Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 10, 2020

GIỌNG QUẢNG - GẦN THƯƠNG, XA NHỚ - Lê Duy Đoàn

Tác giả Lê Duy Đoàn

GIỌNG QUẢNG - GẦN THƯƠNG, XA NHỚ 
Lê Duy Đoàn 

Năm 1984. Quận 3, Sài gòn. Một buổi chiều mùa hè. 

Mây thấp. Mưa giông đột ngột xô tới dội nước ào ạt. Gió thốc thổi bụi nước bay ngang tạt vào nhà tôi dù nhà có mái hiên rộng. Một nhóm năm sáu người đàn ông trung niên vội vã chạy vào đứng chen chúc nhau tránh mưa dưới hiên nhà. Cánh cửa sắt xếp khép hờ. Thấy họ bị mưa tạt, tôi ân cần mở rộng cửa nhà: “Vô đây, vô đây. Đừng ngại. Mấy anh đứng hẳn vô trong nhà để tránh mưa, không khéo ướt hết chừ.” “A, người Huế. Cám ơn. Tui cũng người Huế đây nì. Răng vô đây lâu chưa mà không đổi giọng hay rứa hè. Nghe giọng Huế đặc sệt, bức sướng.” Tôi hỏi ngược lại: “Rứa răng anh ở đây lâu rồi mà không pha giọng?”

“Người Huế mình, dân ở mô nói mình nghe cũng được, cũng hiểu. Khó nghe, khó hiểu như giọng Quảng, giọng Bình Định, Phú Yên dân mình đều nghe được hết và biết họ nói cái gì. Rứa thì mình nói họ phải ráng nghe, ráng hiểu. Người ta cho là giọng Huế mình trọ trẹ khó nghe, lạ tai khó hiểu. Họ nghe không được thì thôi. Kệ. Mình cứ nói giọng Huế của mình, cần chi phải thay đổi. Không hiểu thì nếu họ cần, họ hỏi lại, tới khi mô hiều được thì thôi. Người Huế đổi giọng nhại theo giọng xứ khác, miền khác nghe nửa đực nửa cái, kỳ cục lắm”.

Hỏi ra, anh chàng là một đạo diễn nỗi tiếng của đài truyền hình thành phố, du học ở Úc chuyên ngành truyền hình về nước trước 1975.

Anh chàng có nghề và có tài nên được trọng dụng. Lối ăn nói của anh chàng có vẻ ngang tàng nhưng lập luận cũng dễ nghe, cũng lọt lỗ tai… người Huế. Nghe ra tự ái dồn dập.

“Họ nghe không được thì thôi. Kệ. Mình cứ nói giọng Huế của mình.”
                                                                     *         *
Nói thật lòng, dạy học bốn niên khóa ở trường trung học Đại Lộc, tôi thấy mình gần gũi thân tình với thầy trò và người dân ở đó nhiều lắm. Thị trấn Ái Nghĩa nhỏ nhắn, dân cư thưa thớt nhưng học trò có chí cầu học và nhiều em thông minh học giỏi. Các em biết rằng chỉ có con đường đó mới dẫn các em lên cao và đi xa . Người dân Quảng Nam nhiều người học giỏi, đi xa và thành danh trong nhiều lãnh vực xã hội. Vì các em cần cù và chịu khó học tập nên về phía học trò và phụ huynh việc thương mến, kính trọng thầy cô giáo như là lẽ đương nhiên. Tôi được dạy dỗ trong cái lẽ đương nhiên đó nên thấy vui với nghề mặc dù lúc tôi dạy ở đó thì dân cư tại chỗ không khá giả lắm, tình hình chính trị nhiều rối rắm, chiến sự ác liệt, kinh tế có phần sa sút,  vật giá leo thang và dân tình nhiều nỗi hoang mang.

Mới đầu, tôi làm quen với giọng Quảng và học sinh làm quen với giọng Huế chay của tôi. Tôi thường hỏi các em: “Các em có nghe giọng thầy được không? Em nào nghe không được thì cứ tự nhiên hỏi lại, thầy không phiền hà gì đâu.”

Giọng Quảng Nam ở vùng Đại Lộc có lối phát âm và âm sắc có phần nặng hơn ở Đà Nẵng và Hội An. Hai nơi ấy là nơi tôi thường về ở lại sau những ngày dạy học.

Buổi sáng, tôi dạy các lớp đệ nhị cấp. hai môn là Vạn vật và Lý hóa, buổi chiều tôi dạy Sử Địa và Việt văn ở các lớp đệ nhất cấp. Kể ra, thời đó thầy cô cũng đa năng và đa hiệu thật. Môn gì cũng dạy được. Dạy tuốt và dạy tốt.

Học trò lớp 11 ban A, ban B chăm học vì cuối năm thi tú tài bán phần là một mốc quyết định của cuộc đời. Đời các em lên hương hay không tùy thuộc nhiều vào việc vượt qua được kỳ thi này hay không.

Dạy mấy lớp 6,7,8 rất vui. Học trò ngoan hiền, ngây thơ nhưng lanh lợi và sinh động. Giọng Quảng của các em nữ sinh nghe thanh tao và ríu rít như tiếng hót chim non. Có hôm vào dạy lớp 6 môn Việt văn, tiết chính tả, tôi đọc một đoạn để các em chép vào vở rồi chờ vì sợ các em chưa quen giọng của tôi. Tôi cố ý đọc chậm và rõ… kiểu Huế để các em nghe và nhận ra chữ nghĩa. Mấy em nữ sinh xinh xắn ngồi ở mấy bàn đầu sát bục giảng viết đoạn đó xong rồi, nhao nhao: “Kêu đi thài, kêu đi thài.”  Ủa, mình là con chi đây mà học trò nói mình kêu!? Tự nhiên, tôi thấy mắc cười quá, phải ra đứng ngoài cửa giả bộ ngó quanh như tìm kiếm ai, để cười mà không dám cười lớn. Nín cười xong, vào dạy tiếp, suốt giờ học mấy em cứ nói kêu đi thài, kêu đi thài miết.

Về ngồi nghỉ ở phòng giáo sư 15 phút giờ ra chơi, tôi kể chuyện vừa xảy ra trong lớp, mấy thầy cô giáo người Quảng cười vang: “Thầy nghe lần đầu chưa quen chứ ở đây học trò nói thầy nhắc bài, đọc bài đều nói là kêu cả.” À ra thế!

Dạy môn Sử lớp 8, có giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc nói về vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Diễn tiến lịch sử cuốn hút sự lưu tâm của các em. Giảng đoạn đó, người thầy cảm thấy tự hào như là mình đang xung trận đánh giặc Tàu. Nghe đoạn đó, học trò thấy sôi trong lòng dòng máu anh hùng chống kẻ thù truyền kiếp Bắc phương.

Lịch sử có đoạn:          
                                 
Vua Quang Trung Đại Phá Quân Thanh.

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ được tin quân nhà Thanh đã sang đóng ở Thăng Long, lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh, các tướng đều xin hãy chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi sẽ khởi binh.

Bắc Bình Vương bèn sai đắp đàn ở núi Bàn Sơn, ngày 25 tháng mười một năm mậu thân (1788), Vương làm lễ lên ngôi Hoàng Đế, rồi tự mình thống lĩnh thủy bộ đại binh ra đánh giặc Thanh. Ra đến Nghệ An nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 con voi. 

…Quân số của vua Quang Trung chỉ có 10 vạn quân, có nhiều quân mới tuyển, chỉ trong mấy ngày mà quân Việt đã đánh tan 29 vạn quân Tàu do tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị chỉ huy khiến hắn ta không kịp mặc áo giáp và không kịp thắng yên cương, lên ngựa đem mấy tên lính kỵ chạy trốn lúc nửa đêm. Quân các trại nghe tin như thế, xôn xao tan rã chạy trốn . Lính Tàu dồn đạp nhau chạy qua cầu phao bắt ngang sông Nhị Hà làm sập gảy cầu phao, ngã xuống sông chết đuối nhiều vô kể làm nghẻn cả một khúc sông. Vua Quang Trung dẫn quân vào thành Thăng Long ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu sớm hơn dự định hai ngày.

Thế mà khi làm bài thi đệ nhất lục cá nguyệt, mười học sinh thì có đến 6,7 em viết “100 con voi” thành ra “100 con vua”. Người Quảng nói âm OI thành UA nên học sinh nói sao viết vậy. Vua Quang Trung ra nghỉ ở xứ Nghệ có 10 ngày mà ở đâu ra đến 100 con vua!? Tài thật.


           *        *
Gần gũi thầy cô giáo và học sinh trong một thời gian dài, tiếp cận những người dân chơn chất thật lòng, nghe quen giọng Quảng với ngữ điệu lên giọng xuống giọng vui tai, tôi chẳng còn thấy xa lạ với giọng nói ấy. Trong giòng chảy tình cảm của mình có một giòng của giọng Quảng. Có lẽ sống lâu ngày cùng với giọng Quảng, người Huế như tôi thấy giọng Quảng cũng dễ thương. Hay là vì tôi lậm tình với cô giáo Quảng nên yêu luôn giọng nói ấy không chừng? Sao mà qua làn môi mọng và nét môi khi phát âm giọng Quảng, tôi thấy giọng Quảng của mấy cô nàng đáng yêu thế.

“Chửi choa khơng bèng phoa giạng” (Chưởi cha không bằng pha giọng) là câu mấy cô giáo hay nói để trách cứ một người nào đó không phải là người Quảng nhưng lại giả giọng Quảng theo kiểu nói “ba rọi”. Tôi chẳng dám “núa” giọng Quảng ở giữa đám đông. Chỉ ở nơi riêng tư, ngồi với nàng (không biết là mấy nàng) tôi thỉnh thoảng pha giọng để thấy nàng ngúng nguẩy làm mặt giận và có cớ dỗ dành.

Người xứ khác bắt chước giọng Quảng thì nói là nhại giọng, pha giọng. Chính người Quảng diễu giọng nói của họ thì chẳng ai bắt bẻ, chẳng ai phiền lòng mà đôi khi còn phụ họa nhau cho vui.  

Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn nổi tiếng xứ Quảng nói đùa trong bài “Về giọng nói ở một nơi không có xe lam, xe đạp” vì ở Quảng Nam chỉ có xe lôm, xe độp.

Trong bài này ông kể hai câu chuyện hài hước về giọng Quảng :

1.      Một người Quảng Nam đi vào một cửa hàng bán phụ tùng xe ở Sài Gòn, cố uốn giọng để phát âm cho chuẩn, oái ăm sao rốt cuộc lại thành: “Bán cho tôi một cái... láp xe độp”. Người bán sau một hồi gặng hỏi, bực mình: “Lốp xe đạp” thì nói đại là “lốp xe đạp” ngay từ đầu, còn bày đặt... nói lái là “láp xe độp”. Nào có cố tình lái liếc gì đâu, thật oan còn hơn oan Thị Kính!   

2.      Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ:
- Chị kiếm cho em cái “bô”!      
Chữ “cái bao” qua cái giọng Quảng  nguyên chất của con Cúc biến thành “cái bô” khiến con Lệ thừ ra mất một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu con Cúc kiếm cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toa lét cầm cái bô đem ra: 
-Nè.
Con Cúc ré lên:
- Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?”(1)


Thêm một câu chuyện sau đây do ông Trần Tuyết, một thầy giáo người Quảng Ngãi (trước đây là hiệu trưởng trường trung học Tỉnh Hạt, thị xã Quảng Ngãi) kể tôi nghe:
Khám bịnh xong bác sĩ nói với cô bệnh nhân trẻ:
- Cô cho tôi xin số điện thoại của cô để khi nào có kết quả khám sức khoẻ thì tôi sẽ gọi điện báo cô hay.
Cô gái trẻ trả lời:
- Dợ, hai ba bửa tém một bửa !
Bác sĩ lắc đầu:
- Không! chuyện tắm rửa của cô thì tôi không cần biết. Số điện thoại của cô á!
Cô gái trẻ trả lời:
-Dợ, hai ba bửa tém một bửa!
Bác sĩ lắc đầu mạnh hơn:
- Cô tắm mỗi ngày 2, 3 bận hay là 2,3 tuần cô tắm một lần thì tôi không cần biết..... Số điện thoại của cô kìa..
Cô gái trẻ tức tối trả lời:
- Dọa! em đỏa núa sớ của em lòa hai ba bửa tém một bửa.( Dạ, em đã nói số của em là 237.817)

Nhiều người Quảng đọc chuyện này cho rằng nói như vậy là không đúng giọng Quảng.

Nói đúng giọng Quảng là như thế nào?

Ông Nguyễn Cao Kỳ có lần đã phải xin lỗi vì nhái giọng Quảng tại một cuộc họp báo khi hỏi các nhà báo rằng báo chí có còn “théc méc” gì nữa không...

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, cũng có lần tự thú nhận trên một trang blog của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ là ông không thích cái giọng Quảng của ông, và ông nói thẳng tiếng Việt giọng Quảng không đúng, nhất là các nguyên âm a, ă và o.

Giọng Quảng rất riêng trong hệ thống giọng nói người Việt. Trước 1975, khi người Huế chưa di dân trên diện rộng vào Sài gòn hay các tỉnh thành Nam Bộ, dân Nam Bộ có nhiều người nói là dân nước Huế, có nghĩa là có tiếng nói riêng họ nghe không được. Nếu thế thì cũng có một nước Quảng nữa đấy. Cái riêng tây đó là lối phát âm lệch những nguyên âm hay những nguyên âm vần ghép.

Giọng Quảng phân biệt một cách rõ ràng giữa âm TR và CH, S và X, D và V, R và G... Nhưng âm giữa và âm cuối, người Quảng thường phát âm chệch. (Nói trật giọng chuẩn tiếng Việt mà được gọi là đúng giọng Quảng vì họ có chuẩn riêng.)

Âm phổ thông (toàn dân)
Âm địa phương
Lỗi nhầm lẫn vần hoặc phát âm lệch chuẩn (đọc trại âm)
bao gạo
bô gộ
Vần ao với ô
gặt lúa
gẹt lúa
Vần ăt - et
chim sẻ
chiêm xẻ
Âm  s - x        im-iêm
chích choè
chích chè
Vần oe - e
bài toán
bài tán
Vần oan - an
văng ra xa
văng roa xoa/ dăng roa xoa
Vần a - oa
bi luỵ
bi lị
Vần uy - i
con cừu
con cùi
Vần ưu - ui
chắc chắn
chét chén
Vần ăc - et, ăn - en
tên tuổi
tên tủi
Vần uôi - ui
chai rượu
chai rụi
Vần ươu - ui
thỉnh thoảng
thỉnh thảng
Vần oang - an
vô duyên
dzô diên
Vần uyên - iên
mùa xuân
mùa xưng
Vần uân - ưng
xe đạp
xe độp
Vần ap - ôp
Quảng Nam
Quoảng Nôm
Vần ang - oang, am - ôm
cái thuổng
cái xuổng
Âm th – x
cái xẻng
cái xảng
Vần eng - ang
hỏi
hủa
Vần oi - ua
lâm thâm
lâm dâm
Âm th - d                                                               
( trích “vài thổ âm, thổ ngữ Quảng Nam”)(2)

 Vô Quảng Nam thời gian dài, nói chuyện với nhiều người, tôi nhận ra là những chữ tưởng chừng như là phương ngữ của riêng người Huế, thật ra người Quảng cũng nói y chang. Cũng là một gốc những người di dân khai hoang lập ấp từ  Thanh, Nghệ, Tỉnh thời vua Lê, chúa Nguyễn, người dân miền này đi đến xứ khác làm ăn sinh sống đem theo cả phương ngữ của mình dần dần người ở đó nghe quen tai và dùng quen miệng những từ  đó thành ra  không còn riêng biệt nữa. Đó là sự giao thoa, pha trộn phương ngữ trong tiếng Việt.

Bài này không có mục đích đi sâu vào việc nghiên cứu ngôn ngữ học. Điều đó vượt quá xa tầm hiểu biết của người viết. Tôi chỉ ghi nhận. Dưới đây là một số từ ngữ người Quảng nói giống người Huế. Nghe giọng thì khác mà lối nói, chữ nghĩa quen tai nên mấy năm trời giọng nói thấm dần vào tôi như mưa lâu thấm đất và tôi cảm thấy gần gũi với giọng nói này .

Khi đặt câu hỏi người Quảng cũng như người Huế thường dùng từ ngữ: ri (như thế này), rứa (vậy, thế), răng (sao), mô (đâu), hỉ (hả) v.v...; khi nghe thế người kia trả lời: nớ (kia), tê (kia), ni (đây), trển (trên), chừ (bây giờ), chi (gì) , nì ( này)v.v...

“Tui” là tôi, "Tau" là "tao", "chưn" là chân; "dị òm" là mắc cỡ, mắc cỡ lắm; "ưng" là thương; "nhớ hung" là rất nhớ, nhớ lắm;; "xí nữa" là chút nữa; "y nguy" là y nguyên; "răng" là sao, làm sao..."không reng (răng)" là không sao.

Khách tới nhà, chó xồ ra sủa inh ỏi, nhe răng như muốn táp khách mà chủ nhà tỉnh rụi"- Chó sủa thôi chớ không reng mô". Nhe cả hàm răng nhọn hoắt mà nói chó không răng. Núa chi lọa rứa ?

Người Huế cũng nói như rứa, có khác chi mô!

"Gò gái" “ cua gái” là tán tỉnh con gái", "hú hí" là nhỏ to với nhau; "in" là giống nhau như đúc; “lợt” là nhạt, "lợt nhớt" là quá nhạt; "rượng" là "ngứa nghề" ham chơi theo trai, gái; "sít rịt" là sít với nhau không hở; "trịt" là tẹt "- Cái mũi trịt là cái mũi tẹt, thấp", “trịt mũi” lại là nghẹt mũi;"ngẳng" để chỉ sự nghịch ngợm, "kỉnh" là biếu, "lia" là ném, là vứt. "làm phách" là lên mặt, phách lối, kiêu căng, kiêu ngạo; "yểu xìu" là quá yếu; "tổ chảng" là to lớn,"mập ú" là mập quá cỡ; trái cây mua về, chưa chín, người ta bỏ vào trong hũ gạo, đợi chín thì gọi là "giú"; "cái ảng" là cái lu ,"giả đò" là "giả vờ", tương tự "làm bộ làm tịch". “Bổ” là té.        "vịn" là "dựa vào","cụi" là tủ đựng thức ăn, đặt dưới bếp ,"lủm" là từ chỉ hành động bốc một vật gì đó bỏ vào trong miệng; "kiệt" là hẻm, ngõ; "kiết" là keo kiệt; "đầu dầu" là đầu trần cò lẽ là vì hồi trước người ta chải tóc bằng dầu brillantine nhìn đầu tóc phủ một lớp dầu “láng xà coóng, ruồi đậu lên là bị trợt chân!!” "ướt nhẹp" là ướt đẩm, ướt dầm..., "dúng" là giống; "mướt rượt" là rất mượt mà, hết chỗ chê."trơn lu" là rất trơn, "biểu" là bảo; "phỉnh" là dụ dỗ, gạ gẫm; "ngọt xớt" là rất ngọt. “một chặp” là một lát…

Có vài chữ nghe rất riêng giọng Quảng và lạ tai: "thọa" là cái hộc tủ; "thụng" là túi, "trã" tương tự như cái chảo, làm bằng đất, dùng để kho cá; "hục" là "hố" ,"ở dổng" là ở truồng , "dịt" là dệt , “ủm" là thu hết về cho mình, như để chỉ hành động ôm em bé vào lòng mình làm cho bé ấm áp, người ta nói: "Ủm em", "nói xanh xảnh" là nói hỗn, thiếu lễ phép. "hẹp tré" là hơi hẹp, "nói lung" là nói giỡn; "gướm" là "gớm"…

 *         *
Năm ngoái, tôi nghe có bộ đĩa Duyên kiếp gồm hai CD.

Ở CD 1, các ca khúc được hát theo lối pha trộn giữa nét bi lụy rất quen thuộc của dòng bolero cùng cách hát thính phòng, đậm chất Bắc của giọng nữ cao Ánh Tuyết.


CD 2, được Ánh Tuyết gọi là "phiên bản đặc biệt" dành tặng khán giả, nhất là cho những người con sinh ra từ xứ Quảng. Mười bài hát có nhan đề:

Chiều Cuối Tuần, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Đừng Nói Xa Nhau, Duyên Kiếp, Em Chờ Anh Trở Lại, Em Về Kẻo Trời Mưa, Mưa Chiều Kỉ Niệm, Mưa Rừng, Nỗi Buồn Hoa Phượng, 
Tình Bơ Vơ

Có lẽ Ánh Tuyết cũng dành tặng phiên bản này cho tôi. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần những bài hát quen. Thập niên 1960, những bài hát điệu bolero này, giới sinh viên chúng tôi ít người nghe và ít người thích vì chất bi lụy ướt át của nó. Những bài hát đó được xếp vào loại nhạc "sến”. Có cảm giác nghe loại nhạc này mình cũng “sến” luôn!

Sau 75, thỉnh thoảng nghe lại đâu đó những bản nhạc này, con người mình dường như có phần bớt khắc khe, lòng mình cũng dễ dãi hơn nên nghe những bản nhạc “ sến” tôi thấy lời chơn chất, thấy nhạc cũng hay hay.

Đến khi nghe CD giọng Quảng của Ánh Tuyết, tôi thật sự xúc động, tưởng như mình gặp lại người quen mấy mươi năm cách biệt. Nghe đi nghe lại nhiều lần, tôi lắng nghe để phân biệt chữ nào là giọng Quảng và cười một mình như đang gặm nhấm niềm vui.

Ví dụ trong bài “ Duyên kiếp”

Em ơi nếu mợng khơng thành lồm reng, (mộng không, làm răng)
Non  đất rợng biết mô mòa tìm.  (cao, rộng, mô mà)
Đường đời mịch mờ doạng nẽo dề mô, (mịt, vạn, về mô)
Mang chờ diên kíp đưa lối bét cầu. (mong, duyên kiếp, bắt)
Em ơi, nhéc lợ phút xưa gẹp nha, (nhắc lại, gặp nhau)
Trên đê déng ngừi lúc ton chợ chiều, (vắng người, tan)
Ngạ ngùng mỗi lần anh tới lồm quen,  (ngại, làm)
Móa em ửng hờng dì quá thẹn thùng… (má, hồng vì)

Trong bài “Đừng nói xa nhau”:   
Đừng núa xoa nha cho tâm hồn đa khổ, (nói xa nhau, đau)
Đừng núa xoa nha cho mét lệ hoen mờ. (nói xa nhau, mắt)
Lời thiết thoa qua tâm tư tràn mộng tràn mơ, (tha, tròn, tròn)
Vết tình khéc lên môi đưa mấy tủi yêu dẫn chờ… (khắc, tuổi, vẫn)
Mười bài hát được hát bằng giọng Quảng như thế: (dốm-dám);(làng-lòng);(phơ-phai);(báng-bóng);(boạc-bạc);(ưa-ai);(xô xiến-xao xuyến);(ta đon ta-tay đan tay);(sô đành-sao đành);(mon moác- man mác);(ton dỡ-tan vỡ)…

Chú thích: ( chữ in nghiêng là giọng Quảng, chữ in đứng là lời bài hát).

Nghe thì giống như chế diễu nhưng vì ca sĩ Ánh Tuyết là người Quảng đem tâm tình trân trọng của mình để hát nên hàm chứa cái tình tự quê hương trong lời bài hát đã thay đổi.  Qua đó, người Quảng đem tiếng lòng mình nồi với giọng nói thân thương của quê nhà truyền thừa từ thuở cha sanh mẹ đẻ theo người Quảng đến tận bây giờ nên người Quảng nghe là thích. Không biết sao tôi cũng thích mấy bài hát giọng Quảng này vô cùng. Có một mạch nguồn nào đó chảy âm ỉ nay sống dậy trong tôi?

Người Quảng biết rất rõ là họ nói sai những âm nào so với lối phát âm chuẩn của tiếng Việt nhưng họ cứ nói như thế từ đời này qua đời khác. Họ có chuẩn giọng Quảng mà họ tự hào. Âu đó cũng là một tính cách đặc trưng của người Quảng?

Có lẽ họ cũng suy nghĩ như anh chàng đạo diễn người Huế tránh mưa ngoài hiên nhà tôi chiều hè năm 1984:
“Họ nghe không được thì thôi. Kệ. Mình cứ nói giọng Quảng của mình”.
                                                                 *          *      
Tháng 9 năm 2013.

 Chúng tôi lên Đà Lạt một tuần nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Tuần trăng mật hồi xưa của chúng tôi cũng ở Đà Lạt vào tháng 9 năm 1973.

Chuyến xe khách giường nằm của hảng Thành Bưởi từ Đà Lạt về Sài gòn.

Hai vợ chồng tôi nằm ghế số 4 và số 5. Sau lưng tôi là mấy người đàn bà đứng tuổi. Họ nói chuyện với nhau rổn rảng. Bà xã tôi nói: “Mấy bà này người ở mô mà nói giọng gì em nghe không được?” Tôi đùa: “Mấy bà này là người ngoại quốc. Nước Quảng Nam, Quảng Ngãi gì đó.”

Trong câu chuyện của họ tôi nghe họ nhắc đến Đại Lộc, Duy Xuyên. Họ nói chuyện xưa chuyện nay, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện gia đình, con cái, chuyện người này người nọ… Không biết sao mà chì có bốn bà người Quảng và một bà người Huế mà họ nói chuyện với nhau không dứt suốt cả chặng đường ba trăm cây số?! Tôi cười, nói với bà xã tôi:
“Trên xe thiếu một con vịt.”
Bà xã tôi không hiểu. Tôi nói thêm:
“Chỉ còn thiếu một con vịt là thành ra một cái chợ.”
 Tuổi của họ, nếu họ ở Đại Lộc thì không chừng, biết đâu họ là học trò của tôi.
Trong giấc ngủ chập chờn, qua giọng Quảng của họ, tôi như trở về với trường xưa “một thời để yêu”, có thầy cô thân quý và có học trò thân yêu. Có một thứ để yêu thương nữa: Giọng Quảng.
Giọng Quảng- Gần thương, xa nhớ.
Tiếng lòng tôi.


Sài Gòn, 01/6/2014.
Lê Duy Đoàn.

Chú thích:
      1. Trích “ Ở một nơi không có xe lam” của Nguyễn Nhật Ánh.
2. Bài viết này có trích những từ trong bài “Vài thổ âm, thổ ngữ của người Quảng Nam” đăng trên internet.
Lời thêm:  Nhiều người Quảng Nam mong có ai đó chịu bỏ công ra làm một quyển Từ điển tiếng Quảng Nam giống như một số địa phương khác đã có người làm Từ điển tiếng địa phương của họ. Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh đã làm Từ điển tiếng Nghệ (NXB Nghệ An, 1998), Bùi Minh Đức làm Từ điển tiếng Huế (NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học XB năm 2004), Nguyễn Văn Ái chủ biên Phương ngữ Nam bộ (NXB TP. SG, 1994)…


No comments: