Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 22, 2023

ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ NGUYỄN THẾ ANH (1936 – 2023) – Hoàng Đằng


Ảnh mượn trên mạng: GS. Nguyễn Thế Anh lúc trẻ và lúc già
 
Trên facebook, tin loan GS. Nguyễn Thế Anh qua đời hôm 19/3/2023, lòng tôi dậy lên nỗi bồi hồi thương nhớ.
 
Tôi có may mắn thụ giáo với Thầy năm học 1965 – 1966 ở chứng chỉ “Sử Việt Nam và Đông Nam Á” tại Đại Học Văn Khoa Huế. Tiếc là do điều kiện, hoàn cảnh riêng, tôi phải bỏ dở việc học.
 
Tôi tìm trên mạng một số bài viết về Thầy để viết nên những dòng này, xem như đốt nén hương lòng vọng bái tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ ngàn thu.
 
*
Thầy Nguyễn Thế Anh sinh ngày 01/6/1936 tại Vientiane, Lào. Bố Thầy quê gốc Hưng Yên, làm việc trong ngành giáo dục bên đó; mẹ Thầy quê gốc Nam Định.
 
Thầy học chương trình Pháp bên Lào, rồi về học trung học ở trường Chasseloup Laubat Sài Gòn. Xong trung học, Thầy được học bổng du học Pháp năm 20 tuổi.
 
Lấy bằng Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp về Sử Học năm 1964 ở Đại Học Toulouse, Thầy về nước giảng dạy môn Sử tại Đại Học Văn Khoa Huế; ít lâu sau, lên làm Khoa Trưởng rồi lên làm Viện Trưởng Đại Học Huế.
 
Sau biến cố Mậu Thân (1968), Thầy vào Đại Học Sài Gòn, đứng đầu ban Sử tại đây, lãnh trách nhiệm soạn thảo chương trình Tiến Sĩ Văn Khoa Việt Nam.
 
Khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, Thầy qua Mỹ, làm giảng viên tại Đại Học Havard, đi làm việc với tư cách học giả tại viện Institute of Southeast Asian Studies (Viện Đông Nam Á Học), Singapore.
 
Năm 1976, Thầy xin qua Pháp định cư và được thu dụng ngay làm nghiên cứu tại Centre National de la Recherche Scientique (CNRS – Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học). Năm 1987, Thầy trình luận án lấy bằng Tiến Sĩ Quốc Gia ở Sorbonne, Thầy được cử giữ chức Directeur d’Études (Giám Đốc Học Vụ)  từ năm 1991 ở  Centre Pratique des Hautes Études (EPHE – Trung Tâm Thực Hành Nghiên Cứu Cao Cấp) và Giáo Sư Thực Thụ về Lịch Sử & Văn Minh Bán Đảo Đông Dương.
 
*
Thầy đã biên soạn bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh nhiều công trình liên quan đến Sử Học, đặc biệt sử Việt Nam, Đông Dương, Đông Nam Á, ngoài ra, còn có công trình về sử Ấn Độ, sử Hoa Kỳ.
 
Qua các công trình biên soạn và cách làm việc của Thầy, các học giả thế giới đánh giá Thầy có phát kiến mới về lịch sử, cách nhìn mới về lịch sử, cách xử lý nghiêm túc các tài liệu sử dụng để tham khảo.
 
Sau đây, tôi xin trích ra vài đoạn làm ví dụ:
 
- Giáo sư Claire Trần thị Liên (Đại Học Paris Cité – Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội về Thế Giới Phi Châu, Mỹ Châu và Á Châu – CESSMA – Centre d’Études en Sciences Sociales sur les mondes africains, américains et asiatiques) đánh giá:
 
“Qua sự nghiệp rộng lớn của mình, Nguyễn Thế Anh là một nhân vật để lại dấu ấn đậm trong ngành chuyên khảo sử Việt Nam. Qua việc viết về các chủ đề khác nhau, các giai đoạn khác nhau, các không gian địa lý khác nhau, ông đã góp phần vào việc viết nên một “bộ lịch sử Việt Nam” và các nước láng giềng có tính tổng thể” (Par l’ampleur de son oeuvre, Nguyễn Thế Anh est une figure marquante de l’historiographie vietnamienne. Par la diversité des thématiques, des périodes, des espaces géographiques traités, il a contribué à l’écriture d’ une “histoire globale” du Viet Nam et de ses voisins…”
 
- Sử gia Mỹ, Keith W. Taylor, Đại Học Cornell, đánh giá GS. Nguyễn Thế Anh:
 
“Nguyễn Thế Anh lưu lại di sản cho đời sau như một sử gia nổi tiếng nghiên cứu văn bản văn khố nghiêm túc. Ông đã hướng dẫn cho nhiều sinh viên phương pháp học tập để trở thành học giả từ tấm gương của ông và như thế tạo ra về lâu về dài hiệu quả tích cực về việc nghiên cứu Việt Nam trong tương lai …”
(Nguyen The Anh’s legacy … is reputation as an excellent historian who has rigorously studied texts anh archival materials. He has been a mentor for many students who have learned how to be scholars from his example, and this will continue to have a positive effect upon the study of Vietnam in the future).
 
- Giáo sư Pascal Bourdeaux, cựu sinh viên École Pratique des Hautes Études và đang giữ chức trợ giảng (maitre de conférences) tại trường này, bày tỏ lòng tôn kính với GS. Nguyễn Thế Anh:
“Giáo Sư kính mến! Các sinh viên của Giáo Sư mất một người Thầy; các bạn của Giáo Sư lìa xa một người bạn. Tất cả chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với người Thầy luôn luôn mang đậm tính nhân bản …”
(Cher Professeur! Vos étudiants perdent un maitre; vos amis quittent un ami. Nous tous, à l’unisson, exprimons notre reconnaissance à l’enseignant profondément humaniste que vous n’avez cessé d’être …)
 
- Francois Guillemot, cựu sinh viên École Pratique des Hautes Études và đang là kỹ sư nghiên cứu (ingénieur de recherche) ở Trung Tâm Quốc Gia nghiên cứu khoa học (CNRS – Centre National de la Recherche Scientifique), tụng điếu GS. Nguyễn Thế Anh:
 
“Chúng tôi là một số người đã làm luận án dưới sự hướng dẫn của Thầy – một sự hướng dẫn không khoan nhượng, nghiêm túc đúng nghĩa. Ấy là con đường đầy chông gai đôi khi khó khăn, nhưng chúng tôi lấy làm hãnh diện và vui sướng …”
(Nous étions … quelques uns – unes à faire notre thèse sous votre direction – une direction sans concession, rigoureuse de sens. C’était un chemin semé d’embuches parfois difficile mais nous étions fier - ères et heureux – ses …)
 
- Nguyễn Hữu Châu Phan, cựu giáo sư sử học Viện Hán Học Huế, nhà nghiên cứu lịch sử Huế, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với GS. Nguyễn Thế Anh:
 
“Một Giáo Sư chuẩn mực, đáng tin cậy. Một Giáo Sư tuyệt vời.”
 
- Đỗ Bang, gíao sư sử học tại Đại Học Huế, P. Chủ Tịch Hội Lịch Sử Việt Nam, bày tỏ sự thương tiếc:
 
 “Vô cùng thương tiếc nhà sử học tài năng!”
 
*
GS. Nguyễn Thế Anh đã đem lịch sử Việt Nam ra với thế giới. Cách nhìn sự kiện lịch sử, cách nghiên cứu lịch sử, kiến thức lịch sử có bề dày, bề rộng … của Giáo Sư đã làm cho học giới quốc tế kính nể, ngưỡng mộ.
 
Là người Việt Nam, tôi vô cùng hãnh diện Việt Nam có được một sử gia nổi danh thế giới.
 
Là học trò của Giáo Sư, tôi vừa vô cùng thương tiếc khi hay tin Thầy từ trần vừa vô cùng tự hào đã có thời gian ngắn làm học trò của Thầy.
 
Tôi xin đốt nén hương hương lòng vọng bái tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ, cầu nguyện linh hồn Thầy sớm về nước Chúa. Thành kính phân ưu cùng tang quyến!
 
22/3/2023
Hoàng Đằng

READ MORE - ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ NGUYỄN THẾ ANH (1936 – 2023) – Hoàng Đằng

THÁNG 3 VỚI HUẾ, 1975 – Thơ Lê Phước Sinh


 
                        Nhà thơ Lê Phước Sinh


THÁNG 3 VỚI HUẾ - 1975
 
Phượng chưa chớm nụ, ngập ngừng chân bước, Thành Nội với những nàng Tôn Nữ vương gót hài
Hoàng Thành lại thêm náo động, sử ghi dấu ấn "Thất thủ Kinh đô"
Người người chen chân tua bỏ, cộ xe xua về phía nam như đám hành khất gánh gồng bao bị
Thuận An
Ghe ghọ
Bãi trước bãi sau bãi lùm bãi lở
Về phương Nam, gió lồng biển rộng
về phương nam trùng điệp sông dài
Tìm sự sống
để tự do xoải cánh
(cây Nhang Bà Tiên trao Chúa Nguyễn đi dọc bờ sông, mấy trăm năm đã rụi rả tàn)
Tháng 3.1975
định mệnh
thuận hóa thành hóa vàng đốt mã
tản trôi xa.
Bè bạn tình cờ gặp lại
thẩn thờ
gợi nhớ ngày xưa
ngấn lệ nuốt vào
ngào nghẹn.
 
LÊ PHƯỚC SINH
 
READ MORE - THÁNG 3 VỚI HUẾ, 1975 – Thơ Lê Phước Sinh

THĂM BẠN – Thơ Đỗ Tư Nhơn


 
              Cùng Nguyễn Văn Quang đến quán CAFE 
              ở Góc Bầu - Nguyễn Thị Lý

 
THĂM BẠN
 
Thỉnh thoảng ngồi một mình
Bỗng nhớ bạn xưa cũ
Cùng sống thời chiến chinh
Mồ côi cha từ nhỏ.
 
Ở làng quê cùng mẹ
Tần tảo , đời gian nan
Gắng học, quên tuổi trẻ
Giờ nghĩ lại, tiếc thầm!
 
Đất nước rồi xoay chuyển
Hết đạn bom - hoà bình
Bàn tay chai, xây dựng
Chờ một ngày bình minh!
 
Hai đứa cầm phấn trắng
Sáng chiều trước bảng đen
Có buổi phơi trong nắng
Cuốc ruộng tới thâu đêm.
 
Lại cùng đi lao động,
Lúc bờ mương, lúc rừng
Bánh xe đạp lăn tròn
Đường ngoằn ngoèo, dốc đứng!
 
Nuôi đàn con khôn lớn
Góp mặt với cuộc đời
Mong niềm vui cứ đến
Và tình người không vơi.
 
Thời gian vô tình qua
Tóc xanh, giờ đã bạc
Nhủ thầm quên tuổi tác
Rủ nhau, ngồi hát ca!
 
Như lá trên cành cây
Cứ vàng và rụng hết
Nhìn bạn bè quanh đây
Người  ở xa, người mệt.
 
Nắng mùa hạ bắt đầu
Qua những ngày rét lâu
Đạp xe đi thăm bạn,
Ngồi nói chuyện bên nhau.
 
Đỗ Tư Nhơn
Thị Xã Quảng Trị, sáng 23-3-2023

READ MORE - THĂM BẠN – Thơ Đỗ Tư Nhơn

Du ký: THÁC NƯỚC IQUAZU BÊN PHÍA BRAZIL (2) - Quách Như Nguyệt


THÁC NƯỚC IQUAZU BÊN PHÍA BRAZIL (2)


Khi 2 mẹ con Như Nguyệt đi tour nước Ba Tây (Brazil), trong chương trình không có Iquazu Falls; con gái N phải book vé máy bay, thuê hotel lấy, ở lại khu thác Iquazu sau khi tour chấm dứt thêm 4 ngày, sau đó khi bay về lại Rio, ở thêm đó thêm 2 ngày nữa trước khi bay về Los Angeles.

 

May mà hôm đó N gọi người lên phòng mang hành lý xuống, thuê dịch vụ đi limosine để họ chở 2 mẹ con ra phi trường.  May quá, chứ nếu tự mang hành lý xuống, tự đi taxi thì nhất định 2 mẹ con N bị trễ chuyến bay đến Foz Do Iguacu! Xém tí xíu nữa là bị trễ giờ rồi, không đến được thác nước mà N rất thích, thích nhất trong các thác nước mà N từng đến viếng trên thế giới.

 

“Bellman” (người lo mang hành lý lên phòng khách sạn hoặc mang xuống cho mình) hỏi N đi phi trường nào?  Con gái N cứ ỷ y là sẽ đi phi trường quốc tế, không chịu check kỷ càng.  Sau khi nghe bellman hỏi, cô nàng cũng vẫn nhất định không thèm xem lại vé máy bay.  N bắt Phương An check lại, mới biết ra ..., may quá may, bay đến thác nước Iquazu từ Rio de Janeiro phải đi bằng phi trường quốc nội của Ba Tây chứ không phải phi trường quốc tế như Phương An tưởng.


Đi với con gái, tự nhiên N bị “phiêu lưu mạo hiểm” theo.  Bây giờ nghĩ lại, N thấy mình đúng là “điếc không sợ súng”, nguy hiểm quá!  Hai mẹ con là đàn bà con gái đến xứ lạ quê người, bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra, cướp bóc, bắt cóc, bị đánh đập, giết chết..v.v.. vì ở những xứ chưa được phát triển hoặc mới phát triển, an ninh không có hoặc nếu có cũng còn rất yếu kém, dân chúng lại nghèo!  Hai mẹ con N đã bị chỉa súng ở bãi biển Rio de Janeiro rồi còn gì?! Sau khi đi Brazil về, xem tin tức trên Tivi, N thấy có 2 người Việt Nam bị đánh nhừ tử gần chết ở Rio, trên một con đường nhỏ khá tối tăm, khá xa khu hotel N ở. Con đường mà 2 mẹ con N cũng đã từng đi qua, khi “thám hiểm” lòng vòng kiếm nhà hàng ăn tối, các bạn thấy có hãi không? 

 

Hiện bây giờ, ngay nước Mỹ, nạn kỳ thị, đánh giết người Á Châu còn đang bị “thịnh hành” nữa cơ mà. Thế cho nên nếu muốn đi chơi, chúng ta nên đi theo nhóm đi tour của mình cho chắc ăn quý vị ơi!  Nhất là khi đại dịch vẫn còn lai rai chưa hết hẵn, đi theo tour company lớn là tốt nhất, công ty của họ giầu có, đông khách, có tiếng nói mạnh, nhiều kinh nghiệm, uy tín; lỡ gặp chuyện gì rắc rối; họ có thể giải quyết được cho mình một cách nhanh chóng, dễ dàng.  Người hướng dẫn lo cho mình hết, mình chả phải lo gì cả, chỉ cần phải thức dậy đúng giờ, “enjoy” ăn sáng rồi lên xe bus theo giờ hẹn.  Nếu đi xa, bạn có thể thoải mái ngủ phè trên xe bus để dưỡng sức, khỏe re. 

 

May mà con gái N book khách sạn là Resort rộng lớn, đẹp, lịch sự, lại rất gần, chỉ cần đi bộ khoảng 10 phút là đến cổng vào thác Iquazu. Thác nước Iquazu rất vĩ đại, nằm giữa hai quốc gia Brazil và Argentina. 

 

N phải mua hộ chiếu (visa) để vào Argentina, mua tại hotel, trả $150 đô cho mỗi người, có giá trị đến 5 năm (sau đó 4 năm, N đến Argentina thì họ không bắt du khách trả khoảng tiền này nữa). À, trước khi đi du lịch; bạn nên gọi báo cho nhà băng mà bạn dùng thẻ tín dụng (credit card) biết trước là đi đâu, đi từ ngày nào đến ngày nào, chứ không thôi khi ra nước ngoài, dùng thẻ lần đầu sẽ bị phiền toái lắm! Một số thẻ tín dụng, họ sẽ tính mấy phần trăm nếu bạn dùng thẻ ở nước ngoài (foreign fee), vì thế bạn nên chọn thẻ nào không bị charge. Muốn đổi tiền, bạn nên đổi tiền từ nhà băng của bạn ở Hoa Kỳ hoặc tại nhiều khách sạn (nơi bạn đến) cũng có dịch vụ này chứ đến phi trường để đổi tiền, bạn sẽ bị tính lệ phí cao hơn.

 

Gửi các bạn xem một số hình N chụp thác Iquazu bên phía Ba Tây nhé.

 (Bấm chuột vào hình để phóng to)


 











Sau khi đi chơi hai tuần, phơi nắng ngoài bãi biển; con gái N có “tan”, da sạm nắng.  Cô nàng nghĩ da nâu ăn nắng là đẹp; giống Nhồi còn nhỏ í mà. Khoảng 13 tuổi; N đã đua đòi, mua kem “tan cream” để bôi lên da rồi lên sân thượng phơi nắng. Khi N bị cảm nắng, mẹ N biết lý do, đã mắng cho một trận.



 

Nghĩ lại, N thấy mình quá dốt! Nắng rất hại da, còn dễ làm mình bị ung thư da nữa. Da trắng bốc, hồng hào dễ thương hổng chịu, lại thích da nâu nâu đen đen (tới giờ này N vẫn thấy mầu da nâu hồng nhìn khỏe mạnh, đẹp chứ nhỉ, hihiihii) 

 

À, nếu bạn vẫn thích có tan, nên mua loại kem này để bôi khi phơi nắng nhé, rất tốt đó các bạn.

 

N bây giờ cũng bôi kem nhưng là kem chống nắng chứ không dùng loại kem để cho da mau ăn nắng.

 

Self Tanning Hydrating Body Skin Care

 

 






Có nhiều loại bươm bướm đủ mầu sắc, rất đẹp ở vùng Foz de Iguazu.

 

 

 


Lần đầu tiên thấy con “coati” này ở vùng thác Iquazu, N thích quá chừng, chụp hình nó ngay, nó chạy lẹ lắm, may mà chụp được.  Sau đó, N thấy rất nhiều! Đi đến đâu cũng thấy...



Giống như nai ở South Africa, ở rừng Ấn Độ, ở Hoa kỳ; đi đến đâu cũng thấy, đầy dẫy!! Mới thấy lần đầu, mọi người rất mừng, nhưng sau đó thấy nhiều quá nhiều, tâm lý chung, thường thì phần đông, đa số nhiều người sẽ xem thường, thấy chán. 

 

Đời là thế đó các bạn ơi!  Cái gì hiếm quí, có ít cũng dễ được chuộng hơn.  Cũng như N nè, N hay viết bài, gửi bài, gửi thơ, nhạc phổ thơ cho “thiên hạ”. Gửi nhiều quá, nên chắc thiên hạ xem thường, chán không thèm đọc, hổng thèm nghe nhạc, hihihiiii.

 

Biết thế nhưng đây là “hobby” của N, nên N cứ bỏ nhiều thì giờ để viết lang mang, làm thơ dài dài, tốn tiền thực hiện nhạc phổ thơ, mất công nhờ người làm Youtube..v.v..  Nhưng nếu đã xem là thú vui thì cứ zui đi, chứ than thở nỗi gì... hí hí.. 

 

Bên phía Brazil có chiếc cầu đặc biệt này.



 

 

Đi tầu gần thác, phía dưới thác; thác đổ xuống ướt nhẹp, rất vui!





 


Con gái N có dùng “gopro” quay 2 mẹ con lúc bị thác ào ào đổ xuống.

 

 

Đi bộ về lại hotel.

 



  


Còn tiếp...

 

Như Nguyệt

 <nhunguyet9963@gmail.com>

 

READ MORE - Du ký: THÁC NƯỚC IQUAZU BÊN PHÍA BRAZIL (2) - Quách Như Nguyệt