Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 31, 2017

NGƯỜI RAO BÁN TỰ DO - truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


NGƯỜI RAO BÁN TỰ DO
Lê Hứa Huyền Trân


Ba mẹ đi làm xa nên từ khi còn bé tôi đã về ở với ông bà. Ở quê tôi có biết bao thú vui mà dân thành thị khó kiếm được. Những thú vui ấy theo tôi bay nhảy suốt quãng ấu thơ của mình từ nhảy dây, đánh đáo, bắt cào cào về rang giòn tan tới thả diều trên những triền đê, những cánh đồng. Tôi đặc biệt thích thả diều, thuở ấy khi mới vào lớp một, tôi vẫn hay chạy theo tụi thằng Mèo xem chúng nó chạy như bay trên những cánh đồng lấy lực để cho diều bay lên. Nhưng ngày ấy tôi không được chúng nó cho chơi vì chúng nó bảo: "Con gái, yếu, chạy chừng nào diều mới bay lên được.” Những lúc ấy tôi ức lắm, về thể nào cũng nài ông làm những chiếc diều cho riêng mình. Trẻ con hay vòi vĩnh, ông cũng rất chiều tôi, thế là ngồi vót tre để làm nan diều rồi lấy giấy mỏng dán lên, con diều ông làm cho tôi chỉ đơn giản như một hình tứ giác rồi có mấy cái đuôi bay bay. Trẻ con ở quê cũng chỉ toàn diều tự làm chứ đâu có tiền mua diều đủ màu sắc như phố thị, mà chúng cùn không cần cái sự hào nhoáng đó, vui là được. Thế nên tôi thích cánh diều ông làm ra cho tôi lắm. Tôi ôm đi chơi suốt, cứ chạy bay bay trên đê cho diều bay lên nhưng bay không được. Vì tôi không biết nắm bắt đầu gió, thế rồi có lẽ vì thấy “sự kiên trì” của tôi mà nhóm thằng Mèo cho tôi gia nhập, lại chỉ cho tôi rất tận tình. Chẳng bao lâu sau tôi có thể ngồi im trên cánh đồng, nhìn cánh diều bay bay bởi sợi dây trên tay mình. Tôi lại đặc biệt thích ngắm diều bay, ở chúng như có một sự tự do nào đó mà tôi không giải thích nổi. Và thời ấu thơ với những cánh diều của tôi chỉ toàn những mộng đẹp và sự tự do mà tôi cảm nhận được.
Lên cấp hai tôi chuyển về thành phố. Lúc tôi đi tụi thằng Mèo khóc dữ lắm, ông bà cũng buồn, tôi cũng sắp sửa khóc nhưng vội quay đi, thằng Mèo chìa ra cho tôi một cánh diều có nhiều họa tiết do nó tự vẽ và không nói gì. Tôi ôm cánh diều vào lòng, lên xe về cùng ba mẹ tới nơi phố thị. Ở phố thị nhà cửa san sát tôi không còn có cơ hội để thả cánh diều ấy nữa. Rồi tôi xếp nó cất vào tủ, qua năm tháng tôi cũng quên bẵng đi sự tồn tại của nó. Thời gian qua đi tôi bước vào cấp ba, con đường nơi tôi đi học phải băng qua một mảnh đất lớn, nó thường được bỏ trống chỉ khi tổ chức các lễ hội gì lớn thì người ta mới dựng lên ở đó bao nhiêu là rạp. Đó dường như là mảnh đất rộng hiếm hoi của thành phố, nơi nhà cửa san sát nhau, và xung quanh là những vỉa hè bao bọc, trên những viền hè ấy, bao nhiêu là chỗ bán diều. Những con diều xanh đỏ đủ màu, tạo hình đủ kiểu, nào chim, nào cá, nào siêu nhân, không đơn giản như những cánh diều ở quê của tôi tẹo nào. Và kí ức về những cánh diều chợt trở về trong tôi. Có những bận đi học về sớm tôi lại say sưa ngồi ngắm chúng, những con diều đủ màu chao lượn làm tôi nhớ lại cả một thời quá khứ tôi tưởng chừng như đã quên. Cũng đã lâu rồi tôi chưa về ngoại, chính xác là tôi chỉ về thăm người đúng một lần một năm sau ngày lên phố sống, vì quê ở xa quá mà gia đình tôi không đủ điều kiện để về, thế rồi ngày cứ qua ngày…
Tôi tình cờ quen được một thằng nhóc bán diều. Giữa biển trời người lớn đang chào mời đủ kiểu trông nó lọt thỏm, thậm chí cái xe đạp gắn đầy diều còn như bao hết cả con người nó. Tôi ngồi ghế đá gần chỗ nó bán chơi, rồi lân la làm quen hỏi chuyện. Nó tên là Tô, chỉ mới học cấp hai thôi. Nhưng nghỉ học rồi. Nhà nó chật vật lắm nên nó xin nghỉ để đi kiếm ăn, thấy tôi hơi rưng rưng thương cảm tự nhiên nó cười xòa: "Chị thấy không, em đang làm một nghề rất vĩ đại đấy!” “Hửm? Vĩ đại? Vĩ đại chỗ nào nào?” "Chị không thấy à? Em bán diều, cánh diều thường gắn liền với tự do, ai cũng nói cánh diều tự do hết, chị có thấy đầy trong văn chương như thế không? Em là người bán tự do đấy nhé!”. Tôi cười xòa trước lý lẽ vô tư của thằng nhỏ. Ừ thì người bán tự do.
Tôi thích tính thằng nhóc nên hễ có dịp đi ngang là lại cho nó cái bánh và ngồi xem những người thả diều cùng nó. Tôi bảo nó phải chào mời nhiều vào thì người ta mới mua cho nhưng nó bẽn lẽn: "Em nhát” làm tôi phì cười. Tôi thấy thương thằng nhóc với manh áo lâu ngày bám bụi đường mà chưa giặt vì: "Em không có áo mới, có mỗi cái này thôi”, tôi cười: "Bán tự do mà nghèo thế à?”. Nó tặc lưỡi: "Tại em cao thượng em lấy rẻ.” Thế là cả hai đứa cùng cười. Nụ cười của thằng nhỏ có cái gì đó thật đượm buồn dù con mắt vẫn luôn ánh lên những ánh nhìn thật lạc quan. Nó luôn cho tôi thấy nó có thể nhìn thấy những gì làm nó gục ngã nhưng nó cũng biết cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã như vậy.
Bẵng đi ít lâu tôi mới thấy lại nó, hỏi nó đi đâu thì nó bảo dạo này bán ế quá, mấy chú cạnh tranh gay gắt, nó nhỏ không nói lại thế là đi làm thêm mấy chỗ khác, thi thoảng lại bán diều cho đỡ nhớ nghề. Nó yêu cánh diều như tôi vậy, rồi nó tặc lưỡi: "Chị à, em tưởng diều nào cũng tự do mà không chú ý rằng lúc nào nó cũng bị sợi dây buộc lại.” Nhìn thằng nhỏ cấp hai thả hồn đăm chiêu, tôi hơi bất ngờ rồi cúi xuống, ừ nhỉ sợi dây, là cuộc đời đấy ư? Rồi nó vỗ vai tôi cái bộp: "Nhưng em nhớ chị lắm đấy, chị hay cho em bánh, giờ em cho lại chi cái này này.” Nó chìa ra cho tôi cái diều hình con chim phượng, rồi đạp xe quay đi giờ tan tầm, nhưng không quên với lại: "Lần sau gặp lại chị nhớ mang bánh tằm cho em nha, chị làm ngon lắm.” Tôi nhìn cánh diều trong tay ngẩn ngơ.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp nó dù mỗi ngày tôi đều mang bánh tằm đi học. Tôi cứ ngồi chờ hàng giờ trên chiếc ghế đá cạnh chỗ nó hay bán. Chẳng bao lâu sau cũng có người bán diều khác đứng ở đó, thế là tôi đạp xe đảo vòng quanh mảnh đất ấy nhưng không có. Sau, tôi hỏi thăm thì được nghe người ta kể nó bị mấy cô chú xung quanh đánh thừa sống thiếu chết rồi đuổi đi vì cạnh tranh khách. Có mấy lần nó lén quay lại làm cái chi ấy nhưng cũng bị người ta dọa nạt, từ đó không ai thấy nó nữa. Tôi thiết tha cho cuộc đời nó, cố nghĩ có lẽ giờ nó đã tìm được công việc mới hay tiếp tục bán diều, bán tự do, công việc cao thượng mà nó vẫn hay tự hào ở mảnh đất nào đó rồi nhỉ?
Hè này, tôi về quê, những kỉ niệm đẹp cất giấu sẽ được tôi gin giữ, tôi sẽ về kể cho tụi thằng Mèo nghe chuyện về người bán tự do, chắc tụi nó sẽ thích lắm, không biết tụi nó có nhớ tôi không nhỉ?


Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định


READ MORE - NGƯỜI RAO BÁN TỰ DO - truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN





CHỈ CÒN LẠI BÓNG MA

Ngày em đi nhà còn vui lắm
Cả cha già lẫn mẹ thân yêu
Các em ngoan vui sướng sáng, chiều
Con Vện nhỏ hào hoa phong nhã

Chỉ có anh ruột gan tơi tả
Khi đứng nhìn, xa chuyến tàu bay
Đang cất cao qua khỏi từng mây
Là mất hết người, cùng kỷ niệm

Ngày em về. Nhà còn nguyên hiện
Cha qua đời; Mẹ đã quy tiên
Các em thơ tứ tán mọi miền
Con Vện nhỏ cũng về âm phủ

Riêng mình anh giờ ngồi ủ rủ
Nửa thân người như chết chưa chôn
Thấy người qua là cứ ngóng chồm
Mắt mòn mỏi tràn đầy thất vọng

                              Thủy Điền
                             30-03-2017





CỔNG LÀNG BỎ NGÕ

Cổng làng nay vắng vẻ
Chẳng kẻ lại, người qua
Chỉ còn lão quản gia
Ngày ngày cầm chổi quyét

Còn bao nhiêu đi hết
Dân Bắc sang Châu Âu
Làm kinh doanh đủ thứ
Mở Nail, mở  nhà hàng

Dân Trung đi tứ tán
Kéo nhau bỏ sang Lào
Tránh những cơn vũ bão
Lánh nạn, kế mưu sinh

Dân Nam ngồi ngóng nhìn
Có cơ... là sang Mỹ
Tìm đến đất Hoa kỳ
Ngày ba ca cũng thỏa

Cổng Làng nay bỏ ngõ
Chờ tiếp đón người xa
Toàn là gương mặt lạ 
Bôn ba trôi tứ xứ

Bỗng nhiên dừng tự ngự
Chả ái náy ngại ngùng
Thản nhiên và dửng dưng
Như quê mình chẳng khác.

                    Thủy Điền
                   30-03-2017

READ MORE - CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN

VỀ ĐẤT MŨI - Thơ Nguyễn An Bình





VỀ ĐẤT MŨI

Về đây
Cuối đất cùng trời
Nghe rừng đước mặn hát lời phù sa
Rạt rào ngọn sóng khơi xa
Nhìn triều Cái Lớn chan hòa biển khơi.

Anh về
 Sông Đốc Đầm Dơi
Thương em nhớ mãi những lời tình ca
Hương tràm theo gió biển xa
Tóc em thơm ngát mùa hoa tự tình.


Về đây
Đón ánh bình minh
Xem rừng lấn biển hồi sinh bạt ngàn
Mặn mòi con gái Năm Căn
Rượu cay Đất Mũi còn nồng tình anh.

Anh về
Cái Nước Phú Tân
Rưng rưng cột mốc biên cương cuối trời
Nhìn thuyền rẽ sóng ra khơi
Nắng lên còn đọng tiếng cười của em.

                             Nguyễn An Bình

                                 25/03/2017

READ MORE - VỀ ĐẤT MŨI - Thơ Nguyễn An Bình

GỞI TÌNH VỀ XÓM ĐẠO - Thơ Huy Uyên

        


GỞI TÌNH VỀ XÓM ĐẠO

Em dấu trong tôi sầu-vạn-cổ
đường về xa lắm Hạnh-Hoa (*)thôn
thập tự giáo đường chiều chao gió
Noel này có lẽ em buồn.

Bỏ Quảng-trị đi bao nhiêu năm
bão-tố đời, nơi xa em có biết
lạnh đêm đông ngày giáng-sinh
ba-ngôi cao xa rồi biền biệt
nước mắt chạy quanh ngày Chúa bỏ mình.

Phố cũ Trí-Bưu đèn chiếc bóng
đường về heo hút lối Hạnh-Hoa
bến sông quê dòng nước đã sang mùa
lạy Chúa Jesus, lời kinh em cầu nguyện.

Kể từ xa nhau mùa thánh-vọng
Tôi cầm trong tay kỹ-niệm ra đi
người đàn ông xưa trái tim của rắn
ngọn nến Noel đốt cháy tuổi xuân thì.

Quán trọ đông gió lạnh thổi về
tội tim ai treo đầu ghềnh đá sỏi
cả đời tôi một thuở hoang mê
quỳ bên em lòng đầy lỗi tội.

Bethlehem(**)chuyến xe đêm thánh lể
còn lại chăng bước tuần-lộc bơ vơ
tuyết lạ lẫm trắng, tình em nhỏ bé
Chúa thương chúng con chưa tới bến bờ.

Hạnh-phúc ba ngôi,trần gian Amen
hai mắt long lanh đêm nhung nhớ
đi qua sân quạnh vắng giáo-đường
gởi về Hạnh-Hoa tình người xưa cũ.

Trên cao trời sao nhấp nháy
nữa đêm giáng-sinh em khấn nguyện, cầu 
Hạnh-Hoa-thôn mùa này vào hội
tan lễ rồi ta có mãi bên nhau...

                         Huy Uyên
                            (2017)

(*)  Tên ngôi nhà thờ nổi tiếng ở Trí-Bưu/Quảng-trị
(**)Ở phía Nam Jerusalem, Israel
READ MORE - GỞI TÌNH VỀ XÓM ĐẠO - Thơ Huy Uyên

GẠT BỎ SỰ ĐỐ KỴ - Đặng Xuân Xuyến


      


GẠT BỎ SỰ ĐỐ KỴ

Trích trong MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG của Đặng Xuân Xuyến, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản lần đầu năm 1998, Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2000 và 2002 

Điều tiếp theo tôi muốn lưu ý bạn là đừng bao giờ bực tức, đố kỵ trước thành đạt của người khác. Thói xấu ấy sẽ làm cho bạn trở thành nhỏ mọn, tầm thường và sẽ nảy sinh những thói xấu khác biến bạn thành kẻ lố bịch trước con mắt của người đời.
Mỗi người có một khả năng để tự khẳng định mình, tạo dựng sự nghiệp cho mình và người ta chỉ làm được điều đó khi cố gắng, mang hết khả năng, sức lực và trí tuệ dồn cho công việc.
Bạn hãy lẳng lặng theo dõi những doanh nhân thành đạt, những nhân vật nổi tiếng... mới thấy những thành đạt mà họ gặt hái được là cả sự đánh đổi đắt giá, sự khổ tâm và vất vả khôn lường. Những gì mà họ đang có so với những vất vả mà họ đã chịu đựng, những đắng cay, mất mát họ đã nếm trải thì “vinh quang” ấy còn nhỏ nhoi lắm và giá phải trả cho sự “vinh quang” ấy cũng thật đắt đỏ.
Đừng nhìn vào cách tiêu tiền của họ mà hãy nhìn vào cách kiếm tiền của họ mới thấy được đồng tiền mà họ “cố tình” buộc “phung phí” ấy đã thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của họ. Người ta nói “thức lâu mới biết biết đêm dài”, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, không ở trong hoàn cảnh của họ, bạn làm sao biết rõ những “cái” họ buộc phải “trả” để có những điều làm cho bạn ghen tức. Tôi tin, nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ gật đầu cảm phục sự miệt mài, cố gắng của họ và trong bạn sẽ có những trăn trở để nhìn nhận lại cách sống của mình.
Sự đố kỵ trước những thành đạt của người khác, sẽ dẫn bạn vào những việc làm xấu: Tìm cách để “hại” người đó, chí ít cũng là nói xấu để hả cơn “bực tức” trong bạn và “sẽ” làm cho “kẻ đó” mất thanh danh. Bạn thật lầm trong phép tính. Người bị mất mát lớn nhất ở đây không ai khác ngoài bạn. Với họ, khi đã đạt được như vậy, mọi lời xúc xiểm của bạn sẽ không đáng giá một đồng xu vì người đời nghĩ rằng: Bạn đang kèn cựa về tài năng của họ mà nói xấu họ. Lẽ đương nhiên, từ quý mến bạn, người ta sẽ chuyển sang coi thường bạn.
Thay vì đố kỵ, bạn hãy mến phục họ, tạo nhiều “cơ hội” tiếp xúc với họ để qua những cuộc chuyện trò ấy, bạn sẽ học được những “bí quyết” đã giúp họ thành công mà vận dụng cho mình.
Hãy mạnh dạn gạt bỏ suy nghĩ sợ người đời cho mình “thấy người sang bắt quàng làm họ” mà ngại ngần trong các cuộc xã giao. Không có gì quan trọng bằng những bài học kinh nghiệm không phải trả học phí mà bạn sẽ có được. Thực tế, những người thành đạt là những người ham hiểu biết, chịu lắng nghe và say sưa sáng tạo. Và hơn nữa, nguyên nhân sâu xa nhất, có ý nghĩa quyết định nhiều nhất đến thành công là sự kế thừa và sáng tạo. Không ai thành công mà lại không có sự kế thừa kinh nghiệm của những người đi trước. Không ai thành đạt trong đời mà không cần tới những lời khuyên!
Một anh bạn tôi (thực ra anh ta hơn tôi một thế hệ nhưng vì là tâm đầu ý hợp nên chúng tôi thường xưng hô bạn bè với nhau) phàn nàn về cậu con trai của mình: “Thằng con tôi có đầy đủ những tư chất để trở thành ông chủ, nhưng một tính xấu của nó đã làm cho tôi không thể đặt niềm tin vào nó được, đó là sự hẹp hòi, ích kỷ. Tôi sợ rằng từ thói hẹp hòi ích kỷ sẽ dẫn nó đến ghen tỵ, mà đúng ra là sự đố kỵ trước những thành đạt của người khác, đó chính là cái “phá tướng” của nó đã làm tôi thất vọng. Khi con người ta chỉ quẩn quanh với sự kèn cựa, bon chen thì chẳng bao giờ làm được một trò trống nào cả, sẽ chỉ mãi luẩn quẩn với điểm khởi đầu, thậm chí còn tồi tệ hơn. Tôi sợ thằng con tôi sẽ lâm vào tình cảnh đó”. Thế đấy! Nhà doanh nghiệp tài ba ấy đã lo lắng cho con mình chỉ vì một lý do rất bình thường là sự hẹp hòi, ích kỷ nhưng phải thừa nhận rằng, những lo lắng đó rất chính đáng.
Tôi công nhận: Đã bước vào nghiệp chủ, không ai có thể thờ ơ, cảm thấy bình thường trước những thành công của đối thủ cạnh tranh. Một sáng kiến nhỏ trong việc cải tiến sản phẩm của đối thủ cũng đủ làm cho nhà doanh nghiệp phải đau đầu, “ăn không ngon, ngủ không yên” nhưng sự “không bình thường” ấy không phải là sự đố kỵ, kèn cựa mà là sự “cạnh tranh” mang tính chất tích cực, lành mạnh: Buộc phải cải tiến sản phẩm cho tốt đẹp hơn, hợp với nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Là người đang cháy bỏng trong mình ước mơ cao đẹp: TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ, đừng bao giờ để cho tính hẹp hòi, ích kỷ, sự đố kỵ, bon chen ngự trị trong những suy nghĩ của bạn. Biết bao doanh nghiệp đã lâm vào tình cảnh lụi bại, phá sản cũng chỉ vì chủ doanh nghiệp mang nặng trong đầu những tính toán của kẻ tầm thường, nhỏ mọn. Cuộc sống có thể dung thứ những tính xấu như vậy nhưng thương trường không bao giờ dành chỗ cho những ai có tính cách như vậy đâu!

                                                                      Đặng Xuân Xuyến

READ MORE - GẠT BỎ SỰ ĐỐ KỴ - Đặng Xuân Xuyến

HỘI CHỨNG CÁ THÁNG TƯ - Truyện ngắn vui Làng Phây của Ái Nhân


     
               Nhà thơ Ái Nhân


HỘI CHỨNG CÁ THÁNG TƯ

Bảnh mắt hắn đang sửa soạn đi đánh cầu lông thì điện thoại reo. “Lại gọi ra để “tỷ thí” chứ giề...lại thằng Béo đây”! – Hắn nghĩ vậy. Xỏ nốt chiếc tất vào chân phải rồi mới bấm điện thoại để nghe máy.
   - A lô....
   - Bác... à, hôm nay sang Hồ Tây câu đi! – tiếng gọi sang sảng - chắc Lão có điều gì vui lắm đây?
- Ờ đi, hôm mình phải câu con Cá to nhất Hồ Tây nhé! 
Hắn cất vợt rồi đi ra cổng...
Lão và Hắn chọn một vị trí đẹp dưới bóng liễu xum xuê bên bờ Hồ Tây (chỗ gần nhà hàng mà năm ngoái hội off linai mùa thu của Lão tụ hội. (chỗ mà mấy cô gái và Thanh Quế Hoa chụp ảnh làm dáng bên cây liễu đó)
Đầu tháng tư màu xuân còn nồng nàn lắm. Mặt hồ lao xao, những con sóng lăn tăn quyến rũ....phía xa xa mấy chiếc thuyền kéo ốc thong thả chậm dãi . Nắng cuối xuân làm hưng phấn tâm hồn hai kẻ câu cá.
 Hắn thả hồn theo bản nhạc du dương của quán cà phê gần đó mà mơ tưởng....
 Còn lão ngồi dạng lang kẹp cái cần câu giữa hai đùi. Cái lưng lão cong cong, còn cái đầu vừa cạo bóng nhoáng như bức tranh Đoạn Tuyệt Mùa Xuân của họa sĩ Thiết Phan, trông Lão ngồ ngộ, rất giống Chu Văn Quềnh trong phim Đất Làng .
 - Cắn rồi! – Lão thất thanh – kéo giúp tôi với, cá to đấy!
  Hắn nhoài người túm sợi cước trước mặt Lão phụ gìm con cá.
  Phải mươi phút sau con cá mới chịu thua để lão lôi lên bờ.
  Con cá chép to quá, hai bên mép có những sợi râu nâu vàng như sợi mỳ hảo hảo ngân nước nóng quá thời gian. Mắt cá xếch ngược dữ tợn như mắt hung thần.
  Lão sung sướng ôm con cá như chiến sĩ Ngô Mây ôm bom ba càng xông trận.
  Cả đường Trích Sài đông nghịt người, họ đứng vòng trong, vòng ngoài xem cá như xem đấu vật ở hội làng. Gần chục chiếc ô tô nối đuôi nhau bấm còi inh ỏi vì bất đắc dĩ bị tắc đường....
Những cú điện thoại được gọi đi các nơi cho bạn bè. Thấp thoáng cả mấy tay nhà báo, cùng Nhà Báo Kiều Sơn cũng có mặt. Người thì sờ vào cá, có người còn nằm bên cạnh, có kẻ còn nghiêng đầu tình tứ với cá để chụp ảnh...
  - Con cá này có lẽ là Cụ Tổ loài cá chép ở Hồ Tây đây!- một cụ già râu dài quá cằm dáng vóc hom hem như Dị nhân Văn Thùy phán một câu ráo hoảnh.
   Những cuộc điện thoại các nơi í ới gọi về...
   Nghe cả tiếng Kimlong Nguyen ở Dĩ An cũng muốn đáp máy bay ra, và đề nghị đấu giá con cá làm từ thiện .
    Ba Nguyễn ở Mỹ gọi về muốn nếm một miếng Cá Cụ Hồ Tây, Cả Thi Sinh Nguyễn, Phạm Kim Tiên ở Hà Lan cũng muốn Lão giữ cá sống để về mang sang đấu giá ở hội chợ Châu Âu vào đầu tháng tư này. Ôi thì cơ man là những cuộc gọi điện chia sẻ.
Gương mặt lão bóng nhoáng trước niềm phấn khích vô biên.
 Truyền thuyết kể rằng ngày xưa thời Hùng Vương nào đó có lời nguyền rằng “Nhà nào một vợ một chồng mà sinh được mười người con trai thì kéo được con trâu vàng ở Hồ Tây”. Hồi đó có nhà nọ có 9 người con trai và nhận thêm người con nuôi thứ mười ở làng chài ven Sông Cái. Hôm kéo Trâu Vàng người con đó đi úp cá vật đẻ bên sông được gọi về cùng cả nhà kéo Trâu Vàng. Con trâu lỳ lợm vừa trườn lên khỏi mặt nước, người mẹ sốt ruột ngoái lại gọi “nuôi ơi kéo cố lên con!” và thế là Trâu Thần lại chìm xuống...
 Cái trứng cá chép dính trên chân cậu con nuôi nhà nọ giờ chắc nó chính là con cá mà Lão câu được.
Theo dân gian truyền lại thì ai ăn được thịt con cá đó sẽ trường sinh, người vô sinh lâu năm sẽ có con, đàn bà mãn kinh lâu ngày lại có và nhiều công dụng phi thường khác được truyền tụng... 
Bản tin nhanh “ Cá Tháng Tư” buổi sáng do cánh Nhà Báo Kiều Sơn đưa tin được phát sóng trên tryền hình toàn quốc sau đó ít phút. 
 Mấy tiếng sau con cá được một chiếc Huyn dai đưa về sân nhà Lão. 
Nhà Lão ở làng Phây Cầu bên sông Hồng. Ngôi làng êm đềm bỗng chốc trở nên náo nhiệt như có hội. Mấy chục chiếc xe con của các đại gia khắp thành Hà Nội, có cả xe mang biển số Hải Phòng lũ lượt kéo đến...
Thật là “tiếng lành đồn xa”!
Các đại gia tranh nhau ra giá. Khởi điểm là 100, rồi 200 ....và cuối cùng một đại gia Xứ Nghệ phát giá 401 triệu xin mua... 
  Lão đứng giữa sân bên cạnh Cụ Cá dõng dạc tuyên bố:
- Lão tuy nghèo nhưng xin lỗi các đại gia Lão không bán mà Lão quyết định thịt con cá này để khao mọi người, hi vọng mọi người được trường sinh! 
  Lão kiêu hãnh ưỡn ngực trông thật lẫm liệt chẳng khác Lê Lợi ở hội thề Lũng Nhai, hay Bái Công trong tiệc rượu chém rắn khởi nghĩa thời xưa là mấy. Lão thật oai phong khí phách!
 Tiếng vỗ tay rầm rập, mọi người vô cùng hoan hỉ.
 (Mấy bác tóc hoa râm cứ vuốt vuốt vào bụng dưới con cá hi vọng hồi sinh tuổi trẻ, mấy cô quá lứa thì cố sờ bụng cá mong đỏ ra thắm thịt...)
  Vợ Lão khệ lệ bưng ra chiếc thớt to tướng (như cây xà cừ đại thụ ở đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân vừa bị bọn “lâm tặc” Hà Thành đốn hạ) mà hôm 28 tết Lão đi chợ Đông Anh mua được của lão thi sĩ hàng thớt Nguyễn Đăng Thuyết . 
 Tay cầm con dao sáng loáng Lão liếc đi liếc lại mấy lần vào chôn bát cũ (đồ cổ gia truyền tám đời nhà Lão để lại). Lão vươn vai hít sâu mấy nhịp.
 Phập!  Lưỡi dao ngọt sớt, máu cá ròng ròng, Lão phải gồng mình lưỡi dao mới qua được lớp da của Cụ Cá. Trơ ra những chiếc xương sườn to như xương sườn của con chó béc dê già của nhà hàng Hòa Mục bên Nhật Tân. Lão nạng thịt riêng ra chia cho mọi người còn xương gom lại định bụng sẽ nhờ tay chủ quán Dũng Sung ở Việt Trì xuống nấu cao. 
 Lão bỏ ba tảng thịt cá to như tảng thịt bò Cô Bê vào tủ lạnh phần các bạn ở Ngoại quốc và phần Kimlong Nguyen ở miền nam chưa về kịp. Số còn lại Lão chia cho mỗi người một ít, Mọi người hả hê vui khôn tả xiết!
 Khúc cá giữa vừa to vừa chắc lão bê vào trong nhà bếp, rồi sai vợ ra chợ ẩm thực đầu cầu Long Biên mua gia vị và tìm đầu bếp xịn về chế biến.
 Nhìn cái nia (Lão mượn hàng xóm để mổ cá) giờ không còn tí vảy, đến cả máu cá cũng sạch bong Lão thấy lạ (?) (Thì ra do Cá Cụ là loài quí hiếm nên người ta truyền tụng chữa bách bệnh, lại có khả năng “cải tử hoàn đồng” nên mọi người không để phí hoài kể từ giọt máu) (!)
Nhân viên công ty mỹ phẩm Ngọc Sâm Nguyễn còn dùng giấy thấm từng giọt máu cá để mang về pha chế vào mỹ phẩm chính hiệu Hoa Kỳ để tăng phần giá trị cho sản phẩm “Dưỡng Da Tuyệt Hảo” mà cô đang bán cho các cô gái Hà Thành hi vọng mọi người chỉ bôi vào là mịn màng “như da em bé” (!)
 Nhà lão buổi trưa chặt ních người. Đến như cả lão thi sĩ Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Đấu đang vi hành Thủ Đô tìm tư liệu viết thơ “Thương Cây” cũng kịp đến. Lão Đỗ thi sĩ ở Thái Hà cùng hai tay con rể cũng đánh xe sang dự...
 Nồi cá được tay đầu bếp xịn Lão thuê ở quán Sông Cái nấu hấp theo kiểu Úc vừa mở vung mùi thơm choáng ngợp cả ba gian nhà Lão. Lão Đỗ hít hít mấy cái, mùi thơm sộc vào tận óc. Lão quay cuồng rồi lăn ra chiếu. Hai tay con rể nhanh như vệ sĩ kịp lâng bố lên, phải một phút lão mới định thần được. Lão trầm trồ “quả là quí thật!” rồi với tay chấm đầu đũa vào nồi cá đưa vào đầu lưỡi để thưởng thức cái mùi vị “ngàn năm có một” này.
Lúc mổ cá Lão cẩn thận như bác sĩ Tư Hoàng Lê ở viện Việt Đức. Lão bóc cái bọc trắng trắng, nhờ nhờ ở bụng dưới con cá (mà dân gian quen gọi là “khí” bỏ vào hộp cho vào tủ lạnh. (Lão nghe người ta nói cái này tốt hơn “sá lị” của mấy vị cao tăng nước Xiêm. Cái này mà dùng để bôi lên “của quí” thì thôi rồi...Lão lại như trai ba mươi chưa vợ đi xem trình diễn áo tắm của cuộc thi Người mẫu). Còn cái mật to bằng quả trứng ngỗng Lão để nguyên bỏ ngâm rượu định bụng chỉ để tiếp thi sĩ họ Bùi Và Lão Tôm Tò Mò thôi).

  Lão đứng dậy, khi mọi người đã tề tựu đông đủ.
  - Thưa các huynh đệ xin mọi người hãy đứng dậy!- mặt Lão nghiêm trang như đang viếng mộ ở nghĩa trang .
  - Hôm nay tôi câu được con cá quí, mời các bạn đến nhậu, nhưng đây là Cụ Cá sống cả ngàn tuổi xin các vị mặc niệm Cụ một phút! – Lão kính cẩn cúi mình, cả bọn cũng cúi theo như viếng Cụ trưởng họ chết hồi năm ngoái.
   Sau khi tỉnh táo vì hương vị đặc biệt của món cá ngàn tuổi lão thi sĩ họ Đỗ trịnh trọng đứng dậy, tay bẻ lại cổ áo xộc xệch và kéo thẳng chiếc ca vát màu máu cá mà lão mua từ hồi lão được đi dự đại hội liên hoan Các Nhà thơ Ngoài Hành Tinh. Mặt lão trang nghiêm như Trưởng thôn đọc điếu văn người quá cố:
- Kính thưa vong hồn Cụ Cá Hồ Tây! Thưa ngàn năm cổ tích! Thưa muôn điều u tịch dân gian! Chúng con những kẻ tục phàm, hôm nay được tham gia tiễn cụ! Dâng tấm lòng thành thưởng thức, cúi đầu thành kính mong cụ siêu thoát vô biên, mong cụ vạn thọ lên tiên, truyền vào dòng máu chúng sinh chúng con ngưỡng cụ!...
 Mắt lão Đỗ rưng rưng. Chẳng hểu vì lão “thương” Cụ hay vì mùi thơm của nồi cá mà nước mũi của lão cứ thì thụt (?)
Cuộc nhậu đang hồi rôm rả thì bỗng nhiên...
Bỗng nhiên Lão nằm vật ra chiếu, miệng sùi bọt mép. Mắt trợn ngược như mắt Cá Cụ lúc bị Lão kéo lên bờ. 
  Tiếng còi xe cứu thương ú liên hồi inh ỏi...Dân làng Phây Cầu một phen náo loạn. Kẻ thì chạy ngược, người chạy xuôi. Các xe của các đại gia xin đường bấm còi ầm ĩ... 
 Nguy to rồi!
 Mọi người bê Lão lên xe vội vã. Vợ Lão hớt hải chạy vào buồng ôm cái túi bỉm bước vội lên theo. Mọi người bỏ nhậu đứng cả lên nhốn nháo, mặt lấm lét....
 Lão Đỗ mặt thần ra, “chết rồi ...có lẽ...!”
Nhưng với kinh nghiệm sống từng trải lão cũng kịp rỉ tai cậu rể cả “con lên Hòa Bình gặp bà lang Rằng ngay...mua ba thang thuốc giải độc về đây”!
 Cậu rể cả tức tốc lên xe chiếc xe cuốn theo bụi làng mù mịt…

Bệnh viện Bạch Mai buổi trưa nồng nặc mùi người. Khoảng sân trống trước cửa phòng cấp cứu hôm nay bỗng nhiên chặt cứng, nào người, nào xe. Chẳng hiểu ai vào viện mà người theo đông thế ? 
  Bác sĩ trưởng viện điện gấp xuống khoa huy động tối đa các bác sĩ và đề nghị annh em “phát huy hai trăm phần trăm công xuất”. Ông còn dặn với thêm “cấm được vòi vĩnh” có lẽ đây là bệnh nhân “đặc biệt”(!)
Cái nắng giao mùa thật khó chịu. Mọi người mặt mũi bơ phờ hốc hác. Những người ăn nhậu ở nhà Lão còn ngơ ngác hơn. Một số nghe ngóng cơ thể mình, số khác thò tay móc họng nôn khan...
  Cổng bệnh viện lại ùn ùn người kéo đến. Phải đến mấy chục các nàng thơ, chàng thơ Hà Thành đang học ở Trường Viết Thơ do thày giáo dạy thơ Kiên Lục Bát kéo đến.  Mọi người tíu tít hỏi thăm, ghi ghi, chép chép để làm tư liệu ... 
 Một đoàn học sinh đeo khăn quàng đỏ đi đầu là cô giáo Nguyễn Thúy tay sách túi sữa vi na miu, và một bọc hoa quả. Phía sau một tốp khác là hơn chục cô gái xinh đẹp váy xanh, váy đỏ, có cô còn nuy một nửa người. Họ đang quay phim ở công viên Thống Nhất cũng vội đến. (các cô đang cảnh quay khỏa thân “Giữ Lấy Màu Xanh” để phản đối việc “lâm tặc” Hà Thành chặt cây trên phố). Người dẫn đầu là người mẫu Vũ Minh Huệ. Họ đến vì thương lão là người tuấn kiệt nghĩa khí, nhưng đa phần vì tò mò....
Mọi người nhốn nháo đợi chừng ba mươi phút thì trong phòng trực một nữ bác sĩ hớt hải bước ra. Tiếng hỏi nhao nhao...”thế nào rồi bác sĩ?” “có nguy lắm không ?” ... “Lão tỉnh chưa?”
Trước hàng trăm câu hỏi tới tấp cô bác sĩ không biết trả lời thế nào, cúi mặt đi nhanh về cuối hành lang.
Bên gốc cây ngoài cổng viện vừa bị chặt nàng thơ Cỏ Dại đang sụt sịt, (chẳng hiểu nàng khóc thương cây hay thương cho Lão nữa). Mắt nàng đỏ hoe, còn hai má kỳ lạ thay lại hồng rực hơn mọi ngày, (có lẽ vì nàng đã vuốt vào cái bụng cá mà hồi xuân chăng(?)
Phải đến hơn một giờ đồng hồ, khi bóng cây xà cừ còn xót ở trong khuôn viên sân viện đã ngả về phía đông thì phòng cấp cứu mới được mở. Bác sĩ trưởng khoa tay cầm bênh án gương mặt thật nghiêm trọng bước ra. Mọi người nín thở chuẩn bị nghe bác sĩ thông báo.
- Thưa mọi người! Chắc các bạn rất muốn biết sức khỏe của bệnh nhân? Nhưng chúng tôi cũng chỉ dám thông báo thế này, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch - Bác sĩ dừng lại, mọi người ồ lên mừng rỡ
- Chúng tôi phát hiện thấy bệnh nhân ăn phải loại thức ăn lạ, chưa có trong Từ Điển Dinh Dưỡng. Sau khi ăn cơ thể bệnh nhân có những phản ứng bất thường dẫn đến mất khả năng kiểm soát. Kỳ lạ thay bệnh nhân đã miễn dịch được tất cả các loại bệnh trên trái đất. Cơ thể ông giờ thật trong như pha lê, từ nay không thể mắc bệnh nào nữa...Chúng tôi muốn nghiên cứu loại thức ăn này để chế tạo vắc xin phòng bệnh cho nhân loại. Thật là trường hợp hi hữu của ngành y học nước nhà. 
  Mọi người hoan hỉ, vỗ tay rầm rập.
Những người từng móc họng mà không nôn được mừng vui khôn xiết. Riêng lão Đỗ thở đánh sượt, (tiếc là cha con lão đã uống thuốc tiêu độc) ”thật phí hoài!” – lão chép miệng.
  Từ hôm về viện, Lão ngày phải tiếp mấy chục tốp khách đến thăm hỏi. Mọi người hoan hỉ chia vui, ai cũng khen lão trẻ ra. Quà cáp chất đầy giường vợ lão phải mang ra quán đầu làng ký gửi, một phần mang ra chùa Bồ Đề chia cho các cháu mồ côi.
Lão mở tủ lạnh thấy bọc cá để phần các bạn xa còn tươi nguyên. Bọc vảy cá có đến cả ngàn chiếc to như cái đĩa đựng trầu cau trên bàn thờ nhà Lão. Trong đầu lão nảy sinh một ý tưởng làm giàu mới mẻ...
Tin đồn về lão ngày càng vang xa. Người ta kháo nhau Lão ăn Cá Thần miễn dịch bách bệnh. Có người còn kháo nhau mật Cá Thần chữa khỏi cả si đa...
Vảy cá có thể chữa say rượu, (Mấy tay bợm rượu chỉ cần mút mát vảy cá là có thể lai zai hàng lít, và chỉ cần mút vảy cá là máy đo nồng độ cồn của cảnh sát hết tác dụng(!))
Còn xương cá thì thôi rồi, mấy lão yêu nhiều chân tay nhức mỏi, hay đau thắt lưng chỉ cần nhấm một chút xương cá tán bột là khỏe lại như thanh niên.
Những ả vòng hai quá cỡ Lão chỉ bôi một tí rượu Trường Sinh vào tay xoa vài cái vào bụng là lại có vòng eo chuẩn men...
Họ còn đồn thổi hai thi sĩ tật nguyền Vũ Nguyên ở Xứ Thanh, và nàng thơ Viên Nguyệt Ái ở Đất Tổ....(nghe đâu cả hai thi sĩ này đã được Lão dùng thuốc trường sinh chữa cho giờ đã đi nói chuyện thơ nhiều nơi mà không cần xe lăn trợ giúp (!)).
   Một tuần sau, một tốp các bác sĩ đầu ngành đến thăm lão. Họ hỏi han, đo huyết áp, sinh tiết Lão... 
 Bản tin thời sự buổi tối còn dành một chương trình đặc biệt để phóng sự về “Lão Nhân Vô Bệnh”
Ngày thì tiếp khách đến thăm, tối đến hàng xóm thấy vợ chồng lão kỳ cạch chế thuốc đến tận khuya.
Cái gì đến sẽ đến. Ngôi sao văn xươnng tài lộc đã chiếu vào nhà Lão.
Mấy tuần lễ báo chí đắt như tôm tươi. Hàng chục loại báo Thủ Đô ngày phát hành hàng triệu bản cũng hết nhẵn. Ảnh Lão thấy ở các nơi nhiều như ảnh lãnh tụ xuất chúng của nhân loại.
Hôm đoàn khoa học nước ngoài đến thăm Lão. Lão lấy lọ dầu pha chế từ “khí” của Cụ Cá xoa lên đầu một nhà khoa học bị hói, kỳ lạ thay chỉ mươi phút tóc đã mọc lên tua tủa. Lão xoa lên má nữ khoa học gốc Phi thì mặt người đó trắng mịn màng như gái Âu. 
Thật là kỳ diệu, phép màu của Thượng Đế...a men!
 “Tiếng lành” đồn lại càng xa...
  Đến các cô người mẫu Sài Thành chuẩn bị đi thi người mẫu Quốc Tế cũng đáp máy bay ra xin được mua một ít thuốc Hồi Sinh của Lão để thoa lên da. Vì họ được biết người mẫu Vu Minh Huê hôm chụp ảnh khỏa thân cho chương trình “Giữ Lấy Màu Xanh” bị rách trên đùi vì ôm gốc cây xà cừ xù xì ở đường Giảng Võ mà Lão chỉ xoa một tý đã lành, lại dậy màu mơn mởn. Ở Nha Trang siêu mẫu Quỳnh Anh, Hoài Thu da bị dám nắng loang lổ, mình mẩy bị lở loét do tắm nước biển bị nhiễm độc cũng bay ra để xin được lão xoa cho da dẻ mịn màng. Các bà các cô có chồng kém chất lượng cũng đến mua thuốc Hồi Sinh của Lão để bôi cho các “ông nhà” đông như kiến cỏ. Ngay cả nàng thơ Thảo Ngọc còn đóng quán cà phê bay từ Sài Gòn ra gặp lão. Bà chủ cửa hàng mát xoa Phụng Thủy ở Vũng Tàu cũng ra mua thuốc để phục vụ khách hàng.
 Người bệnh bốn phương ùn ùn kéo đến nhà Lão. Các hàng quán, bãi gửi xe mọc lên như nấm. 
Chỉ thương cho các mụ lang vườn như Thanh Quế Hoa ở Xứ Thanh đã ế lại càng thêm “xưng xỉa”!
Một số người còn phóng to ảnh Lão ôm cá trong tư thế Ngô Mây xông trận. Họ phóng to lên treo ở phòng khách thay biểu tượng “cá chép vượt vũ môn”
Bao nhiêu người phát lên vì lão.  Nhà Báo Kiều Sơn bỗng chốc được cất nhắc làm nguồn thay thế cho lãnh đạo,( vì đã có công giới thiệu bản tin đặc biệt “Cá Tháng Tư”) và đã cứu ngành báo chí nước nhà khỏi nguy cơ phá sản. Đến ngay cả lão thọt cắt tóc đầu ngõ nhà Lão cũng phát lên vì mỗi ngày phải cạo tóc cho Lão một lần và khách cắt tóc làng Cầu Phây ngày càng chăm cắt. ( Lão dùng thần dược Trường Sinh tóc mọc nhanh như cỏ mùa xuân được phun thuốc kích thích).
 Họ mang ơn lão lắm. Có người còn xin cả tên hiệu của Lão để cho con cháu sau này thờ cúng ...

Chuyện về hội chứng Cá Tháng Tư thì nhiều vô kể xiết. Chỉ biết rằng mấy tuần sau gia đình Lão chuyển đến một ngôi biệt thự ven Sông Cái đầy nắng gió.
Lão trở thành Thần Y của xứ xở này.
Hôm Lão về nhà mới những người đầu tiên được Lão mời là thi sĩ họ Bùi, lão Tôm Tò Mò, lão Đỗ, doanh nhân Huyền Thương, Nguyễn Hạnh Thắm, Hạnh Nguyễn, vợ chồng Thiên Nga Ho... Lão mời rượu Trường Sinh pha rượu mật Cụ Cá. Nhìn Lão càng ngày càng bảnh bao, hừng hực sung mãn mọi người ai cũng thấy vui.
Lão xin ý kiến nên lấy tên hiệu gì?
 Một số người đề nghị lấy tên “Lang Thầu” (như tên hiệu của Lão) một số nghiêng về ý kiến của nàng thơ Cỏ Dại lấy tên “Lang Trọc” (chắc là sở thích của các nàng đây (!))
   Cuối cùng Lão đồng ý lấy tên ”Thầy Lang Trọc” nghe vừa cao quí vừa dân giã(!)
....
Đoạn kết
Chuyện về Lão Lang Trọc ở xứ này nếu ai từng sinh sống, hoặc du lịch đến làng Cầu Phây đều biết. Chỉ biết rằng mấy tháng sau cứ chiều đến Lão tha thẩn bên Hồ Tây đến nửa đêm mới về. Rồi một ngày không thấy Lão về nữa. 
 Có người bảo Lão qui ẩn nơi “sơn lâm cùng cốc” để tĩnh dưỡng tuổi già. Có người nói lão du hành trong nhân gian để chữa bệnh cho chúng sinh khốn khó.Có kẻ độc miệng  bảo Lão bị vong Cụ Cá kéo xuống hồ...
Còn riêng Hắn thì Hắn không tin gì cả!
                                                                               Ái Nhân


READ MORE - HỘI CHỨNG CÁ THÁNG TƯ - Truyện ngắn vui Làng Phây của Ái Nhân