ĐỌC THƠ TÌNH TRÚC THANH TÂM
Châu
Thạch
|
Nhà thơ Trúc Thanh Tâm |
Nhà thơ Trúc Thanh tâm không
những là một cây bút kỳ cựu mà còn là một cây bút dồi dào bút lực. Thơ Trúc
Thanh tâm hiện nay được đăng trên rất nhiều trang web văn học trong và ngoài
nước. Dẫu Trúc Thanh Tâm tư duy nhiều khía cạnh của đời nhưng viết ở đề tài nào
thì hồn thơ cũng dạt dào và ấm áp. Sự trẻ trung trong thơ Trúc Thanh Tâm không
mất, dầu được sáng tác ở độ tuổi nào. Đặc biệt thơ tình yêu của tác giả khi đọc
ta có thể ví như bước vào một vùng thời tiết bốn mùa giao hợp. Bởi vì cái buồn,
cái vui trong thơ đều toả ra ngan ngát hương thơ êm ái, giống như trăng gió của
bốn mùa hoà quyện trong tâm hồn.
Ta hãy nghe Trúc Thanh tâm nói về mộng của
mình:
Trăm năm mộng gởi vào mơ ước
Đời cứ bềnh bồng mây trắng bay
(Tháng Chạp)
“Trăm năm mộng” đồng nghĩa với
mộng không thành.
“Đời cứ bềnh bồng” đồng nghĩa với
đời phiêu du.
Ta không tìm thấy nỗi khắc khỏai,
ưu tư, phiền muộn trong hai câu thơ nầy. Ta lại tìm thấy sự bình an khi đem
mộng gởi vào mơ ước suốt một đời vì nó không thức dậy bao giờ để thấy mộng tan
hoang. Ta lại tìm thấy vẻ đẹp của cuộc đời bềnh bồng trong “mây trắng bay". Dầu
phải chịu phủ phàng đến độ nào, mức độ lạc quan không bao giờ nhạt nhoà trong
thơ Trúc Thanh Tâm.
Bây giờ ta hãy Nghe Trúc Thanh
Tâm diễn tả nỗi nhớ trong thơ:
Thuý Đài, hương thơm hơi thở
Thơ ta dìu dặt hồn em mưa
Em treo đời ta nỗi nhớ
Đễ tình lơ lững trăng khuya
(Thuy Đài Sơn)
Đọc bốn câu thơ nầy ta thấy gì?
Ta thấy nỗi nhớ của tác giả đang nằm trên Thuý Đài và ở giữa trăng khuya. Ta
thấy gì nữa? Thấy mưa dưới trăng đẹp và nên thơ như hồn em. Tất cả khung cảnh
đó đã làm cho “Thơ ta dìu dặt”. Bốn câu thơ nầy gợi cho ta là hình ảnh không
gian bao la ôm ấp cả một tâm hồn thơ trong nỗi nhớ nhung. Tâm hồn thơ nhớ nhung
đó không đắng cay, không rên rỉ mà thành thơ “dìu dặt trong hồn em mưa”. Ở đây
tác giả đồng hoá mưa và trăng khuya, biến không gian như có hồn, nhân cách hoá
không gian ở Thuý Đài có hơi thở thơm hương. Đọc bốn câu thơ nầy tôi liên tưởng
đến hai câu thơ “Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân/ Vẽ non xa tấm trăng gần ở
chung” trong Thuý Kiều. Hai khung cảnh xưa và nay đều giống nhau ở chổ bầu trời
cao rộng treo nỗi nhớ và nỗi nhớ trong lòng toả ra mênh mông. Như thế thơ đã
nhập tâm hồn người vào vũ trụ và biến nỗi đau thành cái đẹp giữa khuya.
Để tả người con gái mình yêu, Trúc
Thanh Tâm đã viết:
Em thần tiên áo lụa
Ánh nắng ấm phía vườn
Trái tim em chín mọng
Hương toả, lòng anh thơm
(Đầu Mùa)
Ta thấy em ở đây không cao sang,
không làm cho chim sa cá lặn mà em ở đây được đồng hoá với vườn cây. Cách miêu
tả nầy không cho ta thấy em mà chỉ thấy vườn cây thì biết cả tâm hồn em và nhan
sắc của em. Hãy đọc bốn câu thơ trong “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa “Nắng Sài
Gòn em đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô
cùng/ Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng”; rồi đọc tiếp “ Em thần tiên áo lụa/
Ánh nắng ấm phía vườn/ Trái tim em chín mọng/ Hương toả, lòng anh thơm” thơ của
Trúc Thanh Tâm, ta sẽ thấy rằng hai thiếu nữ nầy cùng mặc áo lụa mà cốt cách
khác nhau xa. Cô gái của Nguyên Sa thì vô cùng đài các, tà áo lụa che cả bầu
trời Sài Gòn. Ngược lại, cô gái của Trúc Thanh Tâm chỉ là hương thơm lan toả
trong khu vườn. Trúc Thanh Tâm phác họạ người mình yêu rất bình thường nhưng ấm
ấp, thơm tho và trái tim thuỳ mị, nghĩa là Trúc Thanh Tâm vẽ cả nhan sắc và vẽ
cả tâm hồn cô gái. Tất cả hương hoa và sắc đẹp ấy nhà thơ thổi vào tâm hồn
người đọc chỉ bằng duy nhất một câu ngắn
gọn: “Hương toả, lòng anh thơm”.
Trên đây người viết chỉ sơ lược qua nỗi nhớ của
Trúc Thanh Tâm trong thơ tình. Trước khi bước qua nỗi đau trong thơ tình Trúc
Thanh Tâm xin lướt qua niềm vui trong thơ tình của tác giả. Xin đọc bốn câu thơ
sau đây:
Một đoàn bướm trắng tỏa ra
Anh như ngập giữa hương hoa cuộc
đời
Nắng soi mắt nhỏ tuyệt vời
Anh như đọc được những lời hồn
nhiên
(Áo em trắng quá ngày xưa)
Hình ảnh tan trường được dựng lên
như bầy tiên với tác giả là Từ Thức ngày nay. Cái cảnh đón em trước cổng trường
thì đã có trăm vạn nhà thơ viết rồi, khác chăng là ở đây Trúc Thanh Tâm dùng
chữ “bướm trắng” thay vì chữ “áo trắng” như đã thường dùng. Khác chăng là nhà
thơ dùng chữ ‘hương cuộc đời” thay vì “hương hoa của em”. Câu thơ như tả một
bầy tiên ùa ra cùng thi sĩ. Thế rồi bầy tiên biến mất để lại một người cho
“Nắng soi mắt nhỏ tuyệt vời” để “Anh như đọc được những lời hồn nhiên”. Hai câu
thơ trên là sự vỡ oà trong khung vui vẻ, hai câu thơ dưới là niềm vui cô đọng
lại giữa hai người. Anh không tự nhìn thấy mắt em mà “nắng soi” cho anh nhìn
thấy mắt em. Nắng trong mắt em thì ánh sáng long lanh thêm, cái nhìn ấm áp hơn
và sự tuyệt vời tăng lên đến độ “ Anh như đọc được những lời hồn nhiên”. Ở đây
em nói bằng mắt, anh đọc lời hồn nhiên của em trong mắt của em.
Lời thơ bình dị, ý thơ như bao
nhiêu người đã viết. Tuy nhiên, sự tinh tế có sẵn trong tâm hồn làm cho tác giả
chỉ cần phóng bút thay đổi một đôi từ thì chẳng khác chi người hoạ sĩ phóng bút
cho bức tranh rồng nằm trở thành rồng bay trước mắt.
Bây giờ hãy nói đến thơ tình đau
khổ của trúc Thanh Tâm:
Mắt xưa một thời mộng mị
Hẹn hò đến với nhớ mong
Thời gian như từng giọt lệ
Rớt mưa bong bóng phập phồng
Cánh diều lững lơ trong gió
Xanh trời mây xót xa đưa
Trăm năm rồi ngàn năm nữa
Nỗi đau cuộc sống bây giờ
( Tình gởi xa xăm)
“Mắt xưa” đi đôi với “mộng mị”.
“Hẹn hò” đi đôi với nhớ mong’, “Thời gian” đi đôi với ‘giọt lệ”, và tất cả trở
thành “ Rớt mưa bong bóng phập phồng”. Hư không, hư không, và hư không. Tất cả
tình yêu trở thành hư không, tuy chưa vỡ ra tan nát nhưng cũng chỉ là bong bóng
phập phồng. Bởi vì tác giả luôn luôn ‘Trăm năm mộng gởi vào mơ ước” nên không
đành để cho bong bóng vỡ đi, nhưng rồi bọt nước thì cũng sẽ tan ra. Giọt lệ đã
có ở trong thơ tác giả. Giọt lệ ở trong giọt thời gian nghĩa là nỗi buồn triền
miên bất tận. Cái nỗi buồn thiên thu bất tận của Trúc Thanh Tâm đẹp làm sao, nó
là “Cánh diều lững lơ trong gió/ Xanh trời mây xót xa đưa”. Trúc thanh tâm lồng
cai đẹp vào trong mọi hoàn cảnh. Cái đẹp ở trong mọi ngóc nghách của tâm hồn
thi sĩ và tánh lãng mạng làm cho hương hoa của cái đẹp bay cao, toả ra giũa
trời mây và tồn tại giữa không gian.
Ta hãy đọc tiếp một vài câu thơ
trong vườn thơ vô cùng lãng mạn của
Trúc Thanh tâm:
Thời gian đã chết mùa trăng mật
Ngàn năm mỏng mảnh dáng thu phai
Đêm nay mưa tạo bên hiên nhớ
Đọng lại hồn ta tiếng thở dài
(Mùa Trăng Mật)
Trong ngăn kéo còn đầy kỷ niệm
Em xa rồi bỏ ngỏ khung trời
( Ngày Tháng Ngọt Ngào)
Tình trắng trong nhau, tình chết
vội
Người mang thương nhớ đã đi xa
Người về ôm ấp chân mưa đỏ
Khóc lá tình xanh rụng xuống mồ!
Ngàn ước mơ chùn, mi khép lại
Như triền đau khổ dựng bên trong
Máu tim dang dở câu tình sử
Tình trắng trong nhau, trắng cả
lòng
(Một cánh hoa xưa đã rụng rồi)
|
Tác giả Châu Thạch |
Tóm lại, thơ tình thì ai cũng
viết, nhưng viết thơ tình như Trúc Thanh tâm thì cũng khó ai viết được. Trúc
Thanh tâm có một phong cách thư thái trong thư tình, giống như cô gái khi cười đã đẹp
mà khi khóc lại đẹp hơn. Đọc thơ tình của TrúcThanh Tâm ta cảm nhận được hoàn
toàn sự thổn thức của thi nhân. Song song theo đó một niềm hoan lạc cũng bao
phủ hồn ta, bởi thi tứ đượm đầy hương
của sự rung động tinh tế ở tâm hồn. Sự rung động đó trong thơ quyến luyến cả
đất trời khiến hồn ta êm dịu.
Châu Thạch