LÀM TỪ THIỆN
Tùy bút của Hoàng Đằng
Thỉnh thoảng, tôi được bạn bè rủ đi theo trong các chuyến làm từ thiện của họ. Chứng kiến nụ cười, ánh mắt trên khuôn mặt của những thân hình héo hon, tiều tụy, tôi nghĩ rằng làm từ thiện rất có ích, xoa dịu phần nào nỗi khổ của những người bất hạnh.
Ngày 06/6/2016, tôi lại xem trên TV chương trình “60 phút mở” với đề tài: “Làm từ thiện là vì ai?”; câu hỏi cắc cớ khiến tôi ngạc nhiên và dư luận xôn xao.
Tôi nảy ra ý định viết đôi dòng hiểu biết của mình về từ thiện.
Từ thiện là gì? Từ là thương yêu - thương yêu một cách dịu dàng, hết mực như tình thương yêu mà mẹ dành cho con (từ mẫu); thiện là tốt, lành; từ thiện là giúp đỡ người kém may mắn vì mục đích tốt lành do lòng thương yêu.
Sự giúp đỡ không chỉ bằng tiền bạc, của cải mà có thể bằng việc làm, lời nói, sự tưởng nghĩ. Ở đây, tôi chỉ xin bàn về giúp đỡ vật chất: tiền, của.
Tạo hóa sinh ra muôn loài, loài nào cũng cần tồn tại, kể cả loài người. Con người lại được Tạo Hóa phú cho một trí óc minh mẫn để phán xét việc xảy ra chung quanh, một tâm hồn nhạy bén để đồng cảm với nỗi khổ của muôn loài và đồng loại.
Trên đời, hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người không như nhau; có người giàu, kẻ nghèo, có người may, kẻ rủi; hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người bị chi phối bởi cái số, cái mạng do Trời (Tạo Hóa) định đoat:
“Ngẫm hay muôn sự tại Trời,
“Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
(Truyện Kiều của Nguyễn Du)
“Ngẫm hay muôn sự tại Trời,
“Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
(Truyện Kiều của Nguyễn Du)
Người nhiều của cải hay không có của cải phần ít do người ấy có tài năng hay không có tài năng, lo làm hay không lo làm, còn phần lớn do Trời giúp hay không giúp, tạo cơ hội thuận lợi; “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Trời đưa của cải vào tay người nào, Trời xem xét người ấy sử dụng như thế nào để có phương án thưởng, phạt; hình thức thưởng, phạt của Trời là kéo dài hay chấm dứt sự giàu có; thành thử người “biết nghĩ”, “có lòng” phải chia xẻ của cải ấy với người khốn khổ, Tây phương có câu: “Đem của tiền cho người nghèo là cho Trời mượn” (Qui donne aux pauvres prête à Dieu); “cho Trời mượn” hàm nghĩa mong Trời trả. Từ đó, suy ra làm từ thiện là vì mình.
Dân gian lại quan niệm: “Sông có khúc, người có lúc”, “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”; gặp thời – may mắn, mình có của, tiền nhiều thì phải chia xẻ bớt với người bất hạnh. Giữ lấy, chu kỳ may mắn đi qua, tiền của cũng đi qua. Hơn nữa, cuộc sống hữu hạn; khi cuộc sống chấm dứt, không ai đem theo tiền, của được; vậy thì chia xẻ tiền, của ấy đi để cứu vớt những mảnh đời thua thiệt, giúp họ cùng tồn tại – không thể sống trên của, tiền mà không có đồng loại để nương tựa. Từ đó, suy ra làm từ thiện là vì mình.
Tuy nhiên, không phải ai giàu có cũng có lòng nghĩ đến làm từ thiện. Có hạng người có tiền của cứ giữ bo bo, phục vụ cho cá nhân mình, gia đình mình; có hạng người muốn tiền, của đẻ thêm tiền của một cách nhãn tiền; người nghèo không phải đối tượng để họ chia xớt tiền của mà họ đem tiền của đi hối lộ kẻ có quyền thế; kẻ quyền thế mới chính là đối tượng để họ dâng cúng tiền của.
Đối tượng của việc từ thiện là người nghèo khó. Không có người nghèo khó thì không có đối tượng để làm từ thiện đích thực. Tuy nhiên, có cá nhân, có tổ chức mượn danh nghĩa người nghèo, quyên góp tiền của rồi bớt xén không giao đủ đến tay người đáng được giúp; những cá nhân ấy, tổ chức ấy không phải làm từ thiện mà kinh doanh người nghèo khổ.
Lại đem tiền, của cho người nghèo khó chưa chắc đã là làm từ thiện đúng nghĩa. Một người nào đó hay một thế lực nào đó muốn kéo bè, kéo phái chống lại một người khác, một thế lực khác, thấy trong cộng đồng người nghèo khó đông, muốn số người này ủng hộ mình, bèn đem tiền, của cấp giúp; động cơ cấp giúp ấy không phải là thương yêu (từ) mà cũng không tốt lành (thiện); cho nên, đó không phải là làm từ thiện mà là mua chuộc để lợi dụng cho ý đồ của mình.
Người đem của, tiền mua chuộc người nghèo để lợi dụng và người đem của, tiền giúp đỡ người nghèo do tình thương yêu và niềm tin vào sự thưởng phạt của đấng Siêu Nhiên đều hành động vì mình; nhưng người đem tiền, của đi mua chuộc muốn hưởng sự hoàn trả từ đối tượng hưởng lợi ngay; nếu không nhận được sự hoàn trả, họ thất vọng, oán hờn, trách móc; tâm hồn họ không thoải mái; còn người đi làm từ thiện đúng nghĩa xem việc mà mình làm như “trồng cây Đức để đời cho con”; họ làm từ thiện chỉ mong Trời, Đất, Phật, Thánh chứng giám, hiểu cho trong cuộc sống họ đã có một tấm lòng dù tấm lòng đó cũng chỉ “để gió cuốn đi”; không bao giờ họ nghĩ đối tượng được mình cấp giúp sẽ trả ơn; tâm hồn họ thanh thản, thoải mái.
Ở những nước Tây Phương, do trình độ phát triển cao dẫn đến cuộc sống vật chất đầy đủ, lại thêm, do niềm tin tôn giáo mạnh, ý niệm công bằng, bác ái nẩy nở sớm. Người Tây phương làm từ thiện như một thói quen.
Tôi nhớ đầu thập niên 1990, tôi có làm thông dịch viên trong một dự án y tế của Médecins Sans Frontières; khi xong dự án, chia tay, thấy hoàn cảnh nghèo khổ của tôi, bà quản trị dự án (administrateur) ngỏ ý muốn, sau đó, gởi tiền giúp đỡ tôi, tôi không hiểu nổi sự quan tâm của bà, không dám nhận vì sợ phiền hà; bà ấy đã giải thích bên Tây phương, định kỳ, mỗi người phải đóng góp một chút phần trăm thu nhập của mình vào công tác từ thiện, đóng góp có thể qua tôn giáo, qua các tổ chức phi chính phủ, hoặc tự cá nhân mình dùng khoản tiền ấy giúp đỡ một ai đó mà mình thấy có nhu cầu.
Khi nước ta mở cửa vào cuối thập kỷ 1980, nhiều Tổ Chức phi chính phủ nước ngoài làm công tác từ thiện rất muốn vào hoạt động vì nhu cầu cần giúp đỡ ở nước ta, lúc đó, nhiều, việc quyên góp từ cá nhân hảo tâm, quốc gia, quốc tế … dễ được đáp ứng Nhiều người thấy tôi có cơ hội gần gũi, tiếp xúc với người nước ngoài thường đặt câu hỏi: “Anh có biết họ đến đây giúp đỡ để làm gì không?” Tình thật, tôi chẳng biết trả lời sao, tôi cũng chẳng dám hỏi mấy người nước ngoài, sợ do văn hóa khác nhau đưa đến cách nghĩ khác nhau, đặt câu hỏi khiến họ cười mình trình độ thấp kém, tầm nhìn hạn hẹp.
Trong quá trình làm việc, trí óc tôi mở rộng dần; qua đọc báo chí, tôi biết được rằng dân các nước nghèo khổ cứ tìm cách di cư đến Tây phương với bất cứ giá nào để mong có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thay vì đóng cửa biên giới, trục xuất người đã nhập cư, người Tây Phương nghĩ ra giải pháp phải đem sự giúp đỡ đến dân các nước nghèo tại chỗ qua các chương trình từ thiện. Và công tác từ thiện của họ rẽ ra 2 nhánh: (1) giúp đỡ tiền, của trong lúc khó khăn để người hưởng lợi duy trì sự tồn tại (charitable – từ thiện cứu tế), hình thức này được minh họa bằng việc cho con cá; (2) giúp đỡ vừa tiền, của vừa khoa học kỹ thuật vừa cách nghĩ để người hưởng lợi không những tồn tại mà còn phát triển (humanitarian – từ thiện nhân đạo), hình thức này được minh họa bằng việc cho cần câu.
Tóm lại, làm từ thiện phải thể hiện tính nhân văn vừa lợi mình, vừa lợi đối tượng tức là những mảnh đời bất hạnh.
Việc từ thiện không biết làm bao nhiêu cho đủ. Vì vậy, người người, nhà nhà … nên làm từ thiện nếu có điều kiện. Làm từ thiện tùy theo khả năng. Việc một nhóm người nào đó đem của tiền đi cho thì ít mà chụp hình ảnh quảng bá thì nhiều không có chi đáng đưa ra bêu giếu. “Của ít lòng nhiều”, nghĩa là chủ yếu ở tấm lòng. Sự quảng bá lại giúp cho nhiều người, không có điều kiện đến tại chỗ, hiểu được hoàn cảnh đồng bào mình, từ đó, biết đâu phong trào làm từ thiện mạnh lên, có đông người tham gia hơn!
Mọi người đều có lòng tự tôn, tự ái, ai cũng muốn vươn lên cho bằng chị, bằng em; thua kém là một cái nhục; thành thử đừng ai nghĩ rằng làm từ thiện khiến cho người hưởng lợi sống trông chờ, mất ý chí tự lực cánh sinh.
Trở lại “60 phút mở” với đề tài: “Làm từ thiện là vì ai”? do nhà báo Tạ Bich Loan dẫn chương trình trên VTV, tôi đoán chương trình có chủ ý ngăn ngừa hay vạch mặt, nếu có, những cá nhân, tổ chức lợi dụng thảm họa cá chết 4 tỉnh miền Trung Trung Bộ, đem tiền, của mua chuộc người dân trong cơn hoạn nạn vì mục đích gì đó không lợi cho Nhà Nước. Nhưng tôi buồn chả lẽ hệ thống an ninh Nhà Nước chằng chịt vậy mà không phân biệt sàng lọc được người tốt, người xấu đến nổi cơ quan truyền thông Nhà Nước phải bày ra một chương trình nói quanh nói co như thế. Mà dù cơ quan truyền thông Nhà Nước phải lên tiếng, thì thiếu gì từ ngữ để đặt đề tài! Đặt cái đề tài chương trình: “Làm từ thiện là vì ai”?, nghe “chói tai” quá, ít nhiều gợi lên sự tra vấn buộc tội khiến những người thật tâm muốn giúp đỡ, xoa dịu nỗi khổ của ngư dân tự ái rồi phần nào chùn bước.
Tôi càng buồn thêm khi nghe nói chương trình “60 phút mở”, về format, tương đồng với “60 minutes” của kênh CBS Mỹ (Columbia Broadcasting System). Té ra người Việt Nam mình không có óc sáng tạo! Có học thức cao như đội ngũ làm truyền hình quốc gia mà không nghĩ ra nổi chương trình để phát!
Hoàng Đằng
13/7/2016 (10/6/Bính Thân)