Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 6, 2017

TÌNH CA THÁNG TƯ - Thơ Trần Mai Ngân





TÌNH CA THÁNG TƯ

Bài thơ này em viết tháng Tư
Trời vào Hạ và trăng non im lặng 
Ngoài phố tím cánh Bằng Lăng hò hẹn
Người có về như đã hứa cùng em...

Đêm thở dài, mong đợi đầy thêm
Tháng Tư ngọt như môi ngoan hôm ấy
Tay trong tay, trái tim run lẩy bẩy
Mới biết yêu, tình chớm nụ đầu

Tháng Tư không sầu, tháng Tư không mầu
Chỉ trắng toát nỗi chờ, nỗi đợi
Mong nhau, mong nhau, em mong nhau
Tháng Tư ơi! dừng lại đến mai sau

Môi im đợi tháng Tư sẽ nói
Lời tình ca rêu phủ ngói nghìn năm
Nhích lại gần không còn những xa xăm
Tháng Tư nhé... mình yêu nhau như thế!

                                 Trần Mai Ngân

READ MORE - TÌNH CA THÁNG TƯ - Thơ Trần Mai Ngân

TRÊN ĐỒI CỎ - Thơ Thủy Điền





TRÊN ĐỒI CỎ

Trên đồi cỏ ta khãy từng khúc nhạc
Cất tiếng ca mượn gió gởi phương trời
May mà người yêu dấu của lòng tôi
Nàng bắt gặp. Chắc đời hạnh phúc lắm

Đã bao năm tình cách xa thăm thẳm
Tiếng đàn buồn người ấy chẳng được nghe
Tiếng đàn vui hoà lẫn giọng rì rè
Cũng mất hút từ ngày sang bến khác

Trên đồi cỏ chiều nay mình tôi hát
Bản nhạc tình mười bốn áng thu qua
Tôi và em hai đứa chúng mình ca
Giữa chiều vắng sương mờ đang lủ phủ

Em thường bảo: Đêm nay mình không ngủ
Sẽ hát hoài bản nhạc khúc yêu thương
Để tình ta luôn mãi mãi vấn vương
Không biên giới và dài vô...vô tận.

Thủy Điền
06-04-2017

READ MORE - TRÊN ĐỒI CỎ - Thơ Thủy Điền

CHUYỆN CỦA ANH T... - Đặng Xuân Xuyến

  



CHUYỆN CỦA ANH T...

Anh đã ngoài 50 tuổi nhưng nhìn vẫn còn trẻ trung và phong độ lắm. Da anh trắng, lại mịn, tính thích bông đùa, tếu táo nên chẳng ai nghĩ anh đã đến 45 tuổi. Đi cùng con gái lớn, tuổi đã ngấp nghé 30, nếu giới thiệu là bố con cũng chẳng ai chịu tin.
Anh lấy vợ đầu, được vài năm thì đưa nhau ra tòa. Chị để lại đứa con còn đỏ hỏn cho anh nuôi rồi xách va ly theo một chàng trai trẻ. Nghe đâu, chàng trai đó kém chị đến cả chục tuổi. Nuôi con cứng cáp, anh gặp chị thứ 2 kém vợ đầu chừng mười tuổi, bén duyên, rồi cưới. Về làm vợ anh, chị cũng chăm chỉ, chịu thương chịu khó, rõ là người nết na hiền thục. Hàng xóm, ai cũng quý đường ăn nết ở của chị. Đã xinh gái, lại nết na hiền thục, cư xử có trên có dưới, được lòng cả phố nên anh yêu và chiều chị như báu vật. Thế rồi chị sinh cho anh một bé trai, đẹp như thiên thần, giống anh thật nhiều. Anh càng yêu và chiều chị hơn. Chả hiểu vì sao, khi cậu ấm đã biết chạy, chị lại đâm ra đổ đốn, ánh mắt cứ khoái mơn man, vuốt ve những chàng đô con, đẹp mã. Anh đã nhiều lần khó chịu, bóng gió, xa xôi để chị “chừa cái tính khí tiểu tư sản làm mất mặt chồng con” đó đi. Chị cũng xấu hổ lắm với “tính khí đua đòi kiểu tiểu tư sản” đó và cũng nhiều lần quyết tâm “không làm xấu mặt chồng con” nữa nhưng lý trí đều thất bại khi mỗi lần chạm trán đàn ông, thậm chí, chỉ cần nghe giọng nói ồm ồm của đàn ông là tâm trạng chị đã thay đổi, cứ xao xuyến, cứ thèm lắm được ai đó vuốt ve, rồi được vuốt ve ai đó cho đỡ bức bối...
Đận ấy, anh cơi nới thêm diện tích trên tầng 3, phòng khi khách khứa ở quê lên có chỗ nghỉ ngơi, đỡ phiền hàng xóm nên thuê nhóm thợ ở quê lên xây dựng. Trong nhóm thợ, có một gã trai trẻ mặt đẹp như tài tử điện ảnh, thân hình đô con, lực lưỡng, miệng toàn leo lẻo những chuyện tiếu lâm tục tĩu... mà theo lời bác “cai xây dựng” thì gã trai trẻ đó chưa vợ nhưng “dâm lắm”, “liều lắm”, “chả biết sợ là gì”... Anh cũng có ý đề phòng chị sẽ này kia với gã trai trẻ nên cũng “rào dậu” ghê lắm.
Một hôm, anh đi vắng, cả nhóm thợ cũng đi vắng, chỉ còn gã trai trẻ ở nhà đánh vật với đống quần áo mấy ngày chưa giặt... Gã vô tư cởi trần, mặc chiếc quần đùi rộng thùng rộng thình, vừa giặt quần áo vừa ông ổng những lời ca não nề về chuyện tình dang dở… Gã “điếng người” khi gặp ánh mắt của chị đang lấm lét “khám phá” chỗ “tế nhị” của gã, thế là chẳng cần ý tứ, gã nheo mắt nhìn chị, rồi “thả rông” ánh mắt đến những chỗ “tế nhị” của chị, khiêu khích sự đoan trang của chị, khiến chị bị “ma đưa lối quỷ dẫn đường” tự bước vào cõi u mê... Thế là chị cuỗm hết tiền bạc của anh, rồi khăn gói bí bầu vào nam cùng gã, vất lại bé con thiên thần để anh nuôi. Anh hận đàn bà và thề sẽ không bao giờ lấy vợ nữa.
Gà trống nuôi con nhưng trời phú cho anh “hoa tay”, khéo nói, hay làm nên cửa hàng may đo của anh đông khách lắm. Cuộc sống của bố con anh không giàu nhưng cũng thuộc diện có bát ăn bát để.
Khi con gái lớn vào đại học, anh gặp chị bây giờ, cũng tình cờ như hai người vợ trước. Chị xinh và kém anh nhiều tuổi lắm. Ai cũng mừng cho anh, nhưng cũng thấp thỏm cho anh. Cả ba đời vợ, người nào cũng xinh, cũng nết na hiền thục nhưng chẳng biết có phải vì sự đưa đẩy của số phận hay không mà hai người vợ đầu đều đổi tính đổi nết khi đã sinh cho anh những bé con kháu khỉnh. Mọi người thầm mong anh sẽ được hạnh phúc tới đầu bạc răng long với người vợ thứ ba này, dù chị kém con gái lớn của anh đến mấy tuổi.
Cũng như hai người vợ trước, chị nhanh chóng sinh cho anh một thiên thần, bé nhặt hết nét đẹp của anh của chị nên anh yêu và chiều chị lắm.
Cách đây vài năm, gặp lão, anh vỗ vai lão, giọng lanh lảnh:
- Chú lấy vợ đi, gà trống nuôi con cực lắm. Mình là thằng đàn ông đàng hoàng, lấy đâu chả được đứa tử tế, xinh đẹp. Chú thấy đấy, vợ anh còn kém tuổi cả con gái anh mà gia đình anh vẫn cứ êm ru. Mình là thằng đàn ông đàng hoàng mà chú!. 
Anh cười ngất, rồi thong thả bước như để nhấm nháp nỗi niềm hạnh phúc. Lão cười và có nhoi nhói một chút ghen tỵ.
Bẵng đi một thời gian, thấy gia đình anh cũng yên ả như mọi nhà nên lão cũng quên câu anh nói... Nhưng dễ đến gần năm nay, tuần nào cũng như tuần nào, dăm bảy bận trong tuần hàng xóm lại xáo xác khi nghe tiếng anh riết róng: - “Bố con đĩ! Tối qua mày ngủ với thằng nào?”; “Mẹ cha con chó! Mày vừa đi đĩ với thằng nào về?”. Rồi tiếng chị chanh chua tréo trả: - “Thằng chó! Tao ngủ với ai thì việc đéo gì phải bẩm báo với mày? Mày câm mẹ mồm lại! Thằng khốn nạn!”; “Ừ. Tao vừa ngủ với thằng con rể tương lai của mày về đấy. Mày làm đéo gì được tao...”
Lần này, nghe chuyện của anh, lão cũng cười, nhưng sao thấy lòng đắng ngắt...
*
Hà Nội, 18 tháng 11 năm 2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
READ MORE - CHUYỆN CỦA ANH T... - Đặng Xuân Xuyến

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



              Nhà thơ Chu Vương Miện




NHẬM RƯỢU & NÓI PHÉT

Sáng một ly xay chừng
chiều hai ly bia bốc
thơ văn toàn vuốt đuôi
vô bổ
nới phét
viết lếu láo chung chung
nào uống rưọu với Diêm Vương
nào với Cao Tiệm Ly
đôi khi với thầy chùa
Lỗ Trí Thâm
Nhà giáo nhà thơ nhà văn
viết lách như nhà thổ cởi quần
hèn như sợị bún
mềm như bột mì
đặt khuôn tròn thì tròn
đặt khuôn bầu dục thì bầu dục
chỉ còn thiếu điều
bú cặc!
chỉ đặng cái mồm
viết vung xích chó
nói chung chung
chỉ là một thằng hèn 
không hơn và không kém !
chỉ cần một thố cơm
đút vào mồm



TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN

thằng ngu là cha
thằng hèn là con
giống hai con bò
kéo xe 
từ đỉnh dốc
xuống chân non
lăn kềnh xuống hố
rơi tõm xuống biển
Hải Nam


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN

Nhát hơn con cáy
Nhat ngang con còng
Nhát bằng con thỏ đế
đất nưóc kể như xong

thơ văn trôi lềnh bềnh
từng đám trên sông

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 14) - Nguyễn Ngọc Kiên


         


      NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ 
                                         TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ
                                             (Kì 14)

 (36) 绿叶成阴[Lục diệp thành âm] (ván đã đóng thuyền / gạo đã thành cơm) 
Thành ngữ có xuất xứ từ giai thoại sau:
Đỗ Mục, thi nhân thời Đường, vốn dòng danh gia, thế phiệt. Ông nội Đỗ Mục là Đỗ Hữu làm đến tam công, (Tư Không triều Đường Đức tông, Tư Đồ triều Đường Đại tông), nên Đỗ Mục sớm thụ hưởng một sự giáo dục tử tế, ông có học vấn vững chắc cùng với trí thông minh di truyền. 
Đỗ Mục nổi tiếng từ rất sớm. Thi ca của Đỗ Mục ngay từ nhỏ đã hào sảng, tuyệt diệu.
Lẽ ra Đỗ Mục sớm đỗ đạt, làm quan, nhưng tệ cái là trời lại cho thêm Đỗ Mục tính cách lãng tử, lại ngang tàng. Những người như ông thì khó thành đạt ở đời, chỉ dễ thành nhân.
Thuở trẻ Đỗ Mục ít để tâm đến chuyện thi cử, đỗ đạt để làm quan mà ông hay lang thang đầu đường xó chợ, lấy chuyện uống rượu, đánh bạc, chơi gái, kết giao giang hồ… làm vui.
Một lần Đỗ Mục lạc đến Hồ châu, tình cờ gặp trên đường một bà già dắt theo một bé gái chừng 9, 10 tuổi. bé gái tuy còn nhỏ nhưng đã ẩn ước một nhan sắc cực kỳ xinh đẹp. Đỗ Mục như xao xuyến trong lòng nên cậy người mai mối đến dạm hỏi. Đỗ Mục hẹn rằng sau 10 năm mà không thấy trở lại thì tùy bà lão định đoạt có thể gả con cho người khác .
Thế rồi việc đờì biến đổi, Đỗ Mục không còn dịp nào quay lại Hồ Châu.
Mãi 14 năm sau, khi ấy Đỗ Mục đã là Thứ Sử dưới triều tể tướng Chu Trì, Đỗ Mục cậy Chu chuyển đến trấn nhậm Hồ Châu.
Về Hồ Châu, Đỗ Mục lập tức đi tìm cố nhân. Tiếc thay, bé gái năm xưa đã lấy chồng được 3 năm và đã sinh được 2 con trai.
Giận thân và tiếc của, Đỗ Mục làm bài thơ: THAN HOA
Bài thơ nguyên văn:
嘆花 
自是尋春去校遲, 
不須惆悵怨芳時。 
狂風落盡深紅色, 
綠葉成陰子滿枝。

Thán hoa 
Tự thị tầm xuân khứ hiệu trì, 
Bất tu trù trướng oán phương thì. 
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc, 
Lục diệp thành âm tử mãn chi.

Dịch nghĩa:
THAN TIẾC CHO HOA 
Từ thuở ấy đi tìm hương xuân, nay tính lại thì đã muộn rồi, 
Cũng đừng nên đau xót hờn giận mùa thơm. 
Cơn gió dữ thổi rụng hết hoa màu hồng thắm, 
Lá biếc trở nên um tùm, trái kết đầy cành.

 Dịch thơ:
         THAN TIẾC CHO HOA
Tìm hoa mình trót chậm chân
Hững hờ chi oán ngày xuân phụ tình
Gió đưa hồng thắm tan tành
Rợp cây lá biếc, đầy cành quả non
                     (Bản dịch của Ngô Tất Tố)

          Từ ấy tìm xuân muộn đã đành
Xin đừng buồn bã trách mùa xanh
Gió cuồng thổi rụng hoa hồng thắm
          Lá biếc rợp cây, trái trĩu cành  
                (Bản dịch của Nguyễn Ngọc Kiên)

Cố sự này chép trong “Đường thi kỷ sự” của Kế Hữu công, một tác gia đời Tống.
Sau này “Lục diệp thành âm” thành điển tích văn học chỉ người con gái đã lấy chồng, có con, không thể vãn hồi. Nó giống như thành ngữ “ván đã đóng thuyền” hoặc “gạo đã nấu thành cơm” của tiếng Việt và cũng gợi nhớ đến câu ca dao của Việt Nam:
Ngày đi lúa chửa chia vè
Ngày về lúa đã chin hoe đầy đồng
Ngày đi em chửa có chồng
Ngày về em đã con bồng con mang!

(37)百发百中 [ bách phát bách trúng] (trăm phát trăm trúng)
Chuyện kể rằng:
Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn súng lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia tên là Dưỡng Do Cơ.
Có một lần, trong lúc tập luyện, Phan Đáng bắn ba phát tên đều trúng vào hồng tâm,  nên ông ta lấy làm đắc ý lắm. Lúc ấy, Dưỡng Do Cơ cũng ở đó, tỏ vẻ không thán phục, bảo rằng: “Bắn trúng hồng tâm có gì là đặc biệt. Cách xa một trăm bước, mũi tên của tôi có thể xuyên qua bất kỳ chiếc lá nào của cây dương liễu”. Nói rồi, Dưỡng Do Cơ giương cung. Quả nhiên, mũi tên xuyên qua chiếc lá dương liễu trên cành cây um tùm.
Nhưng Phan Đáng vẫn không chịu, liền chọn lấy ba lá liễu ở ba chỗ khác nhau, đánh dấu và thách Dưỡng Do Cơ bắn trúng. Dưỡng Do Cơ chỉ nhìn qua, rồi lùi vào vị trí để bắn. Thế rồi, cả ba mũi tên như có mắt, lần lượt xuyên qua ba chiếc lá trước sự kinh ngạc của mọi người.
Về sau, trong cuốn sử ký của nhà viết sử nổi tiếng Tư Mã Thiên, có đoạn viết: “Nước Sở có một người tên là Dưỡng Do Cơ, là một người bắn tên rất kỳ tài, cách xa trăm bước mà “bách phát bách trúng”.
Dưỡng Do Cơ chỉ bắn cả thảy có bốn phát tên trong cuộc thi tài ấy, mà sao Tư Mã Thiên lại viết là “bách phát bách trúng?” Thì rat a phải hiểu là, “百” [bách] (nghĩa là một trăm) không được dùng để chỉ số lượng cụ thể và xác định. Một nhà thiện xạ được ca ngợi là “bách phát bách trúng” không nhất thiết phải giương cung đến một trăm lần. “Bách” ở đây được dùng với nghĩa biểu trưng là “nhiều, rất nhiều”, còn kết cấu “bách... bách...” biểu thị sự đối xứng truyệt đối như là “bao nhiêu... thì... bấy nhiêu”.
Trong tiếng Việt, thành ngữ này có hai dạng đồng nghĩa được dùng song song: “bách phát bách trúng” và “trăm phát trăm trúng”.
Về sau “bách phát bách trúng’ còn để chỉ khả nămg của những người làm việc gì cuũng đạt kết quả như ý muốn. Cũng vậy, hiện nay, “trúng” đâu phải chỉ là trúng đích mà còn có nghĩa là đạt kết quả, là thành công nữa.
Chẳng hạn: Điểm cầu tự 'trăm phát trăm trúng' cho du khách hiếm muộn ...(vn express)
“Muốn có thai, 'yêu' thế nào để trăm phát trăm trúng” (soha.vn/..)

(38) Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt
Thời Xuân Thu, nhà triết học Lão Tử nhận thấy rằng, tất cả mọi vật trên thế giới đều phù hợp với một quy luật khách quan, quy luật khách quan này khống chế tất cả diễn biến thay đổi của vũ trụ. Tất cả những người và sự vật nào vi phạm quy luật khách quan này đều bị trừng phạt tương ứng. Trong “Đạo đức kinh” có viết: “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”. Đạo trời như lưới, kẻ ác nhất định bị trừng phạt, lưới trời khôn thoát.
Tương đương với thành ngữ này người Trung Quốc còn nói: 善有善报,恶有恶报 [thiện hữu thiện báo, ác  hữu ác báo] nghĩa là thiện ác đều có báo ứng. Tốt xấu cuối cùng đều có kết cục tương ứng.
Thành ngữ này dùng nhiều trong tiếng Việt theo lối dịch nghĩa. Nhất là trong báo chí.
Bấm “lưới trời lồng lộng” và google trong 0,52 giây có ngay 11000 kết quả. Có những bài tỏ ra hết sức lạc quan. Chẳng hạn: “Trịnh Xuân Thanh: Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát lắm!” Hoặc có những tít báo hết sức bắt mắt “'Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát'... là đây”! |( Pháp luật online)

(39) 为人作嫁 [vi nhân tác gia] (May áo cưới cho người khác). 
Thành ngữ này có xuất xứ từ bài thơ Bần nữ của Tần Thao Ngọc  đời Vãn Đường. Nguyên văn:
貧女 
蓬門未識綺羅香, 
擬托良媒亦自傷。 
誰愛風流高格調? 
共憐時事儉梳妝! 
敢將十指誇針巧, 
不把雙眉斗畫長。 
苦恨年年壓金線, 
為他人作嫁衣裳!

Bần nữ 
Bồng môn vị thức ỷ la hương, 
Nghĩ thác lương môi diệc tự thương. 
Thuỳ ái phong lưu cao cách điệu? 
Cộng liên thời thế kiệm sơ trang. 

Cảm tương thập chỉ khoa châm xảo, 
Bất bả song mi đấu hoạ trường. 
Khổ hận niên niên áp kim tuyến, 
Vị tha nhân tác giá y thường.

Dịch nghĩa 
Ở chốn lều tranh chưa biết đến mùi là lượt 
Định nhờ mối lái cũng chỉ thương mình 
Ai là kẻ quý người có cách điệu thanh cao 
Cùng thương những người ở đời phải sơ sài trang điểm 
Đâu dám khoe mười ngón tay khéo đường kim chỉ 
Không muốn kẻ dài đôi lông mày để đua xinh tươi 
Tủi hờn về nỗi năm nào cũng phải ấn lên sợi kim tuyến 
Để thêu quần áo cưới cho người khác!

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Mùi là lượt, cửa bồng chưa biết, 
Cậy mối manh, cũng thiệt mọi điều. 
Ai yêu cách điệu phong lưu, 
Đều thương lúc phải kém chiều điểm trang. 
Tay mười ngón khoe khoang tài nghệ, 
Đôi lông mày không kẻ nét dài. 
Mỗi năm kim tuyến đính cài, 
May thuê xiêm áo cho người tủi thay.
(Nguồn: Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995)

 Nghĩa bóng của thành ngữ này là: chịu khổ thay cho người.

                                                           Nguyễn Ngọc Kiên



READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 14) - Nguyễn Ngọc Kiên

HƯƠNG THU - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


HƯƠNG THU
Lê Hứa Huyền Trân
(Tặng cậu T của tôi)

Tôi rất ít khi viết về cậu. Cứ giống như có một thói quen cố hữu khó bỏ là thích giữ những thứ quan trọng đặc biệt cho riêng mình. Bởi thế cậu hay bảo tôi ích kỉ, nhưng là kiểu ích kỉ rất dễ thương, rất con nít. Tự nhiên hôm nay tôi lại muốn viết về cậu, viết khi mùa thu đang đưa đẩy những hương thơm đầu tiên, và cậu đã ở cạnh tôi kể cho tôi nghe về mối tình rất đẹp của cậu trong những mùa thu đong đầy nắng ấy.
Cậu chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, cậu là con út của ông bà nên được cưng lắm, tuy nhiên cậu lại có cái vẻ già trước tuổi, từng hành động của cậu đều như được suy nghĩ rất kĩ để mang trong mình một giá trị nào đó. Tôi còn nhớ khi tôi bước vào cấp hai thì biến cố gia đình xảy ra, thế là cả nhà tôi chuyển về quê ngoại. Tôi học tiếp cấp hai ở đây. Cậu khi ấy “đại ca” lắm,  lúc ấy đã lớp 9 rồi, thế mà cứ qua lớp tôi rồi chỉ chỏ” Cháu tao đấy, đừng có ai ăn hiếp nó”. Thế mà có ai tin đâu, toàn ghẹo chúng tôi là tình nhân của nhau, bởi tôi mới chuyển về, chưa ai biết tôi là con cháu của ai cả. Những lúc ấy cậu lại quệt mũi phì cười :” Là người yêu hay là cháu tao thì chúng mày cũng không được ăn hiếp nó, không tao bắt chúng mày trói hết vào tổ kiến cả lũ”. Thế là đám bạn mới của tôi phì cười, cậu cũng bật cười rồi chạy bay về lớp. Cũng nhờ như thế mà tôi dễ chơi với đám bạn trong lớp hơn, vì tôi vốn là cô bé nhút nhát không dám gợi chuyện, nên khi cậu làm cho “lễ ra mắt” của tôi trở nên “hoành tráng” như thế thì bạn học bắt đầu chú ý tới tôi hơn và gợi chuyện với tôi.
Cậu hay bày tôi những trò chơi rất dân dã, như cứ tới mùa gặt, khi người ta bắt đầu gặt lúa, nhưng lúa vẫn vương vãi đầy cánh đồng, mấy mụ vịt thi nhau ăn cho béo no béo núc, cậu è cổ rượt chúng nó chạy, thế là chúng nó tung cánh vẫy đạp đủ kiểu lạch bà lạch bạch chạy trông rất buồn cười. Hay có khi tôi đang ăn cơm, cậu bắt tôi ăn thật nhanh rồi kéo tôi chạy bay ra đồng, vạch cỏ vạch lá bắt châu chấu cào cào về chiên mặn, mỗi đũa là một con ăn với cơm nóng cứ phải nói là bá cháy. Ban đầu tôi không ăn được vì thấy…ghê ghê, nhưng cậu lại so sánh chúng với những con cá cơm khô săn của mẹ vì biết đó là thứ tôi thích nhất thế tôi mới ăn, và thích mê tới tận giờ.
Cậu rất chú ý tới sở thích của tôi. Cũng bởi tôi mới chuyển về quê nên có nhiều cái tôi còn bỡ ngỡ, trong nhà lại toàn người lớn nên tôi cũng khó nói chuyện, thế là cậu tìm mọi cách gợi chuyện bày tôi những trò chơi, mà sau này mỗi khi tôi hỏi cậu lại bảo:” Thế không phải cháu thích những người đông trang lứa à?cậu cũng sàng sàng cháu chứ mấy”. Cậu biết tôi thích văn nên cứ cố gợi cho tôi đủ chuyện văn chương trên trời dưới đất, có lần hai cậu cháu ngồi nói chuyện cậu nhìn trời và bảo:” Sang mùa thu rồi đấy”. Tôi vặn ngược:” cậu mà cũng chú ý tới mùa à? Tưởng cậu chỉ quan tâm hai mùa mưa nắng”. Cậu cốc đầu tôi cái nhẹ:” Cậu mày cũng lãng mạn lắm đấy”. Rồi hai đứa phì cười.
Rồi mấy năm cũng trôi qua, khi tôi bước vào cấp ba cũng là lúc cậu bận bịu sách vở chuẩn bị lên phố thi đại học. Tự nhiên có lần đi trên con đường làng về tôi bắt gặp cậu đứng nói chuyện với một cô gái, cậu nở nụ cưởi rất tinh khôi. Về tôi gặng hỏi mãi, cậu chỉ cười: “ Đó là bạn, tên cô ấy là Thu. Bạn từ hồi nhỏ của cậu đấy, từ hồi hai đứa còn để chỏm cơ..”. Rồi cậu kể cho tôi nghe về cô bạn mang cái tên của cái mùa mà cậu thích ấy. Tôi còn nhớ cậu hay nhắc về một cô bé cậu đã gặp bên gốc hoa sữa… “ Ngày đó cậu còn bé lắm, còn đang đi chăn trâu ở cánh đồng đầu làng, thì có mùi hương sực nức thổi lại. Mùi hoa ấy gắt lắm khiến cậu khó chịu, tò mò nên cậu đi tìm cho kì được, thì cậu thấy một cô bé đứng cạnh cây hoa sữa, đang cố hít lấy hít để mùi hương hoa ấy, cậu bèn hỏi:” cậu không thấy nó có mùi gắt quá à?”, thì cô bé ấy đáp:” Tớ thích mùi hương của nó, nó thơm một cách đầy mạnh mẽ”, cậu thấy cô bé ấy thú vị thế là kết thân từ đó”. Cậu còn kể nhiều, nhiều nữa về những lần đi chơi của hai người, về loài hoa khi nhắc tới mùa thu là người ta hay nhớ về ấy…Bất giác tôi hỏi:” Cậu yêu mùa thu vì đó là mùa thu hay đó là tên người con gái ấy?”, cậu chỉ cười bâng quơ…
Cậu lên đại học xa nhà làm tôi thấy nhớ. Có thể nói giờ ở quê tôi cũng bắt đầu có nhiều bạn hơn nhưng cậu vẫn như người tri kỉ đã đi cùng tôi một quãng thời gian rất dài. Những cánh thư vẫn đi về đều đặn làm tôi biết cậu ở đất người như thế nào. Bẵng đi ít năm, một hôm đi về nhà tôi nghe tiếng ông ngoại quát mắng rất dữ:” mày cút! Ai cũng được, không phải là nó”. Theo đó là cậu lầm lũi bước ra sân, mấy năm mới gặp lại tôi muốn kéo cậu trò chuyện nhưng cậu chỉ cười và bước đi rất nhanh. Tôi không còn gặp cậu nữa. Cậu muốn cưới cô gái tên Thu ấy, nhưng vì mối quan hệ rất xấu của những đấng sinh thành nên ông ngoại nhất quyết không cho lại còn đuổi cậu ra khỏi nhà. Sau này thi thoảng tôi vẫn nghe mẹ ngồi trách ngoại:” Sao ba lại vì chuyện đẩu đâu mà nỡ để thằng Út đi như thế, có đáng không”, nhưng ngoại không nói gì. Tôi biết cậu đi nhưng vẫn thương ngoại lắm, đi làm gửi tiền về miết nhưng nhờ mẹ đưa và nhờ mẹ giấu.
Tôi tốt nghiệp đại học thì cậu về. Ông vừa thấy cậu định quơ gậy chống lên đánh, cậu không đỡ nhưng khi nhìn phía sau cậu thấy có cô gái ôm trên tay đứa nhỏ chợt khựng lại quay vô trong. Mẹ và bà ngoại chạy ra ôm cậu xuýt xoa…Thế là cậu về, tôi bế đứa bé có tên cái tên rất đẹp: Hương Thu, thi thoảng thấy tôi bế, ông cũng có nhìn, tôi dúi đứa trẻ vào tay ông, ông cũng ra vẻ nhưng khi thấy nó vuốt chùm râu bạc ông lại cười chòm râu rung rung..
Tự nhiên tôi nghĩ đến khi nào thì tôi sẽ lại có mối tình như cậu nhỉ? Mối tình được bắt đầu từ chớm thu sang, bởi một mùi hương thu vấn vít rất nồng. Mối tình sâu đậm, nhưng tôi sẽ không đủ can đảm yêu hết mình như cậu đâu, yêu và làm tất cả cho người mình yêu, tôi ngưỡng mộ mối tình mùa thu ấy…

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định

READ MORE - HƯƠNG THU - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

TA VỀ QUẢNG TRỊ / CÔ GIÁO KHE SANH - thơ Nguyễn Minh Quang

Tác giả Nguyễn Minh Quang

Ta về Quảng Trị

Đường đi Quảng Trị xa xa
Thoáng trông Đà Nẵng Sơn Trà bâng khuâng
Mây vờn trên đỉnh Hải Vân
Huế ơi ta đã mấy lần đến đây

Dòng Bến Hải bảy ngàn ngày
Vẫn không chia cắt đất này thành hai
Quê nghèo vươn tới ngày mai
Trường Sơn ôm ấp hình hài bể đông

Gió Lào cát xoáy mênh mông
Trèo lên Dốc Miếu nặng lòng nước non
Cổ thành Quảng Trị hoàng hôn
Bao hồn liệt sỹ vẫn còn phiêu diêu

Đông Hà chẳng có người yêu
Để nghe răng rứa rừng chiều lao xao
Chào em cô giáo vùng cao
Duyên tình dang dở sóng chao tháng ngày

Ta về Quảng Trị hôm nay
Bỗng rưng rưng nhớ những ngày chiến tranh
Vết thương đau nhói chưa lành
Trường Sơn ngun ngút các anh yên phần

Ta về Quảng Trị tình thân
Trúc Sơn Trang quán sắc xuân dâng trào
Nỗi niềm mong mỏi khát khao
Cầm tay nhau thấy dạt dào niềm vui!

                                           NMQ                           


Cô giáo Khe Sanh

Tặng cô giáo Moon 
                
Gặp em cô gái Trường Sơn
Núi cao theo núi chập chờn bóng mây
Hướng Hóa ba vạn ngàn ngày
Em gieo con chữ còn đầy gian nan

Lòng anh vẫn nhớ vô vàn
Món quà xứ Huế nồng nàng hương quê
Dặm ngàn một dãi sơn khê
Đôi chân nhỏ nhắn đi về đơn côi

Tìm nhau ở chốn xa xôi
Duyên tình dang dở bờ môi lạnh lùng
Trách người sao quá vô tình
Để em lẻ bóng giật mình đêm khuya

Anh về Bình Định trời xa
Rưng rưng thương một cánh hoa lạc rừng
Dùng dằng chao động cõi tình
Quay lưng không nỡ, một mình, chờ không?!

 Nguyễn Minh Quang
<minhquang0459@gmail.com> 
READ MORE - TA VỀ QUẢNG TRỊ / CÔ GIÁO KHE SANH - thơ Nguyễn Minh Quang