NĂM
CHUỘT DẠY ĐỜI
1.
Chuột dưới mắt người
Tên mười hai con giáp và các con vật “cầm tinh” tương ứng,
trẻ em cũng rành sáu câu, thiết tưởng không nên nhắc cho dài dòng.
Lại không ít người thắc mắc tại sao con chuột nếu xét về
hình vóc thì nhỏ xiú, còn về “võ công” thì chẳng là cái đinh gì so với 11 con
giáp khác (gặp mèo, gặp rắn là chạy té khói), thế mà không biết lý do gì nó lại
được đứng đầu sổ trên 11 con kia?
Về việc nầy cũng có hàng lô lời giải thich; người thích lời
giải thích nầy, kẻ thích lời giải thích kia, chưa ai chịu thua ai, nên lại thiết
tưởng không cần liệt kê cho thêm rườm rà!
Điều chúng tôi muốn nói là con chuột trong mắt con người và
trong văn chương bình dân.
Dưới mắt con người, chuột là con vật bé nhỏ, hôi hám, xấu
xí, dơ bẩn, phá hoại, hèn hạ, bậc nhất, nếu không thì sao: “hình thù như con chuột nhắt” (nhỏ); “hôi như chuột”; “dơ như chuột”; “phá như chuột”; và theo tướng số,
nếu bị mắng là “đồ mặt chuột” thì ngầm
hiểu rằng đó là người nhỏ nhen, hèn hạ! (xin lỗi, chúng tôi chỉ nói theo sách vở
chớ không theo quan điểm của mình)
Với loài có vú thì chuột là nhà vô địch về sinh đẻ: Khoảng 3 tháng tuổi, chuột cái có thể đẻ lứa đầu tiên; đẻ một lứa từ
5 đên 10 con; và cứ sau chưa đầy 1 tháng thì lại đẻ lứa khác! Người ta tính,
một vợ chồng chuột sau một năm sẽ cho ra đời cháu chít là 15 ngàn (còn tồn tại
bao nhiêu là chuyện khác)! Bởi vậy cũng đừng lấy làm lạ khi biết rằng số “chuột
khẩu” lại tương đương với số nhân khẩu trên trái đất nầy!
Ngoài
ra, mỗi ngày chuột cần một lượng thức ăn thật khủng khiếp là tương đương phân
nửa thể trọng chúng! Người ta lại ước lượng số lương thực trên thế giới mỗi năm
có thể mất đi hơn 10% phần trăm vì chuột!
2. Loài gây tai hại bậc nhất
Chuột
còn là tác nhân gây bệnh dịch hạch, căn bịnh đã cướp di sinh mạng con người một
cách khủng khiếp, gấp nhiều lần thiên tai, nhân họa:
“CÁI CHẾT ĐEN là tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ
năm 1348 đến
năm 1350.
Cái Chết Đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, ước tính nạn dịch này đã giết chết từ 30
tới 60% dân số của châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống
còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1400. Quan điểm truyền thống cho rằng nguyên
nhân của đại dịch này là sự bùng phát của bệnh dịch hạch” (Wiki)
Chuột còn có đặc tính đáng ghét nữa là hay
cắn phá vật dụng trong nhà: từ bàn ghế, ống nước, sách vở, quần áo, hay bất cứ
thứ gì nằm trong “tầm ngắm” của nó. Sở dĩ chuột có thói quen “cạp” các vật dụng
chẳng qua là chúng muốn mài mòn các răng cửa của chúng vốn luôn mọc dài ra suốt
đời không ngừng nghỉ. Nếu chúng không mài (đồng nghĩa với “cắn phá”), thì một
ngày nào đó, răng cửa chúng mãi dài ra, sẽ đâm vào hai hàm. Chúng sẽ chết!
Những người đi sông đi biển, họ rất sợ chuột
có mặt trên tàu ghe của mình, vì nó cạp lủng ghe tàu lúc nào không hay; cho nên
dưới ghe họ có lập bàn thờ, thờ ÔNG TÝ!
Phá hoại mà không hề làm lợi ích gì, nên người
ta thường ví những kẻ đục khoét tài sản nhà nước là “lũ chuột người”!
Vì những đặc tính khó ưa trên nên con người luôn tìm chuột để
diệt cho bằng được. Tuy vậy, chuột cũng có ưu điểm thiên phú để tồn tại là trí
thông minh: Tùy theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học mà chuột được xếp từ hạng
3 đến hạng 9 trong 10 loài vật thông minh nhất. Vì chuột có tên trong “bảng
phong thần”, nên không ít người đã thổi phồng sự “thông minh” của nó lên, nghe
“y như thật”!
Thứ nhất là chuột biết nghe tiếng người cho nên khi muốn gài
bẩy chuột trong nhà thì lặng lẽ mà gài, không nên đánh tiếng trước, chuột nó
nghe và không dại gì vào bẫy!
Thứ hai là chuột thích ăn mỡ; nếu mở đựng trong chai thì chuột
ta cho đuôi vào chai cho mỡ thấm vào đuôi rồi rút đuôi ta liếm, từ từ thưởng thức!(chớ
không thèm làm ngã chai cho mờ đổ ra!)
Thứ ba là chuột không thể gặm quả trứng, nên phải rủ chuột vợ
ôm quả trứng, còn chuột chồng thì gặm đuôi vợ kéo về!
Dóc tổ!
3.
Văn chương bình dân và chuột
Có lẽ vì vậy mà trong văn chương bình dân chuột được “ưu ái”
nhắc tới nhiều nhất chăng?
Ta hãy nghe câu chuyện vui “NĂM CHUỘT DẠY ĐỜI” sau đây:
“Đời nầy đen trắng
khó phân, nhưng mình cảnh giác mọi việc thì đỡ gây tổn thương cho mình chừng
nào hay chừng nấy. Hãy dè chừng với những ai “Mặt dơi, tai chuột”. “Mắt dơi mày chuột”. “Mặt
như chuột kẹp”, bởi cổ nhân có câu: “Mắt
chuột, tai thỏ, mũi dơi / Trai thời gian xảo, gái thời đong đưa”!
Thiên hạ thì “bách nhân bách bụng, bách bao
tử”. chẳng ai giống ai. Kẻ thì quân tử Tàu, hay làm ơn cho nhưng kẻ gian ác có
thể hại mình, chẳng khác gì “Chuột cắn dây buộc mèo”; lại có kẻ hợm mình, học
làm sang bằng cách làm chuyên khác đời, lập dị, như “Chuột chê
xó bếp chẳng ăn. Chó chê nhà dột sang nằm bụi tre” (“Vịt chê
lúa lép không ăn. Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre”).
Lại có kẻ không biết phận mình, không chịu
“gối rơm theo phận gối rơm”; mà như “Chim chích mà đậu cành sồi. Chuột chù trong
cống đòi soi gương Tàu”, hay kiểu “Chuột chù đeo đạc (mõ)!” dốt
trất mà nghênh ngang dạy đời!
Lại có kẻ “Hôi như chuột chù” mà không biết phận, lại chê người
khác “Chuột chù chê khỉ rằng hôi”, Tất
nhiên sẽ bị người khác quật lại liền :“Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm? Có
kẻ dốt nát mà lại làm như mình thông thái kiểu “Chuột chù nếm dấm” hoặc như “Chuột đội vỏ trứng”. để che đậy bản chất xấu xa cùa mình
bằng vỏ bọc bề ngoài .
Có kẻ lù đù, hiểu chậm,
làm chậm như “Chuột chù phải khói” Bộ
dạng “Ướt như
chuột lột”, rụt rè “Len lén như chuột
ngày”, gặp nguy nan thì “Trốn
như chuột:, vậy mà liều lĩnh dám làm chuyện nguy
hiểm không kể tính mạng, khác nào “Chuột gặm chân mèo”.
Cũng chớ tự cho mình
giỏi, vì núi nầy cao, có núi cao hơn! “Chuột khôn có mèo hay”
mà! Sự thành công trên đời này có khi chỉ nhờ vận may! Nếu may mắn như “chuột sa hũ nếp” thì chớ vội vui mừng,
bởi biết đâu có ngay bí lối cùng đường như “Chuột chạy cùng sào”,
lạng quạng sẽ như “ Chuột sa cũi mèo”
thì tiêu sinh mạng!
Chớ bắt chước bọn”Làm dơi làm chuột”, làm không cái gì ra cái gì mà thường tụ năm tụ bảy“nói dơi nói chuột”, hay làm việc gì
cũng “đầu voi đuôi chuột” thì thiên
hạ cười cho; cũng không nên nạnh sức, nạnh công để rồi công việc không đâu vào
đâu cả, đừng rơi vào tình trạng“Chuột
bầy làm chẳng nên hang”, giống
như “ nhiều sãi ko ai đóng cửa chùa” vậy! Chớ khờ dại mà “Bày đường chuột chạy”;
cũng chớ tin kẻ đạo đức giả, vì
mấy đời “Mèo già khóc chuột” bao giờ;
hãy đợi xem ngày nào đó, khi “Cháy nhà ra mặt chuột”,
rôi sẽ thấy “chuột chạy hở đuôi”*: thì mặt nạ hèn hạ sẽ lòi ra! Tuy nhiên, ở đời không phải
lúc nào mình cũng làm theo ý mình được. Dẫu biết rằng “Giết một con
mèo, cứu vạn con chuột”, nhưng vì trăm lý do đành phải kiêng dè“Ném chuột sợ vỡ bình” là vậy!
Ai cũng có sở trường riêng của mình, dù sở
trường nầy chỉ mình tự khen mình mà thôi! “Mèo
hay khen mèo dài đuôi. Chuột khen chuột
nhỏ dễ chui dễ trèo” là thói
thường.; nhưng khoe là một chuyện nhưng có thực tài hay không thì còn hỏi lại;
bởi có khi “Mèo già lại thua gan chuột nhắt”, hay chỉ là “Mèo
mẹ bắt chuột con” mà thôi!
Cũng không trách chuyện “chuột giỡn mặt mèo”,
bởi có những kẻ yếu thế nhưng lắm mưu mẹo, có…
“vũ khí hiện đại” thì đối phương dù mạnh hơn cũng phải chạy dài; câu “Sắc
nanh chuột dễ cắn cổ mèo” là bằng
chứng! Lại nữa, mọi việc đều có số phần, có kẻ đi năm non bảy núi vẫn
bình an, mà khi về quê, bị sụp lỗ chân trâu đành toi mạng! Thì cũng có người “Đi cùng bốn bể chín chu. Trở về xó bếp
chuột chù gặm chân”. (Câu nầy nói trường hợp Nguyễn Hữu Chỉnh khi thất thế phải
về quê nhà ở Nghệ An nương náu, bèn bị phường vô lại hè nhau bắt nộp cho vua
Lê)…..”
4. Những thành ngữ, ca dao về chuột khác:
Khói như hun chuột/
Mèo nhỏ bắt chuột lớn/ Chuột
chù lại có xạ hương./ Rắn
rồng bắt chuột mái rui. Em đừng than tới thở lui anh buồn/ Giàu
chi anh gạo đổ vô ve. Chuột ăn không được mà khoe rằng giàu/ Chuột khôn
cũng thể chuột nhà. Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em/ Tiếc công anh lên
đảnh xuống đèo. Cầm sào thọc chuột cho mèo nẫu ăn!/ Chuột
kêu chút chít trong rương. Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay/
Chị là hòn đá tảng trên trời. Chúng em chuột nhắt cứ đòi lung lay/
Chuột chù rút, nhà phát tài (có khách); chuột cống rút, nhà có việc….
Ca
dao thành ngữ về chuột chắc chắn còn nhiều lắm; nhưng người viết hiểu biết có
hạn!
Dừng
tại đây, quý bạn sẽ thắc mắc: “Sao thấy nói con chuột toàn việc xấu xa, dơ
bẩn, tai hại; chẳng lẽ nó chẳng có điều gì lợi ích cho con người à?” - “Xin
thưa, có! Thịt của nó không những là loại thực phẩm “hẩu xực”cho cả dân miền
Tây, mà còn là món mồi “hết xẩy” cho mấy
ông đưa cay sau những buổi nông nhàn”.
KHA
TIỆM LY
.....
* “chuột chạy hở đuôi”:câu nầy còn ám chỉ thửa ruộng có lúa cằn cỗi, xơ
xác, còi cọc.