Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 10, 2020

GIỌNG HUẾ - GẦN CẢM, XA THƯƠNG - Lê Duy Đoàn



Tác giả Lê Duy Đoàn


Giọng Huế- Gần cảm, xa thương
Lê Duy Đoàn

I. Những chuyện bên lề:
1. Cô gái Huế hỏi: Bài "Giọng Quảng - Gần thương xa nhớ" của anh, em đã đọc nhiều lần, nhưng lần nầy đọc lại vẫn bị cuốn hút vào câu chuyện! Giọng Quảng thì gần thương xa nhớ, còn giọng Huế thì ra răng anh hè? Anh lậm tình cô gái Quảng rứa chơ có lậm tình với O gái Huế mô không? Có phải như người ta thường nói "Huế đi để mà nhớ, chứ không phải ở để mà ..."!
Chàng trai Huế trả lời: “Giọng Huế thì gần cảm, xa thương” em à. Ở gần nghe giọng Huế thấy thấm, có thấm mới cảm thương … nàng. Trai gái Huế thì "xa càng nhớ, ở càng thương" giống như anh với em ri nì!
Cô gái Huế nói: “Anh nói rứa cho vừa lòng em thôi, chứ giọng Bắc sắc sảo, trau chuốt, chuẩn mực, giọng nói như rót mật vào tai, giọng Nam ngọt như mía lùi như tai được rót mật răng anh không nói cảm nói thương mà cảm và thương chi “giọng Huế trọ trẹ của miềng” hở anh?
Chàng trai hơi lúng túng một chút trước câu hỏi ngược bất ngờ của cô gái, rồi cũng tìm được câu trả lời: “Người dân ở xứ nào cũng yêu mến giọng quê của mình. Dù là người Bắc, người Nam hay người miền Trung, cứ nghe giọng nói quê mình là thấy động lòng. Người Quảng động lòng giọng Quảng, người Huế động lòng giọng Huế. Giọng quê qua miệng nói, qua tai nghe rồi đi qua tim. Giọng quê theo máu đi đến toàn thân, len lỏi qua từng tế bào rồi đi đến trú ngụ trong tâm hồn của mỗi con người. 
Giọng quê miền nào cũng được người dân miền đó xem là vốn quý. Vốn quý đó được truyền thừa, bảo lưu và có tính chất bảo thủ. Như thế, giọng nói riêng của từng vùng miền không bị đồng hóa, mai một, hòa lẫn, hòa tan vào một giọng nói miền khác.
Mình là người Huế nên giọng Huế được nghe, được nói, được thấm trong máu thịt từ thuở nằm nôi. Trong gia đình và ngoài xã hội, người Huế được tưới tẩm tâm hồn bằng giọng Huế. Lớn lên đi học, giao tiếp cũng nghe cũng nói giọng Huế. Yêu cô gái Huế cũng nghe thỏ thẻ giọng Huế, cũng tỏ tình bằng giọng Huế… Như rứa, người Huế cảm giọng Huế là chuyện bình thường như mối liên hệ giữa sự sống và  hơi thở. Thiếu hơi thở thì sự sống ngất ngư, thiếu chất giọng quê mình thì như người thiếu đói, què quặt. Đôi khi người ta ơ thờ với chuyện thở và sự sống đến khi tắt nghẻn hơi thở, mạch nguồn sự sống cũng đảo điên, khi đó người ta mới giật mình. Ví như người Huế xa quê chợt nghe lại giọng Huế đâu đó, cảm thấy thương giọng nói của quê mình, lòng bỗng dưng ấm áp như được nối lại với mạch nguồn xứ Huế, rồi chợt bồi hồi xúc cảm thân thương.”
Em đọc mấy câu thơ trong bài “Mơ tình xứ Huế” của nhà thơ Trần Dzạ Lữ thì thấy liền:
     Cứ mỗi lần nghe giọng của em
        Anh lại nhớ vô cùng giọng mạ
        Cố đô mình trong trái tim mô lạ
        Răng thẩn thờ như thuở mới quen?
Câu đầu “nghe giọng của em” là gần cảm. Câu hai “nhớ vô cùng giọng mạ” là xa thương đó em à.

Cô gái nghe chàng trai nói về “giọng Huế của miềng” có “gần cảm, xa thương” ra chiều cảm khái… trái tim non chợt rung lên nhè nhẹ, hơi loạn nhịp!
Mẫu đồi thoại ở trên là của một cô gái và một chàng trai Huế chay, cả hai cũng xấp xỉ…bảy mươi tuổi rồi!!

ĐI TÌM NHÀNH HOA THẠCH THẢO,
TÁC GIẢ: LÊ DUY ĐOÀN,
 NXB THANH NIÊN, 2014.
2. Năm 1970, trong thời gian đi quân trường Thủ Đức, tôi ở trong nhóm 6 người họa sĩ của tiểu đoàn. Khi tôi dẫn một người bạn trong nhóm đó là họa sĩ Nguyễn Trí Hải, người Sài gòn tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định đến thăm một cô bạn gái Huế sống ở khu Trương Minh Giảng, quận 3, cô gái rất vui, nói chuyện tíu tít. Anh chàng ngại ngùng không biết nói chuyện chi đành ngồi nghe hai chúng tôi nói chuyện bằng giọng Huế. Khi ra về, chàng ta nói: “Ông nói thì tui còn nghe được, chứ cô ấy nói tui chỉ nghe như tiếng chim hót ríu ra ríu rít chứ chẳng biết cô ấy nói chi!”. “Nhưng ông có thích không?” “Thích quá đi chứ! Gái Huế nói năng dễ thương thật”. Không nghe được chi cả mà vẫn kết luận gái Huế nói năng nhẹ nhàng, dễ thương, nghe như rứa thiệt là mát lòng mát dạ.
Trí Hải sau này cưới được một cô vợ người Huế, cũng là họa sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Huế. Cô gái Huế này- một O Tôn Nữ, là cô giáo dạy môn hội họa, bạn thân cùng dạy một trường với em gái anh ấy. Gia đình Hải rất quý cô dâu này vì ngoài những phẩm chất tốt đẹp của một người đẹp xứ Huế thuộc con nhà gia giáo, nề nếp, với cốt cách sang trọng quý phái, tánh nhu mì, biết ăn biết ở, nội trợ đảm đang còn góp cho không khí gia đình họ một giọng Huế thanh tao dịu dàng nữa. Còn Hải thì hàng ngày được gần gũi giọng nói êm tai nghe như tiếng chim hót ríu ra ríu rít và đã biết cô ấy nói chi …khỏi đoán mò!
3. Năm 1973, hai vợ chồng chúng tôi lên Đà Lạt lần đầu. Một buổi sáng, chúng tôi vào chợ Đà Lạt. Chợ vắng người. Chúng tôi đến một quầy bán trái cây, hỏi thăm một người bà con trong họ Lê. Bà xã tôi vừa nói đúng một câu: “Bác ơi, bác cho con hỏi thăm, bác có biết Mụ Bưởi cũng bán trái cây ở chợ ni, ngồi chỗ mô không?”. Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, bác ấy hỏi ngay, không một chút ngần ngừ: “Cháu là dân Kế Môn phải không?” .
Thật là lạ, bà xã tôi theo mẹ “lên Dinh” từ hồi nhỏ xíu, lúc mới ba, bốn tuổi, giọng nói nghe ra giọng Dinh rõ ràng, vậy mà một người xa lạ chưa hề quen biết vẫn nhận ra giọng nói quê gốc Kế Môn của bà xã tôi dù giọng quê đó chỉ còn sót lại chút xíu. Tài thật.
4. Nhà văn Võ Hương An viết bài “Tiếng Huế-một ngoại ngữ” có đoạn: Trong bài viết Áo Rộng Khăn Vành, Tiếng Sông Hương 1990, Túy Hồng có một nhận xét rất đúng: "Giọng Huế không phải là giọng nói trước đám đông, mà có thể chỉ là một giọng nói trong phòng khách.” Nói trước đám đông thì dở nhưng rỉ rả trong phòng khách thì rất dễ lọt tai.
5. Giới thiệu CD nhạc Trịnh Công Sơn “Một cõi đi về” Nguyễn Hạnh Hoài Vy viết vào tháng12/2001(trích bài viết) đề cập đến một người “thuyết văn” bằng giọng Huế ở Paris. …Đó là giọng nói của anh Cao Huy Thuần… Thuyết văn, là dùng lời nói văn chương để làm sáng tỏ tính chất của mỗi bài nhạc. Mà lời nhạc Trịnh Công Sơn, như mọi người đã đồng ý, là những lời thơ –là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, cho nên sự làm tỏ sáng lời nhạc là công việc cần thiết. Qua đó, người nghe mới hiểu hết cái ý sâu sắc của cách dùng lời.
Người thuyết văn có giọng nói của miền sông Hương, núi Ngự. Nói tới giọng Huế, người ta hay nói là giọng "trọ trẹ". Có thể mượn ý của nhạc sĩ Phạm Duy để mô tả đó là  một "âm vực cạn hẹp", do "tiếng trầm và bỗng không quá cách biệt" trong quảng âm Ngũ Cung . Đó là thứ giọng nói "bình thản!".
Trong sự "bình thản" ấy, giọng Huế có thể xoay chiều: dõng dạc như tướng quân giữa chốn sa trường hay tiếng thầm thì bên tai người yêu dấu.
Giọng "thuyết văn" của anh Cao Huy Thuần lơ lửng giữa hai cực nói trên. Cho nên, người nghe đã gặp phải cái cứng cỏi thứ gỗ quý của rừng nhiệt đới, xen với cái mượt mà sâu lắng của giòng sông Hương….

6.Thời gian vừa qua, việc Biên tập viên Anh Phương dẫn chương trình thời sự bằng giọng Huế trên VTV (Đài truyền hình VN) đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều của khán giả.

Anh Phương, sinh năm 1987, đã tốt nghiệp Đại học kinh tế Huế và nhận bằng thạc sỹ Kinh tế năm 2012. Cô vừa được chuyển ra công tác ở  Đài truyền hình trung ương tại Hà nội một thời gian.
Ngoài vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính, Anh Phương còn là một người đa tài. Cô biết chơi nhiều nhạc cụ như: piano, organ… Đặc biệt, cô có thể chơi được nhiều môn thể thao như bơi lội, tennis, bóng bàn, khiêu vũ, taekwondo.
Ngay sau khi chương trình thời sự được phát sóng, nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra. Bên cạnh một số ít những ý kiến cho rằng, chương trình thời sự của đài quốc gia cần phải sử dụng giọng chuẩn Hà Nội thì đa phần những ý kiến khác đều tỏ ra thích thú với sự xuất hiện của một BTV nữ nói giọng Huế….
Theo Thuỳ Phương (Gia đình & Xã hội)
7. Nhận xét chung: <Trích bài viết Các đặc-điểm ngữ-âm của tiếng Huế của tác giảVương-Hữu-Lễ- Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 1, năm 199>
Tóm lại, các đặc điểm nổi bật của tiếng Huế là:
- Những khoảng cách phân biệt các thanh điệu là nhỏ bé, cao độ thì không bổng quá cũng chẳng trầm quá, khiến cho giọng nói nghe đều đều đơn điệu.
- Sự chuyển hoá âm lại có xu hướng thu hẹp độ mở, làm giảm đi âm lượng khiến cho độ vang sút kém…
- Các phụ âm cuối lợi (?) được thay bằng các âm mạc (?) khiến cho giọng nói không bị dằn mạnh.
Tất cả những đặc điểm đó tạo ra một hiệu quả âm học chung là “nhỏ nhẹ”, một từ khá chân xác thường được người ở các vùng khác dùng để miêu tả tiếng Huế theo sự cảm nhận bình thường của họ.
Phải chăng đặc trưng “nhỏ nhẹ” đó một phần nào là do hoàn cảnh xã hội đặc biệt của Huế. Phú Xuân xưa đã từng là thủ phủ của các chúa Nguyễn trong khoảng 200 năm, và Huế là kinh đô của một triều đại phong kiến lớn nhất trong lịch sử nước ta từ đầu thế kỷ XIX. Ở đây, con vua cháu chúa rất nhiều, quan lại lớn nhỏ cũng không ít, chắc chắn cách sinh hoạt của tầng lớp quý tộc thượng lưu đó – trong đó có cách ăn nói của họ – đã gây một ảnh hưởng đáng kể..
…Hơn nữa, từ đầu thế kỷ XIX, tiếng Huế chịu tác động rất mạnh của phương ngữ Nam. Vua Gia Long, người sáng lập ra nhà Nguyễn, đã sống ở miền Nam suốt cả cuộc đời lưu lạc của mình; vả lại, “từ đời Minh Mạng trở xuống, các bà vợ vua phần lớn là người Nam, vì các công thần hầu hết là người Nam cho nên đã dâng con lên cho vua” và chính vua “Minh Mạng sinh trưởng ở miền Nam, cho rằng giọng nam nhẹ nhàng dễ nghe, cho nên vua bắt ai nấy phải nói giọng lơ lớ nửa Nam nửa Huế” vì thế “trong Đại Nội không được nói hoàn toàn theo giọng Huế mà phải nói giọng Phường Đúc [*], nghĩa là  giọng Huế pha giọng Nam”.
 (*)Chú thích về giọng phường Đúc: “Phường Đúc là khu quần cư tập trung các người thợ đúc đồng tài giỏi do triều đình tuyển từ Bắc vào hoặc trong Nam ra. Họ là tác giả của chuông chùa Linh Mụ, Cửu vị Thần Công và Cửu Đỉnh ở Huế. Những sản phẩm của họ dãi nắng, dầm mưa, trải bao tuế nguyệt đến nay vẫn chẳng chút nứt rạn hay có tì vết gì. Họ mang theo gia đình ra làm ăn sinh sống lâu ngày ở Huế nên hòa đồng ngôn ngữ với dân địa phương. Dân Phường Đúc không nói rặt một giọng nào mà pha trộn nửa nọ, nửa kia. Các cung phi trong Nội phải bắt chước giọng Phường Đúc, nghĩa là vừa nói nửa Trung, nửa Nam, ai không tuân thì bị tội. Tại sao lại có hiện tượng này? Kể cũng khó hiểu. Và lệnh này có từ đời nào? Có người đưa ra giả thuyết: có lẽ chuyện này xuất phát từ thời bà Từ Dũ vốn là một phụ nữ Nam Bộ, con gái của Đại thần Phạm Đăng Hưng, người Gia Định, bà được phong Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, lấy vua Thiệu Trị, đứng đầu bộ phận “hậu cần” của Hoàng đế, có nhiều quyền uy đối với các cung phi khắp ba cung, sáu viện. Có lẽ và muốn những người dưới tay mình phải dùng giọng nói pha âm sắc Nam Bộ để trao đổi cho dễ hiểu chăng, bởi vì người Tân Hòa-Gia Định nghe giọng Huế “đặt sệt” có thể không hiểu mô tê chi cả.”
II. Các đặc điểm của giọng Huế:
1. Phân vùng địa lý các chất giọng Huế:
Theo các trích dẫn bài viết nhiều tác giả và các mẫu chuyện cá nhân ở phần trên, chúng ta ghi nhận các nhận xét về giọng Huế trái chiều như sau:
- Nhỏ nhẹ, nhẹ nhàng hay dõng dạc, hùng biện.
- Trọ trẹ hay dễ nghe.
- Mượt mà sâu lắng hay nặng nề, thô ráp.
- Giọng phòng khách hay giọng trước đám đông.
- Giọng dịu dàng hay cứng cỏi.
- Giọng dỡ hay giọng hay.
- Giọng nặng hay giọng nhẹ.
Qua từng cặp đối lập ở trên người ta thường chỉ nói đến một vế trong cặp đối lập đó. Chê thì nói giọng Huế trọ trẹ, dỡ, nặng, giọng phòng khách. Khen thì nói giọng Huế nhỏ nhẹ, nhẹ nhàng, dễ nghe, hùng biện.
Trong những cặp đối lập đó, thực tế giọng Huế đều có đủ mọi tính chất. Điều đó hầu như đúng với mọi phương ngữ nếu chúng ta so sánh giọng từng vùng miền trong địa phương đó. Giọng người ở nơi thị tứ thường nhẹ hơn giọng người ở nơi vùng ven. Giọng người ven thành phố nhẹ hơn giọng người ở vùng trung du, núi non hay ven biển, ven đầm phá.
 Ờ Huế có giọng Dinh (đất kinh đô, nơi thị tứ), giọng miền biển, giọng miền ven núi hay miền núi và giọng trung gian.
a. Giọng Dinh hay giọng phố là chất giọng của người Huế - sinh ra và lớn lên ở ngay trong thành phố Huế . Giọng Dinh nói chung là nhỏ nhẹ, nhẹ nhàng, thanh tao.
Giọng Dinh có những tính chất đó do các "vĩ thanh" - âm đuôi, ở chữ cuối cùng trong câu nói - chỉ có độ kéo dài chừng mực. Nó không co lại và cứng dần như giọng người dân về  hướng Bắc Thừa Thiên, tiếp giáp Quảng Trị...
Mặt khác, giọng Dinh cũng không có lắm vĩ thanh dài, mềm mại như giọng người dân phía Nam Thừa Thiên.
Nhiều bài viết cho rằng giọng Huế “nhỏ nhẹ”. Có lẽ người viết đang nói đến giọng Dinh của Huế. Họ gắn chất giọng của người Huế với nguồn nước sông và mạch nước giếng, có lẽ họ quan sát hai bên bờ sông Hương, sông An Cựu, sông Bồ, sông Truồi... có nhiều người đàn ông lịch lãm, nhiều con gái đẹp, nhu mì, nói năng nhẹ nhàng, chậm rãi, chừng mực rồi vội vã kết luận như thế? Thật ra, các phủ đệ của các vương tôn, quan lại và các gia đình gia thế, người danh giá, người giàu có của Huế phần nhiều nằm dọc hai bờ sông. Những vùng nổi tiếng bên bờ sông có nhiều phù đệ và biệt thự vườn cảnh là Kim Long, Nguyệt Biều, Xuân Hòa, Phú Mộng, An Cựu, Vỹ Dạ. Những khu vườn này hoặc là được ban, được cấp hay người ta bỏ số tiền lớn ra mua sắm.
Nếp sống, nếp nghĩ, lối ăn nói, cách ứng xữ hàng ngày của họ được người dân xung quanh ngưỡng mộ. Cung cách khoan thai, đường bệ, sang trọng; phong thái ung dung, hòa nhã; ứng xử, giao tiếp bặt thiệp và lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ, nhẹ nhàng, từ tốn là vốn quý của văn hóa Huế, con người Huế mà những nếp nhà gia phong, giáo dục con cái học tập và giữ gìn. Những điều tốt đẹp đó có khả năng cảm hóa và lan tỏa như “hữu xạ tự nhiên hương” trong xã hội, dần dần thành những mực thước trong đời sống của người Huế.
Tôn giáo nói chung và Đạo Phật nói riêng cũng có vai trò tích cực trong việc hình thành nhân cách và hun đúc những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế trong đó có giọng nói nhỏ nhẹ, hiền hòa.


b. Giọng người Huế ở ven biển, ven đầm phá thường có những vĩ thanh trĩu xuống khác thường. Nhất là những từ có thanh bổng, mang "dấu sắc"... Những từ nầy khi nói ra, người ven biển thường có thanh âm thiên về "dấu nặng" hơn là "dấu sắc". Ví dụ, khi nói mắm ruốc thì họ phát âm thành mặm ruộc .
Giọng Huế ở đây thường trầm thấp hơn cách phát âm của chất giọng Dinh. Đại đa số người dân các miền biển Thừa Thiên, nhất là Trung Thừa Thiên đều có chất giọng đặc biệt - vĩ thanh trầm - như thế.
c. Chất giọng người dân ven núi hay miền núi nói chung có điểm nghịch với chất giọng của người dân ở miền biển. Thay vì các phần vĩ thanh - âm cuối, chữ cuối câu - đột ngột hạ xuống thấp so với tự nhiên, thì bây giờ chất giọng của họ lại đột ngột được nâng cao, rất bổng. Ngoài ra, vĩ thanh "bổng" ấy rất thường được "nhấn" y như một "trọng âm" cuối vần và ngay cả cuối câu. Với chất giọng nầy, câu nói của người ven núi hay miền núi gần như một tiếng hô thán, gây ấn tượng thân tình hơn, sôi nổi hơn.
d. Giọng trung gian giữa giọng Dinh và hai chất giọng của người ven biển và người ven núi: Những làng xóm ở quanh thành phồ Huế, người dân nói giọng nặng hơn dân thành phố nói giọng Dinh một chút. Càng xa thành phố, giọng Huế của người dân quê càng nặng dần.
Ở Thừa thiên, có làng Mỹ Lợi nằm phía bên kia sông Vinh Mỹ (thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc), trên một vùng chắn bãi ngang của biển Vinh Mỹ. Người dân ở đây nói giọng Quảng Nam, nên không xếp được vào giọng nào trong bốn giọng Huế nói trên (dựa ý bài “Chất giọng Huế có mấy sắc thái” của Trần Hạ Tháp)
2. Những thành tố của giọng Dinh: Giọng Dinh hình thành dựa trên các yếu tố sau: giọng nhỏ nhẹ, khoan hòa, từ tốn (chậm rãi nhưng không rề rà), câu chữ rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết, khẩu âm đi theo đúng cao độ của các dấu bình thanh, sắc, huyền, nặng và hỏi ngã (thường không phân biệt rõ trong giọng Huế). Giọng Dinh thường hướng tới lời nói và câu chữ theo chuẩn mực tiếng Việt trong giọng Nam, giọng Bắc hiện hành.
Giọng Dinh thường gắn liền với xuất thân, nơi ăn chốn ở và tầng lớp trong xã hội của mỗi người.
Những gia đình quyền quý, gia thế, những gia đình giàu có, giới trí thức thường gọt dũa giọng nói của mình để có giọng Dinh. Giọng Dinh cũng có ảnh hưởng rõ rệt trên những người quê nhưng học tập và làm việc trong thành phố Huế. Nghĩa là họ làm cho giọng nhẹ hơn bằng cách làm mềm chữ (lối nói phụ âm cuối chữ T thành C, N thành NG, ví dụ: hát thành hác, cắt thành cắc, hoan lạc thành hoang lạc…) và gạt đi những phương ngữ Huế quê rặt, để câu nói nhẹ nhàng hơn, thanh cảnh hơn.
3. Những thành tố của giọng biển, giọng núi: Môi trường âm thanh và điều kiện sống có ảnh hưởng không nhỏ tới giọng nói. Người vùng biển suốt ngày vật lộn với sóng to, gió lớn không thể có giọng nói nhỏ nhẹ,nhẹ nhàng của các cô gái chốn lầu son. Người miền quê quanh năm tất bật làm ăn, tâm lực dồn vào cuộc mưu sinh trong nắng lửa và tiếng gào réo của những trận lụt lội triền miên, thì ngôn ngữ hằng ngày mục đích chính là truyền đạt thông tin nên thường ngắn gọn có khi dẫn tới cộc lốc. Hoàn cảnh ấy kéo dài hàng trăm, hàng ngàn năm thì mới hình thành một chất giọng trầm thô, mộc mạc khó lẫn với những vùng quê khác. (Nhà thơ Vương Trọng)
Quê mùa thường đi với cục mịch. Giọng biển, giọng núi có thể nói nôm na là “Giọng quê rặt”. Tính chất nặng, thô, khan, vang, đục là những thành tố của giọng quê rặt.
Hãy xem một đoạn diễu giọng nói sau đây: (người có giọng quê rặt Bình Trị Thiên hầu như dùng từ quê rặt giống nhau)
  “Bựa ni tui mới ra đàng, chộ hai mụ sương triêng độộc độộc đập chắc, tụi chộ rứa can ra bơ mụ tê vác đòn triêng hoại dầm vô trôốc cúi, tính lọi cẳng eng nờ”
 Dịch: Hôm nay tôi mới ra đường đã thấy hai bà gánh chum vại đánh nhau, thấy vậy nên hòa giải, không ngờ một bà cầm đòn gánh đánh vào đầu gối suýt nữa gãy chân anh ơi.
Câu trên được dẫn chứng cho vui nhưng trong thực tế, khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, người dân các vùng quê xa thành phố còn dùng nhiều từ, nhiều phương thổ ngữ mà ngay chính những người Huế còn không hiểu được, huống hồ là người ngoài xứ.
Có người nói vui “Tiếng Huế- một ngoại ngữ” có lẽ họ nói về chất giọng quê rặt và trong câu nói sử dụng nhiều phương ngữ quê mùa, cục mịch nên người xứ khác nghe không hiểu được. Đi song hành, vẫn có một tiếng Huế-giọng Dinh trong trẻo, nhẹ nhàng, khoan hòa, dễ nghe.
III.Kết:  Tôi lấy bốn câu Kiều của thi hào Nguyễn Du tả sắc thái thanh âm tiếng đàn của Thúy Kiều khi đàn cho Kim Trọng nghe trong buổi đầu tương ngộ làm lời kết.
………….
481. "Trong như tiếng hạc bay qua
          Ðục như tiếng suối mới xa nửa vời
          Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

   485  'Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa"
………..
Giọng Huế tùy vùng mà có giọng trong, giọng đục và có giọng khoan, giọng nhặt.
Có giọng Huế Dinh nhỏ nhẹ, thanh tao, dễ nghe, có giọng Huế quê rặt nặng, thô, khan, vang, đục khó nghe.
Nhìn chung, giọng nói của người Huế không dõng dạc, hùng biện. Điều đó do âm vực hẹp nên giọng nói nghe đều đều, ngang ngang và ngữ điệu không diễn cảm, uyển chuyển theo ngữ trạng và ngữ cảnh như giọng Bắc, giọng Nam.
Đã có rất nhiều người mê tiếng nói Dạ Lan, sau này mê giọng đọc của Bích Huyền trên làn sóng điện dù chẳng thấy người, nhưng chưa nghe có một giọng đọc hay giọng nói nào nổi tiếng của người Huế khiến nhiều người say nghe.
Thực tế, như nhận xét của nhiều người, khi nói giọng Dinh, giọng người đàn ông Huế nhỏ nhẹ, nhẹ nhàng và giọng con gái Huế thì nhỏ nhẹ thanh tao. Chất giọng như thế cọng với sự trầm mặc của đàn ông Huế và sự dịu dàng e ấp của con gái Huế đã tạo một nét riêng của người Huế. 
Dù trong, dù đục, dù khoan, dù nhặt, dù Dinh hay quê rặt, giọng Huế vẫn là giọng nói được nhiều người yêu mến. Có chê là giọng trọ trẹ, giọng nặng thì cũng là cách nói thương, nói mến. Có khen giọng nhỏ nhẹ thanh tao thì cũng là lời khen thật tình.
Không kể giọng Huế, phần nhiều người ta thương mến Huế là thương mến cả cảnh quan hữu tình với một bề dày văn hóa đậm chất nhân văn và con người Huế với nhiều tố chất đậm nét nhân bản.

Giọng Huế- Gần cảm, xa thương.

Lê Duy Đoàn,
Sài Gòn, 11/11/2014

READ MORE - GIỌNG HUẾ - GẦN CẢM, XA THƯƠNG - Lê Duy Đoàn

ĐÊM BA MƯƠI - Thơ Nguyên Lạc


Nhà thơ Nguyên Lạc
                     



ĐÊM BA MƯƠI

1.
Xin mời giai nhân
Bồ đào đêm xuân
Rượu tình hãy uống
Say điếng đôi mình

Đêm ngoài ba mươi
Trời đất lặng thinh
Chờ nghe tiếng ngất?
Hấp hối đôi tình?

2.
Xin mời tôi ơi!
Ly đắng mồ côi
Bồ đào đêm ấy
Nồng nàn chờ xuân
Giờ rồi đâu thấy?
Đêm ngoài tuyết băng!
Đón xuân xứ lạ
Trắng tuyết muôn trùng
Lạnh hồn cô lữ
Mối tình không chung

3.
Đêm ngoài ba mươi
Tuyết trắng rơi rơi
Một người lữ khách
Say khướt rượu đời

Bồ đào đêm ấy?
Đâu rồi ngực xuân?

Đón xuân xứ lạ
Đêm trắng muôn trùng
Mồ côi nến lệ
Khóc tình hư không

4.
"Em đến đêm ba mươi" [*]
Nụ quỳnh mãn khai môi
Dung nham tràn máu nóng
Địa chấn tiêu một đời

Nhan sắc đêm ba mươi
Trói tim này thiên thu!

              Nguyên Lạc

..............

- Rượu Bồ đào là rượu Champagne

[*] Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi.
...
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
(Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn)

READ MORE - ĐÊM BA MƯƠI - Thơ Nguyên Lạc

ĐOẢN KHÚC ĐẤT NƯỚC - Thơ Ái Nhân



                         Nhà thơ Ái Nhân



ĐOẢN KHÚC ĐẤT NƯỚC

1.
Đất nước nào như đất nước tôi không?
Vì yêu đá cũng hóa hòn Trống Mái
Đợi chờ chồng tháng năm dài xa ngái
Mẹ bồng con còn đứng mãi “Vọng Phu”

Mật ngọt nghĩa tình thấm đẫm lời ru
Mẹ dặn dò con thuở chưa biết hát
Gửi lời thương vào bao điều khao khát
 Rằng :“Bầu ơi thương lấy bí cùng!”

Đất nước nào như đất nước tôi không?
Cả dân tộc sinh ra từ một bọc
Hạnh phúc lớn lên từ gian lao khó nhọc
Trăm con mà chồng vợ vẫn... chia ly

Tự muôn đời khao khát những chuyến đi
Từ ăn, ngủ, làm… cũng đi vội vả
Đêm hò hẹn dưới mưa rơi tầm tã
Níu duyên nhau “Người ơi… ở đừng về”

2.
Giấc mưu sinh còn mưa gió não nề
Những phận kiến “leo cành đa, cành cộc”
Muôn kiếp sống trong bùn đen khó nhọc
Vẫn mọc lên trinh khiết nụ sen hồng

Bao phận nghèo như “Cái diệc, cái nông”
Mơ cánh cò sải nắng giữa mênh mông
Những kiếp vạc trốn vào đêm tìm sống
Mẹ phía bão giông “chỗ ráo con nằm”

3.
Đất nước nào như đất nước tôi không?
Giặc dã suốt bốn ngàn năm giữ nước
Phận đàn bà cũng xông pha phía trước
Cậu bé lên ba giặc đến hóa anh hùng

Nước non ta sông núi điệp trùng
Máu nghĩa sĩ thấm vào từng hạt giống
Có em bé hóa thân làm đuốc sống
Đốt cháy quân thù, sáng chói non sông

4.
Đất nước nào như đất nước tôi không?
Ai cũng biết chuyện Lý Thông độc ác
Chàng Thạch Sanh đuổi yêu ma tan tác
Đêm lao tù khúc nhạc thấu nhân gian

Cô Tấm thảo hiền sống kiếp lầm than
Đêm trừ tịch ôm giấc mơ lạnh lẽo
Mẹ con Cám lũ điêu ngoa bạc bẽo
Mắm con khen(!), chuyện ác độc cung đình

Phơi lõa lồ dơ dáng thật đáng khinh
Những kiếp sống phu du bèo bọt
Lũ gái nghèo hèn xếp hàng lũ lượt
Giữa xăm xoi mong được lấy chồng giàu

5.
Đất nước tôi giống như một bến tàu
Muôn ngàn lối người tha hương xứ khác
Xa quê hương bỏ “Rừng vàng biển bạc”
Kiếm sống xứ người lo cơm áo tương lai

Phút dại khờ không nghĩ đến mai sau
Đấu giá bán cả non sống gấm vóc
Đèo Hải Vân, Tây Nguyên như mái nóc
Lẽ nào quên chuyện công chúa Mỵ Châu?

6.
Đất nước nào như đất nước tôi không?
Xương chiến sĩ đắp tượng đài tổ quốc
Mộ vô danh nơi rừng lau, rừng đước
Đài vinh quang xây bằng máu anh hùng

Đất nước tôi ham học đến lạ lùng
Đá trên dãy Trường Sơn hùng vĩ
Có đủ khắc bia những dòng tên tiến sĩ
Văn Miếu cỡ nào xếp được hết hư vinh?*

Bốn mươi năm đất nước đã hòa bình
Hàng trăm tướng vẫn bày binh bố trận
Công cuộc dựng xây gian nan lận đận
Nông dân nghèo hết việc tập đánh gôn (!)

7.
Đất nước nào như đất nước tôi không?
Những bằng cấp đâu cần nhà nước cấp
Bao “lỗ hổng” chẳng khó gì san lấp
“Sáu tháng lấy bằng tiến sĩ”**  tinh thông(!)

Có nỗi đau nào hơn thế nữa không?
Khi công lý đặt nhầm tay kẻ ác
Ly tán lòng người niềm tin xao xác
Đạn bọc tiền bắn thủng dạ thẳng ngay

Có nỗi oan khiên đeo đẳng mấy ngàn ngày***
Đồng khô hạn cóc kiện trời đợi nước
Những phận lúa ngóng trông về phương ước
Chết nghẹn đòng vẫn ngơ ngác chờ mưa

8.
Đất nước nào như đất nước tôi không?
“Tiên học lễ” hòng “đi quanh khỏi lội”
Vào mẫu giáo, sinh viên, đi bộ đội…
Cổng trường tu còn dấm dúi phong bì

Cao xanh ơi, cao xanh thấu nỗi gì?
Hoa kết trái có quả nào ung nhọt?
Lòng nhân nghĩa có đọng thành mật ngọt?
Tiền chẳng lương tâm lớp lớp kẻ tôn thờ

9.
 Đất nước nào như đất nước tôi không?
Dân thiếu ruộng cấy cày trên hè phố
Đường chặt người đông lớp lớp chất chồng
Người bên người như thác lũ tràn sông

Bệnh viện nào trăm người chung kết quả?****
Giường chen nhau bệnh nhân dở đuôi đầu
Vượt sông sâu đâu cứ phải có cầu
Đường đến lớp leo dây… như xiếc khỉ(!)

Con tàu đắm ngậm ngùi cơn mộng mị
Vinasin trăm ngàn tỷ tan tành
Dịch bệnh tham ô nhũng nhiễu hoành hành
Móc gan ruột lương tâm nào nhức nhối?

10.
Đường hạnh phúc Đảng - Bác Hồ dẫn lối
Với quả ngon ăn, biết ơn kẻ gieo trồng
Vị tướng mất cả nước non cùng khóc
Đám tang dài bất tận những dòng sông

Mấy thế hệ máu tô màu cờ đỏ
Đấu tranh giành cuộc sống ấm no
Hiến thân mình vì độc lập tự do
“Người ngã xuống, người sau hiên ngang bước”

Mộ chiến sĩ suốt dọc dài đất nước
Từ Hà Giang đến tận Mũi Cà Mau
Dâng trái tim mặt trời sáng trên đầu
Vì Tổ Quốc tiếc gì rơi xương máu

Bao hi vọng ở tương lai con cháu
Đặng Thái Sơn đàn rưng rức địa cầu
Bao tài năng sánh bước với Năm Châu
Vòng nguyệt quế trên đầu sao khuê sáng

 Thơ đau đáu gọi hồn thiêng sông núi
Nước non tôi linh khí thuở Tiên - Rồng
Dân tộc Việt ngẩng cao đầu kiêu hãnh
Rạng rỡ giống nòi tươi đẹp non sông!

                              ÁI NHÂN – 2014

(Bài thơ thứ 100 trong tập PHIÊU DU ĐƯỜNG GIỜI - NXB Hội nhà văn - 11- 2019)
……….

Chú thích:

*Văn miếu có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi (1442- 1779), trên đó khắc tên 1307 lượt Tiến sĩ,Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện nay có khoảng trên 24.000 tiến sĩ. (trong mười năm tới đào tạo thêm khoảng 10 .000 tiến sĩ mới.
**Nguyễn Văn Ngọc - phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - học lấy bằng tiến sĩ chỉ trong sáu tháng
***Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị kết án oan chung thân về tội giết người. Ông chỉ được trả tự do vào tháng 11.2013 sau khi hung thủ thực sự của vụ án ra đầu thú. Tính đến thời điểm đó ông đã phải ngồi tù hơn 10 năm.
**** Có khoảng 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học giống nhau tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội)

READ MORE - ĐOẢN KHÚC ĐẤT NƯỚC - Thơ Ái Nhân

NÕN NÀ XUÂN - Thơ Vĩnh Thông




NÕN NÀ XUÂN
Vĩnh Thông

Lẫy bông cúc cho ngày năm hết
Nõn nà em thưa dạ đáng yêu
Rượu chưa ngấm mà say say bết
Đành buông thơ tiễn gót xuân chiều

Giấu một buồn vào đông rất kỹ
Để mai qua xuân trổ mơ màng
Để mai đến rồi nghe em hát
Lồ lộ bờ thiên thanh thênh thang

Ta hát về em, em hát xuân
Ai hát mùa thương nhớ trong ngần
Thì đâu mắc nợ chi năm cũ
Nõn nà ơi và đáng yêu ơi.

Hề! Thì chếnh choáng, thì năm hết
Cạn be này thôi, năm qua thôi
Thì đâu có bận đường muôn dặm
Như sông bên lỡ, có bên bồi

Ta sấp ngữa bán rao hời hợt
Quên mùa đông lững thững rời cành
Một màu cúc vàng thêm màu cúc
Kìa thẹn thùng, nắng vấp long lanh.

V.T.

(Trích từ tập thơ TRẠNG THÁI YÊU, tác giả gởi tặng.)


READ MORE - NÕN NÀ XUÂN - Thơ Vĩnh Thông