Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 8, 2017

Ký sự Bắc Lào - Phần 1: CỔNG TRỜI NẬM CẮN - Chế Cẩm Bình



KÝ SỰ BẮC LÀO
PHẦN MỘT: CỔNG TRỜI NẬM CẮN

       Chế Cẩm Bình

Như thường lệ thì tôi sẽ băng đường 9 để lên Lào. Nhưng vì cần có mặt tại công trình ở Đồng Hới nên phải ghé qua đó một ngày. Từ Đồng Hới đi Luông Pha Băng có ba con đường 12 qua ngả Cha Lo, đường 8 qua cửa khẩu Cầu Treo và đường 7 xuyên ngang tỉnh Nghệ An lên cổng trời Nậm Cắn, từ đó đi Xiêng Khoảng rồi về Luông.
Cả ba con đường này tôi đều chưa từng đi qua. Nhưng coi google và định hình hướng đi thì đường 12 và đường 8 có vẻ quen thuộc hơn, vì tôi đã từng đến Thà Khẹt hay qua ngã ba Pạc San là các điểm cuối của hai con lộ này nằm trên quốc lộ 13 thuộc Lào. Đường 7 thì hơi ngại, vì nghe nói đây là tuyến đường nóng về buôn bán hàng trắng, lại ngày xưa rất nhiều phỉ. Vậy mà, sau khi cân nhắc về hành trình và thời gian di chuyển, tôi lại chọn đi đường 7.
Từ Đồng Hới ra Vinh đã 1 giờ khuya, ngủ luôn trên xe đến 4 giờ sáng thì bắt đầu băng qua Nam Đàn rồi Đô Lương để vào đường 7. Đường nhỏ và ngoằn ngoèo, men ngược theo sông Lam mà chạy. Qua huyện Anh Sơn và đầu Con Cuông vẫn là đồng bằng, rồi băng rừng quốc gia Pù Mát vượt con đèo dài cả trăm cây số. Đi xuyên qua những khu rừng nghiến nguyên sinh với hằng hà thân nghiến khổng lồ dễ đến hai ba người ôm mới xuể.
Đến thị trấn Hòa Bình thuộc huyện Tương Dương trời bắt đầu đổ mưa. Mưa dày hạt, mưa trắng cả rừng, xối nước ào ạt xuống đường như thác đổ. Trước kính xe mịt mùng, chỉ nhích lên từng chút chứ không thấy rõ đường mà chạy. Bên tay phải đường con sông Lam ngầu đục trào lên từng hõm xoáy, chứ không êm đềm xanh trong như cái tên hiền lành của nó nữa. Chừng một khắc giờ thì mới tạnh, rồi dứt hẳn. Trời cao trong veo trở lại trên những vòm rừng nguyên sinh xanh ngút mắt.
Mường Xén, thị trấn huyện lỵ huyện Kỳ Sơn nằm cheo leo bên đường 7 với hai dãy phố con con nằm hai phía của cây cầu cùng tên bắc qua sông Lam. Người Kinh từ các huyện dưới xuôi như Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên lên làm nghề buôn bán và dịch vụ, còn người Thái thì chỉ ở trong bản chứ không quen ở ngoài này.
Qua khỏi thị trấn thì đèo càng lúc càng cao, băng qua những bản làng người Thái hai bên đường. Đến bản Nọọng Dẻ thì dừng xe lại ghé thăm. Cả bản có khoảng hơn trăm nóc nhà quây quần quanh mấy ngọn đồi liền kề nhau. Thấy trên nhà có mấy người phụ nữ đang dệt cửi, mới xin phép vào nói chuyện và chụp hình. Thì được chủ nhà nồng nhiệt mời lên cầu thang ngay mà không cần dò hỏi hay lưỡng lự. Hỏi thăm đây là đồng bào Thái hay Khơ Mú, thì nói là Thái Khăng, hỏi chữ Khăng nghĩa là gì, thì nói Thái Khăng là Thái ở gần với Lào chứ không rõ nghĩa là gì cả. Nghe mọi người nói chuyện với nhau thì thấy giống tiếng Lào hơn cả, nhưng trong cách phát âm lại thấy gần với ngữ chi Khơ Me, mới hỏi sao như vậy thì được trả lời là tổ tiên ngày xưa là người Khơ Mú, sau sống lẫn với người Thái nên thành người Thái hồi nào không biết nữa, cũng mấy đời rồi.
Chị Cụt Thị Búa, năm nay ba mươi tư tuổi, mà đã có hai con trai đi học cấp ba dưới trường nội trú tỉnh. Chồng đi làm thợ xây trên Lào, mỗi tháng cũng cầm về được chín triệu. Còn chị, hằng ngày đi làm nương và chăm sóc gần hai chục con bò, rảnh ra thì dệt thổ cẩm bán sang Lào hoặc bán ra Hà Nội cho những cửa hàng bán hàng lưu niệm. Hằng tháng thì gửi về hai cháu chỉ hai triệu, còn đâu nhà nước lo cả nên kinh tế rất thoải mái, như cái nhà của chị làm hoàn toàn bằng gỗ nghiến mà dưới xuôi có mơ cũng khó thấy.
Người cháu họ sang ngồi chơi cùng chị, tên Lữ Thị Bích, gia đình gã chồng năm ngoái lúc em đương học lớp mười một. Theo phong tục người Thái thì con cái phải hoàn toàn phải theo ý cha mẹ. Nên em rất buồn, đến độ phải ốm mất mấy tháng. Cái buồn đến giờ vẫn vương trên mắt khi mà em đang mang thai tháng thứ tám rồi. Hỏi bây giờ thì đã biết yêu thương chồng chưa, em nói có thương vì tình nghĩa vợ chồng anh ạ, dù là trước đó không hề yêu nhau. Thế sao em vẫn buồn, thì nói em còn nhớ lớp nhớ trường và nhớ bạn, em còn tiếc con chữ lắm.
Xuống chơi nhà chị Cụt Thị Thương và anh Cụt Văn Xí cũng được tiếp đón thân tình. Anh chị mới ngoài bốn mươi mà đã có cháu ngoại rồi đó. Tức là, ai cũng lấy vợ lấy chồng rất sớm. Chị Thương đang ngồi dệt khăn, những chiếc khăn thổ cẩm rất đẹp, sờ vào thì hết sức mềm mại. Mỗi ngày chị dệt được hai ba tấm, mỗi tấm bán chỉ trăm ngàn. Khăn này bán ở các cửa hàng ở sân bay giá đến năm bảy trăm chứ không rẻ. Hỏi mua mấy tấm, thì chị nói người ta đặt cả rồi em ạ. Như sực nhớ trong nhà còn thì phải, chị mới nói anh Xí vào tìm lấy ra được mấy tấm nhưng chưa làm tua rua. Rồi hỏi có gấp không, bảo dạ không ạ. Thế là anh chị nói ngồi chờ một chút, rồi hai vợ chồng vén ống quần lên se tua rua, phải se trên da đùi mới đều và không bị sút. Nhận khăn, cảm ơn và chào từ biệt anh chị, cũng không quên lấy số điện thoại để ai muốn có khăn này thì sẽ bán giúp cho anh chị thêm được ít nhiều cho anh chị vui.
Xe tiếp tục leo đèo, lên cao tận trên đỉnh một ngọn núi, chính là cổng trời Nậm Cắn. Bên kia đường có hai người phụ nữ với trang y sặc sở đang tựa lan can hộ phòng nhìn xuống, thì cũng dừng xe lại để chụp hình. Nhìn xuống, trời ơi, một từng mây trắng ngát bồng bềnh bên dưới vờn quanh các mái núi xanh mươn mướt của những nương lúa mới, cảnh sắc thật không khác gì chốn bồng lai được mô tả trong các cổ thư.
Vì ham chơi nên vào cửa khẩu bị muộn giờ, làm thủ tục không kịp nữa, phải chờ đến đầu giờ chiều mới qua được. Cũng đành, bởi mấy khi mà được lên cổng trời, được trò chuyện cùng đồng bào người Thái Khăng thương mến, được thả mình theo những áng mây trắng cho tâm hồn thêm tươi đẹp. Mơ hoa!
19/9/2017

Chế Cẩm Bình





















READ MORE - Ký sự Bắc Lào - Phần 1: CỔNG TRỜI NẬM CẮN - Chế Cẩm Bình

TAN CA ĐÊM - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê Thanh Hùng


Tan Ca Đêm

Đêm cánh gián, nhờ nhờ cuối phố
Trong xóm nghèo, trăm thứ vần xoay
Em bước qua, vĩa hè lổ chổ
Tan ca đêm, bóng nhỏ mệt nhoài
                      *
Góc phố vắng đời giăng sấp ngữa
Cố bền lòng, trắc trở một mai
Đâu nhiều thứ, để mà chọn lựa
Tuổi đời đi lần lữa giêng hai ...
                      *
Gói hy vọng, ôm vào giấc ngủ
Mặc nắng mai, phố nhỏ lao xao
Bao phận người trăm quê quần tụ
Xuôi ngược đời, quanh quẩn khát khao
                       *
Khát khao sống và yêu  – từ đó
Lộng gió trời, buông thả giấc mơ
Vẫn hồn nhiên - niềm tin cháy đỏ
Bờ tương lai, cuộc sống mong chờ ...
                Lê Thanh Hùng



Tình Cũ

I
Này em, rượu cạn, tình vơi
Chênh chao, cuồng nhiệt, tràn lời hoa ngôn
Sang sông, thuyền gác lên cồn
Kìa trăm mắt lạ, đổ dồn vào em ...

II
Giọt tràn ly, phớt qua môi
Đẩy đưa ngày tháng, tao nôi tròn vành
Còn không em, mộng ngày xanh
Men xưa, tình cũ, ta dành cho nhau

III
Đẩy đưa chút nghĩa cũ càng
Em, rơi trong gió một tràng cười hoa
Chìm trong dấu nắng nhạt nhòa
Quay ngang, em vén tóc xòa ven mi
                Lê Thanh Hùng



Dường Như Ngày Thu Cũ

Đâu có gì, sao bịn rịn với nhau
Khi tháng năm đã úa màu từng trãi
Tình nhạt phai, biết bao giờ trở lại
Ấm lạnh đời, chìm nổi những khát khao
                        *
Bên góc phố, bao mùa thu đi qua
Mưa tháng chín, cứ nhùng nhằng dai dẳng
Mây xám trời chiều, đìu hiu trống vắng
Vọng cố hương, nghe ray rứt quê nhà ...
                      *
Sao không có gì, mà lợn cợn lay
Tấm rèm cũ, treo bao mùa mưa mắng
Đong đưa hiên thưa, trong mưa trĩu nặng
Chầm chậm trôi qua, khoảng khắc cuối ngày
                      *
Vội vã buông hờ, tay níu lấy tay
Mắt nuối mắt, lơ đềnh nhìn đắm đuối
Như đã trôi theo dặm đời rong ruổi
Rớt xuống hoàng hôn lặng lẽ đắm say
                      *
Như có điều gì, cựa quậy rung vang
Cuốn quýt gió, mùa thu bay quăn quíu
Gỡ chiếc lá, vương tóc dài nũng nịu
Chợt mùa thu, như đến sớm vội vàng ...
                Lê Thanh Hùng
                Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - TAN CA ĐÊM - Chùm thơ Lê Thanh Hùng