Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 9, 2023

NGŨ XUẤT KỲ SƠN - Tam Quốc Chí ngoại truyện của Chu Vương Miện



Để cho cuộc Bắc Chinh kỳ này cho được vẹn toàn, Tướng phụ Khổng Minh Gia Cát Lượng góp ý với Hậu Chúa Lưu Thiện là mở một cuộc họp khoáng đại giữa hai bên, một là Ba Thục hai là Đông Ngô cùng hợp tác lao động, hợp đồng đánh úp tập thể quân Tào Ngụy, chơi một ván bài xả láng, rồi cho toàn quân giải ngũ không thèm đánh với chác nữa. Vốn là vua gật, nên tướng phụ nói gì là ô kê nấy. Cuộc họp song phương Ngô Thục diễn ra rất là hoành tráng bánh tráng ở Kinh Châu. Vua cậu là Tôn Quyền thì cũng có vẻ già nua, đi có người dẫn dắt, vua cháu là Lưu Thiện "tên cúng cơm là Ả Đẩu" thì toàn người bình thường, chỉ duy cái cần cổ là to mà thôi? Vì làm vua nhưng đại quyền trong tay tướng phụ nên chỉ only gật mà gật nhiều quá xá, nên bộ phận cổ phát huy và to ra. 

Bên Đông Ngô ngoài Ngô đế  ra còn có Gia Cát Cẩn, đô đốc Lục Tổn, Hàn Đương, Châu Thái , Giả Hoa... Bên Ba Thục thì ngoài Thục Đế còn có Khổng Minh, Khương Duy, Ngụy Diên, Mã Đại và Triệu Tử Long. Mở đầu Tướng Phụ Gia Cát Lượng có lời chúc phúc cho cả hai nhà Ngô Thục keo sơn gắn bó, đồng cam cộng khổ, hợp tác lưỡng lợi hai nhà như một. Kỳ này cũng mong đại cáo thành công như trận Xích Bích thủa ngày xưa. 

Sau đó thì Đế Ngô Tôn Quyền nói:
- Thời trước xưng đế thì còn ngon lành chớ cái thời buổi bây giờ xưng đế cũng chả khác gì Đế Guốc Đế Giầy Đế Dép, nhưng thiên hạ ba chân đỉnh, mà Tào Ngụy đã xưng đế thì chúng ta  có ngán thằng Tây nào đâu mà không dám xưng?  Thú thực thanh bình nhiều năm, Trẫm cũng chán chiến tranh lắm lắm rồi. Mấy chục năm về trước, cũng nhờ cái Kế Sách "Di Tản Chiến Thuật" của Tào Tháo, cho rã ngũ tập thể một lúc 60 vạn quân. Bao nhiêu chiến thuyền phần cháy phần tặng lại cho Đông Ngô, các tướng lãnh chia nhau dùng làm du thuyền thuyền đánh cá. Đông Ngô cũng cấp kỳ cho giải ngũ tức thì một nửa quân số, cho về tự do sinh nhai đánh cá làm thuyền chài, kéo xe, khuân vác và mở quán thịt chó. Bây giờ có giở trò đánh nhau thì trăm sự vạn sự nhờ cậy Quân Sư Gia Cát Lượng chủ sự lo liệu điều động giùm. 


Biết là có từ chối cũng không được, nên chẳng đặng đừng tướng gia bèn móc trong người ra một tấm bản đồ Chung Quốc Con Gà lòi thu nhỏ lại đặt gọn gàng trên chiếc bàn bầu dục và lấy tay chỉ chỏ phân bố ra như sau:
- Liên quân Ngô Thục, nhưng phần ai nấy uýnh. Phần Đông Ngô chịu hai mặt trận, một lộ quân từ Tỉnh Hồ Nam thông qua Ngũ  Đại Hồ đánh thẳng vào Phàn Thành và Tương Dương, hai là một lộ quân có sẵn  từ Kinh Châu tức là một nửa tỉnh Hồ Bắc, hai lộ quân này nhập chung làm một, tiến công thẳng một lèo vào Lạc Dương Tỉnh Hà Nam tức Hứa Đô tên cũ là Đông Đô. Thắng được là đạt yêu cầu chiến trường đủ để chia đôi thiên hạ rồi.  Phần còn lại sẽ do quân Ba Thục đảm trách, nói xong thì ban hậu cần mang đồ ăn lên cho vua quan bồi dưỡng lão rồi phân lịch cộng tác ngày xuất quân rồi hai bên Ngô Thục chia tay ai về nhà nấy.
 
*
Bà Con nhà Ba Thục cũng tức thời chia tay. Về tới biên giới nhà, tướng phụ Khổng Minh Gia Cát Lượng cho mời họp giao ban ngay tức thời. Tướng gia nói :
- Chúng ta chia quân làm ba hướng, đánh thẳng vào Thiểm Tây tức Trường An Tây An [cựu kinh đô]. Khổng Minh đưa ra một lệnh tiễn cho Tả tướng Triệu Vân và phó tướng Đổng Chi một Phương Diện Quân gồm có 35 ngàn quân bộ, từ Tứ Xuyên mượn đường Cam Túc đánh thẳng vào Thiểm Tây bằng mọi cách chiếm cho được Kỳ Cốc. Tiền tướng quân Ngụy Diên cũng một Phương Diện Quân 35 ngàn quân sĩ đánh từ miệt Trùng Khánh, men theo biên giới tỉnh Hà Bắc tức Kinh Châu cũ theo lộ Tà Cốc ngả Âm Bình tức là Hang Tý Ngọ đánh thẳng vào My Thành của Thiểm Tây, còn bổn thừa tướng một Phương Diện Quân gồm 30 ngàn quân còn lại cùng Trâu gỗ Ngựa máy, trụ từ Kỳ Sơn đánh thẳng hai nèo vào Hán Trung tức là phần địa đầu của tỉnh Thiểm Tây. Ba Phương Diện Quân tùy theo chiến trường mà uýnh, không có quân trừ bị, tức là đánh tử thủ, không có ai tiếp viện có sao đánh vậy, tự mình lo liệu cho mình. Các lộ quân lo thu xếp quân trang quân dụng vật tư vật công thực phẩm cùng Trâu gỗ Ngựa máy, đầu tháng tư này xuất quân đồng bộ một lượt.

*
Hai Lộ quân của Đông Ngô, một từ Hồ Nam theo Ngũ đại Hồ đổ bộ lên Phàn Thành, Tương Dương thì bị bão làm chìm gần hết các chiến thuyển. Giờ thì binh sĩ và tướng lãnh cũng đang mò Hoa Thạch Cương dưới đáy hồ mà cải thiện. Lộ quân còn lại ở Kinh Châu thì cũng bị kẹt cứng ngắt ở ải địa đầu tỉnh Hà Nam. 

Còn quân Ba Thục thì Phương Diện Quân của Triệu Vân và Đình Quát bị chặn lại ngay cửa ải Kỳ Cốc, chỉ có một con đường duy nhất là thoái. 
Phương Diện Quân thứ hai của Tiền tướng quân Ngụy Diên thì kẹt cứng ở Tà Cốc không cục cựa chi được, chỉ còn một đường binh duy nhất là Chẩu. 
Lộ quân của Tướng gia đến Kỳ Sơn đúng nửa tháng "15 ngày" không thấy quân sĩ của Tào Ngụy nghinh chiến, phải cho lính Dân Sự Vụ đi loa trong làng xóm và Đài Phát Thanh cùng đài Truyền Hình cho đọc Thông Cáo và Thông Chồn của Tướng Phụ Khổng Minh Gia Cát Lượng, nhắc chừng chừng là quân Ba Thục Ba Vạ đã tiến sát biên giới Hán Trung, yêu cầu Tào Ngụy cho quân ra chống lại đỡ lại. 


Ngày thứ mười sáu mới thấy cờ Đại đô Đốc bay phất phới trên lâu thành, kèm theo một băng đờ rôn chữ đỏ choét "cung hỉ Tướng Phụ Khổng Minh Gia Cat Lượng cát tường". Thế rồi cái chính Kế sách quen thuộc rất dễ ghét là Thùng Thủ [theo bài Xập Xám Chướng], hai bên không đụng độ thì thôi, nếu bên Ba Thục Ba Vạ tiến công vào chân tường thành thì lính Tào Ngụy ở trên thành cứ đá tảng, đá cục, gạch ngói vôi bột quăng xuống. Nếu ở dưới rút lui thì ở trên thành cho lệnh ngừng ngay. Cuộc chiến cù nhầy bao nhiêu năm cũng chỉ có một chiêu thức đó, diễn đi rồi diễn lại Chờ cho tới cái ngày mà quân Ba Thục Ba Vạ hết lương, hết gạo là a lê hấp rút lui có trật tự, cho kẹo cũng không dám ở lại đánh nữa. 

Cái lịch trình của Tướng Gia thì Tư Mã Trọng Đạt thuộc nằm lòng, một tháng chuyển quân, một tháng ở lại Kỳ Sơn đánh chác vớ vẩn câu giờ. Sau đó là chẩu. Thế là Đại Đô Đốc Tư Mã Ý phóng ngựa qua bên doanh trại của tướng phụ Khổng Minh xin vào yết kiến, một phó tướng đưa đại Đô Đốc vào. 

Thi lễ xong phân ngôi chủ khách chưa có trà nước chi thì Đại Đô Đốc nói thẳng thừng:
- Chuyện binh gia làm nhọc lòng Tướng Phụ quá đi mất. Cũng may có tướng gia mang quân ra Kỳ Sơn, nên chúa Tào Ngụy  mới kêu Tại Hạ tái ngũ và mang quân ra Kỳ Sơn cấp kỳ đốc chiến. Tại hạ về hưu non tính ra thì cũng trên 12 năm rồi, hiện tại có mang theo trong quân vài ngàn dật vàng, để ngay chiều nay sẽ cho người mang sang cho tướng gia dùng để mua thực phẩm gạo nước cho binh sĩ, hầu đủ điều kiện ở lại Kỳ Sơn thêm một tháng nữa, chứ đi và về ngay mất sức lao động quá.
 
Tướng phụ Khổng Minh Gia Cát Lượng mỉm cười hỏi:
- Có ý đồ ý đạc gì thì nói nghe chơi?
- Tướng phụ ở thêm một tháng, để Trọng Đạt mỗ có thời gian chuẩn bị Đảo Chánh Họ Tào, dẹp cha nó cái nhà Ngụy, lập ra cái nhà khác, chỉ có thế thôi. Chứ bây giờ Tướng phụ rút quân về Thành Đô, Tư Mã Ý mỗ mang đại quân về trào, Tào Duệ Ngụy lại cho Tư mỗ Phục viên để đuổi gà cho vợ thì đến cái thủa nào mà có binh quyền trở lại, thôi thì thà mình phụ người còn hơn là để người phụ mình.
 
Chu Vương Miện

READ MORE - NGŨ XUẤT KỲ SƠN - Tam Quốc Chí ngoại truyện của Chu Vương Miện

ĐỌC BÀI THƠ MÙA ĐÔNG “ĐI VỀ NƠI ĐÂU” CỦA THH - Châu Thạch


Nhà bình thơ Châu Thạch

Vừa ăn tết xong, lòng đang vui khi đọc được bài thơ “Mở Cửa Trái Tim” của bạn tôi, nhà thơ Bụi Đời Trần Thoại Nguyên, tôi liền viết được ngay bài cảm nhận cho “Mở Cửa Trái Tim” ấy.
 
Sáng nay, nắng hồng xuân làm ấm áp bầu trời. Trong niềm cảm xúc thú vị đầu năm đó, tôi lại vui thêm khi tình cờ đọc được bài thơ không phải viết về mùa xuân mà ngược lại viết về mùa đông, không phải là của bạn tôi mà là của một người tôi chưa quen biết, thấy tên facebook là Tuy Hoa Huynh và bút hiệu đề dưới thơ là THH.
 
 Nằm giữa mùa xuân, trong căn phòng xuân, lại đọc được thơ hay về mùa đông không khác gì ta vừa uống ly chanh đường lạnh, vừa thưởng thức hương mùa xuân tràn trong không khí.
 
                      Nhà thơ Tuy Hoa Huynh
 
Bài thơ đem cho tôi niềm vui của THH như sau:
 
 ĐI VỀ NƠI ĐÂU
 
Ngồi lại đây nghe lòng bối rối
Khóc thương ai ướt cả phố buồn
Mây vần vũ, gió không ngừng thổi
Trút xuống đời lắm nỗi tang thương.
 
Ngồi xuống đây chờ cơn mưa tạnh
Mưa mùa đông gió bấc se lòng
Trăng Hàn giang có còn tỏa sáng
Bến giang đầu hai bóng soi chung.
 
Ta ngồi xuống nhìn tầng mây thấp
Hỏi tri âm biết nẻo mô tìm?
Sóng đời vỗ cuộn tròn một kiếp
Đi về đâu giữa sóng triều lên!
                  
                                  THH
                          Cuối đông 2022
 
 Đây là bài thơ viết về một cơn mưa mùa đông bên bờ sông Hàn, Thành phố Đà Nẵng đã níu chân tác giả ngồi lại đâu đó chờ cơn mưa tạnh. Bài thơ viết ngay trên thành phố tôi đang ở, nơi tôi đã từng đi bách bộ sáng chiều, và cũng đã từng nhiều lần ngồi lại chờ cơn mưa qua, làm sao không đánh động con tim tôi được? Hơn nữa bài thơ thì mang tâm trạng buồn nhưng nỗi buồn chỉ như một cơn mưa rào lướt qua, làm khơi động suy tư của tác giả về kiếp nhân sinh, cũng giống y như tiếng lòng tôi mỗi khi ngồi bên bờ sông Hàn nhìn trời mây ảm đạm.
 
Ở khổ thơ đầu tiên tác giả tả cơn mưa rất lớn như “Khóc thương ai ướt cả phố buồn” và kéo đến bất ngờ “Mây vần vũ, gió không ngừng thổi” đã kìm toả bước chân khách, đã năng lưu khách phải “Ngồi lại đây nghe lòng bối rối”. Ba câu thơ là tiền đề, thân đề để đưa đến một kết luận ở câu thứ tư giống như tứ tuyệt Đường thi, nhưng không phải Đường thi, vì đọc không thấy có gì gò bó như Đường thi cả: “Trút xuống đời lắm nỗi tang thương”. Thật ra cơn mưa không đến nỗi trút xuống đời những nỗi tang thương nhưng từ cơn mưa tác giả liên nghĩ đến những phong ba bão táp trong đời.
 
Khổ thơ thứ hai tác giả mới viết về mình, mới tâm sự về một mối tình mà hai đứa đã từng ngồi chung soi bóng xuống bến sông:
 
Ngồi xuống đây chờ cơn mưa tạnh
Mưa mùa đông gió bấc se lòng
Trăng Hàn giang có còn tỏa sáng
Bến giang đầu hai bóng soi chung
 
Câu thơ thứ tư “Bến giang đầu hai bóng soi chung” có thể hiểu là hai người ngồi tại một bến nước nào đó ở đầu con sông Hàn, nhưng cũng có thể hiểu “bến giang đầu” chỉ là một ẩn dụ chỉ sự đoàn tụ ngày trước mà tác giả lấy ý từ 4 câu thơ trong bài thơ “Trường Tương Tư” thời xưa của Lương Ỷ Nương:
 
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
 
Dịch:
 
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông Tương.
 
Tác giả THH có thể vô tình, có thể cố ý dùng chữ “Bến giang đầu” nhưng dầu vô tình cố ý thì câu thơ cũng cho ta liên nghĩ bài thơ ly cách tuyệt hay thời xưa lồng trong cuộc tình chia hai ngả thời nay, làm cho ý thơ chứa đầy thi vị. Khổ thơ còn lồng “Trăng Hàn giang” giữa cơn mưa, đưa tâm trí mơ màng quay về quá khứ rất nên thơ và rất lảng mạn. Đây là một khổ thơ thổ lộ cuộc tình, diễn tả nội tâm vừa trọn ý, vừa êm ái buồn, vừa chứa chan cảm xúc.
 
Khổ cuối bài thơ là một suy nghiệm cuộc đời hơn là một lời tâm sự:
 
Ta ngồi xuống nhìn tầng mây thấp
Hỏi tri âm biết nẻo mô tìm?
Sóng đời vỗ cuộn tròn một kiếp
Đi về đâu giữa sóng triều lên!
 
Nhà thơ ngồi lại trong cơn mưa, bối rối vì cơn mưa ngăn lối về, nhưng rồi cơn mưa buồn làm nhà thơ nhớ đến cuộc tình, cuộc tình buồn làm nhà thơ suy nghiệm đến kiếp sống, kiếp sống không biết “Đi về đâu giữa sóng triều lên!”. Sóng triều là sóng triều của cuộc đời như sóng triều của Hàn giang đang lên mà cũng như sóng triều ưu tư đang dâng lên trong lòng tác giả, nó cũng đang dâng lên trong chính bài thơ nhờ nghệ thuật sáng tác của nhà thơ.
 
Cả bài thơ từ câu đầu đến câu cuối như từng đợt sóng triều lên xô vào bờ, vỗ vào chân người “Ngồi lại đây nghe lòng bối rối”“Ngồi xuống đây chờ cơn mưa tạnh” để suy tư và thấy mình bơ vơ đến độ không biết “Đi về đâu giữa sóng triều lên!”. Tiếng thơ nhẹ nhàng, buồn man mác, mang cuộc tình chia biệt và nỗi đời lạc lỏng bơ vơ, nhưng hay vì không cần một giọt nước mắt nào vẫn thẩm thấu cơn mưa se lạnh vào tâm hồn người đọc!
 
Tôi là người đi tìm thơ hằng ngày, lang thang trên mạng như những người đi tìm hoa trong các vườn để ngắm. Hoa đẹp thì nhiều nhưng hoa để mình thích thì ít. Vả lại hoa mình yêu không phải người khác cũng yêu, có khi người khác vừa chê vừa ghét. Vậy hoa nào tôi yêu thì tôi ngắm tôi khen. Cũng thế, thơ nào tôi cảm xúc thì tôi viết cảm nhận tôi bình. Ước mong những điều tôi viết không nghịch ý nhiều người, đó là niềm vui tôi hằng mong ước!
                                                   
Châu Thạch
 
READ MORE - ĐỌC BÀI THƠ MÙA ĐÔNG “ĐI VỀ NƠI ĐÂU” CỦA THH - Châu Thạch

BẾN NẮNG – Thơ Tịnh Bình


 
                 Nhà thơ Tịnh Bình


BẾN NẮNG
 
Vàng hoa cải níu xuân vào bến nắng
Tháng Giêng trong ngọt mật ánh nhìn
Sông lơi lả khép hờ yếm thắm
Trộm nhìn ong tình tự với nàng hoa
 
Lặng lẽ lòng tràn ngập khúc bình ca
Bức tranh Giêng thơm nồng hương hoa cải
Hờ hững dáng đò nằm im gối bãi
Chuyến đò chiều vãn khách hàn huyên
 
Vài cánh én giữa trời xanh thơ thẩn
Mùa yên vui mây gió nắng giao hòa
Xuân quê hương thanh bình xứ sở
Đất mẹ bao dung muối mặn cay gừng
 
Rồi chút nữa mùa thành sương khói
Biệt xuân nồng lưu luyến tình vương
Vàng hoa cải bến sông quê hắt nắng
Trĩu nặng chuyến đò hình bóng quê hương...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - BẾN NẮNG – Thơ Tịnh Bình

ĐẦU NĂM ĐỌC “MỞ CỬA TRÁI TIM” THƠ TRẦN THOẠI NGUYÊN – Châu Thạch


           
                      Châu Thạch và Trần Thoại Nguyên    

Suốt những ngày tết Quý Mão trời mưa lạnh, tôi nằm đọc thơ. Có lẽ một phần bị ảnh hưởng thời tiết làm tâm trí không phấn khởi, một phần không tìm thấy bài thơ nào gây cảm xúc bắt buộc tôi ngồi dậy để viết, nên tôi để cho lảng phí thời gian. 

Sáng nay, 12 tháng 1 Quý Mão, nhà thơ Trần Thoại Nguyên gắn thẻ vào trang facebook của tôi bài thơ “Mở Cửa Trái Tim” có mãnh lực làm cho tôi cảm tác đươc một bài thơ sáng tác nhanh để comment dưới bài thơ của ông và buộc tôi phải trổi dậy để viết hầu “mở cửa” cho cảm xúc lòng mình bay đi, biết đâu cũng làm lan toả niềm vui trong tôi đến một đôi người.

Đọc khổ thơ đầu của “Mở Cửa Trái Tim” ta đã thấy tình yêu, thiên nhiên và con người hoà hợp với nhau nhuần nhuyễn đến độ như mùa xuân đã chín, ngào ngạt hương hoa trong tâm hồn thi sĩ:

Anh mở cửa Trái Tim cùng Xuân Mới
Nắng hoa hương theo gót ngọc Em về,
Bờ ảo mộng trần gian anh vẫn đợi
Tấm lòng son cây lá cỏ vườn quê.
 
Cả khổ thơ đưa mùa xuân vào hồn ta một cách êm ái. Câu Thơ “Nắng hoa hương theo gót ngọc em về” làm tôi nhớ ngay đến bốn câu thơ trong bài thơ “Áo Trắng” của Huy Cận:
 
“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong
Hôm qua em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến, 
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng”
 
Khổ thơ của Huy Cận tả được tà áo và bước đi của em. Sự liên tưởng từ khổ thơ nầy qua khổ thơ của Trần Thoại Nguyên cho ta hình dung được bước đi, dáng dấp, nhịp đập con tim của chàng và không gian, thời gian đọng lại trong phút giây em đến.
 
Qua khổ thơ thứ hai của “Mở Cửa Trái Tim” ta thấy Trần Thoai Nguyên bày tỏ quan niệm sống của mình: Sống yêu, sống vui, sống thật và sống hết mình:
 
Dù năm tháng phôi phai râu tóc bạc
Với nhân gian anh vẫn nở nụ cười
Vui khoảnh khắc trong lòng tay vạn vật
Sống mỗi ngày cạn chén Tình Yêu ơi!
 
Đọc khổ thơ nầy tôi lại nhớ đến bài thơ “Phụng Hiến” của Bùi Giáng có những câu thơ sau:
 
“Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao”
 
Sự liên tưởng từ khổ thơ thứ hai của “Mở Cửa Trái Tim” đên bài thơ “Phụng Hiến” của Bùi Giáng cho ta thấy tâm hồn hai nhà thơ hoà hợp trong cùng một nhịp đập, họ yêu trần gian đến độ phụng hiến tất cả, dầu đã “phôi phai tóc bạc”, dầu “còn một ngày”“còn một đêm” thì họ vẫn “cạn chén tình yêu”, vẫn “cánh mộng còn tung lên không ngại/ Níu trời xanh tay với kiễng chân cao” nghĩa là họ phụng hiến cho đời đến phút cuối cùng.
 
Khổ thơ thứ ba của “Mở Cửa Trái Tim” mở ra khung cảnh một thiên đàng hạnh phúc tuyệt vời:
 
Em yêu hỡi! Chim rừng ca lảnh lót
Ngàn bướm ong bên suối mộng dập dìu
Bao dưỡng chất của trần gian mật ngọt
Vườn địa đàng mầu nhiệm ngát hương yêu!
 
Đây là cảnh tiên trong trần gian, là dự phóng về một khung trời mà đôi uyên ương sẽ sống. Khung trời mơ ước đó khó có ở đời này nhưng nhà thơ có quyền mộng mơ, có quyền cho hồn mình bay theo đàn bướm trong tâm tưởng đến “suối mộng dập dìu”, đến “vườn địa đàng mầu nhiệm” để làm cho bài thơ thành viên ngọc lưu ly phụng hiến cho em, phụng hiến cho đời và phụng hiến cho chính tình yêu xây nên sự huyền mơ trong lòng tác giả.
 
Cuối cùng Trần Thoại Nguyên một cách kín đáo đã thờ phượng em trong khổ thơ chót:
 
Anh mở cửa Trái Tim ngày Chúa Nhựt
Ngày mặt trời, đêm lộng lẫy trăng sao
Em rón rén phút thần tiên duy nhứt
Mộng tình mình vây bọc bởi chiêm bao!
 
Ngày Chúa Nhựt là ngày thờ phượng Chúa, Trần Thoại Nguyên mở cửa trái tim ngày Chúa Nhựt là cách nói bóng gió em là chúa của lòng anh.
 
Trần Thoại Nguyên cũng thổ lộ vào giây phút cuối “mộng tình mình vây bọc bởi chiêm bao”, nghĩa là em có thật hay em chỉ là tưởng tượng thì không biết, nhưng toàn bộ bài thơ chỉ là ao ước, chỉ là mộng mơ, chỉ là chiêm bao để cho anh tự mình mở cửa trái tim anh, chắc là trái tim đang cô đơn giữa mùa “Xuân Mới”
 
Đây là một bài thơ đầu năm gây nhiều cảm xúc trong lòng tôi, cảm xúc vì tình yêu trong thơ thánh thiện, ý tứ trong thơ lảng mạn đến vô cùng, âm thanh trong thơ trong veo thánh thót, và tình yêu trong thơ quyến luyến đến vô biên. Bởi thế tôi phải viết và phải viết ngắn vì chữ nghĩa trong tôi đã bị bánh tết làm vơi đi gần hết!
                                                                    
                                                         Châu Thạch
 
 
MỞ CỬA TRÁI TIM
 
Anh mở cửa Trái Tim cùng Xuân Mới
Nắng hoa hương theo gót ngọc Em về,
Bờ ảo mộng trần gian anh vẫn đợi
Tấm lòng son cây lá cỏ vườn quê.
 
Dù năm tháng phôi phai râu tóc bạc
Với nhân gian anh vẫn nở nụ cười
Vui khoảnh khắc trong lòng tay vạn vật
Sống mỗi ngày cạn chén Tình Yêu ơi!
 
Em yêu hỡi! Chim rừng ca lảnh lót
Ngàn bướm ong bên suối mộng dập dìu
Bao dưỡng chất của trần gian mật ngọt
Vườn địa đàng mầu nhiệm ngát hương yêu!
 
Anh mở cửa Trái Tim ngày Chúa Nhựt
Ngày mặt trời, đêm lộng lẫy trăng sao
Em rón rén phút thần tiên duy nhứt
Mộng tình mình vây bọc bởi chiêm bao!

Trần Thoại Nguyên
READ MORE - ĐẦU NĂM ĐỌC “MỞ CỬA TRÁI TIM” THƠ TRẦN THOẠI NGUYÊN – Châu Thạch