Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, November 17, 2012

DÃ QUỲ VÀ EM - thơ Thế Lộc


Tưởng nhớ cố NS-HS Lê Nhật Linh







Bơ vơ nghiêng cánh Dã quì
Nghe tim vàng mộng người đi cuối trời
Quay tròn chiếc lá quì rơi
Thoáng trong tim nhói một lời yêu xưa
Buâng khuâng một chút hương thừa
Dã quì đứng đợi Người xưa cuối trời...

Thế Lộc
READ MORE - DÃ QUỲ VÀ EM - thơ Thế Lộc

CHÙM THƠ MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM – Trần Ngộ


THẦY TÔI

Tóc Thầy đã đốm bạc
Vì gội nước thời gian
Năm ngoái dạy trường làng
Tóc Thầy còn xanh lắm

Công ơn Thầy vô hạn
Theo ngày tháng đi qua
Thầy trồng những vườn hoa
Cho đời sau hái quả

Thầy đã vì tất cả
Cho sự nghiệp trồng người
Cho đất nước xinh tươi
Và loài người tiến bộ

Hoa lòng Thầy nỡ rộ
Trước mạch đời sinh sôi
Tôi yêu quý Thầy tôi
Những lời người dạy dỗ

Lòng tôi thường hằng nhớ
Học giỏi làm việc chăm
Mỗi lớp mỗi nấc thang
Mà đường đời giành sẳn

Mến tặng Thầy: HOÀNG QUỐC LONG
Gíáo viên trường PTCS HẢI HÒA - HẢI LĂNG- QUẢNG TRỊ


KHUYẾN HỌC

Dù ở nơi đâu phải thật thà
Đừng theo lối sống quá xa hoa
Bình tâm đua bạn không lùi bước
Quyết chí học Thầy để vượt qua
Hoạn lộ ngôi sang khoan vội vã
Vân trình vị hiển chớ bôn ba
Ngày mai tiến cử đường khoa bảng
Bái tổ vinh quy rạng nghiệp nhà

                                   Trần Ngộ

Bài họa:

Y ĐỀ

Sách vở lãng quên thôi chẳng thà ...
Như đàn bướm lượn sớm tìm hoa
Mỗi ngày sắc diện xem ra phết
Năm tháng học hành lại bỏ qua
Có biết giờ đây làm mẹ khổ
Mà rằng cứ thế nhục thêm ba
Từ nay cố gắng mà siêng học
Đã sướng thân con hạnh phúc nhà !

                     Thầy Lê Chí Phóng 
                    (Nhà thơ Thanh Phong)
READ MORE - CHÙM THƠ MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM – Trần Ngộ

CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA NGÀY NGVN 20 /11 - Võ Sĩ Quý - Võ Làng Trâm - HoangtuNA - Sông Thu


  
 
 Nghề Thầy

Nghề nghiệp trong đời chán vạn chi
Theo vào sư phạm được thêm gì
Tâm hồn rèn luyện nêu đường sống
Nhân cách tô bồi vạch hướng đi
Truyền giảng kỹ năng nhìn nghĩ chép
Đổi trao năng lực hỏi suy ghi
Thử hòa điệu sống cùng non nước
Môn đệ vô vàn đã dự thi.

                                       Võ Sĩ Qúy
Các bài họa:

Thi đua

Trò ngoan thành đạt sướng hơn chi,
Hạnh phúc thanh cao chứ muốn gì ?
Giũa chữ, giúp đời khơi lối sống,
Rèn câu, tải đạo mở đường đi.
Lời vàng chỉ bảo - nên tranh chép,
Ý ngọc khuyên răn - cố nhớ ghi.
Đất nước đẹp giàu công chẳng nhỏ,
Thầy Cô, chúng đệ quyết cùng thi... ( đua)

                                Võ Làng Trâm


Làm thầy

Nhiều người phỏng vấn thích nghề chi?
Nếu bạn làm thầy mất được gì?
Dạy bảo thanh niên vào lối sống
Khuyên răn tuổi trẻ hướng đường đi
Lời hay giáo huấn mau sao chép
Ý đẹp trình bày lẹ nhớ ghi
Khổ nhất khi trò không chịu học
Mừng vui tột đỉnh giải đầu thi .

                                   17-11-2012
                                   Hoàng Từ


Tôn vinh nghề giáo

Đừng hỏi làm Thầy có ích chi
Rèn văn, luyện đức chứ còn gì?
Khai thông  trí óc từng giai đoạn
Hoàn thiện tâm hồn mỗi bước đi
Sư Phạm - nghiệp cao luôn đáng trọng
Giáo viên - nghề quí mãi nên ghi
Chuyển giao cập nhật nguồn tri thức
Chọn lọc nhân tài các cuộc thi.

                                           Sông thu
       
READ MORE - CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA NGÀY NGVN 20 /11 - Võ Sĩ Quý - Võ Làng Trâm - HoangtuNA - Sông Thu

ƠN THẦY - thơ Châu Thạch


(Tri ân quý thầy cô nhân ngày 20/11)                   
                       
Thầy mở cho con kho trí khôn
Dạy cho con cất cánh tâm hồn
Mai sau con lượn quanh trời đất
Bóng của thầy trùm lên nước non.

Thầy đã dạy con đứng thẳng người
Dạy con không khóc mướn vay cười
Mai sau con vững như tùng bách
Nắng mắt thầy trên ngọn thắm tươi.

Thầy đã dạy con giữ nghĩa tình
Yêu người đồng loại như yêu mình
Mai sau con giữa vòng ân phước
Trăm tay thầy nâng con quang vinh.

Thầy dạy cho con dẫu bạc vàng
Xem thường như cỏ lót chân hoang
Mai sau an lạc đời thanh bạch
Thầy ở trong hồn con rất sang.

Con sẽ đi, đi giữa thế gian
Sẽ bơi qua biển, băng qua ngàn
Lời thầy như mái che mưa gió
Cửa hẹp thầy, đường con thênh thang.

                                           CHÂU THẠCH
truongvantran@hotmail.con



READ MORE - ƠN THẦY - thơ Châu Thạch

CHÙM THƠ THẦY CÔ GIÁO HUYỆN HẢI LĂNG - Phan Thị Kim Tuyến - Trần Thị Ngọc Oanh - Trần Thị Hạnh

  Trích từ tập san HOA ĐẦU MÙA số 15 của Phòng Giáo Dục - Đào Tạo huyện Hải Lăng

             
             PHAN THỊ KIM TUYẾN
             (GV Trường Tiểu học Thị trấn Hải Lăng)

             NIỀM HẠNH PHÚC

Ba mươi hai năm vui với nghề dạy học
Vui với trường, với lớp trẻ thơ ngây
Hải Lăng ơi tôi sống lại nơi đây
Trên bục giảng ngày ngày tôi vẫn bước.

Mỗi bài giảng tôi thường mong ước
Bao nhiêu điều tốt đẹp ở các em
Dẫu trăm nghìn lời nói dịu êm
Vẫn chưa đủ bằng tấm lòng chân thật.

Đó cũng chính là điều lớn nhất
Ánh  mắt học trò lấp lánh những vì sao
Được thỏa lòng từng đã ước ao
Chẳng bao giờ ngại nắng mưa gió bão.

Tháng ngày trên bục giảng say mê
Từng con chữ được yêu mến vỗ về
Cầm tay em cô nắn từng nét chữ
Chẳng ngại ngần chi nụ cười vẫn nở.

Đến hôm nay khi tóc đã  phai màu
Tôi mới hiểu nỗi gian truân vất vả
Như con tằm biết ăn ngọn lá
Rót mật nhả tơ thành lụa cho đời.

Rồi mai đây các em sẽ nên người
Trong lòng tôi tràn đầy hạnh phúc
Lời bài hát lại thành điệp khúc
“… Là thầy cô không quản ngày đêm…
                                               
P.T.K.T



                     TRẦN THỊ NGỌC OANH
                     (HT Trường MN Hải Thượng)
                     
                     CÁI BẮT TAY

Bắt tay, bắt tay nhau.
Phép xã giao lịch sự
Thân thiện và văn minh
Tình thân và bằng hữu

Bắt tay nhau, bắt tay
Gặp ai, anh cũng thế
Chỉ với em ngoại lệ
Cái bắt tay không rời.

T.T.N.O


               TRẦN THỊ HẠNH
               (GV Mầm non Hải Phú)

              TÂM SỰ

Vào nghề lúc tuổi mới mười lăm
Cái tuổi ngây thơ tuổi trăng rằm
Xuân đến, hè qua, thu lại đến
Đông về thấm thoát biết bao năm!
Ngày tháng trôi với bao nổi nhọc nhằn
Đã đưa đón biết bao nhiêu thế hệ?

Với đồng lương giáo viên ngoài biên chế
Khó nhăn nhiều nhưng vẫn cố vươn lên
Vì tình thương là mục đích đầu tiên
Và trách nhiệm của người làm cô giáo.

Cô dạy học, dạy trò chơi sáng tạo
Đút từng thìa cơm, nhắc từng bữa cơm ăn
Lúc trời lạnh cô rón rén đắp chăn
Khi trời nắng cô lo thông thoáng cửa…
Còn nhiều điều và còn nhiều nữa
Cô âm thầm lặng lẽ chăm lo

Rồi thời gian cứ thế trôi qua
Mái tóc cô giờ đang điểm bạc
Lớp cháu rồi lần lượt mãi đi xa
Có biết chăng một nổi buồn im lặng?
Không nói nên lời, chẳng viết được thành câu

Và hôm nay tất cả hết u sầu
Các cô giáo đều được vào biên chế
Còn gì đẹp, có gì hơn thế!
Mọi người đều hoan hỷ nụ cười chung
Như hè về, xóa cái rét đêm đông
Bởi mong ước nay đã thành sự thật
Tan hết rồi những mong ước suy tư…

Dòng thơ mộc mạc, thay lời tâm sự
Tận đáy lòng của cô giáo mầm non
Xin kính gửi quý lãnh đạo cấp trên
Lời chân thành cám ơn sâu sắc nhất…

T.T.H

READ MORE - CHÙM THƠ THẦY CÔ GIÁO HUYỆN HẢI LĂNG - Phan Thị Kim Tuyến - Trần Thị Ngọc Oanh - Trần Thị Hạnh

NHỚ LỜI PHÊ CỦA THẦY CHÂU KHẮC TÚY - Lê Duy Đoàn

(Thầy dạy Toán của tôi năm lớp Đệ nhị, Trường Quốc học niên khóa 62-63) .


Trường Quốc Học - Huế


Tôi là học sinh trường Quốc Học từ năm 1957 đến năm 1964, từ Đệ thất cho đến Đệ nhất.

Niên khóa 1962-1963, tôi học lớp Đệ nhị A 2. Lớp tôi ở đầu dãy trệt gần cổng sau bên hông trường. Trước dãy lớp, một hàng dương liểu cổ thụ và  một sân bóng rổ.

Những Thầy dạy lớp tôi năm đó là các Thầy:

 - Quốc văn: Thầy Lâm Tài
– Toán : Thầy Châu Khắc Túy
– Lý hóa: Thầy Trần Đình Bình
– Vạn vật: Thầy Nguyễn Thanh Lộc
– Pháp văn : Thầy Nguyễn Văn Thường
– Anh văn : Thầy Nguyễn Văn Chương
– Sử địa : Thầy Bùi Ngọc Liên
– Công dân giáo dục : Thầy Chu Trọng Thuyết
- Thể dục : Thầy Lương Tấn Liêm.

Thầy Lâm Tài cao, vai rộng đi xe Peugeot 203 màu lá chuối non, thường mặc bộ veston màu xám lục nhạt, nhớ Thầy một lần vui miệng  thầy  khoe bảng số xe của Thầy cọng lại thành số 9 là số may mắn, Thầy có người em gái cao , tóc đen dài đẹp và dễ thương..nhưng thương không dễ. Thầy Châu Khắc Túy thường mặc quần màu đen không  li, áo màu trắng bó sát người, khi viết bảng thì viết dấu sắc ngược từ dưới lên , dài và thẳng như mũi tên bắn lên trời. Thầy Trần Đình Bình có khuôn mặt và nét môi rất giống tài tử Pháp nổi tiếng thập niên 60 là Jean Paul  Belmondo. Thầy Nguyễn Thanh Lộc: cao dong dỏng nước da trắng xanh, tánh hiền lành, dạy môn Vạn vật rất rõ ràng dễ hiểu. Chính thích lối dạy của Thầy tôi học môn này rất giỏi, đứng thứ 2 trong lớp. Thầy Nguyễn Văn Thường: Thầy đi chiếc xe traction màu đen, thấp người, miệng móm kiểu Tây, thầy được học trò gọi với tên thân mật là Me-xừ Vincent theo tên một nhân vật trong sách giáo khoa môn Pháp văn.Thầy Nguyễn Văn Chương : Ra dáng một quý Ông phớt tỉnh Ăng lê thứ thiệt, lối nói rất hóm hỉnh dễ mến, dạy rất hay. Thầy Bùi Ngọc Liên nói giọng Quãng Trị và Thầy Chu Trọng Thuyết là giáo sư hướng dẫn lớp tôi năm đó. Thầy Lương Tấn Liêm, ở Sài gòn ra dạy làm moniteur môn thể dục.  Thầy đẹp trai, cường tráng. Cơ thể thầy rắn chắc, những bắp thịt nổi cuồn cuộn. Nước da đen bóng. Lúc đó, có quảng cáo kem đánh răng Hynos có hình một người da đen khoe hàm răng trắng. Học trò gán cho Thầy Liêm biệt danh là “Hynos, chachacha”. Chỉ là tinh nghịch của tuổi học trò chứ không phải là ác ý.

Tôi nhắc lại những điểm đáng mến của các Thầy với  lòng thương mến,quý trọng và biết ơn những vị Thầy đã tận tụy dạy chúng tôi dưới mái trường Quốc Học năm ấy.

Câu chuyện tôi kể dưới đây nói về cái tài và cái tâm của  Thầy giáo dạy môn Toán lớp tôi năm đó: Thầy Châu Khắc Túy.

Thầy tốt nghiệp Thủ khoa môn Toán, trường Đại học Sư phạm Huế. Thầy dạy môn toán rất hay và dễ hiểu. Giờ học của Thầy là giờ học thú vị có lẻ vì thầy tạo được hứng thú học tập nơi học sinh và biết rõ học trò tiếp thu bài vở đến đâu, dù dạy ban A là môn thứ yếu hệ số 2 (trong khi đó môn Vạn vật và Lý hóa đều hệ số 3). Thầy cũng dạy rất tận tụy và đầy trách nhiệm theo đúng lương tâm chức nghiệp của một nhà giáo.

Tôi là một trong năm học sinh giỏi môn Toán trong lớp 55 học sinh.

Học kỳ 1, môn Toán tôi có điểm số khá cao. Thầy Túy phê vào học bạ là “khá, chăm”.

Qua học kỳ 2, khi làm bài thi Lục cá nguyệt thứ nhì, tôi hấp tấp thấy bài thi dễ nên không cẩn thận tính toán sai con số từ đầu nên làm sai cà bài thi. Điểm thấp. Thầy phê “kết quả không may”.

Tôi cám ơn Thầy vì lời phê  “có một không hai” này.  Chỉ có ông Thầy biết rõ học trò và sâu sát với lớp mới viết ra mấy chữ đầy ân tình như thế.

Tôi rất thích lời phê này vì tôi biết hàm ý của Thầy là “Trò là một học sinh khá, Thầy biết sức học của trò. Chẳng qua lần này vì lý do nào đó mà trò làm bài sai. Thầy cho là trò không gặp may mà thôi”  Cuối năm đó trong kỳ thi Tú tài Bán phần tôi làm bài cẩn thận hơn, dò đi dò lại nhiều lần. Kỳ thi đó tôi đậu bình thứ.

Tôi  tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế năm 1970, đã dạy học sinh các trường Trung học Đệ nhị cấp Đại Lộc, Quãng Nam, đổi về dạy Trường Trung học Đệ nhị cấp Quốc học Huế năm 1974. Tôi đã dạy học sinh các trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, Gia hội ở Huế sau 1975.

Cứ đến mỗi kỳ tổng kết điểm kỳ 1, kỳ 2 và cuối năm, mỗi lần ngồi vào bàn phê vào học bạ của học sinh tôi lai nhớ Thầy Châu khắc Túy, nhớ câu phê của Thầy trong học bạ của tôi, nhớ cả hình ảnh Thầy đứng trên bục giảng bài, nhớ cả giọng nói và chữ viết với dấu sắc kẻ ngược từ dưới lên như tên bắn.

Tháng 12 năm 1998,  trong một đám cưới của người em bạn dì của vợ tôi là Trần Nhơn với người con gái của Thầy Túy (cô Châu Khắc Diễm Phương) tôi  nghe câu chuyện của Thầy.

Thầy bị đạn khi  trên  đường chạy loạn trong sự kiện Tết Mậu thân (1968). Sau 68, hầu như mọi người quen biết Thầy  đều đinh ninh là Thầy bị bắn. Trong một buổi lễ kỷ niệm của trường Quốc Học có mời bà Lê Thị Cháu là hiền nội của Thầy Châu Khắc Túy. Ông Ngô Yên Thi (cựu học sinh trường Quốc học niên khóa 1961-1964) là bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa thiên nói rằng, Thầy Châu Khắc Túy hoạt động cho cách mạng và qua đời khi đi công tác. Do ông Ngô Yên Thi nói công khai như thế, Bà đến văn phòng Tình ủy xin xác nhận điều đó để con cái Thầy có thể vào học đại học.

Bây giờ gia đình Thầy Túy có tấm giấy của Nhà nước  CHXHCN Việt nam công nhận Thầy Châu khắc Túy là Liệt sĩ. (viết theo lời kể của Bà Lê Thị Cháu, hiền nội của Thầy).

Bây giờ nhớ Thầy, tôi giở những trang học bạ ra xem. Tôi ngậm ngùi nhìn lời phê và chữ ký của Thầy. Một người Thầy đáng yêu, đáng quý mà đoản mệnh.

Chữ ký của Thầy có nét cắt của chữ Y kèm theo một dấu chấm.


Sài gòn, ngày 16/11/2012
Lê Duy Đoàn
READ MORE - NHỚ LỜI PHÊ CỦA THẦY CHÂU KHẮC TÚY - Lê Duy Đoàn

TIẾT THANH MINH ĐẠM TIÊN NGHE ĐÀN - thơ Thế Lộc


Từ Hải. Tranh khắc gổ của Nguyễn Đổ Cung


Đường trăng Từ Hải gảy đàn
Sương sa đỉnh núi gió hàng hàng rơi
Đạm Tiên vách quế chơi vơi
Dàu dàu hoang mộ bời bời cỏ cây
Nỉ non Từ Hải so dây
Đạm Tiên hé mộ vén mây nghe đàn.

Thế Lộc

READ MORE - TIẾT THANH MINH ĐẠM TIÊN NGHE ĐÀN - thơ Thế Lộc

CHẢ SỢ GÌ? - Chùm thơ Nguyễn Thanh Xuân

Tác giả (trái) đang trò chuyện với một người bà con làng Hưng Nhơn.
Ảnh Nguyễn Như Khoa



                   Chả sợ gì?                                 

Con gái thời nay chả sợ gì
Sợ ngày tháng rộng vụt trôi đi
Sợ gương sáng loáng ai soi với
Sợ dáng hao gầy bạn ngắm chi
Sợ sẽ qua nhanh thân ngọc nữ
Sợ đâu còn nữa dáng vương phi
Sợ cho vơi chút lúc chiều xuống
Chỉ sợ già đâu chả sợ gì?


Tự họa
Chả mừng gì ?
                             

Cớ sao lên lão chả mừng gì?
Việc quá mừng ta nói trái đi!
Mừng cổ lai hy không vướng bận
Mừng thời đổi mới chẳng lo chi
Mừng ghi mưa móc duyên tình sử
Mừng thoát bão dông thói quý phi
Ngàn lẻ chuyện mừng chung vẫn một
Chỉ mừng già, thật chả mừng gì./.

  Nguyễn Thanh Xuân
nhuxuan29@gmail.com
READ MORE - CHẢ SỢ GÌ? - Chùm thơ Nguyễn Thanh Xuân

NHỚ VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 / 11 - Nguyễn Hồng Trân


Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo 20 tháng 11 là bạn bè chúng tôi thường rủ nhau đến thăm các thầy cô giáo cũ của mình. Mặc dù chúng tôi bây giờ đều là trạc tuổi cũng cao trên 70 cả rồi. Trước đây lớp học trò cũ chúng tôi cũng có người làm chức nọ, quyền kia, địa vị này, địa vị khác... nhưng ai cũng thấm thía rằng “chức vụ, địa vị là tạm thời mà tình người là vĩnh viễn”. Bởi vậy mà chúng tôi không bao giờ quên ơn các thầy cô giáo cũ của mình. Các thầy cũng rất quý mến chúng tôi như thuở nào đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Lần nào chúng tôi đến thăm các thầy cô nhân dịp ngày nhà giáo, thầy cô rất vui mừng và xúc động. Có lẽ thầy cô nào cũng nhớ tới cái thời trống trường vang lên sớm chiều sinh động; cái thời thầy trò, trường lớp, bạn bè gắn bó với nhau mật thiết! Quên làm sao được những nét mặt, dáng đi, tà áo của các bạn đồng nghiệp; Quên làm sao được những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của các em học sinh ngây thơ, ngoan ngoãn và tinh nghịch.. Tất cả những hình ảnh, tâm hồn và tình cảm của những ngày học đường xa xôi ấy lại quay về trong tâm trí của các thầy cô rất êm đềm, sâu đậm..

Ôi ! thật là dễ thương và trìu mến ! Có lẽ cả không gian và thời gian ấy bao trùm lên những kỷ niệm thân thương, quý giá nhất của cuộc đời của thầy cô khi làm nghề dạy học. Thầy cô thường dạy bảo các em: “ Tiên học lễ, hậu học văn” ; dạy cho học trò biết luân lý, lễ độ; biết nhiều điều hay, lẽ phải và giàu lòng nhân ái, v v...Thầy cô cũng thường nhắc nhở chúng tôi chớ đừng sống theo lối “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì ào ào chạy ra”, hoặc “vắt chanh bỏ vỏ” hay “Đánh trống bỏ dùi”...

Ở nhà trường, chúng tôi được các thầy cô dạy bảo nhiều điều lắm. Các thầy cô không những giảng dạy chúng tôi về những kiến thức văn hóa, khoa học mà dạy cả cách làm người, cách đối nhân xử thế, cách sống với đồng nghiệp và cộng động trong xã hội.

Giờ đây có nhiều thầy cô giáo của chúng tôi từ thời học Trung học phổ thông cho đến Đại học nay không còn trên đời nữa; Cũng có nhiều thầy cô giáo đã già yếu đang sống trong cảnh tuổi hạc chuyển sang những trang cuối với quỹ thời gian của cuộc đời không còn bao năm nữa. Tuy vậy, các thầy cô vẫn yêu đời, vẫn không ngừng suy nghĩ, đúc rút kinh nghiệm qua thực tế cuộc sống, góp ý kiến xây dựng cho Nhà nước, cho ngành giáo dục và đóng góp hữu ích cho những hoạt động của xã hội. Mặt khác có không ít thầy cô tuy tuổi già sức yếu vẫn nhiệt tình tâm huyết với nghề nghiệp còn tham gia giảng dạy,nghiên cứu khoa học, hướng dẫn luận văn, nhằm góp phần nào cho sự nghiệp giáo dục đào tạo các thế hệ sau tiếp tục rèn luyện đạo đức nhân tâm để cống hiến thực sự cho xã hội, đất nước.  Một số thầy cô đã chịu khó viết sách, viết báo để đóng góp cho đời những gì đã tích luỹ được trong những năm tháng giảng dạy ở nhà trường nhằm làm phong phú thêm vấn đề đào tạo cho thế hệ trẻ.
Tôi còn nhớ rất rõ những thầy cô rất đáng kính của chúng tôi thời ở trường cấp II, cấp III phổ thông và cả Đại học ở Bình- Trị -Thiên, ở Nghệ Tĩnh, ở Hà Nội mà chúng tôi đã học qua trước đây như các thầy Thân Trọng Ninh, Đặng Bá Đệ, Trần Nhu, Hoàng Huyền, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Công Tiến, Lê Trần Sửu, Trần Hữu Duy, Nguyễn Hoán, Nguyễn Hoàng Phương, cô Võ Thị Tri Túc, cô Ngọc Anh, cô Kim Anh, v.v… Các thầy cô luôn luôn vì học sinh thân yêu của mình mà đã vượt qua mọi khó khăn vất vả trong đời sống để tập trung trí tuệ, tâm huyết lo giảng dạy cho chúng tôi một cách tận tình, chu đáo. Nhờ vậy mà chúng tôi khi bước vào đời không bị hẫng hụt kiến thức lắm.

Những thầy cô đầy nhiệt huyết với nghề nghiệp giáo dục đào tạo như vậy thật đáng quý, đáng tôn vinh và kính phục biết bao!
Trong dân gian Việt Nam ta còn có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Câu này thật có ý nghĩa sâu rộng đối với cả trò lẫn thầy. Đối với học trò thì phải tìm thầy mà học cho đàng hoàng về mọi mặt cả ý thức làm người và cả văn hoá, chuyên môn nghề nghiệp. Còn đối với người thầy thì làm sao cho xứng đáng với danh dự thầy giáo, nghĩa là không có thầy hướng dẫn chỉ bảo, giảng dạy chu đáo thì học trò khó mà học tốt được; khó mà phát triển trí tuệ và tâm đức con người. Nói một cách thiết thực là không có người thầy thì dù học sinh có tự học theo sách giáo khoa và tài liệu thì cũng không thể hiểu sâu bằng khi có thầy giảng dạy trực tiếp. Vì vậy vai trò của người thầy phải thể hiện rõ nét trong học đường cũng như ngoài xã hội. 

Ngày nay, nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới và phát triển toàn diện đồng thời bảo đảm chất lượng đào tạo. Hàng ngũ nhà giáo ngày càng nhiều và trọng trách thật nặng nề và cao cả trong sự nghiệp giáo dục đào tạo cho thế hệ tương lai của đất nước. Chắc chắn rằng các thầy cô ai cũng mong muốn trở thành “những người kỹ sư của tâm hồn” như Viện sĩ giáo dục sư phạm Nga Macarencô đã từng nói. Nếu được như vậy thì thật là danh dự cho vị trí nghề nghiệp của các thầy cô.

Nhưng hiện nay, trên thực tế của xã hội nước ta, không phải thầy cô giáo nào cũng rèn luyện, nuôi dưỡng được niềm vinh dự và tự hào ấy. Có những “con sâu đã làm rầu nồi canh” trong ngành giáo dục. Và giờ đây, cũng không ít loại sâu đã làm đau đầu cái danh dự hàng ngũ đồng nghiệp của các thầy cô. Chúng tôi nghĩ rằng, trong xã hội ta không lẽ nào vì nền kinh tế thị trường mà đã làm méo mó nhân cách quý báu và có truyền thống trong sáng, cao đẹp của các nhà giáo Việt Nam được.

Đạo đức, tinh thần và tình cảm của các thầy cô giáo vẫn mãi mãi là những tấm gương để chúng tôi noi theo; là những chấm son in đậm trong trí óc và tâm hồn của bao thế hệ học trò. Thế hệ trẻ nối tiếp nhau lên đường phụng sự cho nhân dân, Tổ Quốc để xứng đáng với công ơn dạy bảo thành người của các thầy cô.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo 20-tháng 11 năm nay, qua báo chí và đài phát thanh, chúng tôi xin gửi đến quý thầy cô đã về hưu và đương chức đang ở Huế nói riêng và khắp mọi miền của đất nước nói chung những tình cảm chân thành, thắm thiết, biết ơn và trân trọng nhất.

Nhân đây, chúng tôi xin nêu lại hai câu đối ngày xưa mà bạn bè học trò chúng tôi rất tâm đắc:

“Học thầy, quý thầy, nghĩa nặng ơn đầy luôn ghi nhớ.
Chơi bạn, thương bạn, tình sâu đức rộng mãi chẳng quên”.

Và cũng xin kính gửi tặng các thầy cô một bài thơ:

              QUÝ NGHIỆP LÁI ĐÒ NGANG
              Nguyễn Hồng Trân (Đại học Huế)
(Kính tặng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2012)

Làm nghề dạy học thật là sang!
Kiến thức giàu hơn cả bạc vàng.
Hạnh phúc học trò luôn quý mến,
Niềm vui giáo chức thật vinh quang.
Đưa đò tận bến cho yên ổn,
Chở khách sang sông phải vững vàng.
Chịu khó chèo thuyền vượt sóng gió,
Bền lòng quý nghiệp lái đò ngang…

                                                         
                                
                                                                    
                                Phước Vĩnh, Huế ngày 12-11-2012
                                                          NHT
READ MORE - NHỚ VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 / 11 - Nguyễn Hồng Trân