Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 27, 2022

DÕI TÌM TRÊN SÔNG NGÃ BẢY – Thơ Nguyên Lạc


 

 
DÕI TÌM TRÊN SÔNG NGÃ BẢY
 
I.
Dòng sông chia nhánh làm bảy ngả
Biết ngả nào tôi dõi em đây?
Xuôi dòng con nước ngày xưa ấy
Bỏ lại mình tôi khóc ròng đầy
Bỏ lại mình tôi bên bãi vắng
Cây bần buồn rụng trái nào hay!
Bìm bịp kêu giọng khàn tiếng khổ
Nước lớn đầy bảy ngả mù mây!
Tìm em tôi biết tìm đâu hở?
Biết ngả nào tôi dõi em đây?
 
Em giờ mù mịt khói mây
Đêm sông Ngã Bảy sương gầy cuộc đau
Tìm em tôi biết tìm đâu?
Ngẩng đầu thê thiết ngàn sao lệ người!
 
 
II.
Dòng sông chia nhánh làm bảy ngả
Biết ngả nào tìm kiếm em đây?
Người xưa về lại dòng sông ấy
Chỉ thấy tàn phai khóc tháng ngày
Bao năm li biệt bao năm nhớ
Bảy ngả người ơi mây trắng bay!
Khói sóng mịt mùng vương cay mắt
Dõi ngả nào đây dáng em gầy?
 
Dòng sông chia nhánh đời bảy ngả
Thôi nhé làm sao không đắng cay?
Còn đâu bờ bến yêu thương cũ
Hết rồi xuân mộng mắt môi say!
Cách chi tìm lại dòng sông ấy?
Một thời tuổi trẻ... trắng mây bay!
 
Nguyên Lạc 

READ MORE - DÕI TÌM TRÊN SÔNG NGÃ BẢY – Thơ Nguyên Lạc

THƠ ĐỀ MÙA HẠ - Thơ Tịnh Bình


           Nhà thơ Tịnh Bình


THƠ ĐỀ MÙA HẠ
 
Hàng cây phượng thắp
Nắng nhòa lối trưa
Tiếng ve chói gắt
Gọi về hạ xưa
 
Bâng quơ lối gió
Lạc rồi đường mây
Áo em trắng quá
Học trò thơ ngây
 
Từng vòng xe đạp
Vô tư tan trường
Bầy chim ríu rít
Lời gì nghe thương
 
Không dưng hạ khóc
Nhỏ quên thuộc bài
Mưa ươn ướt mắt
Vương tà áo bay
 
Nhòa trang lưu bút
Tím màu phai phôi
Hạ đi , hạ đến
Dấu xưa bồi hồi
 
Về đâu hỡi nhỏ ?
Chiều vàng. Mình tôi
Thơ đề mùa hạ
Gửi tình xa xôi...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - THƠ ĐỀ MÙA HẠ - Thơ Tịnh Bình

THI CA & THI NHÂN NHÃ MY – Khanh Tương và Chu Vương Miện


Nhà thơ Nhã My

Tiểu sử sơ lược:
Tên thật Lâm Thị Ngọc Sương
Sinh năm 1953
Quê quán Bến Tre
Nhỏ học trường Trung Học Công Lập Kiến Hoà
Học đại Học Sư Phạm Cần Thơ và Văn Khoa SaiGon
Thời nhỏ ở bậc trung học có tập tành viết văn,làm thơ đăng trong báo thiếu nhi và báo văn nghệ ở Saigon với nhiều bút hiệu.
Sau năm 75 gặp nhiều biến cố gia đình và vì việc làm ăn sinh sống nên ngưng viết.
Xuất cảnh sang MỸ năm 1997 và tới năm 2010 viết trở lại trên blog cá nhân SuongLam yahoo .blog vói 2 bút danh Nhã My & Sương Lam.
Đã in:
KHUNG KỶ NIỆM (Thơ chung với bạn blog 2012)
KHƠI XA (Thơ 2014)
Có 75 bài thơ đã được phổ nhạc (do quý nhạc sĩ Phan Ni Tấn ,Trần Quang Lộc,Vĩnh Điện, Nguyễn Hữu Tân,Phạm Minh Cảnh, Thảo Nguyên,Bùi Tuấn Anh, Thanh Chương, Trần Nhàn, Thái Thành...)
Sau năm 2014 vì lý do sức khoẻ và công việc nên ngưng viết chỉ thỉnh thoảng xướng hoạ với bạn bè và đăng bài trên các trang văn nghệ mạng và vài tờ báo văn nghệ hải ngoại (Thư Quán Bản Thảo, Thế Giới Mới, Văn Học Mới..)
Hiện sinh sống ở Washington là chủ trang Blogspot của Nhã My và 2 trang riêng Thơ Văn Nhã My, Thơ Phổ Nhạc Nhã My.

 

 
NHÃ MY, THI CA & THI NHÂN
Khanh Tương và Chu Vương Miện thực hiện
 
“Khơi Xa” là thi phẩm đầu tay của nhà thơ nữ Nhã My, đựợc Nhà Xuất Bản Văn Học ấn hành vào ngày 30 tháng 12 năm 2014, phần mở đề giới thiệu tác phẩm là nhà thơ Nguyễn Khôi, vị thi nhân lão làng cuả thời hiện đại bây giờ, ông viết:
 
“Về nghệ thuật, Nhã My làm thơ thuộc diện “người có tuổi, nghệ có nghề, một thứ thơ bàng bạc, lãng đãng và một chút ly tao của một thoáng ‘trung niên thi sĩ’ Bùi Giáng của một lớp thi nhân đầy nữ tính, để cho tình mãi mãi không phai, sầu muộn mà không bi luỵ hồn thơ chân thật tình đời, lỡ tình nhưng không hận tình… tất cả chỉ còn ‘hoài niệm’ những nét vàng phai thương nhớ.
Thơ Nhã My ngôn ngữ tinh luỵện cổ phong với những hình tượng đẹp , thể loại đi với ý thơ luôn mới để tạo ra tứ lạ “ mỗi bài một kiểu  , một giọng điệu khác nhau “ nên đọc không nhàm chán.”
                                          
Góc thành Nam Hà Nội, 27 /08/ 2014                                     
Nguyễn Khôi                                                      
(Nhà văn Hà Nội)
 
Thi sĩ Bùi Khánh Đản trong giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay của cố văn hào Nhất Linh xuất bản ở miền Nam khoảng năm 1958 có làm 2 câu thơ Đường Tàu tuyệt vời tả về Hoa “nhất là hoa lan”
 
Tụ kết tinh anh của gió sương
Muôn mầu muôn vẻ thoảng muôn hương
                                    (Bùi Khánh Đản)
 
Chỉ cần 2 câu thất ngôn mà diễn tả đầy đủ về các loài hoa không thừa và cũng không thiếu một chữ nào. Thơ của Nhã My có thể tạm chia ra làm hai loại “thơ Tình và thơ Thiền”, chuyện cũng không có gì là lạ, là con ngừơi thì đương nhiên là phải có tình, trước nhất là tình người, tình nam nữ, tình quê hương, tình nhân loại…
Chúng tôi tạm lược qua thơ “Khơi Xa” và trích những đoạn thơ tiêu biểu:
 
Em lạc mấy mùa trăng cố xứ
Hồn đi hoang lữ thứ xa đưa
Nhớ thương một mái nhà xưa
Bên hiên tiếng võng mẹ đưa trĩu lòng
 
Trời viễn xứ buồn trông quê cũ
Để nỗi buồn ủ rủ chiều mưa
Đâu rồi một tiếng gá trưa
Gáy bên hàng dậu lưa thưa bồi hồi
              (Trích Khơi Xa trang 32)
 
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nhưng đủ buộc đời ta nhớ ta
Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu
 
Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau 
(Trích Mười Năm trang 37-38)
 
Người đi một bóng bơ vơ
Người về nghẹn với câu thơ ngậm ngùi
Từng đêm đếm giọt buồn rơi
Từ xa độ ấy nửa trời ngóng trông
                  (Trích Nợ - trang 47)
 
Đời chia đôi ngả tình không hẹn
Một bến sông Tương nhớ não lòng
Mưa qua định mệnh buồn day dứt
Ta phụ nhau rồi em biết không …?
 
Người ở đầu sông ngóng cuối sông
Hẹn nhau mà có được tương phùng
Tóc xanh đã nhuốm mầu mây bạc
Và ánh mắt sầu tiếc mông lung
 
(Trích Ta Phụ Nhau Rồi cảm tác bài
Đêm Trắng của Hoàng Yên Linh trang 118)
 
Đọc đoạn thơ trên, ngừơi viết chợt nhớ tới bài thơ “Tình Sử 2” tác giả Vô Danh Thị trong Cổ Văn Quan Chỉ Trung Quốc có 4 câu như sau:
 
Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang bán
Cùng nhậm thủy Tương Giang
Thiếp chàng cùng khố nạn
 
Tạm dịch:
 
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở giữa sông Tương
Cùng uống nước sông Tương
Cả hai cùng lạc bạn
(Bản dịch của M.Loan Hoa Sử)
 
Ôi cái nghề và cái nghiệp, cái Nghề thì còn kiếm ra tiền để nuôi thân và gia đình, còn cái Nghiệp thì chỉ báo hại báo đời, chả đựợc cái tích sự gì ? y như thơ cụ Tú Xương:
 
1 trà 1 rượu 1 đàn bà
3 cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy ?
có chăng chừa rượu với chừa trà
                 (Thơ Trần Tế Xương)
 
Nói về cái Nghiệp, chúng tôi xin kể một câu truyện ngắn của nhà văn Phan Văn Tạo, vị này viết rất khá, nhưng không có duyên với chữ nghĩa, nên rất ít ngừơi quan tâm và đề cập tới sự nghiệp viết lách của ông, cốt truyện như sau đây đã được đăng trên tờ Bách Khoa không rõ năm nào tháng nào và số nào ?
 
Có một vị trung niên không rõ là nhà giáo hay công chức, khi không dở chứng mần văn chương, ngoài giờ làm việc nhà nước, về nhà giải quyết ba cái linh tinh lang tang như tắm rửa cơm nước thì ngài vào phòng riêng  trứ tác ‘viết văn’, bà vợ thì rất trân trọng cái nghề viết lách cao quí này của ông chồng, nên khi thấy ông ngồi xuống bàn viết thì bà lo quạt cho ông mát , pha trà cùng cà phê, để ông bồi dưỡng , mua thuốc lá cùng bật diêm để ông hút thuốc, Lâu lâu còn đấm lưng cho ông ‘thư dãn nở’, bà có bổn phận chép tay lại bài truyện ngắn của ông, rồi đưa ông đọc lại, xong ông gật đầu thì bà theo địa chỉ tờ nguyệt san giá trị nhất thời bấy giờ là tờ Bách Khoa, rồi gửi bài đi, cả nửa năm không thấy đăng gì cả. Bà sốt ruột viết một bức tâm thư gửi cho ông chủ bút là nhà giáo Lê Ngộ Châu nội dung như sau:
 
“Thưa Ông chủ bút nguyệt san Bách Khoa, tôi là vợ của nhà văn chưa lừng danh và cũng chưa từng được đăng báo nào cả, ngày ngày ông chồng tôi viết văn thì tôi lo quạt cho ông mát, đấm lưng bóp chân, nấu nước pha trà cùng cà phê để ông uống. mua thuốc lá cho ông hút, nhưng những bài của ông sáng tác gửi đi các báo, chưa có tờ nào đăng cho cả, có một điều thực lòng xin được trình bày cùng ông chủ bút, nếu có gì sai phạm mong ông thứ lỗi cho, xin hỏi một Trang Quảng Cáo của quí báo giá là bao nhiêu ? một truyện ngắn của chồng tôi khoảng 10 trang, tôi xin bỏ tiền ra chịu chi phí ‘cứ coi như là đăng quảng cáo, cáo phó ma chay hiếu hỷ...’ Trân trọng kính chào ông chủ bút.”
 
Một tuần sau thì bà nhận được một thư hồi âm cùa toà báo:
 
“Tôi là chủ bút Lê Ngộ Châu trân trọng phúc dáp thư của bà đề ngày… chúng tôi rất cảm động cái chân tình của bà dành cho ông nhà, nhưng theo ý tòa soạn thì chính bà mới là nhà văn, nếu bà cho phép thì chúng tôi sẽ cho đăng bức thư của bà gửi cho chúng tôi, vì chính bà mới thực sự là nhà văn, còn ông thì chưa phải, nếu bà có bài đăng trên tạp chí của chúng tôi, chúng tôi sẽ gửi tiền nhuận bút đến bà.
 
Kính thư Lê Ngộ Châu”
 
Trở lại thơ thoát tục, thanh thoát bước đầu của thơ Thiền, xin điểm sơ qua những đoạn thơ này của Nhã My:
 
Vách trời mờ mây phủ
Lối nhỏ uốn lên đường
Em về chiều thu vắng
Chim vạc buồn kêu sương
 
Từng hàng cây trút lá
Vàng bay trong gió đưa
Cung đàn rơi huyền hoặc
Âm thầm vọng xa xưa
 
Lang thang chân em bước
Thinh lặng bóng chiều mưa
(Trích Chiều Thu trang 16)
 
Mai kia rồi cũng phù vân
Mây bay đầu núi tần ngần ngó theo
Gập ghềnh mấy nẻo cheo leo
Dốc đời lên xuống mộng treo lá vàng
 
Gió đưa một trận phũ phàng
Lá rơi hoa rụng sầu mang kiếp người
Thì thôi ôm lấy nụ cười
Chôn trong những lối cuộc đời mà vui
(Trích Phù Du trang 45 -Tặng chị Hạt Cát)
 
Sách nằm hờ hững trên tay
Lật trang nhân thế tháng ngày phù d
Gối tranh cát bãi sa mù
Trắng mây một cõi phù du đi về
(Trích Sách trang 58)
 
Biết còn gì nữa hôm nay
Đôi tay nào víu viễn hoài mông lung
Sóng đưa lớp lớp nghìn trùng
Hỏi người xa có tương phùng người xa 
(Trích Hư Không trang 59)
 
Cô liêu bãi vắng biển chiều
Xa xăm sóng vỗ đìu hiu cuối bờ
Hồn tôi hạt cát hoang sơ
Lời trăm năm đã bây giờ phôi phai
(Trích Đoản Khúc Cô Liêu – trang 73)
 
Chiều xa người đã đi rồi
Lòng tôi con nước cuối đời vẫn trôi
Em giờ bờ vắng đơn côi
Tình trăm năm có đắp bồi đủ không ?
(Trích Chiều Xa – trang 77)
 
Bên trời viễn xứ loay hoay
Mù xa cố lý trắng mây nghìn trùng
trông vời một cõi mông lung
biển xanh thuyền nhỏ chập chùng sóng đưa
nghe từ trong giấc mơ xưa
tiếng ru của mẹ giữa trưa giọng buồn
(Trích Cố Lý – trang 99)
 
Những bài thơ phần sau thơ Tình, mượt mà thanh thoát và âm điệu cũng du dương trầm bổng tư tưởng cũng thoáng đạt, ở đây bài “Thi Ca Thi Nhân” chúng tôi chỉ là M.C giới thiệu chung chung về tác giả thơ hoặc văn,  ca sĩ  với nhạc sĩ, trước quần chúng để những nghệ nhân này biểu diễn “hoặc trình bày” sự thành công bao nhiêu, là tuỳ mỗi nghệ nhân, quần chúng sẽ đánh giá thấp cao về chất lượng, chúng tôi không làm việc này, cho sự giới thiệu nhà thơ Nhã My được vô tư và công bằng.
 
Và để kết thúc bài viết này chúng tôi mượn lời Bạt của nhà thơ Kha Tiệm Ly:
 
“Tóm lại nếu gác ra ngoài dăm ba bài thơ chủ đề khác, thì Khơi Xa là một chuyện tình buồn. Nó mượn tay tác giả để thành những vần thơ ai oán não nùng !…. Lời Bạt này chúng tôi chỉ viết theo sự nhận xét kém cỏi của mình. Có điều gì không mãn ý, xin quý bạn đọc xem qua với lòng độ lượng”
 
Xếp tập thơ Khơi Xa của nhà thơ Nhã My lại, chúng tôi có nhận xét cá “thịt” nhân như sau:
 
“Phần vào đề thì nhà thơ lão làng Nguyễn Khôi và phần cuối tập thì nhà thơ cao ngạo Kha Tiệm Ly, hai cây bút đều thuộc vào loại “một cây xanh rờn” chỉ có thua Cọp.
 
Ôi cái văn nghệ văn gừng, là làm dâu trăm họ, ở cái cõi đời ô trọc này dễ gì kiếm được người tri âm “tri dương” tri kỷ, tài danh như vua cổ Thất Huyền Cầm Bá Nha mà cũng chỉ có  một người bạn tri âm là Chung Tư Kỳ, đến khi Chung Tử Kỳ qua đời thì Bá Nha đàn lần chót trước mộ Tử Kỳ rồi đập cây cổ cầm trên đá không bao giờ đàn nữa ?
 
Cuộc đời nước chảy huê trôi, vốn bạc bẽo, xe trước xe sau đều đi vào con đường cụt, vừa phù du vừa phù vân, nhưng đã là dòng sông thì phải chẩy thế thôi ?
 
Khanh Tương & Chu Vương Miện

 
PHỤ LỤC THƠ NHÃ MY

 
BUỒN
 
buồn, ngơ ngác thả theo chùm mây lạc
phố lên đèn những đóm đỏ, đóm vàng
tay run rẩy chạm từng vùng ký ức
thơ vụng về theo con chữ lang thang
 
mây thì trắng và hồn đau cũng trắng
gió trùng phương có ngừng lại nơi này ?
em huyền dịu ẩn chìm bờ mộng mị
ta vói tìm đau đáu mấy màu trăng
 
buồn, lặng lẽ dối mình như chẳng biết
em vô tình như con nước êm trôi
chiều tản mạn bến bờ xưa heo hút
nước vẫn trôi biền biệt nhánh sông đời
 
ta cứ hỏi biết em về phương ấy
lối mù xa còn đọng chút ân tình ?
hay cứ để dư âm lời thương nhớ
vọng tiếng buồn ta nghiêng ngả hư hao
 
 
HÔN PHỐI
 
Cuối cùng rồi cánh bướm cũng cắn xuống ngực hoa
Gió cuốn mênh mang sương mềm mỏng ướt
Trăng mơ màng soi nửa trời hẹn ước
Hoa bàng hoàng
Lời tình yêu mật ngọt
Trời đất chơi vơi
Ngày cõng bình minh sao trở về quá vội
 
 
NHAN SẮC
 
Đã chắc gì lụa mỏng hơn da em
Màu nguyệt bạch của trăng non vừa mới chiếu
Đã chắc gì hương cỏ hoa thơm hơn mái tóc mềm
Đã chắc gì những sắc màu hội họa
Khi người họa sĩ tài hoa dùng để vẽ nên bức tranh tố nữ
Thì màu xanh không bằng mắt em
Màu hồng không sánh được đôi má thẹn thùng ửng thắm
Màu đỏ không mộng bằng màu của đôi môi
Em hiển hiện
Trong tình yêu của anh
Là dung nhan hoàn mỹ nhứt
 
 
HẠNH PHÚC
 
Em xỏa tóc
Đùa mùa xuân gió nhẹ
Anh đêm về
Khẻ động giấc mơ hoang
Ai miên man trong tiếng nhạc thơ
Vòng tay ấm
Cho đông về bớt lạnh
Nghe rất khẽ
Ôi mùa yêu đang chậm
Ôi làn hương ngây ngất thoáng qua
Hương tình yêu vừa nở nụ hoa
Tình không đợi
Nghĩa là tình rất mới
Anh không chờ giữa cuộc đời đau
Em không ngờ tình đến với nhau
Như hạnh phúc bên bờ khát vọng
Em xa lạ
Và anh xa lạ
Hai cuộc đời chia mấy chờ mong
Hai cuộc đời hai nhánh của dòng sông
Bờ hạnh phúc nay nối về một bến.
 
 
TÌNH QUÊN (2)
 
Nghe loáng thoáng lời ru của gió
Chiều dịu dàng sau những cơn mưa
Tháng năm cũng lam nham mùa gặt dở
Ta tìm gì sau những cơn mơ
 
Đời lang bạt mấy vòng đua định mệnh
Tới rồi lui như những trò đùa
Bao ngày tháng trượt dài trên vội vả
Ta còn gì sau những cuộc vui
 
Đốt lửa lên tình chưa chịu cháy
Nhịp đập xa xưa trong trái tim buồn
Ta còn lại gì khi thời gian đã khép
Lời thề đong đưa trong cuộc tình quên...
 
 
VỌNG TÌNH
 
Sao rụng chờ bình minh đến
Sương còn mấy hạt rơi rơi
Cơn gió lay lay ngọn nến
Tình hồng sót lại chưa vơi
 
Vạt trăng khều lơi giấc ngủ
Mộng về phủ kín chăn đơn
Lá lay gọi hồn mùa cũ
Kèo nài nỗi nhớ xa hơn
 
Sợi tình theo mưa vừa rụng
Buồn tìm đoạn đứt mang theo
Không gian hốt nhiên đứng sụm
Bên trời mây lặng trăng treo
 
Đèn vẫn chong đêm đợi sáng
Lời ca da diết chưa ngừng
Lỡ mai tình nồng đã cạn
Vấn vương chiếc bóng lưng chừng
 
Bên hiên lao xao tiếng lá
Mơ màng dáng ngọc xa xưa
Thẹn thùng hỏi ai vàng đá
Ngàn năm tình vẫn như đùa
 
 
BÀI THƠ VIẾT LẠI
 
bốn mươi năm vẫn nhớ lời
câu thơ mùa cũ một thời dấu yêu
hoàng hôn nhuộm nước sông chiều
trên không gió giật cánh diều đã xa
bốn mươi năm cũng là ta
 nước xuôi, bèo dạt – nguồn xa chưa về
quê hương biền biệt phương trời
bâng khuâng một mảnh trăng thề gầy hao
bốn mươi năm tưởng ngày nào
tóc xanh đã bạc lạc vào bến mê
bóng mây trôi dạt chiều quê
cánh chim viễn xứ bốn bề bơ vơ...
 
 
BỎ
 
Rồi ta bỏ kiếp sống này
Bỏ thân ốc mượn bỏ đời trầm luân
Áó bay đã khuất tầm nhìn
Còn chăng kỷ niệm chút tình hợp tan
 
MỘNG
 
Đêm qua mộng bỗng bàng hoàng
Thấy em áo mỏng lụa vàng năm xưa
Thấy buồn em đứng trong mưa
Mắt nai khóc cuộc tình vừa đổi thay
 
 
XƯA
 
Chiều xưa áo ấy còn bay
Mà nay trăng khuyết đã thay bóng người
Chiêm bao nghe vọng tiếng cười
Nhớ liu xiu bóng khóc đời buồn tênh
 
 
SAY
 
Rượu sầu mà uống sao quên
Người đâu mà nhớ mà quên hỡi người
Say cho suốt một kiếp người
Cho tan hình bóng áo bay hảo huyền
 
 
VÔ ĐỀ
 
Vầng mây bay
nhẹ khối hồng
Bèo trôi theo nước
phiêu bồng phù sinh
Trăng tàn khuất nẻo bình minh
Cánh chim ước hẹn đăng trình ngàn xa
Biển dâu mọt kiếp ta bà
Vẫn nương tục luỵ
lơ là chân như
Giấc khuya nghiêng lắng
trầm tư
Quay lưng
trễ bước nhiệm từ vô biên!
                                 
READ MORE - THI CA & THI NHÂN NHÃ MY – Khanh Tương và Chu Vương Miện

CÕI LẶNG – Thơ Tịnh Bình


 
                 Nhà thơ Tịnh Bình


CÕI LẶNG
 
Im hơi cõi lặng mông mênh
Tiếng gà gọi sáng vang lên đỉnh ngày
Càn khôn như tỉnh như say
Công phu sớm... hồi chuông lay giấc thiền...
 
Nghe từng hơi thở uyên nguyên
Dẫn ta vào mộng như nhiên ban đầu
Vẳng trong tàng thức chìm sâu
Một bờ sương khói phơi màu trăng xưa
 
Đợi người... Người tỏ lối chưa?
Sông mê bao lượt đò đưa phận đò
Mùa đi lá rụng nằm co
Bay im một nắm tàn tro cuối chiều...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
 
READ MORE - CÕI LẶNG – Thơ Tịnh Bình