Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 28, 2015

ĐỌC TẬP THƠ "SẮC MÀU THỜI GIAN" CỦA CAO HOÀNG TRẦM - Trần Duy Lý






ĐỌC SẮC MÀU THỜI GIAN

Sắc màu thời gian là tập thơ của anh Cao Hoàng Trầm ra sau tập Vườn Xuân.
Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc nhận xét về thơ của anh Cao Hoàng Trầm như sau: “Thơ Cao Hoàng Trầm thật thà chơn chất như người anh vậy”. Nhà thơ Đoàn Thuận trong lời tựa cho tập thơ này cũng tiếp nối được ý đó: “… thường khi thơ hay không cần những lời hoa mỹ trau chuốt cầu kỳ mà cần tâm tình chân thật trước hệ lụy buồn vui của cuộc sống”…
Vâng! Những nhận xét đó đủ nói lên tác giả – tác phẩm của Cao Hoàng Trầm.
Riêng tôi muốn nói thêm một khía cạnh khác,đó chính là cái chất thi nhân ở trong một cách cảm,cách nhìn:bởi nếu không có chất thi nhân thì không có những câu thơ:
         Hạt mưa tí tách canh thâu
         Rưng rưng đổ xuống trái sầu trần gian
         Hồn tôi thổn thức bàn hoàng
         Chợt nghe như tiếng thở than phận người
                                                      (Hạt mưa)
Nghe tiếng mưa rơi trong đêm nghĩ đến phận người là sự tinh tế của tâm hồn và sự tinh tế ấy thì không phải ai cũng có được. Anh Cao Hoàng Trầm có được sự tinh tế ấy và anh đã biết nuôi dưỡng nó từ thuở thiếu thời cho đến bây giờ đã là … nhân sinh thất thập… đó là điều đáng trân trọng.
Sắc màu thời gian là những hoài niệm về thời gian,và nếu ở những tâm hồn dể cảm, dể xúc động thì không thể không nghĩ.
         Em về lối cũ đường xưa
         Cỏ may đan áo lưa thưa nắng chiều
         Triền đê cầu ván liêu xiêu
         Bao điều thổn thức hắt hiêu giọt lòng
         Năm chờ tháng đợi mòn trông
         Thuở thanh xuân ấy gió lùa tóc mây…
                                      (Ký ức ngày xưa)
Tôi có mây mắn quen biết nhều bạn thơ ở thị xã La Gi trong đó có anh Cao Hoàng Trầm. Quá đúng như nhận xét của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc: “Thơ anh chơn chất như con người anh vậy”, cũng không thể không nói tới sự may mắn của những bút thơ ở đây là được sống ở một vùng đất giàu truyền thống thơ ca. Các địa danh như Đồi Dương, Tân Lý, Hòn Bà, Mủi Đá, Khe Gà…. Đã đi vào thơ ca khá đậm nét, và mỗi người có cách nhìn, cách cảm khác nhau. Để kết thúc bài này tôi muốn giới thiệu bài Hồn Quên có trong tập này, một trong những bài anh viết về quê hương La Gi của anh:
          Dòng sông bến nước con đò
          Bãi cồn rừng đước con cò ngủ đêm
          Nước sông cá lội thuyền êm
          Mái đình cổ tích đọng thêm nết hồn
          Ngày xưa vẫn đẹp cô thôn
          Mỗi mùa gió bấc nhớ dồn tình quê
          Ai đi xa xứ nhớ về
          Để nghe đối đáp câu thề lứa đôi
          Hồn quê chạnh nhớ bồi hồi
          La Gi ngày ấy trông tôi hiện về
                     (La Gi mùa bấc lộng)

                                                                   TRẦN DUY LÝ

READ MORE - ĐỌC TẬP THƠ "SẮC MÀU THỜI GIAN" CỦA CAO HOÀNG TRẦM - Trần Duy Lý

NHỮNG CÂU THƠ BÊN QUÁN CÀ PHÊ - Thơ Hoàng Yên Lynh


           Tác giả Hoàng Yên Lynh


NHỮNG CÂU THƠ BÊN QUÁN CÀ PHÊ


1.
Ra quán cũng chỉ một mình
Ở rừng cũng chỉ một mình quẩn quanh
Nắng mưa sương núi bồng bềnh
Vời trông cố quận chông chênh lối về
2.
Phải chi người đừng nhớ tôi
Trăng khuya lẽ bóng quen rồi tháng năm
Cũng đành...tình đã cố nhân.
3.
Chia tôi một chút cô đơn
Ơi cô chủ quán có buồn như tôi
Chuyện đời tựa áng mây trôi
Đục trong nhân thế sầu vơi lại đầy.
4.
Bốn mươi năm còn nhớ không
Trăm năm rồi cũng quạnh không lối về
Hỏi lòng mình tỉnh hay mê...
5.
Một mình ra quán cà phê
Ngó quanh cũng chỉ cà phê với mình
Thuyền không bến mãi lênh đênh
" Nghĩ mình,mình lại thương mình xót xa..." *
Khi chén rượu lúc câu ca
Chỉ còn bóng ngã mình ta cuối trời
Chuyện đời đã nhạt bờ môi.
HOÀNG YÊN LINH
B'lao 9.2015


* Kiều - Nguyễn Du
READ MORE - NHỮNG CÂU THƠ BÊN QUÁN CÀ PHÊ - Thơ Hoàng Yên Lynh

CHÙM THƠ ĐÌNH XUÂN



           Tác giả Đình Xuân


        

DÒNG TRĂNG

Từ khi
nhật nguyệt gặp nhau

bào thai vỡ
nỗi đau hiện hình
Từ nguyên thủy
đã sinh linh
Tình nhân thế thái
tang tình tình tang
*****
Từ khi
lở bạn cùng trăng
Mang tâm sự
gởi bến vàng
ngược xuôi
Khi
vầng nhật nguyệt
xẻ đôi
Là khi
thơ đã thả trôi
theo dòng
*****
Bến sông trăng
bến long đong
Chưa vay đã nợ
lông bông
một đời

Đình Xuân



NỖI NHỚ CONG

Trăng thượng tuần chỉ vết sáng cong cong
Tưởng là em nên anh cuồng điên bẻ cong nỗi nhớ
Nỗi nhớ có môi son cong
Và đuôi con mắt cong lời tình tự
*****
Nỗi nhớ trôi về miền tư lự
Quắt quay cái nụ hôn đầu
Nỗi nhớ lạc vào vùng trăng sao
Nơi anh cùng em đã từng nao nao hẹn ước
*****
Ánh sáng chỉ còn chút lóe ở bờ tây
Biết tìm em nơi đâu khi trăng tàn ngày tận
Vai anh vẩn còn điểm tựa
Hay hẹn ở bờ đông cùng rửa tội, ăn năn

                                        Đình Xuân
READ MORE - CHÙM THƠ ĐÌNH XUÂN

BẾN PHÙ SINH - Thơ Lương Bút



  


Nhà thơ Lương  Bút - hội viên  hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Thuận vừa gửi thơ đến VNQT. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc





BẾN PHÙ SINH

Cuộc trăm năm ai cười ngạo nghễ
Ta khóc thầm chạm phải đời đau
Vâng vẫn biết sang sông đò lạnh
Vá nỗi buồn dâu biển vì nhau

Bạn xa ta cuộc cờ ly loạn
Giữa phiêu linh gươm bút rét cùn
Ta mài trăng chong ly chờ tri kỷ
Lệch đường gươm tơ lạnh phím chùng

Ta hảo hán đau đau ngần ly biệt
Vàng lên lối cỏ tiễn lần đi
Bài thơ trắng phếch màu tang tóc
Bên góc trời ta khóc suốt chiều ni

Thương góa phụ lệ lăn trong lòng mắt
Nghe thương đau, đau quặn đáy lòng
Hồn khắc khoải trắng treo mớ tóc
Khúc tình nồng muôn thuở giữa mênh mông

Ta rưng lệ khóc đưa thêm đoạn cuối
Mộng giang hồ dang dỡ đường mây
Nghe thiếp nghẹn lời trăm năm ấy
Bến phù sinh ngắn ngủi quá chua cay.

                                 Lương Bút
READ MORE - BẾN PHÙ SINH - Thơ Lương Bút

CẢM NHẬN TẬP THƠ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRUNG NGUYÊN - Nguyễn An Bình


Hiển thị trangbia.jpg


TÌNH QUÊ  QUA MEN RƯỢU SAY CỦA NGƯỜI ĐỒNG BẰNG
                                                                        Nguyễn An Bình


         Xếp tập thơ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” của nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên lại, điều đầu tiên tôi nhận ra được bàng bạc trong thơ anh là mối tình quê lãng đãng tha thiết nhưng sâu đậm trong từng men rượu say trên những bước đường lãng du của người đồng bằng. Nét chân chất, mộc mạc phóng túng, hào sảng của con người Nam bộ không lẫn vào đâu được của người nông dân thời mở cõi về phương Nam,  Nhiều khi ta tưởng chỉ thoáng qua đâu đó  nhưng thật ra nó luôn đau đáu trong lòng  nhất là trong những lúc cao hứng cầm chén rượu uống cạn trong một không gian đậm tình bằng hữu thì mối tình quê ấy mới có dịp tuôn trào,bộc lộ rõ nét mà những lúc tỉnh chưa chắc gì anh chịu nói ra.
        Nguyễn Trung Nguyên từng là một người lính, rồi làm báo trước khi chuyển sang công tác văn nghệ, anh có điều kiện đi đây đi dó nhiều. Ta có thể bắt gặp bước lãng du của anh ở nhiều miền đất nước và tình quê đó càng thú vị biết bao khi được khề khà ly rượu với những người bạn mới quen trên xứ lạ,  từ miệt Cà Mau thương con gái xứ cuối đất cùng trời, bước chân lại Chiều ghé quán ca cổ ở Kinh Cùng thả hồn theo khúc Nam ai, về qua Ngã bảy nghe bài “Tình anh bán chiếu”. Uống rượu ở Phong Điền nghe bạn kể việc nhà nông xóa đói giảm nghèo, Chiều cuối năm qua cầu Mỹ Thuận mới thấy xe cưới hình như nhiều hơn mọi ngày, rồi lại gặp mưa ở Sài Gòn mà muốn gởi lòng theo gió về sông Hậu niềm thương nhớ của mình. Thoắt cái thấy bóng dáng chàng lãng tử ngồi nghe ca Huế trên sông Hương, lại ngược lên phố núi Pleiku để hát câu vọng cổ thả một lời thơ “Chỗ nào có em là hướng ấy quay về”, rồi ngậm ngùi tưởng niệm trước hang tám cô ở Quảng Bình. bàng hoàng bâng khuâng lẫn chút tự hào khi gặp đồng hương ở nghĩa trang Trường Sơn ngút ngàn lộng gió.  
        Chúng ta thử theo bước chân ấy tìm chút tình quê, chút men say trong từng nhịp thở, chút láng mạn nhớ thương, chút tâm tình lắng đọng, chút khinh bạc cuộc đời trước thế thái nhân tình, trước bể dâu đời người để thấy thấp thoáng bóng dáng của mình đâu đó trong thơ anh.
               Trong tập thơ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG”. tôi thích nhất là những bài thơ của anh nói về tình bạn. Với anh đã là bạn thì không có mâm trên chiếu dưới, quan lính cũng như nhau cốt là sự chân tình, là sự đồng điệu, là nét phóng túng, hào sảng của người Nam bộ mà ta rất thường gặp:
         Về Phong Điền rượu cụng liên miên
         Quan lính có-phó thường dân cũng có
         Chiếu nhậu đơn sơ, nào cùng sà xuống
         Lớn bé, trẻ già rôm rả chuyện đời.
      Để rồi trong bầu không khí thân tình đó đó, những giải thích xem ra hơi ngô nghê nhưng trong chiếu rượu hình như ai cũng cho là đúng:
        Phong và Điền. Ủa! Nghĩa là gì?
        Thôi nói đại: “Phong và gió và Điền là ruộng”
        Ra ruộng  hứng gió say cỡ nào cũng tỉnh
        Hoa mắt luôn trước đồng lúa bạt ngàn.
                      (Uống rượu ở Phong Điền)
             Đối với bạn bè, đồng đội những người một thời là bằng hữu, có nhiều kỷ niệm vui buồn không còn nữa, Tình quê của anh là niềm thương nhớ, sự thủy chung. Trong men say của ly rượu thiếu vắng tiềng cười rôm rả của bạn bè ngày nào ta mới thấy hết nỗi niềm của anh:
        Ta biết hồn ngươi không về kịp
        Cùng ta uống cạn hết ly nầy
        Rượu cay như thể là nước mắt
        Chắt biết bao giờ cho hết đây!
        (Một năm ngày mất Võ Minh Đường)
Sự chạnh lòng trong một buổi chiều viếng mộ bạn:
        Nhớ hôm nào chén rượu câu thơ
        Dăm thằng bạn nghèo kề manh chiếu bạc
        Mầy chết đi men nồng bỗng nhạt
        Ánh trăng vàng cũng tắt ven sông.
                       (Chiều viềng mộ bạn)
Hay:
        Tao trở lại đây màu trắng trên đầu
        Men rượu trắng mỗi năm mẹ khóc
        Những đứa con gái trắng trinh như ngọc
        Thiếu phụ buồn! Trắng song cửa chiều hôm.
                                      (Điểm danh đồng đội)
      Tình cờ khi viếng nghĩa trang Trường Sơn, anh bắt gặp mộ chí của một người lính quê ở An Bình Cần Thơ, anh bàng hoàng xen lẫn tự hào, anh có những câu thơ rất thật của người đồng bằng:
        Cả tôi với anh – dân Nam bộ thật thà
        Mình hãy nói hết với nhau những gì muốn nói
        Rồi ngửa cổ cưa hai ly rượu đế
        Để bụng lâu ngày ấm ức không nên.
       (Gặp đồng hương trên nghĩa trang Trường Sơn)
     Người ta nói người đồng bằng thường hay uống rượu. Thật ra không phải thế, vì từ lâu trong máu thịt người đồng bằng rượu là một thứ lễ nghĩa, tôi đã từng đền nhiều địa phương muốn giao tiếp gì cũng phải cụng ly trước đã hẳn tính. Rượu còn là cái cớ bộc lộ tâm sự, nỗi niềm của mình mà không phải tính toán trước sau:
        Anh em bạn rể buồn muốn nhậu
        Rủ ta cùng vác lưới ra đồng
        Kiếm dăm con tép về trộn gỏi
        Rỉ rả chia nhau chút rượu nồng.
                        (Kéo lưới trên đồng)
    Đôi lúc thơ anh còn thể hiện sự lạc quan dù có một chút tếu trong hoàn cảnh không lấy gì hứng thú cũng ít ra đem lại niềm động viên yêu đời ngay trong phòng mổ:
Phòng mổ vô trùng ấm áp tuyệt vời
        Đèn điện sáng choang đâu thua gì khách sạn
        Màu áo xanh dịu dàng lãng mạn
        Giá có chút men là nhất trên đời.
                    (Thơ viết từ phòng mổ)
     Tình quê thể hiện trong anh còn là sự đồng cảm với mối tình của anh bán chiếu trên dòng sông Ngã Bảy qua tiếng hát ngọt ngào của danh ca Út Trà Ôn nổi tiếng một thời ai cũng biết. Ngậm ngùi cho số phận hẩm hiu của anh nông dân bán chiếu   hay ngậm ngùi cho mối tình thời trai trẻ của mình đã mất trong một buổi chiều ngồi chéo ngoẩy bên ly rượu đế:
         Chiều châu thổ khề khà ly rượu đế
         Chéo ngoẩy đùi nghe tiếng hát Út Trà Ôn
         Giọng kể lể “Tình anh bán chiếu”
         Nồi đắng cay của kiếp giang hồ.
         (Nghe Út trà Ôn ca “Tình anh bán chiếu”)
Tất nhiên, tình quê trong thơ Nguyễn Trung Nguyên  không thể thiếu với người thân trong gia đình mình vì đó là cái nôi sinh ra ta, là máu thịt, là nơi trở về của chúng ta khi có sự vấp ngã trên đường đời. Đó là hình ảnh người cha rặt nòi nông dân  nhưng lại luôn tự hào vì biết dạy con điều nhân nghĩa:
       Ông hay tự trào: “Tao dốt đặc cán mai!
       Bây ráng học để làm người nhân nghĩa”
      Vậy mà Lục Vân Tiên - không hiểu sao ông chẳng quên một chữ
       Cái nghĩa “bất bằng…” bám vào ông như rễ đước, rễ còng.                                                                            (Vùng sâu quê tôi)
    Hình ảnh người mẹ tần tảo trong mùa nước lũ làm ta chạnh lòng(Nhớ mẹ quê xưa), rộng và cao hơn là hình ảnh của các bà mẹ Việt Nam anh hùng mà ở địa phương nào anh đi qua đều có thể thấy được:
        Mỗi bữa cơm mẹ bới ra sáu chén
        Một cho chồng và bốn đứa con mỗi đứa một phần
        Những đứa con mà người mẹ gọi là chồng
        mãi mãi chẳng còn được ở gần
        để lau cho mẹ giọt nước mắt rơi…
                            (Bữa cơm của mẹ)
      Tình quê còn thể hiện tấm lòng của người anh trai tiễn em gái lấy chồng xa(Đưa em gái về nhà chồng), muốn giải bày cùng anh những điều chưa thể nói đành mượn ly rượu cho vơi cạn nỗi lòng (Về nhà xưa uống rượu, Tiễn anh hai):
        Tay nâng chung rượu nhạt
        Nghe đắng cả tim mình
        Anh biết đâu thơ phú
        Chợ đời giờ rẻ khinh.
        (Về nhà xưa uống rượu)
         Đó còn là tình nghĩa vợ chồng, lời cha muốn nói với con mà đôi lần không ít anh tự trăn trở với mình khi thấy còn quá nhiều thiếu sót với họ. Phải chăng đó là nhừng lúc thơ anh thật nhất sau một tiệc rượu vừa vơi? (Thơ viết cho bà xã ngày sinh nhật, Tự sự, Điều muốn nói với con)…
         Cũng có một người con gái
         Người đời gọi là vợ ta
         Theo nhau khi còn áo rách
         Bao năm chưa kín đôi tà.
         (Bài hành tuổi bốn mươi)
      Đọc bài thơ  “Uống rượu trước biển” của anh giữa bốn bề mênh mông sóng biển, sự hiu quạnh đến ghê người làm ta có cảm giác nỗi buồn vạn cổ không có gì có thể khỏa lấp được,  đôi lúc tôi chợt thấy có cảm tưởng như đang đọc thơ của Thâm Tâm:
         Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực! 
         Mẹ thà coi như chiếc lá bay
         Chị thà coi như là hạt bụi
         Em thà coi như hơi rượu say...
                          (Tống biệt hành)
Hay trong nỗi buồn xa xứ của Nguyễn Bính:
        Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc,
        Ly tán vì cơn gió bụi này.
        Ngươi đi buồn lắm mà không khóc,
        Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.
                          (Phương Nam hành)
    Ban đầu tôi nghĩ  tập thơ có lẽ viết trong một khoảng thời gian khá dài ít nhất cũng là 10 năm vì trong tập thơ có hai bài thơ đánh dấu thời gian ra đời của nó: Bài hành tuổi bốn mươi(trang 13) và Bài hành tuổi năm mươi(trang 122) nhưng đọc trên facebook của anh mới biết đó là những bài thơ anh viết rải rác mấy mươi năm sau 1975, có lẽ anh đã chọn lọc những bài thơ ưng ý của mình vào tập thơ. Trong số 63 bài thơ đã gần phân nửa là những bài mang men say của một chàng lãng tử và trong những bài thơ còn lại ai có thể khẳng định rằng anh không làm thơ trong niềm vui hay nỗi cô độc của một tiệc rượu đã tàn?
    Mặc dù anh khiêm tốn như anh tự đáng giá trong Bài hành tuổi năm mươi:
       Thơ vài bài đọc được
       Văn mấy chương cũng suông
       Đói bụng lục cơm nguội
       Cao hứng… xự xang xề.
        Nhưng anh lại là con người đa tài, đa năng. Anh làm thơ, viết truyện, soạn nhạc, viết vọng cổ ở lãnh vực nào anh đều có những đóng góp và thành tich đáng kể. Tôi nghĩ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” đã góp thêm vào vườn hoa của miền châu thổ đồng bằng một bông hoa đầy màu sắc và còn tỏa hương dài lâu.
                                           Bên bờ sông Hậu, cuối tháng 9/2015
                                                          Nguyễn An Bình
.............................................................................
*Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tháng 12 năm 2014

READ MORE - CẢM NHẬN TẬP THƠ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRUNG NGUYÊN - Nguyễn An Bình

TRI KỶ - Thơ Hồng Tâm



             Hồng Tâm 




TRI KỶ

Nhớ nha anh ! Đêm nay thành kỷ niệm
Suốt đời tôi khắc ghi trong tim
Đêm tâm sự thắm tình tri kỷ
Trút cạn tâm tư những nỗi niềm

Hai đứa mình giống nhau nhiều điểm
Thích văn thơ, cắm trại ngoài trời
Và một điểm ghét người giả dối
Bọn tiểu nhân ném đá giấu người

Hai đứa mình duyên đầu lận đận
Cũng lênh đênh bảy nổi ba chìm
Áo giang hồ phiêu lưu tứ xứ
Đi lâu năm chẳng kiếm nhiều tiền

Cạn ly nha anh! Ngày mai tạm biệt
Tiễn anh về hẹn lại ngày sau
Tôi mong hai mình là tri âm, tri kỷ
Từ đây cho đến bạc đầu

                            HỒNG TÂM 
          (lyminhly456@gmail.com)

READ MORE - TRI KỶ - Thơ Hồng Tâm

THƠ CON CÓC CÓ PHẢI LÀ THƠ? - Phạm Đức Nhì


      Tác giả Phạm Đức Nhì


              THƠ CON CÓC CÓ PHẢI LÀ THƠ?

Trong bài Nhân Cuộc Tranh Luận Về Thơ Con Cóc, Thụy Khê đã viết:
Khi Nguyễn Hưng Quốc thách Đỗ Minh Tuấn phải chứng minh được rằng Thơ Con Cóc không phải là thơ, Đỗ Minh Tuấn đã vội lo "đây là một thách thức triết học nghiêm túc, nhưng lại là một vấn đề ngụy tạo". Những lo lắng của Đỗ Minh Tuấn thật sự không cần thiết vì ở đây cũng chẳng có vấn đề triết lý triết học gì cả. Chỉ có một lẽ dễ hiểu là xưa nay chưa ai định nghĩa được một cách chính xác Thơ là gì? …
Và bà đưa ra kết luận nước đôi:
 Vậy Thơ con cóc, bảo nó là thơ cũng được. Mà bảo không phải là thơ cũng xong. (1)
Tôi tự mình chưa nghĩ ra được một định nghĩa cho thơ, nhưng nếu hỏi
“Thơ Con Cóc có phải là thơ hay không?
thì tôi hy vọng có thể trả lời được. Ít nhất là sẽ cố thử xem.

Những Câu Thơ Dọn Cảnh
Từ trước cả cái thời có giai thoại “Thơ Con Cóc” các cụ của chúng ta làm thơ thường theo trình tự Tức Cảnh – Sinh Tình. Cảnh là cái cớ; cốt tủy của Thơ nằm ờ chữ Tình. Vì thế, bài thơ thường mở đầu bằng những câu dọn cảnh, qua đó tác giả phác họa khung cảnh của bài thơ. Tôi gọi tắt là những câu Cảnh.
Cảnh có thể là một người, vật, cảnh vật, sự việc hay ý tưởng xuất hiện trước mắt hay trong đầu của tác giả; tác giả tạo ra những câu Cảnh, xem đó là cái nguyên cớ, cái gợi ý để Tức Cảnh Sinh Tình, nghĩa là dựa vào Cảnh viết thêm những câu thơ khác biểu lộ tâm sự, cảm xúc của mình.
  • Thí dụ hai câu đầu trong bài Chân Quê của Nguyễn Bính:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Ở đây tác giả đã tạo ra và bước vào khung cảnh của bài thơ, đã đứng ở con đê đầu làng để chờ người yêu về (tâm đối cảnh). Chúng đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để gọi là thơ. Bởi chúng mới chỉ là những câu Cảnh; phải chờ tác giả Sinh Tình – nghĩa là dựa vào Cảnh để viết tiếp những câu chứa đựng cái Tình, cái tâm sự của mình.
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi.
Đến đây, Tình đã phát sinh, cảm xúc của tác giả đã xuất hiện. Hai câu cảnh, đứng riêng lẻ thì chưa thể gọi là thơ. Chỉ đến khi tác giả đã hoàn tất hai câu Sinh Tình thì hai câu cảnh mới tự động trở thành thơ và tất cả đã hợp cùng với những đoạn sau để trở thành một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính.

  • Hai câu đầu của bài Bạc Tần Hoài (Đỗ Phủ):
               Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
               Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
               Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát
               Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia
Tác giả đã có mặt tại bến Tần Hoài để ngắm cảnh khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát; ở đây tâm đã đối cảnh. Nhưng 2 câu này vẫn chưa thể gọi là thơ vì chưa có bóng dáng của cảm xúc. Phải chờ 2 câu sau:
               Thương nữ bất tri vong quốc hận
               Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
               Cô gái không hay buồn mất nước
               Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa (2)
                      (Trần Trọng San dịch)
thì mới thấy bóng dáng của chữ Tình; đó là nỗi buồn xé ruột của một sĩ phu yêu nước. Hai câu đầu - đóng vai những câu thơ dọn cảnh - cũng được ăn ké theo thành 2 câu thơ cuả một thi phẩm tuyệt tác.

Trường Hợp Bài “Thơ Con Cóc”
Chàng Ngốc thứ nhất xuất khẩu:
        Con cóc trong hang
        Con cóc nhảy ra
Đây là 2 câu mào đầu, dọn cảnh. Trường hợp này tâm đã đối cảnh; chính mắt chàng Ngốc đã thấy con cóc nhảy ra; tác giả đã có mặt trong khung cảnh của “bài thơ”. Hai câu này đã có điều kiện cần (nhưng chưa đủ) để được gọi là thơ. Nếu lúc này tác giả đọc thêm vài câu nữa (Sinh Tình) thì sẽ thành bài thơ. Nhưng cái cảm xúc đang óc ách trong lòng chưa kịp biểu lộ thì đã … hết lượt (hết thời gian dành cho mình, đến lượt người khác).
Nếu Chàng Ngốc Thứ Hai dùng 2 câu của Chàng Ngốc Thứ Nhất làm phần mào đầu, gợi ý rồi đọc mấy câu Sinh Tình của mình thì đã không bị gọi là Chàng Ngốc và đã không có giai thoại ‘Thơ Con Cóc”. Đàng này thấy con cóc vẫn cứ ngồi đó (chắc hơi lâu) nên chàng đã đọc 2 câu mào đầu của chính mình:
         Con cóc nhảy ra
         Con cóc ngồi đó
Thế là hết giờ, đến lượt người khác. Do đó cái tâm sự không thoát ra được, đành phải để âm ỉ trong lòng. Đến đây chúng ta cũng vẫn chưa có Thơ.
Chàng Ngốc Thứ Ba tiếp tục mắc lỗi lầm của Chàng Ngốc Thứ Hai nên cũng chỉ được thêm 2 câu thì hết giờ:
         Con cóc ngồi đó
         Con cóc nhảy đi.
Cả 6 câu của 3 Chàng Ngốc hợp lại, tuy dài hơn, có thứ tự lớp lang như một câu chuyện, cũng chỉ là cái phần mào đầu, dọn cảnh (Cảnh), chưa có ai Tức Cảnh Sinh Tình nên vẫn chưa có Thơ.
Giá như một trong ba chàng Ngốc (ai cũng được) làm thêm đoạn dưới đây:
         Nhìn con cóc nhảy
         tôi nhớ những ngày xưa
         thơ dại
         tôi cùng cô bé bên nhà
         sau cơn mưa
         cầm giỏ đi bắt cóc nhái
         chơi mở quán bán hàng
       (PĐN chế ra để minh họa)
thì đã có chút cảm xúc, thương nhớ, vấn vương một kỷ niệm thời nhỏ dại. Và chúng ta đã có Thơ (hay dở lại là chuyện khác).
Như vậy, “Thơ Con Cóc”, tuy đã vượt lên trên các loại ca dao, vè, kệ, văn vần … , là “những câu thơ dọn cảnh” đã qua được cửa ải “tâm đối cảnh”, nhưng vì không có những câu Sinh Tình để bám vào ăn theo nên cũng chỉ mới có điều kiện cần, chưa đủ để được gọi là Thơ.
Nếu cách giải thích này may mắn được độc giả chấp nhận thì “Thơ Con Cóc” không phải là thơ. Những ai cho “Thơ Con Cóc” là một bài thơ hay, hoặc dở (3) không những chỉ … trật lất mà còn … trật lất đến hai lần.
Phạm Đức Nhì
Chú thích:
3/ “Thơ Con Cóc” là trường hợp quá đặc biệt, nằm trong cái ngách hẹp giữa ranh giới của thơ và những thứ không phải thơ, nên có dạo trong bài Thầy Trò Tam Tạng Và Thơ tôi đã lầm lẫn gọi nó là thơ; và là thơ dở vì không có cảm xúc. Tôi viết bài này gọn hơn, chi tiết hơn, đi xa hơn để làm rõ điểm lầm lẫn của mình.

                                                                          Phạm Đức Nhì

READ MORE - THƠ CON CÓC CÓ PHẢI LÀ THƠ? - Phạm Đức Nhì