Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 28, 2021

CÔ MÙI CÒN KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng

 

C:\Users\BS TUNG\Desktop\mui_thumb.jpg


CÔ MÙI CÒN KHÔNG

Nguyễn Đức Tùng


Giữa hai nhân vật chính, Siêu và Mùi, trong tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của Nhất Linh, có những câu chuyện lai rai tán gẫu nhỏ nhặt thế này:

Mùi hỏi:

- Quả trứng gì?

- Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng dựng trên đĩa, cô làm thế nào?

- Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn.

Siêu cười nói: 

- Cô ngớ ngẩn lắm, đấy là nói thí dụ thế. 

Những đoạn đối thoại như thế hơi giống nhau mà vẫn cứ riêng biệt cho mỗi trường hợp, đọc hoài không chán. Vì chúng dí dỏm, mỗi lúc bày một khía cạnh. Đối thoại trong Xóm Cầu Mới không phải chỉ là những trang trí, bản thân chúng là các chi tiết, là mạch chuyện, khi chảy chậm, khi chảy xiết.  Siêu và Mùi gặp nhau ở hiên nhà, một không gian vừa mở  vừa kín đáo. Cái hiên nhà là sáng tạo độc đáo của Nhất Linh, ở xứ nhiệt đới, mái hiên là nơi diễn ra những cuộc trò chuyện, nơi đọc sách, nơi tình tứ. Không gian của mối tình, của những chia tay, của hoa lài trắng và nước mắt. Cái hiên nhà chứng kiến những đổi thay thời tiết. 

Ngày trước các nhà văn ít nói về thời tiết, mãi cho đến thế kỷ thứ mười chín, hai mươi, như trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Trong ba mươi năm chiến tranh Việt Nam, 1945- 1975, người ta ít nói về nó, con người đâm ra nổi bật hơn thiên nhiên. Thế mà ai cũng biết rằng thời tiết liên quan đến tâm trạng. Nhân vật hạnh phúc thì cảnh vui vẻ, nhân vật đau khổ thì cảnh tiêu điều. Cảnh vật của Nhất Linh không đứng ngoài nhân vật, chúng tham gia, trở thành một phần của câu chuyện. Trong đoạn văn sau đây khi Mùi đến bên hiên đánh thức Siêu, buổi sáng hòa vào tâm hồn một cô gái nhỏ tuổi, lớn lên ở thôn quê, ít học nhưng thông minh, thực tế nhưng giàu cảm xúc.

" Mùi đứng dừng lại ở dưới hiên; ánh trăng hạ tuần chiếu sáng cả chỗ giường Siêu nằm và bóng lá cây in trên vải chăn trắng vì trời yên gió nên trông như là những chiếc lá thêu. Mùi cất tiếng gọi để đánh thức Siêu dậy nhưng gọi rất khẽ vì sợ Siêu thức giấc. Không thấy Siêu trả lời, nàng lại gọi khẽ một tiếng nữa và gọi khẽ hơn. Vẫn thấy Siêu nằm yên, Mùi bước lên hiên rồi ngồi rất nhẹ xuống cạnh Siêu. Nhưng nàng cứ ngồi như thế một lúc rất lâu, yên lặng".

Cái gì cũng nhẹ nhàng, cái gì cũng lửng lơ, cái gì cũng thâm trọng. Tình yêu mới chớm đi tìm ngôn ngữ của nó, cách đi đứng của nó, sự yên lặng của nó. Tôi cũng tìm ra cuốn Xóm Cầu Mới trong một hiệu sách ở Sài Gòn nhỏ, California, mừng rỡ như gặp bạn cũ. Sách do nhà xuất bản Văn Mới in năm 2002, có lẽ dựa theo bản của Phượng Giang với các lời bạt của Nguyễn Thị Vinh và Võ Phiến. Ngày trước, tôi đọc truyện đăng từng kỳ trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh.

" Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn XÓM CẦU MỚI này mới ra đời.

Hương cảng, trên núi, ngày 16 tháng 10 năm 1949"

Đó là lời đề tặng của tác giả trên đầu sách. Ít người biết rằng cuốn Xóm Cầu Mới đã được ông khởi viết từ những năm 1949 ở Hương Cảng, thời ký bão táp chiến tranh, cách mạng, giết chóc, nồi da xáo thịt. Đọc thế thì biết có một người phụ nữ đã khuyên tác giả từ bỏ con đường chính trị mà về với văn chương. Nhất Linh gọi đó là "cuốn Đông Chu Liệt Quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của các nhân vật". Năm 1958, trong Văn hóa ngày nay tập I, Nhất Linh có tâm sự thêm với độc giả: số truyện rất có thể còn tăng thêm nữa hoặc nhiều hoặc ít tùy khả năng làm việc của tôi và tùy sự tìm kiếm được đề tài. Riêng tôi, tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời.

Thật đáng yêu. Tiếc ông đã không sống lâu để viết nhiều hơn cho chúng ta đọc. Nhất Linh là nhà tiểu thuyết lớn bậc nhất của thế kỷ hai mươi, bóng của ông bao trùm toàn bộ đời sống văn hóa. Nhưng con đường ông đi thật lạ, qua nhiều ngã rẽ, khúc quanh, từ những truyện ngắn đầu tiên có tính cách mở đường, đến Đoạn tuyệt nổi tiếng, một tiểu thuyết luận đề, nói về sự xung đột giữa cái mới và cái cũ, tấn công vào thành trì của  phong tục gia đình và hôn nhân lỗi thời, kêu gọi giải phóng phụ nữ. Nhưng một cuốn tiểu thuyết có tính xã hội như thế vẫn có những đoạn đẹp, như đoạn tả cảnh bốn người ngồi bên lò sưởi trong căn phòng ấm áp của cô giáo Thảo, mà ngoài trời thì mưa bay mờ mờ. Chính cái cảnh ấy làm tôi cảm thương cho số phận của cô Loan sau này. Ngòi bút của Nhất Linh ngày càng sắc nét, trở nên thơ mộng trong Đôi bạn, sâu sắc trong Bướm trắng, bùi ngùi trong Dòng sông Thanh thủy. Bướm trắng là một đỉnh cao nghệ thuật của Nhất Linh, với những đoạn phân tích tâm lý mà vào thời ấy văn học Việt Nam ít biết tới. Cuốn Xóm Cầu Mới được ông xuất bản vào cuối đời, khi đã ở miền Nam, ngay trước cái chết, vì vậy sự phổ biến còn hạn chế, nhiều người không biết đến tác phẩm này. Thật tiếc. Theo tôi đó là một trong những cuốn tiểu thuyết lớn nhất của văn học Việt Nam, với bút pháp giàu suy tưởng, thơ mộng, nhiều câu văn đẹp tuyệt, xứng đáng là kết quả của tâm huyết của nhà tiểu thuyết. 

Siêu ngắm nghía cái tai của Mùi, cái tai lộ ra giữa hai làn tóc đen, chàng lấy làm lạ ở với Mùi bao lâu mà chàng chưa từng ngắm đến cái tia này bao giờ. Chàng thấy cái tai ấy có những đường vòng êm êm, thịt tai trắng dịu, trông mát lắm và có vẻ thơm; trong cái tai trong làn tóc đen phảng phất giống một bông hoa nhài mới nở trong đêm. Siêu nghĩ thầm: - Hết yêu cái gáy bây giờ lại đến yêu cái tai. 

Như thế là cái tai biến thành một hình ảnh lạ. Tác giả dùng nó để nói về mối quan hệ giữa hai người, thân mật, lửng lơ, bồi hồi.  Nhất Linh viết về tình yêu và tình dục một cách kín đáo. Hình ảnh của cái tai trở thành thứ trong thi pháp gọi là ẩn dụ. Nhất Linh xen kẽ những đoạn tả người tả cảnh với những nhận xét của tác giả. Những nhận xét ấy hòa vào mạch truyện theo cái lối mà ngày xưa Nguyễn Du viết Kiều, làm cho giọng điệu của câu chuyện cũng là giọng của tác giả. Không gian trong Xóm Cầu Mới có đủ cả mưa nắng, lụt lội, nhưng nhiều nhất là một không gian mưa bụi êm đềm, dịu nhẹ, trong lành. Không gian ấy làm cho cuộc nói chuyện trai gái bề ngoài không đâu vào đâu mà bên trong đầy ý tứ, gợi lại những kỷ niệm, cách sống. Những thế kỷ mười tám và mười chín, các tiểu thuyết gia Tây phương thường hay tả cảnh vật, khác với tiểu thuyết đương đại. Sỡ dĩ như vậy vì thời trước, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, con người từ bỏ thành thị tìm về nông thôn, sống giữa thiên nhiên. Khung cảnh ảnh hưởng đến lời ăn tiếng nói, mối quan hệ của các nhân vật. Chính mối quan hệ quyến luyến của Siêu và Mùi phát sinh một thứ không gian bao quanh họ, ấm áp, mơn trớn. Vì mối quan hệ ấy vừa bóng gió, vừa pha cái mùi mẫn của xác thịt, sự đụng chạm thân mật nên không khí ấy cũng thế, đó phải là buổi chiều mưa, bên hiên mờ tối, bên ngọn lửa nấu cháo khuya, ấm áp, mơ hồ, dưới trời mưa rả rích. Tất cả không gian và thời tiết ấy không những tạo ra cái nền cho câu chuyện kể mà còn được sinh ra từ câu chuyện ấy. 

Mùi nói luôn miệng, nhưng Siêu không để ý nghe nàng nói gì. Chàng thong thả nói:

- Ở đời có những cái vui con con thích hơn những cái vui lớn nhiều. 

Sau một trong những câu nói vu vơ như thế, tác giả lại cho Mùi nói một câu khác nữa, nhưng là nói thầm: Em đang vui sướng đây, anh có thấy không? Cái tâm sự thiếu nữ ấy cần phải được vang lên trong lòng Mùi vì cô không thể nhịn được: một người đang yêu không thể im lặng mãi được. 

Nàng nói thế nhưng lại khẽ đưa hai bàn chân ra như đợi. Siêu thấy rờn rợn khắp người nửa vì thú nửa vì sợ.

- Có nên không?

Tôi ngờ rằng Nhất Linh chính là Siêu mới sống hết được cái giây phút này, mới nhìn thấy cái hình ảnh nửa là ẩn dụ nửa không phải ẩn dụ: chàng nhìn hai bàn chân nhỏ nhắn của Mùi đương bắt chéo cùng với dòng nước từ gáo chảy xuống. Ai đã từng ở bên giếng nước ngày xưa như tôi đều nhớ lại cái động tác này: bắt chéo chân để xối nước. Nước trong cái gáo thì ít lắm. Bắt chéo chân như thế để chùi chân vào nhau và để tiết kiệm. Cử động ấy khôn ngoan, ý tứ, làm lộ ra cái duyên dáng của người phụ nữ. Hình ảnh bắt chéo hai bàn chân mới đẹp làm sao. 

Cách giới thiệu các nhân vật cũng thú vị. Cuốn sách có hai mươi lăm chương. Chương một, nhan đề Một buổi sáng, giới thiệu nhân vật Mùi, là một trong những chương hay nhất. Tác giả kể mối quan hệ bà con xa của hai người. Nhờ có mối quan hện này mà Siêu và Mùi gặp gỡ nhau một cách tự nhiên, những va chạm tình cảm hợp lý mà thanh niên thời ấy không thể có được. Phản ứng của Mùi trước thái độ thờ ơ của Siêu, khi chàng bực mình về một chuyện không đâu, hoàn toàn không để ý đến Mùi: cô gái đập mạnh tay vào cánh găng đầy gai sắc đến chảy máu, một tính cách mạnh mẽ, một tình yêu đầu đời, xót đau. Nhưng đó chỉ là sự giới thiệu, nói về chuyện quá khứ mấy năm trước. Trong Xóm Cầu Mới thỉnh thoảng có những đoạn nhắc lại quá khứ như thế, back story. Không những đối với hai nhân vật chính, Nhất Linh mô tả kỹ tâm lý của họ, mà đối với những nhân vật phụ như Mạch, Hải, Hiên, Nhỡ, Tí, Nữa, tác giả cũng dành cho họ những câu văn xứng đáng, sự quan sát tỉ mỉ, âu yếm. Tôi chú ý nhiều đến nhân vật Hải, hình như là một đại diện trí thức lỡ thời duy nhất trong cuốn sách, sự phóng đãng và cái duyên thầm kín của anh chàng, mối đi lại với Hiên. Đoạn hai người gặp nhau bên bàn đèn, hay đoạn Hải hôn vợ mình chạm vào cánh mũi dính dầu mỡ có nhiều quan sát thi vị. Có những đoạn Nhất Linh tả, nhiều người khác cũng tả, mới thoạt nhìn không có gì khác, cho đến khi tác giả đưa ra những nhận xét của riêng mình, buông lời thoại đúng lúc, đúng tình cảnh, đúng tâm lý. 

Tôi lấy làm ngạc nhiên: Nhất Linh trải qua biết bao chặng đường, những ngày gian khổ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mất những người thân yêu nhất, Khái Hưng, Hoàng Đạo, bỏ vào Nam, lên núi chơi lan rồi vài năm sau uống thuốc độc tự vẫn, một người như thế mà vẫn giữ được lòng nhiệt thành khi làm báo Văn hóa Ngày nay, nhưng cái đó vẫn còn hiểu được. Cuốn Xóm cầu mới ông viết rải rác trong nhiều năm, khoảng 1949- 1957, toàn là những năm sóng gió, đầy những hình ảnh thơ mộng, một ngôn ngữ duyên dáng, dí dỏm, có cái trẻ trung hồn nhiên mà những người ở tuổi ông khó có được, cái giọng văn tự nhiên, mạch lạc, ra vẻ chất phác ấy thật ra bay bướm, là viên kim cương sáng ngời ở một tâm hồn tươi trẻ, yêu đời, thương cuộc sống. Tôi thoạt nghĩ chữ thương cuộc sống, nghĩ lại quả nhiên đúng lắm. Bạn hãy ngẫm nghĩ xem hình ảnh của Siêu, hình ảnh của Mùi, của những nhân vật khác đi lại nói năng như những niềm vui sướng đột ngột, chữ của Nhất Linh như một mùa xuân tới sớm, như cái dịu dàng e ấp của hoa sói, hoa mộc. Tôi đọc Xóm cầu mới mà yêu tác giả biết bao. Thương cái hồn nhiên tươi trẻ của ông, thương cái tình của ông đối với cuộc sống. Tôi đọc lại lần nữa, một cốt truyện như không có gì mà hấp dẫn, tả những nhân vật bình thường trong cuộc đời nhưng không hề tầm thường. Tôi cảm thấy hồi hộp theo những hồi hộp của Siêu khi lau chân cho Mùi. Đôi khi tôi cũng nghĩ như Siêu:

- Có nên không?

Tôi không biết. Vì vậy mà anh chàng Siêu thông minh nhưng lười biếng ấy, làm biếng cả trong tình cảm, vẫn cứ đeo đẳng tôi hoài. Nhưng đeo đẳng tôi hơn cả là Mùi, người con gái nhỏ tuổi có duyên lạ kỳ, những cảm xúc của thời mới lớn, ướp trong mùi hương của nước chè tàu và hoa mộc. Hoa mộc thì tôi biết lắm, nó thơm lừng trong vườn cũ của bà ngoại tôi, thoảng trên mặt nước của bể cá xây bằng gạch, có bầy cá nhỏ ngủ dưới cánh bèo non tím. Trong một tùy bút, nhà văn Võ Phiến có nhắc đến câu thơ sau đây của Bình Nguyên Lộc: 

Ghe ơi vài bữa ghe về

Hỏi người dưới ruộng cô Quỳ còn không?

Những kẻ đi xa như tôi, đôi khi ngồi nhớ nước cũ, cũng muốn bắt chước Võ Phiến mà hỏi:

- Cô Mùi còn không?

Thì còn đó, chứ sao không. Có đi đâu mà mất. 

Cô Mùi giỏi buôn bán, làm ăn, có cái khôn ngoan của cô hàng xén, cái chững chạc của bà chủ nhỏ, cái tử tế của người nông dân ngày trước. Cô chất phác mà lém lỉnh, cô hiền lành nhưng dí dỏm, cô tiết kiệm nhưng bao dung. Đó là người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, nết na, thùy mị, một người thực tế nhưng đôi khi vẫn cho phép sự lãng mạn chiếm lấy tâm hồn mình, đôi khi để cho vẻ đẹp hồn nhiên của mình chiếu sáng ra ngoài, làm cho cái không khí mà họ đi qua cũng biến đổi rực rỡ, làm cho cái xã hội nhỏ bé chung quanh họ cũng tử tế hơn lên như thơm mùi hương lạ.

- Em thì không trồng hoa. Em cần có một cái vườn rộng để trồng rau và một cái ao nuôi cá để rán cho thầy em ăn và nấu canh bún cho anh ăn. Thế có được không? Em lại làm một cái chuồng rộng như ở nhà cụ Hường và nuôi một đôi công.

Sao bỗng nhiên lại ra một đôi công thì tôi không biết. Henry Fielding từng nhận xét rằng: "Chắc chắn người ta có thể kể lại sự thật với một gương mặt hài hước". Tôi cũng tin Nhất Linh đang kể lại sự thật bằng nụ cười rất nghịch ngợm của ông. Người ta vẫn thường tin rằng những bi kịch sâu sắc hơn hài kịch, hiện thực hơn, tinh tế hơn những câu chuyện vui tươi. Không hẳn thế. Siêu và Mùi là một chuyện tình vui vẻ, mà cũng không hẳn hoàn toàn vui vẻ. Tôi chưa hề thấy một tình yêu nào mà người ta suốt ngày chỉ tươi cười hơn hớn. Thế nào cũng có lúc giận nhau. Hiểu lầm, tự ái, tổn thương. Thế nào cũng có người khóc. Nhưng nếu không phải thế thì sao gọi là cảm xúc thực. Mùi và Siêu lại không phải một cặp tình nhân theo nghĩa thông thường. Mùi chưa bao giờ được dịp bày tỏ lộ liễu tình yêu của mình, Siêu thì lừng khừng, tiến không tiến, lùi không lùi, thật là một anh chàng quá dễ ghét. Nhưng chính cái lừng khừng ấy làm nên không khí trí thức, vì trí thức nào mà chẳng lừng khừng? Chính cái không khí mơ hồ giữa hai người làm lên mùa thu của họ. Văn học Việt Nam trong một trăm năm qua đã sinh ra nhiều nhân tài, nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng xét về cuộc đời, có lẽ Nhất Linh có một cuộc đời kỳ lạ hơn cả, bi thương hơn cả, gắn với lịch sử dân tộc hơn cả, đẹp hơn cả. Lừng khừng hơn cả. Vì vậy, ông là gương mặt của trí thức, chân chính và tự do. Khác với những tiểu thuyết ngày trước được gọi là tiểu thuyết luận đề như Đoạn Tuyệt, Nhất Linh còn có Xóm cầu mới là cuốn sách lạ lùng nhất, được viết với một văn phong khác những cuốn khác, diễn tả tài tình các chi tiết, những cảm xúc, nhưng lại không đưa ra những chủ đề rõ ràng. Chủ đề của Xóm Cầu Mới là gì? Chúng ta không thể gọi tên một cách rõ rệt. Cái phân vân, vương vấn ấy đâu phải chỉ là của Siêu và Mùi, là của thời đại, phản ánh tâm trạng của tác giả những ngày lưu lạc sang Tàu, những ngày tan tác, quyết định vào sống ở miền Nam tự do, rồi muốn thay đổi chế độ ấy cho tốt đẹp hơn, nhưng thất bại một lần nữa. Một người liên tiếp mất những người bạn thân thiết, những người cộng sự, từ Thạch Lam, đến Khái Hưng, từ Khái Hưng đến Hoàng Đạo, biết bao nhiêu người nữa. Nhất Linh nhìn thấy trước sự thay đổi của đất nước, sự chia đôi, thất bại, sự suy tàn của lý tưởng tự do, không khỏi rơi vào tình trạng yếm thế. Nhưng trong Xóm cầu mới tôi không thấy tính chất yếm thế ấy, chỉ thấy lòng yêu đời, sự vui sướng, nhẹ nhõm, cái hài hước dịu dàng. Quý thay, cái điềm đạm, tự chủ của tác giả. Quả nhiên, Nhất Linh không phải là một nhà chính trị, ông chỉ là một nhà cách mạng. Các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn đều là những nhà cách mạng, xem việc hoạt động xã hội cũng như công việc văn chương, dù tài năng lớn, có thể đảm đương nhiều trọng trách, họ vẫn buông bỏ dễ dàng. Người làm cách mạng thực ra là những nghệ sĩ. Nhất Linh là một nghệ sĩ.

Người đọc dễ nhận ra khung cảnh trong Xóm cầu mới, vườn cây, hàng hiên, cảnh chợ búa phần nào mô phỏng từ trang trại Cẩm Giàng của gia đình Nguyễn Tường ngày trước. Vậy thì khung cảnh là một cái xóm nửa tỉnh nửa quê ở miền Bắc, tiêu biểu cho đời sống người dân Việt ngày ấy. Nhất Linh có thời kỳ, cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, chơi hoa phong lan trên rừng, mê say đến nỗi coi như là một trong những việc quan trọng của đời mình. Xóm cầu mới có lẽ là hình ảnh của hai thứ: phố huyện Cẩm Giàng nơi ông lớn lên và giấc mơ bên tiếng suối reo những ngày Đà Lạt dưới bóng lan. Bên trong khóc mà bên ngoài cười, nhưng cái cười ấy không phải sự che đậy giả vờ mà là một lối sống. Đọc văn thì biết Nhất Linh hạnh phúc khi viết, những đoạn ông tả cảnh tả tình đều lộ vẻ vui thú, cái vui thú tinh nghịch của một người can trường, thông minh, nhân hậu, mặc cho cuộc đời sóng gió ngoài kia, một tấm lòng quyết không thay đổi. Đọc, tôi càng thấy tấm lòng của Nhất Linh lớn quá. Mà lớn không phải vì ông nói chuyện to tát gì, trong ấy toàn chuyện nhỏ thôi, chuyện của hai người thanh niên mới lớn, chẳng phải quốc gia đại sự gì, thế mà nhìn cái chăm chút của tác giả đối với từng chi tiết, cái hồi hộp của cô Mùi, cái đặt tay của Siêu lên bàn chân xinh xắn kia, thì đủ tỏ tấm lòng của ông đối với cuộc đời, sự sống, đối với cả bọn hậu sinh chúng ta.  

Ít lâu nữa Mùi sẽ đi lấy chồng, có con và chàng cũng đi lấy vợ, ai người nấy hai cuộc đời riêng biệt hẳn, Siêu cảm thấy trước cái buồn của lòng chàng một hôm nào, độ mười năm sau chàng lại sẽ đến cái chợ này một mình, để có lại được cái tâm hồn chàng hiện nay và để buồn rầu một cách êm ái nhớ lại một hôm đã xa xôi ở đúng chỗ này lòng chàng đã rung động vì yêu Mùi. Siêu mỉm cười vì nghĩ đến có lẽ hôm đó chàng cũng không thể nào không nhớ đến cái cảnh Mùi chúi mũi nhìn vào cái bị giơ tay đo đo và cái tính đố ấy lúc đó chàng cũng chưa nghĩ ra. 

Một lần đến Hà Nội, đi tìm nhà của nhà thơ Dương Tường ở sâu trong một cái ngõ nhỏ, hình như ngõ Phan Huy Chú, tôi đi lạc và dừng lại hỏi đường ở một cô hàng xén, vì vậy khi thăm xong ra về, tôi ghé hàng cô mua mấy cân trà Thái Nguyên để đem về Canada làm quà, giá hai trăm ngàn, nếu tôi nhớ không nhầm. Thời ấy mới đổi tiền, loại đồng tiền năm trăm ngàn có giá trị lớn. Tôi không quen dùng tiền mặt mà tiền loại mới dính chặt vào nhau vì vậy khi trả tiền tôi đưa cho cô hàng xén tờ giấy bạc năm trăm, cô thối lại ba trăm ngàn. Khi tôi đã đi xa rồi, tới đầu ngõ, cô bán hàng kia tất tả chạy theo, đem trả tờ giấy năm trăm thứ hai dính chặt vào mặt sau của tờ kia. Tôi lấy làm ngạc nhiên, tôi nghe mọi người nói rằng thời bây giờ người ta khác nhiều, buôn bán xảo trá, không còn chất phác thật thà như ngày trước, nhưng cô hàng xén trong cái ngõ nhà Dương Tường hôm ấy đã làm tôi thay đổi. Hay chính cô bé có đôi mắt đen láy, với cái tai lộ ra giữa mái tóc như một bông hoa lài mới nở kia chính là cô Mùi của Nhất Linh ngày trước, không biết cô vẫn ngồi bán hàng ở đó xưa nay, hay cô mới trở lại từ một thế giới xa xăm nào khác.

Nguyễn Đức Tùng



READ MORE - CÔ MÙI CÒN KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng

EM VỀ BÊN ẤY | RÚ CÁT HẢI LĂNG - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

 

Nhà thơ Nguyễn Văn Trình

Em về bên ấy

      Nguyễn Văn Trình


Em về bên ấy chiều nay

một trời thương nhớ, heo may một trời
câu ca mái nặng chơi vơi
dòng sông như cũng rã rời, buồn tênh


Em về bên ấy nắng hanh
hay mưa nhòa nhạt, chân thành ngày xưa
em về buốt tím hoa mua
đường côi mấy nẻo, gió lùa hồn anh…


                               NVT

 

                                                          

 

Rú cát Hải Lăng  

         Nguyễn Văn Trình

 

Chiều qua

rú cát Hải Lăng

chập chùng đồi cát

rú cấy um tùm (1)

cuối trời tít tắp chân mây

cát như bất tận, mịn màng dưới chân

con dốc dài dải cát

hoa dại khoe ven đường

hình như chiều xuống vội

hoàng hôn phía chân đồi

dấu chân chưa kịp bước

gió về lấp cả rồi

nao nao chiều rú cát

nhớ những năm còn giặc

nơi đây vùng ẩn nấp

cán bộ kháng chiến mình

đấu tranh giành độc lập

cho đất nước bình yên…

 

Chiều qua

rú cát Hải Lăng

cát nhiều như sa mạc

cuồng phong gieo thịnh nộ

thổi cát xây nên đồi

xương rồng kiên gan đứng

muôn sắc màu hấp dẫn

trắng, đỏ, vàng lung linh

tô thắm cả rú cát

đẹp thêm dưới chiều vàng

gửi hương bay trong gió

hạt cát dù nhỏ nhoi

nhưng cứng rắn, vững vàng

không bao giờ chịu lẫn

giữa rú cát mênh mông…

 

Chiều qua

rú cát Hải Lăng

mịn màng đồi cát trắng

rú cây xanh ngập ngừng

chiều về ngã bóng chân đồi

xa  kia thấp thoáng, một vùng cỏ may

hoa may níu bước chân người

vấn vương chút cát, đi về nhớ thương

câu thơ viết vội, lời thề gió bay

người đi thổn thức ngóng trông

dấu chân trên cát cũng rồi vội tan

lòng ai trang trải cát vàng

trái tim rộn nhịp, bàng hoàng ngẫn ngơ…

 

                                2019

                               NVT

 

(1) Rú: Tiếng Hải Lăng, Quảng Trị, là rừng. Rú cây là rừng cây.

READ MORE - EM VỀ BÊN ẤY | RÚ CÁT HẢI LĂNG - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

TRẠM GA CHÓT - Thơ Chu Vương Miện

Nhà thơ Chu Vương Miện


TRẠM GA CHÓT

Thơ Chu Vương Miện


“Tên tác phẩm tuyện ngắn của nhà văn Huy Phương”

Cha mẹ sinh mình không nghĩ “tựa”

Đời ta khi hết “bạt" về đâu?

“trang sách đời – Huy Phương"

-

chuyến tàu hoả xuyên việt

băt đầu khởi hành từ đâu?

và ngừng ở ga nào?

tuỳ thời gian của đất nước

khi thống nhất và khi bị chia cắt

tuy nhiên mỗi ngừơi trong chúng ta

cũng phải bị bắt buộc xuống 1 sân ga chót

là ga cuối cùng

kết thúc cuộc hành trình

của 1 kiếp làm cái con ngừơi

“không phải kiếp con ngợm"

có người vừa nói vừa cười bước xuống thơ thới

có người phải được vợ con cháu

xách nách dìu xuống mới xuống nổi

có người được khiêng xuống

kèm theo bộ sơ mi gỗ

y 100 hoa đua nở

muôn mầu muôn vẻ sặc sỡ 

chả ai giống ai?

-

Các huynh trưởng đã có công

Dẫn tiểu đệ gia nhập hàng ngũ Cái Bang

Của tôn sư Hồng Thất Công

“trọn đời bị gậy" từ đầu thập niên 60

Huynh về với Thiên Chúa đầu tiên 

Là nhà thơ Kiều Thệ Thuỷ đầu năm 80

kế là nhà văn bụi đời Nguyễn Thụy Long

vừa mới rồi là nhà thơ Tường Linh

riêng nhà biên khảo Tuệ Chương Hoàng Long Hải

thì không? chưa về

-

Thầy Huy Phương dậy cấp 2

Em học cấp 3

Cùng trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị

tuy là danh nghĩa thầy trò

Ngày ngày ra vào gặp nhau

Nhưng không ai dậy ai?

Và cũng không ai học ai?

Giữa năm 60

Khăn gói gió đưa lại gặp nhau ở Thủ Đức

Rồi sau 75 bèo dạt huê trôi

Lại lêu bêu gặp nhau bên cầu Khánh Hội

sau qua Mẽo

Cuột đời dâu bể bể dâu?

Thầy sanh năm 1937 tuổi Sửu

Em sanh năm 1941 tuổi Tân Tỵ

Thầy trên 8 bó

Em mi mí 8 bó chẵn

Ôi chuyến tàu hoả đời

Chạm chót

Thầy xuống trước

Hay em xuống trước 

ai trước? ai sau?

Hay cùng 1 lượt


Chu Vương Miện









READ MORE - TRẠM GA CHÓT - Thơ Chu Vương Miện

TÀU XƯA NĂM CŨ - Đinh Hoa Lư

 

 


TÀU XƯA NĂM CŨ

Đinh Hoa Lư

 

Tôi hay dùng lại tiếng tàu 'HỎA', tiếng ngày xưa người mình hay dùng để chỉ tàu lửa. Đó là những chiếc tàu chợ phun khói phùn phụt và hú từng hồi còi dài.  Hơn nửa thế kỷ qua rồi, giờ đây có thể các bạn  đang ngồi trong những toa xe hạng sang xuyên Việt,  có đầu máy chạy bằng diesel tối tân với tốc độ nhanh chưa từng có.

 

Hình ảnh chiếc tàu hoả năm xưa không lạ đối với lớp người lớn tuổi, nhưng thế hệ bây giờ có muốn đi cũng không có?

 

Ôi một thời tàu chạy lắc lư những cột khói đằng đầu tàu phun lên tiếng còi tàu huýt liên hồi khi gần đến ga nào đó...

 

Tàu đi qua những vùng hoang dại thôn dã ruộng nương mỗi lúc rời sân ga và xa thành phố.

 

Tàu đi tàu về người nhớ kẻ thương...một thời rung động trái tim người nhạc sĩ cống hiến cho chúng ta nhiều bản nhạc.

Tàu hoả với người nghệ sĩ là chuyện chia phôi cùng đợi chờ chuyện ngày xưa những tình cảm mặn mà lãng mạn nghe rung động làm sao?

 

Người viết khơi lại hình ảnh chiếc tàu hỏa xa xưa, có nghĩa là khoảng thời gian cuối từ 1960 trở về trước khi con đường sắt cận sơn tỉnh Quảng trị còn đi qua những vùng hẻo lánh - hoang vu. Lúc này đường xe hỏa trong Nam vẫn còn xuyên suốt từ Sài Gòn ra đến Đông hà. Thế hệ sinh sau 1970 có thể nhìn thấy những đầu máy xe lửa cổ xưa, đen sì chạy bằng than đá và củi trong sách vở. Riêng thế hệ tôi còn đươc "hân hạnh" đi trên những chuyến tàu "cỗ lổ xỉ" này trước khi chúng bị bỏ phế trên những khoảng vắng tại những nhà ga lớn.

 

Ngày đó,  nhà ga xe lửa Quảng Trị cách cầu Thạch hãn không xa. Bởi thế ngày xưa dân mình hay gọi cầu này là Cầu Ga. Tàu từ Đông Hà vô, dừng Ga Quảng Trị. Ngược lại muốn ra Đông Hà, bạn có thể tới Ga Quảng Trị đáp chuyến tàu ra. Chiếc cầu dành cho cả tàu hỏa và xe hơi, nên mỗi khi có tàu qua xe và người đi bộ đành phải chờ. Thời này tôi hay đi tàu hỏa dù chỉ một đoạn ngắn từ Quảng trị vào Mỹ chánh hay từ Quảng trị ra Đông hà.Nhà mẹ đích tôi kế chợ Mỹ chánh, mỗi lần tôi từ Quảng trị vào thăm xong tôi đi lên ga xép Mỹ chánh đón cho được chuyến tàu chợ cuối ngày để ra Quảng trị.

 

Tôi mường tượng hình ảnh cũ. Thời con nít, cái gì cũng 'vĩ đại. Đi được với người thân trên tàu, đối với tôi đó là những chuyến 'viễn hành'.  Tôi còn nhớ,  ga Mỹ chánh trên khoảng dốc cao. Tôi ngồi đợi tàu trong lòng thấp thỏm ngóng mong. Tiếng còi tàu hú từ xa, tàu từ Huế ra. Những hồi còi tàu nghe lúc đầu  còn nhỏ, sau càng lớn dần. Từ xa một cái chấm đen tròn, cột khói đen ngòm bốc lên. Cái đầu tàu đằng trước, khói bốc"phì phò"càng lúc càng rõ.Tiếng rầm rập trên con đường sắt. Tôi làm sao quên cảm giác hồi hộp khi cái khối sắt từ từ chậm lại, dừng hẳn trước sân ga Mỹ Chánh nhỏ bé, đìu hiu.

 

Tàu chợ tạm dừng ít phút, lấy thêm khách hay cho một vài người xuống. Cột khói từ trên cái đầu tròn dài đen nhẵn của đầu máy còn "gầm gừ" như 'doạ nạt' thằng bé như tôi. Trong trí tưởng tượng của tôi lúc đó, những bánh xe sắt khổng lồ của đầu tàu cùng lửa, khói, hợp lại trông chẳng khác gì một con 'quái vật' dễ sợ và đen ngòm. Bao ấn dấu ghi đậm trong trí óc trẻ thơ?

 

Người lái tàu áo quần đầy dầu mỡ, xốc xếch, nhảy xuống khỏi đầu phòng lái.  Hình như ông chỉ đứng lái tàu chứ không ngồi như bác tài xế xe hơi. Ông vội vàng dùng cây sắt dài, hì hục nạy đống lửa và than đang cháy hừng hực, chuẩn bị cho đầu tàu tiếp tục hành trình về nhà ga khác.

 

 Lại hồi còi khác lanh lảnh rúc lên, đằng trước nhà ga người phu trạm phất lá cờ đỏ báo hiệu cho con tàu lăn bánh. Tiếng " sình sịch , sình sịch" đầu chậm sau nhanh, con tàu từ từ rời ga Mỹ chánh, người phu trạm đứng ngó theo; bóng ông cùng cái nhà ga khuất dần .

 

Đã là tàu chợ thì nó phải chạy chậm thôi lại còn lắc lư nữa nhưng cảm giác của tôi lúc này thấy nó chạy nhanh lạ lùng . Tôi say sưa ngắm những triền cát những vùng rú càn , những triền đồi hoang sơ không một bóng người . Phía trái là núi trường sơn trùng trùng điệp điệp. Cảm giác phiêu lưu mạo hiểm của một đứa nhỏ đi xa theo toa tàu lắc đều. Thỉnh thoảng từ đầu máy một hồi còi kéo lên phá tan không gian tĩnh lặng . Gần đến ga lớn Quảng trị con tàu kéo còi liên tục cùng với niềm vui của tôi, đứa bé đi chơi xa về lại thành phố thân yêu.

 

Lớn thêm một ít , tôi có dịp vào Huế về thăm quê nội tôi tức là Truồi và tôi cũng có dịp đi tàu hỏa nữa. Rồi tôi còn được theo người lớn cùng lấy vé tàu tại ga Truồi mà vào đến Đà Nẵng. Nói sao hết nỗi vui mừng của tôi với cái thú "phiêu lưu " xa xôi như lúc này. Làm sao quên được hình ảnh sóng nước rì rào khi con tàu chạy men theo bên đầm Cầu Hai, Đá Bạc, giã từ cái đầm Lăng cô, tiến sâu vào chân núi Hải vân.

 

Nếu chúng ta hiện nay có những phương tiện dồi dào - hiện đại thì mới thấu được nỗi ' gian nan" của chiếc tàu chợ đen đúa năm nào ! Chiếc đầu máy chạy bằng than kia phải ì ạch kéo cả đoàn tàu qua núi Hải vân nơi có những độ dốc khiến nó phải "phì phò " phun khói dày đặc tưởng chừng muốn "ngất lịm " đến nơi .  

 

Cảm giác rờn rợn của tôi tăng lên khi con tàu phải chui qua mấy cái hầm dài xuyên qua Hải vân sơn . Những toa xe không có điện , tối thui như cảnh âm ti địa ngục . Cứ qua một hầm những kẻ thích đùa lại cứ la hét lên như dọa nạt những ai yếu bóng vía . Khói tàu trong hầm chui vào hết trong các toa xe , mùi hắc ín mùi khói than khét lẹt sặc sụa đầy phổi mọi người . Đầu tàu trước khi vào hay ra khỏi một hầm lại hú lên 1 hồi báo hiệu . Cứ mãi vậy cho đến cái hầm thứ thứ 6 - cái hầm dài nhất thì mới qua ranh giới Đà Nẵng. Toa xe sáng lần lên cho đến khi tất cả đều lọt vào khoảng trời quảng khoát bên ngoài. Ai nầy đều hít thở sảng khoái , nhìn lại nhau thì ôi thôi mặt ai cũng có một lớp mỏng đầy muội khói .

 

Một thuở thanh bình người dân tự thoải mãn với nhưng gì hiện có trong tay . Người ta đi con tàu chợ, nhưng khúc củi to tướng đốt lẫn với than - những cột khói hình nấm phùn phụt bay lên trời cao tiếng còi tàu hú vang dài lê thê nhưng lại đem niềm vui cho khách đi xa đang mòn mỏi ngóng trông.

 

Làm sao tôi quên được những lúc đợi con tàu về ga cũ. Tôi đã áp tai vào đường tàu cố lắng nghe chấn động con tàu lan truyền từ những dặm xa. Có tiếng còi tàu xa xa âm thanh mơ hồ -phảng phất. Niềm vui của tôi tăng dần khi nhìn thấy làn khói đen từ phía chân trời cùng lúc tiếng còi tàu to dần liên hồi như tiếng reo vui của người con đi xa nay về lại cố hương. Đoàn tàu thân quen đã về bến cũ để đón thêm người đi, lưu luyến chia tay cho ai ở lại. Từng cụm khói tàu bốc cao phùn phụt lên trời, nó vẫn tiếp tục chuyến viễn hành, vẫn tiếp tục chia phôi, sẽ để lại phía sau một sân ga bé nhỏ cùng số phận đợi chờ. 

 

Con tàu năm cũ sẽ đưa chúng ta về với thời hoang dại. Những chuyến tàu hoàng hôn ra đi về bóng tối của thời gian; nơi đó đã chôn kín bao kỷ niệm vơi đầy, một thời tuổi nhỏ.

 

Rồi thời gian trôi mau, phôi pha bóng dáng con tàu năm cũ. Bao nhân ảnh cuộc đời cũng lần hồi nhạt nhòa theo quá khứ . Từng hồi còi tàu lịm tắt - từng sân ga xa dần và khuất hẳn theo ngả rẽ cuộc đời; tất cả sẽ theo nhau trôi về vùng kỷ niệm ./.

 

Đinh Hoa Lư  20/7/2011

 update 24/5/ 2021

READ MORE - TÀU XƯA NĂM CŨ - Đinh Hoa Lư

THẨN THỜ NỖI QUÊ | KHE SANH PHỐ NÚI - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình



Nhà thơ Nguyễn Văn Trình


Thẫn thờ nỗi quê

Nguyễn Văn Trình

               

Tìm về

thăm lại cảnh quê

thăm đàn em nhỏ

mô tê nô đùa

thăm đồng lúa chín ươm vàng

lâng lâng lòng lại

rộn ràng bước chân

 

Thăm người bạn cũ ân cần

một thời đèn sách

đồng hành bên nhau

thăm con đường mới sau làng (1)

nhớ thời chạy nhảy

đuổi chuồn bắt ve

 

Vẳng nghe

tiếng gáy chim gù

từ trong vườn ổi

vườn chè nhà bên

khói lên bếp lửa chiều quê

mong manh sương trắng

tỉ tê cõi lòng

 

Về quê

nhớ đến giếng làng

nhớ người gánh nước dịu dàng

duyên xinh

nhớ vành nón lá che nghiêng

giấu trong nhan sắc

gái quê thục hiền

 

Người quê

mộc mạc chân quê

cùng nhau đùm bộc

đi về sớm hôm

làng quê ôm ấp nôi đưa

tiếng ru của mẹ

dịu trưa nắng hè

 

Chiều quê

cảnh cũ bờ tre

chim ca ríu rít

mà nghe mơ màng

quê hương, làng nước, tuổi thơ

vấn vương nỗi nhớ

thẫn thờ nỗi quê…

 

              NVT

 

 (1) Con đường bờ bao men theo Sông Hiếu, chạy dọc phía sau làng.

                                   

Khe Sanh phố núi

Nguyễn Văn Trình

                                 

Khe Sanh tôi đến một chiều

nghe trong ngọn gió, bao nhiêu ân tình

chim gù gọi ánh bình minh

quanh quanh đường dốc, in hình bóng mây

                        

em cười má đỏ hây hây

bồng bềnh sóng tóc, trong ngày mới lên

nghiêng nghiêng giọt nắng bên thềm

Khe Sanh ngày mới, bừng lên sắc màu

                        

Ngàn năm trước, vạn năm sau

Khe Sanh phố núi, tìm nhau mà về

đồng giao vọng giữa trưa hè

nghe như sơn nữ đi về phía tôi

                        

Lặng nghe gió hát, mây trôi

tình yêu mời gọi, núi đồi Khe Sanh

giang tay với sợi tơ mành

Mới hay níu phải, mong manh dịu dàng

                       

Làn hương nhè nhẹ lan sang

em về thương nhớ, nắng vàng về theo

phố vui in bóng lưng đèo

có người lữ khách, mang theo nỗi niềm

                      

Gặp em ngày ấy nên duyên

Khe Sanh ngày mới, một miền thơ ca ….!!!

 

                            NVT

 


READ MORE - THẨN THỜ NỖI QUÊ | KHE SANH PHỐ NÚI - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

TRƯA – Thơ Tịnh Bình


                Nhà thơ Tịnh Bình


TRƯA
 
Hình như bặt tiếng ve ran
Bướm vàng trốn nắng bên hàng giậu thưa
Tiếng gà tan loãng vào trưa
Sen ru giấc hạ lưa thưa gió nồng...
 
                                              TỊNH BÌNH
                                                (Tây Ninh)

READ MORE - TRƯA – Thơ Tịnh Bình

TRƯỜNG LÀNG TÔI – Thơ Văn Thiên Tùng

 
 

(Riêng tặng Thầy Hiệu trưởng Bùi Hữu Cơ đồng quý cô Hoàng Thị Bê, Tạ Thị Hai - Nguyễn Thị Mơ và các bạn đồng môn của trường Long Hưng - xã Hải Thượng cùng NK 1960 -1966 và 4 chị em XL, XM, Đ, L)… Hằng năm trường có đến 70% học sinh 2 lớp Nhất A&B (gần 120 -130 hs) đều đậu vào trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, còn lại là TH. Bồ Đề đến TH. Thánh Tâm).

 
TRƯỜNG LÀNG TÔI
 
Trên đồi cát nơi đây còn lưu dấu
Dáng trường xưa - thầy cô tự thuở nào
Khuôn viên trường tường bọc "hóp- dứa" bao
Bấy cây phượng - lắm hàng dương rợp mát
 
Bảy phòng lớp cùng lối đi rộng ngát
Tứ hướng quanh sân cờ đẹp nhường bao…
Tuổi thần tiên ươm dệt tự thuở nào
Ngần kỷ niệm hằn in trường - lớp học
 
Những chữ cái - học vần hay tập đọc
Còn thuộc làu từng con chữ hôm nao
Hình dáng cô, uy phong thầy thuở nào
Đã khơi sáng tâm hồn ta ngày đó…
 
Những mùa hè thắm rực hoa phượng đỏ
Làm sao quên những hè luyện học thêm
Tiếng gió Lào - ve hòa khúc nhạc êm
Từng tốp - tốp bày trò chơi nào chán
 
Từng cọng "chứa" * thành lắm trò không ngán
Xếp chóng quay, đồng hồ buộc vào tay,...
Từng lối vào căng khắc nhịp đều tay
Bên hàng "hóp" * hơn thua trò câu cút
 
Bắt "rầy môốc - rầy mè" ** nhọc hơn chút
Đứa trèo cây - thằng đào cát bắt nào
Những trò chơi ù mọi... rộn ràng sao
Còn tung thẻ - nhảy dây,... thuần thục thiệt,…
 
Lắm trò chơi không thể nào kể xiết
Tháng năm học trò... Ôi! tuổi thần tiên
Từ lớp "Năm - đến Nhất" *** một mạch liền
Nơi đây đúng khởi bồi lực - tâm - trí.
 
Chặng tiếp đến theo đà ta vững chí…
Ôi! Ngôi trường thuở ấy của chúng ta
Trường Long Hưng Tiểu học ấy ấy mà...
Cảm ơn Thầy, ơn cô đồng trang lứa
 
Đã ươm mầm tri thức chặng đầu tiên!!!
Nào về thôi ...
Ta cùng ôn ... .
 và lật trang ký hôm nào!!!...
 
                  Mai Vân Văn Thiên Tùng
                              23/5/2021.
 
(1) Trường tiểu học Long Hưng chính thức tên gọi vào sau những năm 1946-1975. Trường được thành lập vào những năm 1930 với tên trường Yếu Lược - đến Bình dân học vụ và sau cùng tọa lạc trên đồi cát La Lã Hạ của Làng Long Hưng - xã Hải Thượng, quận Hải Lăng (sau đó quận Mai Lĩnh) bên cạnh cái bốt của Pháp gọi là Bậc - Đôốc, trường gồm có 5 phòng học chính rộng 8x10m, 1 phòng học phụ rộng 8x8m và 1 văn phòng Thầy cô cùng 1 phòng nhỏ giáo vụ & tài liệu thành hình chữ L hướng ra cổng theo Tây Bắc.
 
Từ khi trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị được thành lập vào những năm 1952, hầu hết học sinh trường Tiểu Học Long Hưng đều lên học trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị cho đến năm 1975. Trường quy tụ học sinh các xã lân cận thuộc phía Tây Nam - Đông tỉnh lỵ Quảng Trị đến học và một phần con em các khu gia binh của căn cứ quân đội Miền Nam (TĐ1BB) xã Hải Trí cũng có khá đông hs về học tại trường....
 
Sau năm 1975, trường thay đổi tên trương cấp 1&2 Hải Thượng, trường Cấp 1 Hải Phú đến trương Trung Tiểu Học Hải Phú ( 2019).
 
* Chứa: Cây dứa có bẹ gai nhọn hai bên ngày xưa thường trồng làm hàng rào che chắn sự xâm nhập của động vật và người lạ vào... Trẻ thơ thường cắt tước bẹ ra làm chong chóng 4 cánh, đồng hồ đeo tay, các con châu chấu, chơi cáo gai ngược xuôi…


Hóp: Hóp là cây tre nhỏ nhưng có lóng dài, thường trồng làm hàng rào; có 2 loại: hóp rặt nhỏ bằng que đũa, các bạn nữ dùng làm thẻ để chơi tung banh, hóp "mỡ" lớn hơn ngón tay cái, thưa đốt, nên trẻ nhỏ dùng làm ông phóc, làm lạt cột bánh đòn, lạt bó lúa, dây buộc các đồ dùng, củi ...

** Rầy Mô ốc - Rầy mè: Rầy mô ốc con rầy màu đà to tướng, thường đậu & sinh sống bầy đàn ăn lá cây dương liễu, học trò thường bắt nó cột dây chơi và thi đoán số ở trong cánh mỏng; Rầy mè con nhỏ màu xanh biếc thường ở sâu dưới gốc cây dương liễu (phi lao) trồng ở vùng đất cát trắng. Đào bắt chơi hoặc đem về chiên mỡ ăn rất ngon.
 
*** Lớp Năm đến lớp Nhất: Bậc Tiểu học trước những năm 1970 thì lớp Năm tức là lớp 1, lớp tư là lớp 2, lớp ba là lớp 3, lớp Nhì là lớp 4, lớp Nhất là lớp 5 bây giờ...
 
READ MORE - TRƯỜNG LÀNG TÔI – Thơ Văn Thiên Tùng