Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 1, 2013

TIẾNG DẠ CẦM - thơ xướng họa của Thy Lệ Trang và Sông Thu




BÀI XƯỚNG



TIẾNG DẠ CẦM 



Dừng bước chiều nay em ghé thăm

Mong tìm gặp mặt bạn tri âm

Hồ xanh ấp ủ đài sen ngát

Thềm vắng chơi vơi bóng nguyệt thầm

Dẫu biết ngàn năm đời mộng ảo

Vẫn còn muôn thuở khối tình câm

Lầu văn lặng lẽ, trang thơ khép...

Hồn lạnh chờ trông tiếng dạ cầm.

                           THY LỆ TRANG





BÀI HỌA



KHÚC DƯƠNG CẦM



Hai tuần em chẳng ghé qua thăm

Nhà vắng im lìm tiếng vọng âm

Ngơ ngẩn vào ra, lòng quặn thắt

Thẩn thờ trông ngóng, dạ đau thầm

Lời yêu chưa ngỏ đà tha thiết

Nỗi nhớ đong đầy dẫu lặng câm

Đã muộn hay chưa, tình cảm cuối

Thiết tha như một khúc dương cầm

                             SÔNG THU


READ MORE - TIẾNG DẠ CẦM - thơ xướng họa của Thy Lệ Trang và Sông Thu

NGƯỜI ĐÃ NỐI VÒNG TAY LỚN - Phạm Xuân Dũng

Phạm Xuân Dũng


  Trong hành trình gian nan đi đến một Việt Nam toàn vẹn non sông, băng qua muôn vàn chiến chinh, chia ly và đau khổ, ta sẽ thấy hiển hiện lên một chân dung sừng sững của Trịnh Công Sơn, người suốt cả đời mình tràn ngập một khát vọng khôn nguôi nối vòng tay lớn.

    Mẹ Việt Nam mấy mươi năm đau nỗi đau chia cắt, cơ thể Việt nam bị ngàn vạn vết thương trên thịt da Tổ quốc và cả trong lòng mỗi người con Lạc cháu Hồng trước chinh chiến, loạn ly, chia lìa, mất mát. Mẹ Việt chỉ còn biết khát khao trông chờ vào những người con hiếu thảo, biết yêu thương và quý trọng đồng bào, biết vui buồn, lo toan trước vận mệnh giang sơn. Một trong những người con chí hiếu ấy là nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn. Ông ước ao, kêu gọi, và quy tụ lòng người biết sống và hướng đến một viễn cảnh sáng tươi cho dân tộc này: "Rừng núi dang tay nối lại biển xa,ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la, anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát, quay cuồng trời rộng, bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam..." Một cuộc đại đoàn viên, mừng như là hội tụ, đau như là chia ly, lời ca hào sảng vút bay qua bao nỗi xót đau nghèn nghẹn tim người, kêu lên tiếng chim gọi đàn gắng lòng vượt qua những hận thù, định kiến, và cả những nhỏ nhen, nghi kỵ để hợp quần vì một ngày mai tươi sáng của quê hương đất nước."Cờ nối gió, đêm vui nối ngày, giòng máu nối con tim đồng loại và nụ cười nối trên môi..." Nhạc sĩ hân hoan ước mong, đón đợi ngày thống nhất non sông và nhủ rằng hãy sống hết mình, trải lòng yêu thương con người và xứ sở này để cùng hồi sinh trên đổ nát, chia lìa. Đó là một chân lý thấm thía Việt Nam và không chỉ của Việt Nam mà còn mang tính nhân loại. Lúc nào và ở đâu mà con người biết sống cảm thông, vị tha và hợp lực thì mùa xuân sẽ thực sự về với nhân gian. Đó cũng chính là giá trị nhân văn sâu dày, là thông điệp cao cả và minh triết nhất mà nhạc sĩ muốn gởi gắm qua "Nối vòng tay lớn". Ông hát gì vậy, hỡi người hát rong thiên sứ của dân tộc này: "Thành phố nối thôn xa vời vợi, người chết nối linh thiêng vào đời, và nụ cười nở trên môi."  Chúng ta đã đi qua bao ngày, bao tháng, bao năm trong nước mắt cay nồng thuốc súng, trong đợi chờ biết mấy Vọng Phu, trong đau khổ, bị thương và hy vọng lại đâm chồi. Nghệ sĩ đã nói hộ tâm sự của hàng triệu con người trên trái đất, thậm chí còn như là tiếng vọng của tâm linh, của cả những linh hồn đã khuất, tiên tri về một ngày phúc âm được báo tin lành bằng sứ giả Trịnh Công Sơn.Và ngày đó đã đến, dù rằng chúng ta còn nhiều, rất nhiều việc phải làm để niềm vui được cát tường trọn vẹn.

  Bằng sáng tác âm nhạc và bằng chính cuộc đời đẹp đẽ, bình dị của mình, người nghệ sĩ này đã hết lòng ngợi ca hòa bình, tình yêu thương và sự hợp quần. Khi từng bàn tay nắm chặt nhau, nhiều bàn tay nắm chặt nhau, rất nhiều bàn tay nồng ấm trong tay thì chắc chắn sẽ nối được vòng tay lớn.

  Giản dị vậy thôi, giản dị như chính cuộc đời Trịnh Công Sơn. Nhưng để có được điều này, để nối lại lòng nhau, nối lại Việt nam, nối vòng tay lớn, dân tộc ta phải băng qua muôn nỗi đoạn trường.

Phạm Xuân Dũng
dpthachthao@gmail.com

READ MORE - NGƯỜI ĐÃ NỐI VÒNG TAY LỚN - Phạm Xuân Dũng

SUY NGHĨ VỀ MINH TRIẾT GIÁO DỤC - Tuệ Thiền



Tuệ Thiền




* Chưa có triết lí về giá trị nhân sinh thì văn hoá-giáo dục còn khập khiễng.







* Khi triết lí giáo dục chưa minh triết thì tất yếu dẫn đến suy yếu đạo đức nghề nghiệp ở người lao động.





* Nền văn học nào, nền giáo dục nào không giúp được con người nhận ra các bệnh tâm hồn, không giúp con người biết cách tự chữa trị có hiệu quả, thì đó là nền văn học, nền giáo dục còn nhiều yếu kém.







* Nhà giáo yếu kém nhân cách thì  chỉ là công cụ tồi, có hại cho xã  hội rất lớn (vì nhiều người ngây thơ tin tưởng vào họ). Tu sĩ yếu kém nhân cách cũng thế.



  



* Tâm hồn đen tối tạo ra xã hội  đầy tệ nạn. Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, phải có nền giáo dục có khả năng giáo dục tất cả mọi người (không trừ một ai) nhận thức sâu sắc các bệnh tâm hồn, phải làm cuộc cách mạng nội tâm tận đáy cái “tôi”.







* Chưa nghiên cứu nghiêm túc về bản ngã (cái “tôi") thì chưa thể có  đường lối giáo dục đúng đắn.







* Cái “tôi" càng lớn, càng bền chắc, càng xảo quyệt, càng tự tôn, càng bè phái thì sự liêm khiết trí thức càng suy yếu, tư tưởng và hành vi “người bóc lột người”  càng đa dạng .







* Khi cái “tôi” xâm lấn, bóc lột người khác, nó luôn ẩn núp sau những lời hoa mĩ.







* Càng tôn vinh quá độ các gíá trị  bản năng và công cụ (nhất là công cụ  trí óc) thì thế giới càng đảo điên, khốn đốn.







* Vắng mặt năng lực tự tri tự chủ, vắng mặt trí-lương-tri thì trí-công-cụ sẽ trở thành tôi tớ cho trí-chó-sói.







* Mọi tài năng đều có giá trị về mặt công cụ, đều có thể góp phần làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Nhưng cái năng lực quý giá nhất làm cho con người giữ vững giá trị làm người, đó là sự tự tri tự chủ. Thiếu cái năng lực này, các tài năng khác có thể biến con người thành ác quỷ, dã thú, kẻ đê tiện.







* Sự xấu ác là biểu hiện của cái “tôi” (bản ngã) đen tối.







* Cái “tôi” càng lớn thì  tình thương càng nhỏ. Càng chấp thủ cái “tôi”, bệnh tinh thần càng nặng; càng ảnh hưởng có hại cho tha nhân, môi trường bằng hành vi, bằng thái độ, bằng năng lượng tâm ý.







* Nếu giàu tri thức, giàu tài năng nhưng yếu kém lương tâm, lương tri thì chỉ là công cụ; chưa có nhân cách; còn nghèo trí tuệ; chưa trưởng thành toàn diện.







* Bệnh thành tích sinh ra thói dối trá, thói dối trá sinh ra sự thối nát.







* Người chân chính thì đừng sợ bị chê bai, bị phê phán; không có lời chê bai, phê phán thì khó nhận thấy khuyết điểm, sai lầm.







* Nhà tâm lí học không thể hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lí nếu không thiền định tự tri. Nhà giáo dục học sẽ không có tầm nhìn minh triết về giáo dục nếu không hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lí con người. Nhà truyền bá tôn giáo sẽ hạ thấp giá trị tôn giáo nếu thiếu quan tâm vấn đề này.







* Không ai là không có tâm xấu  ác, điều quan trọng là phải nỗ lực cải tạo. Thực hành “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là trách nhiệm của mọi  người.







* Càng hướng đến lí tưởng vô ngã thì cái “tôi” càng giàu thiện ích mĩ.







* Một vấn đề lớn của thời đại chúng ta, là làm thế nào để xây dựng vững chắc cảm hứng sống có đạo đức nhân văn ở con người.







* Đừng coi thường việc chữa trị các bệnh tinh thần, vì nếu thế, văn minh vật chất và sự hưng thịnh kinh tế chỉ như sức lực dồi dào của một gã khùng hung hãn, sẽ rất nguy hiểm cho nhân loại.







* Khi tâm hồn không có lí tưởng thánh thiện và minh triết thì con người rất dễ bị cái xấu lôi cuốn, rất dễ bị tha hóa biến chất.







* Không biết tu tâm thì không thể phát triển nhân cách. Sự tu tâm chân chính là việc làm quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với xã hội, vũ trụ.







* Làm cho con người biết yêu quý nét đẹp tâm hồn mình, đó là nhiệm vụ cao cả của văn hoá, của giáo dục, của tôn giáo.







* Người biết yêu nét đẹp của tâm hồn là người trưởng thành tâm trí, là người có tinh thần dũng cảm, biết sống với hạnh phúc chân chính.







* Tâm ý xấu ác không chỉ có hại cho thế giới, mà còn rất hại cho môi trường năng lượng của mình.







* Có đức mà không có tài, không phải là vô dụng, vì vẫn có tác dụng giáo dục lớn lao đối với xã hội (qua lối sống), vì vẫn mang năng lượng tinh thần (thiện ích) ảnh hưởng tốt đến môi trường sống của cộng đồng (có cả giá trị giáo dục). Có tài mà không có đức, không chỉ có hại cho xã hội về hành vi xấu, mà còn mang năng lượng tâm thức độc hại cho môi trường (và cho bản thân mình). (Vấn đề này Phật giáo gọi là tạo nghiệp tốt xấu; nghiệp cũng mang năng lượng; toàn vũ trụ là những dòng chảy năng lượng).







* Muốn chữa cơn bệnh nặng, không thể chỉ uống vài lần thuốc. Muốn rèn luyện cơ thể, không thể chỉ cần một vài buổi tập. Cũng vậy, muốn cải tạo những tính xấu thì phải có chương trình học tập, rèn luyện lâu bền. Đây là điều mà ngành giáo dục cần quan tâm đúng mức khi bàn đến chất lượng giáo dục, hiệu quả giáo dục (Giúp cho mọi người có cảm hứng tự hoàn thiện nhân cách, đó là vấn đề cực kì quan trọng của giáo dục, của văn hóa).







* Tư tưởng xuất thế góp phần làm trong sạch sự nhập thế.



  



* Tôn giáo có ý nghĩa lớn về  đạo đức, về cảm hứng, nhu cầu cải tạo tâm tính, nếu tôn giáo giàu từ bi bác ái.







* Không xiển dương sự thanh tẩy tâm thức thì tôn giáo, tín ngưỡng chứa đầy mê tín có hại.







* Sự tĩnh tâm tự tri có công năng giữ gìn lương tri, sự tự chủ, sức khoẻ tinh thần, giá trị làm người .







* Từ năng lượng quán tâm (tự tri) xuất sinh tình thương, niềm vui, năng lực sáng tạo có chất lượng cao, xuất sinh nhãn quan minh triết, tác dụng giáo dục.







* Thiền định tự tri thì không thuộc riêng tôn giáo nào hay nền văn hoá giáo dục nào; đó là tài sản cực kì quý giá của nhân loại muôn đời, của vũ trụ.







* Giáo dục “toạ thiền-quán hơi thở-tự tri” là biện pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả giáo dục, thăng hoa tâm trí, cải thiện thế giới.







* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.







* “Tự tri” là quán chiếu tâm thức, là biết rõ tâm trí. “Tỉnh thức” là tâm không vọng tưởng. “Vô ngã” là tâm thái hoà bình, an lạc, yêu thương, thiện ích, tự do tự tại, diệu dụng, bất sinh bất diệt, tịch tri, tịch chiếu.







* Viên mãn “tự tri-tỉnh thức-vô  ngã” rất khó, nhưng chỉ có hướng đến đó mới xây dựng được mẫu số chung cho nhân cách, cho ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có hướng đến đó mới tạo nên tiếng nói chung cho hoà bình, công bằng, nhân ái - thật sự biết tôn trọng nhau giữa người với người.







* Theo nhiều nhà khoa học tự nhiên, năng lượng tâm thức là dạng năng lượng cơ bản, có ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho toàn vũ trụ  (tuỳ tính chất tâm thức) và cho bản thân.







* Theo cách nói của nhiều nhà vật lí  thì vũ trụ là một mạng lưới chằng chịt vật chất và tâm linh tương quan với nhau. Hiểu như vậy, sẽ thấy toàn vũ trụ là một cơ thể bất khả phân.







* Thiền là sống tỉnh thức, thực tế  và minh triết.







* Thiền định tự tri càng cao thì càng minh mẫn hơn, chủ động hơn với cuộc sống, với công việc; năng lượng phiền não được chuyển hoá thành năng lượng an lạc, thiện ích .







* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.







* Nghề nghiệp, công việc chỉ có  tính chất  quan trọng (nhiều  hay ít), chứ không có tính chất cao quý. Sự cao quý thuộc về nhân cách, lương tâm.







* Ở giữa vườn hoa, xác chuột chết vẫn thối; ở giữa đầm bùn lầy, đoá sen vẫn thanh khiết.













* Không có sự liêm khiết trí  thức thì không có năng lực tư duy minh triết về những vấn đề trọng đại của cuộc sống, dù có học vị tiến sĩ triết học hay bất cứ gì.







* Phải biết “ghét” bệnh phong,  nhưng đừng ghét người mang bệnh phong; cũng vậy, phải biết ghét thói xấu nhưng đừng ghét người đang có thói xấu. Sự xấu ác là bệnh tinh thần.







* Khi kẻ ác tấn công ta, ta sử dụng trí tuệ và lòng dũng cảm để đối phó với chúng; làm như thế thì có lợi hơn là sử dụng lòng căm thù.







* Giá trị làm người thể hiện ở hiệu quả thiện ích , ít tác hại (nhất là ở mặt “tiềm ẩn” là năng lượng tâm thần) đối với xã hội, đối với vận hành của vũ trụ.



  



* Truyền bá minh triết Thiền Định Tự Tri là góp phần cải tạo xã hội.







* Thượng Đế (hay Chân-Thiện-Mĩ) không thuộc về  phe này hay nhóm kia, không thuộc về hình tướng nào; mà thuộc về những tâm hồn trong sạch, bình đẳng, bác ái, từ bi. Đó là Tánh Viên Giác.







* Truyền bá minh triết thiền “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là góp phần xây dựng nền văn hoá hoà bình, nền văn hóa tiên tiến.



 

      (Trích trong Đường Về Minh Triết; NXB Văn Nghệ, 2007)



                                   Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)




READ MORE - SUY NGHĨ VỀ MINH TRIẾT GIÁO DỤC - Tuệ Thiền

KHOẢNG LẶNG - thơ Ngưng Thu







Ngưng Thu



Chiều buông nắng ngả bên đồi vắng
Sương nhạt nhòa cây dáng núi xa 
Trăng xưa bắt bóng chưa về kịp  
Thả lời thi cổ dưới hồn hoa.

Nắng vội ngoảnh đi chiều chết lịm
Đêm sâu hun hút tiếng kinh cầu 
Chuông nguyện hồn ai rơi từng giọt
Chạm vào khoảng lặng chốn thâm sâu.

Bước chân dẫm nhẹ lên thềm cũ
Tưởng mùa lá rụng hóa rêu xanh 
Mộng xưa vàng vỏ. Quên … im tiếng 
Bỏ lại đồi hoang trái tim lành.

Ngưng Thu
READ MORE - KHOẢNG LẶNG - thơ Ngưng Thu