Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 3, 2013

Hương Xuân - CẢM XÚC từ tập thơ “NGUỒN CỘI” của tác giả Phạm Bá Nhơn




        Viết về nguồn cội là viết về nơi chôn nhau cắt rốn, là quê cha đất tổ, nơi mà ta sinh ra và lớn lên với quãng đời thơ ấu ấm áp biết bao là kỷ niệm. Cội là gốc rễ, nguồn là điểm xuất phát, nơi khởi đầu cho một cuộc hành trình. Gốc rễ của cuộc đời có thể là một lối mòn xưa, dòng sông bến nước, cây đa đình làng hay cánh đồng với những mái tranh nghèo thuở còn vương khói lam chiều. Một ngày ta đi biền biệt với nỗi buồn ly xứ không ai có thể mang theo cội rễ vào đời.

Trong cuộc hành trình mưu sinh, nguồn cội luôn như ngọn lửa cứ âm ĩ cháy trong hồn mỗi người. Canh cánh với bao nỗi niềm, hoài bão với bao điều mơ ước, người ra đi từ đó, hành trang chỉ là lời ru của mẹ hơi thở của hồn quê ngai ngái mùi rơm rạ. Bước chân hồ hải đâu cũng là quê hương, cũng vẫn bình minh với mặt trời rực sáng, cũng vẫn hoàng hôn với đàn chim ngang trời bay về rừng cũ. Chợt có một ngày qua bến đò ngang đất khách, nhìn dòng sông quê người, nghe tiếng mái chèo khua nước, “tác giả” chạnh lòng thương nhớ quê xưa.

Đó chính là nguồn cội mà mỗi người đều có những kỷ niệm riêng, những cảm xúc và nỗi niềm rất riêng để thương để nhớ. Có thể mỗi người đều có mỗi hướng đời đi khác biệt nhưng trong sâu thẩm tiềm thức ai cũng mong có một ngày áo gấm về làng. Nguồn cội vừa là hữu hình, vừa mang tính trừu tượng. Theo thời gian, trên mỗi bước chân xa trừu tượng dần hình thành và cũng dần hiện hữu trong tâm của mỗi người con xa xứ.


Nhà thơ Phạm Bá Nhơn
Nhà thơ Phạm Bá Nhơn viết về nguồn cội chưa hẳn đơn thuần muốn khơi dậy một tiềm thức, mà chính trong tâm những nỗi niềm đã thúc đẩy “tác giả” thổ lộ những cảm xúc hơn là giải bày những nỗi lòng. Trong bài thơ “Hẹn Về Quảng Trị” có bốn câu:

“Quãng Trị ơi quê hương và nguồn cội
Mới vừa xa mà lòng nhớ khôn vơi
Làm sao quên những chiều nơi xóm nhỏ
Ngày ra đi xao xuyến mãi trong đời”.

Nguồn cội trong hồn nhà thơ sao mà da diết đến thế! “Ngày ra đi xao xuyến mãi trong đời”. Mỗi một bước chân đi ngày ấy tôi tin chắc rằng thế nào anh cũng “Một bước đường một đau”.

Nguồn cội là đất mẹ, là tổ ấm, là bến nước sân ga. Cánh chim rời tổ, con đò tách bến và con tàu lăn bánh khỏi sân ga, tất cả ra đi rồi cũng sẽ quay về. Tổ ấm dù có xơ xác nghèo nàn, bến nước dù có đìu hiu, quạnh quẻ, sân ga dù có điêu tàn vắng vẻ nhưng vẫn luôn bao dung và đón nhận. Chỉ sợ trên bước đường phiêu bồng, bã phù danh làm tâm người thay đổi không còn nhớ đến gốc rễ của đời mình. Đọc những bài thơ trong tập thơ “Nguồn Cội” của nhà thơ Phạm Bá Nhơn, tôi khẳng định một điều: dù anh đang ở chân trời gốc bể nào, nguồn cội luôn ở trong tâm anh. Đó chính là nỗi lòng rất thật qua những câu thơ bởi vì thơ là sự thăng hoa của nội tâm qua cảm xúc. Trong bài thơ “Nguyện Cùng Non Nước” có bốn câu:

“Ta ra đi để có ngày về lại
Với quê hương xa ngái vẫn đang chờ
Thuở cất bước mang theo lời nguyện ước
Câu thề xưa ấp ủ mãi trong mơ”.

Và trong bài “Tôi Về Quê Tôi” cũng có những câu làm xao xuyến người đọc:

“Về cùng bến nước dòng sông
Lũy tre nương cát lúa đồng mênh mông
Ra đi thỏa chí tang bồng
Vẫn không quên được một vùng đất quê”.

Hay:

“Về đây tìm lại dấu chân
Trong tôi còn đó một phần đất quê”.

Có lẽ trong suốt tập thơ “Nguồn Cội” nhà thơ Phạm Bá Nhơn đã thổ lộ cảm xúc của mình qua bài “Người Quảng Trị Xa Quê” và theo tôi nghĩ đây là một trong những bài thơ tiêu biểu hay nhất trong tập thơ “Nguồn Cội” của anh “Người Quảng Trị Xa Quê” phải chăng đó là một thông điệp, một lời nhắn nhủ chân tình đến những người con đất Quảng Trị đỏ lửa năm xưa. Và tôi chợt thương lắm những vần thơ:

“Tha hương ngót mấy đông tàn
Vẫn mang giọng nói nồng nàn ngày xưa
Vẫn còn nhớ nắng thương mưa
Vẫn là dáng mẹ sớm trưa đi về”.

Vẫn mấy câu thơ trên tôi chợt liên tưởng tới Nguồn cội không chỉ là Đất mẹ, quê cha mà Nguồn cội còn là giọng nói quê, là da thịt của mình, như trong hai câu kết:

Ta nghe giữa cõi bao la
Quê xưa là nửa thịt da của mình”.

Một thoáng ngậm ngùi thương nhớ trong anh, thêm một chút suy tư trầm mặc của một chiều mưa bụi bay, của một hoàng hôn hay trong đêm trăng sáng để anh “ngước đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ quê xưa”. Cố hương trong lòng nhà thơ đâu chỉ là mịt mù lớp bụi hương quan mà những địa danh Quảng Trị cũng làm cho hồn anh bừng dậy những nỗi niềm. Nào là bãi biển “Hải Khê”, đêm trăng “Cửa Việt”, hạt tiêu cay đất “Vĩnh Linh”, bát chè “Cam Lộ”. Nào sắc tư “Ô Lâu”, Lương Điền, Mĩ Chánh với gạo thơm “Triệu Độ”, trà lành “Gió An”. Tất cả… tất cả… đã làm nên, trở thành “Nguồn Cội” trong tim người viễn xứ.

Sự đồng cảm luôn làm con người gần gũi nhau hơn. Đồng cảm trong sự mất mát chia li, đồng cảm trong niềm vui tương ngộ và trong nỗi buồn xa xứ. Để được chia sẻ, mỗi người đều có cách thể hiện để tìm sự đồng cảm và nhà thơ Phạm Bá Nhơn đã tìm được sự đồng cảm qua tập thơ “Nguồn Cội”. Anh đã thổ lộ tâm tình rất thật, diễn tả một tâm trạng buồn vui rất tự nhiên, như dòng nước “Ô Lâu” hiền hòa và ngọt ngào như bát chè “Cam Lộ”. Hoàn cảnh xa quê mỗi người mỗi khác nhau, thành bại của mỗi một đời người khác nhau nhưng nỗi lòng nhớ quê không có gì khác biệt.

Ngàn phương trời ra đi nhưng chỉ có một phương để trông về Cố quận. Ngàn mây dẫu có phiêu lãng bên trời, nhưng cũng về núi mỗi chiều, trăm sông dẫu có chảy qua muôn ngàn bến lạ rốt cuộc cũng xuôi về biển cả. Vạn vật đã như thế huống chi con người, vì thế Nguồn Cội là một biểu tượng thiêng liêng, là cuộc sống tâm linh không thể mất đi trong hồn của mỗi người ly xứ. Người xưa có câu: “Đồng bệnh tương liên” và tôi cũng có bao nhiêu năm xa quê nên khi đọc tập thơ “Nguồn Cội” của nhà thơ Phạm Bá Nhơn lòng tôi tràn đầy xúc cảm. Tôi vẫn mong có một ngày về được nhìn trăng sáng trước sân, thoang thoảng mùi hương cau, hương bưởi, được tận mắt nhìn những đóa tường vi nở trong sương sớm. Muốn thì vẫn muốn thế nhưng mỗi dặm đời đi quê hương cứ dần xa ngút ngát. Thôi thì! Cứ tạm là cánh chim bay vút lưng trời, cứ như  chiếc lá trên cành chỉ mong có một ngày trở về rừng xưa cội cũ.

Xuyên suốt trong tập thơ “Nguồn Cội” tác giả cũng có những bài thơ tình làm say đắm lòng người như bài: “Phút Hoài Niệm”:

“Ta mơ một sớm khung trời ấy
Vạt áo làm khăn lau mắt em”.

Hay:

“Nhưng rồi tất cả bao hoài niệm
Chảy suốt qua tim đọng giữa đời”

Và bài: “Em Đến”:

“Em đã đến lay lòng ta thức dậy
Sau đêm dài mê ngủ thiếp ngất ngây
Em đi ngang làm tim ta run rẩy
Để ta say sướt mướt suốt phương nầy”.

Và có một khổ cuối cùng của bài thơ “Hoa Xưa” làm tôi suy nghĩ mãi về một cánh bướm đa tình, bay đến vườn hoa để vờn nhụy, rồi lại lạnh lùng vỗ cánh bay đi.

“Trách chi con bướm bay từ sáng
Vui đậu bên hoa chỉ ít ngày
Cố tình ngửi trộm hương ngây dại
Lạnh lùng vỗ cánh mặc hoa lay”.

Và thơ anh còn nhiều bài thơ tình mà đọc lên cũng thấy từng “câu từ” thắm thiết diết da, thắm vào tim tận cùng của lòng mình và tận cùng của dòng máu đang luân lưu trong huyết quảng.

Khi đọc tập thơ “Nguồn Cội” tôi luôn đặt mình vào vị trí một độc giả. Đọc thơ của một tác giả, vì thế tôi mới cảm nhận hết nỗi lòng của nhà thơ. Mặc dầu tôi chưa được lần hạnh ngộ với tác giả nhưng đọc tập thơ “Nguồn Cội” tôi cảm nhận được tác giả luôn có tâm hồn mở rộng, luôn hướng về cái đẹp của chân thiện mỹ cũng đủ nói lên “nhân cách” của một người cầm bút.

Có thể nói thơ là làn sóng âm thanh xuất phát từ trái tim, khi độc giả đọc bài thơ rung động từ trái tim thì bài thơ ấy mới ăn sâu vĩnh viễn vào tâm thức của mỗi người!.

Nha Trang, ngày 20 tháng 01 năm 2013
 Hương Xuân

***
Võ Văn Hoa gởi đăng
READ MORE - Hương Xuân - CẢM XÚC từ tập thơ “NGUỒN CỘI” của tác giả Phạm Bá Nhơn

MƯA ĐÔNG CHIỀU XUÂN - GỢI NHỚ XÔN XAO - thơ của Châu Thạch và Thy Lệ Trang



MƯA ĐÔNG CHIỀU XUÂN 
Châu Thạch

Người ta bảo mưa mùa xuân rất đẹp
Nắng vẫn trong và không lạnh bao giờ
Nhưng hôm nay mưa xuân nhìn rất lạ
Cũng lạnh lùng như hết cả chiều đông.

Em có thế hay là em chẳng thế?
Để giận hờn đang giữa buổi đương yêu
Khiến hồn xuân mưa dỗi đã bao chiều
Ta bó gối ngồi mơ miền đất hạ.

Hè có nóng nhưng bướm bay rộn rã
Những cành hoa khoe màu sắc xinh tươi
Mỗi đóa hoa một nụ thắm em cười
Để nhan sắc chở linh hồn mơ tưởng.

Mùa hạ nắng, trời khô tình vẫn hưởng
Mùa xuân mây vần vũ có gì hay?
Em đừng sầu, trong mắt lắm tơ bay
Đừng đễ gió đễ mưa trong tuổi mùa xuân thắm.

Hôm nay lạnh, cơn mưa xuân ướt đẫm
Nước mắt em trôi cả  ánh chiều xuân
Trong lòng ta ân hận mãi không ngừng
Đành xin lỗi, kẻo mưa dài mưa mãi.


                                        Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com


Tác giả THY LỆ TRANG

GỢI NHỚ XÔN XAO
(Họa bài Mưa đông chiều Xuân)
Thy Lệ Trang

Em vẫn giữ riêng mình màu nắng đẹp
Thuở xôn xao ...còn lại  đến bây giờ
Và ánh mắt anh: ấm nồng thật lạ
Sưởi hồn em suốt giá lạnh mùa Đông

Như dòng sông con muôn đời vẫn thế
Không bao giờ được trở lại nguồn yêu
Em - vẫn bâng khuâng nhớ áng mây chiều
Vẫn luyến tiếc thương từng cơn mưa Hạ

Chút tình Xuân có  giúp hoa tàn rã
Chợt bừng lên dưới ánh nắng vàng tươi
Cũng đành thôi...từ giọng nói, tiếng cười
Tất cả sẽ  chìm dần trong mộng tưởng

Nhịp mưa rơi hay rã rời giao hưỡng
Rơi âm thầm, lặng lẽ chẳng ai hay
Mênh mông buồn cuốn theo gió mây bay
Cho nước mắt nhạt nhòa đôi má thắm

Lời vỗ về không ngăn dòng lệ đẩm
Én lạc loài ngơ ngẩn giữa trời Xuân
Có cho nhau "niềm ân hận không ngừng"
Em vẫn biết ...muôn trùng xa...mãi...mãi...    
      
THY LỆ TRANG     
MASSACHUSETS
thyletrangntc@yahoo.com

READ MORE - MƯA ĐÔNG CHIỀU XUÂN - GỢI NHỚ XÔN XAO - thơ của Châu Thạch và Thy Lệ Trang

TRƯỜNG XƯA,TRONG NỖI NHỚ - Bài xướng của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt và 27 bài họa vận của 25 thi hữu


TRƯỜNG XƯA,TRONG NỖI NHỚ
Bài xướng: Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
(Thủ vĩ ngâm)

Hoài niệm thời thơ một mái trường
Niềm riêng lắng đọng mỗi chiều buông
Này đây mái tóc hoe màu nắng
Kìa đó làn môi ấm sắc hương
Lối cũ trăng mờ khơi dĩ vãng
Đường xưa mưa nhạt gợn sầu vương
Tiềm trong ký ức từ xa vắng
Hoài niệm thời thơ một mái trường!

NH 63-65
(Để tặng những cựu Nguyễn Hoàng, Quảng Trị)


1.
LỐI CŨ TRƯỜNG XƯA
Bài họa: Tâm Giao


Thương lắm người ơi thuở một trường!
Vai gầy suối tóc hửng hờ buông
Che nghiêng mắt biếc nghiêng trời mộng
Lưu luyến môi hồng luyến mãi hương
Canh cánh bên lòng bao nỗi nhớ
Mang mang trong dạ mấy tơ vương!
Trăng thề lối cũ còn đâu nhỉ?
Thương lắm ngươi ơi thuở một trường!

(17/4/2011)


2.
VẪN CÒN NIỀM THƯƠNG
Bài họa: Thanh Tâm

Nhớ sao thuở ấy học chung trường
Quyết chí luyện rèn chẳng dám buông
Hoàn thiện tài năng xây sự nghiệp
Phát huy trí tuệ dựng quê hương
Cơ cầu con tạo đành hờ hững
Lỗi phận nghiệp duyên lắm vấn vương
Lòng vẫn vọng về nơi chốn cũ
Nhớ sao thuở ấy học chung trường

(18/4/2011)


3.
TỰU TRƯỜNG
Bài họa: Văn Kế Thế

Nhớ quá người ơi buổi tựu trường
Êm đềm tiếng hát nhẹ nhàng buông
Mỗi năm hè đến thương hoa phượng
Cứ độ xuân về nhớ sắc hương
Có phải tình xưa còn mãi mãi?
Hay là duyên cũ vẫn vương vương?
Tháng năm ấp ủ tình khôn lớn
Nhớ quá người ơi buổi tựu trường.


4.
TRƯỜNG XƯA
Bài họa: Lê Viên Ngọc

Một thuở hoàng kim trước cổng trường
Áo dài lã lướt của ai buông
Bóng người Phước Thị chiều tan nắng
Thư bạn Cửa Tùng giấy tẩm hương
Nhật ký cho ta bao gợi cảm
Ngày hè của họ vẫn còn vương
Bốn mươi năm ấy như thầm nhắc
Một thuở hoàng kim trước cổng trường.


5.
MỘT CHIỀU THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA
Bài họa: Lê Văn Thanh

Nhớ nhớ quên quên trước cổng trường
Sân chiều phượng thắm trĩu cành buông
Nhớ thời đến lớp bài không thuộc
Những lúc bên em tóc thoảng hương
Trường cũ nhạt nhòa trong ký ức
Bạn thầy còn mất - thoáng buồn vương
Chim trời vội vã bay về tổ
Nhớ nhớ quên quên trước cổng trường.


6.
TRƯỜNG XƯA
Bài họa: Võ Sĩ Quý

Đường xưa lối cũ đến ngôi trường
Kỷ niệm vui buồn chẳng nở buông
Năm tháng có khi mờ dấu tích
Đất trời lắm lúc gợi quê hương
Xôn xao dĩ vãng không hề lắng
Náo nức tương lai cố vấn vương
Buồn lắm nhớ chi hoài rứa mãi
Đường xưa lối cũ đến ngôi trường.

Nha Trang-18.4.2011.


7.
CHO MỘT KỶ NIỆM
Bài họa: Thái Huy

Khó quên gốc phượng trước sân trường!
Anh đứng chờ đây nghe trống buông ...
Sóng bước cùng em trên lối mộng
Đan tay với bậu giữa men hương
Yêu thương dạo ấy tràn tâm nguyện
Xa cách bây chừ đẫm lệ vương
Nhưng vẫn khắc sâu hình bóng cũ
Khó quên gốc phượng trước sân trường!

4-18-11


8.
KÍNH TẶNG QUÝ THẦY CÔ, BẠN HỮU NGUYỄN HOÀNG
Bài họa: Lê Ngọc Kha

Nguyễn Hoàng ơi…! nhớ lắm tên trường
Ấp ủ trong lòng tiếng nhẹ buông
Mừng được thầy cô luôn khởi sắc
Vui thay bè bạn mãi lên hương
Một thời gần gũi tình lưu luyến
Bao lúc xa vời dạ vấn vương
Hội ngộ hằng năm từng tổ chức
Nguyễn Hoàng ơi…! nhớ lắm tên trường.


9.
GIỜ RA CHƠI
Bài họa: Nguyễn-Phú-Long

Luyến lưu, bịn rịn góc sân trường
Rung động hàng me, nắng nhẹ buông.
Ấp ủ hôm nay là bạn hữu,
Chung lưng mai mốt đó quê hương.
Xin cho mơ ước thêm hy vọng,
Để nỗi mong chờ mãi vấn vương.
Tiếng kẻng báo giờ vào lớp học
Luyến lưu, bịn rịn góc sân trường.


10.
TAN TRƯỜNG
Bài họa: Nguyễn Vô Cùng

Nhớ ơi áo trắng buổi tan trường
Phố nhỏ chiều nghiêng vạt nắng buông
Tuổi ngọc đã đành xa nẻo mộng
Hoa đời thôi cũng nhạt mùi hương
Một mùa lửa đỏ còn chua xót
Bao tiếng ve sầu mãi vấn vương
Thầy bạn bên trời chim bạt gió
Nhớ ơi áo trắng buổi tan trường.


11.
MÁI HIÊN TRƯỜNG         
Bài họa: Phùng Trần,Trần Quế Sơn

Thầy cô, bạn cũ, mái hiên trường,
Kỷ niệm dâng đầy khó lãng buông.
Phượng đỏ bâng khuâng chiều hạ nắng,
Bóng hồng tha thướt sáng quê hương.
Chia tay mỗi ngã bao lưu luyến,
Lạc bước trăm đường những vấn vương.
Còn lại trong ta niềm cảm mến,
Thầy cô, bạn cũ, mái hiên trường.

 Illinois, Apr-19-2011


12.
NHỚ EM VÀ NHỚ…
Bài họa: Thái Huy

Nhớ cảnh chờ em truớc cổng trường
Nhớ từng cánh phượng giữa sân trường
Nhớ làn tóc xỏa mơn man gió                
Nhớ bước chân in quyến luyến hương
Nhớ buổi hẹn hò lời mật rót
Nhớ ngày giã biệt nỗi đau vương
Nhớ, nhưng thất hứa em tha thứ!
Nhớ cảnh chờ em trước cổng trường.

4-19-11


13.
NHỚ CHIỀU TAN HỌC
Bài họa: Hoài Thương

Nhớ chiều tan học ở nhà trường
Tiếng trống liên hồi thoải mái buông
Bao cánh phượng hồng vui cảnh sắc
Những tà áo trắng đẹp thiên hương
Tuổi xanh thuở ấy nhiều lưu luyến
Đầu bạc bây giờ lắm vấn vương
Mấy chục năm qua lòng vẫn mãi
Nhớ chiều tan học ở nhà trường.


14.
TIẾC THƯƠNG TRƯỜNG XƯA
Bài họa: Huỳnh Anh
(Họa trắc bằng thông vận)

Hoài thương thổn thức suốt canh trường
Nhớ lắm người ơi cánh phượng buông
Nhớ mái tóc huyền vương sạm nắng
Nhớ làn môi mỏng nhạt nhòa hương
Nhớ tà áo trắng trường lai vảng
Nhớ lối đường quen mãi vấn vương
Nhớ bạn nhớ thầy ... Ôi! trống vắng
Hoài thương thổn thức suốt canh trường


15.
HỌA ĐẢO VẬN
Bài họa: Huỳnh Anh

Trường xưa xa cách nhớ thương hoài
Buông tiếng tơ chùng mãi nhớ ai
Nắng tỏa tóc mây vàng sợi nhớ
Hương chan áo gió thắm đời trai
Vãng lai cánh phượng ve sầu nức
Vương vấn đàn tranh phím mệt nhoài
Vắng bóng ai kia lòng thổn thức
Trường xưa xa cách nhớ thương hoài.

(21/4/2011)


16.
CÒN ĐÂY KỶ NIỆM
Bài họa: Phan Tiến
(Họa trắc bằng thông vận)

Kỉ niệm còn đây dấu ấn trường
Thăng trầm dâu bể dễ nào buông
Tiếng ve trổi nhịp mơn man nắng
Gốc phượng khoe màu thoang thoảng hương
Thuở ấy đầu xanh cơn bĩ vảng
Bây chừ chốn cũ nghĩa tình vương
Về thăm lòng những bâng khuâng vắng
Kỉ niệm còn đây dấu ấn trường.


17.
TRƯỜNG XƯA TRONG NỖI NHỚ        
Bài họa: Lê Đình Lộng Chương

Bao nhiêu kỷ niệm một ngôi trường
Xao động chiều mưa giọt giọt buông ...
Giấc mộng xa quê mờ mịt lối
Duyên thơ lạc bút, muộn màng hương.
Nhớ Thầy lớp cũ, trang đời mở
Thương nẻo đường xưa,cánh phượng vương
Xướng họa đôi vần, trao gởi bạn
Bao nhiêu kỷ niệm một ngôi trường...


18.
GỬI CHÚT TÂM TÌNH
Bài họa: Văn Thiên Tùng

Đẹp sao áo trắng với tên trường,
Kỷ niệm hằn sâu chẳng lúc buông!
Bục giảng phấn vương tròn nét chữ,
Lời thầy giọng ấm điệu quê hương.
Tiếng cười  rộn rã, ngoài hiên lớp,
Đăm đắm mắt trao, dạ vấn vương.
Gửi chút tâm tình còn lắng đọng,
Đẹp sao áo trắng với tên trường ...

Quảng Trị 27.4.2011


19.
NHỚ TRƯỜNG XƯA
Bài họa: VT Nguyên

Ngày xưa Quảng Trị có ngôi trường
Dẫu nát tan rồi nhớ chẳng buông
Phượng vỹ hạ về hoa giữa nắng
Sầu đông xuân đến lá bên hương
Bâng khuâng tuổi mộng từng trang sách
Dào dạt tim mơ bụi phấn vương
Nhớ mãi thầy cô và bạn cũ
Ngày xưa Quảng Trị có ngôi trường.


20.
ĐƯỜNG ĐI HỌC
Bài họa: HC Trần Minh Châu

Tản bộ từ Ga đến lớp trường
Mỗi ngày hai buổi, chẳng hề buông
Đường làng Thạch Hãn từng quen lối
Hoa sứ nhà ai tỏa ngát hương
Qua suối đong đưa cầu khỉ bám
Đến trường giỏng giẹo sợi tơ vương
Bao dài chân bước như không mỏi
Cho dẫu xa xôi mấy dặm trường ...

Denver, April 30 2011


21.
NHỚ MÃI TRƯỜNG XƯA
Bài họa: Hồ Trọng Trí

Lòng hằng tưởng nhớ một ngôi trường
Kỷ niệm sâu dày chẳng dễ buông
Thương buổi hoa niên tràn mộng ước
Tiếc thời tuổi ngọc ngát hoa hương
Ơn thầy vạn thuở luôn ghi tạc
Nghĩa bạn trăm năm mãi vấn vương
Trân quý chắt chiu tâm cảm đẹp
Lòng hằng tưởng nhớ một ngôi trường. 


22.
NHỚ NGÀY TỰU TRƯỜNG
Bài họa: Hoàng Gia Độ

Mang mang nỗi nhớ cảnh sân trường
Buổi sáng mùa thu tiếng trống buông
Áo trắng quần xanh thơm nắng mới
Tóc huyền mắt biếc gió thêm hương
Ơn thầy nghĩa bạn luôn gần gủi
Lớp cũ trường xưa mãi vấn vương
Dĩ vãng đong đầy khơi ký ức
Mang mang nỗi nhớ cảnh sân trường. 


23.
KỶ NIỆM TRƯỜNG XƯA
Bài họa: Trần Quảng Lượng

Kỷ niệm ngày xưa buổi tựu trường
Lòng luôn ấp ủ chẳng hề buông
Thương tà áo trắng lung linh nắng
Nhớ mái tóc thề thoảng ngát hương
Họp mặt thu vàng bao hớn hở
Chia tay hạ đỏ lắm buồn vương
Ai ơi! còn nhớ khung trời mộng
Kỷ niệm ngày xưa buổi tựu trường.

10/2011


24.
NỖI NHỚ
Bài họa: Đăng Minh

Vẫn đó trong tâm nỗi nhớ trường
Bao mùa phượng nở bấy sầu buông
Đầu xanh thuở ấy neo tâm khảm
Tóc bạc bây giờ vọng cố hương
Áo trắng một thời nong kỷ niệm
Tình thơ mấy cuộc lắng niềm vương
Dần trôi năm tháng hoài da diết
Vẫn đó trong tâm nỗi nhớ trường


25.
NHẶT LÁ SÂN TRƯỜNG
Bài họa: Hải Thụy

Gót phiêu về nhặt lá sân trường
Xót đỏ mắt ai xác phượng buông
Nhớ kẻ lên xanh đành dở cuộc
Giận đời lỡ bước mãi tha hương
Quang Trung góc phố đêm đưa tiễn
Thạch Hãn đôi bờ mây vấn vương
Gom chút nắng vàng soi bóng nhỏ
Ngày về góp nhặt lá sân trường

26.
Lãng du về nhặt lá sân trường
Hiu hắt lòng, trời tơ trắng vương
Ký ức chưa hoen mờ bóng lụa
Phong trần há dễ phụ quê hương
Nguyễn Hoàng vang bóng chung thời nhớ
Thành Cổ lưng chiều lả nắng buông
Từng cánh phượng hồng chao chác rụng
Bâng khuâng ngồi nhặt lá sân trường!


27.
KHÔNG ĐỀ
Bài họa: Trần Ngộ

Ngày xưa cùng lớp lại chung trường
Trước cổng nghiêng chiều lá phượng buông
Góc bể nghìn trùng thương xứ sở
Chân trời vạn dặm nhớ quê hương
Aó cơm tình mẹ bao lưu luyến
Sách chữ nghĩa thầy mấy vấn vương
Nặng gánh công ơn lòng khó nhạt
Ngày xưa cùng lớp lại chung trường

Bảo Lộc Lâm Đồng


Sắp xếp theo thứ tự tôi nhận được. 
Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
READ MORE - TRƯỜNG XƯA,TRONG NỖI NHỚ - Bài xướng của Hạ Thái Trần Quốc Phiệt và 27 bài họa vận của 25 thi hữu

CA DAO 12 CON GIÁP QUAY VÒNG - Nguyễn Hồng Trân


                    
1.Chuột thường phá lúa trổ đòng,
2.Trâu cày ruộng đất vui lòng dân quê.
3.Cọp chạy rượt đuổi đàn dê,
4.Mèo sợ khiếp vía chạy về giữ con.
5.Rồng chầu cung điện vàng son,
6.Rắn lột da bọc để non thân già.
7.Ngựa phi không quản đường xa,
8. nhìn khe núi lấy đà nhảy sang.
9.Khỉ leo nhảy nhót rộn ràng,
10. trống đập cánh gáy vang núi rừng.
11.Chó sủa ing ỏi không ngừng,
12.Heo ưa nằm ngủ ngay lưng thẳng giò.
                       *** 
Mười hai con giáp nhớ cho,
Mỗi con, mỗi bến chèo đò ghé  qua ...

Nguyễn Hồng Trân
READ MORE - CA DAO 12 CON GIÁP QUAY VÒNG - Nguyễn Hồng Trân