Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 12, 2021

GÁNH BÚN XÁO PHƯỜNG ĐỆ TỨ - Đinh Hoa Lư

 


GÁNH BÚN XÁO PHƯỜNG ĐỆ TỨ

Đinh Hoa Lư

 

 

 Gánh bún xáo hay triêng bún xáo là hình ảnh quen thuộc cho khách ăn hàng vặt. Bữa sáng hay bữa chiều đều có gánh bún xáo, do các o gánh đi bán rong dọc theo mấy con phố hay đầu thôn cuối kiệt ở những vùng ngoại ô.

 

Người Huế thân quen với gánh bún xáo, người Quảng Trị cũng chẳng lạ lùng chi cái cảnh mấy o, mấy chị vừa chạy lúp xúp vừa rao ...

 

 -Ai...bún?

 

Tiếng rao bị o rút gọn bớt vì rằng nghe tiếng o là khách ăn biết ngay thôi.

 

Lạ một điều, khó diễn tả cái động tác o gánh 'triêng' bún xáo? Cũng không phải chạy, nhưng đi lại không phải đi. Thứ động tác của hai chân o bán bún gánh, làm sao cho chiếc đòn gánh cong cong vẫy nhịp thật đều theo bước chân o để nhẹ bớt sức nặng lên vai o. Một điều phải nói lại cho rõ, rằng o không trở vai lúc đang gánh. Chỉ có khách là o đặt gánh bún xuống thôi. Thời gian bán hàng là lúc đôi vai o được nghỉ.

 

 Không bao giờ chúng ta thấy mấy o người Huế và ngay cả Quảng Trị bận áo cụt; các o luôn bận áo dài. Những chiếc áo dài bạc màu, sờn rách theo năm tháng o ruổi rong theo 'cơm gạo áo tiền' nuôi sống gia đình.

 

Những tô bún bình dân, đáy nhỏ miệng to ngày xưa chúng ta thường thấy. Khách ăn hàng đủ hạng người. Người hào sảng, có tiền thì ăn tô 5 đồng; người bình dân thì ăn tô 3 đồng, thậm chí con nít o cũng bán cho 'chút chút' tô 2 đồng! Gánh hay triêng bún xáo của o bán đủ loại giá; o không hề than vản, và khách ăn chẳng ai nề hà chi. 

 

Những thứ thịt bò loại rẻ tiền, bạng nhạng 'nhiều mỡ ít nạc'. O chỉ ư mua về loại hai, loại ba này thôi. Vừa có đồng lời vừa hợp với một thứ ăn gọi là 'bún xáo'. O cho rằng: thịt bạng nhạng, có xen gân mới làm bún xáo ngon nhất. Còn thịt quá tốt, tạm gọi là thượng hạng chỉ dành cho món bí tết, tiệc tùng loại sang, bữa ăn thịnh soạn không có 'chỗ đứng' trong nghề bún xáo của mấy o.

 

Đưa tô bún nho nhỏ, vừa tay, lên miệng; khách ăn sẽ ngửi ngay mùi thơm nước xáo đúng 'gu' người Trung nấu không lầm vào đâu.  Thoang thoảng mùi rau răm, tiêu và miếng bún "nức mùi xáo" vào miệng.  Khách sẽ nhận ra được lát thịt bò sần-sật giòn, bùi bùi, xen một lát huyết đậm đà, beo béo. Người thưởng thức, vừa nhai vừa cắn miếng ớt chìa vôi thơm, cay nồng xông lên tận hốc mũi...

 

 Cái 'đói, thèm' càng tăng khi gánh bún của o còn mãi đàng xa do đang bận khách. Chiều chiều, ai cũng chờ, cũng trông gánh bún o đi qua. Dọc phố, các chị  các mệ cũng đợi gánh bún các o đi ngang.

 

Có mấy o là có bữa sáng tới rồi!

 

 Mùi bún xáo phố Huế hay phố Quảng nào cũng giống nhau. Khách ăn của mấy o không bao giờ chê, chẳng bao giờ ngán mới lạ làm sao.

 

Có phải huơng vị cùng hình ảnh gánh bún xáo mấy o mấy chị ngày xưa đã đi vào văn hoá ẩm thực của người Trung bao đời nay chăng? Người ta chẳng hề quan tâm, chỉ một tâm lý vắng gánh bún xáo ngày đó thì nhớ và thèm đó thôi.

 

Cái nồi tròn nhôm một đầu, đầu kia là tô, đũa hay những thứ linh tinh, lỉnh kỉnh. Mọi thứ đều cũ kỹ trước mắt khách đợi. Khi nắp nồi xáo được o giở lên, cái vá nhẹ nhàng, chính xác chi ly o chan từng thứ lên tô bún; mùi thơm của nước xáo không lầm lẫn vói bất cứ loại món ăn nào làm khách ăn nhớ đòi.

 

    Một thời, khi cái từ "kéo ghế' đặc biệt dành cho những buổi đi vào tiệm ăn; nó hiếm hoi hơn những gánh hàng rong thân quen cho thực khách miền trung. Trong những gánh hàng rong đó, những gánh bún xáo dường như đã trở thành 'bất tử' trong lòng chúng ta, phải thế không các bạn?

 

Gánh Bún Xáo O Đức phường (thôn) tôi

 

Khi tôi viết về triêng bún xáo bán rao (rong) là lúc tôi nhớ về hình ảnh o Đức. Tôi kêu o do trong xóm tôi hay gọi tiếng o, thực ra o Đức phải xấp xỉ bằng tuổi ngoại tôi là ít. Ngày ngày, độ xế trưa là lúc o gánh bán từ đầu phường cho tới cuối phường Đệ Tứ.

 


Chiếc áo dài đen, phai ố theo tháng ngày tần tảo đó là hình ảnh o bán bún xáo tại bến xe An Cựu, xa xa là chiếc xe hàng Nam Lộc từ Đà Nẵng mới ra. Tuy vậy cũng tạm thay cho hình ảnh o Đức bán bún xáo trong phường chúng tôi vào thập niên 1960. Như bạn đọc thấy trong hình cái nồi tròn đen ở một đầu gióng là loại nồi nhôm độc đáo sau này. Miệng nồi nhỏ lại có thể giữ cho nồi xáo nóng lâu hơn. Lớp màng màu đỏ của ớt phi, vài lát huyết nổi lềnh bềnh trên đó thì làm gì đến nỗi phải lầm với các loại món ăn khác được. Chuyện đáng nói về chiếc nồi nhôm tròn này, có thể dành riêng cho các gánh hàng rong, dọc theo các con phố miền Trung.

 

Cảnh cũ ngày xưa giờ không còn nữa, nhưng mỗi lần tôi ngửi lại mùi xáo bún bò chinh là lúc tôi nhớ về triêng bún xáo ngày đó. Hương vị của một món ăn mang tên là bún xáo, là đơn sơ mộc mạc, là bình dị quê mùa. Lạ thay, nó chất đầy nỗi nhớ trong hồn người xa xứ? Chính những lúc này, nó không là cái ăn đơn thuần mà là tình cảm, là nỗi nhớ bâng khuâng, như cánh mây chiều lãng đãng bay về chóp núi hay chân trời nào đó? Không ai định nghĩa hay để tâm vào chúng ngoại trừ những người xa quê đang ngồi nhớ lại hương vị tô bún năm xưa.

 

                                                       Đinh Hoa Lư


Nguồn:
Website của tác giả Đinh Hoa Lư
READ MORE - GÁNH BÚN XÁO PHƯỜNG ĐỆ TỨ - Đinh Hoa Lư

NHỚ QUẢNG TRỊ - Nhạc và lời: Hoàng Lương - Ca sĩ: Vân Khánh - Hình ảnh từ tập sách: QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG của Phạm Đình Quát - Slide show: Nguyễn Khắc Phước

READ MORE - NHỚ QUẢNG TRỊ - Nhạc và lời: Hoàng Lương - Ca sĩ: Vân Khánh - Hình ảnh từ tập sách: QUẢNG TRỊ ĐI NHỚ VỀ THƯƠNG của Phạm Đình Quát - Slide show: Nguyễn Khắc Phước

SAO KHÔNG LÀ LOÀI ĐỐI KHÁNG NÀO KHÁC – Thơ Khaly Chàm


 
                    Nhà thơ Khaly Chàm


sao không là loài đối kháng nào khác
 
giấy dán tường màu đất nung nham nhở
trong đốm rách dường như con chữ phúc âm ẩn náu
mắt ứa máu hoàn hảo sự nhễu giọt vi âm
tín hiệu cuối cùng thản nhiên di chuyển trong mạch máu não
nhân danh cận tử định dạng cắt rời linh cảm
 
dịch chuyển hay ngồi im vẫn thế
chiêm nghiệm tiếng chó sủa vang thông thốc vào hẻm phố
lần lượt những bóng ma xát muối vào những vết thương
thị dân chổng mông lên cảm nhận hơi thở đồ tể dịu mát
tôi tự biết mình không trọng lượng để định hướng rơi
bám tay nắm khóa cửa mùi tử khí chớp sáng lân tinh
 
em dùng lửa tim đốt cháy niềm thống khổ
chờ hóa sinh những bàn tay biết dạo chơi tìm màu bóng tối
phủ trùm lên những hình hài ngủ mơ trên chóp lửa
có thể những linh quang nhìn thấy phật, chúa hiện
sặc sụa tôi ngửi mùi tro bụi muội khói thơm lừng 
có phải chúng ta thích thú hình bóng mình trong gương
nỗi khát sống từng thời khắc hồn nhiên chờ ngày hóa đá
hãy nhìn con người như một bầy cừu an phận chỉ biết cúi đầu gặm cỏ
tôi và em mãi thinh lặng sao không là loài đối kháng nào khác
hôm nay, không một tiếng rên rỉ hay thở dài trước giờ được khai tử
hiện tại, sáo ngữ chửi từng ngày sao dịch cứ tăng
 
khaly chàm
tptayninh 12/2021
 
READ MORE - SAO KHÔNG LÀ LOÀI ĐỐI KHÁNG NÀO KHÁC – Thơ Khaly Chàm