Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 18, 2020

TRÒ CHƠI NGÀY TẾT XỨ HUẾ: XĂM HƯỜNG (tiếp theo và hết) – Lê Duy Đoàn



Bấm vào liên kết sau để đọc Phần 1:

TRÒ CHƠI NGÀY TẾT XỨ HUẾ: XĂM HƯỜNG, PHẦN 1 



TRÒ CHƠI NGÀY TẾT XỨ HUẾ: 


XĂM HƯỜNG 
(Phần 2 - tiếp theo và hết) 

Lê Duy Đoàn

Những qui ước trong trò chơi Xăm Hường:
Người  chơi được nhận thẻ xăm theo những gì xuất hiện trong 1 lần đổ hột vào tô.
1.   Nhất Hường (1 mặt tứ) : lấy 1 thẻ một.
2.   Nhị Hường (2 mặt tứ) : lấy 1 thẻ 2 hoặc 2 thẻ 1 khi không còn thẻ 2.
3.   Tứ Tự (hay còn gọi là Tứ Tấn): khi có 4 mặt giống nhau trừ mặt Hường (mặt bốn) thì lấy 1 thẻ 4. Nếu ngoài 4 mặt giống nhau đó có thêm 1 hường hay 2 hường thì lấy thêm 1 thẻ 1 hoặc 1 thẻ 2.
4.   Tam Hường (3 mặt tứ): lấy thẻ 8. Nếu Tam Hường đi với 3 hột súc sắc còn lại cùng 1 mặt (ví dụ 3 tứ, 3 tam) thì gọi là Phân Song Tam Hường, lấy được 1 Trạng em và 1 thẻ Tam Hường (trị giá 24 thẻ)
5.   Trạng em: có nhiều trường hợp xuất hiện được lấy Trạng Em (tức là Bảng Nhãn, Thám Hoa)
     a. Suốt: 6 hột theo thứ tự nhất - nhị - tam - tứ - ngũ - lục.
     b. Phân Song: là chia hai, 3 hột mặt này, 3 hột mặt kia (ví dụ 3 tam, 3 nhị)
     c. Thượng Mã, Hạ Mã: theo chữ là “Thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân” trong tích Tào Tháo đãi ngộ Quan Công trong truyện Tam Quốc Chí.
          - Thượng mã là 3 đôi: 2 nhất, 2 nhị, 2 tam
          - Hạ mã là 3 đôi: 2 tứ, 2 ngũ, 2 lục
     d. Tứ Tự Cáp:  Cáp nghĩa là ghép với nhau. Tứ tự là 4 mặt giống nhau, hai hột còn lại mà tổng số bằng với mặt tứ tự thì gọi là Tứ Tự Cáp.
Ví dụ: Tứ tự là 4 mặt ngũ, 2 hột còn lại có thể là 3 và 2 hoặc là 4 và 1 thì đều gọi là tứ tự cáp.
Có 2 trường hợp đặc biệt của tứ tự cáp:
 - 4 mặt nhất và 2 mặt ngũ, lục thành ra 11 là tứ tự cáp của mặt nhất.
- 4 mặt nhị và 2 mặt nhất hoặc là 2 mặt lục cũng là cáp.

Bốn trường hợp trên, người chơi được quyền lấy thẻ trạng Em. Khi hết thẻ trạng Em giữa làng thì lấy tương đương giá trị 16 thẻ.
6. Trạng Anh (Tức là Trạng Nguyên) có 2 trường hợp:
     a. Trạng Tứ hường (còn gọi là trạng Đỏ) bao gồm 4 mặt hường. 2 hột súc sắc còn lại cộng với nhau thành ra tuổi của Trạng.
Ví dụ: 4 hường và 2 mặt còn lại là 3 và 5 thì gọi là trạng 8 tuổi.
Khi một người đã lấy được trạng 8 tuổi, mà có người khác đổ hột súc sắc ra trạng Anh 9 tuổi trở lên thì người đó được lấy trạng anh từ tay người kia gọi là cướp trạng.
Ngoài tuổi của trạng xác định như trên còn có 2 trường hợp đặc biệt là Trạng cáp xiên và Trạng cáp chính.
Trạng cáp xiên là 4 tứ, 1 tam, 1 nhất.;
Trạng cáp chính là 4 tứ, 2 nhị.
Trạng cáp xiên cướp trạng có tuổi. Trạng cáp chính cướp được cả trạng cáp xiên.
     b. Trạng ngũ tử (Trạng anh Đen): bao gồm 5 mặt giống nhau trừ hường. Hột xúc sắc còn lại là số tuổi.
Ví dụ: 5 mặt ngũ một mặt nhị thì gọi là Trạng ngũ tử 2 tuổi. Nếu người khác cũng ra ngũ tử mà tuổi lớn hơn thì cướp trạng.
Trạng ngũ tử có một trường hợp đặc biệt là ngũ tử đại ấn tức là 5 hột cùng một mặt, hột còn lại là mặt tứ. Trạng ngũ tử đại ấn cướp trạng ngũ tử có tuổi.
Có một quy định đặc biệt là loại trạng nào chỉ được cướp trạng loại đó. Trạng đỏ không được cướp trạng ngũ tử và ngược lại.
Trường hợp đổ ra trạng mà không cướp được trạng thì người ấy sẽ lấy 32 thẻ giữa làng.
Nếu người có trạng mà đổ ra trạng nhiều tuổi hơn thì chỉ được tăng tuổi trạng chớ không được phép lấy thêm thẻ giữa làng.
7. Ngũ hường đoạt tam khôi: Tức là 5 mặt hường thì được lấy cả 3 trạng (1 trạng anh và 2 trạng em) dù trạng đã nằm trong tay người khác. Hột súc sắc còn lại là số tuổi của ngũ hường.
8. Lục phú: Có 2 trường hợp:
     a. Lục phú đen: 6 mặt giống nhau trừ hường.
Khi có lục phú thì không kể ai có bao nhiêu thẻ, tất cả người chơi đều đồng loạt chung cho người lục phú giá trị theo quy định (nếu 6 hoặc 7 người chơi, mỗi người phải chung 1 trạng).
     b. Lục phú hường: 6 mặt tứ
Tất cả đều chung cho người có lục hường trị giá gấp đôi quy định (nếu chơi 6 hoặc 7 người thi 1 người phải chung 2 trạng).
Trong trường hợp, người chơi đổ hột văng ra ngoài thì xem như bất hợp lệ và phải bị phạt một thẻ hường thêm vào trạng.
Trường hợp người có trạng đổ hột những lần đầu không có hường thì mỗi lần bị phạt 1 thẻ thêm vào trạng.

Số lượng người chơi và cách tính số lượng thẻ của mỗi người chơi:
1. Từ 2 đến 7 người:
- Hai người: mỗi người phải đủ 32 x 3 = 96 thẻ.
- Ba người: mỗi người phải đủ 32 x 2 = 64 thẻ.
- Bốn người: mỗi người phải đủ 32 x 1,5 = 48 thẻ.
- Năm người: Có 2 cách:
      + Nếu chia đều thì bỏ bớt 2 thẻ, còn 190 thẻ, mỗi người phải đủ 38 thẻ.
      + Bán trạng: người có trạng anh được quyền bán trạng và những thẻ khác trên tay mình, không giữ lại thẻ nào. Như vậy, mỗi người khác phải đủ 48 thẻ.
- Sáu người: mỗi người phải đủ 32 thẻ.
- Bảy người: người nào có trạng anh sẽ bán hết thẻ trên tay mình cho người nào còn thiểu (mỗi người phải đủ 32 thẻ).
2. Bắt đầu 8 người chơi trở lên thì cách tính có phần phức tạp hơn. Số người chơi có thể nhiều nhưng nên chơi tối đa 12 người.
Từ 8 đến 12 người chơi, chúng ta áp dụng lối bán trạng 2 lần.
Nhiều người nghĩ rằng, bán trạng 2 lần là người có trạng được bán gấp đôi giá trị của thẻ trạng (32 x 2 = 64)
Thật sự, nếu chơi theo cách đó thì chỉ có 1 người vui vì ăn nhiều mà những người khác sẽ buồn vì ai cũng thua cả.
Theo tôi đã áp dụng và cách bán trạng 2 lần này hay hơn.
Bán trạng hai lần có nghĩa là cả trạng anh và 2 trạng em đều được bán.
Người có trạng em được xem như đủ thẻ, số còn lại mà người có trạng em lấy được thì được quyền bán.
Sau khi người có thẻ trạng em bán xong, thì người có trạng anh sẽ ăn hết phần còn lại
Số lượng thẻ cần có của những người chơi không có trạng giảm dần khi số người chơi tăng lên:
8    người chơi, mỗi người không có trạng chịu 32 thẻ
9                                                                          28 thẻ
10                                                                        25 thẻ
11                                                                        22 thẻ
12                                                                        20 thẻ

Số lượng thẻ này tùy theo sự giao ước của những người chơi. Con số trên đây chỉ là con số để tham khảo mà thôi.

Một số cải biến để trò chơi thêm hấp dẫn:
1. Đấu thẻ rời: Khi còn lại chỉ trạng anh, người ta tạo thêm hào hứng bằng cách đấu 1, 2 thẻ hường. Ai nhiều hường hơn sẽ ăn hết. Lối đấu này chỉ căn cứ theo mặt hường.
2. Hạ giá trạng: Khi đã hết thẻ nhỏ mà đổ nhiều vòng không lên trạng, để cho nhanh có thể hạ giá trạng. Thông thường là phân song tam hường, có thể là trạng em trừ suốt (Có nghĩa là phân song, tứ tự cáp, thượng hạ mã.)
3. Cướp Trạng Em: Khi có 8 người chơi trở lên, người chơi chấp nhận bán trạng 2 lần thì giá trị của trạng em tăng lên nhiều. Có thể chia ra 3 cấp để cướp trạng em.
Cấp I: Phân song tam hường
Cấp II: Phân song, tứ tự cáp, thượng mã, hạ mã
Cấp III: Suốt
Như vậy phân song tam hường có thể cướp trạng em cấp II và III, cấp II có thể cướp trạng em của Suốt.
Người lấy trạng em trước thì bị cướp trước.
4. Không lấy thẻ: Người chơi có quyền không lấy thẻ giữa làng vì không ai cấm 1 người từ chối quyền lợi mình được hưởng. Như vậy người chơi có cơ hội cướp trạng nhiều hơn.
Bằng cách chơi mới lạ này mà bạn bè Quốc Học 61-64 đã áp dụng trong buổi họp mặt đầu năm Đinh Hợi. Nó tạo nên niềm vui vô kể.
Hầu như trò chơi nào cũng có những biến thái thích hợp để tạo nên hào hứng và vui vẻ nhiều hơn. Do đó chúng ta không nên câu nệ lề thói cũ mà thử áp dụng những cải biến trong trò chơi xăm hường để trò chơi vui hơn, hấp dẫn hơn.  

Chế tác thẻ Xăm Hường
Trong nội cung triều Nguyễn và các gia đình quan lại trước đây, thẻ xăm hường có thể làm bằng ngà voi. Sau này, thẻ xăm hường được làm bằng vật liệu khác dễ kiếm hơn. Vật liệu có thể là sừng bò, sừng trâu trắng, xương, tre, gỗ để làm xăm. Có thể in, vẽ hình trạng và ghi chữ Hán, cũng có thể ghi chữ số, miễn sao có đủ thẻ lớn nhỏ để chơi.
Bộ thẻ xăm hường của tôi được chế tác từ đũa nhựa melamine của Trung Quốc. Chỉ cần cắt dài ngắn khác nhau ta có thẻ nhất hường, nhị hường, tứ tự. Ghép 2 thẻ tứ tự cho dài hơn 1 tí ta có thẻ tam hường, ghép 3 thẻ dài hơn ta có trạng em, dài hơn chút nữa ta có trạng anh. Dùng keo dán Super Glue để gắn các thẻ đũa lại với nhau. Cách chế tác này dễ dàng, ai cũng làm được vì đơn giản vô cùng mà âm thanh của thẻ va chạm nhau cũng thanh tao “nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau” vui tai lắm lắm.
Xăm hường là một trò chơi mang đậm nét văn hoá đặc sắc. Trò chơi phổ biến rất rộng rãi trong xã hội Huế và các vùng lân cận. Trò chơi vô cùng tao nhã và thân thiết.
Cứ mỗi lần Tết đến, được nghe âm thanh các hột súc sắc đỗ dòn trong cái tô kiểu, lòng người tự nhiên thấy rộn rã một không khí vui tươi, đầm ấm của một gia đình người Huế đón xuân.
Mỗi gia đình người Việt dù ở Việt Nam hay xa xứ nên kiếm mua hoặc tự làm một bộ xăm hường để gia đình được quây quần vui vẽ trong ba ngày Tết với trò chơi tao nhã: XĂM HƯỜNG.

LÊ DUY ĐOÀN
Mồng 8/1/Đinh Hợi.

READ MORE - TRÒ CHƠI NGÀY TẾT XỨ HUẾ: XĂM HƯỜNG (tiếp theo và hết) – Lê Duy Đoàn

CHUYỆN QUÊ | CHIỀU QUÊ | HỒN QUÊ - Chùm thơ về quê hương - Đặng Xuân Xuyến




Chuyện Quê




Về quê

Gặp cháu dâu đầu ngõ

Tròm trèm tuổi 90

Móm mém cười:

- Thưa Ông! Em Tuấn Hưng có về lễ Tổ?

Thằng chắt chạy ra hô hố:

- Cụ chả thèm cưới vợ

Cháu chắt mòn răng chờ chén cỗ

Đến chừng nào cụ mới chịu hồi xuân...

.

Đứng chặn giữa sân

"Ông anh" nhánh trên thò lò mũi dãi

Chả cần e ngại

- Chú về?

Muộn thế?

Cho anh nghìn mua gói bim bim...

.

“Chị gái” nhành trên vừa tè ướt bỉm

Huơ huơ bàn tay

Nghe chừng muốn lẫy

Chị cười

Tơn tớn hàm răng những lợi

.

Bà bác năm trước thẹn thùng:

                                      - cháu chào chú Xuyến

Năm nay đã dáng bề trên:

- Anh vào lễ Tổ

Rồi sang, bác anh có chuyện.

.

Về quê

Nếp quê

Khó cho người trẻ

Chuyện quê

Thói quê

Ấm dạ người già.

*.

Hà Nội, ngày 22.08.2018

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

Chiều Quê ...

.

Nắng đẩy mây dồn phía đằng tây

Mưa bụi lạnh thêm những gót giày

Ngõ nhỏ gió về luồn run rẩy

Nhao nhác lưng chiều cánh vạc bay.

*

Làng Đá, chiều 19.08.2018

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

Hồn Quê

.|

Ta về gặp lại hồn quê

Mẹ ta xưa quẩy nắng về hong mưa

Một đời sướng thiếu khổ thừa

Mẹ đan hạnh phúc vặn vừa nỗi đau

.

Heo may trở dạ mùa sau

Mẹ se gió lạnh khỏi nhàu nắng tươi

Chắt chiu ủ ấm nụ cười

Mẹ nhen lửa giữ cho “Người ở xa”

.

Tháng Mười, tháng Bảy, tháng Ba

Mẹ gom gió lạnh mưa sa bão dồn

Đổ vào sẫm đỏ hoàng hôn

Mẹ ru ta nặng trĩu hồn quê Cha

.

Ta về gặp lại hồn ta

Mẹ ta thì đã đi xa cuối trời...

*

Hà Nội, sáng 06 tháng 03.2018

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

READ MORE - CHUYỆN QUÊ | CHIỀU QUÊ | HỒN QUÊ - Chùm thơ về quê hương - Đặng Xuân Xuyến

XUÂN THA PHƯƠNG NHỚ QUÊ HƯƠNG - Thơ: Nguyễn Hồng Linh - Nhạc: Nguyễn Tâm - Biểu diễn: Hoàng Hoa

READ MORE - XUÂN THA PHƯƠNG NHỚ QUÊ HƯƠNG - Thơ: Nguyễn Hồng Linh - Nhạc: Nguyễn Tâm - Biểu diễn: Hoàng Hoa

CHÂN NGÀ | EM HẸN ANH | ANH SẼ VỀ - Chùm thơ Trần Đức Phổ




Chùm thơ Trần Đức Phổ


Chân Ngà

Đôi bàn chân nhỏ dẫm phong sương
Vất vả gai chông vạn nẻo đường
Đã có khi nào em mệt mỏi
Thầm mơ bên cạnh có người thương?

Đây nét xinh xinh, vẻ ngọc ngà
Của bàn chân trẻ, đẹp như hoa
Dễ thương như thể chồi xuân nõn
Gợi nhớ trong lòng những thiết tha.

Đôi bàn chân ấy quá tinh khôi
Là của giai nhân ở cuối trời
Ước hẹn cùng nhau về viễn xứ
Suốt đời mình sẽ bước chung đôi.

*

Em Hẹn Anh

Em hẹn cùng anh dưới cội thông
Ngàn năm xanh biếc giống như lòng.
Tình nàng thiếu nữ ngây thơ đó
Nguyện trọn một đời dạ thủy chung.

Em hẹn cùng anh dưới cội đào
Mùa xuân hoa nở bướm xôn xao.
Mà người xưa đã không về nữa
Biền biệt tin thư tự thưở nào!

Em hẹn cùng anh dưới cội mơ
Trải bao tháng đợi lại năm chờ.
Lá mơ tàn úa rơi hiu hắt
Mà bóng người thương vẫn mịt mờ!

Em hẹn cùng anh dưới cội dâu
Làm cho tan vỡ chuyện tình đầu.
Anh về niêm hết yêu đương lại
Để hẹn cùng nàng đến kiếp sau!


Anh Sẽ Về

Anh sẽ về khi gió chuyển mùa
Cho hồng bếp lửa tháng ngày xưa
Cho đêm vắng vẻ thôi hiu quạnh
Má tựa vai kề mỗi sớm trưa.

Anh sẽ về khi nắng ngã chiều
Vòng tay đan lại những thương yêu
Không còn mong đợi và nhung nhớ
Gác nhỏ đi về hết tịch liêu!

Anh sẽ về khi nhãn trổ bông
Vườn xanh vải chin rực sắc hồng
Mít, xoài trĩu ngọt trên cành biếc
Và mắt em cười trong nắng trong.

Trần Đức Phổ
                             
   

READ MORE - CHÂN NGÀ | EM HẸN ANH | ANH SẼ VỀ - Chùm thơ Trần Đức Phổ