Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, May 13, 2019

THỊ TRẤN NHỎ | Truyện ngắn | Lê Yên




THỊ TRẤN NHỎ
Truyện ngắn
LÊ YÊN

   Chiếc xe giường tầng của Thành Bưởi chạy nhanh như lướt, lên xe tôi cầu xin bình an. Cảnh vật bên ngoài trôi vút qua, xe đã rời thành phố, bỏ lại sự náo nhiệt và ánh đèn, đi xe đêm cũng thú vị. Sự im lặng với ánh sáng vừ đủ dìu dặt trong tiếng nhạc nhẹ đưa tôi dần vào giấc ngủ lơ mơ, chợt giật mình thức giấc vì tiếng ho của người bên cạnh, tôi tỉnh ngủ, ngồi lên xem đã tới đâu! Con đường từ Sài Gòn lên Bảo Lộc ngày xưa phải đi gần một ngày mới tới, còn bây giờ, tôi coi đồng hồ, lên xe tám giờ tối, mới một giờ khuya xe đã qua đèo Bảo Lộc, sương mù làm cho con đường mờ hơn. Lâu rồi tôi mới trở lại nơi tôi đã sống, một thời gian khá dài, với khoảng sáng, tối đan xen, ngày như dài hơn và đêm cũng khá co ro…

    Đèn sáng được bật lên, tiếng anh phụ xe “Bà con chuẩn bị, xe sắp tới trạm trung chuyển” mọi người ngồi lên rộn rang chuẩn bị đồ đạc. Xe đã vào trạm, ngừng hẳn, tiếng anh phụ xe: “Ai về đâu lên xe nhỏ đưa về”.

    Xuống xe, tôi tìm một chiếc ghế khuất gió, kéo cao cổ áo, vai so lại trước cơn lạnh giữa đêm. Giờ này còn sớm, tôi không muốn gõ cửa bất cứ người quen nào để làm phiền. Hơi thở đã thành khói, tôi xoa hai tay vào nhau cho nóng rồi ủ lên mặt “Dza lạnh quá”. Hết ngồi co, lại đứng lên đi tới đi lui, cái lạnh như gặp phải người lạ, cứ thế da diết, tôi lẩm bẫm “Đã từng quen!”

    Năm giờ, trời đã hửng sáng, những tia nắng ban mai còn trốn sau lớp sương mù, tựa chiếc áo mỏng khoác lên người thiếu nữ, mơ hồ hư ảo, trải dài theo triền dốc.Những ngọn đồi thoai thoải, đẹp như đôi chân dài con gái, thăm thẳm mút tầm nhìn. Cảnh vật còn tĩnh lặng sau một đêm chưa vội trở mình.

    Lên một xe nhỏ tôi nói với bác tài: “Cho tôi tới chợ khu sáu!”. Xe chạy qua những khúc quanh, đường nhựa mới tinh. Con đường ngày xưa tôi bước qua nó với đất đỏ dính đầy đôi dép nhựa mỗi ngày. Chợ khu sáu chỉ là một chợ quê, một đôi gánh hàng rong, nào trái cây, rau củ, chuối mít từ vườn nhà, vài thau cá suối, cá nuôi, vài ba thớt thịt tự mổ. Gà đúng là gà ta thả vườn tối leo lên cây ngủ, trống mái nhốt chung trong từng chiếc lồng thép đan tròn có nắp đậy, được cột bằng sợi dây ni lon xanh đỏ.

    Tôi vào quán cà phê bên đường, gọi một ly sữa nóng pha chút cà phê, nhấp từng ngụm sữa nóng, nuốt xuống tới đâu nghe ấm tới đó. Dõi qua bên kia đường, ánh mắt dừng lại trước một căn nhà còn đóng cửa, tim tôi run lên từng nhịp gấp gáp… Những ký ức như quay lại. Căn nhà ngày xưa mỗi sáng ngủ dậy, khoảng sân nhỏ phía trước bơ rụng đầy! Cây bơ già sai trái, ruột vàng, béo ngậy lượm đầy một rổ.

    Tôi nhìn thấy bóng dáng thằng hai, lưng cõng em, phía trước mang cặp, hứng nước mưa nấu cơm cho mẹ. Tôi thấy người đàn ông chân bước thấp bước cao, người nồng nặc mùi rượu mỗi khi về nhà, mẹ con tôi sợ hải không biết chuyện gì xảy ra. Tôi thấy tôi đêm ba mươi tết còn ở ngoài đường làm đẹp cho người ta, gần giao thừa mới về nhà. Những ngày rét mưa tầm tã từ sáng đến tối, hết ướt rồi lại khô, khổ với miếng cơm manh áo…

    Đứng lên trả tiền ly sữa, mang vội mắt kiếng, bước ra đường, từng bước chậm, tôi đi. Hơi thở của đất trời vẫn mang mùi vị cũ, thời gian mới với một tôi mới trong cái cũ ngày xưa.

***

    Xong việc, tôi ra chợ, cảm giác như gặp lại cố nhân, bồi hồi, hai chân gấp gáp nhưng không dám lại gần, cứ thế chậm lại. Ngày hai vợ chồng còn là giáo viên, với những tem phiếu, cuộc sống khó khăn, tôi là người bước ra chợ buôn bán để chồng ổn định công việc. Đi ngang qua từng gian hàng, quen có, lạ có, dừng lại ở dãy hàng ăn… Kia rồi! Hàng bánh canh Dì Năm còn bán! Bước vào chọn một chỗ ngồi, tôi gọi một tô bánh canh. Nhìn người phụ nữ trước mặt, đã già rồi, vẫn chiếc áo bà ba, tóc bới củ tỏi và điếu thuốc vấn trên môi chưa bỏ. Tôi chào hỏi: “Dì Năm nhớ con không?” Khẻ cười Dì Năm trả lời: “Nhìn quen lắm mà nhớ chưa ra.” Tôi nghĩ thầm: “Ừ, làm sao nhớ được, đã lâu lắm rồi còn gì”.

   Đưa mắt ngó qua mấy gian hàng, ánh mắt dừng lại sau cánh cửa quán cơm của tôi ngày xưa, quán mặt trước là đường lớn, nhiều quán ăn san sát nhau, khách vãng lai nhiều, dân ở các xã ra đông, nhất là thứ bảy, chủ nhật…

    Mỗi sớm mai, hai mẹ con bày hàng, lúc đó thằng Hai mới học lớp sáu, mười cái ghế chồng lên nhau, con vịn mẹ leo lên giăng bạt. Ngày xưa đâu có bạt quay như bây giờ. Anh hàng xóm cảm cảnh, sáng nào cũng dậy căng bạt dùm. “Cám ơn anh!” Thằng Hai trước khi đi học, đã đi chợ cho mẹ một giỏ đầy. Những ngày lễ tết đông khách, còn nấu được cho mẹ nồi cơm lớn. Nghĩ tới con, tôi thấy xót: “Con trai à, con không chỉ là con của mẹ, mà còn là một người bạn, một người cùng mẹ đồng hành qua bao gian nan, mẹ đã chọn con đường khó đi để con vất vả nhiều”.

   Nỗi buồn không lớn lên theo tuổi con tôi, mà như nhỏ lại đi sâu vào ký ức, nằm đó, để rồi có những lúclặng đi với những nhức buốt. “Cô ơi! Ăn đi cho nóng.”Tôi như sực tỉnh: “Cám ơn!” Tô bánh canh bóc khói nhiều hành ngò, vắt miếng chanh, chan chút mắm ớt, mùi thơm làm tôi đói bụng. Hình ảnh tô bánh canh đã ở lại trong tôi, không chỉ là mùi vị, mà còn là kỷ niệm, tôi cười vu vơ với ý nghĩ: “Con người thật lạ! Cuộc sống luôn phải đi tới, sao cứ phải hoài niệm, để rồi đau lòng. Đó là cảm xúc! Đôi khi nó làm chủ, nhấn chìm ta trong tận cùng…”

   Bảo Lộc thay đổi nhiều, bây giờ đã là thành phố Bảo Lộc. Những con đường vàng suốt mùa hoa dã quỳ nở rộ đã không còn, trong tôi nơi này vẫn yên bình một thị trấn nhỏ êm đềm, dù khoảng thời gian ở trong nó không được mấy ngày bình yên. Có người muốn từ bỏ nơi cho ta những nỗi đau, không muốn nhìn lại dù chỉ một lần. Riêng tôi vẫn muôn quay lại, yêu thương, có như thế tôi mới bình yên hơn!

   Tạm biệt mi Bảo Lộc! Hẹn một ngày trở lại…

   Chuyến xe đêm Thành Bưởi với số ghế A2, tôi trở về Sài Gòn. Giọng ca Khánh Ly văng vẳng bên tai:“Chiều nay em ra phố về, thấy đời là những chuyến xe…”
         

                    SG - 7/18
                    LÊ YÊN

leyen01203028253@gmail.com

READ MORE - THỊ TRẤN NHỎ | Truyện ngắn | Lê Yên

CHIỀU ĐAM B'RI NHỚ CÂU HÒ QUẢNG TRỊ | Thơ | Hoàng Yên Linh




         Chiều Đam B'ri
                  Nhớ câu hò Quảng Trị
                                   Hoàng Yên Linh

Hiên nhà ai vẳng câu hò Quảng Trị
"Ru con,con théc cho mau
Để mạ đi chợ mua cau ăn trầu..."
Câu hò đưa tôi về tháng năm thơ ấu
Sông Hiếu buồn xóm nhỏ lũy tre xanh
Con đường làng mưa lấm bước chân em...
Hơn nửa đời lang thang cùng cơm áo
Bỏ quê hương biền biệt thuở binh đao
Để chiều nay
Điệu hò ru con lắng sâu nỗi nhớ
Để chiều nay
Dĩ vãng lại về theo khúc hát ru.

Đông Hà ơi có khi nào quên được
Những trưa hè cùng lũ bạn lang thang...
Chiều An Lạc ngóng đò xuôi Cửa Việt
Ở nơi đó trải lòng tôi tha thiết
Có một người tôi đắm đuối thương yêu.

Chiều Đạm B'ri
Khói rẩy nhà ai mà cay đôi mắt
Đến cuối đời nghe lại khúc ru xưa
Tiếng ầu ơ lành lạnh những đêm mưa...

Chiều Đạm B'ri
Nhớ con đò bến nước Hiền Lương
Nhớ nhịp võng hò ơ
Lời vút cao ru giấc con thơ
Để tôi hiểu quê hương là nỗi nhớ...

    Hoàng Yên Linh

READ MORE - CHIỀU ĐAM B'RI NHỚ CÂU HÒ QUẢNG TRỊ | Thơ | Hoàng Yên Linh

CƠ ĐỒ NHÀ MỘC TỬ | AUREVOIR | Thơ Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện


CƠ ĐỒ NHÀ MỘC TỬ
Chu Vương Miện

trước mặt hiện trường
vua Lý Huệ Tôn chỉ còn
chiếc bồ đoàn để ngồi
1 cuốn kinh
1 chiếc mõ
đằng sau chánh điện
là một sợi dây thòng lọng
dùng treo cổ
cơ đồ nhà Mộc Tử đến đây là final
nước cũng mất
vợ về tay ngừơi khác
2 con gái cũng vậy
tôn thất  cũng bị chôn tập thể xuống đất
gần 300 năm
đang còn giờ mất
đời vô ảnh vô thường
nay còn mơi mất?
như sóng trên biển
ào ào rồi xoá
chả có gì vĩnh cửu
chả có gì? vô cùng
hữu thủy vô chung
thoáng đó mất đó
như thỉnh 1 hồi chuông
còn gì chăng?
trong đầu trong hồn
sớm mơi hoàng hôn?
qua đêm ngày đã khác
chế độ này chế độ kia
ngang tiêng quạ kêu quàng quạc
thay nhau mà có mặt
thiên hạ là của chung
chả thuộc một ai?
chả vĩnh viễn
như mưa dông như mưa rào
đổ xuống cái ào
rồi trời sáng
-

AUREVOIR

cuối năm bà mẹ vợ chết
an táng trên đồi hồng
đầu năm sau ông cậu
kế bà mẹ vợ chết
chôn nơi Hòn Non Nước bên Sơn Chà
vài tháng kế
ông cậu bà con em bà ngoại
thác chôn ở ngoại ô
kèn trống om sòm
kế tai họa sĩ báo đời
ăn bám vợ qua đời người
rồi nhiếp ảnh gia
còn lại một số uống cà phê trà
đang chờ thần  chết
đến rước
lên niết bàn
lên thiên đàng
chả có ai xuống địa phủ
bọn quỷ sứ
đầu trâu mặt ngựa
hưỡn tha hồ mà ngủ
trẻ mong mau lớn
già mong mau chết
tha hồ mà trà rượu
chả mong cái gì?
chả chờ cái gì?
địa ngục o còn chỗ
đành vậy  thôi?
lên thiên đàng

Chu Vương Miện

READ MORE - CƠ ĐỒ NHÀ MỘC TỬ | AUREVOIR | Thơ Chu Vương Miện

ĐỌC “KHUNG TRỜI CŨ” THƠ TUỆ SĨ | Châu Thạch



ĐỌC “KHUNG TRỜI CŨ” THƠ TUỆ SĨ
                                  Châu Thạch


Khung Trời Cũ
Tác giả: Tuệ Sỹ

Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng!
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn
                           Tuệ Sỹ

Lời Bình; Châu Thạch
Tuệ Sĩ là một nhà thơ được mên mộ, một thiền sư được kính trọng. Ngài còn là một tù nhân lương tâm chịu án tử hình. Cuộc đời ngài và thơ ngài đã được viết hàng ngàn trang và sẽ đi vào lịch sử, văn học sử.  Bài thơ “Khung Trời Cũ” của ngài là một bài được nhà  thơ Bùi Giáng, cũng là một nhà thơ được trọng vọng  bậc nhất Việt Nam đánh giá là một bài thơ “đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.”
Trước hết, ta hãy thưởng thức khổ đầu của bài thơ “Khung Trời Cũ”:

Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Bình về ba chữ  “đôi mắt ướt”, nhà thơ Bùi Giáng đã viết: “Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh? Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ. Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ. Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?”

Bùi giáng không bình hai chữ “tuổi vàng. Thế nhưng ta biết  “tuổi vàng” cũng có nhiều nghĩa. Tuổi vàng là tuổi thời thanh xuân trẻ đẹp. Tuổi vàng cũng là tuổi về già như lá vàng ảm đạm.

Về cụm từ “khung trời hội cũ” Bùi Giáng viết: “Đôi mắt ướt tuổi vàng /Khung trời /Hội cũ. Xin xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì? - Cung trời hội cũ. Một hội đạp thanh ? Một hội nao nức ? - "Giờ nao nức của một thời trẻ dại ?".

Về câu thơ “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” nhà thơ Bùi Giáng viết: “Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?” Bùi giáng cho biết, Tuệ Sĩ vốn xưa kia có một thời ở Lào nên có thể “áo màu xanh” là áo của cô gái Lào thuở ấy.

Đọc khổ thơ nầy, Châu Thạch liên nghĩ đến “đôi mắt ướt” không phải là đôi mắt lệ trào mà cũng không phải là đôi mắt long lanh. Ở đây Tuệ Sĩ không nói rõ đôi mắt của ai những có thể hiểu ngầm là đôi mắt cúa chính nhà thơ.
Nhà thơ là một tu sĩ đầy đạo hạnh, cho nên khó mà ngài chú ý đến một đôi mắt long lanh của giai nhân nào đó để đến nỗi thành thơ, cho nên cũng khó mà làm cho đôi mắt ngài ướt lệ bởi cái tâm ngài đã đi vào cõi tịnh, không khóc cười cho sinh diệt của trần gian.

Vậy “đôi mắt ướt” của Tuệ Sĩ là đôi mắt gì? Đó là đôi mắt huệ. “Đôi mắt thấu rõ, thông suốt, vượt ra ngoài chấp trước, không hề vương vấn, không hề lưu lại, không chìm nơi cảnh, chẳng đọng nơi tâm, phủ sạch mê mờ. Nhìn mà không đắm, thấy mà không vương không khởi, thấy đơn thuần chỉ là thấy, thấy như là không thấy, thấy một cách rõ ràng chân thật, thấy trọn vẹn tận cùng thể tánh các pháp, cái thấy đó mới là đích thực”. Cái thấy đó nằm trong “đôi mắt ướt” của thi nhân.

Từ quan niệm về cái thấy trong đôi mắt ướt của thi nhân, Châu Thạch nghĩ rằng hai chữ “tuổi vàng” cũng không để chỉ thời thanh xuân trai trẻ hay thời già lão của đời người. Bởi vì với cái nhìn Phật pháp như thế, thì những biến động vô thường của kiếp sống, ngài sẽ thấy xa hơn một đời người ngắn ngủi. 

Vậy thì “tuổi vàng” ở đây là tuổi của linh hồn, tức là tuổi mà linh hồn tồn tại qua bao nhiêu kiếp cho đến nay. Hiểu như thế vì chúng ta suy diễn từ cụm từ “khung trời hội cũ” của câu thơ. Ta để ý đến chữ “hội”. Hội là tề tựu lại, là tập trung lại. Vậy “khung trời hội cũ” là khung trời  của bao nhiêu kiếp sống mà nhà thơ đã trãi qua được hoài niệm lại, hay được thấy lại trong đôi mắt ướt là đôi mắt thông tuệ, đôi mắt nhìn thấy bánh xe luân hồi đã quay trong những đời quá khứ của thi nhân.

Vậy thì qua câu thơ “Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ” có thể hiểu Tuệ Sĩ đã “quán” được, nghĩa là đã thấy được  quá khứ, thấy được những tiền kiếp của linh hồn mình.

Từ câu thơ thứ hai “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” ta liên nghĩ đến bốn câu trong bài thơ “Hợp Tan” của Vũ Hàng Chương:

Phải chăng từ độ ấy quan san
Trời Đất cùng nhau nỗi hợp tan
Nhưng chỉ mình ta phai áo lục
Còn Khanh sau trước vẫn hồng nhan
                      (Hợp tan)
Đọc Vũ Hoàng Chương ta hiểu “áo lục” là áo của thi nhân hay nói chung là áo của kẻ sĩ, của người nho nhã. Do vậy ta suy diển được câu thơ “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” nói về sự phai màu của chiếc áo kẻ sĩ phải dãi đầu nắng mưa nơi thâm sơn cùng cốc.

Như thế “Áo màu xanh” chắc chắn không phải của một nàng trinh nữ nào đó trên đất Mường hay trên đất Lào xa xôi mà một tu sĩ Phật pháp cao thâm như Tuệ Sĩ có thể lưu lại trong tâm mình bởi “một lần nhìn đắm đuối”. Cho dầu Tuệ Sĩ là một nhà thơ chăng nữa, thì dưới con mắt đạo mạo cúa bậc chân tu, cái nhìn “áo màu xanh” phải đem đến một suy tư cao hơn với cái nhìn trần tục như ta  .

Vậy thì qua thơ, ta có thể hình dung Tuệ Sĩ đang ngồi một mình trên đồi cao vắng vẽ, quán tưởng thấy tiền kiếp của mình, và bởi một phút nhìn thấy bất ngờ đó, nhà thơ biết được linh hồn mình lang thang qua bao thế hệ như là một tên du thủ:“Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ”. Du thủ du thực hiểu nghĩa xấu là chơi bời lêu lỏng, xấu xa, hung bạo. hiểu theo nghĩa bình thường thì là người nay đây mai đó, sống lông bông không ổn định.
Du thủ hiểu theo nghĩa thơ Tuệ Sĩ là một con người cô đôc đi mãi mê trong vô định, từ kiếp nầy lang thang qua kiếp khác, để bây giờ ngồi đây “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”.
Khuya là hình ảnh cúa đêm thế gian mờ tối, trăng tàn là sự sáng của trăng sắp tắt, hay là hình ảnh của đời người đi qua muôn kiếp, chẳng khác chi những đêm trăng tàn trên trần thế.

Tuệ sĩ đã “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”. Nhà thơ kể cho ai nghe đây? Kể cho mình nghe, trước sự vô thường, phôi pha, biến động thầm lặng của đất trời:

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng!
Nhà thơ Bùi Giáng đã bình khổ thơ nầy như sau:
“Thy nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải? Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuyết nguyệt phiêu du”

Nhà thơ Tuệ Sĩ đã đem đỉnh đá và  hạt muốn đặt ngang nhau. Ta thây hạt muối tan mau, đỉnh đá tồn tại ngàn năm nhưng rồi cũng sẽ tan một thời kỳ nào đó, Hiện giờ cả hai chưa tan nhưng sự phù du của nó có khác gì nhau. Đối với thiên nhiên “ngàn năm như một ngày, một ngày như ngàn năm”vậy. Nhà thơ hiểu luật vô thường nên cười với một ngày nắng qua mau và tự tại khi thấy nay mùa đông mai đã mùa hạ rồi.

Khổ thơ cho ta thấy một thế giới lạnh lùng biến động, muôn vật đều đồng một thể,  thay đổi trong cái thời gian lạnh lùng mà sự ngắn dài của tháng năm trở thành vô nghĩa. Khổ thơ cũng dạy nhìn đời bằng cái tâm trung tính, vắng lặng với nụ cười như nụ cười vô tư trong nắng.

Cuối cùng nhà thơ tự thú mình chưa già mà đã mỏi gối chồn chân:

Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Ở vế thơ trên Tuệ Sĩ nói mình đang ngồi trên “Đỉnh đá nầy” để thấy “đồi hoang”, “núi lạnh” và  “biển im”. Vậy nhưng bây giờ nhà thơ “ngó lại” thì thấy “ bốn vách tường ủ rủ”. Đây là bức tường của những kiếp nhân sinh, bức tường khổ đế, bức tường sinh lão bệnh tử. Đúng ra là bức tường thời gian nhốt bánh xe luân hồi trong đó để Tuệ Sĩ hay loài người cứ phải lang thang trong đó vạn ngàn  năm.

Bài thơ cho ta thấy một tuổi vàng, một tuổi muối, một tuổi đá đều như nhau cả, Tất cả sẽ từ tuổi nầy đi qua tuổi khác, lang thang trong thời gian vô định như bốn bức tường  nhốt linh hồn ta trong trủng bóng chết đời đời mà dầu tu hành như thiền sư cũng chưa thể thoát ra! Đọc bài thơ linh hồn ta cảm nhận được  hết cái thú đau thương là cái thú được nghe tiếng thơ trong sáng vô biên viết về sự trầm tư trong linh hồn cúa một thiền sư đức cao trọng vọng   ./.

                         Châu Thạch
READ MORE - ĐỌC “KHUNG TRỜI CŨ” THƠ TUỆ SĨ | Châu Thạch

Chùm ảnh HOA XƯƠNG RỒNG - Chu Vương Miện







READ MORE - Chùm ảnh HOA XƯƠNG RỒNG - Chu Vương Miện

BÌM BÌM QUẤN QUÍT | Truyện ngắn | MacDung


                                              
         BÌM BÌM QUẤN QUÍT
         Truyện ngắn
         MacDung                                                         
                                                                               
- Chị Thúy chết rồi bà Tư ơi!
Tiếng la thất thanh của thằng Tèo làm bà Tư giật mình như bị sét đánh ngang mày. Bà vừa lay ông Tư, vừa hỏi giật giọng:
- Bây nói con Thúy nào vậy Tèo?
- Thì chị Thúy con ông Tám bên xẻo, chứ còn ai nữa hở bà Tư?
Câu  nói của thằng Tèo khiến bà Tư bàng hoàng xúc động.
- Con Thúy làm sao lại chết? Mới hôm qua tao thấy nó sờ sờ kia mà!
Thằng Tèo đã đứng trong nhà từ lúc nào.
- Người ta nói chỉ uống thuốc rầy tự tử. Mọi người vừa phát hiện đưa đi trạm xá, nhưng lại chở về rồi đó bà Tư.
Ông Tư vớ lấy chiếc gậy bước vội ra ngoài, không kịp sửa lại chiếc áo bị gài nút bắt quàng (cài không đúng vị trí).
- Thật khổ cho con nhỏ! Tôi đã nói rồi mà anh Tám không chịu nghe. Tụi nhỏ thương nhau đâu có gì sai quấy mà cứ làm khó nó mãi. Sự việc ra như vầy có hối cũng chẳng kịp rồi đó bà nó…
Bà Tư nhả vội mớ trầu trong miệng ra ô, nói với theo:
- Ông qua bên ấy coi thể nào. Tôi gọi sắp nhỏ về coi nhà rồi qua theo. Thiệt là khổ thân con bé…
Bà Tư nói như vậy nhưng trong lòng đã run lên. Linh tính báo cho bà sẽ xảy ra việc không hay cho con Thúy. Tội nghiệp con nhỏ và thằng Quý nó thương nhau. Phải cái việc môn đăng hộ đối mà hai nhà từ thân tình sinh ra tranh cãi. Chơi với nhau thì thuận thảo nhưng bàn đến hôn sự cho đôi trẻ lại bất đồng. Thế mới biết ở đời thật khó, thân tình là như thế, nhưng sui gia nhiều khi chưa đáng mặt…
Ông Tám bên xẻo có cô con gái thứ tư tên Thúy, nết na cả xóm đều biết. Bên kia xẻo lại có ông Năm hay qua lại nên lâu ngày thành thâm tình. Hai ông bạn già thường gặp nhau, lúc chén trà khi ly rượu, lâu ngày như có tình máu mủ.
Ông Năm có người trai lớn giỏi việc đồng áng, thường lặn lội ngoài đồng kiếm cá nắm cho bữa cơm bớt nhạt. Có khi được con cá to anh hay mang sang biếu nhà bác Tám, với cái nghĩa tôn trọng tình bạn của bậc trên…
Lâu ngày qua lại, anh để ý cái duyên dáng của Tư Thúy nên đâm thương lúc nào không biết. Hai người hay hẹn gặp nhau ngoài đồng cùng đi chao bắt tép, hay kéo lưới với nhau. Trái gái lớn gần nhau lâu ngày thật khó rứt rời, tình cảm ngày một khăng khít như đôi vợ chồng đã đính ước. Trong làng nhìn họ trầm trồ với lời khen cân xứng, nghĩ rằng không nay thì mai sẽ có đám cưới rửa ruột một phen.
Ai ngờ khi biết đôi trẻ phải lòng nhau, ông Năm thì tự tin cho rằng không có điều gì trắc trở. Nhưng ông Tám lại nghĩ khác, con gái của ông sao lại gả cho dân đồng nội. Có gả ông phải kiếm mối cho thật tốt, hay việt kiều xứ ngoại mới đáng mặt cô gái yêu vừa đẹp người lại nết na…
Lúc đầu, ông Năm sang nài nỉ mãi nhà gái chẳng chịu chấp hôn. Sau biết chuyện, vợ chồng ông Tư góp tiếng cũng không xong. Sự việc kéo dài đã mấy năm mà không có hồi kết, khiến Tư Thúy và anh Quý lo đến tiều tụy cả người…
Ông Tám ngoài miệng thì nói cứng, nhưng chờ mãi cũng không có mối nào tốt hơn, con gái thì ngày một lớn nên đâm ra nhượng bộ. Cả làng hay tin đều mừng vì cuối cùng mọi sự cũng suôn sẻ…
Nhưng… ai ngờ đến giờ phút cuối ông Năm lại nổi tính tự ái. “Con trai không có mối này thì tìm mối khác. Ai hơi đâu bợ đỡ mấy kẻ nghèo mà lại làm cao…”
Đến nước này vợ chồng ông Tư chỉ biết kêu trời! Chỉ tội nghiệp cho Tư Thúy cứ khóc sưng húp cả mắt mà không biết tựa vào ai…
Cái chết của Tư Thúy khiến hai nhà càng thù ghét nhau. Ông Tám cho rằng con gái mình chết là do nhà trai gây ra. Nếu ông Năm không dở chứng thì sự việc có đâu như thế?
Riêng ông Năm lại cho rằng, nhà gái bị quả báo khi làm mình làm mẩy, thách giá con gái quá cao. Nếu ngay từ đầu ưng thuận đâu ra chuyện thế này!...
Đám ma Tư Thúy qua ngày thứ hai, cả làng lại một phen kinh hoảng. Anh Quý con ông Năm không chịu được sự kích động quá lớn cũng uống thuốc quyên sinh… Lúc này ông Năm hối hận thì đã muộn…
Ngày đưa ma con gái, chiếc ghe lớn của ông Tám đi ngang qua nhà ông Năm trong tiếng đàn cò buồn thảm. Ông Tám với hai hàng nước mắt nhìn vào đám ma anh Quý nghiến răng: “Như thế mới vừa lòng người cha chỉ biết đầu không biết đuôi của mày đó Quý!”
Sau sự kiện thương tâm, cây cầu bắc qua con lạch nối liền hai bờ bị dỡ bỏ. Hai nhà từ đó không ai qua lại, dù rằng một bước trên đất của nhau. Báo hại người trong làng muốn sang thăm hỏi cũng bất tiện, vì chẳng còn phương tiện như ngày nào. Nhiều người muốn bắc lại cây cầu nhưng lại sợ… thêm dầu vào lửa… nên bỏ qua luôn…
Rồi trong làng có nhiều tiếng to nhỏ với nhau về tiếng khóc văng vẳng vào lúc tối trời. Không biết từ đâu tiếng khóc ấy cứ vang lên vào mỗi tối?
 Bọn trẻ con như thằng Tèo nghe thấy vậy ban đêm thường lủi mất chẳng thấy tăm hơi. Chúng sợ vì nghe người lớn nói với nhau: “Đó chính là oan hồn của Tư Thúy và anh Quý chết oan khuất nên khóc than thở về cuộc tình ngang trái…”
Tiếng khóc bên bờ sông khiến cho ông Tư và bà Tư đâm ra khó ngủ. Nhà ông bà ở gần ông Tám nên tiếng khóc hằng đêm vang lên rất rõ. Lắm hôm bực mình hai vợ chồng già tìm gặp ông Tám hỏi cho rõ nguyên do. Dù sao hai đứa nhỏ cũng đã chết, khóc thương mãi cũng có ích gì…
Nhưng kỳ lạ ở chỗ ông Tám cũng ngạc nhiên không kém. Có thể tiếng khóc ấy vang lên từ bên kia con xẻo, nơi có… nhà ông Năm…
Vợ chồng ông Tư lại chèo chống sang nhà ông Năm. Nhưng ông Năm cũng chối bây bẩy, cho rằng tiếng khóc ấy từ nhà ông Tám vang đến…
Ông Tư và bà Tư cùng nhìn nhau.
“Như vậy đã rõ mười mươi là tiếng khóc của hai đứa nhỏ rồi!”
 Bà Tư run cả người khi nghe chồng nói. Bà rất thương Tư Thúy, nhưng… ma thì vẫn sợ…
Mộ của Tư Thúy và anh Quý lúc đầu có nhiều người đề nghị chôn cạnh nhau. Nhưng cả hai nhà đều phản đối… Nên cuối cùng hai kẻ bạc mệnh đành chịu cảnh: “anh tả ngạn, em hữu ngạn”. Hai ngôi mộ nằm cạnh chân đồng, cách gia đình khoảng hơn trăm mét, mặc dù không cùng bên nhưng lại đối diện nhau…
Từ ngày xác định tiếng khóc là của đôi trai gái chết oan, ông Tư cứ đi ra đi vào ra chiều nghĩ ngợi. Ông biết tụi nó rất thương nhau, nhưng… cứ khóc kiểu này ai mà chịu được…!
Có lần ông Tư đi tận đâu đâu rước về một ông thầy cúng tế, siêu độ cho hai vong hồn để người làng không phải nghe tiếng khóc nữa. Nhưng đến lúc yểm bùa trấn tà thì chỉ có một bên gia đình đồng ý. Nhà còn lại nhất quyết không theo, với lý do: “Không phải thân tộc sao lại cùng loài”…
Tối đêm đó người ta lại nghe tiếng khóc vang lên từ một phía. Tiếng khóc nức nở, ai oán và thê lương, khiến lòng dạ cứ nao nao…
Ông Tư lại chèo chống đi thuyết phục nhà còn lại. Nhưng đến lúc việc thành thì nhà kia lại giở chứng không theo…
Rồi tiếng khóc lại vang lên trong tối ấy. Nó buồn thảm, ray rứt, ở bên đối diện, khiến ai cũng mủi lòng…
Quá nản lòng, ông Tư bỏ mặc cho sự việc trôi theo dòng nước…
Nhưng việc có thể bỏ được nhưng tiếng khóc thì không… Nó cứ ám ảnh giấc ngủ của hai vợ chồng già với niềm thương cảm hai đứa trẻ.
Một đêm không ngủ được, ông Tư nói với vợ:
- Có thể hai đứa nó không qua lại được với nhau nên cứ khóc mãi đó bà…
Bà Tư trở mình thở dài:
- Ông làm như chuyện tình Ngưu Lang, Chức Nữ không bằng. Đã là oan hồn thì sao không đến với nhau được. Lúc sống bị cản ngăn, chẳng lẽ lúc chết cũng không dám đến với nhau sao?
- Bà nói như vậy sao được! Ông bà mình xưa nay làm gì phải đúng phép phải đạo. Cứ như bà nói thì tụi nhỏ đâu có chết, cứ dắt nhau đi cho khuất là xong…
Chuyện lời qua tiếng lại của ông bà Tư đến tai người trong làng. Nhiều người góp ý, nhưng… luận bàn thì lắm mà cách giải quyết vẫn không ra…
Một hôm, người hai bên con xẻo bỗng ngạc nhiên khi không nghe tiếng khóc lóc nữa. Thật lạ kỳ và huyền diệu thay cho giấc ngủ, mọi người đều thoải mái đi vào giấc điệp mà không mang theo cơn ác mộng nào…
Sáng ngày, việc đầu tiên ông Tư làm là chống gậy đi xem ngôi mộ cạnh ruộng. Không biết ai cao tay, đã làm tiếng khóc ngừng hẳn mới tài?
Khi ra tới hai ngôi mộ, ông già ngạc nhiên khi thấy một cây cầu bằng bập dừa (cuống lá dừa) bắc qua hai bờ lạch. Nó được gác tạm bợ lên những thanh trúc bắt chéo cánh sẻ làm nhịp, mấy dây lạt dừa giăng ngang như tay vịnh để người đi qua có cái tựa vào. Thế mà cũng ra cây cầu, mặc dù có đôi chút sơ sài…
Về đến nhà gặp vợ, ông Tư hí hửng:
- Tôi nói như xâm bà! Không biết ai bắc một cây cầu bằng bập dừa nước qua hai ngôi mộ. Vì vậy tiếng khóc tụi nó mới yên đó bà.
Bà Tư như không tin:
- Ông nói thật hở ông?
- Tôi dối bà làm gì! Từ đây tụi nhỏ mới thật sự an lòng ở bên nhau rồi. Sống phải có nhà, chết phải có đường. Tại lâu nay tôi ngu nên không nghĩ ra…
Hai vợ chồng ông Tư vui nhưng thằng Tèo lại tỏ ra vui hơn ai hết. Nó hí hửng thầm thì với chúng bạn khiến ông Tư cũng tò mò muốn biết.
- Có chuyện gì mà mày cứ hí ha hí hửng vậy Tèo? Nói cho ông nghe coi nào.
Thằng nhỏ chưa nói, ông Tư đã kịp nghĩ ra.
- Thì ra là con bắc cây cầu ấy phải không? Cái thằng cũng giỏi, nghĩ ra sớm hơn mọi người.
Thằng Tèo nhe răng ra cười:
- Giỏi chi ông Tư! Là ông gợi cho con nhớ chuyện Ngưu Lang Chức Nữ ấy mà.
Ông Tư cảm thấy hài lòng với chính mình.“Thì ra người già như mình cũng chưa phải bỏ đi. Già không làm được, nhưng gợi ý cho bọn trẻ làm cũng tốt chứ sao!”
Chuyện thằng Tèo bắc cầu cho hai oan hồn bạc phước đến với nhau, phút chốc lan khắp trong thôn. Nhiều người khen thằng nhỏ thông minh lanh lợi mới nghĩ ra một phương pháp vẹn toàn. Cái oai thằng Tèo trong chốc lát còn hơn cả cái tài của ông thầy mà ông Tư đi rước về dạo ấy…
Ngày tháng trôi mau. Hai ngôi mộ theo thời gian đã xanh cỏ. Thỉnh thoảng ông Tám và ông Năm cũng ra thăm mộ con. Nhưng thường thì cứ người này ra, người kia lại rút ngay vào nhà. Họ kiêng kỵ nhau như kẻ thù giết chết con cái mình…
Sự thù oán của hai nhà làm trong xóm ai cũng áy náy không yên. Dù sao mọi chuyện cũng đã lỡ, đâu ai muốn cớ sự như thế! Hai nhà từ trước đã thân nhau, chỉ không chịu cảm thông mới sinh ra nông nổi… Phải chi… Phải chi… Và chữ “phải chi” cứ xuất hiện trên môi mọi người từ cái ngày bi thảm ấy… Đã không nói “phải chi” thì thôi, một khi đã nói ra rất nhiều người rơi nước mắt. Nhiều người thường hay nói đến “Bài học ngàn vàng”, với câu: Phàm muốn làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó… Nhưng mấy ai học chữ “phải chi”! Bài học thì hôm nay không học cũng còn dịp khác, còn chữ “phải chi” lúc nói ra mọi sự đã sinh rồi… Cũng như, đâu ai có thể làm cho hai người xấu số sống lại được!... Oán thù của hai nhà không ai chịu tháo bỏ thì biết đâu lại sinh ra việc khác. Rồi ai biết được lại hối tiếc chữ “phải chi”!...
Bước vào tháng tám, trời mưa không dứt! Con lạch nhỏ có hai ngôi mộ ngầu đỏ nước triều cường. Gió mưa và nước triều dâng làm cây cầu của thằng Tèo bị trôi mất khiến ông Tư lo ngại. Cái lo của người già đôi khi rất vô cớ. Cứ cảm thì sinh lo, như chính chuyện nhà mình… Hai vợ chồng già bàn nhau tìm cách sửa lại cây cầu cho hai đứa cháu vốn rất được quý mến. Và họ nghĩ, “phải chi”… ai cũng thương chúng như mình…
Hôm hai ông bà ra chỗ ngôi mộ mới biết đã có người làm thay cho họ. Không biết từ lúc nào phía bên kia có mấy nhịp cầu tre được dựng sẵn, nhưng chưa hoàn tất…
Ông bà Tư nhớ ra, mấy hôm nay ông Năm thường hay chặt tre không biết để làm gì? Có thể cây cầu là do ông già cảm con mà dựng lên…
Hôm sau, vợ chồng ông Tư ngạc nhiên khi thấy ông Tám vác tre ra ngôi mộ. Sai mấy đứa nhỏ theo xem mới biết là để làm cầu…
Người bên đây làm nhịp. Kẻ bên kia thả đòn. Không ai nói với ai, nhưng lòng rất thư thái bởi việc công ích hiếm thấy…
Ông Tư khi hiểu ra thở dài cảm thán… “Phải chi”…!?
Cây cầu được hai nhà thù nghịch làm ra không bao lâu thì từ ngôi mộ mọc ra mấy dây bìm bìm thật tươi tốt. Từ bên đây và phía kia, chúng bò ra rất nhanh rồi bám vào thân cầu tìm đến với nhau. Những sợi bìm bìm to bằng ngón tay, cứ quấn quýt lấy nhau như thừng sợi săn chắc, không sao bứt được. Lá bìm bìm to tròn, đan xen vào nhau cùng rung rinh trong gió, mặc cho những ngày giông bão…
Mấy đứa nhỏ trong thôn, trong đó có thằng Tèo, chiều chiều thường ra vui đùa bên cây cầu bắc qua con xẻo vắng. Bọn chúng vô tư chơi đùa, không phân biệt sang hèn, cùng vui với dây bìm bìm và xem nó như cây cầu tuột. Bên đây một đứa, bên kia một đứa, cùng thả người trên thân bìm bìm tuột xuống dòng nước tung tóe. Tiếng cười trong trẻo vang lên hồn nhiên chất phác. Không đứa nào trong bọn chúng để ý đến chuyện người bên đây con xẻo hay ở phía bên kia… Chung qui chúng được sinh ra từ những đôi trai gái mặn tình đầy may mắn…
Có những chiều buông, ông Tư và bà Tư ra nhìn về phía lũ trẻ, cùng mỉm cười. Trong làn gió chiều vang lên lời nói bâng quơ:
- Phải chi chúng nó lấy nhau, bây giờ đã có trẻ nhỏ cho bà bồng…
Bà Tư quay đi, lau nhanh dòng lệ trên khóe mắt già nua…
Nút thắt đã được lần mở. Cây cầu giờ đây nối liền hai bờ lạch bất chấp thời gian, bởi đã có mấy dây bìm bìm giữ chặt. Nếu mai kia thân tre có mục nát thì những dây bìm bìm bản thân đã thành cầu thay thế cho nó. Nhưng, vẫn còn một điều duy nhất mà hai nhà đều hối tiếc… Có một thứ mãi mãi họ không bao giờ nối lại được…

                                         Saigon - 09.08.2011
                                                                                                                                                              MacDung  












READ MORE - BÌM BÌM QUẤN QUÍT | Truyện ngắn | MacDung