GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI
Mân mê tập truyện ngắn, tác phẩm đầu tay, lòng tôi trào dâng một niềm vui lạ. Cũng như bao anh chị em cầm bút, ai cũng muốn mình có tác phẩm để lại cho đời, vậy là mơ ước lâu nay giờ đã thành hiện thực. “Đứa con tinh thần” sau bao nhiêu năm ấp ủ và đã chào đời trong mùa Covid đầy cam go, chịu biết bao nỗi vất vả, gian nan.
Tập bản thảo đã xong, tôi đã liên hệ và gửi ra cho Nhà xuất bản Thanh niên để duyệt và cấp phép. Chờ đợi cả tháng trời mà không thấy hồi âm, nóng lòng tôi bạo dạn điện thoại. Được Nhà xuất bản cho biết tình hình dịch bệnh Covid ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp, cơ quan di dời chỗ làm việc nhiều lần, Ban biên tập phải làm việc Online… nên bản thảo vẫn phải nằm chờ. Tôi xin phép gửi vào Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế. Khi bản thảo đã được cấp phép thì dịch Covid tại Quảng Bình đang xuất hiện và có chiều hướng gia tăng. Lại phải chờ một thời gian mới làm việc được với nhà in Quảng Bình. Khi sách được in xong, niềm vui vỡ òa, tôi hăm hở lên đường để đưa “ đứa con tinh thần” về. Nhưng than ôi! Tất cả các ngã đường đã thiết lập Trạm chốt để phong tỏa các lối đi do Covid bùng phát trong cộng đồng, trong đó có thị trấn Quán Hàu nơi tôi ở. Bảy ngày chờ đợi, rồi bảy ngày, bảy ngày nữa trong lòng thấy xốn xang, lo lắng. Lo lắng dịch bệnh rình rập tràn tới, lo lắng cho cuộc sống của người dân vùng dịch. Cứ mong trời mau qua ngày để mọi người có cuộc sống được bình yên trở lại. Đêm về, cứ nằm mơ được gặp đứa con tinh thần, như thấy nó đang cựa quậy trong lòng.
Và rồi cái gì đến cũng đến. Niềm vui tràn trề khi lệnh phong tỏa đã dỡ bỏ.
Tập truyện ngắn “ Hoa sứ nở trái mùa” dày 174 trang, giấy trắng đẹp. Trang bìa có hình nền thắm màu xanh núi rừng Trường Sơn, nơi đôi trai gái tình tự hẹn hò bên những bông sứ cùi ngát thơm như tình yêu thắm sắc của họ. Đó là hình ảnh biểu trưng cho nội dung cốt truyện “ Hoa sứ nở trái mùa”, cũng là phần “ vỏ” gói gọn 15 truyện ngắn. Trong đó có 2 truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi, đó là truyện “Thằng Hoang” và truyện “Món quà xuân”. Truyện ngắn Thằng Hoang viết về đứa bé: “Tội nghiệp, nó là một đứa không có gia đình, một đứa con hoang bị bỏ rơi…”. Nó được chị Mai đưa về nuôi. Nó đã quên thân mình để cứu sống mấy đứa bạn cùng lứa bị đuối nước: “Thật tội nghiệp thằng Hoang quá! Nó ra đi quá sớm, một cái chết oan uổng, nhưng cũng thật ý nghĩa phải không chú!” (Thằng Hoang)… Truyện ngắn viết về thiếu nhi ngắn gọn, lời văn mộc mạc như tâm hồn trẻ thơ của lứa tuổi học trò, nhưng hai truyện này nó cũng man mác nỗi buồn về hoàn cảnh thương tâm, về cuộc sống đang chịu cảnh cực khổ của một số em ở miền quê nghèo để chúng ta suy ngẫm!
9 truyện viết về người lính, nội dung đi sâu vào cuộc đời những người lính sau cuộc chiến trở về. Họ đã từng một thời hào hùng trên trận tuyến chống giặc, đã hy sinh một phần xương máu trên mặt trận nay trở về đời thường có người làm ăn chân chính để thay đổi cuộc sống của mình, có người do hoàn cảnh đi lạc bước đã làm mất một phần phẩm chất, nét đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, nhưng được giác ngộ của bạn bè, được pháp luật “rèn dũa” để trở thành người tốt, như trong truyện Ngày về, Lan đã nói với Bình: “Anh ạ! Dù sao chuyện cũng đã qua rồi! Anh hãy mạnh mẽ lên với chất lính đang còn sót lại trong anh để làm lại từ đầu”. Hay “ Ngày ra trại, gã nhớ mãi lời cán bộ quản giáo: Về nhớ sống tốt nhé” (truyện Hương chanh).
4 truyện còn lại không đi sâu vào đề tài người lính, tuy trong tất cả các bài bóng dáng người lính phần nào cũng đôi chút xuất hiện
Truyện ngắn “ Hoa sứ nở trái mùa” được phát triển từ truyện ngắn “Bát cháo cuối năm” đăng trên Trang Tin của Hội Truyền thống Trường Sơn số 21, tháng 2 năm 2019. Do thời lượng của trang hạn chế nên bài viết chưa thể hiện hết tâm trạng nhân vật, tình tiết câu chuyện bó hẹp, nên tôi lấy cốt truyện này phát triển thêm thành truyện “Hoa sứ nở trái mùa”. Truyện đã được trang Báo Văn nghệ Công an đăng tải và Đài Phát thanh – Truyền hình Tiền giang phát trong chương trình “đọc truyện đêm khuya”. Tôi rất tâm đắc với truyện ngắn này vì có một phần nhân vật là “tôi” trong đó.
Cho phép tôi hơi lan man một tý. Tôi rất thích thơ từ nhỏ và cũng tập làm thơ từ nhỏ, nhưng năng khiếu hạn chế nên đến năm 2015 tôi mới thực sự làm thơ và có thơ đăng báo(có 4 bài được đăng Tạp chí). Những bạn thơ thường nói, thơ của tôi thuộc “típ” thơ cũ nên họ không dùng, phải là thơ mới hợp thời đại. Tôi chưa hiểu hết về thơ mới, nhưng không sao, đó là việc của họ.
Cơ duyên tôi đến với truyện ngắn là nhờ Hội VHNT Trường Sơn phát động viết bài cho tập: “Trường Sơn thuở ấy… bây giờ”. Tôi viết truyện ngắn: “Ngày về” gửi cho anh Phạm Thành Long, Tổng Biên tập Báo điện tử Trường Sơn - Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn – Việt Nam. Lần đầu tiên viết truyện ngắn nên tôi chẳng biết viết như thế nào cho đạt. Anh Phạm Thành Long bảo tôi chỉnh sửa lại ngắn hơn cô động hơn, lời văn mượt mà hơn. Thế là tôi cắm cúi sửa. Nhưng khi sửa xong thì sách đã sắp in rồi. Buồn hụt hẫng, tôi đọc đi đọc lại bài viết mà tiếc hùi hụi. Thế rồi tôi gửi cho các tạp chí, được Tạp chí Xứ Thanh( Hội VHNT Thanh Hóa), Văn nghệ Trà Vinh đăng, tôi mừng quá, thế cũng bõ công mình rồi. Có động lực thúc đấy, tôi chuyển sang viết truyện ngắn, bút ký, tản văn được các trang báo, tạp chí đăng tải. Tháng 10 năm 2019, tôi được dự Trại viết Đồ Sơn do Hội VHNT Trường Sơn tổ chức. Qua trại viết tôi đã học tập được rất nhiều về cách viết văn, thơ, báo. Và điều đặc biệt tôi học được nhiều về tình cảm đồng đội, tinh cảm người lính trong thời chiến cũng như thời bình. Được anh Nguyễn Hữu Quý, Đại tá – Nhà thơ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Trường Sơn động viên, và tôi đã tham gia vào Hội VHNT tỉnh Quảng Bình, thuộc Phân hội Văn xuôi.
Tập truyện ngắn “Hoa sứ nở trái mùa” được xuất bản tháng 8 năm 2021, đã mang đến cho tôi những niềm vui, niềm an ủi tuổi già. Tuy có muộn mằn so với nhiều anh chị em bạn viết nhưng đó là một món quà sau bao nhiêu năm hun đúc, miệt mài, là kết quả sự động viên giúp đỡ của bạn bè đã làm nên tác phẩm đầu tay này. Tác phẩm sẽ mang tới cho độc giả những câu chuyện về đời thường đậm nét giáo dục truyền thống tốt đẹp của người lính nói riêng và của dân tộc nói chung.
Tuy nhiên, trong bài viết còn có chỗ chưa được thanh thoát, tên nhân vật, câu văn có thể trùng lặp, tình tiết có chỗ chưa phù hợp, lời văn chưa trôi chảy mượt mà, mong bạn đọc bỏ qua, để cảm nhận bài viết với tình cảm chân tình của mình. Mong bạn đọc động viên, góp ý cho bản thân tôi để những tác phẩm tiếp theo tốt hơn làm vừa lòng mọi người.
Cảm ơn Hội VHNT Trường Sơn, Hội VHNT Quảng Bình nơi đã cho tôi một “Sân chơi trí tuệ” để được trải hồn mình với đồng đội, với mọi người; cảm ơn Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế, nhà in Quảng Bình đã tạo điều kiện giúp đỡ để “đứa con tinh thần” chào đời; cảm ơn bạn bè, đồng đội đã quan tâm động viên, giúp đỡ để tác phẩm đầu tay được đến với bạn đọc như ý nguyện.
Quán Hàu, tháng 9 năm 2021
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn – Việt Nam.
Hội viên Hội VHNT Quảng Bình