Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 31, 2010

LÊ QUANG THÁI - BÀI HỌC LỊCH SỬ QUÝ GIÁ TỪ VÈ THẤT THỦ KINH ĐÔ

Ảnh: sachxua.net

LGT: Sau hơn chục năm nghiên cứu kết hợp với nhiều chuyến điền dã, ông Lê Quang Thái đã ghi chép lại Vè thất thủ Kinh đô (kể cả dị bản) trên cơ sở chú giải tỉ mỉ và cặn kẽ nhằm mở ra cho độc giả một cái nhìn bao quát về bối cảnh Kinh đô Huế ngày thất thủ và những năm tháng kế tục.

Trân trọng tâm huyết và công lao của tác giả, Sông Hương xin giới thiệu tới bạn đọc một chương khá quan trọng trong công trình kể trên của ông Lê Quang Thái, hiện công tác tại Trung tâm Liễu quán Huế.

S.H


Nói vè, không phải đơn thuần bán buồn mua vui. Đây còn là dịp để hậu duệ tưởng nhớ và tri ân người xưa, nghe được tiếng lòng dân tộc, cảm được hồn nước lung linh và tờ mờ ẩn tàng vô hình, vô tướng theo cùng với vận nước có lúc thịnh lúc suy.

1) Người Việt biết liên kết giàu sáng tạo, hài hòa trong sáng tạo tập thể:

Không phải chỉ giới văn nhân tài tử, nghệ sĩ ca công sáng tạo theo lối chuyên nghiệp, chuyên ngành mà bất cứ ai cũng có thể sáng tác, sáng tạo thi ca, hò vè là những thể tài văn học mang đậm tính cách đại chúng và dân dã. Vượt xa hơn trong sáng tác là tinh thần tổng hợp một cách hòa điệu những câu ca, lời vè, nói lối nhuần nhuyễn thành từng đoạn bài ngắn, nhiều bài ngắn được kết dệt thành khổ, thành trang, thành tuồng, thành tích.

Không có tinh thần văn nghệ và yêu chuộng nghệ thuật thì chẳng bao giờ quảng đại quần chúng có những lớp vè trường thi bằng thơ lục bát và biến thể phá cách của thể thơ thuần túy Việt Nam như hai bài vè lịch sử phản ảnh sinh mệnh, hơi thở và cuộc sống, cuộc chiến đấu anh hùng và bi thương của dân tộc ta từ những năm 1883 đến 1885 và những năm tháng khó quên về sau nữa. “Tứ nguyệt tam vương” rồi thất thủ Kinh đô Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn. Giữa đường tên mũi đạn, người Việt làm thơ, trong tháo chạy hốt hoảng mà vẫn làm thơ, thậm chí lúc ở bên bờ sinh tử, cấp táng vội vàng vẫn có thơ làm niềm tin gởi lại cho đời. Thơ để tiếc thương, tiễn biệt người thân cùng huyết thống cùng chí hướng và đồng hội đồng thuyền thể hiện tinh thần bất khuất, nuôi dưỡng ý chí quật cường. Cho dù gặp cảnh bi thương cùng cực, người Việt vẫn giữ tròn đạo trung hiếu:

“Trung thần hết sức phò vương,

Chừ ngài bạc phận giữa đường không ai.”

(câu 904 - 905, Hồi II)

hoặc:

“Hãy còn có mặt mầy đây,

Thành đô khôi phục nhớ ngày quảy đơm

Ví dầu dĩa muối bát cơm,

Cô dì thúc phụ quảy đơm (cho) nhớ ngày.”

(câu 939 - 942, Hồi II)

Phải là người trong cuộc, chứng nhân thời loạn mới có những tình tiết đầy bi thương ấy. Có thực sống trong khoảnh khắc bi lụy thì mới nẩy sinh những ý tưởng truyền lại như là di chúc thiêng liêng để lại cho con cháu và cho cả khe rừng nghe mà ghi nhớ, hòa nhập vào hồn nước non nặng nghĩa lời thề son sắt.

Hàng trăm, hàng nghìn tình tiết ấy, tương tự như thế được kết dệt lại thành một thể thống nhất, liên hoàn đầy tính cách bi ai, chịu khốn khổ và kham nhẫn đến mức cùng cực. Người viết sử, nhà làm phim, nhà đạo diễn tài hoa nào tìm thấy được những tình tiết ấy, những thước phim ấy thì thiết tưởng họ tôn quí biết chừng nào về phẩm chất cao quý của người Việt.

2) Ngôn ngữ dân gian phong phú, trung thực tổng hòa với ngôn ngữ cung đình, tao đàn và hàn lâm.

“Ca” là thể tài văn học đi sánh đôi cùng với “vè” để biểu lộ tâm tư, tình cảm, ý chí, niềm hy vọng, niềm tin yêu. Ngôn ngữ của vè mang tính dân gian trung thực, chất phác. Vì vậy rõ nét hơn, lấn lướt cả thi ca về vốn ngôn từ của vè dân dã mộc mạc mà cũng không kém phần thâm hậu.

- Viết về thảm cảnh chiến tranh:

“Khói lên hình tựa long phi,

Đạn ra ngoài biển trúng gì chẳng hay.

Tây bắn (vô) người lọi chân (kẻ lọi) tay, Bể đầu lủng ruột khổ này quân ta.”

(câu 199 - 202, Hồi I)

- Hoặc viết về cảnh quân thù đày đọa dân lành vô tội:

“Ngày thời nó điệu như tù,

Đụng đâu (nó) đánh đấy, nổi u nổi nần.

Ngùi ngùi thân lại tủi thân,

Ngày bắt đi mần đêm bỏ thảm thương.

Bữa ăn bữa uống không thường,

Một ngày bát gạo, cơm lương muối vừng.

Lo ăn lo uống cho xong

Ăn kẻo đói lòng, ăn kẻo chết khô.

Bao nhiêu những giếng với hồ

Kéo thây xuống dập chỗ mô cũng đầy.”

(câu 501 - 510, Hồi II)

- Quân dân vẫn nuôi dưỡng niềm tin phục hận, phát huy nội lực:

“Phò theo dọi đức Hàm Nghi,

Quan Tướng với quan Đề Soạn, với thì quan Đề Ngô.

Ngũ trụ có quan lớn Hữu Hồ,

Ngài làm Thị vệ thủa mô tới chừ.

Chẳng qua Nam Việt thời hư,

Quân thần phụ tử lên chừ rừng xanh.

Thở than trong chỗ rừng xanh,

Bao giờ khôi phục chốn thành kinh đô.”

(câu 837 - 844, Hồi II)

Các tác giả vô danh chung cùng tiếng nói, tiếng gọi đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, tất cả đều chung tâm tư và chí hướng mới sáng tạo được những vần thơ vừa trữ tình vừa hiện thực đến mức cao điểm như vậy.

Văn chương cung đình - hàn lâm không tách biệt xa rời văn chương dân gian chơn chất, nặng tình nặng nghĩa với non sông cẩm tú.

Ước gì ngày nay những nhà sử học, những đạo diễn sân khấu nghệ thuật, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử sẽ từ đó xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật để giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần tự do dân tộc cho thế hệ trẻ được sinh trưởng và thành tài trong cảnh đất nước thanh bình.

3) Phân hóa, chia rẽ là quỷ kế của giặc, thống nhất ý chí và đoàn kết một lòng chóng vượt qua mọi thảm họa.

Sau ngày mất của Tự Đức, trong lịch sử đã diễn ra nhiều tấn tuồng điên đảo tạo lợi thế cho quân xâm lược hả hê lấn sâu thị uy triều đình Huế sớm trao quyền bảo hộ cho ngoại bang.

Đọc và học lịch sử giai đoạn bốn tháng ba vua (tứ nguyệt tam vương), ai mà chẳng đau lòng quặn thắt cho vận nước điêu linh vì thù trong giặc ngoài mà ca dao lưu truyền.

Nhất giang lưỡng quốc nan phân Thuyết

Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường

(Một sông hai nước khôn ăn nói

Bốn tháng ba vua việc chẳng lành)

mà vè thất thủ Thuận An đã mạnh dạn đả kích ở câu 47 - 48 của Hồi I:

“Mặc lòng hai gã quyền hành

Muốn cho ai loại ai thành thì cho”

Ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc lần lượt bị loại trừ với nhiều mưu đồ, tính toan bất chính của ông Quận Tường và ông Tướng Thuyết:

“Thánh hoàng ngài mới băng hà,

Những tham với cách vậy mà tứ tung.”

(câu 65 - 66, Hồi I)

Những quan lại trung chính, hiền lương như Phan Đình Phùng, Trần Tiễn Thành đều lần lượt bị ám hại:

“Đáo để (cho) ông Phan Đình Phùng,

Nói lời trung nghĩa mắc vòng gian lao.”

(câu 43 - 44, Hồi I)

Tướng tài như quan Tiểu phủ sứ Ông Ích Khiêm cũng bị đày bị hại trong lao tù chốn biên viễn thuộc tỉnh Bình Thuận. Quyền thần lộng hành, ai có đề nghị trái ý thì nghi kỵ, tìm cách đốn đi khác nào đốn cây một cách vô cảm, không nương tay. Quả thật, quyền thần tự chặt tay chân của mình:

“Chớ cho lai vãng trong trào,

Cưỡng ngôn nghịch lý, phản phao tới mình.

Quan Tiểu mắc phải vầy binh,

Người trung mắc nạn, lý hình tà gian.”

(câu 237 - 240, Hồi II)

Việc hai vua Dục Đức và Hiệp Hòa bị ám hại có bài bản rồi vua Kiến Phúc kế vị cũng bị “trúng thuốc” một cách bất ngờ làm cho tình cảnh trong dân gian thêm hoang mang, rối rắm trăm đường. Mây mù đã che ám cả bầu trời kinh đô phủ đầy oán cừu, tang tóc:

“Giáp Thân lục nguyệt bằng nay,

Vừa đức Kiến Phúc tuần này thăng thiên.

Bá quan văn võ phân phiền,

Giận trong nhà nước không yên bề gì.

Hội triều tôn đức Hàm Nghi,

Ngài lên trị vì ai cũng cần yên.”

(câu 287 - 292, Hồi II)

Tình thế đã bi đát lại càng bi lụy thê thảm hơn chỉ vì nội tình triều đình Huế suy vi dễ dàng dẫn đến suy vong, mất nước không chóng thì chầy. Nhân dân khó lòng lay chuyển được tình thế bất an, khốn khổ đến mức trầm trọng. Xưa, danh thần Nguyễn Trãi đã dâng hiến cho đời bài học nhân nghĩa, thu phục tâm công để toàn dân quân đoàn kết một lòng thực thi chủ trương lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thừa lúc diệt mạnh. Cả một tình trạng phân hóa và đầy u ám trong triều chính đương thời như thế thì con đen dân đỏ làm sao hiến kế hy sinh để chống giặc. Thù trong chưa dẹp yên thì làm sao mà diệt được giặc ngoài có tàu đồng, đại bác tân tiến.

Bài học phát huy nội lực, thu phục tâm công và đoàn kết một lòng đã bị xé nát tan tành. Việc bỏ quên thù riêng để chung sức lo hận chung mất nước chỉ lóe sáng trong việc đồng tình giữa Phan Đình Phùng với ông Tướng ngày xưa ở sơn phòng Hà Tĩnh, khó lòng xoay chuyển được tình thế. Ấy là chưa kể việc thực dân Pháp nắm quyền đối ngoại với 2 hiệp ước bất bình đẳng: Hòa ước Harmand và Hòa ước Patenôtre.

Cái giá phải đổi cho cuộc chiến đấu anh dũng và bi thương của dân tộc Việt là nước mất nhà tan khiến cây

cỏ cũng nhuốm màu tang thương:

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự

Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.

(Khuê phụ thán - Thượng Tân Thị)

Hoặc như Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã cảm xúc trong bài thơ “Cảnh mới nhà Thương Bạc”:

Giảng hòa mực ký xong hai chữ/ Bảo hộ cờ treo đã sáu đời.

Cuối cùng với ý chí quật cường của dân tộc đã thôi thúc những nhà cách mạng tiền bối và thời cận đại sớm tìm ra kế sách giữ nước, chống trả quân thù để giành lại quyền tự quyết và độc lập dân tộc - một dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất với dáng đứng oai hùng bên bờ biển cả Thái Bình dương.

L.Q.T


Nguồn: Trang web: http://tapchisonghuong.com.vn

READ MORE - LÊ QUANG THÁI - BÀI HỌC LỊCH SỬ QUÝ GIÁ TỪ VÈ THẤT THỦ KINH ĐÔ

NGUYỄN HỮU LIÊM – SỨ MẠNG GÁO DỤC NHÂN VĂN: TÂM HỒN VIỆT, CON ĐƯỜNG THẾ GIỚI

Ở Việt Nam hiện nay, trong nỗ lực chấn hưng nền giáo dục đại học, vấn đề “giáo dục nhân văn” đang được các nhà giáo bàn thảo. Để đóng góp cho đề tài này, xin gởi đến đọc giả bài tham luận của tôi trong buổi hội thảo mang chủ đề “Giáo dục nhân văn cho sinh viên Duy Tân cốt lõi là những vấn đề gì?” tổ chức tại Đại học DuyTân, Đà Nẵng, tháng 9, 2010. Mặc dù đề tài chỉ nói về Đại học Duy Tân, nhưng nội dung bài viết thì liên quan đến một vấn đề phổ quát cho các đại học ở Việt Nam.

Trong tác phẩm triết học lừng danh “Phê phán lý tính thuần tuý” triết gia Immanuel Kant có nêu lên một mệnh đề tri thức cơ bản rằng “Khái niệm mà không có trực giác thì trống rỗng; trực giác mà thiếu khái niệm là mù lòa.” Điều mà Kant nói tới là bản chất nhị nguyên bao gồm hai phương diện, khái niệm và trực giác, hình thức và nội dung, trong cấu trúc tri thức của con người. Khái niệm là phương tiện, là con đường. Trực giác là tánh biết trực tiếp có sẵn trong cơ năng tri thức. Cả hai là cần thiết và hỗ tương lẫn nhau cho sự hình thành của kinh nghiệm và tri kiến. Hãy hình dung ra cơ năng tri thức của con người như là một chiếc phi cơ. Khái niệm là hai cánh; trực giác là động cơ. Chiếc phi cơ chỉ có thể bay khi hội đủ hai điều kiện thiết yếu và hỗ tương này.

Trong truyền thống và ý chí khai mở dân trí mà các tiền nhân xứ Quảng này, những vị như Phan Chu Trinh, Phan Khôi, đã đi trước, tôi xin lấy mệnh đề tri thức nầy của Kant để bàn đến một nội dung giáo dục nhân văn cho thế hệ sinh viên Việt Nam đương thời, đặc biệt là cho miền Trung, và riêng cho đại học Duy Tân mà tôi có được vinh hạnh tham gia giảng dạy.

Nói một cách rất gọn là vậy: Con đường giáo dục nhân văn, như là một dự án hành động cho tương lai của đại học Duy Tân, là tiền đề: Góp phần khai mở và vun đắp một thế hệ sinh viên Việt Nam với những giá trị nhân văn dân tộc và nhân loại xứng đáng với khả năng tri thức được tiếp nhận từ thế giới.

Ở tiền đề này, con người Việt với tâm hồn và bản lĩnh Việt là chính; nhân loại và thế giới là khái niệm, là mô thức và phương tiện cho tâm hồn và trực giác Việt Nam mà chúng ta phải đánh thức và khai sáng. Kiến thức và phương tiện kỹ thuật của thế giới là đôi cánh; tâm hồn Việt là động cơ. Cả hai là cần thiết cho chiêc phi cơ con người Việt Nam có thể bay lên cao trong tiến trình hiện đại hóa đất nước.

Đây là một tiền đề mang tính công thức giáo dục và đào tạo mà thiết yếu tính nội tại của nó không những chỉ nằm trên bình diện triết lý mà phải được mang giá trị giả thuyết vốn đòi hỏi rằng nó phải được thử nghiệm và thực thi trên bình diện chính sách thực tiễn.

Muốn thoả mãn nhu cầu thiết yếu tính chính sách cho tiền đề này thì chúng ta phải trả lời hai câu hỏi chính của nó. Thế nào là tâm hồn và trực giác Việt Nam? Và thế nào là nhân loại và thế giới?

Câu hỏi thứ nhì, theo tôi, thì dễ dàng để trả lời. Trong chiều hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập vào cộng đồng nhân loại chung, thì giá trị thế giới là tập hợp những chọn lựa từ những gì của văn minh đương đại vốn thích hợp và cần thiết cho đất nước và con người Việt Nam.

Ví dụ ngắn gọn: Đại học Duy Tân có thể chọn một mô hình giáo dục theo kiểu mẫu Hoa Kỳ, một mô thức đại học mà theo đó thì huấn luyện, đào tạo là ưu tiên. Chúng ta có thể tham khảo và du nhập mô thức tổ chức, nội dung giáo trình từ một đại học nào đó ở Hoa Kỳ, như Pennsylvania State hay Canergie Mellon. Mô hình chọn lựa này, như là một thí dụ cụ thể và điển hình, là một con đường thế giới, một phương tiện pháp, nói theo nhà Phật, để chúng ta phát huy con người Việt Nam cho nhu cầu cá nhân và xã hội.

Còn câu hỏi thứ nhất, trông có vẻ như là đơn giản, nhưng không phải là dễ để trả lời thỏa đáng. Giống như là mệnh đề của Kant, chúng ta hình như ai cũng nhận ra, hay cảm thấy rằng, mỗi người Việt Nam chúng ta đều mang một tâm hồn, một bản sắc trực giác Việt Nam vốn đặc thù và đơn biệt. Đây không phải là một giả định – mà là một sự thể thiết yếu và hiển nhiên. Bản sắc tâm hồn hay trực giác của người Việt đã phân biệt họ ra khỏi cộng đồng nhân loại và các sắc dân khác. Nó cũng là điều kiện và nguyên nhân cho sự hình thành của lịch sử lập quốc và nhân cách con người Việt Nam xưa và nay. Nhưng nếu có ai hỏi rằng đâu là một định nghĩa về một “tâm hồn” hay ”trực giác” Việt Nam thì câu trả lời cũng vẫn còn là một vấn nạn, một bí ẩn tuy gần nhưng xa, hiển bày nhưng cũng bị vùi kín.

Ở đây tôi xin dựa vào định nghĩa của triết gia Aristotle, cha đẻ của logic, siêu hình học và tâm lý học Tây phương, thì tâm hồn (psyche) là cái nguyên tắc tổ chức và điều khiển các khuynh hướng chọn lựa và hành động của cá nhân. Từ định nghĩa này, chúng ta có thể phân giải phần còn lại của câu hỏi: Cái nguyên tắc tổ chức và điều hướng (psyche) của con người Việt Nam là (những) gì? Định nghĩa của Aristotle là về con người hay cá thể phổ quát, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian hay bối cảnh nhân văn, lịch sử, địa lý. Định nghĩa này có thể coi như là một nhận diện về cấu trúc của tâm hồn – nhưng không bàn tới nội dung của tâm hồn đó, tức là những khuynh hướng chọn lựa và hành động nào của một cá nhân đặc thù. Tâm hồn, theo sự nhận diện cấu trúc này, chỉ là một “guồng máy,” hay nói gần hơn với Aristotle, là một năng lực định hướng cá nhân, mà người Việt chúng ta đều chia sẻ một mẫu số chung.

Khi chúng ta thay thế “tâm hồn” bằng định nghĩa của Aristotle thì câu hỏi sẽ trở nên rằng, trong một bối cảnh nhất định có sẵn, cá nhân và tập thể các con người Việt Nam sẽ có một thể loại hay khuynh hướng chọn lựa hay hành động như thế nào? Và khuynh hướng hay cái mode chọn lựa này được đặt trên cơ bản nguyên tắc và nguyên lý nào?

Khi chúng ta nhận diện ra được cái nguyên tắc chọn lựa và hành động của người Việt Nam, trên cơ bản cá thể hay tập thể, thì chúng ta đã nhận ra một bản sắc cho cái gọi là “hồn Việt Nam.” Khi cơ bản tâm hồn Việt Nam đã được định vị và nhận dạng, thì từ đó mà một dự án giáo dục nhân văn mới cho con người Việt Nam có thể sẽ được triển khai.

Vì vậy, bước đầu cho một phác thảo của dự án nhân văn cho sự nghiệp giáo dục của đại học Duy Tân chính là một nỗ lực tự soi sáng chính mình ở nơi tập thể lãnh đạo và nhân viên nhà trường, của đội ngũ giảng dạy, và của tất cả sinh viên và phụ huynh liên đới. Soi sáng chính mình ở đây có nghĩa là mình hiểu thấy được cái bản sắc, cái tâm chất, cái nguyên tắc hướng dẫn cho cuộc sống của chính mình được đặt trên một số những động cơ và giá trị nào.

Hãy trở lại tiền đề giáo dục nhân văn cho Duy Tân. Nó bao gồm hai vế: Một thể loại hay nội dung tâm hồn Việt Nam, vốn cần được khai sáng và vun trồng, đối diện một thế giới và thời đại cần phải được học hỏi và tiếp thu. Tuy là có hai vế, nhưng trên cơ sở logic, tiền đề này phát sinh ra một yếu tính mới: tính liên hệ giữa hồn Việt Nam và con đường thế giới. Nhận chân ra thiết yếu tính của mối quan hệ này để chúng ta định vị và nhận dạng ra tính điều kiện và nhân quả giữa hai vế. Những cá thể mang tâm hồn Việt Nam đang thay đổi và lớn dần, một cách thụ động và bất định, theo một thế giới vốn đang thay đổi nhanh hơn. Đâu là cơ bản giá trị để cho con người Việt Nam có thể chủ động chọn lựa và hành hoạt trước vô vàn khả thể tính mà thế giới và thời đại đang đưa đến?

Bây giờ chúng ta cùng đọc lại “Sứ Mạng của Đại học Duy Tân” mà Hội Đồng Quản Trị đã công bố:

“Bằng bản lĩnh Việt Nam, phát huy truyền thống của phong trào Duy Tân trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Đại học Duy Tân bám chặt những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của miền Trung và đất nước, hướng tầm nhìn ra thế giới hiện đại, mở rộng hợp tác quốc tế, nhanh nhạy đón bắt công nghệ và tri thức mới nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.”

Đây là một thông điệp sứ mạng mạnh mẽ, rõ ràng cho mục tiêu hiện hữu của Duy Tân – là một đại học đào tạo và huấn luyện một tập thể lao động có chất lượng trên tiêu chuẩn thế giới nhằm phục vụ cho một nhu cầu của tập thể dân tộc. Nhưng chính vì chủ trương huấn luyện, thay vì nghiên cứu hay lý thuyết, và phục vụ cho sự nghiệp đất nước, thay vì xây dựng cá nhân sinh viên, mà Duy Tân đang nhấn mạnh đến cái vế đôi cánh của “nhân loại và thế giới” mà tiền đề giáo dục trên đã nêu lên.

Vì thế, nay đã đến lúc mà Duy Tân phải khai vực lại cái vế thứ nhất. Đó là sứ mạng giáo dục nhằm khai sáng và vun trồng những “hồn Việt Nam” trên cơ bản nhân văn và ý thức mới trước nhu cầu của đất nước và văn minh nhân loại. Hãy đọc lại “Sứ Mạng” của Duy Tân lần nữa. Nó nói rõ rằng mục tiêu của Trường là đào tạo một nguồn nhân lực có “chất lượng” trên cơ sở “công nghệ và tri thức” thế giới. Vì thế, “Sứ Mạng” này sẽ phải bao hàm một nội dung giáo dục nhân văn theo tiêu chuẩn thời đại của cộng đồng nhân loại, xứng đáng với tầm vóc và mẫu mực con người phổ quát, trên cơ sở tâm hồn Việt Nam, trong ý thức và hành xử văn hóa và nhân bản của những cá thể có khả năng tự ý thức cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng của chính mình.

Đây không phải là một luận cứ đạo đức vốn chỉ được đặt trên một giả định đầy tính chất huyền thoại cho một cứu cánh tính về một mẫu người Việt Nam trừu tượng nào đó. Chúng tôi cũng không muốn nêu lên một lý luận mộng tưởng trên một số giả định mơ hồ, không minh bạch về cái gọi là “hồn Việt” trong mỗi cá nhân Việt Nam. Trái lại, khi bàn về tiền đề “giáo dục nhân văn” này chúng tôi nhận chân ra cái nhu cầu khẩn cấp và thiết yếu của cái vế “con người” trên cơ sở văn hóa và văn minh trong dự án “trồng người” mà tổ tiên chúng ta đã hằng từng hoài bảo.

Làm sao để tiếp nhận công nghệ và tri thức thế giới và thời đại nếu chúng ta, như là những cá thể Việt Nam, chưa xứng đáng với giá trị của công nghệ và tri thức nhân loại đang có? Hay hỏi thực tế hơn. Làm sao mà các đại công ty, hay những nhà đầu tư, muốn chuyển giao công nghệ và tri thức tiên tiến đến cho Việt Nam nếu đội ngũ nhân lực chúng ta không đủ khả năng và tầm mức văn hóa xứng đáng để làm chủ công nghệ và sử dụng tri thức đó?

Hỏi như vậy đề chúng ta nhận thức rằng khi chưa xứng đáng với tầm mức nhân văn và khả năng tự ý thức để làm chủ công nghệ và tri thức thế giới thì chúng ta sẽ chỉ còn là những anh thợ, những nhân công khéo tay làm thuê cho chủ nhân ngoại quốc, tức là làm kiếp nô lệ trong một trật tự chủ-nô mới vốn được hóa trang bằng những hình thức hào nhoáng của cái gọi là tiên tiến và văn minh.

Hỏi như thế để chúng ta, những người làm giáo dục, cố gắng khai sáng được cái huyền thoại “tâm hồn” hay “bản lĩnh” Việt Nam nhằm biết được cái tiềm năng, khuynh hướng cũng như những biên độ giới hạn của con người Việt Nam nhằm khẩn cấp thực thi những chính sách giáo dục nhân văn cần thiết và thích ứng.

Ở đây, chúng tôi chưa muốn đưa ra một trả lời về câu hỏi giáo dục nhân văn là gì, hay làm như thế nào. Những cái đó thuộc về phạm vi chính sách mà nhà trường sẽ phải cùng thảo luận và đề ra. Ở đây chúng ta muốn nhấn mạnh đến nhu cầu giáo dục nhân văn cho sinh viên đại học Duy Tân. Vì sao? Xin phép được giải trình rằng chúng ta đang phải đối diện với một khủng hoảng nhân văn khá trầm trọng trong thế hệ sinh viên mới ngày hôm nay. Bản chất của sự khủng hoảng này phát xuất từ sự chuyển hướng tự nhiên của con người Việt Nam trước một thế giới mà tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đã đưa họ ra khỏi những cơ sở văn hóa và tinh thần truyền thống vốn là căn cứ vững vàng xưa nay.

Từ trong truyền thống của nền văn hóa nông nghiệp mà chúng ta phát xuất, tự nó đã có những bất cập, những khuyết điểm và giới hạn tự nhiên. Khi tâm thức nông dân Việt Nam, bằng hành trang văn hóa dân tộc này, phải đi vào một khung cảnh văn minh công nghiệp của thời đại thì nó phải trải qua khủng hoảng nhân văn. Vì thế, trách nhiệm giáo dục chung là làm thế nào để trang bị cho sinh viên thời đại một hành trang văn hóa dân tộc, linh động nhưng có cơ bản từ một tâm hồn Việt Nam, với năng lực tự chủ, tự do và sáng tạo nhằm xứng đáng ngang tầm với nhân loại ngày nay? Đây là thách thức lớn, không những chỉ ở bình diện lý thuyết mà là phạm vi thực tiễn qua chính sách giáo dục và đào đạo mà Duy Tân phải thực thi. Sinh viên Việt hôm nay khi đi ra với thế giới hiện đại cũng như anh chàng dưới quê đi ra khỏi luỹ tre làng. Làm sao mà cho dù các em có phải đi ra khỏi quê nhà nhưng quê nhà không có rời khỏi các em? Sứ mệnh nhân văn của chúng ta, do đó, là làm sao tạo điều kiện tri thức và nhân cách để cho thế hệ Việt Nam mới không đánh mất cái hồn tinh hoa văn hóa Việt Nam trước thời đại.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện về đạo học huyền nhiệm. Có vị sư giác ngộ vốn mang khả năng nhìn suốt không và thời gian để biết trước cái gì sẽ xẫy ra trong tương lai – kể cả những tin tức về kinh tế tài chánh mà nếu nắm được sẽ là cơ hội làm giàu lớn. Có kẻ doanh nhân nọ muốn có được khả năng kiến thức này xin theo học vị sư để được giàu có. Nhưng vị sư từ chối và đã nói với doanh nhân rằng, muốn được đạt đến trình độ tri kiến này, điều kiện tiên quyết là ngươi phải xứng đáng với nó. Khi sử dụng khả năng huyền nhiệm cho mục tiêu duy lợi vị kỷ thì khả năng tri kiến đó sẽ bị tiêu huỷ.

Ý nghĩa của câu chuyện là rõ ràng. Cá nhân phải được tiến hóa về nhân cách và tâm thức xứng đáng với khả năng tri kiến về phương tiện pháp thế gian. Sự bất cập giữa hai vế, giữa tâm thức nhân văn và khả năng tri kiến phương tiện, là nguyên nhân của mọi thảm họa. Câu hỏi cho chúng ta là, liệu những tâm hồn Việt Nam ngày nay có xứng đáng với khả năng tri kiến mà họ đang hấp thụ từ thế giới hiện đại chưa? Tức là, thế hệ sinh viên mới của Duy Tân có được trang bị bằng một tâm hồn và trực giác Việt Nam đủ xứng đáng với khả năng chọn lựa và hành động trước những gì mà nhân loại và thế giới đang đưa đến? Nguyên lý và giá trị nào để các em sống và hành hoạt khi giòng sông dân tộc đang đi ra hội nhập với đại dương nhân loại?

Soi sáng và hệ thống hóa một cách khoa học các phương cách tiếp cận cho những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta bắt tay vững chắc hơn vào sứ mệnh giáo dục nhân văn mà Đại học Duy Tân đang vươn đến vậy.


Nguồn: Trang web của Nguyễn Trọng Tạo: http://nguyentrongtao.org

READ MORE - NGUYỄN HỮU LIÊM – SỨ MẠNG GÁO DỤC NHÂN VĂN: TÂM HỒN VIỆT, CON ĐƯỜNG THẾ GIỚI