Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 12, 2017

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



Nhà thơ Chu Vương Miện


TÂM TƯ

Than với thở
thẩn với thơ
cứ cà gật cà ngơ
ngủ bụi ngủ bờ
thực dân cũng xong
đế quốc cũng xong
sống làm thân con chó
nhìn cục cứt trôi sông
mà buồn tủi nơi lòng
có tay như què
có miệng lại câm
hơn trăm năm
đời ông cố nội
đến đời cha
nay đời con đời cháu
hai tay khoanh lại
Vì hột gạo


QUA SÔNG

ờ ờ con sếu đã sang sông
ờ ờ đàn sếu đã qua sông
ngồi ỡm ờ không nói chi ?
hết đàn sếu qua sông đứng phơi chân
ờ ờ cô gái đã đứng lên
ờ ờ gã con trai vẫn câm
hai người đi lên trên đường cái
Buổi chiều nhàn tản ngó vô duyên
buổi sáng đến sao, chiều về vậy !
nước xuôi đò ngược chảy lưng chừng
bên kia đất bồi đây bãi cát
nhìn hoài cũng chỉ dãy Trường sơn
ờ thì đó là sông Thạch Hãn
đá chảy mồ hôi mãi mãi còn
bốn mươi năm vẫn như thủa đó
Ta ủ nơi lòng nước và non ?

TẠP THI 11

Lão thì tử 
ấu thì còn
nước y đó
đây còn non 
mà bao nhiêu kiếp ngưoì

cầu thệ thủy
quán thu phong
bao xuân bao thu
bao hạ bao đông
cánh đồng lúa vẫn xanh


TẠP THI 12

Trăng già trăng non
đời mất và còn
con sông còn mãi đó
trăng méo rồi tròn
đất trời lồng lộng
kiếp ngưoì cỏn con

Sóng vỗ vào bờ
Ngày này qua ngày khác
Tháng này qua tháng khác
Năm này qua năm khác
kiếp này qua kiếp khác

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

MỚI MỜ SÁNG ĐÃ PHẢI TIẾP KHÁCH - Truyện ngắn của Hoàng Đằng


        
                         Tác giả Hoàng Đằng






MỚI MỜ SÁNG ĐÃ PHẢI TIẾP KHÁCH

Kim đồng hồ đã chỉ 6 giờ sáng rồi. Cụ Đức đang nằm trên giường, chưa dậy. Tuổi già thường kéo theo lắm bệnh tật. Cả đêm cụ không ngủ được mấy vì chứng đau nhức cột sống thắt lưng tái phát. Không có tuần lễ nào mà cụ được yên thân. Tuần này, đau nhức cột sống, tuần trước cảm cúm, không biết tuần sau lại bệnh gì đây.

Đang trong trạng thái nửa ngủ nửa thức, cụ nghe cánh cửa giật giật kèm theo tiếng gọi nhão nhoẹt:
- Thầy ơi, em đến thăm thầy đây!
Dù đã nghỉ dạy 42 năm rồi, cụ Đức vẫn được nhiều người trong vùng gọi bằng thầy và học trò cũ, dù ở gần hay ở xa, có dịp, vẫn ghé thăm cụ.
Tiếng gọi khiến cụ tỉnh người, lật mình, xoay mặt, nhìn ra khung cửa kính; thị lực cụ chưa trở lại bình thường do mắt đang nhắm mới mở và do vừa mổ đục thuỷ tinh thể xong. Cụ thấy thấp thoáng một bóng người. Cụ chống tay xuống giường, gượng dậy. Cơn đau được đánh thức, luồn dọc theo sống lưng rồi toả ra hai bên hông, cụ nhăn mặt, cúi đầu, vói lấy chiếc gậy để trên sàn nhà, chống, lần ra mở cửa.

Trước mặt cụ, Thoàn đứng chàng hãng, hai tay đưa lên trời, chưa hết tầm, tạo ra hình vòng hở trên đầu – y như kiểu binh lính, cùng thế, đầu hàng địch quân ngoài mặt trận; Thoàn mấp máy, miệng run lập cập, hai môi đập vào nhau:
- Em chào thầy; à good morning thầy!
Mùi rượu bốc nồng nặc từ miệng của Thoàn. Cụ Đức bực lắm rồi, nhưng không nỡ nói gì xúc phạm, cụ chào lại:
- Chào chú nghen! Mời chú vô nhà!

Thoàn là người quen ở làng bên; mấy năm trước, Thoàn thỉnh thoảng có đến thăm cụ, đi đứng đàng hoàng, chuyện trò tình cảm. Thoàn cho biết, dù không học với cụ Đức giờ nào, vẫn luôn tôn trọng cụ như thầy của mình, có chi cũng muốn tỏ bày với cụ. Thoàn nói rõ lý do làm thân với cụ Đức như sau:
- Thầy cùng trang lứa với các thầy cô dạy em từ tiểu học lên trung học. Giờ các thầy cô của em người thì đã mất, người thì ở xa, em không còn thăm viếng các vị ấy được. Chỉ có thầy còn ở lại quê, em muốn lui tới với thầy; gần gũi thầy, em cứ tưởng tượng như thế là đã gần gũi các thầy cô của em.
*
*         *
Đã lâu lắm rồi, cụ Đức không thấy Thoàn tới thăm mà cũng không thấy Thoàn đâu cả, cụ cứ tưởng Thoàn đi vào sống trong Nam Bộ vì Thoàn từng kể với cụ là Thoàn có người bà con di cư vô tận Rạch Giá.
Thoàn bước vào nhà, dáng đi lững chững, dáng đứng run rẩy, giọng nói ngọng nghịu, Thoàn đã quá say. Thân thể ra nông nỗi này, chắc Thoàn nát rượu đã lâu ngày. Cụ Đức chỉ cái ghế, mời:
- Chú ngồi đi kẻo bổ (ngã), nguy hiểm!
Thoàn không chịu ngồi, hai chân đá vào nhau, hai mắt trờn trợn, hoang dại, bước lảo đảo khắp nhà.
Cụ Đức vừa giận vừa sợ - giận là mới sáng, trong người đau cần tĩnh dưỡng, mà phải tiếp một khách thăm quá chén, không bình thường; sợ là rủi Thoàn ngộ gió, ngã, chết trong nhà thì mệt lắm; án mạng xẩy ra, công an tới điều tra, xét hỏi, lập biên bản; thân nhân của Thoàn không hiểu sự tình, biết đâu sẽ vu oan giáng hoạ! Tâm trạng bối rối, cụ không biết giải quyết sự việc thế nào.
Thoàn cứ lần bước, vịn từ tủ, qua bàn, đến giường, vô buồng xuống bếp... Cụ Đức gượng dậy, ngồi, dõi mắt theo bước đi và hành vi của Thoàn; cụ nghi Thoàn đang mắc nợ tiền rượu, túng làm càn, có thể ăn cắp đồ dùng lặt vặt trong nhà đem ra cầm ở quán rượu.
Nhưng không ... Thoàn trở lại ngồi trên giường, sát bên cụ Đức, mắt lim dim,  nghiêng người qua về, thều thào ra vẻ tình cảm:
- Dạo này, sức khoẻ em không tốt; lâu rồi, em không đến thăm thầy; không biết thầy có nhớ em không?
Cụ Đức không trả lời câu hỏi của Thoàn mà nói lớn:
- Xin lỗi, tui đang bệnh, cần nghỉ ngơi, tui nằm cái đã!
Bệnh đau cột sống, quái ác lắm! Ngồi lâu, đau; nằm lâu, cũng đau; cụ Đức thả mình xuống giường, quay mặt ra phía Thoàn, cầm tay Thoàn, mân mê, trìu mến hỏi:
- Rứa chú đi mô mà ghé nhà tui sớm ri?
Thời gian có làm cơn say vơi bớt phần nào, Thoàn trả lời rõ tiếng:
- Em dậy hồi nửa đêm, đi tìm quán rượu; không có quán nào bán khuya; gần sáng, ở ngã ba – nơi đường về làng thầy đấu với quốc lộ 1 - quán cháo gà mở bán sáng, em vào, may là quán có bán rượu, em uống mấy xị, rồi nhớ thầy, em lần về đây thăm thầy.
Nghe Thoàn nói, nhìn người Thoàn tiều tuỵ, cụ Đức trách thương:
- Chú uống chi mà uống dữ rứa?. Trước đây, chú trông mạnh khoẻ lắm, sao bây giờ yếu ốm ri, có lẽ uống rượu quá nhiều, chứ gì?
Thoàn nắm chặt tay cụ Đức, phân trần:
- Thầy nhận xét đúng. Năm 1975, đất nước thống nhất, ba em đi tập kết về, muốn xin cho em vào làm công nhân; em không thích, em đi học thợ mộc, rồi làm nghề mộc tự do. Cả ngày chân tay vận động, mệt thiệt, nhưng, dù thời buổi kinh tế khó khăn, thiếu đói, ngày hai bữa, em vẫn được chủ thuê đãi cơm nước đàng hoàng, thức ăn luôn có thịt cá, em mạnh là phải. Thời gian gần đây, em thấy buồn, rồi em tập uống rượu cho say để quên nỗi buồn. Ngày lại ngày, em trở thành người nghiện rượu.
Cụ Đức hỏi vặn:
- Ý chú muốn nói “uống rượu tiêu sầu” như cụ Cao Bá Quát ngày xưa, chứ gì? Ghê hè, bắt chước người xưa “đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu” (1). Mà chú sầu cái nỗi gì?
Thoàn đi vào tranh luận:
- Thầy hỏi em sầu cái nỗi gì ơ? Té ra thầy, do già yếu, đã không đi ra ngoài mà hình như cũng không xem TV, em xin lỗi thầy, thầy không biết chi về thời sự hết! Xã hội này thiếu chi việc gây sầu! Ngày nào, TV cũng nói thực phẩm (thịt, nước mắm, rau cải ...) bị tẩm chất độc; cá ngoài biển, trong sông, suối, ao, hồ chết hàng loạt vì nước bị nhiễm bẩn; người đi ra đường phải đeo khẩu trang trùm kín mặt mũi vì sợ hít không khí bụi bặm. Thầy coi, con người sống được nhờ ăn, nhờ uống, nhờ thở mà giờ thì ăn đồ độc, uống nước độc, hít thở khí độc; rồi đây, không sớm thì muộn, ai cũng có thể mắc bệnh nan y mà chết; nói thiệt với thầy, người bây giờ sống kiểu “đắc nhất nhật quá nhất nhật” mà không nghĩ đến tương lai nòi giống! Ngày nào, TV cũng nói chuyện trẻ em bị xâm hại tình dục, những vụ án cá nhân hay đơn vị tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng, những vụ cháy nổ nhà máy, nhà ở do bất cẩn trong lắp đặt lưới điện khiến chập chạm điện, những vụ lâm tặc chặt hạ những khu rừng cấm, những dự án xây dựng vào những vị trí đáng ra không nên, những tai nạn giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ) chết nhiều người ... Ôi rối lắm, thầy ơi! Càng suy nghĩ càng thêm khổ, chi cho bằng mượn rượu để say mà quên đời đi!
Mỏi, cụ Đức trở mình, nằm ngửa; rồi cụ chậm rãi giải thích như một thầy giáo đang lên lớp:
- Tôi không đồng ý với chú về cách nghĩ như thế; uống rượu say để quên đời; ấy là thái độ tiêu cực ...
Cụ Đức đang nói, Thoàn cắt ngang:
- Thưa thầy, rứa thì thái độ thế nào mới gọi là tích cực?
Vẫn giọng lưỡi mô phạm, cụ Đức vận dụng kiến thức văn học còn sót lại trong não, giảng:
- Chú học Quốc Văn trước đây, chắc có biết bài thơ “Kẻ Sĩ” của cụ Nguyễn Công Trứ chứ? Tôi nhắc lại cho chú ít câu đây nè:

“... Cầm chính đạo để tịch tà, cự bí,
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên.
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
Trong lang miếu, ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
Làm sao cho bách thế lưu phương,
Trước là sĩ sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ chi gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng ...”

Dù nhiều hay ít, chú cũng là kẻ sĩ - chú học xong tú tài mà! Chú  phải góp trí tuệ, tâm huyết, việc làm ... tác động vào cuộc đời biến những cái chưa tốt - như TV nói -  tốt  lên. Uống rượu say không giúp ích gì cho bản thân, cho gia đình, cho đời hết. Mà ai cũng như chú, nếu buồn, cứ uống rượu cho say thì cuộc đời này sẽ tan nát, đi vào ngõ cụt, không có lối ra.
Thoàn ngồi nghe, ngơ ngác; rồi trong trí não, mấy câu thơ của Tố Hữu tự dưng hiện về, Thoàn phản biện:

- “Cuộc sống lớn có đôi mắt đảng,
Mỗi bước đi gần nâng ước mơ xa ...” (2)

Thoàn thở ra, nói tiếp:
- Mình là “dân ngu khu đen”, góp chi được, thầy hè?

Đề tài trò chuyện không chừng rẽ vào những vấn đề “nhạy cảm”; cụ Đức rút bàn tay đang nắm tay Thoàn, ngửa người, nằm yên, im lặng, hai tay gác lên trán. Cụ đang suy nghĩ, nhưng suy nghĩ gì thì chỉ có Trời mới biết.
*
*        *
Hình như cơn say đã nhả hết khỏi người, Thoàn khát nước, đưa tay vói, cầm nâng cái bình trà đặt giữa bàn cạnh giường nằm của cụ Đức, nhưng bình không còn nước. Thoàn đứng dậy, chào tạm biệt:
- Thôi em về, thầy nghen!
Thoàn bước ra khỏi cửa. Cụ Đức vẫn nằm, ngoái mặt về phía Thoàn, nói như bày tỏ một lời xin lỗi:
- Chú tới thăm mà không ngồi tiếp chuyện với chú được, trà nước tôi cũng chưa chế  kịp để mời chú, chú thông cảm!
Thoàn đi rồi, cụ Đức cười ngẫm:
- Té ra cũng còn nhiều người lo nghĩ đến việc xã hội, chỉ có điều đáng trách, đáng buồn là lo nghĩ không nhằm cách.

                          Hoàng Đằng
                         11/4/2017 (15/3/Đinh Dậu)
 ...............
(1) Cao Bá Quát: Uống rượu tiêu sầu.

(2) Tố Hữu: Bài ca xuân 71

READ MORE - MỚI MỜ SÁNG ĐÃ PHẢI TIẾP KHÁCH - Truyện ngắn của Hoàng Đằng