Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 12, 2020

ĐỌC “TÂM CA” THƠ NGÃ DU TỬ - Châu Thạch


          
                                   Nhà thơ Ngã Du Tử


TÂM CA

 Nhặt ngọn cỏ dắt vào trong túi áo
 Có đất trời, có cả thảy trăng sao
 Lời kinh rụng giữa đôi bờ hư thực
 Nguồn tâm ca hương ngát ý bay vào

                                        Ngã Du Tử


          
                                   Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “TÂM CA” THƠ NGÃ DU TỬ                            
                                                                  Châu Thạch

 “Tâm” không thể nắm bắt được trên tay vì “Tâm” không phải là vật chất. Tuy “tâm” không phải là vật chất nhưng không có tâm thì vật chất trở nên vô nghĩa, bởi vì cái gì không có tâm thì cái ấy vô tri và vô giác.

Khi nhắc đến “tâm” là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm con người. Mọi hành động của con người đều xuất phát từ cái tâm. Tâm thiện thì suy nghĩ và hành động đúng đạo lí, lẽ phải. Tâm không thiện thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều xấu xa, tội lỗi.

Chữ “tâm” thường được dùng để hướng suy nghĩ của con người đến cái thiện, tu thân, dưỡng tính, sống tích cực và làm nhiều điều tốt lành. Tâm lệch lạc thì cuộc sống điên đảo đảo điên. Tâm gian dối thì cuộc sống bất an. Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù. Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui. Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá.

Khái niệm “Tâm” trong Phật giáo được xem là một trong những phạm trù quan trọng, cơ bản của đạo Phật. Kinh Pháp Cú, vốn được xem như Kinh Thánh của Phật Giáo mở đầu như sau: “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả”. Một cách khái quát, qua các kinh điển Phật Giáo người ta có thể phân biệt sáu loại tâm:

Nhục đoàn tâm : trái tim thịt
Tinh yếu tâm : chỗ kín mật, chỉ cái tinh hoa cốt tu
Kiên thực tâm : là cái tâm không hư vọng, cũng gọi là chân tâm
Liễu biệt tâm : gồm sáu loại nhận thức đầu trong tám thức
Tư lượng tâm còn gọi là Mạt-na thức : thức thứ bảy trong tám thức.
Tập khởi tâm còn gọi là A-lại-da thức dịch nghĩa là tạng thức hay tang thức : chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần; là căn nguyên của mọi hoạt động nhận thức, hoạt động tâm lý; là nơi lưu trữ những hạt giống sinh ra muôn sự muôn vật, hữu hình hay vô hình. Tâm lý học phương Tây thường gọi thức này là vô thức hay tiềm thức”

Tóm lại, dù nhìn dưới khía cạnh nào, có thể nói theo Thiền Tông: Có hai thứ tâm. Một thứ là tâm theo dòng tâm thức, khởi lên rồi diệt, vì ngũ uẩn bị mê mờ bởi tham ái, dục lạc, vọng tưởng; tâm này được gọi là Vọng tâm là tâm của chúng sinh. Hai là Chân tâm có tự tánh là thanh tịnh, không sinh diệt, không dao động, thường vắng lặng, là tánh giác của những vị đã giác ngộ, cũng còn được gọi là Tâm Phật.

 Theo cách mà dân gian Việt Nam hình dung, Tâm có thể là trái tim, Tâm cũng có thể là lòng, dạ, bụng, ruột, thậm chí cũng có thể là gan và chúng có sự phân công về mặt ngữ nghĩa rất khác nhau.

 Với Ki tô giáo, Tâm có thể là linh hồn, tâm hồn
Với nhà Phật, Tâm là thức bao gồm cả ý thức và vô thức.

Với những lập luận như trên ta có thể hiểu “Tâm Ca” của nhà thơ Ngã Du Tử là gì. Đó là tiếng ca cúa trái tim đạo. Đó là tiếng ca của linh hồn, hay đó là tiếng ca của ý thức con người hướng đến chân, thiện, mỹ.

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết 10 bản nhạc có tên  là “Tâm Ca”. Tâm Ca cúa Phạm Duy là tiếng ca nhận diện sự bi đát của cuộc đời và tỏ thái độ, cũng như tuyên ngôn lương tâm trước những điều đã thấy.

Ngược lại với Phạm Duy, “Tâm Ca” của Ngã Du Tử là bài thơ lấy cái tâm là trái tim của mình, lấy cái tâm là ý thức của mình, lấy cái tâm hướng tới tự tính thanh tịnh, không sanh không diệt để hưởng nguồn “hương ngát” dấy lên từ “ý thức” đó.

Vào bài, ta thấy Ngã Du Tử viết một câu thơ hơi lạ kỳ:                       

Nhặt ngọn cỏ dắt vào trong túi áo
Ngọn cỏ thì liên quan gì đến tâm ca?

Có đấy, bài ca nào cũng bắt đầu từ nốt nhạc đầu tiên. Không có nốt nhạc đầu tiên thì không có bài ca bao giờ. Nhà thơ lấy ngọn cỏ làm nốt nhạc đầu tiên cho tâm ca của mình, bởi từ ngọn cỏ nhà thơ thấy sự vi diệu vô cùng của Tạo Hóa. Thực sự, ngọn cỏ cũng được kiến tạo từ đất, nước. gió, lửa là tứ đại, là 4 yếu tố bất di bất dịch mà Tạo Hóa đã dùng nó hình thành nên thế giới vật chất từ cái nhỏ nhất đến cái vĩ đại vô cùng trong vũ trụ.

Đọc thơ, ta suy luận biết được, nhà thơ đứng một nơi nào đó, giữa trời đất bao la có trăng, sao, mây, nước. Tác giả cầm ngọn cỏ lên tay, và ngọn cỏ bỗng nhiên trở thành như một “văn Tự bất lập” để  “trực chỉ nhân tâm”cho tác giả thấy được cái tráng lệ nhiệm mầu của nguyên lý sáng tạo ra thế giới. Nguyên lý ấy là tứ đại có trong vạn ngàn tinh tú trên trời cao  mà cũng có trong ngọn cỏ dưới đất dày. Ngã Du Tử đã thấy một cái thấy mà một tác giả phương Tây đã viết như sau:                                                     

Thấy Vũ Trụ trong một Hạt Cát                          
Thấy Trời nơi một Bông Hoa Dại                         
Nắm Vô Biên trong lòng bàn tay                         
Và Vô Tận trong một khoảnh khắc.

Khi nhà thơ không vất bỏ ngọn cỏ, khi nhà thơ trịnh trọng “Nhặt ngọn cỏ dắt vào trong túi áo” là lúc cái tâm nhà thơ không phải là Nhục Đoàn Tâm (trái tim thịt) mà chính  là Kiên Thực Tâm là chân tâm, là cái tâm không hư vọng đã làm nẩy sinh bài ca trong linh hồn tác giả, một bài ca giác ngộ về sự huyền vi của trời đất.

Từ cái việc Ngã Du Tử “Nhặt ngọn cỏ lên dắt vào trong túi áo”, nhìn ngọn cỏ ngộ ra trong ngọn cỏ  “Có đất trời và có cả trăng sao” đã đưa tâm hồn tác giả chuyển biến qua một trạng thái khác, một trạng thái thăng hoa vượt trên nhận thức đời thương, lấy cái tâm Tập khởi hay còn gọi A-Lại Đa Thức, hay còn gọi Tạng Thức trong Phật Giáo để hiểu ra, đê ngộ được những lời kinh tụng niệm xưa nay, biết được những kinh điển tu tập xưa nay chỉ là “bị mắc kẹt giữa đôi bờ hư thực” nên không thể chấp vào đó nữa. Bây giở, từ nhặt ngọn cỏ làm duyên nghiệp u mê đã hết, quả lành đã đến và lời ca từ tâm ấy ngát hương mới đến trong linh hồn:                          

Lời kinh rụng giữa đôi bờ hư thực                         
Nguồn tâm ca hương ngát ý bay vào

Vì sao lời kinh phải “rụng giữa đôi bờ hư thực” thì “nguồn tâm ca” mới “hương ngát ý bay vào”?
Ta hãy đọc khổ thơ của Nhà Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh           

Ta đứng lên         
gọi đò         
bên bờ sông lau lách         
lá tử sinh cháy đỏ cuối ghềnh xa         
lòng dừng lại, nhìn thời gian huyễn hoặc         
chẳng bao giờ thấy hết cõi người ta

                                 (Giấc Ngủ Của Đá)

Đây là tâm trạng của nhà sư khi còn đi tìm đạo, khi mà “Lời kinh chưa rụng giữa đôi bờ hư thực”
Tiếng gọi đò là sự tìm kiếm một con đường giải thoát. “Bờ sông lau lách” là trần gian. Con sông là sự ngăn cách giữa ta và chân lý. Đò chính là đạo, là con đường đưa ta đến bờ giải thoát bên kia. Nhà thơ gọi đò trong vô vọng. Bởi vì gọi đò mà tác giả không thấy đò đâu, lại thấy “lá tử sinh cháy đỏ cuối ghềnh xa” nghĩa là thấy sự chết chờ ta ở cuối cuộc đời. “Lòng dừng lại, nhìn thời gian huyễn hoặc” nghĩa là quán được tác động của thời gian trên mọi biến đổi của đời. Từ đó mà tác giả thốt lên một câu nói bi quan: “chẳng bao giờ thấy hết cõi người ta”. Cảnh giới sông, đò lau lách trong thơ của nhà sư chỉ là sự đại diện cho cái tâm cố chấp, là sự nô lệ cúa linh hồn bị dính mắc vào sắc tướng.

Và rồi trong một bài thơ khác, để gọi được đò vượt qua con sông phàm tục đó, nhà sư phải bỏ cái tâm cố chấp, cái tâm nô lệ, cái tâm dính mắc sắc tướng đi, phải để linh hồn mình nhẹ như những chiếc lá “rụng giữa hai bờ sắc không”, cũng giống như Ngã Du Tử để cho “Lời kinh rụng giữa đôi bờ hư thực”, vậy thì mới qua được con sông, đến bến bờ giải thoát:                          

Qua sông bèn gọi con đò                         
Nôn nao lá rụng hai bờ sắc không



Từ chiếc “lá rụng” trong thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh và “lời kinh rụng” của Ngã Du Tử ta hiểu ra được sự buông bỏ tất cả, buông bỏ cả cái có và cái không thì khoái lạc của “Nguồn tâm ca hương ngát ý” sẽ “bay vào” linh hồn ta vậy.

Trong Phật giáo, khái niệm tánh "sắc" (thực) không thể bị đồng hóa với "có" và tánh "không”(hư) không thể bị đồng hóa với "không có". Kinh Bát Nhã viết “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” đã nói lên bản chất thật của vạn vật liên đới  hài hòa giữa có và không, giữa hư và thực. Ngã Du Tử nghiệm được thế, nhà thơ không chấp vào sắc, không chấp vào không, để linh hồn thanh thản thành chiếc lá rơi giữa đôi bờ sắc không như Minh Đức Triều Tâm Ảnh,  hay để lời kinh rụng giữa hư và thực thì  tiếng ca chân lý sẽ dậy lên trong trái tim mình.

Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: “Trong 49 năm Ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào”. Ngài đi giảng đạo 49 năm làm sao không nói được?. Lý do Ngài dạy chính là buộc ta suy nghiệm ẩn ý trong lời Ngài để hiểu sâu xa hơn. Xin tạm ví dụ  “lời kinh” là triết lý nhà Phật, lời Ngài nói thành tiếng là “thực”, Ngài bảo Ngài không nói gì chính là “hư”. Ngã Du Tử để “Lời kinh rụng giữa miền hư thực” chính là  hiểu được câu nói phủ nhận của Phật. Mục đích của Phật là để mọi người nhận ra cái bản lai diện mục của mình, bởi do (tam độc) vô minh che khuất chân trí mà không ngộ được chân lý khi nghe lời phật giảng.

Đọc “Tâm Ca”của Ngã Du Tử, ta thấy được linh năng, linh quyền của tạo hóa trong mọi vật từ thiên nhiên vô hạn đến ngọn cỏ trong bàn tay người thi sĩ. Đọc “Tâm Ca” của Ngã Du Tử ta chiêm nghiệm được sự huyền vi của đất trời có trên mọi vật.  Tâm ca chính là nguồn vui trong linh hồn “vô quái ngại”, thoát ra mọi  ràng buộc, buông bỏ mọi chấp niệm kể cả chấp niệm lời kinh Phật dạy để không vướng mắc vào sắc hay không, hư hay thực , hòa nhập vào vô vi, hưởng hương thơm của nguồn trong trẻo vô biên, rong chơi giữa thường hằng. Đó chính là ước vọng mà nhà thơ hằng hướng đến đến khi viết “Tâm Ca”.

Chỉ 4 câu thơ, ban đầu nhà thơ dắt ngọn cỏ vào túi. Túi áo thể hiện cho cái trí non nớt cúa mình mà ngọn cỏ đã khải thị cho nó thấy được tất cả quang vinh của tạo hóa trong cái hình hài nhỏ bé kia. Thế rồi từ sự khải thị đó, nhà thơ trực nhận được pháp môn, thoát khỏi sợi dây hư thực trì kéo, biến  linh hồn trở nên thơm ngát  trong tiếng reo ca bát ngát của tâm.  Bốn câu thơ thật ngắn nhưng nói thật nhiều, như ngọn cỏ nói lên cho cả cái vĩ đại của thiên nhiên huyền bí!
Linh hồn ai có tiếng tâm ca nầy thì linh hồn đó dư dật niềm vui, rời xa bi lụy! 

Người viết bài nầy chỉ nương theo những gì uyên thâm tham khảo được từ sách vở để tìm cái hay trong thơ Ngã Du Tử.

                                                                 Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “TÂM CA” THƠ NGÃ DU TỬ - Châu Thạch

CHÙM THƠ TRẦN THIÊN THỊ



HỒI SINH
“Vào vườn tôi chơi đi em”
R. Tagore 


Em vào vườn tôi hái hoa bắt bướm
Đánh rơi lại vết môi hồng
Đánh rơi những lời hò hẹn
Đánh rơi những vết chân trần


Chú bướm em đùa chơi ngày hôm qua
không còn bay được nữa
Nằm miệt mài trong một sớm mờ sương 


Ấp ủ những lời hò hẹn với giấc mơ
tình còn được đợi chờ
Ấp ủ những dấu chân trần
với lòng tri ân tình còn phương lặn lội


Bất cứ lúc nào muốn
Em cứ quay trở lại
Vì gió đã báo một tin lành
Ban mai đã hồi sinh
Và đẻ cho đêm
Lại được thắp lên
Từ những vết môi hồng  


HÀNH HƯƠNG
VÀO ĐÊM 

Khi em nói với tôi về nỗi cô đơn
Tôi biết mình
đã mắc nợ đêm dài một ánh trăng suông
Chúng ta như những kẻ mộng du
Đi tìm chút ánh sáng
mà vầng trăng suốt đời vay mượn
Ta va vào nhau
như va vào số phận
Tôi chẳng biết là phải trách móc
hay ngỏ lời cám ơn sóng gió
đã tận tụy đẩy đưa chiếc nôi tình chông chênh

Và cũng chẳng biết tự bao giờ
Mùa thu đã cài lên đôi môi cánh lá
Đợi chờ rụng xuống lòng đêm 



BÀI ĐẦU ĐÔNG 

Mưa chới với
Rơi xuống đồng không
Cây oằn mình lay lắt
Gió vô tâm
Tung tăng đi rêu rao
về nỗi buồn của đất
Mùa đông khép những cánh cửa xanh
Em cài lại hàng khuy áo
Niêm phong những vui buồn mùa thu
thì đã nghe
Gió hát râm ran
Phía bên trong lồng ngực



THẮP EM 

Thắp em một ngọn nến hồng
Lung linh trăng mật
Long lanh lệ ngàn
thắp tôi một sợi nắng vàng
biếc xanh hạ trước úa tàn thu sau
ngày về gom lửa thắp nhau. 



ĐÀO NGŨ 

Út ơi, đào ngũ đi em
Chợ tan chiều vãn
thơ thèm tri âm
Thượng huyền mùa ngọt môi trăng
Rưng rưng lời nguyện
Ăn năn gọi người



SAU CƠN BÃO      

Cơn bão đến
và xoá đi những dấu vết  mong manh
bao nhiêu nỗi buồn mở lòng ra
xì xào chuyện vãn cùng cơn gió sót
vuốt ve những nỗi đau dài 
mà không chỉ thế đâu em
tôi còn gặp ở ven đường những vuông cỏ xanh
xanh như làn mi của ngàn năm trước
tháng năm không dễ xói mòn
ấm áp hôn lên nghìn đỏ vỡ
Hẹn hò về cuộc mai sau

Tôi sẽ đi với rêu và cỏ xanh
bám sâu trên từng vách đá
xanh như đôi mắt ai muôn đời không tuổi tác
gôm cả trời và đất vào trong
Hồng như đôi môi ai muôn đời thơm ngát
hát chào trăm cuộc phế hưng
Để cho
thời gian
không gian
không bao giờ là nỗi lo ám ản
  
Tôi sẽ đi với em
về phía những chân trời
nếu thật sự có những chân trời
Đặt lên môi người những nụ hôn
Đặt nụ hôn lên từng sự thật
cả cái ngọt ngào
cả nỗi đắng cay
giữ cho đôi bàn tay đủ ấm
cầm lấy tay người
cuộc gặp gỡ đoàn viên
trả lại nụ cười cho cái chết          

 Không bao giờ là đủ
những dự báo tin lành
Hãy nói to lên rằng em yêu tôi
lời yêu bao giờ cũng trẻ
những nụ hôn
những cỏ
rồi lại xanh sau từng mùa mưa bão 

cái mong manh ôm choàng lấy cái mong manh
như chúng ta đã từng
để dành cho nhau một bờ vai 

Đi tìm chút hơi ấm dung nham
rêu đã xanh trên biên tầng hỏa ngục
Bao nhiêu tháng ngày mà hơi đá căm căm
Về
ta đã về lại đây
Đào
ta đã đào kiệt sức
Đâu rồi hơi ấm dung nham 

Mà không ai có thể về
Ngọn cỏ ngày xưa sa bồi khuất lấp
Con nước ngày xưa theo nguồn đi mất
Còn lại mỗi mình ta già như một bến sông
Đứng trơ  trơ nhìn buồn vui tan hợp
Điên cuồng ký ức dung nham

Thì thôi chiều nay trời cứ mưa
Chẳng cầu chi cho ngày mai mới
Lắng lại mà nghe cơn giông ầm ì đâu đó
nhìn chẳng nhìn thấy được
đất vẫn nặng lòng sôi sục dung nham  


MAY MÀ CÒN ĐÔI MẮT  

Biết là lá ngân hạnh không thể vàng ở xứ này
người ta vẫn háo hức trồng
và mùa thu ở đây muôn đời biêng biếc
biết là đường  xa không thể nào tìm gặp
mơ màng một tấm lòng gần

Và từ đó
dòng sông Cu đê chảy quanh chảy quẩn
bắt đầu ngày đã mơ chảy vào đêm
con sóng dập dềnh
như giấc mơ gối đầu vào giấc mơ

May mà còn đôi mắt
rủ rê nhau ngày lưu lạc
một lần
gặp gỡ
giữa thinh không


TRẦN THIÊN THỊ
READ MORE - CHÙM THƠ TRẦN THIÊN THỊ

BÊN BẾN ĐÒ XƯA | LỜI DẶN | VẪN BIẾT LÀ ANH VỤNG DẠI | ĐÊM HỘI DIỄN -Thơ Lê Thanh Hùng

Nhà thơ Lê Thanh Hùng


Bên bến đò xưa
Chậm chiều xa, loay hoay chuyện áo cơm
Nghe văng vẳng tiếng đò xa bến nước
Bao khát vọng, loanh hoanh đời trầy xước
Cây ổi cuối vườn lẩn khuất hương thơm
                          *
Luẩn quẩn bên đường cũng một mùi hương
Mỏi mắt đi tìm, một thời trai trẻ
Trong suốt tháng năm, ưu tư giằng xé
Trắc trở ầm thầm, định kiến lệch phương
                          *
Cũng bến đò này của một ngày xưa
Câu vọng cổ không còn ai hát nữa
Trong cuộc nhậu đã trôi bờ nhừa nhựa
Ly rượu xây chừng, lần lựa đẩy đưa
                          *
Tiếng hát liêu xiêu, rượu cạn hết rồi
Câu chuyện cũ, ba bốn người giành kể
Bao giá trị, tháng năm thành ước lệ
Không biết ai còn cất giữ giùm tôi
                          *
Một vệt hương xưa trong nắng cũ càng
Vô tư gió cuốn theo chiều mở đóng
Thao lao chuyện, chợt lặng im ngưng đọng
Khắc khoải trôi chiều, một chấm thời gian ...
Lê Thanh Hùng


Lời dặn 
 “Ra về em có dặn rằng
Nơi hơn người kết, nơi bằng đợi em”
Lời ca cổ đẫm tình, để ngỏ
Bến hoàng hôn, ráng đỏ ngậm ngùi
Góc sông lạnh chiều trong, lộng gió
Để người đi, lặng lẽ ngược xuôi
                *
Cứ thắc thỏm, là ai có đợi
Năm tháng nào, chống chếnh chơi vơi
Tiếng hát, như một lời nhắn gửi
Nặng trĩu lòng đâu đó buông lơi ...
                   *
Lời ca cổ, nỗi niềm chan chứa
Chầm chậm trôi, qua mười bến sông
Trong suốt, những tháng năm lần lựa
Sóng gió đời, nênh nổi long đong
                   *
Có thể có, những điều khập khiễng
Bên bến đời, lấp lửng so đo
Đôi mắt khép hờ, thôi lúng liếng
Chợt quay ngang, đã trễ chuyến đò
                   *
Lời ca cổ, đẫm tình hoang dại
Lắng sâu trong từng tiếng thở dài
Nhịp thời gian vô tình vướng lại
Nuối tiếc chiều, lần lữa một mai ...
Lê Thanh Hùng


Vẫn biết là anh vụng dại
Vẫn biết, gặp nhau cũng có chuyện buồn
Sao mình lại hẹn hò làm chi nữa
Một lời hẹn, bốn mươi năm lần lựa
Để lòng vòng, nghe chống chếnh rập khuôn?
                        *
Một câu hỏi ngày xưa, nặng trĩu lòng ...
Trăm lối mộng vẫn là anh vụng dại
Rượu đã mềm môi, đắng lòng vương vãi
Ngang dọc cuộc đời, số phận long đong
                       *
Em vẫn trẻ trung, cong cớn nhặt thưa 
Không nói hết những điều em muốn
Cứ day trở khẽ khàng trong giấc muộn
Mây cuối trời, như mây của ngày xưa ...
                       *
Trưa Võ Xu (*), trời đổ nắng ong ong
Xao xác tiếng gà giữa lòng phố hẹp
Anh thấy lạnh một bờ môi khép nép
Ở một nơi nào đầu biển cuối sông
                       *
Anh vẫn là người không biết nói năng
Khắc khoải nhớ, ký ức mờ gượng ép
Như đã chần chừ trước khung cửa hẹp
Để tiếng mùa đi trong suốt, nhùng nhằng ...
Lê Thanh Hùng
________
(*) Thị trấn huyện Đức Linh, Bình Thuận
Đêm hội diễn
Gượng đêm, với nhịp lời ca
Trầm sâu, thắc thỏm xót xa dỡ chừng
Nghiêng đầu, em chợt quay lưng
Đánh rơi ánh mắt, sáng bừng bóng đêm
Lê Thanh Hùng

     Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - BÊN BẾN ĐÒ XƯA | LỜI DẶN | VẪN BIẾT LÀ ANH VỤNG DẠI | ĐÊM HỘI DIỄN -Thơ Lê Thanh Hùng