Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 21, 2014

BUỒN VUI QUÁN RƯỢU - Hoàng Yên Lynh


          Tác giả Hoàng Yên Lynh


 BUỒN VUI QUÁN RƯỢU

           Gởi HVP

Chiều lại buồn rồi rượu với ta
Ở đây biền biệt núi sông xa
Gật gù quán rượu đời chưa chết
Bạn hữu nhân tình có nhớ ta .

Áo không đủ ấm tình luôn thiếu
Khệnh khạng văn chương chuyện thánh hiền
Hóa ra thiên hạ đều câm điếc
Thôi đành lý sự với người điên .

Ở đây rượu uống toàn ghi sổ
Tính mãi trăm năm lỡ chuyến đò
Quỷ dữ lên ngôi phường mặt mốc
Một bầy ấm ớ học làm quan .

Chiều lại buồn rồi thương nhớ ai
Ngậm ngùi tóc trắng gió mây bay
Quán nghiêng rượu đẫm mờ sương núi
Ngẫm lại ân tình chén rượu cay.


                           Hoàng Yên Lynh

                              Đateh,7.2014


READ MORE - BUỒN VUI QUÁN RƯỢU - Hoàng Yên Lynh

Thơ Ngọc Hùng - HẠ TRÊN PHỐ , CĂN CỨ TÀ CƠN-KHE SANH



HẠ TRÊN PHỐ

Trời xanh rực rỡ màu hoa đỏ
Áo học trò lộng lẫy nắng tinh khôi
Mang hương phượng bay trên phố giao mùa
Em chở hồn tôi tìm về miền hạ

Miền hạ của tôi phù sa lấp loáng
Hàng bần dầm chân con nước lớn bồi hồi
Lũ sáo nhỏ loi choi vờn sóng lụa
Cặp sách lạc loài một chốc bãi sông

Miền hạ ồn ào những ngày trống tiết
Nhễ nhại bóng lăn rượt đuổi mệt nhoài
Khản giọng mười lăm bốc trời bụi cát
Tiếng ve sầu ca cẩm bận lòng đâu!

Có miền hạ nồng nàn hương con gái
Tóc ngang vai trinh bạch áo đôi tà
Nón che ai, mát rượi tôi mười tám
Chạm vào hồn rồi chẳng chịu phai phôi...

Xe đi nhanh em khuất sau đèn đỏ
Tôi bây giờ đứng dưới nắng chang chang
Về cuối phố nghe chiều chầm chậm đến
Mà bóng mình cứ ngã phía trời lên…


CĂN CỨ TÀ CƠN- KHE SANH

Di tích Tà Cơn mùa gió Lào
Mố hôi xót mắt, nóng làm sao!
Phi cơ vài cỗ phơi mưa nắng
Công sự mấy hầm trãi thấp cao
Trời tạnh ngỡ bom còn chớp nháy
Mây quang  tưởng đạn vẫn tru gào
Tàn cơn binh lửa còn di tích
Vẳng tiếng Ta Lư mãi đến sau…

NGỌC HÙNG

Tác giả: LÝ NGỌC HÙNG
148 LÊ LỢI phường 7 Tp Mỹ Tho, Tiền Giang

Dđ: 0917238868   
READ MORE - Thơ Ngọc Hùng - HẠ TRÊN PHỐ , CĂN CỨ TÀ CƠN-KHE SANH

PHƯỢNG ĐỎ CÓ CÒN VUI - thơ Hoài Huyền Thanh


 
Tác giả Hoài Huyền Thanh
















Ngày lững lờ trôi hoàng hôn vừa tím
Trái đất tròn xoay đêm ngập ngừng tan
Bóng thời gian qua ký ức phai tàn
 Chia nỗi nhớ làm hai  bờ sáng tối

Vì sao lạ giữa sông ngân huyền ảo
Lạc bước đường hoang hun hút lối ta về
Trăng mải miết lang thang  vùng cố thổ
Trải ánh vàng bàng bạc nẻo đường quê

Mây có biết chân trời xa ngút mắt
Xoãi cánh thiên di mưa bão dập vùi
Gió mơn man, lòng chạnh lòng hiu hắt
Nắng phai rồi phượng đỏ có còn vui

Mưa dủng dẳng cánh heo may run rẩy
Thăm thẳm chờ ai mãi tận cuối ngàn
Miền cổ tích ánh bình minh vừa ló
Thềm hoa xưa, cúc nở ngắm mùa sang.


                    HOÀI HUYỀN THANH
                    thanhmanh52@hotmail.com

READ MORE - PHƯỢNG ĐỎ CÓ CÒN VUI - thơ Hoài Huyền Thanh

GÁI - GHẾ - GHỆ TRONG NỖI BUỒN THƠ ĐƯƠNG ĐẠI - phiếm luận Chu Vương Miện




Vào thập niên 70, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có viết một bài tạp văn, nhan đề là "Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay". Thú thật vào thời điểm đó, tôi chưa hân hạnh được đọc. Và cũng không thấy dư luận bàn tán chi về nỗi buồn này. Trên bốn mươi năm sau, tôi viết bài "Gái – Ghế – Ghệ Trong Nỗi Buồn Thơ Đương Đại" hoàn toàn không có ý viết như thi sĩ Thanh Tâm Tuyền đã viết, hay lập lại những ý mà thi sĩ Thanh tâm tuyền đã nghĩ, vì thời gian và không gian đã quá xa. 

Người viết là tôi [một người làm thơ] muốn mang tâm trạng này để nhìn và phân tích "nỗi buồn" cho hết sức khách quan, chỉ cho cái chuyên nghành về thi ca mà thôi. Trước đây 40 năm là "nỗi buồn trong thơ hôm nay", bây giờ mà lại dùng chữ "hôm nay" nữa thì quá lạc hậu và tụt hậu, nên người viết mượn tạm chữ "đương đại" mới xuất hiện trong thời gian gần đây để tỏ ra cũng rất quan tâm đến các danh từ mới. Thơ đương đại là thơ bây giờ, nó không phải là thơ hôm qua, nó ngăn cách và khác hẳn thơ tiền chiến trước 1945. Nó cũng không dính dáng gì đến thơ kháng chiến giai đoạn 1945- 1954. Nó cũng xa lắc xa lơ với cái giai đoạn 1954-1975. Và nó cũng mới có từ năm 2000 mà thôi. Đương đại hiểu gần thì nó là "ngay bây giờ – tức thời". Nhưng nỗi buồn nào thì nó cũng là nỗi buồn, nỗi buồn chung cho nhiều người hay nỗi buồn chỉ riêng cho một người? Nhưng cũng chỉ xin nhấn mạnh và gói ghém trong bộ môn thi ca mà thôi. 

Ở đây chúng tôi không làm công việc của những nhà chuyên nghiên cứu về thi ca. Và cũng không phân tích từng đoạn thơ hay bài thơ, không đề cập tới hình thức các dạng thơ đã du nhập vào Việt Nam thời kỳ nào, giai đoạn nào và cũng hoàn toàn không khen chê một ai cả.

Và người viết bài tạp văn này xin gửi nơi đây những giòng chữ ngắn ngủi này lời tri ân các thi sĩ Việt Nam, từ cận đại đến bây giờ, danh tiếng nổi như cồn và danh tiếng nổi một hai bài hoặc không nổi danh chi cả.

Ở bài này chúng tôi đề cập tới vận mệnh và số mạng của thi ca qua các hoàn cảnh, qua các thời đại có tính cách khoa học nhân văn.

Trước thế kỷ thứ 19, đa số dân chúng Việt Nam đến 90% thuộc diện mù chữ, [dựa theo ý của thi họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật] nên thường mượn ca dao – tục ngữ để quan hệ với nhau trong những buổi lao động trên đồng áng ban ngày như cày cấy, gieo mạ, gặt hái và tát nước, giã gạo vào ban đêm, nên câu hò tiếng hát dân gian như hò vè, hát ví, hát đúm, hát quan họ.... để trao đôi tình cảm, để mua vui, để quên đi những lao động cực nhọc. Văn chương bình dân dản dị dễ nghe, dễ thuộc, dễ sửa đổi, còn ngoài ra mà đọc được chữ Nôm [nguyên tác truyện Kiều hay Lục vân Tiên] thì khó lắm, vì muốn đọc được chữ Nôm thì phải quán thông Hán Văn [mà dân đa số là mù chữ, làm sao mà đọc cho nổi], nên văn chương truyền khẩu có cơ sở để phát triển đủ loại hình văn học dân gian. Trong khi các cô thiếu nữ đang cấy lúa thấy nam nhi đi qua đường thì hát ghẹo như vầy:

-Hỡi anh đi đường cái quan.
Dừng chân đứng lại em than đôi lời?

Hoặc là trai tán gái:

-Hôm qua tát nước đầu đình 
Bỏ quên cái nón trên cành hoa sen.

Hoặc rao bán kẹo kéo thì như sau:

-Cô kia mắt kẻm kèm nhèm
Ăn ba xu kẹo kéo mắt sáng bằng đèn ôtô.

-Ai mà chồng bỏ vợ chê
ăn ba xu kẹo kéo lại về với nhau.

Đó là văn chương miệng [truyền khẩu] không cần chữ nghĩa, cũng không cần học hành, cứ nhai nhái bổn cũ soạn ra bổn mới, miễn làm sao nó khác chút đỉnh để liên hệ với hoàn cảnh ngay tức thời.

-Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô tú có chồng hay chưa.

Nguyên gốc là:
-Ai lên Phố Cát, Đại Đồng
Hỏi thăm cô tú lấy chồng hay chưa.

 Qua đầu thế kỷ 20, thời kỳ Pháp đô hộ, song song với chữ Quốc Ngữ phát triển, thì dân chúng có dịp đi học đi hành hơi nhiều, học thơ cũ và thơ mới, thơ Tây và Thơ Tàu. Tuy nhiên văn chương truyền khẩu vẫn là chủ quyền của nhà quê [trong lũy tre xanh] cứ phát triển theo chiều ngang của dân tộc, không ai cấm cản chi. Nói về cư dân thành phố, dân trí càng ngày càng tiến, sự học cũng mở mang và công nghiệp phát trỉển, và trong học đường cũng mang thơ văn truyền dậy cho học sinh bậc Tiểu học, bậc Trung học và Đại học. Và văn minh thành thị nó cũng khác với thôn quê, không có cái cảnh "trăng sáng vườn chè", hay "trăng rụng xuống cầu",  và cũng không có dịp làm chung để hò để hát và tùy tiện muốn hát gì thì hát, nói gì thì nói. Thành ra trai gái tỉnh thành muốn tán tỉnh nhau, bước sơ khởi cũng gặp khó khăn, mơ ứơc trong im lặng và tán nhau cũng trong niềm im lặng, không gây ồn ào, thôi thì bèn lấy một cuốn sách giáo khoa hay tập sách tập vở gì cũng được, hay của Tự Lực Văn Đoàn, rồi chép mấy câu thơ vào một tờ giấy trắng hay giấy hoa tiên gấp làm tư, bỏ vào trong tp sách rồi nhân tiện dịp may bèn đưa cho gái, trong tờ giấy ghi:

-Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không.

Chỉ thế thôi chứ không cần gì phải thêm là trích trong Đoạn Trường Tân Thanh hoặc Kiều làm gì cho nó mất thì giờ, hoặc khá giả hơn chút, nịnh đầm hơn chút, sang hơn chút, mua hẳn vài cuốn thơ, nếu chuyện ái tình xuông xẻ thời thôi, hoặc ngược lại có khó khăn thì gửi ngay cho gái cuốn thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử, lấy bút đỏ ghi dưới bài "Đây Thôn Vỹ Dạ":

-Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

Hoặc:

-Người đi một nửa hồn tôi mất 
Một nửa hồn tôi hóa dại khờ.

Đôi khi tình yêu phát triển chậm lụt quá hững hờ quá thì lại phải viện đến thơ Xuân Diệu:

-Mau với chứ vội vàng lên với chứ
Em em ơi tình non sắp già rồi. 

Trong thời tiền chiến trước năm 1945, giai đoạn 1932-1945, chàng trai phải vận dụng tối đa, nào thơ từ cụ Tản Đà, cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Bính.  Giai đoạn mới chỉ cầm đươc tay gái mà thôi, muốn tiến nhẩy vọt thì chàng lại phải xổ thêm thơ cụ Hàn Mạc Tử, cụ Huy Cận và cụ bà T.T. Kh  [Tức là nhà thơ Đực rựa J.Leí ba] mà khi đã đạt được yêu cầu thì từ đó trở đi thi ca được quăng vào thùng rác [dẹp một chỗ không cục cựa nữa]. 

Đến giai đoạn 1945-1954 là thời kỳ toàn quốc chiến tranh, thi ca hồi này tạm nghỉ hè [nghỉ xả hơi], giai đoạn 1954-1963 là giai đoạn thơ tiền chiến kéo dài. Nhưng qua giai đoạn 1963-1975, chiến tranh leo thang nên tinh hình chung trong đó có thi ca phát triển rất chậm, nhưng ngay lúc dó thì danh từ Gái được mau lẹ chuyển thành con Ghế, con Ghế thì cũng vẫn là con Gái, chưa có chồng và có con, nhưng có chỗ khác nhau là ngày xưa đi chới với Gái thì thương là đi nhiều, nhưng bay giờ đi chơi với Ghế thì cái sự đi lại rất ít [mà chỉ thường xuyên là ngồi]. Ngồi trong quán cà-phê, ngồi trong rạp ci-nê, ngồi trong quán ăn. Và vấn đề thi ca thì tùy đối tượng, hết sức chọn lọc nếu không thấy cần thiết thì thôi, tuyệt đối không có mang xổ thi ca ra mà làm cái gì, rất là vô duyên. 

Đến năm 1972 chiến tranh tiến đến cái độ khốc liệt, thì quan hệ nam nữ lúc đó hình như vắng mặt hẳn cái anh Thi ca và cái anh Âm nhạc, có kép nào mở mồm thả dê, thì được Ghế hồi âm tức thời:
-Này có tiền, đi mướn khách sạn là xong.
-Phát thanh làm gì nhiếu vừa tốn pin [và ắc qui].

Sau năm 1975 đến bây giờ, [người viết mãi đến năm 1985 mới qua Mỹ theo diện O.D.P], thời kỳ này là thời kỳ quá độ, và mối tương quan trai-ghế vẫn như cũ, chưa tiến thêm đuơc. Qua đây, dần dần nghe thêm tiếng con Ghệ. Con Ghệ thì cũng là con Ghế và con gái [y như nhau], nhưng con Ghệ nó tượng thanh và tượng hình hơn con gái và con Ghế nhiều. Con Ghệ lấy hình ảnh của con cua, con cà-ra, con ghẹ ngoài bãi gành, bãi biển. Con ghẹ bò ngang [hình ảnh dẫn đến một cái giường, sự nằm để nghỉ ngơi nhiều hơn là ngồi, là đi. 

Thành ra trong cái bối cảnh hết sức "đương đại" như vậy, thi ca viết ra không còn ai vận dụng. Âm nhạc khá hơn một chút. Đời sống mỗi lúc một vất vả, cuộc sống hết sức là bận rộn trong cuộc mưu sinh.

Thành ra ai ở không thì sáng tác thi ca để cho chính mình đọc mà thôi, không có người thứ hai. Cái anh không làm thơ được thì mơ ước làm thơ, còn cái anh làm thơ không ai cấm thì cũng không có ai có thì giờ mà ngồi đọc.

                                              Chu Vương Miện

READ MORE - GÁI - GHẾ - GHỆ TRONG NỖI BUỒN THƠ ĐƯƠNG ĐẠI - phiếm luận Chu Vương Miện

NGẮM TRĂNG BÊN TĨNH MÔN - thơ Giáng Ngọc

(Đêm trên xứ hoa Anh Đào).



Nhẹ bước ra rừng sau
Hoa đêm mùi bát ngát
Gió đưa lá ràu ràu
Áo ấm ta không mặc
Túi thơ ta không đeo
Vì trăng đang chiếu vào.
Ngẫm nghĩ chuyện hôm nao
Lưa thưa xuyên cành trúc
Chú chim sẻ nhảy vào
Ta thiền bất chợt thức
Chim sẻ chuyển đi nào.

Tĩnh Môn động gió rạt rào
Tâm yên lặng ngắm trăng sao
Lục trần qua tiềm thức
Nao nao những ánh sao
Xa đưa vào tâm tĩnh
Biến lấy cả ngọt ngào.
Trăng vàng càng lên cao
Xốn xao vơi lòng tuyết
Ta cố ngắm đời vào
Bỏ trăng ta tĩnh thức
Đời là chỉ trăng sao
Mộng giác qua đi hết
Trở lại Tĩnh Môn Đào.
                        Giáng Ngọc

            giangngochn29@gmail.com
READ MORE - NGẮM TRĂNG BÊN TĨNH MÔN - thơ Giáng Ngọc

CỦ CHI NGÀY ĐÓ BÂY GIỜ - thơ Trúc Thanh Tâm



 Sông Sài Gòn về Bình Dương xa ngái
 Bến Vượt nào để ta đến thăm em
 Tiếng gió rít mà khiến ta chột dạ
 Kinh Thầy Cai chìm dưới ngọn mưa êm !

 Chiều yên ả ai cắm sào thương nhớ
 Ta thấy mình như lạc giữa vườn hương
 Nụ cười em khiến lòng ta say sóng
 Mắt mùa thu giăng một chút mây buồn !

 Và, từ đó ta thương hoài Hậu Nghĩa
 Yêu con đường làng bùn dính áo em
 Xin làm gió được chui qua kẽ tóc
 Lúc học bài từng sợi cũng ngủ quên !

 Giờ trở lại Củ Chi vui hơn trước
 Nắng ngày xưa làm nếp áo cũ rồi
 Theo năm tháng em qua thời con gái
 Nhưng men tình chưa hết ở làn môi !

 Thôi cứ cất tình nhau vào ánh mắt
 Cho thời gian còn đậu bến mong chờ
 Cho ngày đó, bây giờ và sau nữa
 Em vẫn còn đẹp mãi nét ngây thơ !

                          Mùa thu, 2014
                     TRÚC THANH TÂM
_____________
 PHỤ CHÚ :
 - Thời nhà Nguyễn, Củ Chi thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Năm 1836, thuộc huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Năm 1956, Củ Chi trở thành quận của tỉnh Bình Dương, được thành lập do tách hai tổng Long Tuy Thượng và Long Tuy Hạ của quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
 - Huyện Củ Chi có sông Sài Gòn chảy qua.  Các hệ thống kênh rạch tự nhiên khác, đa số chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ hủy văn của sông Sài Gòn như Rạch Tra, Rạch Sơn, Bến Mương. Riêng kinh Thầy Cai chịu ảnh hưởng chế độ thủy văn của sông Vàm Cỏ Đông.
- Năm 1963, lập tỉnh Hậu Nghĩa, nửa quận Củ Chi vẫn giữ tên cũ, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nửa còn lạị là quận Phú Hoà, tỉnh Bình Dương. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa hợp với quận Phú Hòa, tỉnh Bình Dương thành huyện Củ Chi, thuộc TP Hồ Chí Minh.
- Bến Dược là tên gọi của vùng đất Phú Mỹ, Phú Thuận từ năm 1929, nay thuộc xã Phú Mỹ Hưng. Trước kia, nơi đây là địa điểm vượt qua sông Sài Gòn để đi qua các tỉnh Đông Nam Bộ khác. Giai thoại kể rằng, nguyên là tên Bến Vượt, nhưng do cách phát âm của người Nam bộ, đã bị biến âm, nói trại đi thành Bến Dược như hiện nay.
READ MORE - CỦ CHI NGÀY ĐÓ BÂY GIỜ - thơ Trúc Thanh Tâm