Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 15, 2016

LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG TRONG TIỂU THUYẾT “CHUYỆN LÀNG CUỘI” CỦA LÊ LỰU - Nguyễn Ngọc Kiên


        


LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG TRONG TIỂU THUYẾT
         “CHUYỆN LÀNG CUỘI” CỦA LÊ LỰU

                                     Nguyễn Ngọc Kiên

Lời dẫn: Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12 tháng 12 năm 1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu - Hưng Yên, là một nhà văn Việt Nam, thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974, chuyên về tiểu thuyết và truyện ngắn, tiêu biểu là Thời xa vắng . Ông hiện nay đang đảm nhiệm chức Giám đốc của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội. “Chuyện Làng Cuội” là cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai của đời văn Lê Lựu.

                 1.Khái niệm về khoa trương
Trong tiếng Việt, khi cần nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất của đối tượng, người ta cố tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối tượng cần miêu tả. Lối  nói này được gọi là khoa trương. Khoa trương không phải là nói khoác hay nói dối để đánh lừa người nghe. Tác giả Đào Thản cho rằng, nó không làm cho người ta tin vào điều nói ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều nói lên [2, tr.1].
Theo chúng tôi, khoa trương là cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Xét các ví dụ sau trong “Chuyện Làng Cuội”:
           (1)Rồi các ông cứ nghiệm mà xem. Cái mắt và cái mồm của hắn rất là chửi nhau. Cái mồm là cái mồm thằng tán gái thành thần. Con kiến trong lỗ cũng phải chui ra với nó.
        (2) Dù được đi đây đi đó nhưng lần nào đến ga Hàng Cỏ trông thấy con “phe” đã thấy đẹp hơn vợ mình, huống hồ gặp lại Nho, con người có cái cười “toàn dân”. Chị ta vừa mở quán nữa tháng trời, cả huyện đã biết “lai lịch, có riêng gì anh.
2. Phân loại khoa trương trong tác phẩm “Chuyện Làng Cuội”
Căn cứ vào ý nghĩa, lối nói khoa trương được chia thành ba loại như sau:
Khoa trương phóng to là cố ý làm cho sự vật to ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất, đặc trưng của sự vật làm cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn. Ví dụ:
(3) Chị lành thật, nhưng nếu cần mang con lên kêu gào trước cổng huyện ủy, tỉnh ủy hàng tháng, hàng năm chị cũng không quản ngại.
(4) Cả nhà công tác. Cả nhà phải gánh vác công việc hệ trọng như là quả đất sắp sửa vỡ bửa ra ngày mai.
(5) Khi bần cố đã vùng lên thì sức mạnh kinh hoàng khủng khiếp của nó sẽ làm rung chuyển cả trời đất, không có gì có thể cản nổi.
 Khoa trương thu nhỏ là thu nhỏ sự vật; tức là cố ý đem số lượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ của sự vật làm cho nhỏ đi, ít đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại hoặc yếu đi. Ví dụ:
(6) Làng nào xã nào cũng nhơn nhơn tuyên bố: “Bọn Tây bốt Thiệt có biến thành những con chuột nhắt cũng không chui lọt hàng rào để vào đây”.
(7) Hai ngôi nhà của vợ chồng anh và của mẹ vợ trông như hai cái lều, cách nhau một vườn chuối rộng hơn một sào mà anh vẫn tưởng cái gãi tai bên này tiếng thì thầm của vợ chồng anh ở bên này bên kia đội vẫn nghe, vẫn biết.
(8) Mong ngày mong đêm cái giây phút dắt đứa con đi cạnh chồng giữa thanh thiên bạch nhật, rốt cuộc cứ phải trốn lủi cả người quen lẫn người lạ, cả ánh mặt trời và giật mình với cả tiếng lá rơi. Để rồi sau khi ông tổng lên thăm bà Nhớn, mấy chữ của ông như những lưỡi dao chém vào niềm hi vọng của cô về một đứa con có bố.
Trong tiếng Việt, khoa trương thời gian hay khoa trương theo trật tự nghịch là đem sự việc xuất hiện sau nói thành việc xuất hiện trước hoặc đồng thời xuất hiện. Ý nghĩa của câu là “chưa thế này thì đã thế kia” hoặc “vừa mới thế này đã thế kia”, chẳng  hạn “ chưa ăn đã hết” “rượu chưa uống đã say”. Tuy nhiên trong “Chuyện Làng Cuội”, chúng tôi không thấy lối nói này, mà chỉ thấy ông khoa trương thời gian khi nói “trong chớp mắt” “trong nháy mắt”, “thoắt cái”. Ví dụ:
(10) Luật pháp và những chuẩn mực nghìn đời cũng có thể thay đổi mười lăm lần trong một ngày. Chỉ cần mình muốn. Con người đã muốn gì thì cái gì cũng có thể làm được trong nháy mắt.
(11) Bằng cách đối xử của con vợ mình đêm hai vợ chồng đứng cạnh thằng Lăng ở miếu ông Cuội và sau đấy anh biết những con đàn bà dù nhà quê nó cũng có khả năng biến hóa như con yêu tinh, thoắt cái đã hiện ra nanh vuốt của quỉ dữ, thoắt cái lại dịu hiền ngây dại như trẻ thơ.
2.2. Phân loại khoa trương theo hình thức
Căn cứ vào hình thức có thể chia khoa trương thành hai loại: khoa trương trực tiếp và khoa trương gián tiếp.
(1) Khoa trương trực tiếp:
 Khoa trương trực tiếp là khoa trương không sử dụng bất cứ biện pháp tu từ nào, còn được gọi là khoa trương thuần túy. Ví dụ:
(12) Hôm nay lại tưởng chết vì trận nôn tám ngày nay, không biết bao nhiêu trận cứ móc họng lôi thốc cả ruột gan ra ngoài.
(13) Trong lúc cả làng sôi sục chạy đuổi “nhét cứt vào mồm con Xuyến”, làm con bé xanh xám mặt mũi, cắt không còn hột máu, thằng Hiếu đứng ra chặn mọi người ôm lấy vợ bảo: - Em cứ bình tĩnh, đừng sợ.
(14) Cô ôm lấy chồng. nước mắt ướt đẫm mặt anh: - Nếu được thế thì bảo em liếm xuống đất mà lễ sống mẹ với các em, em cũng làm. Mẹ anh là mẹ em, đi đâu mà thiệt hả anh.
(2) Khoa trương gián tiếp
Là khoa trương phải sử dụng các biện pháp tu từ khác để thực hiện, còn được gọi là khoa trương dung hợp. Chẳng hạn:
+ so sánh có từ so sánh. Ví dụ:
(15)Từ cái nón mê, cái bị, bộ quần áo thủng, rách buộc túm, cho đến tay, chân, mặt mũi đều chạt ghét và đất có thể bóc ra như bóc vỏ sắn.
(16) Đêm đêm nhìn quầng lửa đỏ cháy rực góc trời làng mình, nước mắt chảy ra như máu ứa từ ruột trào lên, hai hàm răng cắn lại nuốt nước mắt như nuốt máu mình chảy vào miệng mình.
(17) Tao nói cho thằng lưu manh kia biết nhé. Nếu tao là con đĩ, mày là cái gì. Ở đại hội nó phê bình chỉ như gãi ghẻ cho mày.
+ so sánh không có từ so sánh
(18) Chó cắn và người kêu. Tóc gáy thằng Hiếu dựng lên, nó lo thon thót không hiểu mẹ nó làm sao.
Ở đây, ta phải hiểu rằng, “tóc gáy thằng Hiếu như bị dựng lên”.
+ So sánh có hệ từ 
(19) Có rượu vào mà rủ nhau lẳng bà lão đi rồi. Đúng là họ đóng đinh vào đầu mình.
+ Sử dụng hoán dụ để khoa trương
Tác giả Trần Vọng Đạo trong  Tu từ học phát phàm lần đầu tiên đã đưa ra định nghĩa về phép hoán dụ: “Sự vật được nói tới tuy rằng không có điểm tương tự với sự vật khác, giả sử khi giữa chúng còn có quan hệ không thể tách rời, tác giả có thể mượn tên của sự vật có quan hệ đó thay cho sự vật được nói tới. Cách mượn như vậy gọi là phép hoán dụ tu từ” [93]. Nghĩa là, không nói thẳng ra tên người hoặc sự vật mà mượn tên của sự vật có quan hệ mật thiết với nó thực hiện phép thay thế.
Phép hoán dụ tu từ được chia thành nhiều loại khác nhau. Theo quan sát của chúng tôi, lời nói khoa trương trong “Chuyện Làng Cuội”, tác giả thường dùng cái toàn thể để thay cho từng vật chứa trong đó. Ví dụ:
(20) Tên bác cả nước người ta còn biết. Chúng em ở xã bên cạnh, bác lại không cho chúng em được vinh hạnh biết tên bác ư?
(21) Lại đồn: ông tổng Lỡi về kì này truy tìm xem ai là kẻ chủ mưu phá kho thóc nhà ông ấy. “Kì này không khéo ông ta móc họng cả làng, cả tổng chứ chẳng chơi”.
(22) Sao bà lại sinh ra vào cái thời buổi lạ lùng. Thoắt cái cả làng cả tổng xô lại ai cũng như xé ruột xé gan cho bà.
Ở các ví dụ trên, “cả nước” “cả làng cả tổng” là  vật chứa đựng đại diện cho những người trong đó.
2.3. Phân  loại khoa trương theo mức độ
Căn cứ vào mức độ khoa trương (đã đến mức phi lí hay chưa đến mức phi lí), khoa trương trong “Chuyện Làng Cuội” của Lê Lựu có thể thành mấy loại:
(1) Khoa tương ở mức độ thấp
 Khoa trương ở mức độ thấp là cách nói quá đi so với cái có thật trong thực tế; tuy có thể nhân lên tới hàng trăm hàng nghìn lần, thậm chí hàng vạn lần, nhưng vẫn chưa đến mức phi lí, vẫn có thể chấp nhận được. Sở dĩ như vậy là vì, nghe mãi thành quen tai, cả người nói và người nghe không ai nghĩ rằng mình đang khoa trương. Chẳng hạn, trong khẩu ngữ người ta vẫn hay sử dụng các cụm từ sau để khoa trương: vô cùng vĩ đại, cực kì khó khăntrăm công nghìn việc, phục sát đất. Ví dụ:
(23) Anh buồn bã bảo bà: - Thì đúng thế còn gì nữa. người ta phổ biến, tôi ngồi, mặt dầy như cái mặt mo ở trên huyện ấy.
(24) Nghe cháu nói bà quặn ruột lại .
(25) Ông thấy giận em gái. Nó không xui con nó làm cái việc khốn nạn ấy, nhưng ông vẫn tím mặt lại khi nhìn thấy em.
(26) Cô bám vào cột quằn người kêu la tưởng là đứt ruột chết ngay.
 (2)   Khoa trương ở mức độ cao
Khoa trương ở mức độ cao là cách nói nói quá sự thật một cách quá đáng, đến độ phi lí không thể tin được. Trong giao tiếp, người ta hay sử dụng các cụm từ và các thành ngữ khoa trương sau:  không cánh mà bay, một bước lên giời, một chữ bẻ đôi cũng không biết, một ngày dài hơn thế kỉ, ngàn cân treo sợi tóc, ba đầu sáu tay. Chẳng hạn, trong Chuyện  Làng Cuội:
(27) Khai được chuyện này ra, bao nhiêu chuyện khác sẽ gỡ ra được, chồng mụ không phải bị buộc oan, không phải “ngàn cân treo sợi tóc” như bây giờ.
(28) Kẻ khác đụng đến là thấy đứt ruột ra làm năm, làm bảy.
(29) Khi bần cố đã vùng lên thì sức mạnh kinh hoàng khủng khiếp của nó sẽ làm rung chuyển cả trời đất, không có gì có thể cản nổi.
2.1. Khoa trương ở mức độ cực cấp
Là khoa trương ở mức độ cao nhất.
Khái niệm “cực cấp” chúng tôi dùng ở đây là khoa trương được xếp vào mức độ cao nhất. Loại này thường dùng cho những tính từ “thang độ”. Ví dụ:
(30) Bao nhiêu vất vả gian truân, bao nhiêu đau đớn tủi nhục người mẹ nuốt hết vào trong lòng cốt để trở thành bất tử, thành người hạnh phúc nhất trần gian lúc đứa con bập bẹ tập nói.
2.2. Khoa trương về điều phi thực tế
Kiểu khoa trương này là khoa trương về những điều không có thực hoặc trái với thực tế. Ví dụ:
(31) Nghĩa là, nếu chạy lên trời chị cũng cầm chân kéo xuống, mà chui xuống đất thì chị túm tóc lôi lên. Có mà thoát đằng trời.
(32) Mẹ con cô đột ngột trở về như người chết tự nhiên sống lại, như từ trên trời rơi xuống.
(33) Đã chắc gì ông thiết. nhưng chúng bay cũng không được phép quên ông, bắt ông nằm suông bẹp dí ở đây mãi gần trưa mới được bát ngô bung thì vẫn trợn trạo rắn như cái đầu lâu con mẹ mày, ai nhai được. Chúng mày ác với ông thì trời đánh thánh vật chúng bay.
(34) Đêm ấy cô lại thức trắng, nhớ lại lúc ngồi với bà Nhớn, bà mắng cô: “Ăn nói độc mồm, độc miệng, hổ báo nó bắt mày đi”.

3. Kết luận
Khoa trương là một thủ pháp nghệ thuật hết sức độc đáo trong các tác phẩm của Lê Lựu. Nó luôn tạo sự mới mẻ, kích thích trí tưởng tượng và lôi cuốn người đọc.
Trong tiếng Việt mà tiêu biểu là trong tiểu thuyết “Chuyện làng Cuội” cũng như trong tiếng Anh, khoa trương hết sức đa dạng và phong phú. Căn cứ vào ý nghĩa có thể chia thành khoa trương phóng to, khoa trương thu nhỏ và khoa trương thời gian. Căn cứ và hình thức, có thể chia thành khoa trương trực tiếp và khoa trương gián tiếp. Căn cứ vào mức độ lại có thể chia thành khoa trương ở mức độ thấp và khoa trương ở mức độ cao. Người Việt và người Anh mặc dù có hai nền văn hóa khác nhau nhưng họ thích nói khoa trương và trong cách khoa trương của họ có nhiều điểm tương đồng. Bài báo trên đã lý giải những điểm tương đồng ấy.
Thông qua lối nói khoa trương, lời ăn tiếng nói của quần chúng vào “Chuyện Làng Cuội” của Lê Lựu hết sức tự nhiên như cuộc đời thực vốn có của nó. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết lớn của nhà văn Lê Lựu và ông xứng đáng được mọi người mến mộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH Quốc Gia HN.
2. Huỳnh Ái Nguyên (2005), Phương tiện nhấn mạnh trong tiếng Anh và tiếng Việt, Luận văn Tiến sĩ Ngữ văn, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
4. Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
5. Lê Lựu (2003), Chuyện Làng Cuội, NXB Văn học.

READ MORE - LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG TRONG TIỂU THUYẾT “CHUYỆN LÀNG CUỘI” CỦA LÊ LỰU - Nguyễn Ngọc Kiên

NẾU MỘT MAI - Thơ Thủy Điền





NẾU MỘT MAI

Nếu một mai quả đất nầy thiếu vắng
Bóng con người, vạn vật lẫn lá hoa
Chỉ còn riêng một chú khỉ thật thà
Ngồi mân tóc giữa bầu trời hoang vắng
Chắc có lẽ chú khóc và buồn nhiều lắm
Khi quanh mình như một bãi tha ma

Nếu một mai ngồi ngắm khoảng trời xa
Nhìn tinh tú sáng tà không còn nữa
Và, có thể đôi mi nhòa lệ ứa
Khóc thương đời tận thế quá vội nhanh
Khi đêm về trời thiếu ánh trăng thanh
Ngày cũng thế mặt trời đi ngủ mất

Nếu một mai tình người không ngôi bậc
Xem nhau thường và đấu đá lẫn nhau
Hễ chạm nhau là xách búa, xách dao
Chém tứ tả như thời xưa, tiền sử
Để tranh giành cho được miếng thừa dư
Mà hiện tại mọi người đang chối bỏ.

Nếu một mai nhân loại nầy thấu rõ
Đâu là tình, đâu là nghĩa, đức nhân
Đâu bậc thước, vế vai và bình đẳng
Đời còn gì hạnh phúc “Đúng vậy chăng “?
Đời làm gì bật lửa gợi chiến tranh
Chỉ mỗi tội còn hơn, thua nhiều quá

Nếu một mai có một mầu phép lạ
Từ trên trời biến khắp cõi trần gian
Thì hy vọng trời mưa rồi lại sáng
Hay đêm tàn sẽ trở lại ngày sang
Còn bằng không con người xin chấp nhận
Trăm năm nầy xin hiến tặng đời không.

                                         Thủy Điền
                                        12-11-2016


READ MORE - NẾU MỘT MAI - Thơ Thủy Điền

ĐỌC BÀI THƠ “HƯƠNG THU” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Lời bình của Chử Văn Long


         
                   Tác giả Chử Văn Long



ĐỌC BÀI THƠ “HƯƠNG THU” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
                                                                            Chử Văn Long

Giữa một đô thị như Hà Nội gần như đã chật cứng xe cộ, nhà cửa, âm thanh… Trừ những người giàu có, quyền tước chiếm giữ được những khoảng không gian riêng có cây che bóng mát cho những ô cửa sổ mở ra để nhìn ngắm ánh trời… Còn cuộc sống của hầu hết mọi sinh linh chọn thành phố làm nơi cư ngụ. Âm thanh chát chúa, khói bụi cay mù, xe cộ với tốc độ luồn lách… Nhìn những dòng người, dòng xe với những chiếc mũ bảo hiểm dọc theo những con đường nắng bốc hơi ngùn ngụt người đã thấy nôn nao như mình đã lạc sang một “tiểu hành tinh” nào đấy mù xa… Không biết làm thế nào đấy mà người thơ vẫn có một buổi chiều Hà Nội, vẫn dành riêng cho mình một cõi đắm say thanh thản. Ta như nghe được tiếng reo của người đang chìa bàn tay chờ đón mùa thu bằng cảm giác mùi hương.
Tạo hóa ban phát riêng cho những người làm thơ thứ hạnh phúc không ai có thể tranh giành, không luật pháp khắc nghiệt nào có thể ngăn trở tâm hồn người ta đến với cái đẹp; người thơ như được đứng riêng một cõi:
Ô kìa chiều
Ai thả nắng vương cây
Tóc rối ai bay
Mòn ai đuôi mắt
Điệu lý buông lơi tính tang khoan nhặt
Da diết bổng trầm xao xác sông xưa
 “Tóc rối” của ai bay? Ai nhìn ai “mòn đuôi mắt”? Cái gì “bổng trầm”? Cái gì “xao xác” và “sông xưa” là con sông nào mà thả được dòng trôi vào cái mảnh đất nhà cửa chen chúc những khối bê tông thô ráp mệt mỏi dâng đầy!
Đọc đoạn hai bài thơ “Hương thu”
Ta hỏi chiều
Thu đã về chưa
Mà lá vàng rơi khẽ nghiêng thật nhẹ
Mà gió mơn man vuốt ve thật khẽ
Biêng biếc trời chiều
Man mát hương sen.
Đọc đến đây ta có thể khẳng định sự mơ hồ của “lá rơi” của ngọn “gió mơn man ve vuốt” của sắc trời chiều “biêng biếc”, thêm vào chút “hương sen man mát” làm cho ngây ngất, mở lòng, chứ anh cũng chưa gặp mùa thu - vì còn phải hỏi chiều “thu đã về chưa”? Nhưng nào say đắm có mất gì, khi lòng ta bỗng dưng bổi hổi, xao xuyến nhớ về một mùa thu đẹp đã đi qua để lại cho hồn ta những vẻ đẹp, những màu sắc âm thanh sáng trong, ngập ngừng, bối rối:
Ta hỏi chiều
Sao rất đỗi thân quen
Tí tách bếp ai dẻo thơm cốm mới
Câu lý giao duyên ngập ngừng bối rối
Bồng bềnh người ơi
Mây tím lưng trời.
Thơ hay thường là những kỷ niệm đẹp nhưng phải được cháy lên hoặc thắt quặn lòng mình. Thêm vào một tay nghề … “Hương thu” có nhiều nét đẹp nhưng mới chỉ dừng lại ở những “xốn xang”, còn “thiếu vị buồn”. Bởi cái gì đẹp thăm thẳm thường pha thêm chút ánh buồn (Đẹp và buồn đi với nhau), bài thơ mới chiếm được hết lòng độc giả, mới làm mê mẩn người xem./.

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2016
Nhà thơ CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 01658818263


   


HƯƠNG THU
.
Ô kìa chiều
Ai thả nắng vương cây
Tóc rối ai bay
Mòn ai đuôi mắt
Điệu lý buông lơi tính tang khoan nhặt
Da diết bổng trầm xao xác sông xưa
Ta hỏi chiều
Thu đã về chưa
Mà lá vàng rơi khẽ nghiêng thật nhẹ
Mà gió mơn man vuốt ve thật khẽ
Biêng biếc trời chiều
Man mát hương sen.
 .
Ta hỏi chiều
Sao rất đỗi thân quen
Tí tách bếp ai dẻo thơm cốm mới
Câu lý giao duyên ngập ngừng bối rối
Bồng bềnh người ơi
Mây tím lưng trời.
*.
Hà Nội, chiều 07 tháng 08 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - ĐỌC BÀI THƠ “HƯƠNG THU” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Lời bình của Chử Văn Long

TA LÀ KHÁCH - Thơ Đại Ngàn



                         Tác giả Đại Ngàn



TA LÀ KHÁCH 

Người giận ta rồi có phải không?
Heo may giăng mắc ở trong lòng
Sao người vội vã câu hờn trách
Có biết tương phùng khó lắm không?


Người làm chiều nay gió quẩn Đông
Ta quàng cho ta chiếc khăn hồng
Mà không giấu nổi màu môi nhạt
Có biết ta mong lắm lắm không?


Người mê mải vui giữa đám đông
Nào hay ta lạc buổi tương phùng
Ta còn chưa trách sao người trách
Đưa ta là khách giữa mênh mông

                                  Đại Ngàn

READ MORE - TA LÀ KHÁCH - Thơ Đại Ngàn

GIÓ CHƯỚNG VỀ - thơ Võ Quốc Tuấn


Ảnh tác giả.


Gió Chướng Về

Gió chướng về mang đến lắm điều hay
Cơn bão đi qua, lũ còn ở lại
Kỉ niệm đẹp với một thời thơ dại
Bỗng ùa về, như mới, hãy còn đây.

Gió chướng về, so đũa, trắng đầy cây
Bên bờ giậu, quả đậu rồng lủng lẳng
Bông điên điển, triền đê vàng trong nắng
Cây cải trời chen chúc khắp vườn sau.

Gió chướng về sông nước bỗng lao xao
Vó lưới vây giăng con cá xuôi dòng
Chú cá linh trắng mềm lên quẫy nước
Con rô đồng ngược mé đớp phù du…

Gió chướng về lòng thổn thức nhớ quê!
Đặc ân trên, phố thị không hề thiếu.
Thiếu một nỗi hương vị sao không trọn,
Mới hay rằng gió chướng thiếu hồn quê.

Trà Vinh: 13/11/2016
Võ Quốc Tuấn


READ MORE - GIÓ CHƯỚNG VỀ - thơ Võ Quốc Tuấn

DÒNG THƯƠNG NHỚ - nhạc và lời: Trầm Thiên Thu


READ MORE - DÒNG THƯƠNG NHỚ - nhạc và lời: Trầm Thiên Thu

TÌNH KHÚC MIỀN TRUNG - thơ Trúc Thanh Tâm

Ảnh tác giả.








TÌNH KHÚC MIỀN TRUNG
Trúc Thanh Tâm 


1. LA GI YÊU DẤU

Đồi Dương mộng hồn chiều bàng bạc
Cho yêu thương mãi mãi nên thơ
Sông Dinh ơi, tình không biên giới
Đẹp biết bao hò hẹn, đợi chờ 

Nặng lòng chi thói đời, ngôi thứ
Mình sánh đôi chung một lối về
Thơ trăn trở còn rơi nước mắt
Bởi muôn đời vẫn nặng tình quê 

Vùng Suối Kiết qua dinh Thầy Thiếm
Đêm Khe Gà trời đất bao la
Thời gian bỗng trở nên khắng khít
Núi của em và sông của ta 

Hương một thuở nghe lòng phơi phới
Vào đời ta nhè nhẹ mưa thơm
La Gi ơi, mùa xuân đang tới 
Chín mọng đời những nụ môi ngon!

2. QUẢNG TRỊ GỞI LẠI EM

Chiều phố quận ta nghe mùa chuyển dạ
Mắt tiểu thư còn gợn chút u hoài
Con ve lạc, mùa hè ran tiếng khóc
Nắng rát lòng thắp lửa đỏ trên cây

Mù khói chiến, cổ thành sầu lặng lẽ
Ta phương trời cứ ùa tiếp chiêm bao
Nhớ Quảng Trị lòng ta như dao cứa
Nên dỗ dành xin hẹn lại em sau 

Gió lật lá, khép mùa xưa vỡ kín
Ta đành lòng, không dám nói yêu ai
Dòng Thạch Hãn chở tình vào kỷ niệm
Xin một lần nhỏ lệ xuống tương lai!

3. ĐÀ NẴNG VÀO THU

Dỗ lòng cố nhớ, lại quên
Thuở em mắt biếc, tóc huyền dễ thương
Ngũ Hành Sơn, gió và buồn
Ta ngồi quán nhỏ, thả hồn mưa thơ

Lạ, quen dù chỉ tình cờ
Mà sao định mệnh sẵn chờ trăm năm
Sân bay từ bữa mưa dầm
Và khi quay gót trăm phần trăm đau

Sông Hàn, nắng đổi thay màu
Tháng năm để lạc dấu nhau, lỡ làng
Đêm nầy, Đà Nẵng thu sang
Ta nghe con sóng vỗ tràn bờ yêu!
                
4. HÒN CHỒNG

 Nha Trang nắng xuống hẹn hò 
 Chiều chưa hết nhớ, gió hờ hững bay 
 Xa xa núi ngập trong mây 
 Gần nhau mới thấy mắt say điếng lòng

 Lên trời sợi khói rưng rưng 
Cánh diều thơ dại reo mừng, đứt dây 
Chiều xưa mưa rớt nơi nầy 
Chiều nay mưa rớt đắng cay vào hồn!

5. LỖI HẸN VỚI HUẾ
                              
 Ta còn lang bạt dòng đời
 Em còn thả mộng với người xa xăm
 Với em, bước đoạn tình gần
 Với ta, còn những thăng trầm tình quê

 Biển dâu đánh rớt câu thề
 Tóc tơ ngày đó không về với nhau
 Một người đau, một người đau
 Ru miền nước mắt tan vào nhớ nhung

 Trăng vàng Vỹ Dạ bao dung
 Nhưng đành lỗi hẹn về cùng Huế yêu
 Chiều nay lá đổ muôn chiều
 Lòng ta muốn nói một điều với em! 

6. BÃO LŨ MIỀN TRUNG 

 Tôi lặng người theo tiếng sét thinh không
 Đồng bằng hổm rày mưa dầm thúi đất
 Nắng mệt mỏi mặt trời đi trốn biệt
 Thì làm gì có nắng ấm miền Trung

 Dãy đất thân yêu, cơn bão lũ tột cùng
 Cuốn theo hết biết bao người và của
 Thượng Đế hỡi, dân tôi chưa hết khổ
 Lại nhận thêm bao thảm họa trái ngang

 Nước lũ dâng cao hay nước mắt tủi hờn
 Cuộc sống mong manh bên thềm bóng tối
 Những gương mặt cứ hằn sâu kinh hãi
 Quỳ lại trời xin được chút mưa ơn

 Đất nước Rồng Tiên còn trăm khổ ngàn buồn
 Khi hạnh phúc bị cuộc đời xé rách
 Bởi sự thật chưa bao giờ có thật
 Tự dối mình và lừa dối lẫn nhau!

7. TRỞ LẠI QUY NHƠN

Trờ về góc phố ngày xưa
Thời gian chuyển động từng mùa đổi thay
Áo dài và tóc em bay
Ta thèm một chút nắng mai ngọt mềm

Gọi người, người bỗng xa thêm
Tìm em, kỷ niệm trôi biền biệt xa
Bóng đời nghiêng xuống bóng ta
Để nghe trong những phôi pha, ngậm ngùi

Quy Hòa, một thuở tình ơi
Qua cầu Thị Nại rớt lời cầu hôn
Để trăng Ghềnh Ráng dỗi hờn
Tháp Đôi nhớ nắng, ta buồn nhớ mưa!

8. ĐÈO HẢI VÂN

Ta lưng chừng ở Hải Vân
Mây kết bạn, gió tình thân quanh đời
Xa xa, non nước tuyệt vời
Hoa nhân thế trổ bông rồi, em yêu!

9. DÒNG THẠCH HÃN

Mịt mù khói chiến chiều mưa
Mắt em rớt hạt chảy thưa xuống lòng
Trôi cùng Thạch Hãn mênh mông
Đêm chia ly đó mặn nồng phố hoa
Cổ thành vững với phong ba
Áo em rợp trắng hồn ta, Nguyễn Hoàng!

10. NHỚ

Gió vờn sợi nắng, chiều rơi
Chim về núi, ngựa xuống đồi, vời trông
Phú Yên xa, xót xa lòng
Người về có nhớ nắng đòng đòng thơm!


11. ĐÊM HOÀNG CUNG

Đêm trong trí nhớ tình cờ
Ta xuôi ý thức theo mùa lửa hương
Huế thơ, đường phượng bay, buồn
Tóc em buông lệch đêm hoàng cung xưa!


12. GIÓ XÔN XAO

Trên đối Mũi Né thiết tha
Ta nghe trời đất như hòa vào nhau
Điều gì mà gió xôn xao
Nha Trang xa nhớ, dễ nào tình quên!

13. CHÚT NÕN NÀ

Quảng Nam, buồn hắt buồn hiu
Em xa từ dạo lỡ liều yêu ta
Đời nhau, còn chút nõn nà
Đẹp trời Đà Nẵng, mình già em ơi!

14. CHIỀU TUY PHONG

Bất ngờ gặp lại biển xanh
Mấy mươi năm buộc tình anh chưa già
Mắt em cười mới hôm qua
Chút gì len lén chiều tà, Tuy Phong!

15. CÀ PHÊ BIỂN

Tháp buồn nhốt gió Nha Trang
Qua cầu Xóm Bóng, Ba Làng, chiều nghiêng
Cà phê từng giọt không tên
Mười lăm ngày đủ nhớ quên, một đời!

16. THĂM PHAN THIẾT

Liên Trì chuông mãi đong đưa
Ta thăm Mũi Né, cát xưa xửa hồn
Poshanư, mắt huyền sương
Nhớ mùi bánh Rế, tình thương tình chờ!

17. CHIỀU QUẢNG NAM

Hải Vân, trời đất nên thơ
Ngũ Hành, mây gió đợi chờ ru nhau
An Khê còn đó, em đâu
Sông Hàn êm ả tím màu chiều rơi!

18. VỀ BÌNH ĐỊNH

Đồ Bàn theo tháng năm trôi
Trăng Hàn Mạc Tử sáng trời Quy Nhơn
Ngô Mây, cô bé dỗi hờn
Ba mươi năm, một giọt buồn nhói tim!

19. HUẾ TRONG TA

Áo em tím cả Tràng Tiền
Qua trường Đồng Khánh để quên hẹn hò
Thần Kinh, ta nợ tới giờ
Chưa quên gốc phượng bên bờ sông Hương!

 20. NÚI CÔ TIÊN

 Em nằm xõa tóc bên trời
 Nhìn về cố xứ một đời nhớ thương
 Nỗi lòng hai kẻ ly hương
 Từng đêm đất khách giọt buồn rêu phong!

 TRÚC THANH TÂM 
( Châu Đốc )



READ MORE - TÌNH KHÚC MIỀN TRUNG - thơ Trúc Thanh Tâm