trưởng đã có con riêng, mụ Hồng đã có con riêng; nếu không có con chung như sợi dây ràng buộc, thì e họ khó sống với nhau hết đời khi nhan sắc tàn phai, tình dục nguôi lạnh. Chừ thì khỏi lo rồi, khỏi lo rồi!
Rồi mụ Hồng sinh một bé gái; da bé trắng, ai cũng bảo bé giống mụ Hồng; chân tay bé dài, ai cũng bảo bé giống ông thôn trưởng.
Sau ngày đất nước thống nhất 1975, mụ Hồng là vợ liệt sĩ, mụ cắt đứt liên hệ với ông thôn trưởng, dù sao, giữ chức thôn trưởng, ông ấy đã cộng tác với phe địch trong chiến tranh; mụ Hồng muốn bảo toàn sự trong trắng của gia đình mụ là một gia đình cách mạng.
Ông thôn trưởng sống thầm lặng, có dịp nói chuyện với ai bất cứ già, trẻ, trai, gái, ông đều luôn nhỏ nhẹ dạ, vâng. Hàng ngày, lao động với đoàn đội, ít người tới ngồi bên ông, hình như người ta sợ bị đánh giá thấp về quan điểm chính trị.
Còn mụ Hồng được tín nhiệm bầu vào ban chấp hành phụ nữ thôn; trong họp hành, hội nghị, mụ phát biểu hăng lắm: kể tội ác Mỹ Ngụy, kể công lao của Cách Mạng; mụ dùng thành thạo các từ: “phấn đấu”, “khẩn trương”, “tranh thủ”, “theo dõi”, “quá độ” … y như một cán bộ tuyên huấn mới từ trong bưng về.
Con trai của mụ, dù đã mang cấp bậc trung úy trong quân đội Sài Gìn, chỉ học tập cải tạo một thời gian ngắn, rồi được tha về; anh được đề bạt làm phó chủ nhiệm hợp tác xã dưới quyền một anh chủ nhiệm là lính thuộc cấp của anh trước đây.
Con gái mụ đến trường, lần lượt xong cấp 1, đến cấp 2 rồi cấp 3; con bé có nhan sắc như một hoa hậu: chân dài, tay dài, da trắng mịn; tuy nhiên, nếu ai đó chịu khó nhìn kỹ sẽ thấy cặp mắt của nó có màu thau, mái tóc của nó có màu he. Thấy vậy, có người lén lút, xì xầm bảo con bé lai Mỹ.
Năm 1987, chính phủ Mỹ ra “Đạo Luật Con Lai Trở Về Nhà” (Amerasian Home Coming Act); ở Việt Nam, nhiều người đi tìm con lai Mỹ để lợi dụng. Nghe tin con gái mụ Hồng có ngoại dạng như con lai, họ tìm tới, nhỏ to thuyết phục và hướng dẫn mụ thủ tục lập hồ sơ để qua Mỹ định cư. Ban đầu, phần mang tiếng là gia đình cách mạng, phần tiếc cuộc sống hiện tại ở Việt Nam, dù không giàu có, vẫn thoải mái: hàng quý có lãnh tiền trợ cấp vợ liệt sĩ, dịp lễ, dịp Tết, được chính quyền và các đoàn thể tặng quà …
Đêm nằm, trăn trở, mụ nghĩ rằng con gái mụ có cha là thôn trưởng, cũng khó chen vai kiếm một việc làm xứng đáng sau này, lại thêm, dạo đó, một số con em trong làng đi ra hải ngoại từ trước đã có quà nặng giá gởi về gia đình; những người mối lái kia lại thường xuyên khuyên mụ đem con gái sang Mỹ để nó có cơ hội học hành; biết đâu sau này nó thành tài, nổi tiếng ở lãnh vực nào đó. Cuối cùng, mụ xiêu lòng, quyết định đi.
Hôm con bé thử AND, mụ hồi hộp, chưa chắc kết quả thế nào. Mụ có “sinh hoạt” một lần với cậu lính Mỹ, nhưng đêm đó, mụ nhớ cũng có “sinh hoạt” với ông thôn trưởng.
May mắn, con gái mụ mang một nửa dòng máu Mỹ và hồ sơ con lai về Mỹ của mụ được thông qua. Mụ đem con gái lên đường …
Hoàng Đằng
13/4/2016 (07/3/Bính Thân)
(1) Lời bản nhạc “Nhớ Người Ra Đi”
(2) Chinh Phụ Ngâm Khúc