Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, June 24, 2021

NGỤ NGÔN AESOP TẬP 1 - Đinh Hoa Lư


 Lời tựa của người dịch 

Vài nét về nguồn gốc của 

Truyện Ngụ Ngôn Aesop

 

Thưa bạn đọc, 

Truyện ngụ ngôn AESOP là văn chương truyền khẩu của người Sumer tiền thân của Hy lạp khoảng 1500 năm trước Dương Lịch. 

Ngụ ngôn Aesop được cho là do Aesop, một nhà văn Hy Lạp cổ đại thu thập và edit lại. Aesop là tác giả của rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới và đã được truyền khẩu và được sưu tập qua nhiều thế kỷ và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau Nó có những nét tương đương với ngụ ngôn Âu Châu là lấy con vật làm biểu tượng trong cốt truyện kể để mang theo lời khuyên về đạo đức trong cuộc sống. 

Nhiều thế kỷ sau Aritotle trong Cuốn Biện Luận cho rằng Ngụ Ngôn thiếu bằng chứng chắc chắn để chứng minh cho quan điểm con người nên ngụ ngôn không thể dùng để tranh luận (argumentation) hay biện luận (reasoning) 

Nhưng ngụ ngôn Hy Lạp cổ đại lại hữu ích trong phương pháp dạy đạo đức cho con trẻ do nó bàng bạc một "bầu trời ấu thơ". Từ đó giúp cho các bậc phụ huynh dễ dạy cho con trẻ. 

Thêm vào đó, khi chúng ta suy xét kỹ trong  nội dung của Ngụ Ngôn của Aesop tuy ứng dụng hình tượng con vật để ám dụ nhiều bài học đạo đức cho con người, ắt hẳn không hoàn toàn là lối 'kể chuyện cho con nít" lúc đi ngủ.  Những mẫu chuyện mới nghe qua thì hời hợt tưởng chừng như cho 'con trẻ' do Aesop dùng biểu tượng hay nói khác đi là  'lớp vỏ thú vật'  nhưng trong thâm sâu, Ngụ Ngôn này vẫn là phương châm  áp dụng trong cuộc sống đạo đức cho tất cả mọi người nếu ta không muốn nói là ai ai cũng thích hợp.

 

Tại sao chúng ta nói vậy, thưa độc giả? 

 Ngụ ngôn Aesop sẵn sàng nêu ra những bài học về đạo đức luân lý bàng bạc trong nhiều mẫu chuyện thật ngắn nhưng hàm lượng răn dạy con người thật phong phú lại dễ hiểu cùng rất năng gặp trong sinh hoạt đời thường. 

Những thói toan tính, lọc lừa, kiêu căng, tự phụ, thủ đoạn nham hiểm, bần tiện bon chen, tham lam keo kiệt ...rất nhiều cái xấu của tâm lý người đời đều được lồng trong các cốt truyện bình dị mộc mạc mà diễn tiến phần nhiều là con vật đóng vai. 

Dỉ nhiên ngụ ngôn là Hư cấu, tưởng  tượng. 

Có một điều đáng quý, những bài học đạo đức bao gồm tính nhân bản trong Ngụ Ngôn Asesop, ta có thể cho nó bất hũ. Một khi còn xã hội loài người thì chúng ta vẫn thấy các tiêu đề đạo đức trong bộ truyện này vẫn thể hiện rõ ràng qua những tâm lí người đời của bất kỳ thời đại nào, chẳng hề thay đổi.

 

Tóm lại, luận theo thói đời xưa và nay người dịch cho rằng truyện Ngụ Ngôn Cổ Hy Lạp này rất tương hợp với tâm lý con người; là những bài học gần gũi cho mọi người  bình thường đọc một cách thoải mái, dễ thẩm thấu và cuối hết là để sống hạnh phúc và hoà bình trong cộng đồng xã hôi nhân sinh. 

Trong chừng mực nào đó, người dịch cố gắng dùng từ ngữ và văn phong trước thời điểm 1975. Trang này được đăng dưới dạng song ngữ Việt và Anh để độc giả tiện bề đối chiếu.

 

Rất mong bạn đọc chiếu cố. 

Trân trọng cám ơn

 

San Jose USA edition

Mùa Covid -19 20/10/2020

Người Dịch Đinh Hoa Lư 

nguồn:  http://read.gov/aesop/001.html

 

                           *** 

 

 

THẰNG BÉ CHĂN CỪU DỐI TRÁ 

HAY ƯA DỌA LÀNG CÓ SÓI

 

Thằng bé được chủ sai đi chăn cừu tại khu rừng gần làng. Chủ dặn nếu có sói thì chạy về làng la lên để dân làng chạy ra cứu cho. 

 Giữ cừu hoài cũng buồn, nó  chẳng có việc gì chơi cho khuây bèn nghĩ ra một cách. 

Một bữa nó bỗng nhiên chạy về làng la toáng lên: 

-Sói Sói!!!

Thế là dân làng bỏ cuốc rìu chạy ra cứu? ra tới nơi chẳng thấy sói đâu chỉ thấy thằng bé cười nắc nẻ ra chiều khoái trá. 

Bữa thứ hai dân làng đang làm việc nó cũng chạy về làm vẻ lo sợ la toáng lên: 

-Sói sói?! 

Dân làng lại một phen bị nó lừa nữa! 

Đến một ngày nọ, trời chạng vạng tối thằng bé sắp lùa cừu về thì một con sói hung tợn xồ bắt cừu. Lần này thằng bé hoảng sợ thật tình chạy về làng la rất lớn: 

-Sói sói ăn thịt cừu làng ơi?! 

Dân làng ai nấy lặng thinh chẳng thèm để ý lời kêu cứu của thằng bé này nữa. Và con cừu của nó bị con sói vồ xong mang vào rừng ăn thịt mất?! 

*Không ai còn tin những kẻ hay nói dối ngay cả khi họ nói thật.


The Shepherd Boy & the Wolf 

A Shepherd Boy tended his master's Sheep near a dark forest not far from the village. Soon he found life in the pasture very dull. All he could do to amuse himself was to talk to his dog or play on his shepherd's pipe. One day as he sat watching the Sheep and the quiet forest, and thinking what he would do should he see a Wolf, he thought of a plan to amuse himself. 

His Master had told him to call for help should a Wolf attack the flock, and the Villagers would drive it away. So now, though he had not seen anything that even looked like a Wolf, he ran toward the village shouting at the top of his voice, "Wolf! Wolf!"As he expected, the Villagers who heard the cry dropped their work and ran in great excitement to the pasture. But when they got there they found the Boy doubled up with laughter at the trick he had played on them. 

A few days later the Shepherd Boy again shouted, "Wolf! Wolf!" Again the Villagers ran to help him, only to be laughed at again. 

Then one evening as the sun was setting behind the forest and the shadows were creeping out over the pasture, a Wolf really did spring from the underbrush and fall upon the Sheep.In terror the Boy ran toward the village shouting "Wolf! Wolf!" But though the Villagers heard the cry, they did not run to help him as they had before. "He cannot fool us again," they said. 

The Wolf killed a great many of the Boy's sheep and then slipped away into the forest.

*Liars are not believed even when they speak the truth.

 


READ MORE - NGỤ NGÔN AESOP TẬP 1 - Đinh Hoa Lư

ĂN CHAY - ĂN LẠT? - Lê Quang Thái

 


ĂN CHAY - ĂN LẠT?

Lê Quang Thái

 

Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế tiến dần lũy tiến từ thủ phủ lên phủ chúa và kinh đô vừa là thiền kinh đã 266 năm so với bề dày hơn 700 năm. Ngày nay khách lạ, khách xa đến hành hương hoặc tham quan chùa Huế đều có mong muốn được đi thuyền rồng, nghe ca Huế:

Khách viếng Cố đô, có lăng chùa thắng tích;

Sản vật ngon lành, người thanh lịch mến yêu.

(Thanh Tùng)

 

Sản vật ngon lành phải kể đến cây trái, hoa quả như quýt ngọt Hương Cần, dâu xứ Truồi, dừa Mỹ Lợi, sen hồ Tịnh, Văn Xá, Phong Điền, gạo de An Cựu, sò huyết Lăng Cô… Nhiều thức ăn gốc động vật, lắm món ăn được chế biến từ thực vật, rau quả. Vào thời đổi mới, nhiều loại thức ăn như bình dân như rau muống , rau má, rau dền, bông bí, trái vả…lên ngôi ở các  nhà hàng, khách sạn nhiều sao. Thị hiếu của du khách kéo theo người bản địa thích ăn món dân dã, nhẹ nhàng tiêu hóa mà lại bổ dưỡng. Chán chường thịt cá, chủ và khách đều có khuynh hướng ăn rau quả, ăn lạt, ăn chay cho dù là ngày thường không phải là ngày sóc, ngày vọng, ngày lễ và ngày vía Phật. Phật tử thích ăn chay nhiều ngày, chưa là Phật tử cũng thích ăn lạt, ăn chay cho nhẹ nhàng, rỗng lòng và thư thái tâm hồn. Quán chay, nhà hàng chay, khách sạn có thương hiệu đều có một đội chuyên trách chế biến thức ăn chay, có khi du khách đòi ăn “cỗ lợt”.

 

Ngày 10 tháng 4 âm lịch vừa qua, bản thân chúng tôi đi dự lễ 50 ngày của một vị Thầy giáo cũ thành danh, thành phận vượt biên giới quốc gia vì đã đỗ đạt cao, dạy học ở các đại học nổi tiếng về kỹ thuật xây dựng cầu đường. Đi ăn một bữa giỗ học thêm biết thêm nhiều chuyện hay, chuyện lạ, chuyện mới.

 

Phần lớn khách dự đều thích món vã kho chay, mít ram chay, bánh bột lọc chay và bánh khoái chay, cơm hến chay, bánh canh chay…

 

Tôi ngồi cạnh nông dân chay người xã Quảng Thái. Trong xã giao, giao lưu với người chưa từng quen biết, anh ta tự giới thiệu mình là Phật tử thích ăn lạt, chứ không mấy thích ăn chay. Lạ quá, lần đầu tiên trong đời tôi nghe và biết ăn chay khác với ăn lạt. Hay do kiêng cử người Huế còn gọi ăn lợt, ăn “cỗ lợt”.

 

“Chay” với “lợt” hoặc “lạt” sao lại khác nhau vừa theo “ngôn ngữ” vừa theo “bản chất”.  Tôi học được một bài học quý từ người nông dân ở quê lên dinh tham dự lễ cúng 50 ngày của người thân trong gia tộc.

 

Theo anh ta, nhỏ tuổi hơn tôi chừng năm năm sinh sau. Anh nói: Vì kiêng kỵ húy người Huế gọi “cỗ lạt” là “cỗ lợt”. “Lạt” (không viết hoa) trái nghĩa với mặn, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói rõ:

 

“Thế gian biến cải vũng nên đồi

Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi”

 

Kho cá để ăn, bỏ ít muối và nước mắm cho ăn vào, cái lưỡi cảnh báo cho người ăn đòi hỏi phải tẩm thêm nước mắm cho vừa khẩu vị. Thế thì, “lạt” tức là vì thiếu mắm, thiếu muối. Ăn mặn quá thì phải bỏ đường, vắt chanh vào món ăn mặn (gốc thịt cá) cho nó làm giảm nồng độ mặn đi.

 

Nếu một người chỉ ăn cơm không thì khó ăn lắm, vì thiếu muối. Ăn cơm muối với ớt là ăn lạt, lạt mà mặn vì phải dùng muối. Trong đời có “chi ngon bằng muối, chi khôn hơn tiền”.

 

Thành thử ra ý nghĩa, nội hàm của “lạt” (lợt), “mặn” có khác nhau. Tùy theo văn cảnh, tùy theo tình huống mà phân biệt “mặn”/ “lạt”. Có thể là “mặn” đối với khẩu vị của người này, mà “lạt” đối với khẩu vị của người khác tuy rằng thức ăn lấy gốc từ rau quả, từ thực vật…

 

Người xưa gọi “ăn lạt” (ăn lợt) chỉ vì không có món ăn nào (gốc thực vật hoặc động vật) mà đều không “sát sinh” trong quá trình chế biến, nấu nướng. Nấu cơm có dùng nước để vo gạo không? Lẽ tất nhiên phải dùng nước. Ai đảm bảo trong nước lọc, nước dùng để nấu cơm không có sinh linh nào? Đức Phật dạy trong nước có nhiều sinh linh mà mắt trần chúng ta không thấy.

 

Vì vậy mà người ta gọi “ăn lợt”, “cỗ lợt”, “cháo lợt”. “Lợt” mà “mặn”! anh thấy không?

 

Còn thuật “ăn chay” có nội hàm khó lòng được chấp nhận như ý nghĩa, bản chất của thuật ngữ “ăn lợt”.

 

Không có cái gì là tuyệt đối, làm sao bảo “chỉ là đồ ăn chay thuần túy” mà không vương vào “chất mặn” toát ra từ một loài, nhiều loài nào thật vi tế mà mắt trần ta không nhìn thấy?

 

Vì thế cho nên nhà chùa dùng thuật ngữ “ăn lạt”  (lợt), “cỗ lạt” (lợt) thay vì gọi “ăn chay”, “cỗ chay”. Có một loài cây gọi là “cây chay”, người ăn trầu lấy tí võ cây ấy để ăn ghém với trầu và vôi võ cho dão dai và ý vị.

 

Lên chùa ăn “cỗ lợt” thì đó một cách gọi chuẩn mực chuẩn xác hơn “ăn chay”, ăn “cỗ chay”.

 

Phân tích ngôn từ theo lối “chẻ sợi tóc làm tư”, đó cũng là môt tìm hiểu hay hay. Sa vào phân tích một cách quyết liệt thì sẽ rơi vào ảo tưởng, ảo vọng và cực đoan.

 

Ngôn ngữ chỉ có tính cách quy ước, tương đối, có tính cách mặc ước mà thôi. Chúng tôi lên chuyện để cầu thế vấn, Nhàn đàm sẽ đưa chúng ta tìm ra lời giải mã. Tùy duyên, phương tiện.

 

Huế, mùa sen nở, PL 2554.

L.Q.T

 

Nguồn: lieuquanhue.vn, 12/06/2010.

 

 


READ MORE - ĂN CHAY - ĂN LẠT? - Lê Quang Thái

NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU: NHÀ GIÁO NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH - Lệ Ái Mai bình thơ Hoàng Chẩm

 

Phan Phụng Thạch (1942-1973)

NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU!

Thầy giáo nhà thơ Phan Phụng Thạch

 

CÒN TRONG KÍ ỨC

Hoàng Chẩm 

 

Tưởng niệm Thầy tôi

Nhà Giáo nhà thơ PHAN PHỤNG THẠCH

(Trích Di Cảo Thơ và Ký Ức- NXB Hội Nhà Văn 2016.)

 

Cùng thở với đất

Cùng vui hương cỏ quê nhà

Thầy tôi hóa thân thành cát bụi

Bước chân đã xa...

 

Đường bay thấp thoáng bóng Thầy

Bốn mươi năm lẻ còn đây dấu tình

Bên người ngọn cỏ lung linh

Khói sương phủ kín vô minh cõi về

 

Thầy vẫn còn đó

Nụ cười hiền... và đôi mắt trong veo

Thầy bất tận giữa trang đời những học trò một thời tuổi dại

 

Vẫn luân lưu

Dòng lưu bút hồng tháng năm mùa hạ

Như mùa Xuân nuôi lớn 

Những đứa học trò hình hài lớn lên trong cơn bão 

Từ mùa chia tay mang mùi thuốc súng

Quê hương nạn kiếp cuộc lưu đày

Thầy trò theo dòng đời ngược xuôi thân phận

Thầy vẫn còn đó mênh mang một tình yêu

 

Thương là thương

Thương các em như một bầy chim sẻ

Buồn vui đau giữa thân phận trót mang

Đôi mắt Thầy buồn trong tiếng thơ 

Ngóng đợi mùa xuân... về trên quê mẹ

 

Thầy ơi! 

Tiếc mà thương con đường áo lụa....

Thương mà xót đau xa mãi một tâm tình

Thầy tôi ngọn nến mãi lung linh

Như bóng cả giữa mù sương năm tháng

Nghẹn lòng nhớ

Nghẹn lòng thương...

 

Còn đâu nữa!!!

Bóng người Thầy

Đất quê ôm trọn

Vơi đầy tiếng thơ.

Viết tại Quảng Trị

 

Một tấm lòng người ở xa hơn nửa vòng trái đất chưa từng biết tới ngôi trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị đã cảm nhận được bằng bài viết như đang đồng hành với những người học trò cũ chúng tôi. Rất cảm ơn.


 Lệ Ái Mai

 

THẦY -TÔI VẦN THƠ LƯU LẠC

 

 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn  viết về đời người  vô thường "

"Hạt bụi nào Hóa kiếp thân tôi 

Để một mai vươn hình hài lớn dậy 

Ôi cát bụi tuyệt vời 

Mặt Trời soi một kiếp rong chơi 

Trích "Cát Bụi"

 

   Nhà thơ Hoàng Chẩm của chúng ta  đã viết để tưởng niệm về sự ra đi của người thầy kính mến trong bài thơ CÒN TRONG KÝ ỨC.

 Thi nhân  lặng người  bàng hoàng  thương xót  thấu  hiểu  phải chấp nhận sự thật , Thầy đã ra đi theo lẽ vô thường của tạo hóa, nhưng bởi thầy luôn quá  gần gũi giản dị với lòng thơm thảo mến yêu  học trò và keo sơn gắn bó yêu thương mảnh đất quê hương nên  tâm hồn  thầy  hơi thở của thầy còn ấm mãi trong lòng  thi nhân cùng những học trò nhỏ năm nào, trong vòng tay những người dân trên mảnh đất quê hương Quảng Trị. 

 

"Cùng thở với đất 

Cùng vui hương cỏ quê nhà

Thầy tôi hóa thân thành cát bụi 

Bước chân đã xa"

 

Thầy như chưa từng ra đi, tuy đã hơn bốn mươi  năm học trò của thầy vẫn hội tụ về đây để tưởng nhớ ôn lại những tháng năm được thầy dạy dỗ che chở. Tình thầy còn ấm mãi  vang vọng mãi với sức hồi sinh, niềm vui bình dị trên mọi nẻo đường thân quen.

 

"Đường bay thấp thoáng bóng thầy

Bốn mươi năm lẻ còn đây dấu tình 

Bên người ngọn cỏ lung linh

Khói sương phủ kín  vô minh cõi về"

 

Thầy luôn hòa mình tặng trao trìu mến yêu thương những tinh khôi ngày ấy, đã khắc cốt ghi tâm vào tâm hồn trẻ thơ gắn kết họ như khói hòa trong sương bởi thế với trò nhỏ của thầy

"Thầy vẫn còn đó 

Nụ cười hiền... và đôi mắt trong veo

Thầy bất tận giữa trang đời những học trò một thời tuổi dại "

 Lòng nhân hậu của thầy luôn hiển hiện trên khóe mắt suối  nguồn trong veo tình của bình đẳng chan hòa nhìn vào học sinh nào cũng  một trong ngần như trang giấy trắng tinh chưa từng vướng bụi đời . Chính niềm tin ấy thầy đã chắp cánh cho các em cái tuổi ‘’dại khờ"được mơ ước với sức mãnh liệt hào khí tự tin vào môt chân trời rộng mở đến với tương lai. Tưởng đâu sẽ có một mùa phượng hồng đỏ thắm sân trường trào dâng khát vọng ngày mai xán lạn trong đáy mắt tuổi thơ khi thầy trò chia tay, nhưng thật  đau buồn bất hạnh, thay vào đó là  cuộc chia ly giữa vô phương vô định!

 

"Vẫn luân lưu dòng lưu bút hồng tháng năm mùa hạ

Như mùa xuân nuôi lớn 

Những đứa học trò hình hài lớn lên trong cơn bão ."

 

Những dòng lưu bút những vần thơ như suối nước trong thuần khiết  ngọt ngào của thầy đã tưới mát đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ lớn lên và vượt qua tàn khốc đau thương  của thời hoảng loạn tang tóc bao phủ 

 

"Từ mùa chia tay mang mùi thuốc súng 

Quê hương nạn kiếp cuộc lưu đày

Thầy trò theo dòng đời ngược xuôi thân phận 

Thầy vẫn còn đó mênh  mang một  tình yêu "

 

   Nỗi buồn do chiến tranh hai miền đất nước. Đặc biệt quê hương Quảng Trị ngày ấy trường học đã bị san bằng nhà cửa bị hủy hoại bom đạn tàn phá, Quảng Trị đau thương tang tóc, thầy trò ly tán, người dân tha phương, chỉ còn biết phải rời bỏ quê hương để cứu mạng sống mong manh.Trong dòng người ly tán ấy là bao số phận học trò của thầy cũng bị quằn xéo. Nỗi đau quặn thắt của người thầy nhìn lũ trò còn ngây thơ khờ dại đã mất đi mái trường  mất đi quê hương như bầy chim non mất đi tổ ấm bình yên.

"Thương là thương 

Thương các em như một bày chim sẻ 

Buồn vui đau giữa thân phận trót mang

Đôi mắt Thầy buồn trong tiếng thơ 

Ngóng đợi mùa xuân... về trên quê mẹ"

 

THƠ PHAN  PHỤNG THẠCH

"Lòng ta đó như trời thương biển nhớ 

Yêu vô cùng những dáng bước chân chim "

"Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống 

Vun xới tình yêu trên đất của lòng 

Cây sẽ xanh và đâm trồi hy vọng 

Các em cùng ta làm lớn quê hương "

 

Dù là trong chiến tranh loạn lạc tất cả còn mờ mịt vô hướng vô định nhưng  thầy vẫn canh cánh một  lòng  đến số  phận  mong manh những mảnh đời  thơ dại, như cánh chim lưu lạc cùng chơi vơi thầy hướng về trò, trò cũng như có giác quan thứ sáu ấp ủ tình thầy làm điểm tựa  để nhen nhóm thắp sáng tia hy vọng trong biển sương mờ... Họ như những nhân vật đáng thương con tim hoảng loạn ngược xuôi  giữa làn bom đạn lưu lạc trong  thước phim Quảng Trị nhưng vẫn vô thức họ cùng nắm bắt  được  nhau trên tần sóng vô hình của tình thầy nghĩa trò. 

 

"Thầy ơi 

Tiếc mà thương  con đường áo lụa 

Thương mà xót đau xa mãi một tâm tình 

Thầy tôi  ngọn nến mãi lung linh 

Như bóng cả giữa mù sương năm tháng "

 

Lời Thầy ân cần sẽ mãi mãi còn vang vọng trong tâm não những học trò. Thầy như cây đại thụ xanh tỏa bóng mát cho tâm hồn.Tất cả  đã  khắc cốt  ghi tâm làm nền móng vững chắc  đế bước vào đời như cội rễ đã ăn sâu vào lòng đất không bão giông nào lay chuyển được chỉ chờ xuân sang sinh chồi xanh, nảy lộc biếc, cành lá xum xuê, tỏa ngát hương dâng đời .

    Bài thơ thầm lặng khép lại cũng với  những vần thơ câu từ mộc mạc chân chất nhất từ đáy lòng sâu thẳm một nghẹn ngào thương tiếc đầy ắp yêu thương.

 

"Còn đâu nữa !!!

Bóng người thầy 

Đất quê ôm trọn 

Vơi đầy tiếng thơ "

 

  Thi nhân khẳng đình lại như một chân lý "Đất Quê ôm trọn" linh hồn Thầy không chỉ ngời sáng mãi mãi trong lòng học trò trên miền đất quê hương Quảng Trị nơi đã  gieo duyên hôi ngộ gắn kết mà thầy chính là tấm gương của người thầy chân chính nhất mực đế thế hệ sau những kỹ sư tâm hồn những con đò tri thức ngày nay và trong tương lai noi theo.

Suối nguồn thơ một khúc ru  êm dịu sâu lắng cảm động .

  Đau nỗi đau đến nghẹn lòng, hồn thơ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một dáng thơ HOÀNG CHẨM gần gũi với thiên nhiên mênh mang ,yêu thương thanh tao ,lãng mạn, sóng sánh hòa quyện lắng đọng trong không gian thi nhân nâng niu  từng cánh hoa dại đến cỏ cây ,từ đó  tìm ra chân lý niềm tin yêu hạnh phúc giản đơn cho đời  .Thật ngưỡng mộ .Cảm ơn tác giả  với thi phẩm đẫm tình của một học trò hiếu thảo thành tâm .

Nơi chín suối Thầy giáo trẻ PHAN PHỤNG THẠCH có thể mỉm cười mãn nguyện hài lòng với cậu học trò nhỏ khôi ngô tuấn tú Hoàng Chẩm năm nào!

 

Berlin Germany 

17/72020 

LỆ ÁI MAI

Bài gởi từ: <hoangvancham1208@gmail.com>

READ MORE - NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU: NHÀ GIÁO NHÀ THƠ PHAN PHỤNG THẠCH - Lệ Ái Mai bình thơ Hoàng Chẩm

MƯA BUỒN | KIẾP NGHÈO | ƯỚC AO | ĐỐI DIỆN CĂN PHÒNG - Thơ Trần Thanh Xem

 


MƯA BUỒN

 

Trời mưa cho ướt giàn bầu

Hoa tươi rụng cuống nhầu nhầu lá rơi

 

Mẹ hiền mắt lệ chảy dài

Mái đầu tóc rối bời bời, lòng đau

 

Cha ơi nhà vắng, đi đâu

Sông quê bồi lở bấy lâu đợi chờ

 

Nắng xuyên mưa lọt vào nhà

Lấy ai khâu vá, nước trà lạnh tanh

 

Chiều chiều con đứng một mình

Trồng xa vời vợi ngóng tin cha về

 

Mưa dầm hạt nhỏ li ti

Lòng con muối xát, mắt mi u hoài

 

Thế nào tia nắng cũng rơi

Cơm nghèo canh cá tràn hơi ấm nồng.



KIẾP NGHÈO

 

Em đi chẳng quản đường dài

Cầm tờ vé số cầu may cho người

 

Gặp ai cũng chúm chím cười

Mời mua vài vé đôi lời dễ nghe

 

Này đài Đồng Tháp, Bến Tre

Ba mươi số đẹp,  ai mê mua nhờ

 

Vội vàng ngày nắng ngày mưa

Chân trần non trẻ em qua chốn nào

 

Kiếm tiền lót dạ cơ cầu

Dở dang chữ nghĩa, kiếp nghèo theo sau

 

Chiều nay xổ số lên mau

Em mong nhân thế nhận bao tiền đầy.

 

ƯỚC AO

 

Ta nhìn đời bằng hai mảnh ve chai

Vạn vật trong trong

Mắt giương tròn phóng túng

Hạt bụi vô tâm phà vào đáy mắt

Chiếc kính hồn nhiên nhòa nhạt

Vết bẩn bám đầy.

 

Ta nhìn đời bằng hai mảnh ve chai

Ngày ngày lặng đi

Tuổi lớn dần theo màu mắt

Đường chông chênh, mắt xanh ngả sang héo úa

Thiếu sợi tinh anh, mọi thứ hóa xa mù.

 

Ta không nhìn đời bằng hai mảnh ve chai

Bốn phương lờ mờ

Tựa màn sương trùng trùng che phủ

Ao ước nhỏ nhoi, ngắm trời sâu thăm thẳm 

Có ánh hào quang nào chiếu lối ta qua.

 

ĐỐI DIỆN CĂN PHÒNG

 

Chiều đi rất nhẹ qua phòng

Tháng ba nắng trổ bềnh bồng mây trôi

Ta ngồi bốn bức tường vôi

Tâm hồn thanh tĩnh, đơn côi dậy tràn.

 

Ngoài kía nhịp sống lăn tăn

Nhặt khoan cười nói theo làn gió đưa

Hoa bay lất phất cuối mùa

Với tay ai nhặt mộng mơ tìm về.

 

Cúi đầu khép nép chiều đi

Gian phòng nho nhỏ vàng hoe đâm chồi

Ta ngồi dai dẳng, việc lơi

Tay gầy lau nhẹ mồ hôi đầm đìa.

 

Trần Thanh Xem

Giáo viên trường THCS thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.

<tranthanhxem83@gmail.com>

READ MORE - MƯA BUỒN | KIẾP NGHÈO | ƯỚC AO | ĐỐI DIỆN CĂN PHÒNG - Thơ Trần Thanh Xem

VỀ VỚI ĐẤT MẸ MIỀN TRUNG - Thơ Quang Vũ



Về với đất mẹ Miền Trung

Quang Vũ 



Tin Rào Trăng xé lòng người dân Việt

Giữa mùa mưa đồng đội xếp hàng ngang

Nhận mệnh lệnh các anh lại lên đàng(*)

Vì tuyến đầu luôn sẵn sàng dốc sức.


Mười ba chiến sĩ kiên trung, tài đức

Vượt rừng sâu giữa muôn ngàn gian khổ

Dẫu hiểm nguy vẫn cùng nhau chống đỡ

Vững lòng tin chẳng run sợ trước thiên tai.


Vươn tới Rào Trăng

gánh nặng đè lên vai

từng chiến sĩ

chẳng ai bảo ai mà chân cất bước

trong mưa tuôn dòng nước lũ cuộn trào.


Lán tạm bên đường các anh nào ngơi nghỉ

Ăn vội bát mỳ để kịp chuyến hành quân

Thủy điện Rào Trăng các anh đã rất gần

Nên bước chân chẳng thể lần níu lại.


Nhiệm vụ khó khăn các anh luôn từng trải

Nhưng lần này sẽ chẳng phải giản đơn

Bởi ngoài kia mưa gió rít từng cơn

Bao hiểm nguy vẫn còn đang rình rập.


Ngọn núi cao đất đá bỗng đổ sập

Cuồn cuộn chảy vùi lấp chỗ các anh

Mười ba người nằm xuống chốn rừng xanh

Xung quanh mình chỉ bùn non nhão nhoẹt.


Các anh đi rồi để người thân gào thét

Lẳng lặng kiếm tìm mà chẳng biết nơi đâu

Bới từng tất đất đồng đội gọi tên nhau

Các anh ở đâu? Hãy trả lời dùm nhé!


Máy lên đây rồi xin xúc vào thật nhẹ

Dưới lớp đất sâu các anh vẫn đang nằm

Đừng mạnh quá làm bị thương xác thịt

Để các anh về thi thể vẫn vẹn nguyên.


Đứng trước anh linh thương nhớ chẳng thể quên

Thắp nén nhang thơm gọi tên từng đồng đội

Kính cẩn nghiêng mình xếp thành hàng thẳng lối

Tiễn các anh về với đất mẹ Miền Trung.


(*) đàng là tiếng địa phương còn gọi là đường


Nguyễn Thế Kỹ

Ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông,

huyện Cần Giờ, Tp Hồ Chí Minh.

<manhky111989@gmail.com>



READ MORE - VỀ VỚI ĐẤT MẸ MIỀN TRUNG - Thơ Quang Vũ