Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 1, 2014

YÊU NHAU CỞI ÁO CHO NHAU - phiếm luận Chu Vương Miện



Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau
Về nhà mẹ hỏi ý a ...
Qua cầu... qua cầu ... ý a qua cầu gió bay...

Hoặc:

Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau .....
Về nhà... về nhà mẹ hỏi ý a
Rằng thưa... rằng thưa qua cầu... qua cầu đánh rơi....

Người biểu diễn [hát] ca khúc này phải làm điệu bộ và phải ngựa một chút [lẳng lơ một chút] thì mới hay. Nếu hát ca khúc này mà hát nghiêm chỉnh, đứng y không cục cựa thì không thể hay được.

Trước đây 40 năm, tôi hiểu bài hát dân ca bắc bộ này một cách hết sức cù lần [cả quỷnh] như sau đây:

Có một đôi trai gái ở nhà quê ở tuổi dậy thì, yêu nhau và thường hẹn hò nhau ở một vài địa điểm nào đó để tâm tình tâm sự. Đến khi chia tay thì cô nàng cởi áo trao cho chàng trai mang về nhà để dành, lâu lâu mang áo ra ngửi một cái để tưởng nhớ mùi hương và mui da thịt nàng cho nó đỡ nhớ [và cũng chỉ nghĩ được có như thế] và anh chàng con trai cũng vội vàng cuộn cái áo của cô nàng cho vào nách hay vào túi áo mang về [cất đi] để bắt chước y vua Dực Tôn Tự Đức:

Đạp cổ kinh ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Nhưng bây giờ ở vào tuổi sáu mươi, mọi chuyện mọi sự cũng theo thời gian mà thay đổi, bao nhiêu chuyện quân sự quốc phòng, bao nhiêu chuyện chính trị kinh tế thế giới cũng từ từ được bật mí và giải mã và hết sức tình cờ tôi được giác ngộ, nếu không thì mang cái hiểu biết vừa nông cạn vừa thiếu sót xuống tuyền đài.

Sang Mỹ, tôi làm công nhân ở một hãng điện tử, nhân số có khi từ 300 đến 500 người, chia làm 3 ca. Từ 7 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều, từ 3 giờ đến 11giờ 30 đêm và từ 11 giờ đến 7 giờ sáng. Rồi tùy theo công việc có thể làm thêm giờ [over time] vào ngày thứ bẩy và chúa nhật. Ca làm việc của tôi là ca ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều. Chỗ làm việc không được nghe nhạc [nhưng lâu lâu hát một vài câu thì không sao. Lâu lâu có một cô chuyên viên gầm lên: Tình cho không biếu không... Tình cho không biếu không ...

Ở xứ sở tự do này, ai cũng có quyền tự do phát biểu, mình là ngoại cuộc chỉ biết nghe mà thôi, chỉ biết nghe rồi cười thầm một mình. Nói về cái chuyện ái tình thì vô cùng phong phú và đa dạng, không nên mang những ý nghĩ lẩm cẩm và lạc hậu của xứ mình ra mà phê phán, người thì vợ và con còn kẹt bên Việt Nam, người thì chồng và con còn kẹt bên đảo, người hoàn cảnh thế này, người hoàn cảnh thế kia, có cặp rổ rá cạp lại, có người lấy nhau làm vợ chồng thật, có người mượn đỡ nhau xài tạm một thời gian, bao giờ vợ chồng con cái đoàn tụ thì sẽ tính sau. Cái chuyện tình cho không biếu không là chuyện thật một trăm phần trăm, 1 tuần lễ anh về với vợ con hai ngày thứ bẩy và chúa nhật, chạy máy bơm ở nhà, còn năm ngày làm việc thì anh chạy máy bơm "cho không" [free] nên vào hãng anh thường chỉ ngủ gà ngủvịt vì mệt quá. Thời kỳ đó hãng bị down [bị ít hàng] nên lay off một số nhân viên, trong số đó có anh và tôi, 1 tháng sau anh được gọi lại thì anh trốn luôn vì mệt quá, còn tôi cần việc làm thì hãng lại không gọi.

Sau đó thì tôi lại xin làm hãng khác, hãng này cũng ná ná hãng trước, nhưng nhân sự thì trẻ trung hơn, làm được vài tuần thì có thêm vài cô nữa vào biết ca hát, lâu lâu lại ỏn ẻn: yêu nhau cởi áo ý à cho nhau... về nhà mẹ hỏi ý a qua cầu qua cầu ... gió bay... Cô này trẻ và dễ coi nên được nhiều anh chú ý hơn nên không được các cô khác ưa lắm. Thế rồi, một hôm cô ta hát xong thời một cô khác [nối điêu] là hát tiếp theo: yêu nhau ý a cởi quần cho nhau. Câu này giá trị như một cái dùi trống, đánh một cái thục mạng vào đầu tôi, và trong một thoáng thời gian suy nghĩ [tôi tự đánh giá tôi là một kẻ đần độn chậm hiểu] thế là bài dân ca nghe từ trước đây 50 năm từ hồi xửa hồi xưa được điều chỉnh lại chính xác trong cái đầu của tôi như sau: 

 Trong một đêm trăng thanh gió mát, trăng sắp rụng xuống cầu, chỉ cần có một cặp trai gái là trăng rụng ngay, chàng với nàng hẹn hò nhau, ở một nơi thanh vắng và thuận tiện nào đó không có người thứ ba lai vãng. "Yêu nhau cởi áo ý à cho nhau": hành động cởi áo này là của đấng nam nhi sử xự với khách má hồng chứ không phải khách má hồng cởi áo, còn cái chuyện cởi áo làm gỉ thì hôm nào hỏi thử hai người trai gái đó họ sẽ nói cho mà nghe, còn câu hát tiếp theo: "Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay" chỉ làm cho bài hát thêm phần tối nghĩa và thơ mộng, thế thôi, chứ thực tế chả có anh chàng cù lần nào mà mang áo của nàng về nhà mà làm cái gì.

Còn "yêu nhau ý a cởi quần cho nhau"  là rõ ý hiện thực quá rồi, bổ sung cho câu đầu cởi áo.

Bài hát vừa ý nhị vừa có duyên nhưng rất tiếc mãi đến năm sáu chục tuổi mới hiểu, [xin thưa đây là chính bản thân tôi hiểu, chứ không phải người khác hiểu, và cũng không phải là ai ai cũng hiểu như vậy]. 

                                                   Chu Vương Miện

No comments: