|
Họa sĩ Lê Duy Đoàn tại một phòng triển làm tranh của ông. |
Đây là
những câu chuyện tự trào vì thằng bé khờ khạo… mà dễ thương chính là tôi khoảng
năm mươi mấy năm về trước. Tôi hay kể chuyện này khi nói chuyện vui với bạn bè
cùng trang lứa hay kể cho các con tôi nghe. Nghe chuyện, ai cũng cười và nghĩ
rằng sao lại có một thằng bé khờ khạo quá như vậy.
(Trong câu
chuyện xin lưu ý người đọc, những lời xưng hô theo đúng ngữ cảnh vào thời điểm
thập niên 50, lúc tôi còn bé xíu nên những từ như “thằng”, ”hắn” v.v. từ là bạn
bè gọi nhau thân thương khi còn nhỏ - những người đó bây giờ đã trên dưới 70
tuổi rồi, có người đã ra thiên cổ - tôi hoàn toàn không có ý mạo phạm, bất
kính).
1. Thằng,
con:
Mẹ tôi kể
rằng, khi chưa đầy 2 tuổi, tôi đã biết nói rành rọt. Ông ngoại tôi họ Trương,
người làng Vỹ Dạ, có khu vườn rộng bên ngoài cửa Hữu. Mẹ tôi làm dâu họ Lê Duy
ở xóm Đông An (xóm guốc), làng An Ninh Hạ.
Về thăm
ngoại, mẹ tôi phải bồng tôi đi bộ và qua 2 bến đò: bến đò làng Hạ và bến đò kẻ
Vạn.
Vừa bước
chân lên đò, mẹ tôi gặp một người bạn. Bà ấy nhìn rồi hỏi mẹ tôi: “Con à ?”. Mẹ
tôi trả lời ngắn gọn nhưng lễ phép : “Dạ, con”. Đợi cho người bạn của mẹ tôi đi
khuất, tôi mới thỏ thẻ hỏi mẹ: “Mạ,thằng chơ răng mạ nói là con ?” ( Mẹ, con là
“thằng” mà sao mẹ nói là “con”).
2. Khờ khạo
nên thành Trạng Cóc.
Năm 1956,
tôi lên 10, chuẩn bị lên lớp Nhất trường Tiểu học Vạn Xuân. Năm đó có hội chợ
và triển lãm nông nghiệp ở Phú văn lâu, thành phố Huế. Hội chợ này tổ chức vào dịp
hè.
Chính quyền
Ngô đình Diệm lúc đó muốn tổ chức những ngày hội vui vẻ để mừng kết quả bầu cử.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 có kết quả sắp xếp trước theo đúng kịch
bản “xanh vô giỏ, đỏ vô bì” và gian lận phiếu của chính quyền Ông Diệm nhằm phế
truất Ông Bảo Đại và đưa Ông Ngô đình Diệm lên cầm quyền ở Miền Nam.
Tôi có
người bạn chí thân học chung một lớp tên là Lê văn Khâm. Mặc dù học chung một
lớp nhưng Khâm học giỏi, khôn ngoan, lanh lợi hơn tôi nhiếu.
Nhà chúng
tôi lúc đó ở bên cạnh nhau. Tôi ở nhà số 1 kiệt 1 đường Quốc lộ 1 (sau này là
77 Thống Nhất), phường Phú thạnh, Huế. Nhà Khâm giữa nhà tôi và cái quán bán
tạp hóa của Mẹ tôi sát đường lộ. Nhà Khâm ở trên đất trong khu vườn rộng của
Ông đại tá Tư cho thuê ở tạm .
Khi nghỉ
học, tôi thường ngồi bên cạnh Mẹ nghe Bà nói chuyện. Mẹ tôi là người vui vẻ,
nói chuyện rất dí dỏm có duyên. Bà biết rất nhiều chuyện đông tây kim cổ. Bà thuộc nhiều thơ ca hò vè, từ bình dân như
vè thất thủ kinh đô đến các làn điệu ca Huế như hò mái nhì, hò mái đẩy, nam ai,
nam bình cổ bản, lưu thủy hành vân, tứ đại cảnh, kim tiền… với giọng hát thanh
tao kèm theo những giải thích rành rọt.
Bà thuộc thơ từ Xuân Diệu, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử cho đến Phan Bội Châu, từ Lục Vân
Tiên đến Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa… Mẹ tôi đọc qua vài lần là nhớ như in
và đọc vanh vách. Bà có trí nhớ rất tuyệt, tôi không sánh bằng. Mẹ tôi lại có
tài nói chuyện tếu. Bà kể chuyện xong mọi người cười rộ mà Bà chỉ cười tủm tỉm
thôi. Khách hàng đến mua một phần vì Mẹ tôi bán giá phải chăng, một phần vì quý
mến Mẹ tôi và thích nghe Bà nói chuyện.
* *
Chiếc xe
buýt tuyến Triều Sơn Tây, An Hòa – Đông Ba của anh Toàn lái dừng trước quán.
Hai anh em Khâm và Dũng xuống xe, mặt tươi cười hớn hở. Dũng thấp người, trên
tay bưng khệ nệ một cái khay và một bộ ấm chén trà men trắng, bao bằng giấy
kiếng đỏ. Bộ ấm chén trà men trắng có in hình ông Thọ chống gậy có bầu rượu, con
dơi bay và em bé ôm quả đào tiên rất đẹp.
Mẹ tôi hỏi:
“Ở mô mà có bộ khay trà đẹp rứa?”.
Khâm trả
lời : “Dạ, tụi con đi hội chợ chơi trò chơi chuột bạch, trúng số, được thưởng”.
Tôi hốp tốp
nói với mẹ tôi : “Mạ cho con xuống hội chợ lấy bộ khay trà giống thằng Khâm”.
Tôi nói chuyện dễ như lấy đồ trong túi không bằng.
Hai anh em
Khâm vừa thắng giải, khoái chí dẫn tôi đi hội chợ. Mẹ tôi cho tôi đúng 12 đồng.
Hai đồng cước xe buýt đi và về (mỗi lượt, một đồng), 10 đồng để mua 1 vé chơi
trò chơi một lần, như thể chỉ chừng đó tiền tôi có thể mang về một bộ khay trà.
Chúng tôi
níu tay người lớn qua cửa vô hội chợ khỏi tốn tiền mua vé và đi thẳng đến nơi
có trò chơi chuột bạch, trò chơi mà hai anh em Khâm vừa mới trúng thưởng.
Hội chợ có
khu triển lãm sản phẩm nông nghiệp ở khu vực đình Phú vân lâu, hai cánh là khu
vui chơi. Có nhiều trò: lô tô, tài xỉu,
quăng vòng vịt, ném banh, bắn súng hơi, ném phi tiêu… trong những quầy phân
chia riêng lẻ. Có một cái rạp lớn hình trụ có mái che phía trên, là trò biểu
diễn mô tô bay. Người tham dự các trò chơi chen lấn nhau. Loa phát thanh, nhạc
xập xình, tiếng reo hò tạo nên sự ồn ào náo nhiệt trong khu hội chợ.
Chúng tôi
chẳng để ý đến những trò vui khác, vô hội chợ chỉ để chơi trò chơi “ chuột
bạch” mà thôi. Một cái rạp nhỏ vuông vức, nằm biệt lập trên khu đất trống ở
giữa khu giải trí. Người chơi đứng bao quanh. Ngay trung tâm là một cái lồng
bàn có dây rút. Trong lồng bàn một con chuột bạch nhìn quanh có vẽ sợ sệt. Vòng
trung tâm đứng yên. Bên ngoài vòng này có một đường chuột chạy hình vành khăn,
trên đó, có 16 cái chuồng nhỏ có mái, cửa chuồng hình vòm hướng vô trung tâm.
Hình vành khăn này quay tròn nhờ một cái moteur. Bên trong mỗi chuồng đều có cỏ
để dụ con chuột chui vào. Chuột đã được huấn luyện nên chạy quanh và chui vào
chuồng rất thuần thục.
Đến nơi,
người ta đang bán vé cho lần chơi tiếp theo. Dũng nhanh tay mua ngay một vé.
Tôi đang còn lớ ngớ thì nghe người bán vé rao: “Còn vé cuối cùng số 2 đầy hy
vọng, số 2 may mắn đây”. Dũng khều tôi:” Còn vé, Đoàn mua đi tề”. Tôi vội vàng
nói to, cơ hồ như sợ người khác tranh mua mất: “Cho em, cho em”.
Mua được
vé, lòng tôi khấp khởi mừng và hy vong trúng thưởng, nhưng một bác đứng bên
cạnh nói với tôi một câu giống như dội lên tôi một gáo nước lạnh: “Số 2 mới
trúng nên không ai mua mà con mua làm chi ?” Tôi buồn bà nghĩ thầm :”Thôi, rứa
là mất tiêu 10 đồng mạ cho”
Tôi càng
tiu nghỉu hơn khi trò chơi bắt đầu. Vòng vành khăn bắt đầu quay. Những người
tham dự trò chơi ồn ào như vỡ chợ. Khi vòng đó ngưng quay, lồng bàn được kéo
lên. Chú chuột ngơ ngác định hướng.
Chuồng số 2 nằm về phía đuôi con chuột. Chuột chạy thẳng đến chuồng số 8 trước
mặt, thò đầu vô ngữi. Tiếng la hét vang dội. Chuột thụt lùi chạy tiếp. Hết
chuồng này đến chuồng khác, chuột cứ thò đầu vô rồi lại lùi ra. “Vô, vô,vô…”
Cuối cùng tới chuồng số 2, chuột chui tọt vào nằm yên không ra nữa.
Tôi sung sướng
quá nhảy cẩng lên. Người dẫn chương trình trò chơi reo lên: “Số cuối cùng đầy
hy vọng đã trúng giải”. Tôi chìa tấm vé số 2 ra đầy hảnh diện. “Em bé đã trúng.
Em lấy phần thưởng gì? Bộ son, bộ chén dĩa, cái chăn…” Anh kể ra một loạt các
loại phần thưởng để cho tôi chọn lựa.
Tôi đáp
nhanh không suy nghĩ : “Cho em lấy bộ khay trà giống như bộ của thằng Khâm”.
Chắc chắn
anh ta chẳng biết Khâm là ai nhưng anh cũng vui vẻ tìm kiếm bộ khay trà. Anh
lục tìm dưới quầy lấy ra được một bộ khay trà giống y hệt bộ mà anh em Khâm
trúng thưởng và trao cho tôi.
Tôi vội
vàng ôm bộ khay trà ra cổng đón xe buýt về nhà với 1 đồng còn lại. Thấy tôi bước xuống xe trên tay bưng khệ nệ
một bộ khay trà như của anh em Khâm , Mẹ tôi vô cùng ngạc nhiên. Bà nhìn tôi
trìu mến, vừa mĩm cười vừa nói: “Con đúng là Trạng Cóc, tưởng nói chơi mà thành
thiệt”. (Ở Huế, nói Trạng Cóc có nghĩa là nói dóc)
Bộ khay trà
ấm chén được Ba Mẹ tôi giữ gìn kỷ lưởng. Bên cạnh nó là giai thoại về sự ngây
ngô khù khờ của tôi. Mỗi lần Tết đến, dọn bánh mứt, pha trà Kim Lan của hảng
trà Văn An Thái mời khách, Ba Mẹ tôi hay khoe: “Bộ khay trà thằng con tui trúng thưởng hội chợ đó”.
3. Khờ khạo
nên suýt không được thi tuyển vào Đệ thất (lớp 6 bây giờ).
Năm 1956,
tôi học lớp Nhất trường Tiểu học Vạn
Xuân, gần bến đò Kẻ Vạn, cạnh khu Phú Mộng là khu nhà vườn nổi tiếng của thành
phố Huế. Cô giáo dạy tôi là cô Tôn nữ Yến, con gái Cụ họa sĩ Tôn Thất Sa, nhà
cách trường hơn trăm mét. Thầy Trần trọng Khoái nhà ở Vỹ Dạ, dạy lớp Nhì là
Hiệu trưởng. Lớp tôi có trên 50 học sinh. Cô Yến là cô giáo rất tận tâm, giảng
dạy rất hay nên trường Vạn xuân là một trường “nhà quê” mà kỳ thi vào Đệ thất
công lập năm đó, lớp tôi đậu hơn một nửa.
Gần đến kỳ
nghỉ hè, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp Đệ Thất (lúc này đã bỏ kỳ thi Tiểu học,
học sinh đủ điểm trung bình là được cấp bằng Tiểu học), cô giáo phát cho mỗi
trò một cái phom thẻ học sinh và dặn dò kỹ lưỡng mỗi em về ghi các chi tiết rồi
nộp lại cho cô để Hiệu trưởng ký tên và đóng dấu của trường.
Tôi chẳng ý
tứ gì cả nên bỏ cái thẻ ấy ở đâu mà tìm hoài không thấy.
Sáng thứ
hai đầu tuần, học sinh nộp thẻ, tôi vẫn tìm chưa ra thẻ của mình. Tôi khờ khạo
sợ bị cô giáo la mắng (tôi nghĩ vậy thôi chứ cô Yến nghiêm nhưng rất hiền) nên
không nói cho cô biết điều đó. Thẻ học sinh được hiệu trưởng ký tên và đóng dấu
mộc trả lại cho học sinh, thế mà cô giáo cũng không biết là tôi không có thẻ.
Mấy ngày
sau tôi tìm ra thẻ nhưng vẫn sợ cô la mắng nên không trình với cô giáo. Tôi lại
dại dột đem chuyện này nói với một thằng bạn học cùng lớp ở cạnh nhà là Nguyễn
Hoài. Hoài ra vẻ là người hiểu biết (thật ra chỉ là THẦY DÙI) : “Dễ ẹt, mi cứ
ký chữ ký của mi chồng lên trên cái ảnh là được thôi”. Nói như vậy mà tôi cũng tin và làm theo. Tôi
ký chữ ký mình chồng lên ảnh 4x6 và yên chí là thẻ học sinh của mình hợp lệ.
Trong lớp,
tôi chỉ là học sinh trung bình khá. Sỉ số lớp trên 50 đứa, tôi xếp thứ hạng từ
10 đến 20 còn Lê văn Khâm thường xếp hạng từ 1 đến 3.
Kỳ thi vào
lớp Đệ thất công lập năm 1957 ở Huế có Trường nữ trung học Đồng Khánh thi và
chấm riêng, các trường nam sinh nạp đơn thi riêng nhưng chấm chung và công bố
kết quả chung. Số học sinh dự thi trên 2000 mà chấm đậu 600.
Tôi không
lượng sức mình nộp đơn dự thi vào trường Quốc Học, nghĩ đơn giản là học trường
Quốc Học oai hơn mấy trường kia. Trường chỉ mở 2 lớp, lấy đậu chỉ khoảng 100
học sinh, trong khi các trường Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi xét trúng tuyển đến
200, 300. Khó đậu vào trường Quốc học
lắm.
Trước hôm
thi một ngày, số ký danh đã được viết lên bàn thi. Sau khi dò số ký danh, ba
tôi cẩn thận dẫn tôi vào tận phòng thi (từ cổng chính nhìn vào là dãy lầu bên trái, phòng số 3,
SKD số 384, ngồi đầu bàn thứ 3 phía cửa
ra vào). “Chỗ con ngồi thi đây nè. Nhớ
nghe”. Tôi dạ dạ ra chiều đã rõ.
Sáng đi
thi, Ba tôi chở tôi bằng chiếc xe mobylette vàng đến trường sớm, đứng chờ trước
cổng chính của trường. Cổng vừa mở, tôi nhát thấy Lê Văn Khâm đi trước tôi về
phía dãy lầu bên phải. Tôi lúc thúc chạy theo Khâm, khờ khạo nghĩ rằng nếu ngồi
gần Khâm lỡ làm bài thi bí chỗ nào thì có người để hỏi.
Ba tôi đứng
trước cổng trường dõi mắt theo tôi, thấy tôi sao không đi về phía dãy lầu bên
trái mà lại đi qua phía dãy lầu bên phải!!?? Gửi xe cho người bạn trông hộ, Ba tôi
chạy vào níu vai tôi hỏi : “Sao con đi qua phía này?” Tôi trả lời không suy
nghĩ: “Dạ, con đi theo thằng Khâm.”
Dắt tay tôi
qua chỗ ngồi đúng số ký danh 384, ba tôi gặp Thầy Trợ Lữ, giám thị phòng, là
bạn ba tôi. (Trận đói năm 1946, Thầy lên làng An Ninh Hạ tá túc nhà tôi một
thời gian, được gia đình tôi giúp đở).
Ba tôi nói
với Thầy : “Con tui đây, có chi nhờ Thầy giúp đở”. Thầy cầm thẻ học sinh của
tôi lên coi, ngạc nhiên vì không có chữ ký và dấu của trường. Thầy nói: “Sáng
ni may mà tôi coi thi phòng ni gặp cháu, chiều ni, thầy khác coi thi thì họ
không cho cháu thi mô. Anh về tìm Thầy Hiệu trưởng ký tên đóng dấu vô thẻ để
chiều cháu thi.”
Cũng may là
Thầy Trần trọng Khoái, hiệu trưởng trường Vạn Xuân đang làm thư ký hội đồng thi
ngay tại trường Quốc Học. Thầy ký tên rồi chỉ nhà Thầy ở làng Nam Phổ, gặp Cô
để đóng dấu vô thẻ học sinh của tôi.
Sáng đó,
thi môn Luận và Sử địa, Khoa học thường thức. Thi xong, gặp ba tôi, Thầy Trợ Lữ
nói: “Cháu dại quá anh ơi. Tôi đứng bên nhắc bài cho cháu mà cháu không nghe,
cứ làm bài theo ý mình”.
Chiều đó,
thi Toán. Đề bài có bài toán đo lường, một bài toán động tử. Tôi làm bài được.
Ngày có
bảng đậu, hội đồng thi tổ chức xướng danh ở trường Nguyễn tri Phương từ chiều
tới tối mịt mới hết 600 học sinh đậu vào lớp Đệ Thất các trường nam sinh thành
phố Huế.
Tôi đậu thứ
hạng 384 giống y số ký danh của tôi và vào học lớp Đệ Thất 2 của trường Quốc Học.
Sau này nghe nói là bạn Cung Trọng Bảo là Thủ khoa khóa thi vào Đệ Thất chấm
chung năm 1957.
Chuyện lạ:
Làm sao tôi nhớ số ký danh? Đơn giản vì trùng hợp với bảng số xe An Hòa của anh
Toàn và số nhà của nhà hộ sinh Kim Anh gần đầu cầu Bạch Hổ. Cả hai đều có số
384.
4. Khờ khạo
nên không biết Đàn Nam giao.
Thầy Nguyễn
Phú Phụng dạy tôi môn Việt văn lớp đệ thất. Thầy dáng tầm thước, hơi gầy, khuôn
mặt thanh, mắt hiền, giọng đồng vang.
Giờ chính tả, Thầy đọc nhanh rõ ràng. Có bài chính tả viết một đoạn trích trong
bài tùy bút “Thương vay” của Xuân Diệu tặng nhà thơ Huy Cận.
“…Con đường
Nam Giao thẳng mà không bằng; tôi khởi sự đi trong ánh sáng, và tôi tới lần
trong bóng tối, tợ hồ bên thành phố Huế là ngày, bên đàn Nam Giao là đêm…..”
Tôi chẳng
biết cái đàn Nam giao là cái chi chi nên lúng túng. Đầu câu có chữ “đường”, vô
lẽ dưới này là “đàng”, mà đàn không “G” thì trong đầu tôi chỉ có “cây đàn”.
Cuối cùng chầm chày may rủi (năm ăn, năm thua) tôi viết đại “ đàng Nam Giao”.
Thầy Phụng vòng lại chữ “đàng” và chấm dấu hỏi, ý chừng Thầy muốn nói:“ Ối chà,
đàn Nam Giao mà trò cũng không biết hay sao ?!”
5. Khờ khạo
nên vào Tòa Đại biểu……mét mạ.
Niên khóa
1958-1959, chương trình học đệ nhất cấp phân ngoại ngữ thành sinh ngữ chính (SN1),
sinh ngữ phụ (SN2), với hệ số khác nhau. Tôi chọn Anh Văn là sinh ngữ chính nên
được trường phân qua học lớp đệ lục 2.
Năm 1959,
tôi học lớp đệ ngũ 2. Tôi ngồi bàn đầu,
bên phải là Lê Thẻo, bên trái là Nguyễn Văn Trợ và Lê Văn Hiếu ngồi ngoài cùng
sát vách. Ngay sau lưng tôi, ngồi bàn thứ 2 là Hồ Đắc Nhẫn. Nhẫn cao to, đẹp
trai, con Ông Hồ Đắc Khương, là Đại biểu chính phủ Miền Bắc Trung nguyên và Cao
nguyên Trung Phần. Mặc dù là con ông lớn nhưng Nhẫn vào lớp bình dị, không kiểu
cách và cũng thể hiện đẳng cấp thứ ba sau ‘nhất quỹ nhì ma” như đa số chúng tôi
hồi đó.
Hồi đó, cả
tuần, ngoài những giờ học buổi sáng, chúng tôi còn học thêm 4 buổi chiều, trừ
chiều thứ năm và thứ bảy.
***
Một buổi
chiều thứ tư, trước kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt lần 1, sau giờ ra chơi, Trợ
ghé vào tai tôi nói nhò:” Ê, thằng Nhẫn rảy mực sau lưng áo mi tề”. “Mô?”. Trợ
kéo vạc sau áo của tôi cho tôi thấy, mấy đường lấm tấm mực xanh trên lưng áo
trắng.
Thời đó
chúng tôi không được phép dùng bút bi viết vào tập vở. Bút máy là Pilot, Parker
hay bút sản xuất ở Chợ lón phải bơm mực. Bình mực pilot hình dẹp hay parker
hình tròn. Về mùa lạnh mực hay bị nghẻn nên học sinh có thói quen rảy cây bút
để mực chảy ra đầu bút mới viết được. Có lẻ Nhẫn vô tình rảy mực trúng phải
lưng áo của tôi mà thôi.
Tôi đứng
dậy xoay người lại : “Mi chơi chi lạ rứa? Rảy mực vô áo tau !”. Lẽ ra, Nhẫn ôn
tồn giải thích thì tôi cũng vui vẻ về nhà ngâm áo để giặt. Đằng này hắn cũng
lên gân: “Chơi rứa đó, mi làm chi tau”. Tiện tay có quyển vở Nhẫn đang để trên
bàn, tôi không kềm được, xòe tay vò quyển vở của hắn nhàu đi. Không kém, Nhẫn
chồm người lên, thò tay vào hộc bàn của tôi, kéo cái cặp đựng sách vở của tôi,
ra sức xé toạt. Tôi chưa kịp phản ứng gì
thì đã nghe cái rẹt, da cặp cứng như vậy mà rách một đường dài đến tận đáy cặp.
Bạn bè
trong lớp lao xao. Đúng lúc đó Thầy vào lớp.
Hai giờ học
cuối trôi qua nặng nề, vì tôi ấm ức thằng bạn chơi ngang như vậy. Cái cặp là
quà tặng ba tôi mua ở hiệu giày Tân Thành, khi tôi thi đậu vào lớp đệ thất .
Khi bãi
trường, mấy đứa bạn thân xúi:” Mi tới nhà hắn mét mạ hắn đi. Chơi mà xé cặp như
ri là mạ hắn đánh cho sưng đít. Mạ hắn nghiêm lắm”.
Tôi đang
tức khí, nghe như vậy bùi tai, lên chiếc xe đạp mini thẳng đường tới Tòa Đại
biểu. Đang phom phom đạp xe đi vô cổng hông Tòa Đại biểu trên đường Lê Lợi, bác
bảo vệ cổng chận xe lại: “Ê, cháu đi mô rứa”. Tôi thật thà đưa cái cặp rách cho
bác coi: “Dạ, con vô mét mạ thằng Nhẫn”. Bác cười, ôn tồn nói với tôi: “Cháu đi ngã ni vô thì bác bị la liền. Cứ làm như bác
không biết, cháu đi qua ngã Viện Đại học Huế, có đường thông qua Tòa Đại biểu.
Cháu dựng xe nơi vách đó, rồi leo lên cầu thang. Sát cầu thang là phòng ở của bà
Đại biểu, Bà dang ở trên phòng”. Bác chỉ
dẫn đường đi rõ ràng như vậy thì chắc là bác cũng muốn tôi vô mét mạ hắn.
Hành lang
lầu một không có bóng ai. Chỉ một mình tôi rón rén bước. Một người đàn bà trung
niên nhẹ nhàng bước ra hỏi : “Cháu tìm ai?”. Tôi đoán chừng đó là bà Đại biểu.
Bà có dáng người thanh cao, nước da trắng, khuôn mặt thanh tú, cử chỉ và giọng
nói rất dịu dàng. Bà mặc bộ đồ lụa màu trằng ngà làm tăng vẽ quý phái. Hai cô
gái dáng vẽ cũng thanh nhã ngồi trên giường, chắc là chi em của Nhẫn. Tôi đưa
cặp sách vở cho Bà coi và nói sơ chuyện xảy ra trong lớp chiều đó. Bà có vẻ áy
náy : “Bậy quá, bác la hoài mà nó không nghe. Chừ chuyện đã lỡ rồi, Bác gởi
tiền để con mua cái cặp mới nghe”. Tôi vội
nói: “Không, con lên đây là để nói cho bác biết thôi, để bác la thằng
Nhẫn, chứ không phải con muốn bắt đền”. “Bác đền tiền mà con không chịu thì
thôi, để bác khâu lại cho con nghen”. “Thôi. để con về nhà khâu cũng được”.
Miệng nói,
tay Bà với lấy hộp kim chỉ để sẳn đầu giường. Không biết trong hộp kim chỉ của
gia đình sao lại có cây kim dài và sợi chỉ lớn khâu da ?! Bà bắt đầu khâu lại
đường rách trên cái cặp.
Hình ảnh một bà Đại biểu, một mệnh phụ phu
nhân, ngồi trên giường tì mẫn từng đường kim mũi chỉ khâu lại cái cặp bị xe
rách toạt cho bạn học của con mình là hình ảnh không ai có thể tưởng tượng nổi
. Từ giờ phút đó, mãi về sau này, tôi luôn ca ngợi hết lời “người mẹ của bạn
tôi”. Việc làm trông có vẽ nhỏ mọn nhưng thể hiện một con người bình dị, một
tấm lòng nhân hậu bao dung, tôi gọi đó là “tâm hồn cao thượng”
Trong khi
ngồi khâu cặp, Bà ân cần hỏi tôi về gia đình, chuyện học hành trong lớp. Bà nói
với 2 người con gái:” Con ra nói với chú
bảo vệ, tìm thằng Nhẫn về đây gấp”. Cô gái đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, chợt
reo lên: “Thằng Nhẫn đừng chơi ngoài công viên kìa”. “Nói chú bảo vệ ra kêu hắn lên đây”.
Ngoài công
viên nhỏ hình tam giác trước Tòa Đại biểu, hàng me bao quanh, đội kèn quân nhạc
đang tập luyện những khúc quân hành. Hèn gì, tôi tới đây đã lâu, bà Đại biểu
khâu gần xong cái cặp rách mà Nhẫn vẫn chưa về tới.
Thấy tôi,
Nhẫn khựng lại một chút. “Con chơi mà ăn hiếp bạn bè trong lớp như ri há?”.”
Hắn vày vở con”.
“Con rảy
mực vô áo bạn, rồi xé cặp của bạn, coi như rứa được không?”. Không đợi cho Nhẫn
bào chữa thêm, bà rút một cây gỗ (tiết diện chừng 3x5 cm) thẳng tay quất vào
mông Nhẫn một phát như trời giáng.
Cây gỗ gảy
ngang, một nửa rơi loảng xoảng trên nền gạch bông. Tôi thất kinh, không ngờ bà
nghiêm khắc dạy con như vậy. Tôi hoảng quá, chạy đến ôm lấy tay bà, sợ bà đánh
tiếp. “Thưa bác, con lên đây để mét cho bác biết chuyện để bác la hắn chứ đừng
đánh hắn, tội nghiệp”.
Trời chiều, nắng tắt, tôi chào mọi người ra về.
Nhẫn hầm hầm không ừ hử !
……………………………..
53, 55 năm
đã trôi qua. Trong kiếp phù sinh, tình xưa đọng lại trong tâm tư con người ở
một góc thẳm nào đó. Nhắc lại chuyện xưa ở đây, tôi muốn nói với những người
bạn cùng trang lứa trung học đệ nhất cấp Quốc Học năm xưa, nay đã đi vào thiên cổ (Lê Văn Khâm, Lê Văn Hiếu,
Lê Thẻo , Nguyễn Đình Huyên, Nguyễn Nam….) rằng tôi luôn tưởng nhớ các bạn và
cũng muốn nói với những bạn cùng lớp đang sống trên mọi miền đất nước hay đang
ở nước ngoài rằng: Tôi luôn yêu mến các bạn.