Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, June 27, 2012

MÙI CỦA HOA HỒNG - Nguyễn Đức Tùng




Năm mười lăm tuổi, tôi nhận được bức thư tình của người bạn gái cùng lớp tiểu học. Sau này lớn lên hai đứa học hai trường khác nhau, nhưng mỗi khi đi ngang chợ tỉnh xuống bến đò, tôi vẫn gặp cô bé đứng sau chồng vải cao ngất, giúp mẹ bán hàng, mắt đen lánh. Mặt đỏ bừng, tim đập thình thịch, tôi vừa đi vừa chạy vừa loay hoay tìm cách giấu bức thư thật kỹ. Nhưng giấu ở đâu? Chẳng có chỗ nào an toàn cho tôi cả. Cuối cùng, trong phòng vệ sinh nhà trường, tôi xé vụn bức thư, trợn mặt nuốt tất cả vào bụng.

Thật là một hành vi đáng xấu hổ.

Tôi tìm cách chuộc lỗi. Nhưng vốn lười biếng, tôi lần lữa mãi. Các nhà tâm lý học cho rằng những kẻ lười biếng chỉ có thể hoàn thành công việc dưới áp lực, như khi đứng trước các kỳ thi, trong điều kiện kỷ luật, ngoài ra thì họ là những người lông bông, không có đường lối gì cả. Bởi thế năm lớp chín, khi thầy Đỗ Tư Nhơn mới từ Đà Lạt về, ra mắt học sinh trong giờ đầu tiên bằng đề bài luận văn: “Vương Dương Minh có nói: người không có chí như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi dạt lông bông không ra thế nào cả. Các em hãy bình luận câu nói trên”, thì tôi giật mình, tưởng thầy ám chỉ mình. Buổi sáng thứ hai, khi học sinh toàn trường tập trung ngoài sân xếp hàng, thầy Nhơn rẽ lối đến gần, dặn: em có bài thơ nào đưa cho thầy đăng vào giai phẩm xuân sắp tới. Mấy thằng bạn lớp mười ban toán của tôi đứng quanh lác mắt: dân học toán mà mê thơ. Thầy là giáo sư chủ nhiệm năm trước đó, thần tượng văn học của tôi, thầy hay cười nụ, mắt cũng cười, mái tóc bồng bềnh, râu mép để lún phún, thường tập cho học sinh hát các ca khúc của Trịnh Công Sơn và phong trào du ca, thầy giảng Kiều hay, say đắm. Giảng đến câu “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” thầy liền vẽ lên bảng đen một khuôn mặt tròn trịa, cặp lông mày dài và rậm, nhìn biết ngay là Thúy Vân. Thầy tả cô em quá đẹp nên đến khi minh họa cô chị, dù cố sức vẽ đi vẽ lại, vẫn không thể có một khuôn mặt đẹp hơn. Thật ra một năm trước đó, tết Tân hợi, giai phẩm xuân đã ra số đầu tiên, nhưng nghe nói năm nay ngoài giai phẩm, trường sẽ mở phong trào thi đua bích báo giữa các lớp và hội mùa xuân gồm nhiều sinh hoạt vui chơi, thể thao khác nữa. Trong giai phẩm năm trước, tôi có bài thơ được đăng, một bài lục bát, tôi ngượng không muốn cho ai biết, nên lấy cái biệt hiệu kỳ quái là Nguyễn Thị Thái Hư, mà anh tôi bảo là nửa con gái nửa đạo sĩ. Anh Dũng nói riêng với tôi: Quỳnh rất thích bài thơ đó, hỏi tác giả là ai. Quỳnh là chị Võ Thị Quỳnh, một trong hai người bạn gái cùng lớp được anh nhắc đến nhiều. Thật ra, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ đi theo con đường văn học. Tôi là kẻ nhiều đam mê, môn gì cũng thích, nhưng không chuyên chú, khác với anh tôi là người có cá tính từ nhỏ, năm mười một tuổi đã quyết định trở thành một nhà văn. Chiều về nhà, ra vườn sau, ngồi vắt vẻo trên cây ổi trổ bông đầu mùa, tôi nặn óc viết bài thơ, để giữ lời hứa với thầy nhưng cũng ngầm chuộc lỗi với người bạn gái. Làm câu cuối xong, khoái chí, tôi tuột tay rớt từ trên cây xuống. Bài thơ được chọn đăng trong giai phẩm xuân Nguyễn Hoàng, vì vậy tôi được ban báo chí mời đến dự liên hoan đón Tết Nhâm Tý 1972.

Đêm văn nghệ bắt đầu lúc sáu giờ, trời tối sớm, vài giọt mưa nhỏ ấm áp, ngày giáp Tết phố phường thoang thoảng mùi hương trầm. Buổi chiều đi đò từ chùa sư nữ ngược lên chợ tỉnh, một người bạn mà tôi mới quen, Đỗ Huy Sanh, học sau tôi một lớp nhưng dáng điệu chững chạc phong trần, làm thơ trước tôi rất lâu, đọc bài thơcủa anh, cũng được đăng trong giai phẩm mà tôi nhớ câu đầu tiên:

Mùa xuân còn gì không em?

Buổi chiều cuối năm giữa hai cơn mưa bụi hạt nhỏ li ti, mặt trời vẫn đi qua rực rỡ, nước sông đầy và xanh, mây trắng mây đen chen chúc, người ngồi sát chạm taynhau trên mạn đò xâm xấp nước, mà không sợ chìm đò, mà giọng đọc thơ của chàng trên mặt sông vẫn vang xa nghi ngút. Trong hội trường lớn của dãy nhà giám học, trước mặt là sân trường, cũng là sân chơi bóng rổ, mấy dãy bàn đã được sắp xếp gọn ghẽ theo hình vòng cung kê dọc tường, không khí vui tươi hớn hở, kẹo bánh mứt, nước ngọt, nước trà được dọn sẵn. Ban văn nghệ, báo chí, khánh tiết, các thầy cô, học sinh lớp tú tài đi lại tất bật chuẩn bị chương trình. Tôi thuộc loại con nít nên chưa phải làm gì. Tiếng guitar thánh thót, tiếng thử giọng trên máy vi âm, tiếng mưa lắc rắc trên cửa kính đục mờ, những tà áo dài bay lượn, tiếng guốc ngoài hành lang, cười nói rộn ràng. Gần bên tôi là anh Nguyễn Văn Dũng, với bài thơ Bên giọt đông phai, anh Nguyễn Đặng Mừng, với truyện ngắn Đường về, anh Nguyễn Văn Trị, với bài thơ Mất ngôi. Riêng lớp tôi chẳng có ma nào vì dân chuyên toán không mấy ai viết bài cho báo văn nghệ. Tôi ngồi sau một bình hoa hồng nhỏ đỏ thắm.

Sân khấu có chậu mai vàng, phông màn giản dị nhưng trang trí điệu nghệ. Không gặp nhiều bạn quen, tôi im lặng lắng nghe các ca sĩ cây nhà lá vườn nổi tiếng trong chương trình Hát Cho Nhau Nghe trước đó vài tháng. Phong trào văn nghệ, du ca, hoạt động xã hội đang lan rộng, gây một không khí phấn chấn trong học đường.Trước đó vài tuần, mùa bão lụt, tôi được đi theo đoàn thiện nguyện cùng với thầy Lê Hữu Thăng về những thôn xóm bùn lầy nước đọng, tập làm công tác giúp đỡ bà con, phát quà biếu, thuốc men. Chuyến đi ấy dạy tôi suy nghĩ thêm về đất nước. Tuy vậy tuổi hoa niên của tôi còn tươi mới ngỡ ngàng quá, nên phần mơ mộng vẫn át đi phần băn khoăn thời cuộc. Tôi ngồi nghe những bản báo cáo: thầy Nguyễn Bảo, Lê Hữu Nam về công tác du lịch, thể thao, thầy Nguyễn Thị về khánh tiết, thầy Phan Văn Cẩn về văn nghệ, anh Thái Đào tổng thư ký có dáng đàn anh, nghệ sĩ, thay mặt ban đại diện học sinh. Thầy Nguyễn Bảo dạy tôi toán lớp bảy, vật lý lớp tám, sử lớp chín; giờ sử của thầy tôi mê tơi, nhất là khi thầy giảng về phong trào chống Pháp đầu thế kỷ hay giai đạo Nhật đảo chính. Đến đoạn Hoàng Hoa Thám bị giết, tôi ngồi khóc lặng lẽ, nhìn sang bên thấy thằng bạn tôi hằng ngày rất nghịch ngợm cũng dụi nước mắt. Thầy Nguyễn Thị dạy toán lớp mười vui tính, được học sinh thương mến. Mỗi môn học tôi đều có một thần tượng. Môn vạn vật là cô Thu Cúc, môn hóa là thầy Nguyễn Văn Bôi, môn Pháp văn là thầy Hồ Văn Phước, Lê Đình Ngân. Thầy Hồ Thế Vĩnh dạy tôi biết yêu thơ Đinh Hùng, Nguyên Sa, thầy Hoàng làm tôi mê vẻ đẹp của hình học. Rồi đến lễ phát giải thưởng các cuộc thi bích báo, thi thể thao, văn nghệ. Chương trình ca khúc tiền chiến và thanh niên. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy các thầy các cô đàn hát trên sân khấu, mới biết rằng thì ra sau khuôn mặt nghiêm trang mô phạm hàng ngày là những tâm hồn nghệ sĩ. Tiếp đó là mục đọc biểu diễn các bài được trao giải. Tôi còn nhớ những bài thơ và truyện ngắn của Lê Đình Thị Thành, Đỗ Huy Sanh, Thái Đào, Nguyễn Đặng Mừng, Nguyễn Văn Dũng và nhiều người khác nữa. Bài của Lê Đình Thị Thành mở đầu với câu:

Tôi ngồi bên dòng sông
Lắng nghe cơn buồn đến tự tình

Tôi không hiểu lắm nhưng thấy lạ và hay. Thật bất ngờ khi ban báo chí giới thiệu bài thơ của tôi cũng được giải thưởng và thầy Phạm Sửu diễn ngâm bài thơ ấy. Tôi lặng người, nỗi xúc động dâng lên. Tôi nhìn quanh, cô Thu Cúc dạy vạn vật quay lại nhìn tôi gật đầu. Cô dạy tôi năm đệ ngũ, tức là lớp tám, giảng bài hấp dẫn với giọng quyến rũ. Cô thường mặc áo dài có nhiều hoa, da mặt trắng hồng, cặp mắt sáng, thường cúi xuống trò chuyện với từng học sinh trong giờ học. Chỉ có cô là để ý tôi đang xúc động. Trong đời, người ta chỉ có một vài lần như thế. Giọng của thầy Sửu ấm áp, ngọt ngào, tôi để ý thầy phát âm tách bạch như cân nhắc từng chữ.

Quên rồi màu lá cây xưa
Chút thương nhớ đó vàng chưa khi về

Tôi học được ở thầy cách đọc thơ, cách phát âm tròn chữ như thế nào hôm đó. Vừa tranh thủ nhai bánh kẹo lia lịa, tôi vừa liếc qua tờ báo xuân. Trong bài của cô Võ Thị Hồng, có một câu mà sau này nhiều năm tôi vẫn còn nhớ ý: xưa nay có biết bao nhiêu biến cố xảy ra vào những ngày Tết đến. Câu ấy ngay trong tiếng đàn sáo, tiếng ngâm thơ và không khí tưng bừng, vẫn làm tôi thoắt bần thần nghĩ ngợi. Tôi ngồi sau lưng thầy Phan Phụng Thạch, giáo sư quản thủ của thư viện mới thành lập, nơi tôi thường ghé qua mỗi chiều tan học sớm, cầm những cuốn sách mới, thơm ngát mùi giấy, mùi mực in của các nhà xuất bản Phượng Giang, Khai Trí, Nguyễn Đình Vượng, An Tiêm, những cuốn sách in đẹp của Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Duyên Anh, Phạm Công Thiện. Tôi ngồi giữa bạn bè, thầy cô, nghe mùa xuân đang nhón gót bước đi dịu dàng trên hạt dưa hấu đỏ hồng vương vãi khắp sàn nhà, cõi lòng rung động, nhìn thấy niềm vui của sách vở. Niềm vui sách vở là tài sản của học trò xứ nghèo, niềm vui lớn lao, giản dị, chân thành, như người bạn đường chung thủy đi mãi với ta cho đến cuối đời. Gần nửa đêm, kết thúc liên hoan, mọi người vẫn còn lưu luyến nấn ná trò chuyện. Lòng phấn khích nhưng không biết cách nào để biểu hiện, tôi hái một bông hồng trước mặt nhét vào túi áo sơ mi trắng, cố gắng giữ lại thời gian đã mất. Le temps perdu. Ra về hơi nước từ sông bay lên lành lạnh, nhưng sau túi áo ngực, tim tôi đập ấm áp. Tôi và anh tôi bước trên hè phố, đó là lần đầu tiên sau nhiều tháng hai đứa có dịp cùng đi từ trường về nhà, đi bộ dọc đường Quang Trung, đứng tần ngần trước quán Văn, vẳng ra điệu nhạc tiền chiến, mộng đời phiêu lãng giang hồ, nhạc Trịnh Công Sơn, đại bác đêm đêm dội về thành phố, lên cầu qua sông Thạch Hãn, trời càng khuya càng ấm lại, sáng dần lên, một bầy chim về núi muộn bay rào rạt gần mặt sông hót lảnh lót.

Tôi chưa có dịp nào để gửi bài thơ cho người bạn gái. Bài thơ ấy thật ra cũng không phải là thơ tình. Mười lăm, mười sáu tuổi, tôi còn quá nhỏ dại. Vào tuổi ấy con gái có thể trưởng thành hơn và nghĩ đến nhiều chuyện, nhưng tôi thì không. Sau này, tôi cũng không có dịp nào để viết một bài thơ tình thực sự và hay ho, dù đã nhiều lần đau khổ vì phụ nữ hay đã làm cho họ đau khổ, để có dịp gửi tặng người thiếu nữ thị thành đem lòng đầu đời đáng quý dành riêng một đứa học trò điền dã. Trên mặt bìa giai phẩm có bức tranh của họa sĩ Bửu Chỉ ở Huế, tả một ngày hội có trẻ em ca hát dưới đàn chim lượn trong mặt trời, ngọn cờ đuôi nheo tượng trưng thuở thanh bình dân tộc, màu hồng điều rực rỡ. Có những bài tiểu luận, phỏng vấn, thơ hay truyện ngắn của các thầy, các cô, các bạn mà tôi đọc một hai lần nhưng vẫn nhớ nhiều câu. Trong giai phẩm ấy cũng in đậm một thông báo có lẽ ít người chú ý:

những người làm thơ sẽ:
lại gặp nhau giữa mùa gió cát
trong
tuyển tập thơ mùa hạ
do ban báo chí Trung- học Nguyễn- Hoàng thực hiện

Hè năm ấy, mùa gió cát quả nhiên lại đến, nhưng những người làm thơ không gặp nhau như lời hẹn, tan tác mỗi người một ngả trong gió cuốn mịt mù, tuyển tập thơ mùa hạ không bao giờ ra đời. Giai phẩm xuân là đứa trẻ mới lớn, là những tác phẩm có thể hãy còn non nớt của học sinh, nhưng đánh dấu một bước trưởng thành trên quê hương gian khó. Đó là tập san văn chương cuối cùng của một thời buồn vui lẫn lộn, đêm liên hoan văn nghệ cuối cùng. Hai tháng sau, sẽ là buổi học cuối cùng.

Tôi yêu những mùi thơm. Mùi lá trầu bên giếng, lá chanh sau bếp, lá ổi xoa vào tay thơm nức, mùi sơ mi mới ủi xong, giấy mới của tiểu thuyết vừa rọc chương đầu. Mùi cà phê trộn lẫn với nước hoa rẻ tiền, từ những quán mới mở bên đường bụi đỏ, vẳng tiếng nhạc Pháp, Vũ Thành An, Phạm Duy, cam thảo trong tiệm thuốc bắc, mùi đất khô trong bàn tay nửa thô ráp nửa dịu dàng của mẹ, đặt lên trán ngày hâm hấp sốt. Trong túi áo sơ mi trắng học trò có gắn tên trường mà chị tôi thêu rất khéo bằng chỉ màu xanh, hoa hồng đã tàn, đã héo, đã khô, từ bao nhiêu năm trước, mùi thơm của nó đã nhạt trong không gian mờ tối, nhưng mỗi khi tôi quay nhìn lại, lòng quặn thắt, thì mùi hương ấy lại bay về, như một người đang ở nơi xa tìm cách tha thứ cho mối tình lầm lỡ, vói tay không kịp.

 Nguyễn Đức Tùng
 bachnguyen@shaw.ca
READ MORE - MÙI CỦA HOA HỒNG - Nguyễn Đức Tùng

ĐỨNG TRƯỚC DI ẢNH - Thơ Châu Thạch



( Nhân ngày họp mặt kỷ niệm 60 năm trường
             Nguyễn Hoàng Quảng Trị)                              
                                   

Em đứng trước 35 di ảnh
Của cô thầy không đặt trong khuôn vàng
Nhưng lòng em như vẫn thấy hào quang
Sáng và đẹp tỏa ra nguồn dịu mát.

Bông hoa nhỏ với hương lòng ngan ngát
Em đặt vào chiếc đĩa tưởng niệm kia
Không chắp tay mà hồn dựng thành bia
Để tạc dạ ơn cô thầy mãi mãi.

Con sông chữ ngày xưa ai đã trải
Làm lái đò chuyên chở chúng em qua
Khách sang sông mạnh bước khắp sơn hà
Nay quay lại thầy cô thành thiên cổ!

Ngày họp mặt bốn phương về hội ngộ
Cựu học trò lắm tuổi cổ lai hy
Đứng trầm tư bên di ảnh, tâm quỳ
Hồn khép nép nhớ bà tiên, ông thánh.

Phải, chữ nghĩa không đủ từ nhấn mạnh
Tình cô thầy, ơn sâu rộng là bao!
Có tình cha, tình mẹ rất ngọt ngào
Trong thứ ấy cộng thêm tình tri thức.

Em đứng lặng, lắng lòng nghe trống ngực
Nhịp con tim xưa thầy gọi trả bài
Ngực vẫn còn điểm tiếng đập một, hai …
Nhưng là tiếng thân thương em ấp ủ.

Bên ngoài kia có ngàn người vui thú
Tìm lại nhau nô nức cả sân trường
Những học trò mà ai đã yêu thương?
Những cụ trẻ, ai đã dìu qua bến?

Lau giọt lệ ngăn nỗi buồn ập đến
Để niềm vui cho trọn cả hôm nay
Mắt nhìn lên chiêm ngưỡng ảnh trưng bày
Em cảm thấy thầy cô cười mãn nguyện.
                                          
Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com
ĐT: 0929 128 967
READ MORE - ĐỨNG TRƯỚC DI ẢNH - Thơ Châu Thạch