Ngày sinh hắn ra đời, cả gia đình rất vui mừng vì từ nay đã có một thằng quý tử nối dõi tông đường, ông bà cùng cha mẹ luôn cầu mong cho hắn sau này ăn to, nói lớn, làm quan to chức trọng trong xã hội. Sau mấy ngày trời chọn lựa cái tên, cuối cùng gia đình đã đặt cho hắn cái tên Công Đắc, Công là làm việc công việc làng việc nước, Đắc là thành công.
Công Đắc càng lớn càng chăm chỉ học hành, nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô ... chẳng mấy chốc cậu cũng học hành đến nơi đến chốn, gia đình ai ai cũng vui mừng khi thấy con làm đúng theo ước nguyện. Năm tháng trôi qua, Công Đắc đã trưởng thành, ba mẹ cưới cho hắn một cô vợ ngoan hiền để về chăm lo, “nâng khăn sửa túi” cho hắn đúng theo nền nếp gia phong.
Năm 1975, Chiến tranh ở Việt Nam vừa kết thúc, tiếng súng thôi không còn nổ nữa, những người con quê lại trở về với làng với gia đình. Ở quê đất chật người đông, ruộng vườn đâu mà làm ăn sinh sống ... Trên tình hình đó, chính quyền tỉnh đã đưa ra quyết định khuyến khích người dân đi kinh tế mới ở các vùng miền Đông Nam Bộ, hắn vội xin ba mẹ cho hắn được đưa vợ con đi vào miền Nam lập nghiệp, chứ cứ ở quanh ngôi làng này làm sao mà thoát nghèo. Ba mẹ chỉ có mỗi mình hắn nên chẳng đành lòng cho hắn đi, nhưng cái tính hắn cứ nằng nặc một hai phải đi, thôi thì trời không chịu đất – đất phải chịu trời. Căn ngăn mãi mà không được, họ đành bấm bụng cầu chúc cho hắn đưa vợ con đến nơi xa đó ăn nên mần ra, ba mẹ chỉ dành dụm được có chút vốn liếng còm cõi cho hắn làm lộ phí đi đường, và thêm thắt vào trang trải cuộc sống ban đầu.
Những ngày đầu lập nghiệp ở nơi đây thật gian khổ, cơm sắn độn nhau ăn mới đủ no, hắn và vợ cứ quần quật làm nương rẫy, mặt trời vừa ló rạng đông là cả nhà hắn lại đi làm rẫy, tối mờ mịt mới trở về nhà. Có những lúc đói khổ bệnh tật liên miên, con cái nheo nhóc, hắn cũng chán nản lắm ... Nhưng phải gắng lên thôi, phải tỏ rõ ta là một người trụ cột trong gia đình, và xứng với cái tên Công Đắc mà ba mẹ đặt cho. Bên cạnh công việc làm nương rẫy, hắn còn là một cán bộ xã hẳn hoi, hắn khá nhanh nhẹn với cộng đồng văn hóa làng xã, nhiều người quý mến hắn vì sự nhiệt tình.
Mười năm ở vùng kinh tế mới này, gia đình hắn đã thôi đói khổ, con cái được cắp sách đến trường, hắn cũng đã lên làm chủ tịch xã. Hắn dần dần không đi làm nương rẫy nữa, những việc đó giờ là của vợ của con phải làm thay hắn. Còn hắn thì ngày đêm đi họp hành, công tác, tiệc tùng ... Người hắn bắt đầu phát tướng, và hình như suy nghĩ cũng khác xưa, trong hắn quên dần đi lời dạy của ba mẹ, sống phải biết đặt việc Công lên hàng đầu thì mới đắc đạo, mới thành công. Hình như không phải chỉ mỗi hắn thay đổi, mà cuộc sống ở đây cũng vậy, người ở khắp nơi kéo về đây ở, mua đất làm nhà sinh sống lập nghiệp. Rồi hắn được đút lót tiền của, từ một hai trăm ngàn đến bạc triệu, ban đầu hắn còn e ngại, nhưng tiền đã làm hắn mờ mắt, đi làm nương rẫy cả năm biết có thu lợi bằng hắn ký đôi ba chữ. Mà tiền này là họ tự nguyện đưa chứ nào phải hắn đòi !
Căn nhà của hắn từ mái lá tranh lụp sụp, nay đã trở thành căn nhà lầu khang trang, tivi tủ lạnh, chăn ấm nệm êm ... Bà con quê mỗi lần vô Nam thăm đều trầm trồ khen ngợi. Sao mà thằng Công Đắc giàu sang và chức cao danh vọng đến vậy. Thật nở mày nở mặt cho quê hương dòng họ. Nhưng bà con đâu biết rằng hắn nào có được ăn ngon ngủ yên trong căn nhà sang trọng đó, hắn bắt đầu lo lắng về những phái đoàn thanh tra của tỉnh của bộ, nhưng đã trót ăn rồi thì làm sao đây, thôi thì liều mạng đến đâu hay đến đó.
Hắn làm quan nên con cháu hắn cũng được nhờ, dựng vợ gã chồng và làm to ở huyện, con rể con dâu đều chẳng dám hành hạ hay chửi bới con trai con gái mình. Vì nhờ hắn mà có ra cơ ngơi như vậy, tinh tướng là hắn cho về vườn và trắng tay.
Năm tháng trôi qua, tuổi hắn cũng đã già, hắn đến tuổi phải về hưu và thôi làm quan chức, hắn cũng hạ cánh một cách an toàn, không bị phanh phui gì về chuyện tham ô hối lộ ... Nhưng những ngày về vườn là những ngày hắn đau khổ, dằn vặt hơn bao giờ hết. Lâu nay sáng ra đi làm, tối mù về nhà và hắn chỉ sống trong căn biệt thự được bao quanh bởi hàng rào lớn, hắn nào có đi thăm bà con chòm xóm bao giờ. Nay về hưu mặt mũi nào đi thăm họ, hắn đã lạc ra khỏi cái làng nhỏ của hắn rồi, lúc còn địa vị thì không ai dám nói đến hắn, giờ đây hắn cứ nghe người dân nói to nói nhỏ, nằm trên chiếc ghế gỗ lim mà như nằm trên gai nhọn. Hắn quanh quẩn với nỗi cô đơn gặm nhấm trái tim hắn từng ngày.
Cuộc sống của hắn giờ sao khó thở, hắn vội quay về thăm quê, cái làng quê nhỏ bé nơi hắn được cất tiếng khóc chào đời đã cho hắn những năm tháng tuổi thơ thật đẹp. Cái chốn quê mà hình như bấy lâu nay hắn cũng quên bẵng đi. Về đứng ở bến đò bên lũy tre xanh, bao nhiêu ký ức lại tràn về, mắt hắn nhòe đi và hắn tự trách mình, sao mình không về thăm nhiều hơn, quan tâm đến quê hương làng mạc. Bà con qua đò cùng hắn chẳng ai thèm chào hắn một tiếng, hắn lại tự hỏi: Hồi đó về hắn đã làm gì sai? Hay tại mỗi lần về gấp mình không đi hỏi thăm từng nhà nên họ giận? Ừ chắc là vậy rồi, hồi đó mỗi lần về quê toàn đi ô tô và phái đoàn này phái đoàn kia tiếp, mình đâu có thời gian đâu mà thăm được ?
Bước vào căn nhà của ba mẹ hắn, căn nhà cấp bốn vẫn như xưa, căn nhà mà đã bao lần hắn xúi ba mẹ đập đi để xây lên đó căn nhà xây gạch ốp đá nhưng ba mẹ hắn đâu có chịu. Ba mẹ hắn nói đây là căn nhà của ông bà tổ tiên để lại, phải gìn giữ mãi muôn đời, trừ khi nó sập đi thì mới xây mới. Hắn cũng còn nhớ hôm đó hắn la mắng ba mẹ mình: “Sao ba mẹ có đầu óc cổ hủ, lạc hậu như vậy” ... ba hắn nghe xong đập bàn mà chửi: “Đồ thằng mất dạy, mày dám ăn nói với cha mày như vậy hả, mày cút ra khỏi nhà tau ngay, tau không có đứa con nào như mày hết”. Hắn rất xấu hổ với đám lính lác của hắn, liền quay ngoắt bước ra xe ô tô và đi ra khỏi làng. Lần đó hắn giận lắm, một vị quan huyện chứ nào phải nhỏ, chưa ai dám la mắng hắn một điều gì.
Ba hắn đang ngồi ở cái bàn chữ H, mẹ hắn đang loay hoay dưới bếp, lấy từng nắm rơm đưa vào bếp để thổi cơm chiều, khói bay khắp nhà, mắt mẹ nó già nhưng khói cũng làm nước mắt tràn ra, nhìn cái cảnh đó hắn xúc động và cố kìm tiếng nấc. Lần này hắn về làng không giống như những lần trước: xe ô tô, các quan khách cùng những bàn tiệc chào đón long trọng. Hắn đứng mãi ở sân chẳng hề nhúc nhích. Mẹ hắn bất chợt quay nhìn ra sân, bà vừa thấy hắn đã lao ra ôm chầm lấy hắn " Ôi con của mẹ đã về đây ư, ôi con trai của mẹ, thôi về đây với mẹ nhé con, đừng đi nữa, mẹ biết hết rồi “ ... Hắn tự nhiên bật khóc nức nở: Mẹ ơi con khổ quá mẹ ơi”, hắn khóc như chưa bao giờ được khóc, tức tưởi nghẹn ngào. Ba hắn nghe tiếng ồn vội bước ra sân, ông cụ đứng nhìn con quay về mà không nỡ đuổi đi. Ông nói vọng ra: “Mẹ mi đưa nó vô nhà đi mà chuẩn bị ăn cơm, mấy chú bác họ hàng sắp sang rồi đó”.
Ba hắn rót cho hắn một ly nước chè xanh, nó cầm lên uống mà đắng ở đầu môi, cái thứ nước của vùng quê nước ngọt pha nước mặn, tạo ra vị lờ lợ. Hắn lại nhớ lần trước hắn đã nhổ toẹt ra sân và la toáng lên: “Lính đâu chạy đi mua cho tao mấy thùng nước suối, nước này uống làm sao mà nuốt”. Uống xong ly nước hắn vừa khóc vừa kể: Ba mẹ ơi, đời con khổ quá. Khi còn chức thì còn quyền, về hưu rồi ai ai cũng ghét, thậm chí ngay cả con rể con dâu chúng cũng bán đứng con... Ước gì ngày đó con nghe lời ba mẹ, không đi kinh tế mới ở miền Nam làm gì, chỉ ở bên gia đình có ba có mẹ, có người thân họ hàng.
Chiều buông, những người bà con sang nhà hắn ăn cơm, một bữa cơm nho nhỏ để chào đón hắn. Bữa tiệc đã về đêm, có đôi ba chén rượu, mấy chú bác bắt đầu nói chuyện: Công Đắc à, những ngày đầu con làm quan, ai ai cũng vui mừng, tự hào vì có người nhà làm chức to chức lớn. Nhưng con ngồi cao quá, chẳng thấy gia đình hay người thân, bà con vào Nam và tiện ghé nhà thăm, con chẳng thèm tiếp, thậm chí còn xua đuổi, mắng nhiếc coi khinh. Bà con của mình họ buồn lắm, ba mẹ con cũng nào có ăn ngon ngủ yên, khi hết người này đến người kia chửi rủa con mình. Nhưng làm sao mà bỏ được con à, con người chứ nào phải vị thánh đâu, phải có sai có đúng. Chắc giờ con đã biết ăn năn hối lỗi rồi, thôi đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại...
Sáng sớm, hắn đang đánh răng rửa mặt ngoài giếng, thì một đám bạn thân thời chăn trâu tắm sông kéo đến, đứa thì chai rượu, đứa thì con vịt ... tụi bạn hắn vừa đến trước ngõ đã la toáng lên: Thằng Đắc Công hay đồng cắc đâu rồi, tụi tau nghe mi về nên kéo nhau sang làm mồi nhậu đây, mà có phải mi là thằng Đắc Công của tụi tau không? Hắn đứng trân người ra, thằng Lợi béo chạy đến ôm chầm lấy hắn, mi nhớ tau không hè “ngày xưa vì hai thằng cùng cua con Thắm mà đánh nhau ngoài bãi chăn trâu đó”.
Rồi thằng Thịnh làng tay cầm chai rượu tới và nói: “Đây là rượu của trai làng ta khoái nè, tau biết mi thích nhất loại ni”Hắn lại khóc, sao mấy lần trước về chẳng có ai sang thăm hắn, nhưng giờ đây hắn có còn là gì đâu, sao bạn bè lại tìm đến đông như vậy ?
Thằng Trường coi bộ hiểu ra và nói với hắn: Tụi tau luôn nhớ mi Đắc tồ à, nhưng những lần trước mi không phải là thằng Đắc tồ bạn của tụi tau, mà mi là một ông sếp bự, tụi tau gọi mi Đắc tồ chỉ có chết chắc, xúc phạm cán bộ đâu có được, ha ha. Nói xong Trường cười ha hả và vỗ đánh tét một cái vào vai hắn: Thôi quên hết đi, tui tau luôn ở bên mi mà.
Sài Gòn 150/06/213
Đinh Thanh Hải