Tác giả Phạm Đức Nhì
Bài 2
KHẢ NĂNG HIỂU VÀ CẢM CÂU CHỮ
Trong bài viết ngắn này tôi xin ghi lại một số cuộc tranh cãi về “chữ, nhóm chữ” mà tôi được biết, trong đó có cả trường hợp tôi “chọn phe”, nghĩa là đứng hẳn về một phía. Những chữ đưa ra để tranh cãi thường là tác giả dùng chữ này, người đọc tự ý thay chữ khác để “câu thơ hay hơn”.
Ở đây nếu chính mình không biết chắc, tôi không chú tâm truy xét đâu là chữ nguyên bản (của tác giả), đâu là chữ “mới” của người đọc đưa vào để thay thế vì sợ lại dính vào một cuộc tranh cãi khác, mà chỉ dùng cảm nhận chủ quan của mình để “phán” chữ nào đúng hơn, hay hơn; trường hợp chỉ có một chữ thì sẽ nhận định chữ đó đúng hay sai, hay hay là dở.
1/ Trai tơ mà lấy nạ dòng
Như nước mắm nhĩ chấm lòng lợn thiu (ca dao)
Có người sửa lại:
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu
và giải thích rằng “Nước mắm thối chấm lòng lợn thiu ăn chán lắm, giống như trai tơ mà lấy nạ dòng vậy.” Theo tôi, nói như vậy là không đúng. Trai tơ là “đồ xịn” mà chơi với nạ dòng là “đồ dởm” thì uổng, cũng giống như nước mắm nhĩ là “đồ xịn” mà đem chấm lòng lợn thiu là “đồ dởm” thì phí quá. Do đó, phải giữ nguyên “nước mắm nhĩ” mới đúng ý của câu ca dao.
2/ Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em (Trăng Lên, Lưu Trọng Lư)
Có người đã sửa lại:
Thuyền ta bơi lặng trong tròng mắt em
Thật là quá sức bậy bạ, làm hỏng câu thơ của Lưu Trọng Lư. “Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” hay hơn nhiều, “thơ” hơn nhiều.
3/ Nắng mưa từ độ tang chồng (Nhà Tôi, Yên Thao)
hay:
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Từ “độ” hay hơn từ “buổi”
4/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai (Sông Lấp, Tú Xương)
hay
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Vẳng hay hơn
5/ Nét bút đa tình lả lơi (Lá Thư, Đoàn Chuẩn& Từ Linh)
hay:
Nét chữ đa tình lả lơi
Ý nghĩa thì giống nhau nhưng “nét bút” tượng hình hơn, hay hơn.
6/ Mời người đem theo toàn vẹn hương yêu (Nghìn Trùng Xa Cách, Phạm Duy)
hay:
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Hương yêu rộng nghĩa hơn lại thêm thoang thoảng tý mùi thơm nên hay hơn.
7/ Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng? (Chiếc Lá Cuối Cùng, Tuấn Khanh)
Vài ca sĩ khi hát, sửa lại:
Đêm chưa qua mà trời sao vội sáng!
“Đêm qua chưa” bày tỏ tâm trạng bàng hoàng, sửng sốt khi thấy trời sáng - thời gian bên nhau đã hết, đã đến lúc chia tay. Câu nguyên bản hay hơn câu ca sĩ sửa lại rất nhiều.
8/ Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng (Nhà Tôi, Yên Thao)
Khi phổ nhạc bài thơ nhạc sĩ Anh Bằng sửa lại:
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng lửa khói
Nhà Tôi là tâm trạng hồi hộp, lo âu của một người lính trước giờ nổ súng mà mục tiêu của trận đánh lại chính là ngôi làng bên kia sông, có căn nhà nơi những người thân yêu nhất của mình, bà mẹ già và cô vợ trẻ, đang cư trú. Trước hết, đưa cụm từ “vùng lửa khói” vào không ăn khớp với thực tế trận địa; chưa nổ súng thì làm gì có “lửa khói!” Hơn nữa, chi tiết làng tôi là “vùng giặc đóng” khiến việc đánh bật trại giặc để chiếm lĩnh mục tiêu trong một trận đánh có cả pháo binh sẽ rất nguy hiểm cho căn nhà và những người sống trong đó. Điều này làm nỗi lo của người lính thật hơn, khơi dậy nơi người đọc cảm xúc mạnh hơn. Anh Bằng đã làm tứ thơ dở đi rất nhiều khi thay cụm từ trên.
9/ Chữ “níu” trong “Anh đàn em hát níu xuân xanh” của Hoàng Cầm
Tôi đã tốn khá nhiều thời gian để trả lời bạn đọc về chữ “níu” này. Hôm nay tình cờ đọc được bài thơ của Xuân Quỳnh cũng nói đến cái ý đó nên nhân tiện bàn thêm vài lời. Chúng ta hãy nghe nữ sĩ Xuân Quỳnh tâm sự:
Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc
Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa
Chi chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó, tính từng hào keo kiệt
(Có Một Thời Như Thế, thivien.net)
Khi “mái tóc xanh bắt đầu pha sợ bạc”, quỹ thời gian không còn nhiều nữa thì việc “chi chút thời gian từng phút từng giờ/ Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt” là cần thiết; “níu xuân xanh” đưa vào hoàn cảnh ấy là hợp tình hợp lý, người đọc ai cũng có thể thông cảm và chấp nhận dễ dàng. Còn như Hoàng Cầm, mới 19 tuổi đã viết:
“Nếu anh còn trẻ như năm cũ”
nghĩa là xuân xanh còn dài đằng đẵng, không chịu ung dung hưởng thụ mà lại:
“Anh đàn em hát níu xuân xanh”
thì đúng là tính khí của anh nhà giầu keo kiệt - tiền đầy túi mà chi li từng xu, từng hào. Cách ứng xử ấy chẳng nên thơ tí nào nếu không muốn nói là rất xấu. Chữ “níu” không những không hay mà lại còn không đúng nữa.
10/ Hai câu kết của bài thơ Ngậm Ngùi (Huy Cận)
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi
Khoảng vài năm trước, dự một chương trình văn nghệ ở Houston, sau khi nghe dứt bản Ngậm Ngùi do Phạm Duy phổ nhạc một khán giả ngồi sau lưng tôi bình phẩm:
“Mẹ! Nằm bên người yêu mà còn ôm theo cả nỗi sầu nhân thế nữa”.
Tôi quay xuống hỏi chuyện:
“Sao anh lại nói vậy?”
Anh ta trả lời:
“Thì 2 câu cuối chứ còn gì nữa. Có em tựa đầu trên tay mà tay kia còn ôm hết cả buồn sầu trong thiên hạ.” (1)
Sau đây là đoạn cuối trong Một Phút Đam Mê của Lưu Hoàng Lê do Đàm Vĩnh Hưng hát:
Một mình lê bước, lang thang bên thềm xưa
Người tình ở đâu, bóng dáng xưa đâu còn
Giờ ta lẻ loi, ta ngu khờ rong chơi quên ngày tháng
Nhắm mắt ta nghe, ôi trái sầu nặng rơi rớt bên thềm.
Lưu Hoàng Lê và vị khán giả ngồi sau lưng tôi tưởng rằng trái sầu rụng rơi cũng giống buồn sầu từ đâu đó đổ ập xuông người mình. Và nhạc sĩ – khi diễn tả nỗi buồn vì mất người yêu – đã hạ bút: “bước chân đi nghe trái sầu nặng rơi rớt bên thềm”. Còn vị khán giả nọ thì la toáng lên: “Nằm bên người yêu mà còn ôm theo cả nỗi sầu nhân thế”. Thật là sự hiểu lầm tai hại. Huy Cận ra về mà lòng buồn bã đến độ thẫn thờ không phải vì trái sầu rụng rơi mà là vì việc trái sầu rụng rơi chỉ là mơ mộng hão huyền chứ không phải là sự thật.
Đến đây xin bạn đọc đừng quên phần cuối của tứ thơ mà tác giả muốn để quý vị tự suy diễn, tự hiểu. Đó là: trái sầu rụng rơi chỉ như một thoáng mơ qua. Thực tại phũ phàng, ngay lập tức, đã quay lại. Em vẫn nằm sâu dưới mộ, thi sĩ vẫn một mình giữa nghĩa trang hiu quạnh. Và trái sầu trong ông vẫn trĩu nặng tâm hồn. (1)
11/ Mấy câu thơ tục
Trong chuyến đi chơi Chùa Hương tôi học được 4 câu thơ tục rất hay từ một anh lái đò:
Vợ tôi hay mộng hay mơ
Hôm qua nổi hứng dí thơ vào l.
Thế rồi khi dại, lúc khôn
Hôm nay nó lại dí l. vào thơ.
Sau đó nhà thơ Trịnh Anh Đạt gởi cho tôi 4 câu “thơ” của Bùi Hoằng Tám:
Vợ tôi dở dại, dở khôn
Ngày dăm bẩy bận dí l. vào thơ
Tôi thì ra ngẩn vào ngơ
Ngày dăm bẩy lượt dí thơ vào l.
Rồi anh Trương Vấn, người phụ trách trang web T-Vấn&BH gởi cho tôi bài “thơ” Thơ Một Chữ - Vỗ Một Tay của Nguyễn Bảo Sinh trong đó cũng có đoạn giống 4 câu trên:
Vợ tôi dở dại, dở khôn
Có lúc nó bảo dí l. vào thơ
Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
Có lúc nó bảo dí thơ vào l.
Theo tôi, có lẽ Bùi Hoàng Tám và Nguyễn Bảo Sinh đều lấy hai nhóm chữ “dí l. vào thơ” và “dí thơ vào l.” trộn lẫn với một lô các con chữ xà bần khác thành những câu vè tục, đầy tính chơi chữ, đọc với nhau cho vui. Nhà thơ lục bát nổi tiếng ở Hải Phòng Trịnh Anh Đạt đã nói chắc như đinh đóng cột rằng:
“Bài của Bùi Hoàng Tám hay Nguyễn Bảo Sinh ở dạng này chỉ là vè. Không thể gọi là thơ!”
Tôi không biết con đường tiến hóa của 4 câu thơ bắt đầu từ đâu; từ bài Thơ Một Chữ - Vỗ Một Tay của Nguyễn Bảo Sinh hay từ bài Vợ Tôi Dở Dại, Dở Khôn của Bùi Hoàng Tám? Nhưng tôi biết chắc một điều – do hình ảnh mộc mạc, gần gũi, tục mà thanh - những câu ấy đã đi vào lòng người, truyền qua không biết bao nhiêu là cái miệng, trong đó có không ít miệng của những nghệ sĩ dân gian đầy tài năng, ẩn mình giữa đám đông thầm lặng. Đến cửa miệng của anh lái đò, 4 câu ấy đã được thay đổi, chắt lọc để không còn là những câu vè tục tằn vui chơi, mà đã thành những câu thơ hay, ý nhị, độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, mang đến cho người nghe, người đọc một thông điệp về thơ rõ ràng, sinh động:
“tâm trạng của con người đối với thơ ca: khi mê say, khi chán chường, đổi thay bất chợt như thời tiết lúc mưa, lúc nắng. (2)”
Bạn đọc, khi đọc đến đây, có thể không đồng ý hoàn toàn với chọn lựa, nhận định của tôi. Điều đó, nếu xảy ra, cũng rất dễ hiểu. Mục đích của tôi là – qua 11 thí dụ - có thể thuyết phục bạn đọc chấp nhận một điều: nhiều khi một chữ, một nhóm chữ, một câu, một đoạn thơ, tuỳ theo trình độ thưởng thức, người đọc có thể hiểu, cảm nhận khác nhau; có người cho là đúng, có người bảo sai, ngay cả khi đã đồng ý chuyện đúng sai, việc phân định mức độ hay dở thường là cũng khác biệt. Nhìn vào sự tranh cãi đúng sai, hay dở ấy bạn đọc có thể mường tượng phần nào trình độ thưởng thức (đẳng cấp) của người đọc thơ. Đấy là mới chỉ nói về việc hiểu và cảm nhận câu chữ. Để hiểu và đánh giá mức độ hay dở của một bài thơ còn phải dựa vào những tiêu chí khác nữa.
03/2016
Phạm Đức Nhì