Dân gian nghĩ Bà chúa giàu sang,
sao lại không bỏ tiền của ra để xây một cái cửa Tam quan ra vào cho đệ
trạch của mình xứng danh với con gái thứ 4 của vua Minh Mạng mà
lại chọn mô hình một cái cổng gỗ phía trên lợp ngói quá ư khiêm tốn, thể
hiện tính cách thanh cao: công dung ngôn hạnh. Hỏi ra mới
biết người sao thì của vậy. Đó là cái cổng truyền thống
mà lúc sinh thời từ năm 1841 đến 1891 Bà chúa ưa thích nhất. Từ đó
cho đến nay, khuôn viên ấy trở thành di tích AN THƯỜNG CÔNG CHÚA TỪ được du
khách phương Tây hiếu kỳ dừng lại thu hình vào ống kính.
Năm 1960, một học sinh xứ Huế hoài niệm nét đẹp dung dị của ngôi nhà vườn vừa
là nhà thờ An Thường công chúa đã sáng tác bài tứ tuyệt:
Con đường trưa nắng, gió hiu hiu
Ngây ngất người qua, tiếng sáo diều
Đây chốn An Thường công chúa nghỉ
Lưng chừng khóm trúc dáng liêu xiêu
(Đồng
Di Đỗ Hà)
Ngày xưa, nơi công chúa nghỉ có đến 9 ngôi nhà quay mặt ra bờ sông
theo cách gọi của ngôn ngữ cung đình: 8 nhà ngơi và
một nhà cối để dự trữ lương thực trong kho lẫm và
các người phục dịch xay, giã, sàng, dần lúa gạo. Dưới sông sau đệ
trạch là bến nước có đến năm chiếc đò nhiều mui che đậu
sẵn để đưa Bà chúa và con cháu theo hầu đi vào cung vua, lên sơn lăng,
ra quê chồng ở Quảng Trị bằng đường thủy và đi chợ xa gần mua hàng cho
vừa ý.
Chợ Cống có tự bao giờ? Lẽ tất nhiên chợ phải có sau cống thoát nước cho nên
mới mang tên CHỢ CỐNG. Các mương nước đều chảy qua cống trước khi đổ ra sông
Lục Bình, một khúc sông của sông Thiên Lộc - đổi tên thành
Thọ Lộc dưới thời vua Tự Đức sau khi chùa Thiên Mụ đổi tên thành
Linh Mụ vào năm 1862 cho thuận lẽ trời đất. Nhớ lại, năm 1841 Bà chúa An
Thường hạ giá về nhận đất lập đệ trạch gần bên xưởng đóng
thuyền của thủy binh hoàng gia, cư trú theo sắc chỉ của vua Thiệu Trị cho
phép Bà chúa cưng chìu xe duyên với Phò mã Đô úy Phan Văn Uýnh, con trai thứ
của Hậu quân Đô Thống Chưởng Phủ sự Phan Văn Túy mà quốc sử phiên âm
thành Phan Văn Thúy. Thiết nghĩ đó là đầu dây mối dợ cho
người đời nay cãi nhau về chùa Túy Vân hay Thúy Vân, với nhiều lý
do khác nhau. Chùa có tên chữ là THÁNH DUYÊN ở núi Túy Vân tiền thân là
núi Mỹ Am bên cửa biển Tư Hiền. Gia phổ họ Phan ở làng Đạo Đầu, tổng An Lưu,
huyện Đăng Xương đã ghi và phiên âm thì làm sao mà “cại lại
được”.
Đoán chừng thì cống nước xây sau năm 1814, năm đào sông An Cựu nắng đục
mưa trong. Trước đó, chợ Cống có tên là chợ Áo Tơi. Nay
dùng áo mưa đủ loại thì ngày xưa dùng tơi kè che nắng
đổ lên vai mà yên tâm cày cấy, tơi mang chống mưa lạnh theo
lối mưa tạt gió vầy. Cao sang nhất như vua Minh Mạng mà còn mang áo
tơi xây bằng lá đọt và đội nón ra vườn Thiệu Phương trong Đại Nội để
xem các phi tần, công chúa trồng rau quả. Trong các mẩu áo tơi ở các làng quê
vùng Thuận Hóa, nổi tiếng nhất là tơi chợ Chùa. Chợ này ở đâu? -
Ở làng Hà Tây nằm bên bờ Nam cửa Việt. Tơi bán tại chợ này là một sản
phẩm nông nghiệp nổi tiếng của xứ Thuận Hóa: Quạt Phương Ngạn, tơi
Chợ Chùa. Quạt Hoa Ngạn nổi tiếng, đủ loại: quạt tre, quạt lụi,
quạt tán đinh đồng, đinh bạc quạt nhiều nan lợp bằng giấy dó hoặc bằng lụa...
Vì kỵ húy chữ “Hoa”, tên mẹ vua Thiệu Trị mà đổi tên
làng Hoa Ngạn ra Phương Ngạn. Chuyện tơi, chuyện quạt lại dính liền
với chuyện hai chùa Diệu Đế và Báo Quốc: Quảng Trị Trung Kiên,
Thừa Thiên Dạ Lê. Trung Kiên và Dạ Lê là hai làng phát sinh
nhiều bậc danh tăng của xứ Thuận Hóa. Làng Phương Ngạn sát bên làng Đâu
Kênh, làng Bích Khê (tên cũ Hồng Khê), đối chênh qua sông Thạch Hãn là thôn
Trung Kiên. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã từng ngự giá ở làng Đâu Kênh,
huyện Võ Xương thăm chùa Thiên Tân và được dân làng dâng quạt; chúa ngự để
biển chùa bằng chữ vàng, tặng tượng Phật và đồ thờ quý giá. Quạt
Phương Ngạn là đặc sản của tỉnh Quảng Trị đã từng được chọn làm
sản phẩm dự hội chợ Đông Dương thời Pháp thuộc vào đầu thế kỷ 20, khi mà ngành
du lịch Việt Nam bước đầu phát triển. Thời ấy, con vua cháu chúa ở chốn
cung cấm cảm thấy ngỡ ngàng trước những biến chuyển buổi giao thời,
thay cũ đổi mới của làn sóng Âu hóa.
An Thường Công chúa sinh ngày 13 tháng 6 năm Đinh Sửu (26/ 7/ 1817) là chị
khác mẹ với Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương, cùng mẹ với Hàm Thuận công
Nguyễn Phúc Miên Thủ, con trai thứ 9 của vua Minh Mạng; mẹ là Mỹ nhân Nguyễn
Thị Bân, người huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị. Về sau chia huyện Minh
Linh, và lập huyện mới Địa Linh, đổi thành Gio Linh vào năm 1886. Quê
ngoại của bà công chúa thuộc huyện Gio Linh, nơi có sản vật sắn dây,
khoai mài, môn sọ, môn chúm nổi tiếng dùng làm phẩm vật tiến cung vua.
Lúc còn nhỏ tuổi, hoàng nữ có tên là Tam Xuân, lớn lên được vua
cha Minh Mạng, dựa vào bản chất và tính khí của con gái mình mà đặt
tên là Nguyễn Phúc Lương Đức.
Về tiểu sử của Bà chúa là người con chí hiếu và mẫu mực thì xưa
nay ngoài quốc sử đã ghi chép còn có thêm tạp chí Tri Tân số 113 ra ngày
23.9.1943 với bài viết của học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, giáo sư Tôn
Thất Dương Kỵ cũng viết trong tạp chí ấy nói về lòng hiếu thảo của An
Thường công chúa và vào thập niên 60 thế kỷ 20, nhà văn Trịnh Văn Thanh
chọn dùng lại trong cuốn từ điển Việt Nam danh nhân lịch
sử, tập II.
Năm Mậu Thân 1848, Đức bà được tôn phong là AN THƯỜNG CÔNG CHÚA. An
Thường là thuật ngữ Phật học vừa là tên một địa danh làng xã của tỉnh Bắc
Ninh, nơi có nhiều người đẹp thông tuệ, nết na và thùy mỵ. Chuyện tình
duyên của Bà chúa có chút oái ăm mà hơn một năm sau ngày cưới long trọng
ở Tôn Nhân phủ mới rò rĩ xuất phát từ dư luận quần chúng.
Nhờ đọc PHAN GIA THẾ PHỔ và lắng nghe chuyện kể kiểu Liêu Trai
chí dị mới biết: Đường vào tình duyên của Đức bà muôn vàn ngõ
ngách. Con trai thứ của Hậu quân Đô Thống Chưởng Phủ sự là PHAN VĂN TÚY
có trước một đời vợ ở làng quê Đạo Đầu, tổng An Lưu, huyện Đăng Xương (Triệu
Phong ngày nay). Ngày xưa ở xứ đồng ruộng phì nhiêu, có lệ tảo hôn. Cha mẹ
thường sớm cưới vợ cho con trai và lại chọn những cô thôn nữ lớn tuổi đảm
đang việc nhà. Quan Hậu quân trong một lần bệ kiến vua Minh Mạng, nhà
vua ướm hỏi: Khanh có con trai nào đến tuổi trưởng thành mà chưa
lập gia thất không? Quan Đô Thống bẩm tâu Hoàng thượng: Bẩm
dạ có, nhưng con nhà võ có nét chân phương thô thiển, xin Bệ hạ rủ lòng
thương. Lời tâu khá xẳng xái như thể hiện đáp ứng được yêu cầu của
người hỏi chuyện. Quan Hậu quân Đô Thống nghĩ lại đã lỡ lời thì khó
lòng thu lại, sợ mang tội bất kính. Phụng mệnh thì phải lo thu tóm việc
nhà cho ổn thỏa. Hoàng thượng ướm hỏi tức là tinh sớm chuyện tương lai: muốn kết tình
thông gia, bằng lòng gả công
chúa Lương
Đức cho con trai của Đại thần gốc quan võ là Phan Văn Túy. Ngoài những chiến công hiển hách
được khắc tên vào bia Võ công ở Võ miếu, Hậu quân Đô Thống
còn có công trạng lớn lao trong việc đào sông Vĩnh Định thông đường giao lưu
mở từ Kinh kỳ ra đến tỉnh Quảng Bình. Nhờ vậy mà nhà vua ngự giá
ra Thăng Long bằng đường thủy rất tiện lợi, còn dân chúng thì đi lại dễ
dàng bằng những chuyến đò dọc từ kinh đô Huế ra các tỉnh thành phía Bắc.
Đã trót buông câu đã lỡ thì phải lần. Vào thời bấy giờ quan Đô Thống đầy
quyền lực trong tay, giữ chức Phó Tổng trấn Bắc Thành như một Phó
vương. Sở dĩ nhà vua không lập chức Tổng trấn nhằm ngăn ngừa hậu hoạn
như đời vua trước mà Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã từng là nạn nhân vì
có định kiến với Tả quân Lê Văn Duyệt xuất thân là hoạn quan.
Sau đó, quan Phó Tổng trấn trở về quê nhà thu xếp đưa con dâu và cháu nội ra
Bắc Hà “tỵ nạn”, hủy bỏ việc hôn phối của con trai mình,
bằng con đường “ly dị” khác nào chuyện hôn nhân giả tạo
ngày nay để tiện việc xuất cảnh ra nước ngoài vậy.
Mọi việc hoàn thành như dự tính. Ngày dẫn cưới đã đến: cành vàng
lá ngọc xe duyên với bách tánh theo nhạc tấu bài “loan
phụng hòa minh” đưa nàng công chúa ra miền Ô Châu ác địa bái
yết gia đường hương hỏa. Bà chúa chẳng hề nghe dư luận gì xôn xao ở chốn
thôn dã. Bài bản sắp xếp có hương lý, trưởng lão tín cẩn đồng tình ủng
hộ. Nếu có ai “bật mí” thì xem như nhẹ tội: Phò mã đã có con
riêng và nay đã ly dị vợ nên vẫn độc thân chưa vợ. Lợi ích chung cho
làng thì ai mà chẳng ưa: trồng tre cậy một phía, trồng mía cậy
một hàng. Cái lối bọc lót, che chắn ấy thì người dân quê khá sành sỏi, tùy
thời mà ứng biến để bảo vệ làng xã sống đời bình an.
Về sau nhà vua và An Thường công chúa biết chuyện xưa nhưng vì nể tình và
chuyện đã thành nên đành lờ đi: sự thành bất thuyết. An Thường công chúa
có tấm lòng cao thượng, rộng lượng không hề phiền trách mà lại coi con chồng
ở xa ngàn dặm như con của mình vậy. Chính vì thế mà sau này đã hình thành
một nhánh của chi tộc họ Phan ở Bắc Hà, có danh có phận nở mặt với đời.
Gia phong nhà chồng được Bà chúa hun đúc ngày một rạng rỡ như ý nghĩa của hai
vế câu đối bằng chữ Hán treo ở nhà thờ An Thường công chúa:
Tích thiện bội căn miên thế trạch
Truyền kinh giáo tử hoán nhân văn
Tạm dịch:
Tu nhơn tích đức gia cảnh đẹp
Giữ ngọc gìn vàng lẽ thường an
Ngày nay, đọc chính sử thời xưa nhiều khi không nhớ hết, thỉnh
thoảng nghe chuyện dã sử bổ sung thêm để nhớ biết chuyện “thiệt
lục” thuở xa xăm, đã tan loãng và hòa điệu với dã sử hoặc bổ sung cho quốc sử. Làng
nước, họ tộc cũng có chính sử và dã sử. Gần chết rồi, đức ông chồng mới
nói cho vợ con nghe chuyện thật trước giờ ly biệt cõi trần: chuyện
ông ông biết, chuyện bà bà hay. Chuyện thế gian đúng 100% là như rứa đó!
Bà chúa thông tuệ và đạo hạnh, cho nên dễ dàng nhận ra lẽ vô thường. Bà
tu Tiên, tu Phật, tu theo đạo nhà và thậm chí tu ở chợ Cống, chợ Được,
chợ Xước Dũ, chợ Đông Ba là có thật. Bà chúa An Thường có chút của hồi
môn, có quà tặng của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc,
Đồng Khánh và Thành Thái. Nhưng tiền vào rồi lại đội nón ra đi. Bà
lo việc nhà chồng, việc hầu kỵ ở sơn lăng và triều miếu, thậm chí ban phát
lại cho cháu con, cho cư dân quanh vùng chợ Cống khó nghèo, tật bệnh và cô
quả. Đến nỗi đất
vườn cũng nhường lại cho em trai là Hoàng tử Miên Thủ để chị em ở gần
nhau dễ dàng bao bọc che chở cho nhau. Bà đi mua hàng không bao giờ ép giá tại
các chợ ở phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Trị. Con cháu bên
chồng ở làng Đạo Đầu vào thăm Đức bà đều được tặng quà và lộ phí đi
đường; bà con bên ngoại ở huyện Gio Linh cũng hưởng được ân sủng quý giá ấy.
Cuối đời, Đức bà tu Phật, có đạo hiệu THANH TỪ nhưng chắc chắn là đi chùa
TƯỜNG VÂN cùng với ngài Tuy Lý vương đã quy y với Tổ TỊNH HẠNH. Phủ
Tuy Lý là phủ đệ duy nhất ở Huế vào thời xưa có đến hai ngôi chùa thân
thuộc. Chùa Phước Huệ ở gần bên phủ Tuy Lý và chùa Thiên Hòa ở làng
Dương Xuân thượng.
Di sản của Đức bà để lại ở An Thường công chúa từ là tượng ĐỨC QUAN THẾ
ÂM bằng thủy tinh trong suốt đặt trong khán thờ.
Bà mất ngày 6 tháng 4 năm Tân Mão (13.5.1891) thọ 75 tuổi ta. Vua Thành
Thái và Phụ chính Đại thần kiêm quản Tả Tôn chính Tôn Nhân phủ là Tuy
Lý vương vô cùng thương tiếc.
Khâm Thiên giám, phủ Thừa Thiên, Tôn Nhân phủ và gia đình định ngày lành
tháng tốt để chung lo việc tống táng. Chọn cho ra ngày lành để làm lễ đưa
tang là điều cực kỳ nan giải. Cuối cùng đành phải chọn phương án quàn linh
cữu tại khuôn viên hơn một năm. Đến đầu tháng giêng năm Quý Tỵ, 1893 mới cử hành
lễ đưa tang. Chuyện có thật và đã có bút tích của con cháu ghi lại.
Thừa hưởng ân đức cao dày của ngài Đô Thống Chưởng Phủ sự, con cháu của
Đức bà đã sống đúng theo quan niệm Cư Nho Mộ Thích như ý
nghĩa câu đối mà nhà văn Trần Thanh Mại viết nhân lễ viếng anh rể của mình là
cụ Phan Văn Dư, cháu gọi Đức bà bằng bà nội mất vào ngày 26 tháng 7 năm Kỷ
Mão (9.9.1939) mà học giả Phan Văn Dật đã ghi chép lại:
Hỷ xả suốt một đời, chẳng tụng niệm, chẳng trai chay;
thuyền đạo cũng đưa về cõi Phật;
Gia đình gồm mấy họ, nào nấng nuôi, nào giúp đỡ;
quả lê không thẹn với chàng Trương.
Đôi dòng ghi lại vài mẩu chuyện chọn lọc để nhớ mãi về An Thường công
chúa, nhân ngày húy kỵ thứ 118 của Đức bà danh giá, xuất thân từ chốn cung
đình và trưởng thành giữa lòng dân gian. Trải qua biết bao thăng trầm, nhưng
hạnh phúc thay cuối đời Đức bà biết tìm đến chốn Thiền môn và để lại tiếng
thơm quý giá hai mặt ĐẠO-ĐỜI hòa quyện, lưu luyến gió Túy Vân, trăng Thiên
Mụ và còn cả núi Mai sông Hãn của miền Thuận Hóa.
Mùa Phật Đản, PL. 2553
L.Q.T
Nguồn: Tạp Chí Sông
Hương- tapchisonghuong.com.vn, 19/06/2009
|
No comments:
Post a Comment