Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 8, 2024

SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 3/3) - Yến Thọ

SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 1/3)

SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 2/3

  


SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH  (Kỳ 3/3) 

Yến Thọ

(Trích từ tập sách KHẢO VỀ QUẢNG TRỊ XƯA, 

tác giả Lê Đức Thọ.)

 

Sông Thạch Hãn cũng có tên là sông Ái Tử vì chảy qua vùng đất có địa danh là Ái Tử. Sự kiện nghĩa quân Nguyễn Suý và Đặng Dung nhà Hậu Trần cho quân phục kích đánh quân Trương Phụ vào tháng 9-1413 ở sông Ái Tử (Kênh Thái Dà) chép ở “Đại Việt sử ký toàn thư” (8) chính là trên sông này. 

Tên Thạch Hãn xuất hiện đầu tiên trong thư tịch cổ ở “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776): “Đầu nguồn sông Thạch Hãn huyện Hải Lăng, từ phường Tân An xuống đến ngã ba Quán một ngày (9). Sông mang tên Thạch Hãn vì trên hành trình từ thượng nguồn xuôi về phía biển sông chảy qua địa phận làng Thạch Hãn (nay thuộc phường II, thị xã Quảng Trị) nên mang theo tên làng này.

Tên sông gắn bó mật thiết với tên làng và quá trình thay đổi tên làng Thạch Hãn. Làng Thạch Hãn nằm ở bờ hữu ngạn - vùng tiếp giáp giữa vùng đồi trung du với đồng bằng - nơi có đường Thiên lý ngang qua. Ðây là nơi gần rừng, xa biển, kề cận với đồng bằng, hội đủ các điều kiện địa lý có tính đắc địa nhất để trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn vùng Quảng Trị đúng như lời nhận xét của Minh Mạng là xem khắp trong địa hạt “không có chỗ nào có hình thế sông núi tiện lợi” hơn (10). Chính vì thế, Thạch Hãn đã được Gia Long chọn để đặt lỵ sở Quảng Trị từ năm 1809 và cũng từ đó cho đến trước năm 1989, khi lỵ sở Quảng Trị chuyển ra Đông Hà thì Thạch Hãn/thị xã Quảng Trị luôn là đất trung đô. 

Trên địa phận làng Thạch Hãn (phía trên cầu xe lửa) ven bờ sông xưa nay có một triền đá nhô ra giữa dòng. Sách “Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí” (1806) mô tả: “Từ bến trước công đường (tức Ái Tử), đi thuyền theo đường sông... theo hướng tây nam đi lên 2.200 tầm, phía bắc là đất phù sa và đất khô, phía nam là dân cư và chợ Thạch Hãn, chợ đông vào buổi sáng, quán xá thưa thớt, khách đi đường có thể nghỉ lại, đến kho cũ Thạch Hãn. Ở đây có dãy đá nằm ngang sông nổi lên mặt nước, chỉ chừa lại một lỗ hổng nhưng thuyền bè có thể qua lại được, bị dãy đá cản nên chỗ này nước chảy rất xiết, đến mùa thu đông mưa lụt, nước đầy lút mất đá, thuyền đi không biết đâm phải có khi không còn(11).

Có lẽ vì thế nên làng mới mang tên là Thạch Hãn. Tên Thạch Hãn chắc chắn ra đời trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII. 

Làng Thạch Hãn được hình thành từ nửa cuối thế kỷ XV với tên là làng Thạch Hàn (石韓). Chữ HÀN () của làng Thạch Hàn được chép trong “Ô châu cận lục” hàm nghĩa là tên nước, tên họ (như Hàn Quốc, Hàn Tín) chứ không phải chữ Hàn/Hãn () mang nghĩa mồ hôi. 

Trong dân gian, 2 chữ Thạch Hàn được diễn Nôm là ĐÁ HÀN. Tên làng Thạch Hàn cũng được gọi là làng Đá Hàn. Ngày nay, địa danh này vẫn còn lưu ảnh ở thị xã Quảng Trị qua nhà thờ Thiên Chúa mang tên Đá Hàn. Vì thế, tên sông trong dân gian vẫn gọi là sông ĐÁ HÀN. Tên NGUỒN HÀN là theo chữ Hàn () này và từ đó mà ra. Nhưng tên sông Đá Hàn có khi được hiểu là do nước trong và lạnh, nhưng có khi lại được hiểu theo nghĩa “thành giếng bằng đá”. Cụm từ “thành giếng bằng đá” có lẽ là việc diễn Nôm từ nghĩa Hán tự vừa mang cả chữ Hàn (lạnh) lại vừa mang cả chữ (bảo vệ).

Dân gian có cái lý của dân gian là vậy! Còn các văn nghệ sĩ thời nay lại luận suy về Thạch Hãn theo một nghĩa khác. Nhạc sĩ Xuân Vũ trong một sáng tác được coi là khá thành công về giai điệu, tiết tấu, thể hiện được cái hồn Quảng Trị trong dòng nhạc hiện đại và từng đạt giải thưởng âm nhạc của Hội VHNT đã hồn nhiên diễn nghĩa 2 từ Thạch Hãn đầy cảm tính như tựa đề ca khúc là “Mồ hôi đá”: “Anh ôm trong mình khối đá còn rêu xanh, từ đầu nguồn Rào Quán Đakrông, âm thầm xuôi, xuôi về nơi em cuối dòng Thạch Hãn... Có từ nơi anh nồng nàn thầm lặng, đá ơi sâu nặng mấy ngàn năm, kiên trinh như lòng người Quảng Trị, vất vả cam go đá đổ mồ hôi, đá đổ mồ hôi. Thạch Hãn, Thạch Hãn ơi! Phía ấy hướng chân trời Cửa việt, có loài hoa nở ra từ cát bạc, có cửa sông mặn muối đại dương và dòng sông mặn mồ hôi của đá”.     

Theo nghĩa chiết tự Hán - Việt, Thạch Hãn không phải là “mồ hôi đá” như nhiều người vẫn nghĩ, mà là từ để hàm chỉ con sông có nhiều ghềnh đá nổi lên dọc hai bên bờ ngăn cản dòng chảy. Chữ THẠCH () nghĩa Hán là đá, chữ HÃN () nghĩa Hán là mạnh tợn, hung tợn, ương bướng, cản trở; tự dụng gọi là “hãn nhiên bất cố”; lại có nghĩa là bảo vệ, gìn giữ. Bởi thế nên trên hành trình từ thượng nguồn về xuôi, dọc hai bên bờ có nhiều tên làng mang nghĩa của đá, như: Trinh Thạch, Đá Nằm/Na Nẫm, Đá Nổi, Thạch Xá, Đá Đứng, Thạch Hãn, Lập Thạch.

Tất cả các văn tự viết bằng chữ Hán có liên quan đến tên sông Thạch Hãn của các làng trong vùng đều viết chữ Hãn () theo nghĩa là ương bướng, cản trở chứ không viết chữ Hãn () theo nghĩa mồ hôi.

Sách “Đồng Khánh địa dư chí lược” duy danh định nghĩa về sông Thạch Hãn rằng: “Một dòng sông lớn từ phường Mai Lĩnh ở thượng nguồn chảy xuống về phía bắc đến địa phận xã Thạch Hãn, rải rác từng đoạn có những ghềnh đá chắn ngang dòng, cho nên gọi là Hãn Giang (12)

Các nhà địa chí triều Nguyễn luận về sông Thạch Hãn rằng: “Xét: Sông này nguồn rất xa, nước trong và ngọt, ngạn ngữ có câu rằng: Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh hương diệc thị cam lễ. (Nghĩa là: Chẳng phải xạ hương, long não thì cũng trầm hương, đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ). Câu ấy cực tả phẩm chất của nước(13). Sách “Nhất thống dư địa chí” thời Gia Long ca ngợi sự trong và ngọt của nước sông Thạch Hãn bằng câu:

Chẳng thơm cũng vốn bạch đàn

Chẳng trong vốn nước sông Hàn (Hãn) chảy ra(14).

Trong dân gian vùng Thạch Hãn lại lưu truyền câu ca này dưới dạng biến thể:

 

 

Chẳng thơm cũng thể hương đàn

Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.

Chính vì thế, “bản triều Minh Mệnh thứ 17 đúc cửu đỉnh, khắc tượng vào Thuần Ðỉnh; năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá bắc tuần qua sông này có thơ đề vịnh; năm Tự Ðức thứ 3 liệt vào điển thờ(15). Khi cho khắc hình Thạch Hãn giang trên Thuần đỉnh, hình ảnh được thể hiện là một dòng sông với những bờ đá lởm chởm ngang bướng cản dòng.

Với ý nghĩa chiết tự và từ trên thực tế, Thạch Hãn giang nên hiểu là một con sông hung tợn, có nhiều đá cản trở, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của thuyền bè. 

Phong cảnh đôi bờ Thạch Hãn hữu tình và dòng nước Thạch Hãn trong xanh đã trở thành đề tài cho nhiều văn sĩ ngày trước để tâm đến. 

Nhà thơ Nguyễn Khuyến nhân đi qua một chiều Thạch Hãn đã tức cảnh:

“Thạch Hãn giang lưu nhất trạo hoành

Thạch hà yểm ái viễn sơn minh

Tây phong hà xứ xuy trần khởi

Bất tự niên tiền triệt để thanh” 16.

(Thạch Hãn ngang dòng chèo một mái

Ráng chiều lấp loáng rặng núi xa

Gió tây đâu cuốn bụi dồn

Nước trong thấu đáy nay còn nữa đâu).

Nhà thơ Tương An cũng đã viết:

“Danh cao lạn xạ Kim Lung tửu

Sắc tối thanh trừng Thạch Hãn than”.

(Chén rượu Kim Lung hương ngát đậm

Bãi sông Thạch Hãn nước trong veo).

Như vậy, sông Thạch Hãn có nguồn gốc địa danh từ tên làng Thạch Hãn. Tên Thạch Hãn xuất hiện từ thế kỷ XVI - XVII và được các nhà Nho diễn nghĩa Hán tự từ ghồ đá cản dòng trên sông, đoạn đi qua làng Thạch Hãn. Trước đó, khi làng Thạch Hãn còn mang tên là Thạch Hàn/Đá Hàn thì sông được gọi là sông Đá Hàn. Vì thế, dân gian gọi là Nguồn Hàn. 

Sông Hãn cường ngạnh, kiên trinh, không chịu phục tùng tự nhiên hay chính nó cũng đã tạo nên tính cách của con người Quảng Trị (?!). (16)

 

 8 Ðại Việt sử ký toàn thư, tập 1. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Văn hoá Thông tin. 2004, tr. 788.

 9 Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 109. 

 10 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðaị Nam thực lục chính biên, tập XI. Nxb Sử học. Hà Nội, 1962, tr. 250.

 11 Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Phan Đăng dịch và chú giải. Nxb Thuận Hoá - Trung tâm ngôn ngữ đông tây.  Huế, 2003, tr. 350 - 351.

 12 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí lược. Sđd, tr. 1388.

 13 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí. T1. Sđd, tr. 147

 14 Lê Quang Định. Nhất thống dư địa chí. Phan Đăng dịch và chú giải. Nxb Thuận Hoá, Huế, 2005, tr. 111.

15 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí. Sđd, tr. 148. 

16. Nguyễn Khuyến. Thạch Hãn giang. Thơ văn Nguyễn Khuyến. Nxb Văn học. Hà Nội, 1971.

 


READ MORE - SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 3/3) - Yến Thọ