Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, December 12, 2017

VĂN HỌC DÂN GIAN QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG DƯỚI MẮT NHÀ THƠ - Châu Thạch



VĂN HỌC DÂN GIAN  
QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG 
DƯỚI MẮT NHÀ THƠ 

(Bàn về bộ sách văn học của 
nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ) 

 *Châu Thạch


Tần Hoài Dạ Vũ, một nhà thơ được yêu mến tại miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975. Bút danh Tần Hoài Dạ Vũ của ông quen thuộc trên nhiều tờ báo và nhiều tập san văn học có uy tín thời bấy giờ. Sau năm 1975 ngoài việc sáng tác, ông còn dày công sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn về văn học dân gian Quảng Nam Đà nẵng. Nhà thơ đã xuất bản nhiều đầu sách về văn học, trong đó các sách “Văn Học Dân Gian Quảng Nam – Đà nẵng tập I Tập II Tập III và tập IV với tên thật của ông là Nguyễn Văn Bổn. Những tập sách nầy đã được các bậc thức giả đánh giá cao. Vừa qua ông đã in và sẽ xuất bản 4 tập sách nầy thành một bộ sách sau khi chỉnh sửa , viết thêm. Ông cho biết đây là một “bộ sách của một đời người” vì ông đã mất trên 30 năm với nhiều công sức để hoàn thành nó.

Theo dõi văn học sử ta biết rằng văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng là một nền văn học mới ra đời độ chừng 600 năm nay, từ đời nhà Hồ khi lảnh thổ Chăm-Pa lọt vào tay Đại Việt. Tuy thế nền văn học nào phát sinh nơi đất mới định cư cũng có nguồn gốc từ đất mẹ xa xôi. Khi các lưu dân từ miền Bắc di cư vào lập nghiệp ở đất nầy họ đều mang theo cái vốn văn hóa nơi bản gốc tổ tiên họ ở, rồi thì hòa quyện với đời sống mới, với văn hóa bản địa, theo năm tháng hình thành lên một nền văn hóa mới mang nhuần nhuyễn bản sắc hai quê hương. Biên khảo về một nền văn hóa dân gian hơn 600 năm đó, không dài mấy đối với lịch sử đất nước đã có 4000 năm văn hiến. Tuy thế trong 6 thế kỷ trôi qua có biết bao nhiêu biến động làm cho “Thương hải biến vi tang điền”, làm mai một, làm lu mờ làm biến đổi cái di sản văn hóa đó mà đa số con cháu thừa tự lại từ bia miệng. Vì vậy muốn dựng lại gần giống y như nguyên gốc thì nhà biên khảo trước hết phải có trình độ và một cái nhìn khách quan, sâu sắc.  Thời gian gần đây, nhiều công trình biên khảo về văn học sử, về ngôn ngữ trong nước bị chỉ trích quá nhiều về sự sai lệch, về sự cẩu thả, về sự cố ý hướng tư tưởng xã hội đi theo mục đích vụ lợi làm cho niềm tin vào loại sách nầy trở nên suy giảm. Được biết bộ sách “Văn học nhân gian Quảng Nam- Đà Nẵng” của Nguyễn Văn Bổn tức nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã viết trong chiều dài thời gian trên 30 năm, với tình yêu quê hương đất Quảng ông đã lặn lội đi tìm, dè dặt, so sánh đánh giá để viết lại câu ca dao cho chính xác, dựng lại câu chuyện dân gian đúng nguyên bản là điều ta có thể tin cậy vào bộ sách của ông. Ngoài ra cọng với kiến thức văn học sử, công tâm của một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn ta có thêm tin tưởng vào cái nhìn của một nhà thơ sẽ thấy sâu sắc hơn những điều hay tiềm ẩn trong nền văn hóa dân gian Quảng Nam- Đà nẵng và sự diễn đạt truyền tải đến ta với lời văn hay hơn, cho ta hiểu được thấu đáo hơn. Người viết bài nầy tuy chưa được đọc trọn bộ sách nầy nhưng những ngày qua cũng đã tìm hiểu sách và tác giả nó qua truyền thông trên diễn đàn văn học, nhờ đó biết được đây là một bộ sách đáng tin cây vì sự dè dặt kỷ lưởng và tình yêu bất vụ lợi của tác giả với nền văn hóa dân gian nơi chôn nhau cắt rốn của mình.  
Chỉ cần đơn cử một câu ca dao “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say” mà các nhà nghiên cứu lắp ghép thêm từ những câu ca dao vùng miền khác thành rất nhiều dị bản quái gở,  đã được tác giả “Văn học nhân gian Quảng Nam- Đà Nẵng” cất công nghiên cứu và chứng minh chỉ có 14 dị bản hợp lý, từ đó ta cũng thấy được phần nào tính chính xác của sách.
Chỉ cần đơn cử câu ca dao “Bửa nay đợi bún Chợ Chùa, đợi mắm Nam Ô, đợi cua làng Gành” mà không có “Văn học nhân gian Quảng Nam –Đà Nẵng” giải thích rõ ràng là bún Chợ Chùa thuộc xã Duy An, Huyện Duy Xuyên. Quảng Nam thì có lẽ bao nhiêu thế hệ học sinh đời nầy và đời sau sẽ được học là bún Chợ Chùa ở phường Hải Châu, Quận hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Những cách “làm khoa học” cẩu thả ấy, theo nhà thơ Tần Hoàn Dạ Vũ, “chẳng những đắc tội với tiền nhân mà còn có lỗi với thế hệ trẻ hiện nay và mai sau”.
Thế rồi biết bao câu chuyện về Thủ Thiệm, nhân vật gây tiếng cười dân gian độc đáo của Quảng Nam- Đà Nẵng đã được bịa đặt thêm, pha trộn, chỉnh sửa, truyền tụng gán ghép cho Thủ Thiệm và được chép vào sách một cách bừa bải làm mất đi tính văn hóa trong những hành động của nhân vật có thật nầy. Bằng sự tận tụy nhiên cứu, sưu tầm trong 25 năm để chốt lại 114 câu chuyện gây cười độc đáo của Thủ Thiệm, nhờ đó Thủ Thiệm được tôn vinh xứng đáng với nhân cách Thủ Thiệm, với tiếng cười độc đáo Thủ Thiệm.
Lần nầy tác giả bỏ ra hơn 160 triệu đồng để in 500 bộ sách, mỗi bộ 4 tập với tổng số 2078 trang in, mỗi bộ được đựng trong một hộp carton trang trí bên ngoài đẹp. Vậy thì trong tình hình chơi sách hiện nay, nếu không bởi tấm lòng khao khát với ước muốn tặng cho đời những tư liệu của nền văn hóa dân gian trên quê hương mình thì nhà thơ có lẽ không bỏ tiền ra in, vì nhà thơ không giàu mà sự thu lại vốn chắc chắn là phải bù lổ rất nhiều.
Người viết nghĩ rằng với những bộ sách như thế nầy, nếu đặt vào đâu thì nó ích lợi đó. Nếu đặt vào thư viện của học đường, thì sinh viên, học sinh sẽ biết rằng quê hương không chỉ là “chùm khê ngọt cho ta trèo hái mỗi ngày”mà quê hương là cây cam ngọt ngàn năm cho cả tâm hồn và hương sắc của con người ta. Nếu đặt nó vào bàn tay người xa xứ thì người xa xứ sẽ thấy dòng sông, ruộng đồng và những ngôi nhà thờ tổ tiên có tự ngàn xưa cùng với thân quyến của mình một thời trong dĩ vảng.  Nếu đặt vào bàn tay bất cứ một người Việt Nam nào thì sách sẽ cho ta những giờ phút lắng đọng bởi những câu ca dao, đồng dao ngọt ngào và dí dỏm, những tiếng cười rộ lên thoải mái với những câu chuyện dân gian vô cùng ngộ nghỉnh.
Hy vọng sách của nhà thơ kiêm nhà nghiên cứu văn học Tần Hoài Dạ Vũ Nguyễn Văn Bổn sẽ đi vào học đường và đến mỗi nhà trong cũng như ngòai nước. Được như thế sẽ khuyến khích những cây bút rất hiếm như ông hiện nay, có đủ điều kiện viết dồi dào, hầu cho truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương còn giữ mãi đến con cháu ngàn đời sau./.
                                Châu Thạch




READ MORE - VĂN HỌC DÂN GIAN QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG DƯỚI MẮT NHÀ THƠ - Châu Thạch

VÀI CẢM NGHĨ VỀ ANH DƯƠNG QUÂN - Thy Lệ Trang

Nhà thơ Dương Quân
(aihuubienhoa.com)

VÀI CẢM NGHĨ VỀ ANH DƯƠNG QUÂN
Nhà Thơ đồng hương Biên Hòa

*Thy Lệ Trang


Viết về một nhà thơ đã là điều khó, viết về một nhà thơ có uy tín, nổi tiếng lại càng khó hơn. Từ lâu, tôi chỉ biết anh Dương Quân qua các trang web và qua lời kể của bạn bè. Anh có một thời tuổi trẻ thành công thật đáng khâm phục. Con đường học vấn và họan lộ của anh nhẹ tênh, dễ dàng như những bài thơ anh làm thời trung học.

Năm 1967, tôi vừa bước vào năm Đệ Ngũ thì bài thơ Hương tình Cà Mau (*)của anh đã được ngâm trên ban Mây Tần qua làn sóng phát thanh Sài Gòn. Người miền Nam không ai lạ gì ban Mây Tần và người sáng lập là nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà. Được nhà thơ Hoa trắng Thôi Cài Trên Áo Tím ghé mắt xanh và giới thiệu hẵn nhiên là thơ phải đặc biệt. Cho đến bây giờ, những người đã thưởng thức thơ DQ đều khen bài thơ Hương tình Cà Mau mượt mà, ngọt ngào và đầy hình ảnh thơ mộng và trù phú của một vùng sông nước miền Nam.

Khi tham gia trang web Ngô Quyền và Ái Hữu Biên Hòa tôi mới biết anh Dương Quân là người đồng hương BH. Khoảng năm 2013,  tôi làm thơ xướng họa rất hăng say. Công việc làm không khó nên mỗi sáng tôi thường copy một bài thơ của bạn hữu đem theo. Họa thơ và chơi Cryptograms là hai điều mê say của tôi. Tôi thường thủ thỉ với bạn bè:

Mỗi ngày họa một bài thơ
Mỗi ngày chơi một puzzle giải khuây.

Tôi đã họa nhiều bài thơ của các thi huynh và thi hữu Biên Hòa như anh Trần Kiêu Bạc, Trầm Vân, Đỗ Công Luận, Hà Thu Thủy...Bài thơ đầu tiên của anh DQ tôi họa là bài Lục Bát Nhớ và Quên. Thông thường tác giả của bài thơ được họa thường gửi email cho người họa với đôi dòng cám ơn. Nhưng với thi huynh này thì không. Cô bạn thân của tôi vốn quen biết rộng nên đã cảnh báo" Ông này tánh khó chịu, quạu quọ lắm mày à".

Thật ra nhìn lại quảng đời của anh DQ, tôi đã có sự ngấm ngầm cảm thông. Từ một Đốc Sự Hành Chánh, một công chức Đệ nhị VNCH, đến một giảng viên Cao Đẳng, Đại Học ...sau biến cố năm  75 chỉ còn lại hai bàn tay trắng và nỗi buồn. Trở thành người cáu kỉnh, khó chịu là cũng có can trường rồi.

Một lần, tôi nhận được mail mời họa - tôi nhớ không lầm là của anh Hạ Thái Trần Quốc Phiệt - nhưng thơ Xướng lại là của anh Dương Quân. Có nhiều người họa, tôi cũng nhào vô tham gia. Dĩ nhiên chỉ được lời cám ơn của thi huynh Hạ Thái.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, tôi vẫn xướng họa đều đặn, vẫn gửi bài cho Ngô Quyền, AH Biên Hoà và các website bạn. Đến một hôm, thi huynh Nguyên Hoàng ở Florida gửi email cho tôi: "TLT, anh DQ khen thơ TLT dạo này khởi sắc và tiến bộ nhanh quá.”

Được khen và người khen là một thi huynh có uy tín làm tôi sung sướng vô cùng. Lời khen của anh cũng làm tôi cảm thấy bớt lẻ loi hơn. Trong hội AHBH chỉ có một mình tôi làm thơ Đường Luật nên nhiều khi tôi có cảm giác bị bỏ rơi, lạc lỏng. Sau đó khá lâu, tôi lại đọc được bài thơ của anh trên ĐĐ, một lần nữa cũng do thi huynh Hạ Thái bỏ lên. Bài Giấc Xưa có một cấu trúc lạ giống như dạng thơ mới  nhưng lại là bài Đường luật.


                       GIẤC XƯA

 Anh rước em về thuở cổ sơ
Buổi hồng hoang những triệu năm thừa
        Đất, Trời, Mây, Gió
            Thèm tơ nắng
        Hoa, Cỏ, Sông, Hồ
             Khát bụi mưa
Em - Lãng du trên tầng tuyết vỡ
Anh - tham thiền dưới bóng trăng đưa
              Vô minh
       Sao ý tình ngây ngất
Bờ mộng đã tràn khắp Cõi thơ.

      Dương Quân


Tôi vốn thích những ý tưởng lạ nên đã mê bài thơ này. Khi họa, tôi lại nhớ đến truyện  "Tiểu Ngạ qủy bên bờ sông Nại Hà". Tôi thích lời văn và khung cảnh ma quái trong truyện. Nhất là cảnh tên tiểu ngạ qủy ngồi bên bờ sông Nại Hà đã bao năm, tóc râu dài bạc trắng ... bay phất phới từ đầu sông đến cuối sông... để chờ người yêu... nên tôi đã đem hình ảnh đó vào  bài họa:


                    BẾN ĐỢI... 

Yêu nhau dù chỉ mới quen sơ
Chờ đợi ngàn năm cũng chẳng thừa
            Trái cấm thèm thuồng:
             Say cõi mộng...
             Địa đàng khao khát:
             Đẫm mây mưa...
Đài hồn - bát ngát hương mờ tỏa
Cầu Ṇại - bềnh bồng khói trắng đưa
             Tóc bạc,
           úa đời bên bến đợi...
Luân hồi, thỏa dạ nối tình thơ 

       Thy Lệ Trang

Sau lần đó, anh DQ thỉnh thoảng  gửi cho tôi  bài xướng để tôi họa và gửi đăng trên AHBiên Hòa. Anh ít làm thơ Đường nhưng những bài thơ của anh thật hay và thật có ý nghĩa. Anh  thường viết về thân phận và quê hương. Sau này tôi mới được biết thêm sức khỏe của anh rất yếu, cơn bệnh tim làm anh mệt thường xuyên. Cộng thêm bệnh gout hoành hành đau nhức khôn tả. Chính vì lý do đó mà anh hay vắng mặt trên vườn thơ Biên Hòa.

Tôi cũng không dám email cho anh nhiều vì biết anh cần nghỉ ngơi, yên tịnh. Cách đây cũng khá lâu, tôi gửi mail cho anh mới biết anh vừa ra bệnh viện. Trong mail hồi âm anh nói đùa "khi nào không nhận được thư anh, TLT nhớ làm bài thơ phúng điếu nha" . Chao ôi chỉ là lời đùa cho vui cũng đủ làm tôi bùi ngùi. Tôi cũng chẳng hơn gì anh đâu, cơn heart attack năm nào vẫn còn ám ảnh.Nhưng lời anh nói đã cho tôi cảm hứng viết bài thơ Cát Bụi. 

Đâu biết rằng ai sẽ khóc ai
Đường trần mờ mịt bóng trăng phai...
.............................. ......................... 

Mới đây anh gửi cho tôi hai bài thơ xuân để  họa  và để góp mặt trên báo xuân Biên Hòa. Cuối thư anh viết:

“Hy vọng chỉ còn năm nay  anh em mình  còn xướng họa. Ai biết được gì... sang năm...” Khi bài họa gửi đi rồi tôi có ý định viết một bài về anh DQ. Tôi không là nhà bình thơ nên không dám phân tích, bình luận thơ anh.

Tôi chỉ đơn thuần viết những cảm nghĩ chân thật của mình về  cơ hội được biết anh và cám ơn anh đã gửi cho tôi những bài thơ tuyệt vời để tôi có dịp họa  và tạo thêm trang thơ của tôi có thêm hương sắc đậm đà. Mong anh có nhiều sức khỏe  và an lành. 

   Thy Lệ Trang 
_____________________________ 
(*) Phụ chú
HƯƠNG TÌNH CÀ MAU 

Thuở ấy một lần xa phố cũ

Tôi rời đô thị đến An Xuyên

Chân trời cuối Việt xa thăm thẳm

Không có người thân, chẳng bạn hiền

Là chuyến độc hành không tiễn biệt

Hành trang chỉ một xách tay vừa

Nhưng sao thấy nặng niềm nhung nhớ

Trời thủ đô buồn trong nắng thưa

Tôi đến An Xuyên lòng khắc khoải

Những trưa gà gáy gọi hoàng hôn

Những chiều gió biển đùn mây xám

Gợi tiếng sầu dâng tận đáy hồn

Những bước chân mòn qua phố vắng

Những con đường cũ nặng suy tư

Hững hờ rượu lạt , cà phê đắng

Khói thuốc nào say buổi tạ từ

Khi cánh chim bay là xoá dấu

Cành khô cũng mất vết chia ly

Chỉ đau là tiếng kêu quằn quại

Hẹn ước nào ai tiếc được gì

Sự nghiệp vẫn đi tim trước mắt

Nụ cười không nở cuối mùa thương

Mai sau ai biết về thân phận

Sỏi đá thà cam vạn nẻo đường

Dẫu thế, Cà Mau không phụ khách

Có rừng, cũng có đất phù sa

Cầu tre, nước chảy cô nghiêng nón

Tình gái An Xuyên vẫn đậm đà

Gặp em vào buổi ban sơ ấy

Chung chuyến đò qua ghé bến quê

Tôi chép câu hò đem đến tặng:

“Cà Mau đi dễ, khó quay về”

Em hẹn chèo ghe ra họp chợ

Tôi chờ, trưa nắng, bóng sông trôi

Cắm sào, che nón, em cười nụ

Lòng ngỡ rằng em nói vạn lời

Nhà em có mảnh vườn cau nhỏ

Uống nước trời mưa, gạo giã tay

Tuổi mẹ như vừng xôi nếp mọt

Cha già như trái chín trên cây

Hái rau đem bán lo tiền chợ

Mót củi rừng thưa, nhúm bếp cơm

Cha mẹ tuổi già, con gái muộn

Tảo tần ngày tháng đáp công ơn

Em từ Tắc Thủ qua Kênh Xáng

Xuống khỏi Dòng Kè ra Tắc Vân

Tôi dưới Tân Thành lên chợ quận

Mua quà xin gửi biếu song thân

Mỗi lần tan chợ, ghe xuôi nước

Áo trắng em về khuất cuối sông

Tôi tự hỏi lòng sao chẳng gửi

Cho em trọn cả trái tim hồng

Trở lại Tân Thành thương Tắc Thủ

Đường dài sông rộng, nắng chang chang

Mái chèo có mỏi bàn tay yếu?

Má đẫm mồ hôi có võ vàng?

Mơ ước trời luôn thêu nắng đẹp

Mưa hoà, gió thuận khắp nơi vui

Đất lành, hoa nở trên gai góc

Cho gái Cà Mau điểm nụ cười 

Từ đó tôi yêu miền cuối Việt

Yêu đôi mắt đẹp, cổ tay tròn

Áo bà ba trắng, môi cười nụ

Yêu gái Cà Mau vẹn sắt son.

        Dương Quân
             1967

THƠ XƯỚNG HỌA DƯƠNG QUÂN- THY LỆ TRANG

Bài xướng

Viễn Du

Ta hẹn Nàng Thơ chuyến dạo chơi
Miền xa chẳng thấy dấu chân người
Đường hoa- thảm ngọc- thềm mây rụng
Lầu tuyết- màn sương- nhã nhạc rơi
Em- Gót son nghiêng thành đá cổ
Suối- Dòng xanh lộng bóng trăng ngơi
Bỗng dưng- mắt biếc tràn hư ảnh
Thôi đã lạc đường ! Cố quận ơi!
                               
Dương Quân

Bài họa

Tình Ơi

Xa rồi ngày tháng bước rong chơi
Từ thuở lều thơ vắng bóng người
Bấc lụn- dầu hao... ngơ ngẩn khóc
Đêm tàn- tóc rối...lạnh lùng rơi
Sông còn tiếc mãi vầng mây rạng
Núi vẫn mơ hoài ánh nguyệt ngơi
Bàng bạc miền Đông trời tuyết phủ
Ngậm ngùi, chua xót lắm...Tình ơi !
                             
Thy Lệ Trang

HỎI BẠN NGÀY XUÂN

Hỏi bạn: Xuân về đấy phải không?
Sao nghe se thắt ở trong lòng
Quê hương bên ấy còn xa thẳm
Đất khách phương này mãi nhớ mong
Chén rượu quan hà đà uống cạn
Vần thơ hờn tủi ghép chưa xong
Quanh đây chẳng có mai vàng nở
Chỉ thấy bao la tuyết mịt mùng.

Hỏi bạn:" Hà phương tri kỷ khứ?
Bóng ai tha thướt giấc xuân nồng ?"
                                 
Dương Quân

Bài họa:

THƯ XUÂN

Em rằng : Xuân đến cũng như không!
Vườn cũ xác xơ, lạnh buốt lòng
Đất mẹ muôn trùng còn mãi tiếc
Quê người vạn dặm có hoài mong?
Tình trao một thuở...tình chưa trọn
Thư viết trăm lần...viết chửa xong
Cách trở hai đầu...chung nỗi nhớ...
Thương anh- chua xót cảnh đơn mùng!

Em rằng: " Dục vấn tương tư xứ?
-Kết cỏ đồng tâm, dạ ấm nồng "  
                              
Thy lệ Trang

Dòng Đời

Dòng đời như gió thoảng mây bay
Ngẫm lại buồn vui được mấy ngày
Sự nghiệp, công danh dường giấc mộng
Giàu sang, phú quí tựa cơn say
Đắc thời ác tặc leo bàn độc
Thất thế hiền nhân rớt vũng lầy
Hưng thịnh, suy tàn trong thoáng chốc
Có. Không. Mờ ảo thế gian này.

Dương Quân

Bài họa

Tâm Khúc

Sương khói chập chùng, loáng thoáng bay
Trần gian còn lại có bao ngày?
Đỉnh chung- một giấc- tàn cơn mộng
Danh lợi- vài chung- lỡ cuộc say
Khép mắt- đường xa.  ..không vướng bụi
Dừng chân- bến lạ... chẳng sa lầy
Thênh thang giữa cõi trời mây nước
Tỏa sáng vần thơ, đẹp dạ này !

Thy Lệ Trang

NHỚ QUÊ

Từ lâu không trở lại quê nhà
Tết đến gợi buồn kẻ ở xa
Nhớ mái nhà xưa giờ đổi chủ
Thương cành mai cỗi vẫn ra hoa
Người đi chẳng hẹn ngày tao ngộ
Kẻ ở hằng mong buổi thái hòa
Giấc mộng xuân nồng chừng đã nguội
Đời người, như Tết cũng mau qua.
                               
Dương Quân


Bài họa:

XUÂN SẦU

Sương phủ non cao chạnh nhớ nhà
Mùa xuân nhen nhúm nỗi sầu xa
Cô phòng người cũ còn rơi lệ ?
Hoàng cúc thềm xưa có trổ hoa?          
Ngàn dặm- em mong hồn tỉnh lặng
Muôn trùng- anh đợi cảnh an hòa
Phải chăng hay chỉ là hư ảo?
Như bóng âm thầm thoáng lướt qua !
                                 
Thy Lệ Trang


TÂM SỰ ĐẦU NĂM

Lại một lần năm mới nữa đây
Bày chi cũ, mới chỉ thêm rầy

Tình nhà đã lỡ phai thề ước
Nợ nước chưa đền uổng chí trai
Đếm bước lưu vong chừng mệt mỏi
Nếm mùi nhân thế lắm chua cay
Tri âm, tri kỷ...chờ ai nữa
Nhắm mắt là xong một kiếp này.
                           
Dương Quân


Mừng Lễ Giáng Sinh

Mỗi năm mừng đón Lễ No-el
Khắp chốn giăng giăng rực ánh đèn
Chúa xuống trần gian lo cứu rỗi
Người ham danh lợi cứ bon chen
Lắm phường gian ác còn tham vọng
Nhiều kẻ bần dân mãi khổ hèn
Cầu Chúa cho: "Hòa- Bình- Thế- Giới"
Ngàn lần xin nguyện tiếng "A-Men!"
                          
Dương Quân

Bài họa

Nỗi Buồn Của Chúa

Trần gian náo nức đón No-el
Chúa trải buồn trên những ngọn đèn
Đạo lý- thế nhân luôn tráo trở
Lợi danh-thiên hạ mãi đua chen
Quan to vênh mặt phường cao ngạo
Dân khó khom lưng phận tủi hèn
Mấy kẻ bán hồn cho qủy dữ?
Bao người thật dạ niệm Amen?
                        
Thy Lệ Trang                     
Massachusetts

Bài họa:

THÂN PHẬN

Bao năm bóng tối vẫn còn đây
Ác mộng từng đêm mãi quấy rầy
Tiễn biệt- ngậm ngùi đôi mắt lệ
Gông cùm- rời rã một đời trai
Thương người...má nhạt...hoa tàn úa
Nhớ nước...thời suy...phận đắng cay
Mấy trận cuồng phong chôn tuổi trẻ          
Còn chăng? chút nắng lạc hiên này!
                                   
Thy Lệ Trang

Bài xướng

NGẬM NGÙI

Ta, thân viễn xứ lạc ngàn khơi
Dãi gió, dầm sương giữa đất trời
Nhân nghĩa vẫn mong lời ước hẹn
Hiếu trung ngẫm thẹn đạo làm người
Gió trăng, phó mặc thời luân lạc
Tâm huyết, đành cam lúc cạn vơi
Rồi một hôm nào...thôi vĩnh biệt
Tạ ơn non nước. Tạ ơn đời.
                    Dương Quân

Bài họa

Y ĐỀ

Tựa chiếc thuyền con giữa biển khơi
Lênh đênh, phiêu bạc bốn phương trời
Còn thương mái tóc nồng hương bưởi
Vẫn nhớ dòng sông lộng bóng người
Em- cánh hoa buồn đêm lạnh lẽo
Anh- vì sao lạ chốn chơi vơi
Chờ nhau suốt kiếp trong vô vọng
Đếm giọt tình rơi cuối nẻo đời !
                         Thy Lệ Trang

Tháng Hạ Ngày Xưa

 Tháng hạ gợi buồn nhớ thuở xưa
 Những hàng phượng vĩ nắng đong đưa
 Bãi trường, nghỉ học lòng xao xuyến
 Vắng bạn, xa thầy dạ ngẩn ngơ

 Ngóng lại làng quê chừng mẹ đợi
 Nôn về xóm nhỏ chắc em chờ
 Vườn nhà cây trái thơm ngon ngọt
 Tháng hạ ngày xưa như giấc mơ.

Dương Quân


Mộng Xưa...


Thôi đã xa rồi giấc mộng xưa
Của thời bím tóc nhẹ đu đưa
Sen nồng ngào ngạt- hương xao xuyến
Phượng đỏ rộn ràng- mắt ngác ngơ
Vạt nắng xôn xao hồn kẻ đợi
Đường trăng e ấp dáng ai chờ
Nửa đời mãi nhớ mùa hoa cũ
Hạ cũng tan dần theo ước mơ!                    

Thy Lệ Trang


HỎI EM MÙA HẠ

Quê nhà tháng hạ nóng nung thiêu
Em có phôi pha nét diễm kiều
Đêm vắng võ vàng trăng gió nhạt
Ngày hoang thổn thức nắng mưa nhiều

Long lanh mắt biếc buồn sương sớm
E ấp môi son ngại ráng chiều
Đợi đến Thu về em lại khóc
Một mình buồn tủi giấc cô liêu.
                 Dương Quân


CUỐI HẠ

Trời vẫn chói chang tựa lửa thiêu
Làm sao hoa giữ nét yêu kiề̀u?
Vườn rau cuối ngõ tiêu điều lắm
Khóm trúc đầu thôn héo hắt nhiều
Thương kẻ tảo tần trong nắng sớm
Xót người vất vả giữa mưa chiều
Đồng hoang xơ xác, cây vàng úa...
Trăng cũng u buồn ...bóng tịch liêu.
Thy Lệ Trang
READ MORE - VÀI CẢM NGHĨ VỀ ANH DƯƠNG QUÂN - Thy Lệ Trang