Nhà thơ Võ Văn Luyến |
Võ Văn Luyến thức cùng trang văn
(Nhân đọc cuốn sách “Đối ngọn đèn khuya” - tập nghiên cứu và
phê bình văn học của Võ Văn Luyến, NXB Thuận Hóa, Huế 2014)
Bên cạnh chân dung con người sáng tác với diện mạo
của một nhà thơ, Võ Văn Luyến còn có gương mặt thứ hai của một người làm khoa
học: nghiên cứu và phê bình văn chương.
Phần đầu cuốn sách, tác giả nghiên cứu về “Đặc điểm nghệ
thuật thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại”. Đề tài mang tính học thuật này cũng là
một thử thách không nhỏ đối với những ai lao tâm khổ tứ từ góc nhìn thể loại.
Hơn nữa, thơ tứ tuyệt tuy là thể thơ truyền thống có tuổi đời ngang ngửa ông
Bành Tổ, nhưng lại không phải nhất thành bất biến hoặc ít thay đổi trong nội
dung và hình thức biểu hiện. Thể loại “bé hạt tiêu” này vận động liên tục và
ngày càng tung hoành, thể hiện một nội lực ghê gớm và không ngừng biến hóa
trong đời sống văn học hiện đại. Đây là địa hạt thú vị nhưng lại không hề đơn
giản, nó đòi hỏi sức đọc, sức nghĩ và sức viết của người làm khoa học. Chính vì
thế, người viết đã dành nhiều tâm can và bút lực cho những trang viết giàu chất
lý luận nghiên cứu phê bình.
Ngay trong lời nói đầu của công trình khoa học về thơ tứ
tuyệt, nhà nghiên cứu Võ Văn Luyến đã nhìn nhận sức sống mãnh liệt và sự bùng
nổ của thể loại này trong văn chương Việt ngày nay. Theo đó, tác giả đã chỉ ra:
“Thơ tứ tuyệt là hiện tượng độc đáo của đời sống văn học. Sự quay trở lại rầm
rộ với thể thơ tứ tuyệt (sáng tác, vận động dư thi, in tập của từng tác giả, in
tuyển...) là dấu hiệu của sự thích ứng, phù hợp tâm lý sáng tác và tiếp nhận
của thời hiện đại” (Đối ngọn đèn khuya, trang 8).
Chương một “Thơ tứ tuyệt-cổ điển và hiện đại” đã khái quát
một số quan niệm về thơ tứ tuyệt. Trong phần này, tác giả đưa ra một cách nhìn
về thể loại không nên quá câu nệ vào hình thức tứ tuyệt theo cách hiểu truyền
thống, vì như vậy nó vừa gò bó, máy móc “họa bì” chưa “họa cốt” dễ dẫn đến nguy
cơ đẽo chân cho vừa giày, lại vừa không bao quát hết những sáng tác hiện đại
với những tìm tòi thể hiện vượt thoát khỏi những “khuôn vàng thước ngọc” cổ
điển: “Quả thực, văn hóa tri thức ngày càng đóng vai trò biểu cảm. Thơ suy
tưởng mỗi ngày một nhiều hơn, biểu hiện thơ đa phức, đa tầng hơn. Tính triết lý
là dấu hiệu nổi trội trong thơ, nhưng nhìn toàn cục thì độ đậm đặc triết lý
trong thơ tứ tuyệt thấy rõ hơn, dường như tứ tuyệt là một thể thơ đắc địa, một
mô hình cho tư tưởng giãi bày. Có phải vì thế mà thơ tứ tuyệt đang có chiều
hướng gia tăng và ra đời với một gia tốc đáng được chú ý vào cuối thế kỷ XX
này” ( tr.17, sđd ).
Từ đó, nhà nghiên cứu đề xuất một quan niệm tương đối mới về
thơ tứ tuyệt: “Theo chúng tôi, tứ tuyệt là một thể thơ bốn câu bao gồm nhiều
dạng (ngoài năm, bảy chữ còn có cả bốn, sáu, tám, lục bát, tự do) chứa nhiều
vấn đề nhưng trong mỗi vấn đề chỉ chọn ra một khoảnh khắc bất ngờ, đầy tính
khám phá phát hiện, tính triết lý bằng việc đặt đối tượng phản ánh trong các
mối quan hệ để bật ra một khía cạnh nào đó thuộc về bản chất” (tr.18, sđd).
Trong chương hai: “Diện mạo thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại
qua các chặng đường văn học”, tác giả bằng thao tác khoa học đã đưa ra bảng
thống kê về sự thay đổi của các thể tứ tuyệt, từ năm chữ, bảy chữ, bốn chữ, sáu
chữ, tám chữ, lục bát, thơ tự do qua các giai đoạn: 1900-1945, 1945-1975, 1975
đến nay. Sự thắng thế của thể thơ bốn chữ, sáu chữ, tám chữ và thơ tự do từ năm
1975 về sau đã cho thấy xu hướng tự do hóa trong hình thức thể hiện ngày càng
rõ nét trong thơ nói chung và trong thơ tứ tuyệt nói riêng. Phần này cũng đã
phân tích và khẳng định sự đóng góp về phương diện sáng tác của các nhà thơ
Việt Nam sau năm 1975 như Trần Mạnh Hảo và đặc biệt là Chế Lan Viên. Sự nở rộ
của thể thơ cô đọng, hàm súc này chứng tỏ sức sống lâu bền và sự nở rộ của thơ
tứ tuyệt trong quá trình cách tân. Nhận xét của Võ Văn Luyến cũng rất đáng lưu
ý: “Chủ thể trữ tình được ẩn giấu (do hạn chế ngôn từ) trong thơ tứ tuyệt nhưng
lại tỏa ra từ nhiều cái tôi khác nhau nên người ta tìm đến tứ tuyệt, ở phương
diện thưởng thức, như tìm tới sự thức nhận cuộc sống giàu trí tuệ, tình cảm cho
mình. Rút cục tính triết lý của tứ tuyệt dù ở giai đoạn nào cũng cần điều bổ
ích mà lý thú đó” (tr. 60, sđd).
Chương ba và cũng là chương trọng tâm: “Đặc điểm nghệ thuật
thơ tứ tuyệt” đã có những đóng góp khá quan trọng trong việc nghiên cứu hình
thức biểu hiện của thể thơ này. Võ Văn Luyến đã minh định về cấu trúc thơ tứ
tuyệt với những đặc điểm như: một cấu trúc nhỏ nhìn ra thế giới rộng lớn khi
phân tích những bài thơ của Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Yến Lan, Nguyễn
Bính, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trung Thu...để thấy được quan hệ
ánh xạ đặc biệt giữa nghệ thuật và thế giới khách quan, giữa thơ và hiện thực
cuộc sống; hay sự tìm tòi vai trò, ý nghĩa của mỗi đơn vị câu thơ trong một bài
thơ chỉ có bốn câu trong cấu trúc tứ tuyệt. Sự tháo dỡ “ngôi nhà thơ” tứ tuyệt
để tìm ra đặc điểm của từng câu chính là sự tìm tòi về hình thức mang tính nội
dung, giúp người đọc hiểu sâu hơn “thiết kế” của thể loại này. Tác giả thông
qua phân tích, dẫn chứng, sáng tác cũng đã có những tiểu kết khoa học cần thiết
về ngôn ngữ thơ: “Tứ tuyệt hiện đại giải phóng ngôn từ ra khỏi các công thức
khô cứng để hướng tới cái đẹp khác, cái đẹp của giọng điệu, của tình cảm tự
nhiên, của sắc thái, cá tính, của sự miêu tả cụ thể, tinh tế” (tr.87, sđd).
Kết luận công trình nghiên cứu này, tác giả khẳng định và dự
báo lạc quan về sứ mệnh thể thơ vi diệu: “Trong thời đại bùng nổ thông tin như
hiện nay, thơ tứ tuyệt nhất định sẽ không ngừng phát triển trên cả hai phương
diện: chất và lượng. Cũng như đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, người
ta cần chất hơn lượng mà ở tứ tuyệt “chất thống trị lượng”. Điều này cho thấy
“ai không biết tự hạn chế mình thì không bao giờ biết viết văn” (Boileau). Tứ
tuyệt là một cách biết hạn chế đúng mực vậy” (tr.104, sđd).
Phần hai cuốn sách phê bình giới thiệu tác phẩm thơ văn. Có
thể nhận ra ở đây những cây bút từng sống và viết ở Quảng Trị như Nguyễn Văn
Đắc, Nguyễn Văn Chức, Trần Đình Thành, Lê Văn Hoan, Minh Tứ, Đức Tiên, Nguyễn
Văn Trình, Nguyễn Tài Mỵ, Võ Văn Hoa... hay đã xa quê như Trần Xuân An, Võ Thị
Như Mai...
Dù còn đôi điều cần phải bàn thêm về thơ tứ tuyệt, hay góp ý
nên chọn lọc hơn đối với tác giả thơ, để tránh sự ôm đồm trong một tập sách phê
bình đúng nghĩa, thì người đọc tựu trung, vẫn đồng cảm nhiều và trân trọng lao
động của cây bút Võ Văn Luyến. Trong tình hình viết lách hiện nay, độc giả thêm
trân trọng một cây bút nghiên cứu phê bình lặng lẽ và nghiêm túc, một mình đối
ngọn đèn khuya, thức cùng trang văn để góp nhặt những gì đồng điệu.
PHẠM XUÂN DŨNG
From: HOA VÕ VĂN
<vovanhoahlqt@gmail.com>