Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 23, 2021

MƯA GẦN SÁNG – Thơ Tịnh Bình





MƯA GẦN SÁNG
 
Trăng sao đi mất hút rồi...
Cơn mưa gần sáng
đơn côi
giữa trời
 
Phố phường im lặng chơi vơi
Đèn vàng
hứng giọt mưa rơi
ướt nhòa
 
Cụ già vé số co ro
Mái hiên nép vội
tràng ho
thay lời
 
Bao giờ ngừng giọt mưa ơi
Người trong chăn ấm
thương người
mưu sinh
 
Vội vàng mở một bình minh
Mưa gần sáng
có thình lình
ngừng rơi...?!
 
                        TỊNH BÌNH
                          (Tây Ninh)
 
READ MORE - MƯA GẦN SÁNG – Thơ Tịnh Bình

THƠ VỀ DỊCH COVID CỦA VĂN THIÊN TÙNG


 


THẢM KỊCH NGƯỜI - BÀI HỌC TA
 
Nhìn sang Ấn chỉ dăm tuần trước
Lễ hành hương tắm nước sông Hằng
Nguyện cầu Thánh bậc toàn năng
Tín đồ chen lấn biết chăng điều nầy
 
Dịch Co vít đó đây bùng khởi
Biến thể nầy dạng mới chớ khi
Lây lan nhanh chóng vậy thì
Càng nên cảnh giác khinh khi họa vào
 
Nhìn thảm cảnh ngán ngao bão dịch
Chúng ngang nhiên hành thích bao người
Vật tư y tế kiệt rồi
Dàn thiêu thiếu củi không nơi ngúm người
 
Bởi khinh suất nên thời vỡ trận
Để dịch trùng quyét tấn tả tơi
Bài học nước Ấn nhớ đời
Thảm kịch nhắc nhở ai ơi nằm lòng
 
Nhìn lại nước canh phòng nghiêm ngặt
Từng đường biên giữ chặt không lơi
Thế mà có kẻ hám lời
Rước giặc Vũ Hán lẻn nơi thị thành
 
Có người diện cách ly chẳng chịu
Cam phận mình dan díu Cô Vi
Về rồi lại mặc sức đi
Để nay gieo rắc họa vì mình đây
 
Vùng dịch nhiễm bao vây phong tỏa
Lại truy tìm vét xóa nguồn lan
Cộng đồng khổ cực muôn vàn
Đội quân tuyến trước nào than vãn gì
 
Bài học Ấn ta thì quyết liệt
Giữ biên cương canh diệt từ đầu
Chớ nên để chúng luồn sâu
Gây nên thảm cảnh chuốc sầu vào ta…
 
Mai Vân Văn Thiên Tùng
04/5/2021
 
 


ĐỒNG TÂM DẬP DỊCH
 
Cả nước chung lòng dập dịch đây
Đồng tâm truy vét chúng đêm ngày
Lần theo dấu vết phân nguồn nhiễm
Phân định nhân quần xác ổ lây
Chặn đứng kịp thời không bỏ sót
Cách ly nhanh gọn kẻo toang nầy
Bắc Giang nguy cấp cần chi viện
Ta hãy sẵn sàng tiếp ứng ngay!
 
Mai Vân Văn Thiên Tùng
19/5/21
 
READ MORE - THƠ VỀ DỊCH COVID CỦA VĂN THIÊN TÙNG

CHÙM THƠ “ĐẤT TRỜI” CỦA LÊ VĂN TRUNG

 
 

ĐẤT TRỜI ĐÂU PHẢI CỦA AI
 
"Dans l' attente
de la mort on retrouve
la vie. Et sa vie"
 
Bao năm đất đá còn mưng mủ
Thì sá gì ta khúc ruột mềm
Thì sá gì em lòng cô phụ
Sá gì tài tử với giai nhân
 
Đời như trăm nhánh sông bồi lở
Ta chảy về đâu cũng muộn phiền
Ta cũng đầu ghềnh em cuối bải
Mỗi người chảy một nhánh đời riêng
 
Trôi mịt mù theo dòng lãng quên
Trôi về đâu hỡi tuổi hoa niên
Hoa đang hương sắc, đương hàm tiếu
Vội úa tàn theo những biến thiên
 
Về đâu cũng dẫn vào mê lộ
Ta co tàu lạc mấy sân ga
Đất đá còn đau niềm cố thổ
Về đâu? Mờ mịt bóng quê nhà
 
Nơi nao ta cũng là lưu khách
Quán trọ tình em chẳng hẹn về
Chẳng hẹn, mà đau bầm gan ruột
Đất trời đâu phải của riêng ai!
 
                             
ĐẤT VÀ THƠ HÒA LỆ MÁU DÂNG ĐỜI
 
Không chỉ làm thơ ta còn cày ruộng
Lòng khoan dung như cây cỏ ven bờ
Nghe con dế gáy xa hồn sương mỏng
Và tình em ngũ sắc nở vào thơ
 
Thương hoa khế tím chiều rơi nỗi nhớ
Thương hàng cau xanh tóc thuở yêu người
Thương con quốc gọi tình mùa mưa lũ
Thương bàn tay vói mộng cuối chân trời
 
Không chỉ yêu em ta còn yêu đá sỏi
Sớm lên đồi chiều lội suối bình yên
Thương con cá bơi xuôi con còng bò ngược
Thương đời mình, thương cát sỏi không tên
 
Ta từng buổi vai gầy phơi nắng gắt
Cúi hôn từng cọng cỏ lạnh hơi sương
Xin ôm cả đất trời cả hồn thu biếc
Lá xanh vì nhuộm máu buổi tai ương
 
Không chỉ yêu em ta còn yêu khe suối
Từ ngàn xa réo gọi những dòng sông
 Em xỏa tóc gội đầu hong nắng mới
Và nỗi đau xưa thành sẹo trong hồn
 
Không chỉ làm thơ ta còn cày ruộng
Đất và thơ hòa lệ máu dâng đời
Xin dâng cả trái tim còn nóng hổi
Thuở tình xanh men rượu ngọt môi người


ĐẤT TRỜI ĐÂU NỠ PHỤ TA
 
Thế đó! Đất trời không nỡ để
Ta về như một kẻ bại vong
Trơ trụi hàng cây xưa rủ bóng
Đợi chờ ta rụng hết lá vàng
 
Vẫn còn đâu đó xa hun hút
Hoa cúc rừng xưa sót mấy bông
Thoảng chút hương vàng trôi man mác
Như níu thầm nhau một nỗi buồn
 
Vẫn dòng sông nhớ không đành chảy
Để chở lòng xưa qua bến xưa
Và để lòng xưa nghe sóng dội
Lời của trăm năm dẫu xóa mờ
 
Thế đó! Đất trời đâu nỡ phụ
Ta về thương tật trái tim đau
Vẫn còn giọt máu màu trăng vỡ
Chảy nghẹn ngào qua cuộc bể dâu
 
Thế đó! Đất trời đâu nỡ để
Ta về ngồi lại một mình ta
Bên thềm hiên vắng còn in bóng
Ta, bóng nhìn nhau mừng lệ nhòa.
 
                               Lê Văn Trung
 
READ MORE - CHÙM THƠ “ĐẤT TRỜI” CỦA LÊ VĂN TRUNG

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 21 - 25 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

 
                   Nhà thơ Khaly Chàm
 

trích đoản khúc: dọc đường gió bụi
 
21.
bầy đàn nếm máu thi ca
văn chương vò xé thiên hà bầm đen
bật cười cái sự đớn hèn
súc sinh rú mộng ngáo đèn hớp trăng
 
22.
bôi đen con mắt tiền căn
dị ngôn vuốt mặt vĩnh hằng hoang vu
xoay ly tròn đáy ngục tù
vịn đời chổng ngược nghẹn thù ta ơi!
 
23.
thật ra, đã ngất ngây đời
nhố nhăng “dĩ đại” bựa lời giọng chim
muôn năm sao lại lặng im
thủ dâm hôn bóng tối chìm vô minh
 
24.
ngày mai thắt cổ bình minh
treo lên ánh sáng hiện hình satan
rùng mình luyến ái lăn tăn
bật cười rồi khóc lằng tằng máu xương
 
25.
ngày câm nuốt khói quê hương
hồn cuồng hóa bướm vẽ đường khuya xanh
bóng cười chết sửng âm thanh
an nhiên sỏi đá lệ dành riêng ta!
 
khaly chàm

READ MORE - DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 21 - 25 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

ĐỌC "TÂM TRẠNG CỦA TRỜI" THƠ PHẠM ĐỨC MẠNH – Châu Thạch

 
  
  

TÂM TRẠNG CỦA TRỜI !
 
1
Hình như tâm trạng của Trời
Còn vương vướng chuyện nợ lời nguyền xưa
Sáng thơm nắng, chiều đắng mưa
Buồn khê bất chợt rớt trưa nơi nào
 
Đi tìm trưa ở hồn ao
Chỉ nghe tiếng dũi cồn cào sóng bơi
Đi tìm xóm tiếng ve rơi 
Hàng tre cưa gió rối bời thời gian 
 
Hoàng hôn ám ảnh chiều tàn
Du dương vỡ mộng núi đàn mây bay
Thăng trầm nốt ánh sáng ngày
Cung mùa giao cảm thèm say màu người.
 
2
Thì ra tâm trạng của Trời 
Sợ ta nhớ mẹ lệ đời bầm đau
Yêu thương hùn hạp với nhau
Giữ ta ở lại ươm màu tình quê
 
Gỡ mùi chinh chiến trở về 
Thơm niềm kiêu hãnh lời thề với sông
Gối lòng biển mẹ mênh mông 
Càng thương đời mẹ ngóng trông mỏi mòn
 
Đếm đau thương - những mất - còn
Nhưng không để mất nước non của mình 
Mỗi ngày hỏi ánh bình minh
Hồn thiêng người lính lặng thinh chốn nào ?
 
Phạm Đức Mạnh 
20.05.2021
 
 *

Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC "TÂM TRẠNG CỦA TRỜI" THƠ PHẠM ĐỨC MẠNH

   (TÂM TRẠNG CỦA TRỜI HAY CỦA NGƯỜI?)
                                                        Châu Thạch
 
Bài thơ “Tâm Trạng Của Trời” của nhà thơ Phạm Đức Mạnh không phải là bài thơ tình, cũng không phải là bài thơ đạo. Cùng không anh hùng hay bi hùng, chẳng lâm ly ủy mị, nhưng bài thơ vừa mới đăng lên facebook thì liên tiếp những lời khen tặng được gởi đến trong phần bình luận dưới bài thơ. 
 
Châu Thạch tôi cũng gởi một lời bình luận như sau: “Bài thơ thật thâm thúy. Tâm trạng của Trời, của người và của lính hoà quyện trong nhau. Tôi muốn viết về bài thơ nhưng không viết được, vì không thể nói hết được những gì bài thơ muốn nói!”.  
 
Thật quả nhiên nói trước bước không khỏi, trong lòng tôi dằn vặt bởi những suy nghĩ về bài thơ cứ mãi ám ảnh trong đầu. Vì vậy tôi phải viết về bài thơ. Viết xong “để gió cuốn bay đi” như “Sống trên đời phải có một tấm lòng” của Trịnh Công Sơn.
 
Bây giờ, xin vào ngay khổ đầu của bài thơ, xem tác giả nói gì về tâm trạng của Trời:

Hình như tâm trạng của Trời                           
Còn vương vướng chuyện nợ lời nguyền xưa                            
Sáng thơm nắng, chiều đắng mưa                            
Buồn khê bất chợt rớt trưa nơi nào


Bước vào khổ thơ đầu tiên, tác giả chưa khẳng định sáng nắng chiều mưa là do tâm trạng bất ổn của Trời, nhà thơ còn nghi ngờ khi dùng hai từ 
“Hình như”. Thật ra tâm trạng của Trời thì con người làm sao biết được. Kinh Thánh viết rằng:“Đức Giê-hô-va phán: Ý-tưởng ta chẳng phải ý-tưởng các ngươi, đường-lối các ngươi chẳng phải đường-lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”. (Ê-Sai 55::8-9). 

 
Thế nhưng, dầu con người không thể biết được những việc làm của Trời, nhưng ý Trời luôn được mặc khải  cho loài người biết, thể hiện qua thiên nhiên. Nhà thơ Phạm Đức Mạnh nhìn thiên nhiên sáng nắng chiều mưa, trưa “buồn khê bất chợt” mà đoán định tâm trạng của Trời. Tác giả nghĩ rằng tâm trạng Trời chưa ổn định vì “Còn vương vướng chuyện nợ lời nguyền xưa”, theo tôi là không sai mấy.
 
Vì sao không sai mấy?Ta nhớ theo Kinh Thánh, khi A-Dam ông tổ của loài người ăn trái cấm, Đức Chúa Trời đã phán một lời nguyền như sau: 
“Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. (Sáng Thế Ký:3-17-19)
 
Bởi lời nguyền trên, trái đất sẽ còn chịu nhiều đau khổ cho đến ngày tận thế, ngày mà theo Kinh Thánh nói, ai sống đẹp lòng Trời vào nước Thiên Đàng, ai sống nghjch lòng trời thì về địa ngục. Cho nên hiện nay “Sáng thơm nắng, chiều đắng mưa/ Buồn khê bất chợt rớt trưa nơi nào” chỉ là vì ông Trời “Còn vương vướng chuyện nợ” nên thực hiện “lời nguyền xưa” như nhà thơ Phạm Đức Mạnh đã đoán ra chắc là hợp lý.
 
Rồi ta bước sang khổ thơ thứ hai:            
 
Đi tìm trưa ở hồn ao            
Chỉ nghe tiếng dũi cồn cào sóng bơi            
Đi tìm xóm tiếng ve rơi             
Hàng tre cưa gió rối bời thời gian 
 
Lạ nhỉ? đang nói chuyện tâm trạng của Trời lại nói qua chuyện con người. Vậy thì hiểu rõ, nhà thơ mượn tâm trạng ông Trời để nói về tâm trạng con người. Tâm trạng Trời không yên nên khiến mưa khiến nắng bất ngờ, tâm trạng người cũng không yên nên đi giữa thiên nhiên, tìm sự bình an trong lòng mình cũng không có. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, vì tâm trạng  nhà thơ không vui nên nhìn cảnh nào cũng hóa ra không vui cả.
 
Vậy thì tâm trạng không vui sao nhà thơ không đi đến nơi nào lại tìm đến cái ao? Không khó hiểu mấy vì ao làng là nơi lưu giũ những kỷ niệm tuổi thơ, những ký ức sâu đậm của quê hương trong cuộc sống. Nhà thơ có tâm trạng không vui, tìm đến ngắm ao làng, từ đó ta có thể hiểu được tâm trạng không vui trong lòng nhà thơ là tâm trạng gì. Phải chăng, tác giả trăn trở vì nhừng đổi thay không vừa ý trên chính quê hương mình?
 
Từ khổ thơ thứ hai, ao làng, đường xóm, hàng tre đều không cho tác giả niềm vui nào. Qua khổ thơ thứ ba, nhà thơ đưa mắt nhìn bao trùm quê hương, để rồi dưới con mắt nhìn bi quan đó, tác giả cảm nhận như tất cả quê hương đang khao khát, đang thèm say một đời sống, một quê hương tốt đẹp đúng với “màu người”. “Màu người” chính là tình yêu, đạo đức, nhân cách, phẩm giá và cuộc sống hạnh phúc, có địa vị cao hơn mọi sinh vật trên đời nầy.                  
 
Hoàng hôn ám ảnh chiều tàn              
Du dương vỡ mộng núi đàn mây bay              
Thăng trầm nốt ánh sáng ngày              
Cung mùa giao cảm thèm say màu người.
 
Vậy màu người là màu gì? Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời có phán rằng: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện-luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”. (Ê-sai 1;18).
Vậy “màu người” theo Kinh Thánh chính là màu trắng, là linh hồn của những ai vô tội, hoặc được tha tội thành trắng trong. Tất nhiên nhà thơ không nói theo ý đạo, nhưng màu người chính là phẩm giá tốt đẹp mà tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã ấn định các quyền cơ bản mà con người phái có.
 
Qua phần thứ 2 của bài thơ, nhà thơ Phạm Đức Mạnh đã hiểu lòng Trời. Trời khi nào cũng có ý định tốt đẹp, Trời không cho ông ra đi, xa quê hương như bao nhiêu người, Trời giữ nhà thơ ở lại để chung tay “ươm màu tình quê” nghĩa là xây đắp quê hương, làm cho quê hương xanh màu tươi đẹp, làm cho con người nơi quê hương có “màu người”:                
 
Thì ra tâm trạng của Trời                 
Sợ ta nhớ mẹ lệ đời bầm đau                
Yêu thương hùn hạp với nhau                
Giữ ta ở lại ươm màu tình quê               
 
Gỡ mùi chinh chiến trở về                 
Thơm niềm kiêu hãnh lời thề với sông                
Gối lòng biển mẹ mênh mông                 
Càng thương đời mẹ ngóng trông mỏi mòn
 
Trời hiểu tình yêu quê hương của nhà thơ, nhà thơ không phụ ý Trời, cởi áo lính với niềm kiêu hãnh, toàn tâm toàn ý cho dự phóng báo đáp tình yêu mênh mông của mẹ. mẹ ở đây là quê hương, là non sông, là tổ quốc mà cũng là người mẹ yêu thương của nhà thơ, người mẹ đại diện cho tất cả những điều cao cả ấy.
 
Bài thơ với những trăn trở của Trời, của người và của lính hòa quyện trong nhau được rõ nét ở khổ thơ cuối cùng:                      
 
Đếm đau thương - những mất - còn                      
Nhưng không để mất nước non của mình                       
Mỗi ngày hỏi ánh bình minh                      
Hồn thiêng người lính lặng thinh chốn nào ? 

Người lính chấp nhận những đau thương của mất - còn nhưng không bao giờ chấp nhận để mất nước non. Khi tác giả phải nói như thế là tác giả đang đối diện với một vấn đề nan giải, và tác giả đã quyết định chọn cho mình một chọn lựa. Chọn lựa đó là “Nước non của mình”
 
Khi tác giả viết “Hồn thiêng người lính lặng thinh chốn nào” với một dấu hỏi, là nhà thơ đang mang tâm trạng cô đơn, đang hoài mong, đang chờ đợi đang đi tìm giá trị những lời thề yêu nước của người lính, chờ đợi sự lên tiếng thề bảo vệ non sông, bảo vê quê hương và xứ sở. Tôi nghĩ, hồn thiêng người lính đang ở quanh ta, nếu chưa lên tiếng không phải là không lên tiếng.
 
Đây là một bài thơ mang tâm trạng của người, không phải tâm trạng của Trời, thế nhưng nhà thơ mượn Trời để gởi vào đó tâm trạng của mình. Bài thơ không có nỗi buồn nhưng có niềm đau, niềm đau thật  thấm thía. Như tôi đã nói ở trên, tôi không thể viết hết những điều mà nhà thơ muốn nói, vì có ai đo được nỗi đau đâu, huống chi đây là niềm đau. Niềm đau là sao? Là trong niềm vui vẫn có những nỗi đau khó nói ra thành lời.
 
Châu Thạch
(Trưa 21/5/2021)

READ MORE - ĐỌC "TÂM TRẠNG CỦA TRỜI" THƠ PHẠM ĐỨC MẠNH – Châu Thạch