Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 12, 2021

UỐNG CHẬM LY CHIỀU – Thơ Tịnh Bình



            
Nhà thơ Tịnh Bình
          
                                     

UỐNG CHẬM LY CHIỀU

Không hối hả
Nhịp xe chầm chậm
Thấp thỏm mặt người sau lớp chắn khẩu trang
Những lối phố dư thừa gió nắng
Thèm một chuyến xe quen...
 
Phố nhớ hơi người
Đâu rồi hỗn độn thanh âm
Những sáng trưa chiều trôi đi lằng lặng
Ngày nối ngày mong Covid tan...
 
Chiều bảng lảng
Chiếc lá rơi không biết về đâu
Ngọn đèn đường thắp nỗi ưu tư
Phố trầm lặng chưa tan mùa giãn cách
Uống chậm ly chiều
Sóng sánh bóng hoàng hôn...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
READ MORE - UỐNG CHẬM LY CHIỀU – Thơ Tịnh Bình

HƯƠNG XƯA - BẾN CHIỀU - Thơ Mặc Phương Tử

   



HƯƠNG XƯA - BẾN CHIỀU

 

Bỗng dưng đếm bước trong chiều

Vó câu chợt thoáng nghe hiu hắt lòng.

Ngàn mây từ cõi phiêu bồng

Bờ nhân ảnh, có phương hồng cỏ hoa!

 

Đường chiều giăng mắt mù sa

Gót phong trần giữa bóng tà huy bay.

Thực-hư một giấc mơ gầy

Nhục-vinh mấy cuộc buông tay kiếp người.

 

Rồi nước chảy, rồi mây trôi,

Cuộc cờ thế sự buồn vui vẫn là...!

Rồi nắng sớm, rồi chiều sa,

Nghĩ cho thân phận người ta sớm chiều.

 

Thế mà lòng ước mơ nhiều

Những khi mộng tưởng trăm điều lo toan.

Thế mà những giấc mộng con

Đêm dầy đè nặng lên hồn hoang vu.

 

Hay đâu trong cõi mịt mù,

Còn lơ mơ cuộc phù du não nùng.

Cánh chim bạt gió muôn trùng,

Ta về gom cả một dòng thời gian.

 

Bóng lau xa, gió trên ngàn,

Gió phơ phất gió, hoa vàng đong đưa.

Ngược xuôi dù đã bao mùa,

Con thuyền về lại hương xưa bến chiều.

 

                              South Dakota tháng 7.2021.

                               MẶC PHƯƠNG TỬ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


READ MORE - HƯƠNG XƯA - BẾN CHIỀU - Thơ Mặc Phương Tử

GIÃ MÙA | PHÍA KHÔNG EM- Thơ Đặng Xuân Xuyến

 


GIÃ MÙA 

                - tặng Vân -


Đã rằng, 

thì cứ giả vờ

Mà không lặng lẽ như tờ giấy than

Giật mình 

nửa giấc mơ tan

Thoảng cơn gió lạnh khẽ tràn qua khe

Vẳng nghe xa 

Quốc gọi hè

Nhành Xuân 

ờ đã 

loe hoe giã mùa.

*.

Hà Nội, đêm 14 tháng 6-2021

Đ. X.X.




PHÍA KHÔNG EM

Em hững hờ thả từng lọn trăng suông
Anh nén thở đè muôn ngàn con sóng
Vòng tay ôm có phần em lơi lỏng
Khẽ co người khi chạm khúc triều dâng.
.
Dẫu biết mình mãi không thuộc về nhau
Dẫu biết sông chỉ một lần thuyền đậu
Vẫn chau chuốt từng cơn anh hổi hả 
Mặc thu mình em vời vợi bến bờ xa
.
Bến bờ nào rồi neo đậu thuyền hoa?
Khúc sông nào sẽ níu trăng buông tỏa?
Anh nào biết để buông lơi ngóng đợi
Phía bờ anh hết heo hút tiếng cười.
*.
Hà Nội, chiều 11 tháng 07.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
READ MORE - GIÃ MÙA | PHÍA KHÔNG EM- Thơ Đặng Xuân Xuyến

KHẨU TRANG – Thơ Lê Phước Sinh

 
 


KHẨU TRANG
 
Anh đưa cái Khẩu trang
Cười cười chẳng thèm nói
lặng lẽ mở cái túi
của Em, Em đeo vào.
 
Ờ sợ mê, chứ sao
biết đâu rồi thấm thuốc
dẫn đi theo chân mãi
phố thị trố mắt nhìn.
 
Giấu đâu ửng cái tình
làm sao che đôi mắt
thương nhau thì thú thật
khẩu hiệu phá khẩu trang.
 
Để Anh hôn, ờ ngoan...
 
LÊ PHƯỚC SINH
Sài gòn 8 tháng 7.
 
READ MORE - KHẨU TRANG – Thơ Lê Phước Sinh

BIỂN MẶN QUÊ EM - Thơ Trần Đức Phổ

 


Biển Mặn Quê Em

Trần Đức Phổ

Anh có biết quê em là biển mặn,
Sống dõi theo từng dấu cánh chim trời?
Mỗi bình minh khi sương còn se lạnh
Đoàn ngư thuyền vượt sóng tiến ra khơi

Những ngư dân ngực trần loáng loáng nước
Bắp tay săn như võ sĩ quyền anh
Da đồng hun, tóc cứng như xơ mướp
Rất đỗi hồn nhiên, chân thật, hiền lành

Mùa cá chuồn, mùa cá cơm, cá nục...
Làng xóm vui như những buổi hội hè
Tiếng gọi thưa, tiếng hò khoan thúc giục
Những con thuyền đầy ắp cá hả hê

Những bờ bãi, những rừng dương hoang dã
Những Lăng Ông, những Mộ Gió... u buồn
Hồn quê hương không ai người xa lạ
Dẫu xa rời còn khắc cốt, ghi xương

Mùa biển động sóng vỗ bờ giận dữ
Nước triều dâng, bão lụt hoành hành
Nắng rát da, mưa thì thác đổ
Mà bỏ đi, ai cũng chẳng đành!

Thưa, vậy đó! Quê em vùng biển mặn
Với những người sống vất vả cần lao
Với chất muối thấm vào lòng sâu lắng
Tình quê hương luôn mãi cứ dạt dào!


tranducpho
READ MORE - BIỂN MẶN QUÊ EM - Thơ Trần Đức Phổ

VẠT NẮNG CHIỀU - Truyện ngắn Lê Yên

 

Nhà văn Lê Yên

VẠT NẮNG CHIỀU

Truyện ngắn 

Lê Yên


Chiều yên ả, gió lướt qua từng kẻ lá hòa âm bản tình ca mùa thu, chút se lạnh để gợi nhớ người thương tìm về trong vòng tay ấm áp. Thi sĩ bay bỗng với cảm xúc được mất, tiếc lá vàng lìa cành, nắng thong dong theo chân cô trong vô ưu, nhẹ nhàng. Thanh bình biết mấy! Bỗng đâu cơn gió lạ, lướt nhanh, mang hơi lạnh đến thì thầm: “Giông tố sắp kéo qua đây…” Lá cây ngọn cỏ rùng mình hoảng sợ. Vạt nắng chiều khép lại, tìm nơi lánh nạn. Cô gấp gáp, vội vã khi nắng chợt xót xa… “Còn vạt nắng chiều lưu luyến, làm sao giữ lại qua bão giông?” 

Mây đen từng đám vá víu không gian. Vạt nắng chiều len qua khoảng trống, trải mình trên đỉnh đồi, tràn qua con phố, vẫn cố đốt cho hết phần ánh sáng còn lại mang theo bên mình… Chỉ cần kịp giờ về phía tây trầm mình vào hoàng hôn cho đến khi cánh cổng buổi ngày khép lại.

Cô còn mẹ già, còn em nhỏ. Cuộc hôn nhân tan vỡ đã để lại nhiều tổn thương. Tóc cô còn xanh nhưng sao mắt xa xăm đến vậy! Đôi khi trong đôi mắt lóe lên một tia sáng, nắng mừng rỡ vô cùng: “Phải rồi, hãy thắp sáng ước mơ, hy vọng nhé cô bé, quên đi giông tố hôm qua.” Làm việc ban ngày, tối đến đi học chương trình cao hơn, cô tìm quên với những thành quả đạt được. Vậy nhưng đôi khi nắng bắt gặp cô lặng lẽ khóc thầm, ấm ức…Thu nhập chỉ đủ trang trải cho cuộc sống và việc học. Một lần mẹ bịnh, cô đi bán máu, mỗi giọt máu chảy ra như giọt nước mắt chảy vào tim. Xanh xao, cô nở nụ cười nhẹ như gió thoảng. Nắng theo cô lo lắng: “Phải tìm cách khác chứ!” Ôm cô trong vòng tay, sưởi ấm chút lạnh giá bên ngoài, nắng khẽ đùa lên tóc, lên mặt… Cô vẫn bất động không sợ nắng làm xém làn da mịn màng vốn có.

Câu chuyện của cô, thật đáng thương. Nắng ngậm ngùi thở dài…

Tốt nghiệp đại học với mảnh bằng ưu tú. Tánh cô hiền lành không thích hơn thua với đồng nghiệp, dựa vào thực lực bản thân là tiêu chí. Nhân viên mới thường xuyên bị bắt nạt, rót nước pha trà, cô vẫn vui vẻ. Cô bé rụt rè luôn về sau cùng vì phải dọn dẹp từng góc nhỏ. Trong văn phòng có một chàng trai, tánh điềm đạm và thân thiện, luôn giúp đỡ cô trong công việc, cô tự tin nhiều hơn. Họ trở thành bạn  rồi yêu nhau. Cả hai đều là trụ cột gia đình, là con thảo. Tình yêu của họ đơn thuần, chân chất, không quà đắt tiền, không tiêu xài phung phí, cả hai chia nhau ổ bánh mì trên ghế đá công viên vẫn hạnh phúc. Ước mơ của họ không dừng lại ở đó, họ muốn học cao hơn, muốn ra nước ngoài, muốn kiếm tiền lo cho gia đình, cùng nhau dệt ước mơ. Tất cả cần thời gian và cơ hội.

Họ kết hôn, về sống chung gia đình, cô mới thấy hết nỗi khổ và trách nhiệm trên vai chồng. Một người cha bất đắc chí luôn nói những lời nhục mạ con trai: “Tao chóng mắt coi mày làm được gì?” Người mẹ đầu tắt mặt tối, nói thật khẽ với con, bù vào sự lớn tiếng người cha. Tình yêu và sức chịu đựng tuổi trẻ có đi cùng không? Họ tìm cơ hội để ra nước ngoài, chồng cô vẫn kiên trì, riêng cô mệt mỏi… Gia đình đã một gánh, thêm gia đình chồng, cô tưởng chừng không chịu nổi. Cô bất đồng với chồng và về nhà mẹ. Mẹ chồng cố khuyên can, cô vẫn muốn ra đi. Đôi khi vấn đề bản thân đọng quá nhiều. Nhìn thấy chồng phải trải qua ngày sống thế nào với áp lực gia đình, cô như giọt nước tràn ly...

Trong cuộc sống, hạnh phúc và đau khổ như duyên nợ. Có những hạnh phúc mang sẵn mầm đau khổ và ngược lại có đau khổ đã gieo mầm hạnh phúc. Ngày cô cùng chồng ra tòa ký đơn ly hôn. Cô đi giữa phố trong tâm thái buông thả, nước mắt nhòe đi như thế qua bao nhiêu con đường, đến khi có sự va chạm mới sực tỉnh. Cô run rẩy, té xuống, cũng may chỉ trầy xước ngoài da. Nghe mơ hồ tiếng người chửi: “Đồ thần kinh, đầu óc trên mây.” Cũng may, cô không gây ra họa cho người khác.

 Chồng thẳng thắn với cô về chuyện đi nước ngoài, không thể đánh mất cơ hội của anh. Cô đã không yêu nhiều đến mức cùng anh vượt qua tất cả. Cô yếu đuối không đủ dũng khí giữ lấy hạnh phúc của mình, đem trái tim ấm trong tầm tay giao cho kẻ khác… Sự  hối hận giày vò bản thân! 

Lang thang trong chiều mưa tầm tả để thấy tỉnh táo hơn với sự hối lỗi, để nhớ anh lần sinh nhật xưa, đội mưa trong nhá nhem tối, gõ cửa với chiếc bánh kem trên tay. Con đường đi qua nhà cô nước lên những chiều mưa, ngập nửa bánh xe, nghĩ thương anh với chiếc xe cà tàng sũng nước ngày nào...

Anh đi, thời gian đầu với cô thật khó khăn. Lao vào công việc, học tập, thăng chức, tình nguyện đi công tác xa, cô đơn với những hành trình… Một công ty nước ngoài mời cô, lên đường sống và làm việc với những người khác màu da, chủng tộc. Cô cho bản thân cơ hội làm mới tất cả, ngập trong công việc với email, hợp đồng, khiến cơ thể mệt nhừ trong căn hộ cao tầng, nằm co ôm bụng với cơn co thắt ứa nước mắt nỗi nhớ anh. Có nhiều mối quan hệ trong công việc, đối tác muốn tiến xa hơn, cô lại không cảm  nhận được chân tình. Ước gì thời gian quay lại để sửa sai… Hết hợp đồng cô về nước, bên mẹ. Dành dụm được chút ít sửa nhà, lo cho em tốt nghiệp đại học. Điều này làm cô vui hơn, không nghĩ đến những kiếm tìm chạy trốn. Sự kiếm tìm khiến lòng ta no thỏa, mệt mỏi với chọn lựa. Sự no thỏa giữa tâm hồn và thể xác khác nhau, đôi khi trạng thái đói khát chưa hẳn là con đường chết! Chạy trốn chi bằng đối diện… Cô còn phải lo cho mẹ, đây là con đường cô chọn. Mẹ luôn an ủi cô, nhưng trong tâm lại xót xa con gái đến nao lòng. Phận làm con, cô thấy mình có lỗi khi không nhiều thời gian dành cho mẹ. Đôi lúc không làm gì, chỉ cần ngồi bên cạnh mẹ với trạng thái vui vẻ để mẹ yên lòng. Cô muốn trở về thuở ban đầu để yêu thương ban tặng hết, không mưu cầu. Hạnh phúc không phải sự thỏa mãn…Đúng sai không tại cuộc đời. Do cách mình nhìn đời như thế nào!

Điều khiến cô mủi lòng khóc lặng bên trong khi cơ hội gặp lại mẹ chồng, bà vẫn nhìn bằng ánh mắt yêu thương bao dung của người mẹ dành cho con gái. Bà ân cần thăm hỏi, dặn dò đủ điều. Sự bao dung của bà khiến cô thấy mình có lỗi trong tiếc nuối… Một lần nữa cô tự hỏi: “ Tình yêu và sức chịu đựng tuổi trẻ có đi cùng  không?” Cô tự tha thứ cho bản thân không?

Nắng dõi theo cô trên con phố, bên song cửa, khi tuổi xuân ngày một qua đi. Nắng reo vui khi thấy cô cười, cho dù nụ cười ấy nhạt hơn nắng chiều. Nắng nhìn xem đâu là duyên mới thắp lửa tim cô. Hai người trẻ đều là con thảo nên không sống cho hạnh phúc bản thân. Sự yếu đuối cũng là bản năng. Cô đã làm rất tốt vì tình mẫu tử... Nắng ôm vai cô dỗ dành: “Không sao cả! Cô nhớ không? Khi giông bảo qua đi, nắng sẽ trở lại trong vắt, đẹp hơn.” Nắng trải hoa trên lối đi trước sân. Nắng gom hương thơm hong khô quần áo, chăn màn trên ban công nhà… Cô thích thú khi tất cả thơm mùi vàng nắng.

Cô trở về công ty cũ với tấm bằng thạc sĩ và chức vụ giám đốc kinh doanh. Nắng reo vui cùng cô, đau khổ đã trở thành động lực cho cô vươn tới, cô thực sự xứng đáng. Những đồng nghiệp trước đây bắt nạt giờ tròn mắt thán phục. Mạnh dạn, tự tin trong công việc, đưa về cho công ty nhiều khách hàng và những hợp đồng lớn. Đó là kết quả một quá trình thay đổi, vươn tới…

Trong một chuyến thiện nguyện cứu trợ bão lũ miền trung. Nhìn thấy tai ương và mất mát của đồng loại, cô chợt hiểu hơn về đau khổ. Đứng ở trạm chờ lên xe trở về, chợt mông lung với những suy nghĩ… người đàn ông bên cạnh lên tiếng làm cô giật mình: “Tôi đưa giúp cô hành lý lên xe nhé!” cô quay lại, người đàn ông với nụ cười tươi trên khuôn mặt rám nắng rạng rỡ. “Cám ơn anh.” “Chúng ta đi cùng xe.” “Xin lỗi anh” Cô lung túng… Người đàn ông bật cười lớn “Tôi ngồi hàng ghế bên trái ấy.” Cô gật đầu yên vị chỗ ngồi. Xe chuyển bánh, cảnh vật hai bên đường thụt lùi từ giã. Nắng lên cao, vàng óng ả, sau giông bão trời thật đẹp. Mùa đông trong cô rồi sẽ đi qua… Cô chợt nhận ra người đàn ông ngồi hàng ghế bên trái.

Nếu một ngày, cô như vạt nắng chiều bên sông vắng, xin hãy xuôi theo dòng… Trải nắng vàng lấp lánh về cuối nguồn, vạt nắng cuối chiều vẫn thật đẹp, tỏa sáng đến phút cuối cùng. Hãy nhìn xem, những tia nắng yếu ớt đã hội tụ, trong khoảng khắc chuyển màu, thâm trầm, mạnh mẽ và tuyệt đẹp.


Sài Gòn, 23/6/21.

LÊ YÊN

 


READ MORE - VẠT NẮNG CHIỀU - Truyện ngắn Lê Yên

LỆ COVID - Thơ Nguyễn Hồng Linh

 

Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh

LỆ COVID

Nguyễn Hồng Linh

Người đã đi... Covid giết - hôm qua
Tình đã xa và tình đau mãi mãi
Nắng đã phai ngày bỗng dài vô tận
Người đi rồi! Đêm lịm chết hồn thơ.

Trả cho em những ngày mơ, ngày mộng
Nụ hôn ấm nồng ta đã trao nhau
Giàn thiên lý vẫn vàng màu nhung nhớ
Bên hiên nhà hoa quấn quít chiều mơ.

Ngày người đi... ta lạc lõng bơ vơ
Tim chết lặng thẫn thờ đời hấp hối
Hận covid chia đôi bờ tuyệt vọng
Tiễn người đi dòng huyết lệ tuôn mờ.

Khăn tang trắng đưa người về đất mẹ
Áo xô buồn hương khói lệ tang thương
Gió hát ru khe khẽ tiễn bên đường
Vĩnh biệt nhé! Chốn vô thường người đến...

N.H.L.



READ MORE - LỆ COVID - Thơ Nguyễn Hồng Linh

THANH ĐÀM VỀ AN THƯỜNG CÔNG CHÚA - Lê Quang Thái

 

An Thường Công Chúa, tranh lụa của họa sĩ Phan Niệm.
Nguồn tranh: indochineart.vn/


THANH ĐÀM VỀ AN THƯỜNG CÔNG CHÚA

Lê Quang Thái

 

Xem chừng cái cổng gỗ vừa bình dị vừa cổ kính ở đường Nguyễn Công Trứ có tiền thân là đường Chợ Cống, trong khoảng hơn 100 năm trở lại, lần lượt thay đổi địa chỉ theo một loạt mã số 21, 27, 29, 31, 33, 47, 63... như đã nói lên tiếng lòng của dân gian trước tốc độ phát triển nhanh chóng của đô thị Huế.



 

Dân gian nghĩ Bà chúa giàu sang, sao lại không bỏ tiền của ra để xây một cái cửa Tam quan ra vào cho đệ trạch của mình xứng danh với con gái thứ 4 của vua Minh Mạng mà lại chọn mô hình một cái cổng gỗ phía trên lợp ngói quá ư khiêm tốn, thể hiện tính cách thanh cao: công dung ngôn hạnh. Hỏi ra mới biết người sao thì của vậy. Đó là cái cổng truyền thống mà lúc sinh thời từ năm 1841 đến 1891 Bà chúa ưa thích nhất. Từ đó cho đến nay, khuôn viên ấy trở thành di tích AN THƯỜNG CÔNG CHÚA TỪ được du khách phương Tây hiếu kỳ dừng lại thu hình vào ống kính.

Năm 1960, một học sinh xứ Huế hoài niệm nét đẹp dung dị của ngôi nhà vườn vừa là nhà thờ An Thường công chúa đã sáng tác bài tứ tuyệt:

Con đường trưa nắng, gió hiu hiu
Ngây ngất người qua, tiếng sáo diều
Đây chốn An Thường công chúa nghỉ
Lưng chừng khóm trúc dáng liêu xiêu
                        
(Đồng Di Đỗ Hà)

Ngày xưa, nơi công chúa nghỉ có đến 9 ngôi nhà quay mặt ra bờ sông theo cách gọi của ngôn ngữ cung đình: 8 nhà ngơi và một nhà cối để dự trữ lương thực trong kho lẫm và các người phục dịch xay, giã, sàng, dần lúa gạo. Dưới sông sau đệ trạch là bến nước có đến năm chiếc đò nhiều mui che đậu sẵn để đưa Bà chúa và con cháu theo hầu đi vào cung vua, lên sơn lăng, ra quê chồng ở Quảng Trị bằng đường thủy và đi chợ xa gần mua hàng cho vừa ý.

Chợ Cống có tự bao giờ? Lẽ tất nhiên chợ phải có sau cống thoát nước
 cho nên mới mang tên CHỢ CỐNG. Các mương nước đều chảy qua cống trước khi đổ ra sông Lục Bình, một khúc sông của sông Thiên Lộc - đổi tên thành Thọ Lộc dưới thời vua Tự Đức sau khi chùa Thiên Mụ đổi tên thành Linh Mụ vào năm 1862 cho thuận lẽ trời đất. Nhớ lại, năm 1841 Bà chúa An Thường hạ giá về nhận đất lập đệ trạch gần bên xưởng đóng thuyền của thủy binh hoàng gia, cư trú theo sắc chỉ của vua Thiệu Trị cho phép Bà chúa cưng chìu xe duyên với Phò mã Đô úy Phan Văn Uýnh, con trai thứ của Hậu quân Đô Thống Chưởng Phủ sự Phan Văn Túy mà quốc sử phiên âm thành Phan Văn Thúy. Thiết nghĩ đó là đầu dây mối dợ cho người đời nay cãi nhau về chùa Túy Vân hay Thúy Vân, với nhiều lý do khác nhau. Chùa có tên chữ là THÁNH DUYÊN ở núi Túy Vân tiền thân là núi Mỹ Am bên cửa biển Tư Hiền. Gia phổ họ Phan ở làng Đạo Đầu, tổng An Lưu, huyện Đăng Xương đã ghi và phiên âm thì làm sao mà “cại lại được”.

Đoán chừng thì cống nước xây sau năm 1814, năm đào sông An Cựu nắng đục mưa trong. Trước đó, chợ Cống có tên là chợ Áo Tơi. Nay dùng áo mưa đủ loại thì ngày xưa dùng tơi kè che nắng đổ lên vai mà yên tâm cày cấy, tơi mang chống mưa lạnh theo lối mưa tạt gió vầy. Cao sang nhất như vua Minh Mạng mà còn mang áo tơi xây bằng lá đọt và đội nón ra vườn Thiệu Phương trong Đại Nội để xem các phi tần, công chúa trồng rau quả. Trong các mẩu áo tơi ở các làng quê vùng Thuận Hóa, nổi tiếng nhất là tơi chợ Chùa. Chợ này ở đâu? - Ở làng Hà Tây nằm bên bờ Nam cửa Việt. Tơi bán tại chợ này là một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của xứ Thuận Hóa: Quạt Phương Ngạn, tơi Chợ Chùa. Quạt Hoa Ngạn nổi tiếng, đủ loại: quạt tre, quạt lụi, quạt tán đinh đồng, đinh bạc quạt nhiều nan lợp bằng giấy dó hoặc bằng lụa... Vì kỵ húy chữ “Hoa”, tên mẹ vua Thiệu Trị mà đổi tên làng Hoa Ngạn ra Phương Ngạn. Chuyện tơi, chuyện quạt lại dính liền với chuyện hai chùa Diệu Đế và Báo Quốc: Quảng Trị Trung Kiên, Thừa Thiên Dạ Lê. Trung Kiên và Dạ Lê là hai làng phát sinh nhiều bậc danh tăng của xứ Thuận Hóa. Làng Phương Ngạn sát bên làng Đâu Kênh, làng Bích Khê (tên cũ Hồng Khê), đối chênh qua sông Thạch Hãn là thôn Trung Kiên. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã từng ngự giá ở làng Đâu Kênh, huyện Võ Xương thăm chùa Thiên Tân và được dân làng dâng quạt; chúa ngự để biển chùa bằng chữ vàng, tặng tượng Phật và đồ thờ quý giá. Quạt Phương Ngạn là đặc sản của tỉnh Quảng Trị đã từng được chọn làm sản phẩm dự hội chợ Đông Dương thời Pháp thuộc vào đầu thế kỷ 20, khi mà ngành du lịch Việt Nam bước đầu phát triển. Thời ấy, con vua cháu chúa ở chốn cung cấm cảm thấy ngỡ ngàng trước những biến chuyển buổi giao thời, thay cũ đổi mới của làn sóng Âu hóa.

An Thường Công chúa sinh ngày 13 tháng 6 năm Đinh Sửu (26/ 7/ 1817) là chị khác mẹ với Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương, cùng mẹ với Hàm Thuận công Nguyễn Phúc Miên Thủ, con trai thứ 9 của vua Minh Mạng; mẹ là Mỹ nhân Nguyễn Thị Bân, người huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị. Về sau chia huyện Minh Linh, và lập huyện mới Địa Linh, đổi thành Gio Linh vào năm 1886. Quê ngoại của bà công chúa thuộc huyện Gio Linh, nơi có sản vật sắn dây, khoai mài, môn sọ, môn chúm nổi tiếng dùng làm phẩm vật tiến cung vua.

Lúc còn nhỏ tuổi, hoàng nữ có tên là Tam Xuân, lớn lên được vua cha Minh Mạng, dựa vào bản chất và tính khí của con gái mình mà đặt tên là Nguyễn Phúc Lương Đức.

Về tiểu sử của Bà chúa là người con chí hiếu và mẫu mực thì xưa nay ngoài quốc sử đã ghi chép còn có thêm tạp chí Tri Tân số 113 ra ngày 23.9.1943 với bài viết của học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ cũng viết trong tạp chí ấy nói về lòng hiếu thảo của An Thường công chúa và vào thập niên 60 thế kỷ 20, nhà văn Trịnh Văn Thanh chọn dùng lại trong cuốn từ điển Việt Nam danh nhân lịch sử, tập II.

Năm Mậu Thân 1848, Đức bà được tôn phong là AN THƯỜNG CÔNG CHÚA. An Thường là thuật ngữ Phật học vừa là tên một địa danh làng xã của tỉnh Bắc Ninh, nơi có nhiều người đẹp thông tuệ, nết na và thùy mỵ. Chuyện tình duyên của Bà chúa có chút oái ăm mà hơn một năm sau ngày cưới long trọng ở Tôn Nhân phủ mới rò rĩ xuất phát từ dư luận quần chúng.

Nhờ đọc PHAN GIA THẾ PHỔ và lắng nghe chuyện kể kiểu Liêu Trai chí dị mới biết: Đường vào tình duyên của Đức bà muôn vàn ngõ ngách. Con trai thứ của Hậu quân Đô Thống Chưởng Phủ sự là PHAN VĂN TÚY có trước một đời vợ ở làng quê Đạo Đầu, tổng An Lưu, huyện Đăng Xương (Triệu Phong ngày nay). Ngày xưa ở xứ đồng ruộng phì nhiêu, có lệ tảo hôn. Cha mẹ thường sớm cưới vợ cho con trai và lại chọn những cô thôn nữ lớn tuổi đảm đang việc nhà. Quan Hậu quân trong một lần bệ kiến vua Minh Mạng, nhà vua ướm hỏi: Khanh có con trai nào đến tuổi trưởng thành mà chưa lập gia thất không? Quan Đô Thống bẩm tâu Hoàng thượng: Bẩm dạ có, nhưng con nhà võ có nét chân phương thô thiển, xin Bệ hạ r
 lòng thương. Lời tâu khá xẳng xái như thể hiện đáp ứng được yêu cầu của người hỏi chuyện. Quan Hậu quân Đô Thống nghĩ lại đã lỡ lời thì khó lòng thu lại, sợ mang tội bất kính. Phụng mệnh thì phải lo thu tóm việc nhà cho ổn thỏa. Hoàng thượng ướm hỏi tức là tinh sớm chuyện tương lai: muốn kết tình thông gia, bằng lòng g công chúa Lương Đức cho con trai của Đại thần gốc quan võ là Phan Văn Túy. Ngoài những chiến công hiển hách được khắc tên vào bia Võ công ở Võ miếu, Hậu quân Đô Thống còn có công trạng lớn lao trong việc đào sông Vĩnh Định thông đường giao lưu mở từ Kinh kỳ ra đến tỉnh Quảng Bình. Nhờ vậy mà nhà vua ngự giá ra Thăng Long bằng đường thủy rất tiện lợi, còn dân chúng thì đi lại dễ dàng bằng những chuyến đò dọc từ kinh đô Huế ra các tỉnh thành phía Bắc.

Đã trót buông câu đã lỡ thì phải lần. Vào thời bấy giờ quan Đô Thống đầy quyền lực trong tay, giữ chức Phó Tổng trấn Bắc Thành như một Phó vương. Sở dĩ nhà vua không lập chức Tổng trấn nhằm ngăn ngừa hậu hoạn như đời vua trước mà Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã từng là nạn nhân vì có định kiến với Tả quân Lê Văn Duyệt xuất thân là hoạn quan.

Sau đó, quan Phó Tổng trấn trở về quê nhà thu xếp đưa con dâu và cháu nội ra Bắc Hà “tỵ nạn”, hủy bỏ việc hôn phối của con trai mình, bằng con đường “ly dị” khác nào chuyện hôn nhân giả tạo ngày nay để tiện việc xuất cảnh ra nước ngoài vậy.

Mọi việc hoàn thành như dự tính. Ngày dẫn cưới đã đến: cành vàng lá ngọc xe duyên với bách tánh theo nhạc tấu bài “loan phụng hòa minh” đưa nàng công chúa ra miền Ô Châu ác địa bái yết gia đường hương hỏa. Bà chúa chẳng hề nghe dư luận gì xôn 
xao ở chốn thôn dã. Bài bản sắp xếp có hương lý, trưởng lão tín cẩn đồng tình ủng hộ. Nếu có ai “bật mí” thì xem như nhẹ tội: Phò mã đã có con riêng và nay đã ly dị vợ nên vẫn độc thân chưa vợ. Lợi ích chung cho làng thì ai mà chẳng ưa: trồng tre cậy một phía, trồng mía cậy một hàng. Cái lối bọc lót, che chắn ấy thì người dân quê khá sành sỏi, tùy thời mà ứng biến để bảo vệ làng xã sống đời bình an.

Về sau nhà vua và An Thường công chúa biết chuyện xưa nhưng vì n
 tình và chuyện đã thành nên đành lờ đi: sự thành bất thuyết. An Thường công chúa có tấm lòng cao thượng, rộng lượng không hề phiền trách mà lại coi con chồng ở xa ngàn dặm như con của mình vậy. Chính vì thế mà sau này đã hình thành một nhánh của chi tộc họ Phan ở Bắc Hà, có danh có phận nở mặt với đời.

Gia phong nhà chồng được Bà chúa hun đúc ngày một rạng rỡ như ý nghĩa của hai vế câu đối bằng chữ Hán treo ở nhà thờ An Thường công chúa:

Tích thiện bội căn miên thế trạch
Truyền kinh giáo tử hoán nhân văn

Tạm dịch:

Tu nhơn tích đức gia cảnh đẹp
Giữ ngọc gìn vàng lẽ thường an

Ngày nay, đọc chính sử thời xưa nhiều khi không nhớ hết, thỉnh thoảng nghe chuyện dã sử bổ sung thêm để nhớ biết chuyện “thiệt lục” thuở xa xăm, đã tan lo
ãng và hòa điệu với dã sử hoặc bổ sung cho quốc sử. Làng nước, họ tộc cũng có chính sử và dã sử. Gần chết rồi, đức ông chồng mới nói cho vợ con nghe chuyện thật trước giờ ly biệt cõi trần: chuyện ông ông biết, chuyện bà bà hay. Chuyện thế gian đúng 100% là như rứa đó!

Bà chúa thông tuệ và đạo hạnh, cho nên dễ dàng nhận ra lẽ vô thường. Bà tu Tiên, tu Phật, tu theo đạo nhà và thậm chí tu ở chợ Cống, chợ Được, chợ Xước Dũ, chợ Đông Ba là có thật. Bà chúa An Thường có chút của hồi môn, có quà tặng của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh và Thành Thái. Nhưng tiền vào rồi lại đội nón ra đi. Bà lo việc nhà chồng, việc hầu kỵ ở sơn lăng và triều miếu, thậm chí ban phát lại cho cháu con, cho cư dân quanh vùng chợ Cống khó nghèo, tật bệnh và cô quả. Đến n
i đất vườn cũng nhường lại cho em trai là Hoàng tử Miên Thủ để chị em ở gần nhau dễ dàng bao bọc che ch cho nhau. Bà đi mua hàng không bao giờ ép giá tại các chợ ở phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Trị. Con cháu bên chồng ở làng Đạo Đầu vào thăm Đức bà đều được tặng quà và lộ phí đi đường; bà con bên ngoại ở huyện Gio Linh cũng hưởng được ân sủng quý giá ấy.

Cuối đời, Đức bà tu Phật, có đạo hiệu THANH TỪ nhưng chắc chắn là đi chùa TƯỜNG VÂN cùng với ngài Tuy Lý vương đã quy y với Tổ TỊNH HẠNH. Phủ Tuy Lý là phủ đệ duy nhất ở Huế vào thời xưa có đến hai ngôi chùa thân thuộc. Chùa Phước Huệ ở gần bên phủ Tuy Lý và chùa Thiên Hòa ở làng Dương Xuân thượng.

Di sản của Đức bà để lại ở An Thường công chúa từ là tượng ĐỨC QUAN THẾ ÂM bằng thủy tinh trong suốt đặt trong khán thờ.

Bà mất ngày 6 tháng 4 năm Tân Mão (13.5.1891) thọ 75 tuổi ta. Vua Thành Thái và Phụ chính Đại thần kiêm quản Tả Tôn chính Tôn Nhân phủ là Tuy Lý vương vô cùng thương tiếc.

Khâm Thiên giám, phủ Thừa Thiên, Tôn Nhân phủ và gia đình định ngày lành tháng tốt để chung lo việc tống táng. Chọn cho ra ngày lành để làm lễ đưa tang là điều cực kỳ nan giải. Cuối cùng đành phải chọn phương án quàn linh cữu tại khuôn viên hơn một năm. Đến đầu tháng giêng năm Quý Tỵ, 1893 mới cử hành lễ đưa tang. Chuyện có thật và đã có bút tích của con cháu ghi lại.

Thừa hưởng ân đức cao dày của ngài Đô Thống Chưởng Phủ sự, con cháu của Đức bà đã sống đúng theo quan niệm Cư Nho Mộ Thích như ý nghĩa câu đối mà nhà văn Trần Thanh Mại viết nhân lễ viếng anh rể của mình là cụ Phan Văn Dư, cháu gọi Đức bà bằng bà nội mất vào ngày 26 tháng 7 năm Kỷ Mão (9.9.1939) mà học giả Phan Văn Dật đã ghi chép lại:

Hỷ xả suốt một đời, chẳng tụng niệm, chẳng trai chay;
thuyền đạo cũng đưa về cõi Phật;
Gia đình gồm mấy họ, nào nấng nuôi, nào giúp đỡ;
quả lê không thẹn với chàng Trương.

Đôi dòng ghi lại vài mẩu chuyện chọn lọc để nhớ mãi về An Thường công chúa, nhân ngày húy kỵ thứ 118 của Đức bà danh giá, xuất thân từ chốn cung đình và trưởng thành giữa lòng dân gian. Trải qua biết bao thăng trầm, nhưng hạnh phúc thay cuối đời Đức bà biết tìm đến chốn Thiền môn và để lại tiếng thơm quý giá hai mặt ĐẠO-ĐỜI hòa quyện, lưu luyến gió Túy Vân, trăng Thiên Mụ và còn cả núi Mai sông Hãn của miền Thuận Hóa.

Mùa Phật Đản, PL. 2553
L.Q.T
Nguồn: Tạp Chí Sông Hương- tapchisonghuong.com.vn, 19/06/2009

 

READ MORE - THANH ĐÀM VỀ AN THƯỜNG CÔNG CHÚA - Lê Quang Thái