Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, May 13, 2015

VIỆT NAM - thơ Nguyễn Nguyên An





Nguyễn Nguyên An

VIỆT NAM


Tổ quốc ta một đời trước biển
Quen mưa dầm nắng quái phong ba
Người dân Việt một đời trước biển
Cần cù giỏi nắng gió mưa sa

Phía trên đầu trời hồng rực sáng
Phía trên vai biêng biếc Trường Sơn
Phía chung quanh năm châu bè bạn
Phía tâm linh máu đỏ da vàng

Tổ quốc ta hình cong chữ S
Bắc sông Hồng, Nam Cửu Long giang
Tất cả sông đều xuôi về biển
Tất cả người chung gọi Việt Nam

Tổ quốc ta đời đời bất diệt
Dân tộc ta sau trước anh hùng
Người Việt chẳng bao giờ hối tiếc
Dòng máu hồng dâng hiến non sông

Huế, 19022015 - Giao thừa Ất Mùi
N.N.A





Địa chỉ liên lạc:
NGUYỄN VĂN VINH
TỊNH CỐC TÂY AN
11/11/69 Lê Ngô Cát, Huế
Tel: 01688971486


READ MORE - VIỆT NAM - thơ Nguyễn Nguyên An

VUI TÁI NGỘ BẾN ĐÁ TRƯỜNG SANH - thơ Châu Thạch






Châu Thạch

VUI TÁI NGỘ BẾN ĐÁ TRƯỜNG SANH
Tặng: Lê Văn San, Lê Văn Thiêm, Hoàng Văn Phùng


Cảm ơn bạn ngày trở về Quảng Trị
Bạn cho ta trẻ lại tuổi xuân thì
Một quãng đời hoa bướm đã qua đi
Nay sống lại trong tâm hồn bốn đứa.
Bốn thằng bạn ngày xưa cùng trang lứa
Tuổi hoa niên xây mộng dư thừa
“Bến Đá” vườn thu trăng vàng soi cửa
Giấc mơ Hồ Điệp biến thành thơ
Sách chữ vàng chung đọc dưới trăng mơ
Hoa nhan sắc cùng chung yêu một đoá.
Con đường nhỏ ven sân nhà mái đỏ
Giòng Ô Khê uốn khúc lặng lờ
Hoa cau đùa nắng mới rải như tơ
Chim cùng hoạ với tiếng cười xa lắng.
Cả bốn đứa tồng ngồng trên bến vắng
Băng qua vườn làm e thẹn hoa lau.

Rồi ngày xuân, ngày hè qua mau
Cả bốn đứa đi vào đời ngang trái
Từ đó vườn xưa trăng mờ mãi mãi
Ngôi nhà xưa, bến nước lặng hồn đau
Những người xưa hồn đá ngập vàng thau
Áo bạc thếch, tóc phong trần bết bụi
Khoác áo chiến binh ba người lầm lũi
Mỗi lúc một xa vào chốn sa trường
Còn một người sót lại hậu phương
Trong khó nhọc vẩy vùng đường danh lợi.
Bốn thằng bạn bốn phương trời xa mới
Nhớ thương nhau tin tức mập mờ.

Rồi một ngày kia thế cuộc thay cờ
Nửa đất nước đổ nhào cơn binh biến
Bốn thằng bạn thành bốn thân phế chiến
Lìa yêu thương lên ở núi thâm sâu
Trãi thân tù khoai, sắn, cơm rau
Đứa chậm nhất cũng mười năm khổ luỵ.
Biệt tích mười năm vẫn là tri kỷ
Quay lại đời mỗi đứa một phương
Vẫn nhớ nhau khắc khoải canh trường
Đêm dày dặc, bốn cuộc đời bế cửa
Thỉnh thoảng gặp nhau lẽ loi vài đứa
Ngồi bên nhau chua xót trong lòng
Thương cho nhau số kiếp long đong
Nỗi trăn trở vàng xanh nước mắt.

Nhưng số phận vẫn đổi thay nhiều mặt
Bỉ cực rồi cũng đến lúc thái lai
Bạn được đời cho cất cánh chim bay
Ta ở lại cũng vẩy vùng non nước
Nhưng bốn đứa vẫn chờ mong chim thước
Bắt cầu ô cho tái ngộ cầu ô.
Cảm ơn bạn ngày xuân quay lại tổ
Cất tiếng chim kêu lạc bạn quay về
Bốn cánh phiêu bồng lại tụ cố quê
Hoa, bướm ,bến, vườn xưa bừng sống lại
Một thời đã qua quay về hiện tại
Một mùa xuân lồng cảnh một mùa xuân
Bốn chàng trai nay đã sắp lục tuần
Gối tay ngủ để hồn về bến mộng
Sách vở, bài thi, người yêu bé bỏng
Bạn bè, anh em, tình địch, chiếc xe tàn
Diễn lại trong mơ yêu dấu vô vàn
Ôi thân thiết đến vô cùng mê mẩn.
Tỉnh lại, còn đây con đường thơ thẩn
Chiều Trường Sanh hoa nắng rải chân đi
Sáng Mỹ Chánh trời mưa bay lất phất
Bốn đứa mình trên xe đạp rong hoang
Sung sướng thay ta lại có vô vàn
Những thân thiết của ngày xưa êm ái.

Cảm ơn bạn rất nhiều, mãi mãi
Ta khắc sâu kỷ niệm nên vần
Ngày tái hợp chắc không còn mấy bận
Mỗi lần vui một lần hận chia ly
Ta vẫn mong vẫn ước cứ định kỳ
Bốn gương mặt soi chung giòng sông cũ ./.
                                           CT
                               


READ MORE - VUI TÁI NGỘ BẾN ĐÁ TRƯỜNG SANH - thơ Châu Thạch

KHÔNG CÓ - thơ Vĩnh Thuyên











KHÔNG CÓ

Không có mùa xuân
Không có mùa đông
Chỉ có hai mùa mưa nắng
Dòng sông loanh quanh
Cánh đồng lận đận
Một tôi và chiều
Tiếng vọng đò ơi !

Có được đi xa
Mới biết nỗi nhớ nhà
Không còn mẹ cha
Muốn làm con hiếu thảo
Không còn anh
Lấy ai cãi vã
Caphe một mình
Một với trống không


Hạnh phúc nào
Không có niềm đau
Sao đành bán !?
Nụ cười ra nước mắt
Đếm cho hết
Mấy lần mưa nắng
Cộng thành mùa
Đánh đổi
Không


               Vĩnh Thuyên
READ MORE - KHÔNG CÓ - thơ Vĩnh Thuyên

THÁNG 5 ĐÀ LẠT MƯA TÌNH - thơ Tuyền Linh




Tháng 5 Đà Lạt Mưa Tình

Tháng năm chẳng phải mưa ngâu
Cũng không phùn bụi như đầu tháng giêng
Thôi thì cứ gọi mưa Tình
Chặp mưa chặp tạnh, rập rình…lại mưa…
Mưa như cút bắt gái trai
Mưa như đùa giỡn tim ai dỗi hờn
Mưa phả phất, mưa nồng nàn
Phập phồng bong bóng vỡ tan mặt đường
Mưa ào ạt như tan trường
Bỗng dưng ngưng lại như dường trêu ngươi
Những ô dù nhỏ rong chơi
Bật lên xếp xuống mệt nhừ vì mưa
Mưa lấm lét… mưa đùa dai…
Suốt ngày suốt buổi lai rai mưa hoài

Tháng 5 Đà Lạt giữa mùa
Vẫn đầy du khách đội mưa trao tình
Qua rồi một thuở em, anh
Chiếc dù xanh, đỏ trở thành chiêm bao
Ngày nào má thắm hoa đào
Tay trong tay ấm ngọt trao lời tình
Bây giờ lạnh ngắt mưa lên
Nghe trong sâu thẳm cuộc tình hư hao
Mưa tình Đà Lạt xanh xao
Gõ vào tâm não biết bao điệu buồn
Chừng như lòng cũng mưa tuôn
Bao giờ Đà Lạt cạn nguồn mưa qua !


Tuyền Linh
READ MORE - THÁNG 5 ĐÀ LẠT MƯA TÌNH - thơ Tuyền Linh

NGƯỜI TÌNH - CÕI BUỒN - thơ Trúc Thanh Tâm





NGƯỜI TÌNH

Em về ngủ giữa đêm nay
Thời gian ta nhốt cho dài ái ân
Sang mùa trái rụng ngoài sân
Ta nằm trên vũng mùa xuân da người
Nhìn em thấy cả biển trời
Trăm năm tình hẹn nên người chưa đi ...


 CÕI  BUỒN

Ngọn đèn nức nở trên cây
Đêm thành phố ngả vòng tay hẹn hò
Ta về xa lạ ngày xưa
Em rồi bỏ cả ấu thơ theo chồng
Hành trang nặng những thư tình
Ta không rao bán nên tình bơ vơ

TRÚC THANH TÂM

( Châu Đốc )
READ MORE - NGƯỜI TÌNH - CÕI BUỒN - thơ Trúc Thanh Tâm

CHO XANH THỜI GIAN - thơ Phan Luận


Tác giả Phan Luận


Cho Xanh Thời Gian

Sao đen rưng rức trút lá
Mây thu bịn rịn cuốn về
Khăn em quàng qua mấy bận
Se se cốm nắng vân vê

Đừng em, bĩu môi như thế
Mây thu cũng biến dỗi hờn
Én bay trách trời gang tấc
Không thêm dài rộng non ngàn

Có người đi không trở lại
Có người thảng thốt con đường
Có người níu chân trời cũ
Có người tìm mình trong gương

Thì thôi một lần trút hết
Cho xanh thương nhớ thời gian


                                  Phan Luận


Trích từ tập thơ
Níu Bóng Đi Về
Tác giả Phan Luận
NXB Hội Nhà Văn, 2013


Tác giả gởi tặng
READ MORE - CHO XANH THỜI GIAN - thơ Phan Luận

Tình Là Hư Không - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Giọng ca: Mỹ Khanh

READ MORE - Tình Là Hư Không - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Giọng ca: Mỹ Khanh

CHÙM THƠ NGUYỄN NHẬT QUANG

Tác giả Nhật Quang
















MẮT NAI

Xoe tròn mơ mộng mắt nai
Rèm mi cong vút để ai đắm tình
Môi ngoan lúng liếng cười xinh
Thướt tha dáng liễu,thơ trinh dịu dàng

Tim anh thổn thức rộn ràng
Bấp bênh giấc mộng, mơ màng ngỡ em
Vu vơ nỗi nhớ dịu êm
Tâm tư vấn vít khát thèm tiếng yêu

Mây vương gió nhẹ ru chiều
Hồn phiêu lãng đãng dặt dìu ý thơ
Mắt nai ơi ! ngỡ là mơ
Sao lòng bỗng rớt bên bờ tương tư.

                             
 NỢ

Ta nợ em mảnh trăng gầy
Đèn khuya hiu hắt, giăng đầy nhớ nhung  
Đêm dài trăn trở mông lung
Yêu em ta nợ thủy chung một đời.

TRĂNG

Trăng non lấp ló bên rèm
Trộm nghe ân ái... ru mềm bờ môi  
Tình yêu chới với lên ngôi
Trăng ơi ! Sao mãi lẻ loi giữa trời.

                                 Nhật Quang
                                 (TP. HCM)   
         
READ MORE - CHÙM THƠ NGUYỄN NHẬT QUANG

HAI PHONG CÁCH BÌNH THƠ - Phạm Đức Nhì

VNQT đăng bài viết HAI PHONG CÁCH BÌNH THƠ của Phạm Đức Nhì để rộng đường dư luận. Bài viết thể hiện quan điểm rất riêng của tác giả Phạm Đức Nhì.


HAI PHONG CÁCH BÌNH THƠ


      Tác giả Phạm Đức Nhì


PHONG CÁCH NGUYỄN KHÔI
Cách đây không lâu tôi tình cờ đọc được bài Kim Lũ Y – Thơ Xưa Mà Vẫn Mới của Nguyễn Khôi, trong đó ông phản bác cách nhìn nhận bài “thơ” Kim Lũ Y (Đỗ Thu Nương) của tôi. Tôi cho rằng Kim Lũ Y không phải là thơ vì chỉ là lời giáo huấn của bậc trưởng thượng đối với lớp hậu bối – không có cảm xúc. Cách nhìn nhận của Nguyễn Khôi hoàn toàn trái ngược: Kim Lũ Y là thơ, không những thế, Thơ Xưa Mà Vẫn Mới. Ông đã, không tương nhượng, phản bác cách nhìn nhận của tôi hoàn toàn. Nhưng ông có lối phản bác rất lịch sự. Ông cho rằng có hai cách nhìn nhận bài thơ và ông dùng lý luận của mình chứng minh cách nhìn nhận của ông là đúng.
Tôi không đồng ý, viết lại một bài khác (Kim Lũ Y Có Phải Là Thơ?) để làm rõ cách nhìn nhận của mình. Ông Nguyễn Khôi đọc được, gởi e-mail cho tôi đại ý: Với Kim Lũ Y, anh cảm nhận cách của anh, tôi cảm nhận cách của tôi; sư bảo sư phải, vãi bảo vãi hay; hãy để công luận phán xét. Lời lẽ trong e-mail rất hòa nhã, biểu lộ cung cách của một bậc trưởng thượng. Tôi, để bảo vệ quan điểm của mình, e-mail trả lời.
Cuối cùng hai người vẫn còn nhìn ở hai hướng khác nhau nhưng trong tôi đã có một ấn tượng rất đẹp về người đã phản bác mình. Ông Nguyễn Khôi đã “thắng” tôi, không phải bằng kiến thức văn học, khả năng lý luận mà bằng phong cách lịch sự, hòa nhã trong đối thoại văn chương. Xin được bày tỏ lòng kính phục.

PHONG CÁCH ĐỖ HOÀNG
Trên trang VanDanViet tình cờ đọc được bài “Dấu Chân Qua Trảng Cỏ” Của Thanh Thảo - Dở, Kém Toàn Diện của Đỗ Hoàng, tôi có một số nhận xét sau đây:
Thái độ kiêu binh: Ngay những dòng đầu phía dưới bài thơ, Đỗ Hoàng viết:
Nhà thơ Thanh Thảo tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ với tư cách dân sự. Ông xếp sau Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm ….
Tại sao lại có thái độ kiêu binh, mỉa mai, miệt thị “tư cách dân sự” của tác giả như vậy? Tư cách lính hay dân sự có ăn nhậu gì đến giá trị nghệ thuật của bài thơ? Một nhà thơ được xếp trước ai, sau ai là do thi tài chứ đâu phải do có mặc áo lính hay không.
Đấm vào hạ bộ:
Ông được cưng nựng và lăng xê khá đều đặn trên văn đàn chính thống.
Nếu Đỗ Hoàng chứng minh được Dấu Chân Qua Trảng Cỏ là bài thơ dở thì không cần nói người đọc cũng sẽ suy ra đúng điều Đỗ Hoàng muốn nói. Đàng này bình thơ mà chưa đá động gì đến bài thơ đã bô lô bô loa nói xấu tác giả. Chắc Đỗ Hoàng muốn chứng minh gián tiếp: tác giả xấu thì bài thơ phải dở chăng! Đây là lối bình thơ bá đạo, như võ sĩ quyền anh đấm vào hạ bộ của đối thủ.
Chiếc bòng con đựng những gì
Mà đi cuối đất mà đi cùng trời
Chiếc bòng đựng nhiều nhất chỉ bộ áo quần bà ba là cùng, hoặc nữa là hai bơ gạo(!)
Tại sao bình thơ mà lại đi bới móc chiếc bòng của người ta? Con người dù thời nào cũng vậy, được đánh giá cao hay thấp là ở số lượng và phẩm chất của sản phẩm và dịch vụ họ đóng góp cho xã hội chứ không phải ở chiếc bòng lớn hay nhỏ, ba lô nặng hay nhẹ.   
Đọc kỹ, tôi thấy cả bài thơ không có chỗ nào lỗi vận. Có lẽ muốn giảm bớt vị ngọt quá đậm của thơ lục bát, tác giả, trong vài chỗ, đã dùng thông vận thay vì chính vận. Những đoạn Đỗ  Hoàng trích dẫn để chê là lỗi vận như:
           Những gì gởi lại chỉ là dấu chân
           Vùi trong trảng cỏ thời gian
           Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta
Và:
           Tiếng bầy chim két bỗng thành mênh mang
            Lối mòn như sợi chỉ giăng
            Còn in đậm đặc vô vàn dấu chân
theo tôi, không sai, không lỗi, chỉ không khéo - điệp vận không cần thiết.
Nếu biết học tiền nhân một chút thì có thể viết khổ kết bài thơ trên có sức mạnh khái quát hơn, nâng tầm thơ lên hơn.
Đồng ý chúng ta cũng cần “luận cổ suy kim”. Nhưng làm thơ mà không chịu học cái mới, cái lạ, không dám đứng trên đôi chân của mình, mà cứ ru rú theo bước tiền nhân thì có ngày bước xuống … hố.
Sửa chữa nâng cao
Bình thơ thì cứ phân tích rồi phán nó hay, hoặc dở; hay ở chỗ nào - chứng minh, dở ở chỗ nào - chứng minh. Ở đây Đỗ Hoàng chơi cái màn “sửa chữa nâng cao”, viết lại cả bài thơ của tác giả. Với tôi, đó là thái độ kiêu ngạo đến lố bịch.                                     
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy - ở đâu có lề luật đó. Trên chiếu văn chương cũng có một số quy luật bất thành văn. Trong thơ, không gian để tâm tình của thi sĩ chuyển động rộng rãi hơn, tự do hơn vì đó là thế giới riêng tư.
      Trên trang thơ của mình
      tôi chỉ trung thành
      với nhịp đập
      của chính trái tim tôi.
Khi bình thơ là đã bước vào một không gian khác. Đó là không gian của cuộc đối thoại giữa người bình thơ và thi sĩ, có rất nhiều khán giả theo dõi. Để giữ cho không khí của sân chơi vui vẻ, lành mạnh, một số lề luật, cung cách ứng xử cần phải được tuân thủ; tuân thủ để tôn trọng thi sĩ, tôn trọng độc giả đang chú tâm theo dõi. Đối với cả hai ông Nguyễn Khôi và Đỗ Hoàng tôi đều không quen biết, nhưng qua phong cách bình thơ tôi đã thấy hai ông ngồi ở hai vị trí khác nhau trên chiếu văn chương. Chỗ ngồi ấy chính hai ông đã tự chọn bằng tài năng và cung cách ứng xử của mình.
                                                                       PHẠM ĐỨC NHÌ
                                                                   nhidpham@gmail.com
READ MORE - HAI PHONG CÁCH BÌNH THƠ - Phạm Đức Nhì

TÌNH ĐẦU - Đức Hạnh


            Tác giả Đức Hạnh


TÌNH ĐẦU 

Tình đầu tựa hạt sương long lanh
Rồi tan nhanh trong màu nắng
Bỗng một hôm mây gió bay về
Thành cơn mưa trôi ngoài hiên
Và ta thấy bóng em trong hạt mưa
Biến thành bong bóng nhỏ
Trôi theo dòng nước vỡ tan tành
Như những hạt sương long lanh đầu tiên
Như những hạt mưa mong manh tình duyên
Chãy về dòng sông mộng
Nhớ tình đầu tiên.
                                      Mùa đông 1987
                                          Đức Hạnh

READ MORE - TÌNH ĐẦU - Đức Hạnh