Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 1, 2014

MƯA TRÊN PHỐ NÚI - thơ Hoàng Anh 79



Anh về Châu Đốc trời mưa đổ
Bụi ướt phai vàng con phố xưa
Từ thuở hồn nhiên em đi học
Hàng phượng già hơn đã mấy mùa.

Anh đợi chờ em góc giáo đường
Như ngày em đợi dưới lầu chuông
Tóc em óng ả đen từng sợi
Năm tháng dần trôi có sợi buồn.

Ngã ba sông nước chia ba ngã
Em chọn ngã nào theo gió mây
Dâu bể cuộc đời anh lang bạt
Chim trời quên mất một đường bay.

Cồn Tiên mưa nắng sầu quanh quẩn
Thời gian từng giọt xóa dấu yêu
Núi Sam huyền ảo thu đến sớm
Lá úa hàng cây đổ muôn chiều.

Nhìn mưa bong bóng trôi trên nước
Sông dài con cá lội bặt tăm
Áo em một thời xa ngút mắt
Kỷ niệm chôn vùi gọi cố nhân!

                             Ngày 29/6/2014

                              Hoàng Anh 79.
READ MORE - MƯA TRÊN PHỐ NÚI - thơ Hoàng Anh 79

VÀNG LẠNH - thơ Huy Uyên

            (Nhớ thầy Phan-Phụng-Thạch)       


Nhà giáo - Nhà thơ Phan Phụng Thạch (1942-1973)

Vàng lạnh mấy mùa tôi quay lại
hương phai chi buổi ấy tình về
thu đi bao lá vàng tiếc nhớ
chắc gì người quên hết thu xưa.

Ngày đó người trao "Lạnh Tuổi Vàng"
một mình ai đi về bên ấy
tháng năm tình ở lại tôi mang
trọn đời đôi mắt cháy đỏ.

Xa lắm Đạo-Đầu xuôi qua Quảng-Trị
bên đường chiều mưa ướt ruộng đồng
một đời phiêu bạt thời trai trẻ
lối về xưa bến nhớ thuyền không?

Hoa cỏ mọc sầu trên nấm mộ
tháng năm chia biệt giấc mơ người
tàu đêm vắng khách quê từ thuở
người bỏ đò bỏ lái bỏ dòng sông!

Ngọn đèn hiu hắt mờ nghĩa-trang
ai xưa nhớ u-hoài đôi mắt
bỏ lại tôi một cuộc tình buồn
quên đi  thôi đoạn đời xuân sắc.

Đêm sương rơi vây quanh nấm mộ
chén rượu vơi theo ánh lửa tàn
giang hồ khanh tướng ai từ bỏ
mà chia hai người, trái tim hoang.

Áo trắng tôi mang những ngày xưa
tình tôi cay đắng theo mây gió
nhớ hoài ai mà miền Trung mưa
từ đó dài thêm mãi tới giờ.

(Bao năm đất cày sỏi đá
hỏi người đi nay đã về chưa ?)

Hoa nở bên ai ngày quay lại
năm xưa ngày tháng "tuổi-lạnh-vàng"
mai rồi có gặp nhau nơi ấy
(lầu trăng, chén rượu quê nghèo cũ)
từ biệt người đi sầu tôi mang.

Cửa sổ nhà người không khép kín
hoa cúc vàng đời cháy quanh tim
vườn cũ hoa sầu đông nở tím
vàng lạnh quanh tôi một trời buồn.
                        Huy-Uyên
                       (29-6-14)
READ MORE - VÀNG LẠNH - thơ Huy Uyên

TRUNG LƯƠNG (*) - thơ Hoàng Yên Lynh




Tôi đi xa ngái phương trời

Nhớ thương đất cũ, nhớ người quê hương
Ai về qua bến Hiền Lương
Câu hò vĩ tuyến vấn vương đôi bờ 

Xa quê ... ai đợi ai chờ
Vầng trăng Thủy Bạn câu thơ nặng buồn
Hàng dương nghiêng bóng Cát Sơn
Chao nghiêng bờ cát cô đơn tôi về

Chẳng còn ai nơi cố quê
Chỉ tôi khách lạ sầu tê tái sầu
Mấy mươi năm cuộc bể dâu

Tôi về cố quận nỗi đau xé lòng.



                             HOÀNG YÊN LYNH

                           Trung Lương 24.6.2014

* Quận Trung Lương, Quảng Trị, bờ nam vĩ tuyến 17 trước 1975.
READ MORE - TRUNG LƯƠNG (*) - thơ Hoàng Yên Lynh

HOA HỒNG VÀ ... TÔI - thơ Tuyền Linh


Trời sinh em kiếp hoa hồng
Tỏa hương… khoe sắc… mênh mông đất trời
Tiếng yêu, em ngọt vành môi
Nghe như trong gió có lời thơ ca

Tôi, người lữ khách phương xa
Dừng chân lặng ngắm sắc hoa trao tình
Rõ em xinh thật là xinh
Mắt môi điểm nụ xuân tình thơ ngây

Lòng tôi đêm hóa thành ngày
Ôi, yêu biết mấy phút này gặp em !
Câu thơ chừng cũng say mềm
Bao nhiêu thi tứ dâng lên đầy hồn

Phải chăng tôi đã hết buồn
Từ khi bắt gặp sắc hồng của em (?)
Mặt ngoài như thể còn e
Tình trong thì đã lăm le muốn gần (*)

Nhìn em nhan sắc tuyệt trần
Em mang gai góc lên thân làm gì ?
Tội cho những gã tình si
Như tôi chẳng hạn, muốn… thì được không ?

Đưa tay hái một nụ hồng
Mới hay mình đã rẽ nhầm đường hoa

                        Tuyền Linh
  
(*) Kiều
READ MORE - HOA HỒNG VÀ ... TÔI - thơ Tuyền Linh

YÊU NHAU CỞI ÁO CHO NHAU - phiếm luận Chu Vương Miện



Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau
Về nhà mẹ hỏi ý a ...
Qua cầu... qua cầu ... ý a qua cầu gió bay...

Hoặc:

Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau .....
Về nhà... về nhà mẹ hỏi ý a
Rằng thưa... rằng thưa qua cầu... qua cầu đánh rơi....

Người biểu diễn [hát] ca khúc này phải làm điệu bộ và phải ngựa một chút [lẳng lơ một chút] thì mới hay. Nếu hát ca khúc này mà hát nghiêm chỉnh, đứng y không cục cựa thì không thể hay được.

Trước đây 40 năm, tôi hiểu bài hát dân ca bắc bộ này một cách hết sức cù lần [cả quỷnh] như sau đây:

Có một đôi trai gái ở nhà quê ở tuổi dậy thì, yêu nhau và thường hẹn hò nhau ở một vài địa điểm nào đó để tâm tình tâm sự. Đến khi chia tay thì cô nàng cởi áo trao cho chàng trai mang về nhà để dành, lâu lâu mang áo ra ngửi một cái để tưởng nhớ mùi hương và mui da thịt nàng cho nó đỡ nhớ [và cũng chỉ nghĩ được có như thế] và anh chàng con trai cũng vội vàng cuộn cái áo của cô nàng cho vào nách hay vào túi áo mang về [cất đi] để bắt chước y vua Dực Tôn Tự Đức:

Đạp cổ kinh ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Nhưng bây giờ ở vào tuổi sáu mươi, mọi chuyện mọi sự cũng theo thời gian mà thay đổi, bao nhiêu chuyện quân sự quốc phòng, bao nhiêu chuyện chính trị kinh tế thế giới cũng từ từ được bật mí và giải mã và hết sức tình cờ tôi được giác ngộ, nếu không thì mang cái hiểu biết vừa nông cạn vừa thiếu sót xuống tuyền đài.

Sang Mỹ, tôi làm công nhân ở một hãng điện tử, nhân số có khi từ 300 đến 500 người, chia làm 3 ca. Từ 7 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều, từ 3 giờ đến 11giờ 30 đêm và từ 11 giờ đến 7 giờ sáng. Rồi tùy theo công việc có thể làm thêm giờ [over time] vào ngày thứ bẩy và chúa nhật. Ca làm việc của tôi là ca ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều. Chỗ làm việc không được nghe nhạc [nhưng lâu lâu hát một vài câu thì không sao. Lâu lâu có một cô chuyên viên gầm lên: Tình cho không biếu không... Tình cho không biếu không ...

Ở xứ sở tự do này, ai cũng có quyền tự do phát biểu, mình là ngoại cuộc chỉ biết nghe mà thôi, chỉ biết nghe rồi cười thầm một mình. Nói về cái chuyện ái tình thì vô cùng phong phú và đa dạng, không nên mang những ý nghĩ lẩm cẩm và lạc hậu của xứ mình ra mà phê phán, người thì vợ và con còn kẹt bên Việt Nam, người thì chồng và con còn kẹt bên đảo, người hoàn cảnh thế này, người hoàn cảnh thế kia, có cặp rổ rá cạp lại, có người lấy nhau làm vợ chồng thật, có người mượn đỡ nhau xài tạm một thời gian, bao giờ vợ chồng con cái đoàn tụ thì sẽ tính sau. Cái chuyện tình cho không biếu không là chuyện thật một trăm phần trăm, 1 tuần lễ anh về với vợ con hai ngày thứ bẩy và chúa nhật, chạy máy bơm ở nhà, còn năm ngày làm việc thì anh chạy máy bơm "cho không" [free] nên vào hãng anh thường chỉ ngủ gà ngủvịt vì mệt quá. Thời kỳ đó hãng bị down [bị ít hàng] nên lay off một số nhân viên, trong số đó có anh và tôi, 1 tháng sau anh được gọi lại thì anh trốn luôn vì mệt quá, còn tôi cần việc làm thì hãng lại không gọi.

Sau đó thì tôi lại xin làm hãng khác, hãng này cũng ná ná hãng trước, nhưng nhân sự thì trẻ trung hơn, làm được vài tuần thì có thêm vài cô nữa vào biết ca hát, lâu lâu lại ỏn ẻn: yêu nhau cởi áo ý à cho nhau... về nhà mẹ hỏi ý a qua cầu qua cầu ... gió bay... Cô này trẻ và dễ coi nên được nhiều anh chú ý hơn nên không được các cô khác ưa lắm. Thế rồi, một hôm cô ta hát xong thời một cô khác [nối điêu] là hát tiếp theo: yêu nhau ý a cởi quần cho nhau. Câu này giá trị như một cái dùi trống, đánh một cái thục mạng vào đầu tôi, và trong một thoáng thời gian suy nghĩ [tôi tự đánh giá tôi là một kẻ đần độn chậm hiểu] thế là bài dân ca nghe từ trước đây 50 năm từ hồi xửa hồi xưa được điều chỉnh lại chính xác trong cái đầu của tôi như sau: 

 Trong một đêm trăng thanh gió mát, trăng sắp rụng xuống cầu, chỉ cần có một cặp trai gái là trăng rụng ngay, chàng với nàng hẹn hò nhau, ở một nơi thanh vắng và thuận tiện nào đó không có người thứ ba lai vãng. "Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau": hành động cởi áo này là của đấng nam nhi sử xự với khách má hồng chứ không phải khách má hồng cởi áo, còn cái chuyện cởi áo làm gỉ thì hôm nào hỏi thử hai người trai gái đó họ sẽ nói cho mà nghe, còn câu hát tiếp theo: "Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay" chỉ làm cho bài hát thêm phần tối nghĩa và thơ mộng, thế thôi, chứ thực tế chả có anh chàng cù lần nào mà mang áo của nàng về nhà mà làm cái gì.

Còn "yêu nhau ý a cởi quần cho nhau"  là rõ ý hiện thực quá rồi, bổ sung cho câu đầu cởi áo.

Bài hát vừa ý nhị vừa có duyên nhưng rất tiếc mãi đến năm sáu chục tuổi mới hiểu, [xin thưa đây là chính bản thân tôi hiểu, chứ không phải người khác hiểu, và cũng không phải là ai ai cũng hiểu như vậy]. 

                                                   Chu Vương Miện

READ MORE - YÊU NHAU CỞI ÁO CHO NHAU - phiếm luận Chu Vương Miện

CHÉN RƯỢU CHO NGƯỜI - thơ Phan Minh Châu



Còn ai bầu bạn bên chân tháp
Chén rượu tri âm cạn cuộc cờ
Thương ngươi năm tháng buồn xuôi ngược
Chén đắng dong hồn nơi bến xưa.

Ngươi có còn về nghe nhạn hót ?
Đâu đây vọng lại tiếng dân Hời
Và trên đỉnh Tháp đàn dơi mỏi
Đợi bóng ngươi về rộng cánh bay.

Ngươi đi ta lẻ bạn mình ta
Túy lúy bầu nghiêng nỗi nhớ nhà
Chiến mã một thời say thê sự
Dễ gì chút bợn để phôi pha

Ngươi cạn cùng ta chén rượu này
Ngày ngươi khuất núi mắt ta cay
Biết ngươi không trọn tình tri kỷ
Thì mặc cho người ta cứ say

Ta đứng lưng non nhìn xuống phố
Chập chùng sông nước chập chùng khơi
Chóp Chài mưa phủ đùn mây khóc
Thuyền gát sông Chùa sương gió phơi

Ta nhìn ra biển hàng dương mỏi
Tóc rũ bên đường đứng chịu tang
Cảng cá râm ran lời viễn xứ
Ngược bến xuôi về nơi cố giang

Mời ngươi chén nữa bên chân Tháp
Cái thuở trời ran tóc bạc phau
Tháp dẫu không còn nghe nhạn hót
Vẫn còn đâu đó một người đau

Biển vẫn xanh màu nước vẫn trong
Sóng xô bao lớp chẳng nao lòng
Ngươi nằm yên nghĩ nơi con sóng
Cứ vỗ nghìn năm kiếp dãi dầu

Mời ngươi chén nữa trên chân Tháp
Để nhớ Thiên Thu một tấm lòng
Cái thuở ta cùng nghe nhạn hót
Bên thềm đá cuội ngủ nghìn năm.

                   Phan Minh Châu
READ MORE - CHÉN RƯỢU CHO NGƯỜI - thơ Phan Minh Châu