Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 5, 2015

MƯA XUÂN - Thơ Nguyễn Khôi



Tác giả Nguyễn Khôi. Sinh 1938.
Quê: Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đ/c: 39/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. 


MƯA XUÂN

                 
Đã thấy " mưa xuân phơi phới bay
Hoa Xoan lớp lớp rụng rơi đầy" (1)
Nguyên tiêu Hà Nội mùa trẩy hội
Đường phố râm ran suốt cả  ngày...
                       
Chùa, Đền được bữa người chen chật
Dân đi "giải hạn", lễ cầu may
Niềm tin Thần Phật xin tài lộc :
-"Thăng quan, tiến chức...túi Tiền đầy..."
                       
Văn Miếu : bầy đàn Thi Nhân dạo
Thơ thả lên trời...
                         "hích" vỗ tay
Thơ xả tờ rơi cho thiên hạ
Mong được "để đời" một câu Hay...
                        
Tháng giêng rằm tết "hên" số một (2)
Gà luộc bày cúng mâm cỗ đầy
Quán Bia dân nhậu xôm cá cược
Sợ nhất mấy chàng Xe máy say...
                         
Cành Bàng lá đỏ rơi lả tả
Vàng rực Lộc Vừng lá đang thay
Mấy em áo dạ đi lễ hội
Đặc sản "mưa phùn" mướt tóc mây...

Hà Nội, rằm tháng giêng - Ất Mùi
                Nguyễn Khôi
---

(1) Thơ Nguyễn Bính
(2) Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng.

READ MORE - MƯA XUÂN - Thơ Nguyễn Khôi

ƯỚC NGUYỆN CUỐI CÙNG – thơ Ngô Hồng Trung




Tác giả Ngô Hồng Trung


ƯỚC NGUYỆN CUỐI CÙNG 

Để nhớ mãi các bạn:
Nguyễn Hoàng Ý, Đỗ Quang Trị, Ngô Thị Hoa, Nguyễn Khắc Phước,  
Trần Văn Thuận, Hà Vân, Lê Trung Thuận, Nguyễn Công Hiệu, 
Lê Minh Tuân,  Đỗ Như Hòa, Trần Văn Quý, Đinh Thị Quý, 
Huỳnh Tấn Mạnh, Nguyễn Vĩnh, Trần Thị Thu Vân, 
Hoàng Thái Dương, Thân Thị Hồng Nhung, 
Phạm Thị Lệ Thùy và Đoàn Thị Lộc.

Ước nguyện chuyến đi xa khi có thể
Thăm tình thâm và lang bạt giang hồ
Thoài mái bạn bè quanh cuộc cà phê
Tán thỏa thích, hèn sang qua kim cổ…

Hương thơm ngấy dĩa bánh xèo mới đổ
Chén rượu quê sóng sánh ánh trăng vàng
Nhắc chuyện xưa thời khố-rách-áo-ôm
Chờ mì nóng đêm rao vang “kiệt” nhỏ

Nếu được chăng sẽ bắt đầu từ Huế
Gió Sông Hương ký ức tự tuôn trào
Không gì hơn nhiều “chí cốt” bên nhau
Vì đâu thể được trùng phùng tái ngộ!

Vào Đà Nẵng trút cạn bầu tâm sự
Hát nhau nghe, thơ đọc để cùng bình
Thăm Ngũ Hành Sơn, đêm dạt Mỹ Khê
Con cháu chào thưa ngỡ mình Hoàng Đế

Ghé Quảng Ngãi thèm tô mì Sông Vệ
“Mâm cao cỗ đầy” kèm chiếc bánh đa
Đêm Sa Huỳnh ăn đặc sản quê ta
Quặn thắt đau thời đạn bom giày xéo!

Đức Phổ ơi! Ngôi trường đầu tiên đó
Dù rằng nay đã thay đổi họ tên?
Ai nhớ tôi xin một mực tri ân
Ký ức ngất ngây bóng cây ngọn cỏ!

Về Bình Định như diều hoa gặp gió
Bạn Phú Phong, bạn ấp ủ Diêu Trì
Thăm Quy Nhơn, vô trường cũ cố tri
Dốc Ghềnh Ráng dâng hương Hàn Mặc Tử

Xuôi Phú Yên, tạt Đồng Xuân xem thử
Người bạn già miền núi sống làm sao?
Tuy Hòa khều chân thằng bạn to cao
Đã vất vưởng nhiều năm vùng kinh tế?

Dừng Xuân Lộc thăm cụ ông lớp trưởng
Tóc phơ bay như hiền triết ngàn xưa
Hương cố đô ấm áp karaoke
Đêm Đông Nai, nhìn “nai đồng” trêu giỡn…

Xe băng băng tới Sài Thành vừa sáng
Bởi áo cơm nhiều bạn chọn nơi này
Một bữa ra trò để thắm cái say
Gom kết thâm tình đồng-môn-đồng-nhất

Tuyệt vời quá nếu giấc mơ được thật
Ngày mãn phần thần thức trọn niềm vui
Chuyện giàu sang hay một thoáng vá vai…
Chẳng là sao nhiều bạn bè huynh đệ!

                      Ngô Hồng Trung

Sinh; 1952
Quê quán: thị Trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tình Phú Yên.
ĐT: 0984496044.

Tác phẩm đã xuất bản:
Trong cỏ vẫn có hương, 1999
Thu Chiều, 2002
Chia tay nơi em đến, 2005
Bóng núi không dài, 2011
Tuyển tập 44 bài thơ tình, 2014



Trích từ Tuyển tập 44 bài
THƠ TÌNH
Tác giả: Ngô Hồng Trung, 
NXB Văn hóa-Văn nghệ,
2014
(Tác giả gởi tặng)

READ MORE - ƯỚC NGUYỆN CUỐI CÙNG – thơ Ngô Hồng Trung

Thơ Nguyễn Trung Giang: CHIA / TẠ LỖI ĐỜI


Tác giả Nguyễn Trung Giang



CHIA

Sao ta không chia cho cân
Xếp vùng kỷ niệm chia phần đều nhau
Từ khi chung vốn mua sầu
Chưa tan buổi chợ đã đau gánh gồng
Chợ tan em đi lấy chồng
Tôi rao bán nỗi niềm mong đợi người!



TẠ LỖI ĐỜI

Tôi biết ngày xưa em vội vàng
Neo đò. Tôi đợi đón em sang
Lạnh lùng em lội qua bên nớ
Tôi đập con đò vỡ tràng giang

Em dạt bờ nào hay vẫn trôi
Trên dòng sông cũ còn bóng tôi
Và em và mãnh con đò vỡ
Hai đứa chắp tay tạ lỗ đời

Nguyễn Trung Giang
Địa chỉ: Ấp 3, Tân Hiệp, Long Thành, Đồng Nai
ĐT: 01648892257



Trích từ tập thơ 
TÂN HIỆP 8,
NXB Hội Nhà Văn,
2014.
Nhiều tác giả.
(Nguyễn Trung Giang gởi tặng)



READ MORE - Thơ Nguyễn Trung Giang: CHIA / TẠ LỖI ĐỜI

VƯỜN HOA XUÂN TAO ĐÀN - thơ Hoài Huyền Thanh




VƯỜN HOA XUÂN TAO ĐÀN

Dê mẹ dê con ngẫng cao đầu bên nốt nhạc
Réo rắt cung đàn hòa tiếng hát chào xuân
Hoa muôn sắc khoe mùa vui diễm tuyệt
Dê núi rừng lạ lẫm bước chồn chân

Thềm nhà Tổ,hương nguyện cầu bay nghi ngút
Chậu mai vàng khoe nụ đón mùa sang
Mờ mịt khói, vái van gì em nhỉ!
Không khóc mà sao lệ ứa hai hàng

Vẫn là đá muôn hình vạn trạng
Bao giải vàng giải bạc, lắm kỳ công
Xanh một màu xanh giữa cát viền trắng xóa
Kiên cường thay hoa đẹp xương rồng

Lan khắp nẻo gợi  tình hoa Hồ Điệp
Cô cô cậu cậu.. réo gọi chụp hình
Hồng đất sét thẹn thùng bên Thược  Dược
Hoa giả bình yên nép bóng tùng quân

Trên sân khấu tưng bừng  ngày lễ hội
Bốn mươi năm nào phải chuyện tình cờ
Đoàn văn công diễn mùa xuân đẹp nhất
Lay lắt lòng ta xuân ngỡ như mơ

Bao đứa trẻ khoe áo vàng áo đỏ
Quà đầy tay ríu rít nắng nhung tơ
Bên kia phố, cách một con hẻm nhỏ
Vài trẻ mồ côi lem luốc dáng bơ phờ.

                   HOÀI HUYỀN THANH

                       Xuân Ất Mùi 2015
READ MORE - VƯỜN HOA XUÂN TAO ĐÀN - thơ Hoài Huyền Thanh

BUỒN TRONG KỶ NIỆM - thơ Trúc Thanh Tâm




BUỒN TRONG KỶ NIỆM

Yên bình trở lại phố xưa
Tìm em mới biết người mua mất rồi
Anh nghe động đất chỗ ngồi
Dường như trái phá nổ thời chiến tranh

Con đường vẫn lá me xanh
Nhưng cây tình ái gãy cành thiên hương
Sầu giăng khắp những ngã buồn
Tim anh đau nhói vết thương nơi lòng

Lỡ làng con sáo sang sông
Anh ôm kỷ niệm cõi hồng trần mưa
Nụ hôn đêm đó thành thơ
Theo anh khắp chốn giang hồ, em ơi

Duyên ta định số do trời
Tình ta là nợ cột rồi mối tơ
Yêu nhau từ thuở học trò
Bốn lăm năm cũ, bây giờ là đây !

Tháng 3. 2015
TRÚC THANH TÂM


READ MORE - BUỒN TRONG KỶ NIỆM - thơ Trúc Thanh Tâm

Đến với bài thơ hay: MÙA XUÂN - Hoàng Tấn Linh đọc thơ Võ Văn Luyến


ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY:  MÙA XUÂN
Hoàng Tấn Linh đọc thơ Võ Văn Luyến


Nhà thơ Võ Văn Luyến
Gương mặt Võ Văn Luyến không còn xa lạ với bạn yêu thơ, nhất là thơ trẻ Quảng Trị, bởi anh đã đến với thơ từ khi còn mặc áo lính, khi đắm mình trên tầng ba trường Đại học Sư phạm những năm 80 của thế kỉ trước. Nhẹ nhàng, trầm mặc, dung dị, cổ kính là biểu hiện thường thấy ở những trang anh viết. Bài thơ Mùa xuân trong tập Sự trinh bạch của ngọn nến, (NXB Hội nhà văn, 2007) là lời xuân ca tình tự đằm thắm, ngọt ngào trong dư vị tiếng nói xuân thì đưa anh đến niềm sống, tình yêu trong sự vần vũ của thời gian.

Đến với Mùa xuân của Võ Văn Luyến, ấn tượng đậm nhất gieo vào lòng người chính là cảm giác lạ. Không câu nệ, không khuôn sáo, anh đến với hương xuân bằng sự lắng đọng của tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.

Mùa xuân dắt tay qua đồng cỏ
Nắng vàng như em đủ nhớ một đời
Ta nghêu ngao bài ca du mục
Bầy chim ri rỉa cánh bên trời
Ngọn gió nào kết nên hương lạ
Ta cỗi cây đành vẫy bút thiên di
Em tơ nõn, kiếp ta đòi xanh lá
Cháy trăm năm da diết tuổi xuân thì

Ngày xuân thuần khiết trong thơ là không gian sáng rỡ; rất sáng của một tâm hồn đa cảm. Thế giới xuân như một di ảnh đa tình, đồng cỏ đầy nắng vàng, ngọn gió đậm hương lạ, lộc biếc trên cành tơ nõn, bầy chim ri rỉa cánh bên trời. Vẻ cao rộng vừa xa vừa gần lâng lâng một cảm giác mê hoặc được tạo bởi một thanh âm rất trong, hoặc tưởng chỉ có tâm hồn thi sĩ lắng đọng trước tạo vật.

Vài nét chấm phá bức tranh xuân của anh đã khiến lòng người rộn ràng, thổn thức. Đồng cỏ rộng ươm đầy nắng, chất chứa trong cái dắt tay đầy niềm dấu ái. Mùa xuân dắt tay, bạn nghi ngại gì về điều đó, hãy lắng hồn mình trong khúc ca diệu vợi. Xuân là em, ta bên em đồng điệu song hành; em đưa ta về bên xuân trải rộng. Ta đi trên đồng cỏ xuân, nơi vi diệu của tâm hồn ta là khúc tự tình xuân ca.

Mùa xuân dắt tay qua đồng cỏ
Nắng vàng như em đủ nhớ một đời
Ta nghêu ngao bài ca du mục
Bầy chim ri rỉa cánh bên trời

Xuân ca rạo rực, rộn ràng loa toả trong tâm hồn thi nhân. Hình ảnh nắng vàng như em là một phát hiện lạ, rất lạ khi tơ tình mùa xuân của nhà thơ tan loãng, phân thân trong khúc điệu của xuân. Nắng xuân của niềm dấu ái, nắng đủ nhớ một đời; nắng của sự cảm nhận, sự chiêm nghiệm độc đáo. Độ lắng của ngôn từ được đo bằng sự rung cảm và chan hoà. Trên cao, đàn chim ri rỉa cánh bên trời hay là sự hiện hữu của không gian cao xanh. Bầu trời trong vắt, thanh âm đàn chim rỉa cánh không làm lay động nắng vàng mà ngược lại là sự điểm tô, khắc hoạ thêm một thanh điệu xuân ca. Bức tranh thật đẹp, đẹp cả trong độ lắng tâm hồn thi nhân. Cái ta của tác giả là sự mặc nhiên của cái tôi tự tại; hai tiếng nghêu ngao không dừng lại ở việc thưởng ngoạn mà là sự tan loãng. Ngày lên, xuân đến thật ý vị, mang một dấu ấn khó phai.

Bất chợt trong hương xuân của Võ Văn Luyến là “thanh sắc thời tươi” (Lời thơ Xuân Diệu). Hương xuân thật lạ nhưng đằm thắm: Ngọn gió nào kết nên hương lạ

Ta cỗi cây đành vẫy bút thiên di
Em tơ nõn, kiếp ta đòi xanh lá
Cháy trăm năm da diết tuổi xuân thì

Không gian mùa xuân hiện ra gần hơn, gần đến nội tại tâm hồn tác giả. Lần này em không dừng lại ở nắng vàng nữa mà là sự tơ nõn của lá; lá tơ nõn để ta ngẩn ngơ một kiếp. Sức xuân trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ!. Tôi nhớ, có lần bên bờ sông Đà lặng tờ, Nguyễn Tuân cũng đã dùng hai tiếng nõn búp để diễn tả sức sống, màu xanh đang trỗi dậy của miền Tây Bắc. Võ Văn Luyến thì khác, cái ta (cái tôi hiện hữu của tại ngã) hoá thân vào cỏ cây để lắng mình trong sự tơ nõn, cảm nhận trong từng khoảnh khắc sức xuân đang trào dâng. Tận đáy lòng của tâm hồn yêu đời của thi nhân trỗi dậy bằng ta cỗi cây, kiếp ta đòi xanh lá. Ta lắng mình, ta đi trong kiếp cỏ cây để lắng nghe từng tiếng tơ lòng của mùa xuân đang đến. Chỉ có cỏ cây, chỉ có em tơ nõn mới giữ được hồn ta. Ta bỏ lại tất cả, ta vẫy bút thiên di mà không một ngôn từ nào đánh đổ, mã hoá được kiếp ta đòi xanh lá.

Mùa xuân trong thơ Võ Văn Luyến thật lạ, thật đẹp. Đẹp đến nao lòng, bởi đó là sự hòa hợp giữa hương đất trời xuân ca và độ lắng đến chân xác tâm hồn nhà thơ. Câu thơ cuối hiện ra kết nối tình yêu đất trời và hương xuân của con người. Mùa xuân đã cảm hoá được cái ta ngêu ngao an nhiên giữa nắng của tác giả, đã soi vào gương mặt xuân xanh hương lạ mỗi người.


Tác giả Hoàng Tấn Linh
Xuân lòng. Lòng thi nhân đã hướng về cuộc đời. Nên chăng xuân đất trời cũng là xuân của con người. Ta đi trong xuân, nghe trong đó kiếp xuân thì và cả những gì nhuận sắc nhất ta dâng cho đời. Ngọn lửa tình rạo rực hương xuân rồi sẽ cháy hết, sáng rực lẽ sống cho đời. Phải chăng, đó là thông điệp mà Võ Văn Luyến dành cho cuộc đời, mỗi người vào độ xuân về. Hình ảnh thơ cháy trăm năm da diết tuổi xuân thì một lần nữa đánh thức ở chúng ta ý thức về niềm sống, ý thức về chính mình, tuổi mình trước tạo vật.

Tứ thơ Mùa xuân của Võ Văn Luyến thật nhẹ nhàng, dung dị mà sâu sắc, bằng lặng nhưng lại rất mãnh liệt dữ dội; dường như đó là chuỗi kết nối của những trải nghiệm, bởi ngoài Mùa xuân, anh còn đến với hương đất trời bằng Mùa xuân gõ cửa, bằng Bất chợt mùa xuân, Mẹ ơi xuân đến rồi kìa. Tin rằng những vần thơ đó là minh chứng của tâm hồn tha thiết cháy trăm năm da diết tuổi xuân thì.

                                                        Hoàng Tấn Linh 


Trích từ tập sách: 
ĐỐI NGỌN ĐÈN KHUYA, 
tác giả Võ văn Luyến,
NXB Thuận Hóa,
2014.
(Tác giả gởi tặng)

READ MORE - Đến với bài thơ hay: MÙA XUÂN - Hoàng Tấn Linh đọc thơ Võ Văn Luyến

TRÒ CHƠI NGÀY TẾT XỨ HUẾ: XĂM HƯỜNG - Lê Duy Đoàn





Trò chơi ngày Tết xứ Huế: XĂM HƯỜNG


Sáng mồng 7 tháng giêng năm Đinh Hợi, tôi đang chiên mấy miếng bánh tét thì nghe vợ tôi gọi với xuống từ lầu một:” Anh Đoàn ơi ! Họ nói về Xăm Hường trong chương trình VTV1 của truyền hình VN kìa”. Tôi vội bật TV, vừa kịp lúc phóng viên đang phỏng vấn một người dân sống ở phố cổ Hội An, đứng bên cạnh một nhóm người đang chơ Xăm Hường ngồi trên một chiếc chiếu trải giữa nền của một ngôi nhà rường sang trọng. Người Vieetjgoocs Hoa này bảo rằng trò chơi Xăm Hường là một trò chơi của người Hoa, được du nhập vào Việt Nam do người Minh Hương (Việt gốc Hoa) từ rất lâu khi tổ tiên họ chạy sang nước ta và được vua chúa Triều Nguyễn cho lập thành làng gọi là Minh Hương.

Tôi nhận thấy những câu hỏi của phóng viên lẫn câu trả lời của người được phỏng vấn đều mang tính võ đoán và thiếu căn cứ. Một phát biểu như vậy trên phương tiện truyền thông dễ gây ra ngộ nhận về xuất xứ của trò chơi Xăm Hường

Bài viết này nhằm xác định trò chơi Xăm Hường được  bày ra để làm trò tiêu khiển trong nội cung Triều Nguyễn. Sau đó, những người trong Nguyễn Phước Tộc và các quan lại  mang trò chơi này ra ngoài cung và trò chơi trở nên phổ biến từ thành thị đến nông thôn Huế và Thừa Thiên.

Người dân các xứ Quảng (Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi) cũng có vài gia đình chơi trò Xăm Hường. Những gia đình này có thể là người gốc Huế hoặc trong dòng tộc có người làm quan trong triều đình Huế và từng có thời gian làm việc ở đây, họ có dịp chơi nên thích trò này.

Vào trong Nam hay ngoài Bắc, trò chơi này hoàn toàn lạ lẫm.

Như vậy, trò chơi Xăm Hường ví như vết dầu loang, từ cung đình Huế lan ra khắp Huế và Thừa Thiên rồi tỏa ra các vùng xứ Quảng, rồi thôi. Những vùng xa như Bình Định, Phú Yên trở vào đến Cà Mau, từ Quảng Bình trở ra Bắc hầu như chẳng ai biết trò chơi này.

Trở lại bài phỏng vấn về Xăm Hường trên VTV1, bảo rằng Xăm Hường có nguồn gốc từ Trung Quốc là không có căn cứ vì nếu người Minh Hương đem trò chơi này du nhập vào Việt Nam thì không cứ gì có người Minh Hương ở Hội An chơi trò này mà người Minh Hương ở Chợ Lớn là một cộng đồng người Hoa rất rộng lớn lại không biết? Dòng họ Mạc Thiên Tích lập nghiệp ở Hà Tiên ắt cũng phải đem trò chơi thú vị này du nhập chứ sao lại không nhỉ?

Để chứng minh thêm trò chơi Xăm Hường phát sinh từ nội cung triều Nguyễn, tôi dẫn ra đây vài chứng cứ:

1. Nếu phát sinh từ các triều vua trước ở Thăng Long, thì với mức thẩm thấu của trò chơi này, ít nhất là người ở Đông Đô Hà Nội phải có người biết. Dân Bắc chẳng ai biết xăm hường.

2. Trò chơi được gọi một cách thuần Việt là“XĂM HƯỜNG”. Tên gọi này chỉ ra việc từ chữ Hồng nói trại ra thành chữ Hường. Chắc chắn là những người ở Hội An không thể nói tên gọi của trò chơi này theo một cách gọi của người Tàu (ví dụ như Hồng Thiêm, chẳng hạn ) mà chỉ có thể gọi một cách thuần Việt và Huế đặc là Xăm Hường.

3. Trò chơi Xăm Hường chắc là được bày ra sau đời vua Minh Mạng.

Để thiết lập một nền quân chủ kỷ cương, năm 1832, vua Minh Mạng sai ông Đinh Hồng Phiên (có nơi  ghi là Đinh Nguyễn Phiên) soạn Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi, mỗi bài có 4 câu 5 chữ để phân biệt dòng chính và dòng thứ trong Nguyễn Phước Tộc. Đế hệ thi có 4 câu:

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương

Bài Đế hệ thi được khắc trong một cuốn sách bằng vàng, cất trong hòm vàng đẻ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các bài Phiên hệ thi cũng được khắc trong các cuốn sách bằng bạc.

Chữ Hồng (màu đỏ) nói trại ra thành Hường, kị húy Hồng Nhậm, tên vua Minh Mạng. Đây là lối nói tránh những từ huý kị rất phổ biến ở Huế, ví dụ như cửa Đông Hoa nói trại thành Đông Ba vì chữ Hoa là kị húy Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng.

4. Trong dịp Festival Huế 2006, chương trình lễ hội có Đêm Hoàng Cung, Ban tổ chức đưa vào nhiều loại hình văn hóa Huế, trong đó có trò chơi Đổ Xăm Hường. Dịp này, ông Giám đốc Bảo tồn Bảo tàng Cố đô Huế phát biểu rằng ông đã đi đến rất nhiều bảo tàng dân tộc học của Trung Quốc nhưng không nơi nào có dấu vết của trò chơi Xăm Hường.
           
                                
*   *   *
Tác giả Lê Duy Đoàn

Nhân đây tôi xin trình bày thêm những điều liên quan đến trò chơi Xăm Hường, một trò chơi phù hợp với niềm hân hoan của con người trong ngày Tết, phù hợp với việc tạo một không khí ấm cúng, đầy tình thương yêu gắn bó các thành viên trong gia đình,bằng hữu từ già tới trẻ, ai chơi cũng được, cũng vui, thậm chí người không biết luật vẫn ngồi vào chơi được như thường.

Người ta thường chơi Xăm Hường trong mấy ngày tết, có kéo dài lắm thì cũng đến hết mùng thì thôi. Đây là một trò chơi tao nhã vì không ai dùng Xăm Hường để sát phạt. Hầu như không có tiếng cãi cọ, cay cú trong lúc chơi, chỉ có tiếng cười vui rộn rã hòa với tiếng leng keng vui tai của nạm hột súc sắc xoay tròn trong tô kiểu cùng tiếng lách cách của những thẻ hường va chạm nhau.

Số lượng người tham dự trò chơi này có thể lên đến 12 người hay nhiều hơn nữa nếu chúng ta biết cách chơi. Do đó, Xăm Hường rất phù hợp với không khí gia đình chung vui trong ngày Tết.

Chẳng ai chơi Xăm Hường mà tính chuyện gian lận vì không ai có thể điều khiển được một lúc 6 hột súc sắc. Tính minh bạch của trò chơi rất cao, 6 hột bày ra rõ ràng trước bao nhiêu cặp mắt nên người không biết tí gì về Xăm Hường cũng có thể ngồi vào chơi thoải mái, chỉ cần thả hột vào tô thì có người đọc và lượm thẻ giúp. Chỉ qua vài ba ván là biết được luật chơi liền.

Nhiều người tin rằng chơi Xăm Hường như một cách bói quẻ tốt xấu đầu năm. Trong cuộc chơi, ai lấy được Trạng anh (Trạng Nguyên), Trạng em (Bảng Nhãn, Thám Hoa) nhiều lần thì chắc cả năm danh tài đắc lợi, công việc hanh thông, thăng tiến. Trước ăn sau thua thì đầu năm tốt, nữa năm về sau xấu và nếu trước thua sau ăn thì ngược lại tiền hung hậu cát.

Nếu bị cướp trạng thì coi chừng những điều xui rủi, công việc gãy đỗ giữa chừng.
Hên nhất là ngũ hường đoạt tam khôi, cướp một lúc 3 ông trạng chắc là trong năm có cơ hội hoạnh phát tài lộc. Khó nhất là lục phú, tức là 6 hột súc sắc cùng hiện ra một mặt giống nhau. Vì là cực kỳ khó nên người ta tin rằng điều quá tốt hiển hiện thì có sự việc quá xấu tiềm ẩn.

Những điều cần biết về trò chơi Xăm Hường:

1. Vì sao Xăm Hường dùng mặt tứ (4) làm chuẩn của trò chơi?

Xăm Hường là một trò chơi mang tinh thần khuyến học. Đổ Xăm Hường là gieo 6 con súc sắc để dành những chiếc thẻ khắc ghi các học vị trong hệ thống khoa cử ngày xưa.  Trong trò chơi Xăm Hường cũng có các cấp đỗ đạt như vậy mà phần thưởng cho người chơi là những thẻ xăm hường, trong đó cao nhất là Trạng Nguyên.

Có lẽ nhiều người thắc mắc vì sao người bày ra trò chơi này lại lấy mặt tứ (4) làm chuẩn, trong khi mặt nhất (1) cũng có màu đỏ.

Vì là chốn quan trường nên cung quan là chủ đạo của trò chơi. Người ta đã lấy hào tứ của quẻ Dịch làm chủ đạo.

Trong quẻ Dịch có 6 hào, từ sơ hào đến hào thượng. Sáu mặt của hột súc sắc (nhất - nhì - tam - tứ - ngũ - lục) tương ứng với 6 hào.  Mỗi quẻ 6 hào tương ứng với 6 ngôi phân biệt trong xã hội quân chủ. Hào Đầu là ngôi thứ dân, hào Hai là ngôi tư mục, hào Ba là ngôi đại phu, hào 6 là ngôi trời, hào 5 là ngôi vua (cửu ngũ) và hào 4 là ngôi quan lớn (đại thần) nên người bày ra trò chơi này lấy mặt tứ làm chủ đạo cho trò chơi. Mặt tứ có màu đỏ được gọi là Hường vừa vuông vắn, vừa đẹp lại vừa có ý nghĩa như thế.

Người ta dựa trên thuật toán xác suất và căn cứ vào tần suất xuất hiện của các mặt súc sắc để định ra luật lệ trò chơi. Càng khó xuất hiện (tức là xác suất thấp, tần suất xuất hiện ít) thì mức thưởng càng cao. Từ đó hình thành ra các loại thẻ xăm hường.

Bộ thẻ Xăm Hường được lập theo thứ tự quẻ Dịch: Thái Cực (1), Lưỡng Nghi (2), Tứ Tượng (4), Bát Quái (8) từ đó tăng dần lên theo cấp số nhân mà công bội là 2. Nếu tính đơn vị là 1 thẻ nhất hường (giá trị là 1) thì tổng giá trị của cả bộ Xăm Hường là 192 đơn vị, chia ra làm 6 loại thẻ, mỗi loại thẻ trị giá 32 đơn vị gọi là 1 Trạng.

I. Tên gọi và giá trị của các loại thẻ Xăm Hường:


TT
Tên gọi
Giá trị
Số lượng (thẻ)
1
Thẻ Trạng Nguyên (dân gian gọi là Trạng anh)
32
1
2
Thẻ Bảng Nhản, Thám Hoa (Trạng em)
16
2
3
Thẻ Tam Hường
8
4
4
Thẻ Tứ Tự (hay Tứ Tấn)
4
8
5
Thẻ Nhị Hường
2
16
6
Thẻ Nhất Hường
1
32


Tổng mỗi loại thẻ có giá trị 32 đơn vị gọi là 1 trạng x 6 = 192 đơn vị, người ta gọi là 6 Trạng.

Nhất hường tương đương với cấp đỗ đạt là Tú Tài, nhị hường tương đương Cử Nhân. Thẻ Tam Hường còn gọi là thẻ Tam Hường Hội nguyên.

Như vậy chỉ với 1 bộ 6 hột súc sắc và một bộ thẻ như trên với 1 cái tô kiểu tiếng kêu thanh tao là ta đã sẵn sàng cho một cuộc chơi vui thú.

(Còn tiếp.)

                                                                                              LÊ DUY ĐOÀN

     

Trích từ tập sách:
ĐI TÌM NHÀNH HOA THẠCH THẢO,
Tác gỉả LÊ DUY ĐOÀN,
NXB Thanh Niên,
2014.
(Tác giả gởi tặng)

(Kì sau: Những qui ước trong trò chơi Xăm Hường) 
READ MORE - TRÒ CHƠI NGÀY TẾT XỨ HUẾ: XĂM HƯỜNG - Lê Duy Đoàn