CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ 98 BÀI THƠ THIẾU
NHI CỦA TRẦN HOÀNG VY
NHÀ THƠ NUÔI TRONG MÌNH
MỘT CHÚ BÉ CON KHÔNG LỚN
*NGUYỄN
AN BÌNH
Gặp lại nhà thơ Trần Hoàng Vy ở Sài Gòn anh
vui vẻ ký tặng tôi tập thơ mới của anh viết cho thiếu nhi: 98 BÀI THƠ THIẾU
NHI. Đây là tác phẩm thứ 11 anh viết cho lứa tuổi thần tiên nầy(gồm cả thơ và
truyện). Cầm tập thơ nhỏ nhắn trong tay,
tôi nhớ cách đây không lâu anh cũng gởi tặng tôi vài tác phẩm của anh trong đó có tập tản văn “CẦM NHẶT TRI
ÂM”. Tập tản văn ghi chép lại những cảm nghĩ của anh dọc đường văn học ở nhiều
thời điểm khác nhau, trong đó có bài “GÓP NHẶT DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC THIẾU NHI” anh
đã cho tôi thấy lòng yêu quí thiếu nhi của anh và mục đích anh theo đuổi đam mê
viết cho thiếu nhi. Tuổi thơ anh trải qua nhiều khó khăn giống như tất cả trẻ
em miền Nam trong thời kỳ chiến tranh nên anh hiểu rõ những thiệt thòi mà thiếu
nhi gánh chịu. Miền Nam thời ấy hầu như không có khài niệm về “Văn học thiếu
nhi”, các nhà thơ làm thơ cho thiếu nhi hình như không có, sách báo viết cho
thiều nhi cũng rất ít, thường dành cho tuổi mới lớn như Tuổi Ngọc, Tuổi Hồng,
Ngàn Thông…Niềm say mê văn chương đã làm anh mong muốn viết nhiều về đề tài thiếu
nhi, chính lòng yêu văn học thiếu nhi đã làm anh trở thành cộng tác viên của
nhiều tờ báo thiếu nhi như Nhi Đồng, Mực Tím. Khăn Quàng Đỏ và hai phần ba tác
phẩm của anh xuất bản là dành cho lứa tuổi thiên thần nầy. “…mỗi lần đọc một
tác phẩm viết cho thiếu nhi, hay tự mình sang tác cho thiếu nhi, tôi vẫn thấy
tâm hồn mình mình trong trẻo, thanh thản. Và tôi bắt gặp một thế giới tuổi thơ
lung linh, huyền ảo. Bao kỷ niệm cứ tràn về lay động mãi không thôi.”(trang
117)
Thơ viết cho
thiếu nhi đừng nghĩ rằng dễ dàng, nhà thơ không chỉ làm cho các bạn nhỏ nhận ra,
khám phá những hình ảnh, sự việc, môi trường xung quanh mà còn giúp cho thiếu
nhi có những nhận thức về giá trị cuộc sống ở lứa tuổi thiếu nhi khi được tiếp
nhận các tác phẩm văn chương,cái đẹp của thiên nhiên, tạo được thẩm mỹ góp phần
giáo dục hình thành trong tâm hồn non trẻ của các em. Như nhà văn Bùi Việt
Phương trên báo Tổ Quốc có nhận xét: “Văn học vốn có
một chỗ đứng vững chắc với đối tượng đọc ở độ tuổi thiếu nhi. Bởi đơn giản, với
các em, đọc không chỉ là một trong các nhu cầu về tinh thần như với người
trưởng thành mà đó còn là con đường bước ra với thế giới. Mỗi trang sách, mỗi
bài thơ là cái ấn tượng “thuở ban đầu” đã thành sâu sắc, mở lối bằng sự dìu dắt
của ngôn từ, cho cách tri nhận, cảm quan về thế giới:
Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh
nhà
Mái chèo nghiêng mặt sông xa
Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm
xưa
Nghe trăng thở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời...
(Nghe thầy đọc thơ - Trần Đăng Khoa)
Những ấn tượng đó được nhà thơ ghi lại không chỉ xuất phát từ cảm tính
cá nhân mà là sự nhận thức về giá trị cuộc sống ở của lứa tuổi thiếu nhi khi
được tiếp nhận các tác phẩm văn chương. Thế giới xung quanh không bàng bạc, vô
vị mà đầy sắc màu (đỏ nắng, xanh cây); không chỉ ồn ã, náo nhiệt mà tinh tế,
lắng sâu: nghe trăng thở động tàu dừa. Thế giới ấy không thể chỉ
nhìn bằng mắt mà còn phải cảm bằng tâm hồn: Mái chèo nghiêng mặt sông
xa. Bởi thế, bổn phận của người cầm bút với những độc giả nhỏ tuổi là sự
khai mở tâm hồn bằng chính sự hồn nhiên, trong sáng mà chúng ta đem tới chứ
không đơn thuần là sự phản ánh, sự kí thác những ý tưởng, triết luận đơn thuần.
Hay nói cách khác, thách thức với người viết nằm ngay ở cách tiếp cận với đối
tượng đọc của mình. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của những ai ngộ
nhận về sự ngô nghê, giả tư duy trẻ thơ; tới sự mất dạng của nhiều tác phẩm đạt
giải trong các cuộc vận động sáng tác về đối tượng thiếu nhi.”
Chúng ta đều biết, thế giới tuổi thơ luôn
gần gủi với thiên nhiên, những trò chơi trẻ nít hồn nhiên, những khao khát khám
phá thế giới xung quanh, muốn lý giải những điều mới mẻ, nên người làm thơ
thiếu nhi phải nắm bắt được điều nầy trong sáng tác của mình và phải viết thành
thật như chính các em đang viết.
Ngày đưa hạt mưa
đi xa
Vòi hoa nghiêng
xuống vỡ òa nụ xanh
Bao nhiêu tơ đỏ
giăng mành
Lọc trưa vàng nắng
hoa thành giọt hương.
(Lộc vừng)
Hình ảnh hoa mồng
gà cũng được miêu tả thật ngộ nghĩnh đúng như cái tên của nó:
Tội nghiệp hoa mồng
gà
Sợ ướt mà trốn
đâu?
Cái chậu bé như
thế
Lá làm sao che đầu?
(Hoa
mồng gà)
Những con vật thân thuộc không chỉ là những con vật với những
thuộc tính, bản năng của nó mà là những người bạn, anh em cùng đùa vui, gắn liền
với tình cảm không thể quên của các bạn nhỏ như các bài thơ Con dế, Con vạc sành,
Dê con bú mẹ, Mèo khoang. Con gà tre, Tiếng cu gáy…
Hình ảnh chú cho
Mi-lu bơi thi với cậu chủ là hình ảnh thật thú vị, một lời chỉ dạy ân cần của
người anh với đứa em nhỏ bé của mình:
Thi bơi cùng với
Mi-lu
M-lu bơi …chó, ứ ừ chẳng nhanh
M-lu bơi …chó, ứ ừ chẳng nhanh
Phải bơi sải giống
như anh
Mi-lu tập mãi lại
thành…Mi-lu!
(Mi-lu bơi…)
Cũng biết cảm
thông với chú Dế lạc lõng giữa phố phường phồn hoa đô hội đầy đèn xanh đèn đỏ:
Lạc nhà dế gáy gọi
anh
Bay nhầm đèn đỏ,
đèn xanh phố phường
Lơ ngơ đứng ở…ven
đường
Dường như nước mắt
hay sương…ướt mềm?
(Con dế)
Thơ Trần Hoàng Vy còn có những cảm nhận sâu
sắc về âm thanh của cây cỏ, loài vật không phải là những âm thanh không có ý
nghĩa, hỗn độn mà là bản hợp xướng, một dàn đồng ca sinh động đầy mê hoặc đối với các bạn trẻ sống ở nông
thôn không lạ lẫm gì nhưng với trẻ thơ sống ở thành phố chưa bao giờ được nghe
thì thú vị và hào hứng biết bao.Dàn Kèn Ếch, Nhạc Khúc Vườn, Ban Nhạc Đêm, Hòa
Âm Vườn giúp các em khám phá những âm thanh tuyệt mĩ của muôn loại:
Bắt đầu tiếng trống
Uềnh Oang
Vĩ cầm của dế,
tiếng đàn của Ve
Nhạc đêm trình
diễn sau… hè
MC…cậu Cóc tiếng
nghe đều đều.
Vạc Sành tiếng
hát nghe phiêu
Con Xiên Tóc vỗ…cánh
điều hoan hô
Fan là chuối với
tần ô
Lá trầu, bụi sả,
chậu ngò, rau răm…
(Ban nhạc đêm)
Tập thơ còn có nhiều bài thơ nói về tình cảm
gia đình, sự gắn bó giữa các thế hệ, tình yêu ông bà, cha mẹ qua những bài thơ
nhẹ nhàng nhưng đầy thấm thía Ông đi nhà…trẻ, Bố làm con ngựa, Quà của ba, Cái
ipad…:
Cháu xa quê, lần
về thơ thẩn
Ngắm khói, ngắm
bà tóc như mây
Sợ khói bay, sờ
bà…đi mất
Nên chụp ảnh bà
giữa khói cay…
(Khói bếp)
Hay:
Bố làm con ngựa
Đeo lục lạc vàng
Mỗi lần con khóc
Quanh nhà hí
vang.
(Bố làm con ngựa)
Thơ Trần Hoàng Vy còn có nhiều bài có tính
cách giáo dục về tình yêu người,tình bạn, tình yêu quê hương, yêu Tổ Quốc như các bài: Người hành khất, Dì lao công,Những
viên kẹo bảy màu,Cô giáo bệnh, Em vẽ đảo Hoàng Sa, Chú ở Trường Sa…
Gom chung, bảy sắc,
bảy mùi
Chia ra thêm được
niềm vui bảy màu
Cộng vào chẳng
thể vui lâu
Chia ra mỗi bạn
mỗi màu thích ghê.
(Những viên kẹo bảy màu)
Nghe kể chuyện lịch
sử
Em vẽ đảo Hoàng
Sa
(Kẻ xấu đang chiếm
giữ)
Ta phải đòi đảo
ta.
(Em vẽ đảo Hoàng Sa)
Tôi chợt nhớ đến lời phát biểu của nhà
văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại Học Hoa Sen ngày
29/7/2010 mà nhà thơ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã ghi lại trong bài “Nghe nhà văn Nguyễn Nhật
Ánh nói về đọc và viết…” có đoạn như sau:
“Ta thấy vai trò và trách nhiệm của nhà
văn - nhất là nhà văn viết cho tuổi thơ – quan trọng như thế nào để hình thành
nhân cách, đạo đức, cảm xúc của cả một lớp học giả đang lớn, đang phát triển thể
chất lẫn tâm hồn!” *
Và nhà văn cũng chân tình chỉa sẻ:
Mình viết được như vậy là nhờ luôn NUÔI TRONG MÌNH MỘT CHÚ BÉ CON KHÔNG LỚN để
viết cho tuổi mộng mơ. Đúng thể! Muốn viết văn hay làm thơ cho thiếu nhi đọc phải luôn nuôi dưỡng tâm hồn mình luôn trong
trẻo, hồn nhiên của cái tuổi mới lớn chứ không phải tuổi “Cưa sừng làm nghé”
thì không thể lôi cuốn, hấp dẫn các bạn trẻ được vì nó không phải là những nghĩ
suy, tình cảm tâm lý của thiếu nhi. Trần
Hoàng Vy không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà văn có nhiều tác phẩm viết cho thiếu
nhi như: Ngủ Giữa Vườn Tiếng Chim(thơ), Miền Thơ Ấu(truyện), Thơ gởi tuổi học
trò(thơ), Vương quốc ve sầu(truyện)… nên có lẽ anh hiểu rõ điều nầy hơn ai hết.
Những tác phẩm của anh tìm được sự đồng
cảm, yêu thích của các bạn nhỏ cũng như sự tin tưởng của nhiều phụ huynh khi
mua sách cho con em mình đọc. Để có thể dễ nhớ, dễ thuộc anh đã dùng thể thơ bốn
chữ, thơ lục bát, bạn đọc như những bài đồng dao mới hấp dẫn dễ thuộc. Mong trong
thời gian tới tập thơ sẽ được sự ủng hộ, tìm đọc và anh sẽ còn thành công trong
những đề tài viết về thiếu nhi, thơ anh có nhiều cơ hội đi vào đời sống trẻ thơ
góp phần giáo dục lòng yêu thiên nhiên, con người, quê hương bởi vì một
khi tâm hồn tuổi thơ không có nơi ươm mầm đạo đức, có những va vấp với hiện thực
xã hội tha hóa, phức tạp rất dễ dàng bị cuốn hút vào lối sống lệch lạc, tiêu cực
mà thôi .
Nguyễn An Bình
Bên bờ sông Hậu, tháng 9 năm
2015
*Trang 118 trong tác phẩm NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI của Đỗ Hồng Ngọc