Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 31, 2017

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 13) - Nguyễn Ngọc Kiên


   


NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ 
                                      TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ - (Kì 13)      

(32) 一诺千金[ Nhất nặc thiên kim] (một lời hứa đáng giá ngàn vàng)
Thành ngữ tiếng Trung này có xuất xứ từ hai chuyện sau đây
Câu chuyện thứ nhất:
Nhà cải cách nổi tiếng của Trung Quốc Thương Ưởng đã bằng mọi cách tạo lập cho mình hình ảnh của một người biết giữ lời hứa, trọng danh dự để thực hiện được nhanh chóng chủ trương thay đổi pháp chế của mình.
Năm 350 trước Công nguyên, Thương Ưởng tích cực chuẩn bị thay đổi pháp chế lần thứ hai.
Sau khi ông bàn bạc với Tần Hiểu Công và đi đến quyết định chuẩn bị đưa ra pháp chế mới, Thương Ưởng không vội vã công bố. Ông biết rằng khi chưa chiếm được lòng tin của nhân dân thì pháp luật khó có thể thực hiện được. Để dân tin, Thương Ưởng đã dùng biện pháp như sau:
Hôm đó là phiên chợ thành Hàm Dương, người xe đông như nước chảy.
Gần trưa một đội thị vệ mở đường cho một chiếc xe ngựa tiến đến phía nam thành. Trên xe không có gì ngoài một cây gỗ dài hơn 3 trượng. Có một số người tò mò đến xem, rồi cuối cùng người vây đến xem; mọi người không hiểu sẽ xảy ra chuyện gì cứ đi theo xe tới phía nam thành, người càng ngày càng đông.
Quân sĩ khiêng cây gỗ xuống và dựng ở đó. Một viên quan nói với mọi người rằng: “Nay có lệnh quan, ai chuyển được cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 10 lạng vàng”.
Mọi người bàn tán, người nọ hỏi người kia, người ngoài thành hỏi người trong thành, người già hỏi người trẻ, trẻ nhỏ hỏi cha mẹ… Không ai biết cuối cùng là chuyện gì, vì rằng chưa ai nghe nói có chuyện như vậy. Có một thanh niên xắn tay áo định thử xem sao liền bị một người lớn tuổi bên cạnh khuyên ngăn: “Đừng, trên đời này làm gì có chuyện dễ ăn thế, bê một cây gỗ được 10 lạng vàng, đừng có mà dại”. Có người còn đế vào: “Đúng đấy, tôi nghĩ việc này nếu làm không được, có khi còn mất đầu đấy”.
Mọi người bàn tán, không ai dám thử. Viên quan nọ lại đọc lệnh của Thương Ưởng lần nữa, vẫn không có ai đứng ra làm.
Đứng trên cửa thành, Thương Ưởng lặng lẽ quan sát. Lúc sau ông quay lại nói lệnh cho người đứng cạnh mấy câu gì đó, người đó chạy xuống truyền đạt lệnh của Thương Ưởng cho vị quan đang đứng trước cây gỗ.
Viên quan nọ nghe xong liền nói to với mọi người: “Nay có lệnh cho mọi người, ai bê được cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 50 lạng vàng”.
Mọi người càng ngạc nhiên, càng không có ai tin vào chuyện ấy. Lúc này có một người trung niên bước ra, chắp hai tay lại lễ phép nói: “Đã có lệnh ban, tôi xin chuyển cây gỗ này, chẳng dám lấy 50 lạng vàng, có thể được vài đồng tiền thưởng chăng”.
Người đàn ông nói rồi vác cây gỗ lên vai đi về phía cửa Bắc thành, cả một đoàn người cùng đi sang phía Bắc thành xem. Sau khi người đàn ông đặt cây gỗ ấy xuống, viên quan nọ liền đắt ông ta đến trước mặt Thương Ưởng.
Thương Ưởng cười mà nói với người đàn ông ấy rằng: “Ngươi là một trang Hảo Hán!” Thương Ưởng lấy ra 50 lạng vàng, tâng nhẹ trên tay nói: “Hãy cầm lấy?”
Tin đồn bay đi khắp nơi, ai cũng truyền tụng Thương Ưởng là vị quan biết giữ lời hứa. Khi thấy thời cơ đã chín muồi Thương Ưởng lập tức đưa ra pháp chế mới. Lần thứ 2 thay đổi pháp chế đã giành được thành công.
Câu chuyện thứ hai:
Quý Bố là người nước Sở, tính khí khái, thích làm việc nghĩa hiệp. Ông rất có danh tiếng. Quý Bố theo Sở Bá vương Hạng Vũ được làm tướng.
Trong cuộc chiến tranh với Hán, Quý Bố cầm quân nhiều lần làm Lưu Bang nguy khốn. Vì vậy khi Hạng Vũ bị diệt, Lưu Bang treo thưởng ngàn vàng cho ai tìm được Quý Bố, ai dám giấu trong nhà thì trị tội giết ba họ.
Quý Bố trốn ở nhà họ Chu ở đất Bộc Dương. Họ Chu tìm cách cứu Quý Bố, bèn cạo đầu ông, lấy vòng sắt buộc vào cổ, cho mặc áo ngắn đặt ở trong xe tang cùng vài mươi người đầy tớ trong nhà, rồi đem Quý Bố đến bán cho nhà Chu Gia vốn là một người nghĩa hiệp. Chu Gia nhận ra Quý Bố, bèn mua ông về và cho ra đồng cày ruộng, đồng thời dặn con trai phải đối xử tốt với ông, hứa với Quý Bố sẽ giúp người này tránh khỏi họa chu di tam tộc.
Sau đó Chu Gia lên xe ngựa đi Lạc Dương, vào gặp đại thần Hạ Hầu Anh, đề nghị Hạ Hầu Anh nên nói giúp với Lưu Bang để Quý Bố được sống, vì khi ông phục vụ cho Hạng Vũ chỉ biết làm theo bổn phận.
Hạ Hầu Anh thấy Chu Gia nói phải, bèn tâu lên Lưu Bang. Lưu Bang bằng lòng tha tội cho Quý Bố, gọi ông đến phong làm lang trung.
Như vậy lời hứa của Quý Bố đáng giá ngàn vàng.
Qua những câu truyện này, người Trung Hoa đúc kết ra câu thành ngữ: “一诺千金” (Yīnuòqiānjīn) – Nhất Nặc Thiên Kim – Lời Hứa Ngàn Vàng để chỉ giá trị của lời hứa.

(33) 五湖四海 [ Ngũ hồ tứ hải] 
Trong Luận Ngữ - Nhan Uyên 论语  - 颜渊 có câu:
Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã 
四海之内, 皆兄弟也
(Trong bốn biển đều là anh em) 
Lữ Nham (吕岩) trong Tuyệt cú (绝句 ) có viết: 
Đấu lạp  vi phàm phiến tác chu 
Ngũ hồ tứ hải nhậm ngao du 
斗笠为帆扇作舟
五湖四海任遨游
(Lấy nón làm buồm, lấy quạt làm thuyền
Trong năm hồ bốn biển mặc tình ngao du)
 Cả hai chỗ đều sử dụng từ “tứ hải”. Khổng Tử (孔子) chu du các nước, hiểu rộng biết nhiều, có lẽ đã đi qua “tứ hải”; còn Lữ Nham lấy tinh thần  Đạo gia để tu thân dưỡng tính, chắc cũng đi khắp “ngũ hồ”. Nhưng “ngũ hồ tứ hải” này cụ thể chỉ những nơi nào?
          Về tứ hải, xưa nay có nhiều cách nói. Lưu Hướng (刘向) đời Hán trong Thuyết Uyển – Biện Vật (说苑 - 辩物) cho rằng “vây bọc đất cửu châu là tứ hải”. Trong Nhĩ Nhã – Thích Địa (尔雅 - 释地) cho rằng: tứ hải chính là “Đông hải” “Tây hải” “Nam hải” “Bắc hải” mà trong Lễ Kí – Tế Nghĩa (礼记 - 祭义) nói đến. Tuy không chỉ rõ hải vực, nhưng việc đề xuất cách nói này cũng cung cấp vạch phân tứ hải cho người đời sau tham khảo. Đến đời Tống, Hồng Mại (洪迈) trong Dung Trai Tuỳ Bút (容斋随笔) giải thích rằng: “tứ hải là một”. Ý nói tứ hải là một chỉnh thể, mượn chỉ thiên hạ. 
          Về ngũ hồ, các cách nói đều khác nhau, Lịch Đạo Nguyên (郦道元)trong Thuỷ Kinh Chú (水经注) nói ngũ hồ là chỉ Đãng hồ (荡湖), Thái hồ 太湖, (Xạ hồ 射湖), Quý hồ (贵湖), Hách hồ (滆湖). Tư Mã Trinh (司马贞)lại đề xuất khu vực cụ thể Thao Hách (洮滆), Bành Lãi (彭蠡), Thanh Thảo (青草), Động Đình hồ (洞庭湖) là 5 hồ ..... Trong nhất thời nhiều cách nói về ngũ hồ bất nhất. 
          Đến nay, đối với ngũ hồ tứ hải người ta đã tiến một bước giải thích, định vị về địa lí tương đối nhỏ, lại thêm có hồ biển đối ứng. Ngũ hồ tức Động Đình hồ(洞庭湖), Bà Dương hồ (鄱阳湖), Thái hồ(太湖), Hồng Trạch hồ (洪泽湖), Sào hồ (巢湖); còn tứ hải chỉ Bột hải (渤海), Hoàng hải (黄海), Đông hải (东海), Nam hải (南海). Lại nhân vì từ trong diễn biến xưa nay, bao hàm ý nghĩa cương vực rộng lớn, mọi người bèn mượn ngũ hồ tứ hải để chỉ các nơi trong cả nước. Nghĩa rộng hơn, phạm vi của ngũ hồ tứ hải không chỉ giới hạn ở Trung Quốc, mà là chỉ toàn thiên hạ, khắp mọi nơi trên thế giới.                                                   
(Theo cuốn趣味文化知识大全(Thú vị văn hóa tri thức đại toàn)
Do 青石(Thanh Thạch) biên soạn, Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013)
Gần với thành ngữ này là四面八方 (bốn mặt tám phương / bốn phương tám hướng) 五洲四海 (năm châu bốn biển). Trong tiếng Việt ta cũng nói “năm châu bốn biển”. Theo học giả An Chi, đây cũng là một thành ngữ mang tính ước lệ chứ không phải là cách ghi nhận chính xác về địa lý thế giới hiện đại. 
Trong một bài báo, Mao Trạch Đông đã viết:
我们都是来自五湖四海,为了一个共同的革命目标,走到一起来了。     (毛泽东《为人民服务》)
(Tạm dịch: Chúng ta đến từ năm châu  bốn biển (khắp nơi), vì mục tiêu cách mạng chung, cùng nhau tiến tới.)
                           (Mao Trạch Đông – Vì Nhân dân phục vụ)

(34) 天涯何處無芳草 [ Thiên nhai hà xứ vô phương thảo] (Chân trời nơi nào không có cỏ thơm.) 
Đây là thành ngữ có xuất xứ từ bài thơ “Điệp luyến hoa – Tình xuân” của Tô Đông Pha đời Tống. Bài thơ như sau:
蝶戀花-春情 

花褪殘紅青杏小, 
燕子飛時, 
綠水人家繞。 
枝上柳棉吹又少, 
天涯何處無芳草! 

牆裡鞦韆牆外道, 
牆外行人, 
牆裡佳人笑。 
笑漸不聞聲漸悄, 
多情卻被無情惱。

 Phiên âm:
Điệp luyến hoa - Xuân tình 
Hoa thoái tàn hồng thanh hạnh tiểu, 
Yến tử phi thì, 
Lục thuỷ nhân gia nhiễu. 
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu, 
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo. 

Tường lý thu thiên, tường ngoại đạo, 
Tường ngoại hành nhân, 
Tường lý giai nhân tiếu. 
Tiếu tiệm bất văn thanh tiệm tiễu, 
Đa tình khước bị vô tình não.

Bản dịch thơ của Nguyễn Chí Viễn

Hoa rụng tàn hồng, thanh hạnh nhỏ, 
Chim yến bay về, 
Nước biếc vòng quanh ngõ. 
Tơ liễu trên cành bay lỗ chỗ, 
Ven trời trông hút xanh liền cỏ. 

Trong luỹ giá đu, ngoài luỹ lộ, 
Ngoài lộ người đi, 
Trong mỹ nhân cười rộ. 
Tiếng cười bỗng bặt nghe không rõ, 
Vô tình khiến khách đa tình khổ.

(Theo: Tuyển tập từ Trung Hoa - Nhật Bản, Nguyễn Chí Viễn, NXB Văn hoá - Thông tin,  1996)

Đây là thành ngữ dùng nhiều trong tiếng Hán. Nghĩa đen của nó là chân trời nơi nào không có cỏ thơm. Trên đời này thiếu gì gái đẹp, hà tất cứ phải yêu một người. Nó được dùng như lời an ủi khi ai đó bị thất tình.

(35) 爱屋及乌[Ái Ốc cập ô] ( yêu ai yêu cả đường đi) : Dùng để nói yêu thích một người nào đó mà yêu luôn tất cả những gì liên quan tới người đó
乌  “ô” : là con quạ
Nó có xuất xứ như sau: 
Quân Chu lật đổ nhà Thương, sau khi Thương Trụ Vương chết, Chu Vũ Vương lên ngôi. Nhưng trong lòng Chu Vũ Vương vẫn chưa yên tâm, bởi vì ông cảm thấy thiên hạ vẫn chưa được an định. Ông cho triệu kiến Khương Thái Công, hỏi : "Sau khi vào An đô,ta nên xử trí những quyền thần quý tộc, quan binh của triều đại cũ ra sao ?"
Khương Thái Công nói: “Thần có nghe nói câu này : Nếu như yêu thích một căn nhà nào đó thì cũng yêu luôn cả con quạ trên mái nhà người ta; Nếu như không thích ai đó thì ghét luôn cả tường bích hàng rào nhà người ta. Điều đó đã rất rõ ràng, giết chết toàn bộ những gì thuộc về kẻ địch, một người cũng không để lại, Đại Vương thấy sao?”
Vũ Vương cho rằng điều đó quá tàn nhẫn . Lúc này Chiêu Công Cơ Thích tiến lên nói: “Thần cũng đã từng nghe nói câu này: 'Người có tội, phải giết; người vô tội thì hãy nên để cho họ tiếp tục sống. Nên giết chết tất cả những người có tội, không để cho chúng còn lại chút tàn dư.' Đại Vương, Ngài nghĩ sao?"
Vũ Vương như vậy làm như vậy thì cũng không thoả đáng. Lúc này, Chu Công tiến lên nói: “Theo thần thì nên cho tất cả mọi người ai về nhà đó , ai trồng ruộng người đó. Bậc quân vương không nên chỉ thiên vị bạn bè cũ và thân thuộc của mình, nên lấy nhân nghĩa để cảm hoá người trong thiên hạ.”
Vũ Vương nghe vậy thì rất đỗi vui mừng, như đưọc mở cờ trong bụng, bèn nghĩ nếu lấy cách đó để trị quốc thì có thể an định được thiên hạ.
Sau đó , Vũ vương đã thục hiện nhân nghĩa theo đề nghị của Chu Công, hậu đãi quý tộc, quan lại, tướng sĩ của thời xưa, hậu đãi trăm họ trong thiên hạ. Quả nhiên, thiên hạ đã đưọc an định nhanh chóng, lòng dân quy thuận, Tây Chu cũng ngày càng lớn mạnh .
Mọi dân tộc tư duy thì giống nhau nhưng cách biểu đạt thì khác nhau. Thành ngữ爱屋及乌[Ái Ốc cập ô] tương đương với tiếng Anh là Love me love  my dog (yêu tôi hãy yêu cả con chó của tôi). Trong khi đó người Việt nói là:
Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tong ti họ hàng
Lại cũng nói: “Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau củ bồ hòn cũng méo”.

(còn nữa kì sau đăng tiếp)
                                                                Nguyễn Ngọc Kiên
    

No comments: